Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Viết nhân thấy cái ảnh của bố chụp với các cô ơ cơ quan


Tối qua lục tủ bỗng thấy cái ảnh này, chụp năm 1980-81 gì đó. Chả biết ngày gì, có phải 8/3 không mà bố mình chụp hình cùng các cô trong cơ quan - Công ty rau hoa quả t.p HCM.
Cô Xuân, Chủ nhiệm, Tiến sỹ học ở Liên Xô về, người vịn lan can; các cô bên cạnh phụ trách hành chính, tổ chức. Còn bố mình, Phó chủ nhiệm, đứng sau, giúp việc cho cô Xuân.
Những người trong ảnh chịu trách nhiệm cung cấp rau hoa quả cho toàn thành phố những năm bao cấp.
Cty -và cũng là nơi mình ở khá lâu thời thơ ấu- nằm trên đường Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sỹ. Cty gần Nhà thờ dòng Đa Minh, là nơi ở của người Mỹ trước đó, khá hẹp, nhưng trên nóc có sân bay trực thăng.
Cơ quan gồm các cô chú anh chị là trí thức thời trước 75, trí thức cách mạng như cô Xuân, cán bộ biệt phái vào Nam như bố mình, biệt động thành, R (rừng-căn cứ) về, cán bộ kháng chiến tù Côn Đảo ra, cán bộ tập kết và cả... lính VNCH nữa.
Nhân viên người cảm tình với CM có, kẻ ghét không ít; dân gộc Nam bộ, dân Bắc Kỳ 54, tư sản bị thất sủng sau 75...đều có hết.
Trong môi trường đặc biệt như thế có lắm chuyện phức tạp nhưng với một thằng nhóc xa nhà xa mẹ như mình thì tất thảy các cô các chị, kể cả những người căm thù biến cố 75, đều rất thương yêu chiều chuộng. Công việc là một chuyện còn tình yêu thương thì không phân biệt vùng miền.
Còn nhớ cô cấp dưỡng người Bắc 54, vá quần áo cực khéo, đã dành bát cơm cho mình, còn tất cả mọi người đều phải chệu chạo nhá bo bo.
40 năm, cháu về Bắc đã lâu, chả biết ai còn ai mất, nhưng xin cảm ơn tình cảm của tất cả các cô, các chị đã dành cho cháu, cho em những năm tháng xa mẹ xa nhà!

Sân bay Nà Sản

Đi qua nhiều nhưng hôm nay mới ghé thăm lại Sân bay Nà Sản. Nó nằm sát QL 6, cách thành phố Sơn La 20 cây. Trước đây khai thác tuyến duy nhất Nội Bài – Nà Sản, tuần hai chuyến. Mình “vinh hạnh” được đi 2 lần, cả 2 chiều.
Lần đó (98) đếm mãi trên khoang cũng chỉ được chục người, toàn lãnh đạo đi họp. Tiếp viên có một, dúi cho khách chai nước rồi ngoẹo đầu ngủ. Cửa phòng lái mở toang, khách tha hồ thò đầu vào chuyện phiếm với phi công.
Ơn trời, cả hai lần đi thời tiết đều đẹp, không phải lộn lại Nội Bài. Nhưng lúc đáp xuống Nà Sản thấy xe cứu hoả chớp đèn chạy theo rần rần, thấy ớn! Chắc đó là quy định cho những sân bay có độ an toàn thấp?
Bay tuyến ngắn (300 Km) chẳng khác gì “ăn bát cháo chạy ba quãng đồng”. Thời gian lên sân bay, làm thủ tục gấp 4 lần thời gian bay (45 phút cho máy bay ATR 72).
Tới đây Sân bay Điện Biên sẽ được cải tạo để đón máy bay lớn hơn, rồi đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu triển khai khiến Sân bay Nà Sản ít có cơ hội được đầu tư như những gì đã được ghi trên giấy.
Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ra quyết định phê duyệt điều chỉnh Cảng hàng không Nà Sản giai đoạn đến năm 2020, xác định sân bay Nà Sản là sân bay dùng chung cho cả dân dụng và quân sự, cấp 4C theo quy định của ICAO, loại máy bay khai thác là A320/321 và tương đương.
Với con mắt chiến lược của các nhà quân sự thì Nà Sản có thể còn đắc dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt, còn với dân sự thì xem ra số phận của nó đã được định đoạt rồi.
Quả tình tôi cũng rất tiếc vì Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được người Pháp xây dựng từ những năm 50, được đánh giá là cụm phòng thủ kiên cố chỉ sau lòng chảo Điện Biên. Chính vì thế năm 1998 nó được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nghe kể trước đây xung quanh cứ điểm còn nhiều đồn bốt, hầm hào nhưng đến nay, thời gian và sự thờ ơ đã xoá nhoà gần hết.
Di tích bị mai một đã đành, nhưng nơi đây còn có một ý nghĩa khác trong lịch sử chiến tranh CM. Đó là năm 1952 ta đánh vào đây và thiệt hại nặng, sau đó phải rút. Từ chiến thuật “Con Nhím” thành công ở Nà Sản, Pháp đã xây dựng tập đoàn cứ điểm lớn hơn là Điện Biên Phủ. “Nà Sản” đã cho chúng ta nhiều bài học xương máu để chúng ta giành chiến thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó 2 năm.
Bây giờ Nà Sản còn cái biển giúp người ta nhận ra trước đây nó là sân bay. Mình vào sân thấy 2 ông, một ông cởi trần khoanh chân trên ghế rít thuốc lào, ông kia quần đùi mài dao ở sân, hỏi "anh cho chụp vài tấm ảnh", ông ấy nói "ờ" rồi nhả khói.
Trong “sảnh chờ” (nói cho oai) giờ toàn chứa sắn khô. Mình chui lên “tháp không lưu” chỉ sợ cầu thang sập. Đường băng giờ phơi sắn. Đáng để ý là hệ thống các tấm ghi làm phi đạo. Một đoạn bị xe tải chèn qua hỏng vài tấm, còn lại khá tốt. Nơi khác chắc mất hết từ lâu?
Dấu vết đầy tính khoa học và hàng không còn lại là cái vạch chỉ hướng vẽ bằng sơn thô sơ cạnh tháp không lưu, trạm khí tượng và một téc dầu lớn hoen rỉ ngay lối vào.
Thế đấy! Cứ đứng ngậm ngùi hoài niệm. Nơi đây, mình đã lên xuống 2 lần🤪.

Cô-vít nhớ lại đậu mùa ở VN

Dịch Cô-vít bỗng nhớ một truyện ngắn liên quan đến dịch đậu mùa. Bạn phây nhớ hộ đó là Ma Đậu, trong tập Nằm Vạ của Bùi Hiển, xuất bản năm 1941.
Chắc không có vi-rút nào sau khi tàn phá cơ thể còn để lại dấu vết trên khuôn mặt nạn nhân rõ như dịch đậu mùa. Thế hệ 6x như tôi lúc bé từng hỏi sao người ta lại bị rỗ mặt?
Đấy là những người may mắn dính dịch nhưng thần chết bỏ lại. Diêm Vương “thích” lên mặt dấu vết kinh khủng ấy để nhắc loài người lòng vị tha và trắc ẩn của ngài?!
Ma đậu không bàn về dịch. Nó chỉ là một lát cắt nhỏ của cuộc sống vợ chồng “đôi đũa lệch” trong bối cảnh dịch dã. Trong bóng tối đen kịt của chết chóc thì cuối truyện sáng lên niềm tin, hạnh phúc và tương lai với biểu tượng một sinh linh chào đời. Tôi hy vọng dịch Cô-vít rồi cũng vậy.
Ma đậu viết năm 1941 nhưng thực ra bệnh đậu mùa có từ lâu. Theo tác giả Vũ Đức Liêm, ở Trung Quốc bệnh dịch này có từ khoảng năm 243 TCN.
Ở VN, hoàng tử Nguyễn Cảnh, người kế vị Nguyễn Ánh qua đời vì đậu mùa (1801), con trai Thiệu Trị và sau này vua Tự Đức cũng bị đậu mùa.
Một điều đáng chú ý ở giai đoạn này là vua Gia Long có mối quan tâm đặc biệt đến y học phương Tây. Bác sĩ riêng của ông là Jean Marie Despiau.
Khi Gia Long qua đời ngày 25/1/1820, Minh Mạng yêu cầu Despiau chuẩn bị kế hoạch đi Macao để lấy vac-xin (13/7/1820) ngừa bệnh đậu mùa.
Hai thế kỷ trước chưa có thiết bị lạnh bảo quản vac-xin. Vì thế người ta dùng phương pháp truyền vac-xin từ “tay đến tay”: mang theo những đứa trẻ đã có kháng thể đậu mùa như một nguồn lưu trữ vac-xin.
Theo lệnh Minh Mạng, hai đứa trẻ cùng các bác sỹ phương Tây khởi hành từ cửa Sông Hương đi Ma Cau với nhiệm vụ đặc biệt này.
Cuộc hành trình vì vac-xin trên cho thấy những chuyển biến lớn lao trong cách thức người Việt ở thế kỷ XIX tiếp cận khoa học và tri thức phương Tây. Tuy nhiên sau đó, không hiểu vì lý do gì, vương triều này đã đoạn tuyệt với ý tưởng tiếp nhận thành tựu y học mới từ phương Tây
Việc phát triển kỹ thuật vaccine đậu mùa ở Việt Nam chỉ được giải quyết khi viện Pasteur Sài Gòn nuôi cấy thành công virus trên trâu nước vào năm 1891.
Dù đã bào chế được vac-xin nhưng trong Ma Đậu chúng ta thấy đến tận 1941 bệnh dịch đậu mùa vẫn còn hoành hành gây tang tóc như thế nào ở miền Bắc. Quất roi dâu và xông lá mì ky chỉ giúp anh chị Đỏ (trong Ma Đậu)… lên giường chứ không bao giờ đẩy lui được dịch
Chỉ có y học hiện đại mới khiến vi-rút khuất phục. Và chúng ta tin tưởng thực hiện đúng chỉ dẫn, không hoảng loạn, mỗi người, ai có tiền giúp tiền, ai có khẩu trang góp khẩu trang, chúng ta cùng chung tay ở cuộc chiến này, sớm muộn gì cô – vy cũng thoái lui!
(Tút có trích một số đoạn trong “Đậu mùa - một chú giải nhỏ của lịch sử Việt Nam” tác giả Vũ Đức Liêm, Tia sáng).

Người Việt mình là vậy!


Bấm vào đây :  Người Việt mình là vậy!

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Đài phát sóng cK2

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội... ”, là lời xướng quen thuộc, là niềm kiêu hãnh tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Xướng là "Phát thanh từ Hà Nội" nhưng thực tế có thời điểm phát hơi xa Hà Nội một tí 🤪.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, để chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến kéo dài, chúng ta đã xây dựng nhiều đài phát sóng dự phòng. Một trong số đó là Đài Phát sóng CK2 (Chương Mỹ - Hà Tây), bây giờ chỗ ngã tư Xuân Mai rẽ vào chừng 5-6 cây số.
12/1972 Mỹ đánh bom Đài Phát sóng Mễ Trì. Đài CK2 ngay lập tức thay thế. Sau 9 phút kể từ lúc Đài Mễ Trì bị dội bom tê liệt một phần thì Đài CK2 lập tức lên sóng. Và 9 phút cũng là thời gian mất sóng dài nhất của VOV từ ngày thành lập (1945) đến nay.
Thế CK2 là cái gì? CK1, CK3, CK(n) ở đâu? Tôi chưa tìm hiểu nhưng các kỹ thuật viên ở đây bảo CK viết tắt hai chữ cái đầu của CƠ KHÍ. Nghe ít liên quan tới lĩnh vực truyền dẫn phát sóng nhưng thiển nghĩ có thể do bí mật nên các cụ đặt tên vậy.
Đến CK2 hôm nay bạn sẽ thấy công lao và sự tài tình của các bác các chú kỹ thuật viên lớp trước như thế nào. Ngay Xuân Mai thôi, thuận tiện giao thông với Hà Nội nhưng lại có hệ thống hang núi để đặt máy móc. Núi không quá lớn để gây chú ý cho tình báo Mỹ, gây khó khăn cho chính chúng ta trong vận chuyển, đi lại... nhưng lại không quá nhỏ để lắp đặt các thiết bị máy móc cồng kềnh thời xưa. Trong hang lại có giếng lấy nước làm mát thiết bị và phục vụ ăn uống.
CK2 hôm nay vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn các thiết bị do Trung Quốc và Liên Xô viện trợ. Những cặp loa kiểm âm cao gần đến vai người lớn, những đèn công suất (đèn điện tử) to như cái thùng sơn, phải làm mát bằng nước và không khí.
Dù cũ kỹ, có từ 1964, nhưng lạ thay nhiều thiết bị vẫn sử dụng tốt với nhiệm vụ dự phòng khi máy chính gặp sự cố. Nếu không có bàn tay lành nghề và yêu nghề - giữ tốt dùng bền- của đội ngũ kỹ thuật viên Đài CK2, dám chắc đống thiết bị (mà nhiều người coi là lạc hậu) bay ra kho đồng nát từ đời tám hoánh.
Nhiều nước có bảo tàng truyền thông, mình chưa có; nhiều đài phát thanh truyền hình có tua du lịch thăm đài như ABS-CBN (Philippin), VOA (Mỹ)... mình chưa làm được.
Hệ thống máy móc khá nguyên vẹn từ những năm 60 thế kỷ trước của CK2, của nhiều đài phát trên khắp đất nước, cùng nhiều đồ vật có giá trị đang nằm rải rác khắp VOV và truyền thống 75 năm từ ngày lập nước đủ cơ sở cho chúng ta làm được như các đài bạn.
Anh Cương (GĐ), anh Thuỷ (PGĐ) cùng nhiều anh chị em ở đây đều tin như vậy và đang cố lưu giữ tất cả! Những cỗ máy vô tri nhưng toả sóng Tiếng nói Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin, niềm tự hào để quân và dân ta hăng say, quyết tâm trên nhiều mặt trận.
Và hơn cả, nó thấm đẫm mồ hôi và máu của các thế hệ đi trước. Không được phép quên!

Đến nhà bạn chơi

Hôm rồi đến nhà ông bạn chơi. Nó mời mấy lần rồi vì vừa xây được căn hộ đẹp long lanh. Từ tỉnh ra Hà Nội, làm ăn phát đạt, xây được căn biệt thự như thế cũng đáng tự hào.
Hôm đó mình ăn mặc xuề xoà nên bố bạn có vẻ xét nét. Thằng con cao quý danh giá lại chơi với loại người này ư?
Đầu tiên là chiếc xe đạp. Bố bạn phải tự tay dắt xe tiến lên lùi xuống vài lượt cho bánh xe chà vào thảm để đất cát rụng hết ra mới dám dắt vào nhà. Chống xe xong, ông đánh mặt nhìn đôi dép tổ ong mình đang đi rồi chỉ chỗ để. Đôi dép được phân khu riêng, chả biết sợ lúc về đi nhầm hay sợ Sát- cô - vi -2 mà phải cách ly với tập thể dép trong nhà. Rất tủi!
Trên gác bạn í ới vọng xuống. Mình định bước lên thì ông bố tranh vượt lên trước, nói đi theo bác, vừa đi ông ấy vừa ngó xuống, chắc xem chân mình có biết đặt đúng vào bậc cầu thang hay không?!
Hoá ra bạn vẫn trong nhà tắm. Bố nó pha trà mời mình. Chiếc bàn nước bằng đá thiên nhiên rộng “mênh mông”, sạch tinh. Bộ ấm chén trắng bóng như chưa hề được uống. Mình hỏi thăm sức khoẻ. Ông ờ ờ ừ ừ, chăm chú vào việc tráng chén hơn là việc nghe hỏi và trả lời.
Cẩn thận để tách dưới chén rồi đặt trước mặt, ông không nhìn, nói uống đi. Mình rất sợ ai mời mà không nhìn thẳng vào mặt. Có cảm giác như làm chiếu lệ, miễn cưỡng. Sau mỗi lần mình uống, ông lại nhổm lên, vươn tay sang nhấc cái chén mình vừa đặt xuống để... lau tách. Mình vội vã bảo để cháu làm cho, ông rụt phắt cái khăn lại, nói không, cứ để đấy. Ông lau đến lần thứ hai thì mình không dám cầm chén lên uống nữa😢.
Không còn cơ hội lau tách, ông lúi húi đi vòng quanh chỉnh lại các tấm đệm trên ghế cho ngay ngắn, vừa làm vừa hỏi cháu ở đâu, chỉnh xong lại hỏi cháu ở gần đây à; hỏi cháu tên gì, chỉnh xong lại hỏi Phong là tên cháu à.
Gần đến lượt chiếc đệm ghế của mình, chắc chắn sẽ chung số phận cần “chỉnh trang”, thì mình lén liếc xuống xem đã phẳng phiu chưa. Chưa! Thế là vội nhổm đít lên đặt lại, một cách đầy sám hối, như chính mình là kẻ chủ mưu gây ra tội😞.
Căn phòng khách rộng rãi sang trọng, ánh sáng rực rỡ chan hoà. Mọi đồ vật hình như được gia chủ sắp đặt để toát lên sự phô trương hòng tìm kiếm sự ngưỡng mộ hơn là quan tâm tới công năng của nó.
Và cái cách bố bạn liên tục lau tách rồi quét ánh mắt soi khắp phòng xem có gì "chưa vừa ý" để kịp thời chỉnh lại cũng là muốn khách hướng sự chú ý vào những đồ vật sang trọng và quý phái ấy chứ tên mình Phong hay Phanh quan trọng đếch gì🤣.

Uống rượu bắt tay thời Covid

https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/thu-gui-robot-citizen-uong-ruou-bat-tay-thoi-covid-n20200228064420025.htm

Phận cấp phó



Trong nghiệp viên chức nhiều người trải qua thân phận cấp phó. Vẫn biết phó rồi mới lên trưởng, nhưng nói thật, cái thân phận cấp phó lắm lúc... bẽ bàng!
Nhiệm vụ chính của phó là giúp việc thủ trưởng. Thủ trưởng giao mảng nào làm tốt mảng đó coi như hoàn thành. Trong cơ quan thì chả có vấn đề gì. Anh em hoà thuận, trên dưới hiểu nhau, nhưng lúc ra ngoài ấy! Đâu phải mỗi nghiệp vụ chuyên môn, còn phải giao lưu, họp hành, đàm phán, tiếp khách, tiệc tùng...
Tết vừa rồi một đơn vị (doanh nghiệp) mời gặp mặt cuối năm. Tới nơi thấy phía trong đang ồn ào cười nói, có vẻ sắp cụng ly. Nghe tiếng gõ cửa, mọi người chợt im lặng, rồi lao xao lao xao, văng vẳng vọng ra “chị Đ đến đấy, chị Đ đến đấy!”.
Chị Đ là thủ trưởng của tôi! Cuối năm chị Đ bận nên bảo tôi đi cuộc này. Có nghĩa giấy mời tên chị, nhưng thủ trưởng bảo đi chả lẽ phó không chấp hành.
Rồi tiếng ghế, tiếng cốc chén khay đĩa lách cách (chắc kê dọn lại cho gọn để đón thượng khách); tiếng chân ra mở cửa. Cửa vừa mở, thấy tôi, đôi mắt long lanh, nụ cười chào đón tươi rói trực chờ trên mắt trên môi chủ nhà vụt tắt; một vài khuôn mặt hớn hở hướng ra cửa, miệng cũng đã trù bị một nụ cười, thấy tôi thì quay về hướng cũ, có tiếng thở dài, ai đó ngồi phịch xuống tiếp tục câu chuyện rôm rả ban đầu mà lẽ ra nó không đáng bị gián đoạn bởi một kẻ phá đám là tôi.
Ơn giời! Chủ nhà – một thủ trưởng từng trải chốn quan trường – đủ khôn ngoan quyền biến để sắm tiếp một nụ cười khác lắp gọn ghẽ trên môi, mời tôi vào trong. Thôi thì nụ cười có trịch thượng, có chiếu cố, thậm chí bố thí cũng được, để một thằng cấp phó như tôi bớt... tủi.
Đấy là chưa kể những cuộc họp thực tế chả quan trọng gì nhưng buộc phải có, ví dụ như bình xét thi đua. Đôi lúc thủ trưởng chán ngán ba cái vụ đó, hoặc xung khắc với một vài đối thủ dự họp nên đẩy cấp phó đi. Giành giật “một miếng giữa làng” không xong về thủ trưởng la, thậm chí thấy có lỗi với anh chị em vì họ làm tốt mà chẳng được biểu dương. Còn nếu phùng mang trợn mắt đôi co để có bằng được, thì nói thật, cấp phó không có cửa, không khéo lại quyền rơm vạ đá.
Cái lệ ở ta, họp hành, gặp gỡ, giao lưu, tổng kết... cứ phải trưởng đi mới chứng tỏ cái tầm hệ trọng của hội nghị, đôi khi chỉ là một bữa ăn chứ cũng chả họp hành gì. Người mời mà được cấp trưởng tới dự đều nghĩ như thế khách mới tôn trọng mình, là “góp phần làm nên sự thành công chung của hội nghị”.
Trong một cuộc gặp gỡ, tôi có chút việc phải nán lại khi chỉ còn chủ nhà. Sếp chủ mặt bừng bừng, vừa xỉa răng vừa súc miệng, mặt rực lên vẻ tự hào, nói với nhân viên:
- Hôm nay mình mời thế là tất cả các giám đốc đều tới dự đấy!
Tôi ngồi chết lặng! Chỉ mong đừng nhân viên nào nhận ra, chỉ sang tôi rồi nói... 😢🥴
Thủ trưởng chỉ có một mà họp hành, đối tác, đối ngoại, gặp gỡ nhiều nên không thể phân thân đi hết được. Đúng là một số hội nghị có trưởng vẫn hơn nhưng khổ lắm...! Các thủ trưởng chủ nhà, khi tiến lại đưa tay ra bắt những thằng cấp phó như tôi thì đừng ngạc nhiên hỏi: Chị Đ không đến được à?
Vẫn biết sếp hỏi một cá nhân, thể hiện sự quan tâm lớn lao tới đơn vị, nhưng với tất cả lòng tự trọng của một viên chức mẫn cán; nhạy cảm và dễ tổn thương, nhà em vẫn thấy... buồn!
Tại hội nghị với một đối tác, khi đọc tới nội dung liên quan đến đơn vị tôi thì chị chủ trì dừng lại, trễ mục kỉnh quét mắt một lượt khắp hội trường, hỏi “có đơn vị A ở đây không, chị Đ đến chưa”. Tôi đứng lên thưa “chị Đ...”. Chưa dứt câu vị chủ toạ đã cúi xuống, nói “thôi anh... cũng được”.
“Cũng được”, có hai từ thôi nhưng sao... chua xót, bẽ bàng!

Đôi dép ở nhà khách



Đôi dép ở nhà khách huyện ABC...
Khi xỏ chân vào đôi dép này (ảnh) có cảm giác bị (người khác) nghi ngờ, bạn luôn bị theo dõi và cảnh giác. Ít nhiều bạn bị tổn thương vì sự lương thiện bỗng dưng vô tình bị xúc phạm, dù ai đó không nói ra nhưng lại thông qua dấu hiệu.
Nếu mang nó ra ngoài, dù cố ăn mặc cho hợp cảnh, dù sắm khuôn mặt phớt lờ, bạn vẫn bị người xung quanh phát hiện là người lạ, và tất nhiên có một “sự quan tâm” dành riêng cho bạn.
Một số sẽ thích thú, thậm chí hãnh diện trước những ánh nhìn tò mò, nhưng phần đông cảm thấy... phiền vì sự riêng tư và tự do không còn nguyên vẹn.
Chính vì thế nên mục đích giới hạn phạm vi hoạt động của đôi dép (chỉ đi loanh quanh trong phòng) rất hiệu quả.
Người nghĩ ra sáng kiến cắt dép lúc đầu có lẽ chỉ với dụng ý đánh dấu để dễ dàng phát hiện nếu ai đó đi nhầm chứ cũng chẳng nghĩ tới việc giới hạn công năng hay "phẫu thuật thẩm mỹ" cho nàng dép xấu đi để thủ tiêu sự ham muốn của một vài người😂.
Nếu có ý định cắt dép thì lưu ý hình ảnh ấy như một chỉ dấu xác nhận tiền lệ rất tồi tệ về trị an tại nơi đây.
Chê bai việc này rất dễ nên thôi, thay vào đó các bác thử tìm xem có cách gì để không phải cư xử thô bạo với đôi dép, làm tổn thương tinh thần của người mang nó không?

Bà cá kho đường 3/2

Sáng ăn bún bò Huế (đường 3/2, Sơn La) chợt ngó sang bên kia thấy "cá kho" (ảnh). Biển đỏ chữ vàng rất trang trọng 🤪! Hình như Đinh Bảo Thiên hay mua chỗ này. Ngon!
Tên bà là Nghiên, quê Gia Bình, Bắc Ninh nhưng lên Sơn La sống thì người ta hay gọi bà Liên dưa cà, vì bà bán dưa cà muối gần hai chục năm nay. Trước bán ở chợ, giờ có tuổi về bán ở nhà.
Cá để kho là cá trắm, tầm 2-2,5 kg/con (để xắt ra bán 50 nghìn/miếng là vừa). Hỏi sao bà không kho cá chép. Bà bảo cá chép không chắc thịt chứ giá chả chênh nhau mấy.
Trong suất cá kho 50k của bà bao giờ cũng có miếng thịt ba chỉ nhừ mục nằm gọn trong bụng cá cùng măng khô tước nhỏ và chuối xanh kho nhừ.
Cá kho bà Liên không quá khô, vẫn còn ươn ướt để miếng cá giữ được nguyên vị ngọt của thịt. Còn sền sệt nước nhưng đặc biệt không hề tanh. Gia vị ngoài ớt, giềng, sả... có lẽ bí quyết ở chuối xanh và măng khô?
Nói thật mình chỉ thích ăn măng và chuối 😂. Hai thứ gia vị phụ hoạ làm nền đó hoá ra gần như vai chính, làm lên sự độc đáo của cá kho bà Liên. Nó quyện mỡ của thịt ba chỉ, quyện vị ngọt vị thơm của cá, vị bùi - béo - ngậy của chuối xanh nên ăn... chậc... chậc... chậc... cứ là không ngẩng nổi mặt lên khỏi bát!
Bà kể xưa dưới quê chỉ có chuối xanh kho kèm nhưng lên Sơn La khám phá thêm một vị độc đáo là măng khô. Măng dù khô nhưng vẫn có hương thơm riêng, rất hợp với cá.
Bà Liên kho cá trong cái nồi áp suất cũ kỹ của Liên Xô. Nồi đen nhẻm và đống củi to trước nhà cho biết việc kho cá tiến hành thường xuyên. Mỗi ngày bà bán 7-8 miếng cá. Hết là nghỉ, mai kho nồi khác.
Trong nồi, từng lớp cá xếp chồng lên nhau gọn ghẽ, dưới mỗi miếng đặt hai cọng sả dài bắt chéo hình dấu cộng. Khi lấy cá ra khỏi nồi chỉ cần nhấc hai cọng sả lên, miếng cá nằm trên, rất gọn, không vỡ.
Và một sáng tạo nữa chắc thuộc bản quyền của bà Liên là sự hiện diện của măng khô trong nồi cá. Sự kết hợp miền núi và miền xuôi; giữa củ, quả và con tạo nên một hương vị rất riêng.

Anh Thọ đi xe giường nằm

Cuộc đời phần nhiều là trớ trêu!
Đấy là chuyện của anh Thọ (Tho Phạm) cơ quan tôi. Anh đặt chỗ xe lên Sơn La qua áp (app) di động. App hơi củ chuối, không có mục Gender/ Sex (giới tính nam nữ) nên nhà xe chịu, xếp khách nam nữ tùm lum.
Anh bước lên xe thì thấy một em cực kỳ quyến rũ nằm giường bên cạnh tự bao giờ (giường trong ảnh). Em đang xem điện thoại và có chút ngỡ ngàng khi Thọ tới.
Thọ thuộc tuýp khắc kỷ, chính chuyên, tiết hạnh khả phong, một lòng chung thuỷ; 19 điều cấm ở trong tim, Luật hôn nhân nằm trong đầu; sáng ăn mì tôm vợ nấu chiều vợ nấu mì tôm Thọ ăn nên việc chung giường chung chiếu như thế dù không cố tình nhưng Thọ vẫn đầy e thẹn.
Trớ trêu! Xe thì kín chỗ mà Thọ lại là người ý nhị! Nếu loay hoay kêu người này gọi người kia đổi chỗ ít nhiều làm tổn thương và gây khó chịu cho nàng. Nghĩ vậy, Thọ đành nhắm mắt đưa chân, khẽ khàng, nằm im cạnh cô nàng xinh đẹp.
Trớ trêu! Đêm đó Thọ ngoảnh mặt ra ngoài, nàng úp mặt vào trong. Đi một đoạn nàng cấu tay Thọ, nói anh ơi cái ảnh này (hình) kỳ quá, cho em nằm ngoài. Thế là Thọ luồn tay vần em nó qua bụng để ra ngoài. Đi tiếp đoạn nữa em nó lại cấu tay Thọ, nói anh ơi phía ngoài lối đi này hôi, cho em nằm trong. Thọ lại luồn tay vần em nó qua bụng vào bên trong. Vào trong, nhìn ảnh ở cửa kính một lúc em nó lại khúc khích cười đòi lăn ra ngoài...


Mình ở giường tầng trên thấy lục đục. Sau hỏi thì Thọ kể như thế.
Sáng hôm sau gặp mình ở cổng cơ quan, Thọ cười bẽn lẽn, nói nhọc anh ạ 😂!

Nhất mà chưa phải nhất


1. Hồi học Tổng hợp thầy Nguyễn Hùng Vĩ (dân Nghệ) hay tự trào. Thầy kể có ông bố người Nghệ nọ kén rể cho con gái cưng xinh đẹp. Yêu cầu đưa ra rể phải là đứa tiết kiệm nhất.
Trai tráng khắp vùng nô nức kéo đến thể hiện, đứa thì ăn mặc rách rưới, kẻ thì đem theo cơm nắm muối vừng…, nhìn biết ngay dè sẻn chắt chiu cỡ nào. Tuy nhiên bố cô gái vẫn chưa ưng. Một hôm có cậu chàng kia mặt rất phởn đến bên ông bố, nhìn quanh, che tay hỏi:
- Bác ơi em nhà mình có chửa chưa ạ?
Thấy hỏi xéo ông bố tức giận quát:
- Sao mày lại hỏi thế? Con gái tao nhà gia giáo làm gì có chuyện đó!
Cu cậu bóp hai tay lễ phép: - Dạ thưa thế thì chào bác cháu về. Tưởng có rồi thì cháu đỡ phải… phải… “ấy” ạ!
Lúc này bố cô gái mặt giãn ra, trên môi nở một nụ cười, thầm nghĩ “con rể ta đây chứ còn ai khác nữa”
Tiết kiệm thế chưa phải nhất! Anh Lò Xa Mạc, lái xe ở VOV Tây Bắc từ những ngày đầu, nổi tiếng ngoa ngoắt. Anh đã ghét đứa nào thì… thôi rồi! “Cám đâu đến mõm lợn sề” là câu của anh. Anh ấy bảo “Gớm, con ấy đang đi mà lỡ đứt một cọng lông nó còn cúi xuống tìm đem về nối lại😆”.
“Con ấy” đã là kẻ tiết kiệm nhất quả đất hay chưa?
2.Một hôm thủ trưởng gọi nhân viên lên mắng: - Anh là thằng vô tích sự nhất trên đời này! Chỉ tụt quần vợ là hay thôi!
Cậu nhân viên ngơ ngác, nói oan em quá, toàn vợ tụt quần em thôi😟.
Thủ trưởng ngồi thừ, thở hắt, nói tưởng anh còn làm được một việc có ích chứ thế này thì là nhất của nhất rồi!
“Nhất” chưa bao giờ là một đại lượng tuyệt đối😏.

Radio trong bối cảnh mới

https://vov.vn/blog/radio-luon-la-nhung-ky-niem-dep-nhung-an-tuong-kho-phai-1009703.vov

Sợ chó và chó cắn

1. Người sợ chó nhất Việt Nam là anh Tự Minh, Phó Phòng VH (VOV2), xếp thứ nhì là ...mình. Hôm rồi về quê, ngồi ở quán nước đầu làng thì quen một bác già, chuyện trò tâm đầu ý hợp nên ông cụ cứ co kéo về nhà làm chén rượu đầu xuân.
Đến cổng bác băng băng đi trước, đúng lúc vang lên tiếng sủa ông ổng, tim mình muốn văng ra ngoài. Vội vàng mình vọt lên túm lưng quần bác lập bập hỏi bác...bác... nhà có chó, nhà có chó...? Bác nói không, nhà có mình bác thôi😳🤣!
Thế nên hôm rồi gặp Tự Minh mình bóp chym nó cái, nheo mắt, nói mày sợ chó nhất, nhì tới anh. Nó gạt tay mình ra bảo không em vẫn sợ chó nhất. Anh em không sợ bằng...😡!
2. Vào Đồn biên phòng Chiềng On làm việc, em Bích Thuỷ bị chó tợp cho phát, đúng phần trên…bẹn non! Rất nhạy cảm nên cần phải đưa vào “khu cách ly” để… sơ cứu.
Việc xảy ra khiến anh em trong đồn áy náy nên dọc đường về mình mới hỏi “chó cắn có đau không”. Thuỷ bảo lúc cắn không đau nhưng lúc anh người Mông sơ cứu thì… đau!
Thanh Thuỷ (Thanh Thuy Nguyen) đi cùng cười ặc ặc, bảo thế là “sơ cứu” thành công dồi…ồi…ồi…i!

Chết cười với việc khác biệt ngôn ngữ


Sự khác biệt ngôn ngữ luôn đem lại những chuyện bi hài. Anh Hoàng Cầu kể xưa có đoàn hát chèo dưới xuôi lên Tây Bắc biểu diễn, bà con dân tộc thiểu số đi xem rất đông vì bà con "đói" văn hoá.
Hát chèo có các đoạn đệm, ca sỹ cứ... í... ì ... i...rất dài. Trước đây người già dân tộc thiểu số đâu có biết tiếng phổ thông, loa lại rè nên nghe i thành hi hi.
Buổi diễn kết thúc, về nhà, hỏi một mẹ người Thái "có hay không". Mẹ bỏm bẻm nhai trầu, hấp háy cười, nói hay thì có hay nhưng nhiều ...hi quá!
Hoá ra tiếng Thái "hi" là cái của chị em🤣.
Giờ thì người dân tộc thiểu số ai cũng biết tiếng phổ thông. Song sự cố ngôn ngữ vẫn cứ xảy ra.
Cơ quan VOV Tây Bắc có Dao Thái Mông ...đủ hết! Một hôm Thiều Nghiệp (người Dao) mời anh chị em Tổ tiếng Thái đi ăn ốc.
Ốc tiếng Dao là "cuôi", ăn tiếng Thái là "kin". Hí hửng Nghiệp chắp vào là "kin cuôi". Nhưng nàng đâu biết "cuôi" tiếng Thái lại là "cái ấy" của anh em cho nên đi ăn "kin cuôi" hoá ra là đi ăn... 😜.
Kể từ đó "kin cuôi" trở thành mật ngữ để vợ chồng đánh tiếng cho nhau lúc... đêm về😉 .

Tháng ba hoa ban nở rồi anh ạ !

https://vov.vn/blog/thang-ba-tay-bac-den-mua-ban-no-roi-anh-a-1007813.vov

Tăng giá bất bình thường cái khẩu trang

Đã nổ ra tranh luận trên mạng về giá cả và cái bảng thông báo “không bán khẩu trang, nước rửa tay. Đừng hỏi” ở một số cửa hàng. Cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết vì những người tranh luận có "hệ quy chiếu" khác nhau, cách lý giải sự việc khác nhau, hướng tới những mục tiêu khác nhau.
Phản ứng giá bán cắt cổ thì phía bên kia bảo “nhập cao thì phải bán cao. Đó là lẽ thường của thị trường”. Người phản ứng lý luận vậy thì “thuế anh đóng có ở mức cao hơn hay vẫn thế?”. Phản ứng về cái bảng thông báo (như hình) thì phe bên kia bảo “không bán thì ghi không bán chứ tội tình gì mà bắt phạt hay phán xét. Trả lời mãi cũng mệt, phải trưng biển”. Nói chung rất nhiều lý lẽ.
Những hành vi thổi giá, găm hàng trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch dã... đã có luật và các quy định điều chỉnh cụ thể rõ ràng. Nhưng nói thật, chả dễ để phát hiện người bán đầu cơ tích trữ với mục đích tăng giá. Quản lý thị trường tài thánh cũng chả tìm được kho hàng của họ.
Nhìn tấm bảng hình bên dưới chả ai bắt bẻ được nhưng mọi người thừa sức nhận ra có cái gì đó vô cảm và ngầm thách thức. Về mặt câu chữ, nếu thay bằng “không có” hoặc “hết khẩu trang” thì không khí bớt nặng nề đi rất nhiều! “Không bán”, có thể có nghĩa là còn nhưng không thèm bán đấy, làm gì được!
Trong cuộc sống có nhưng hành vi “vi diệu” đến mức luật không hoặc khó điều chỉnh thì khi đó đạo đức và dư luận XH lên tiếng. Cuộc sống vận động không ngừng với muôn hình vạn trạng nên lắm khi luật pháp cứ lẽo đẽo theo sau, khi đó đạo đức giúp lấp đầy những “khoảng trống” của pháp luật.
Do đó câu chuyện trên nếu xét ở góc độ đạo đức kinh doanh thấy có vấn đề rất nghiêm trọng.
Dược sỹ (người bán thuốc) là những người học vấn cao và tôi tin họ thấm nhuần Lời thề Hyprocrat khi học và lúc làm lễ tốt nghiệp. Cái cách nói/viết chỏng lỏn, xách mé, thiếu thiện cảm như tấm bảng này thì Lời thề ở đâu? Mười hai điều y đức - quy định của ngành - biến đi đâu nhất là khi đồng loại đang lao đao trong cơn dịch dã?
Dư luận xã hội, sự tẩy chay của người tiêu dùng, sự xa lánh của đồng nghiệp cộng với những dằn vặt về nội tâm… chính là cái giá mà những kẻ buôn bán thuộc phường vô lương phải gánh chịu khi bỏ qua những giá trị đạo đức.
Công dân được làm những gì luật không cấm (hoặc cho phép) nhưng hãy nhớ rằng ĐẠO ĐỨC còn có trước cả luật pháp nên hãy lắng nghe trái tim mình, lắng nghe lương tâm của chính mình!

Đàn ông sợ nhất ...yếu sinh lý

Hôm từ Sơn La về nghỉ Tết Chẻo Thu hớt hải chạy theo vừa cười vừa nói dúi cho một bọc, bảo anh ơi thuốc này một người uống cả nhà vui, nhưng anh nhớ qua tết hãy uống vì có rượu thuốc mất tác dụng.
Nó vạch bọc thuốc ra bới bới, nói có những vị mẹ em phải lấy tận Mường So chứ Sìn Hồ giờ cũng không còn. Mình nghe chồng uống vợ vui khoái ngây ngất, cảm ơn rối rít.
Xe tới Mộc Châu mình hốt hoảng nhoài người ra cốp sau hỏi Hữu (Huu Tran) ơi bọc thuốc để lên chưa. Đến Hoà bình lại giật mình hỏi bọc thuốc để lên chưa Hữu ơi. Về đến nhà đích thân ra kiểm tra xem có quên trên xe không. Thằng Hữu thấy mình có hành động lạ nên moi từ trong khe ghế ra bảo còn mỗi... dép của anh Hiền (Hahien Ha😎.
Tết mấy đứa bạn mời rượu mình cười cười bảo nhà nước có Nghị Định 100 tao có Nghị Định 1000. Không uống!
Về quê vợ mình cũng lúi húi giở gói thuốc ra đun đun nấu nấu. Ai hỏi cái gì chỉ cười bí hiểm.
Hôm nay lên Sơn La cái Thu bảo anh đun thuốc uống đi! Mình nói uống từ trước Tết rồi em ạ. Rồi nó hỏi thế mấy vết ngứa đỡ chưa. Mình "đứng hình", mắt trợn mồm há, nói thế à😳! Còn nó hiểu ra bụm miệng cười sặc sụa. Mất toi mấy bữa rượu bạn bè mời dịp tết! Đau!
Nghiệm ra mấy ông đàn ông châu Á rất quan tâm đến “chuyện ấy”, rồi chuyện to – nhỏ nữa.
Hồi còn làm y tế ở VOV2 mình có biên tập một bài về nghiện thuốc lá làm giảm kích cỡ dương vật. Chú Huy Dung, trưởng ban phê “chưa gì đã sợ”. Bài viết gây tiếng vang vì có sức thuyết phục🤣!
Ở mình chửi con trâu con chó gì cũng được nhưng hễ nói mày chym tí hon, bất lực hoặc yếu sinh lý coi chừng đổ máu.
Giờ mà các nhà khoa học nói đại dịch viêm phổi Vũ Hán ít gây tử vong nhưng sẽ làm mất hoàn toàn “bản lĩnh đàn ông” thì cam đoan gần một nửa thế giới sẽ nháo nhào, đàn ông Á châu khi đó bảo ăn cứt gà sáp chống được dịch Vũ Hán vẫn chén như thường. Thật, thề!
Nói có sách mách có chứng, bên Thái người ta để cái hộp tiền phí toilet công cộng như hình dưới, trên đó ghi chym nhỏ thì 5 bạt (Baht) chym to tiền gấp 4 lần, 20 Baht.
Camera ghi nhận ông nào cũng khệnh khạng đi ra, mặt hếch lên giời tự tin bỏ vô 20 bạt. Mình xong cũng lom lom nhòm cái thùng phí, nhếch mép cười hấc một tiếng, định moi 20 baht nhưng cô dọn vệ sinh đứng đằng sau từ lúc nào, bảo thôi thôi, free, free, của ông 5 baht cũng là hơi quá 😢!

Sao cứ phải "nhất thủ nhì vĩ "?

Đụng vào chuyện ăn uống rất dễ ăn đòn. Mình bị rồi! Đá ném tới tấp trốn không kịp. Sếp tổng đang công tác trời Tây thấy phía Đông Dương bầu trời rực đỏ, sao băng vèo vèo bay bèn lướt phây hỏi anh Phạm Mạnh Hùng Tổng biên tập VOV.VN rằng có biến à🤣.
Ăn uống (ẩm thực) cũng như chuyện xấu - đẹp (thẩm mỹ) khó nói lắm! Tất nhiên mọi thứ đều có chuẩn chung nhưng phần nhiều tuỳ miệng tuỳ mắt, tuỳ độ từng trải hay văn hoá mỗi người.
Như hôm rồi một anh môi trường đô thị ở một tỉnh miền núi điện về chúc tết, nói anh thấy em làm hệ thống cổng chào đèn led cho thành phố hoành tráng rực rỡ không. Năm mới chả dám phát biểu câu gì không vui, chỉ nói thôi thế là đẹp vừa đủ em ạ.
Chuyện ăn uống cũng vậy, người bảo ngon kẻ nói không nên khó lấy cái chủ quan của mình mà áp đặt. Tuy có điều này mà từ bé mình cứ băn khoăn. Ấy là ngày Tết hoặc nhà có cỗ bàn thịt được con gà có đôi còng (cặp chân) thì cả chủ lẫn khách cứ nằng nặc phải để cho bọn trẻ con.
Bố hoặc mẹ vén tay áo trịnh trọng thò đũa gắp cặp chân ra khỏi đĩa, mắt lấp lánh, nói thằng cu nhà tôi khoái cái món còng gà này lắm!
Nhà có khách, có chú bác bề trên nên việc ăn uống của trẻ nít phải có định hướng, dù không thích cũng cấm cãi, ăn trông nồi ngồi trông hướng, muốn gắp miếng gì thì nhìn vào mắt bố mẹ. Bố mẹ trừng mắt phát phải hiểu ý ngay.
Mấy đứa trẻ quần áo xộc xệch thò lò mũi ngồi khoanh chân kính cẩn dõi theo từng cử chỉ của bố mẹ xem chiếc chân gà được ưu ái hạ cánh vào cái bát nào. Tất cả bát đũa đang ở chế độ chờ (stand by), khi chiếc còng gà hướng về phía mình, chỉ đợi có vậy, thằng anh thằng em thò bát ra "con xin" liền 😝.
Còng có cái đếch gì đâu? Toàn da, gân với xương! Xưa, gà ta nuôi thả nên chân cứng như đá, răng khoẻ mấy cũng khó nhằn. Ấy thế nhưng bố mẹ vẫn "phần cho", vẫn "để dành cho" thể hiện sự quan tâm ưu ái và đãi ngộ đặc biệt cho thế hệ tương lai của đất nước🤣.
Hoá ra vớ phải cái xương xẩu ấy không thể xử lý nhanh được. Đấy là một trong những biện pháp câu giờ để tránh việc mấy ông con háu ăn thọc đũa chén hết đĩa thịt gà vốn rất "khiêm tốn" mà gia chủ làm đãi khách. Các con ăn xong cái chân gà (thì hy vọng) khách cũng kịp có thêm được vài ba gắp.
Sau khi nâng niu cái chân gà cho con, bố chọn miếng lườn ngon nhất mời khách rồi hướng về đĩa thịt hồ hởi, nói tôi chỉ thích đầu bác ạ, các cụ có câu đầu gà má lợn; bà nhà tôi lại thích phao câu, nhất thủ nhì vĩ mà bác. Xong bố nâng đũa gắp cho mẹ cái phao câu (vĩ) còn mình sau đó dùng cả chân lẫn tay vật lộn với cái... đầu gà😢.
Khách nào biết ý mời lại miếng ngon thì vội thu bát chối đây đẩy, nói bác cứ xơi đi, nhà em ăn suốt í mà. Thấy bố mẹ nói sang mồm như thế đứa nào hồn nhiên ngẩng mặt ngơ ngác là ăn lườm ngay 😜.
Sự hiếu khách thời khốn khó có những cung bậc đáng yêu như thế!

Phong vị tết xưa

Chuyến xe cuối năm không còn một ghế trống. Trời se lạnh. Những giọt sương mai đọng trên kính bị gió đuổi chạy vèo vèo. Bên đường lác đác bà con kéo nhau đi chợ phiên sắm tết.
Cạnh tôi là một cô gái trẻ, cũng nhìn ra ngoài nhưng không phải ngắm mấy giọt nước đuổi nhau; cũng chẳng chú ý những người thiểu số gập người gùi những bó củi lớn sau lưng phía lối mòn. Cô chống cằm nhìn xa xăm, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt có hàng mi dài, ướt rượt, đượm buồn.
Mười lăm năm trước, cũng chuyến xe này, chỉ khác nó quay đầu hướng về xuôi, mẹ cô đã đưa cô về nhập học một trường nghệ thuật. Sinh ra ở vùng núi cao nghèo đầy rẫy hủ tục nhưng trời phú cho cô giọng hát và khuôn mặt khả ái. Chả ai nghĩ mẹ đã sinh hạ cô trên nương, nuôi cô lớn bằng nước mó rau rừng.
Những tháng đầu đi học cô nhớ quay quắt gió núi hương rừng, nhớ ngày mây mù sục vào chăn ấm. Những năm đầu cô vẫn trở về thăm mẹ năm đôi lần vào dịp tết và ngày lễ. Sau đó những lần trở về căn nhà sàn trên núi thưa hơn. Lý do thì nhiều lắm...
Cô - bông hoa của núi rừng- ngày càng đẹp, càng kiêu sa. Mỗi lần soi gương cô tự hỏi mình có nét gì giống mẹ? Cô không tìm thấy hình ảnh người mẹ lam lũ tảo tần suốt ngày gục mặt xuống nương trên khuôn mặt đài các của mình. Ngay cái họ PHÀN của cô cũng khiến bạn học tò mò. Cô trốn tránh những ánh mắt hiếu kì ấy, lại càng không muốn trả lời những câu hỏi liên quan bằng cách gọi chệch thành PHAN, một họ phổ thông của người đồng bằng.
Năm nào bận không về mẹ cô lại khăn gói lặn lội xuống tận trường thăm, đem theo gạo, thậm chí cả mấy con gà. Bà sợ con bà đói như nó đã từng đói suốt những năm ấu thơ.
Những chú gà vượt chặng đường gần 500 cây số, qua 3 – 4 lần đổi xe chỉ đủ sức nháo nhác quang quác kêu khi thấy đám sinh viên ồn ĩ ào qua phòng bảo vệ, nơi bà ngồi, chờ con.
Bà chờ mãi chờ mãi... Bà còn ngồi đó đợi cô nếu mấy con gà không phóng uế ra sàn. Bác bảo vệ dù thông cảm, thậm chí thương hại, nhưng phải nhắc bà đem rọ gà ra ngoài. Thế là bà đành ngồi thu lu phía ngoài cổng, tay giữ chặt rọ gà, hướng vào trong lục tìm con trong đám sinh viên nói cười huyên náo.
Cô xuống, mắt trước mắt sau kéo mẹ sang quán nước phía xa. Quả tình cô không muốn bè bạn nhìn thấy người mẹ nhếch nhác với bộ quần áo dân tộc trên người. Cô im lặng còn mẹ cô sốt sắng dọn ra nào gạo nào đỗ nào gà... Mắt bà rực lên niềm vui, niềm kiêu hãnh. Bà vừa nói vừa hỏi (bằng thứ thổ ngữ chỉ cô và bà hiểu) vừa bày ra đủ mọi thứ mà không cần cô trả lời, không cần biết cô đang lúng túng, ánh mắt như trốn chạy trước sự tò mò hiếu kỳ của đám đông trong quán...
Lúc chia tay, bà hai tay bấu chặt tay con, rưng rưng bảo mẹ đang thêu dở cho con cái áo cưới, ở bản bạn bè mày lấy chồng có con cả rồi đấy!
Dân tộc thiểu số của cô có tập quán cô dâu tự may và thêu chiếc áo cưới cho mình. Chiếc áo nào đẹp, vừa vặn chứng tỏ sự đảm đang tháo vát và tài khéo của người vợ. Bà không muốn con bà không có chiếc áo cưới tử tế khi về nhà chồng nên dành toàn bộ thời gian và chút sức lực còn lại làm hộ cô bộ áo cưới. Có đêm trở bệnh không ngủ được, nghĩ đến con, bà nén đau ngồi dậy, thêm củi vào bếp, chong đèn thêu thùa tới sáng thì gục xuống, thiếp đi.
Một lần cô đang biểu diễn ở tỉnh bên, nghe ông bảo vệ điện có người mặc đồ dân tộc cô biết ngay mẹ. Cô điện lại nói con đang làm ở xa, không về được, mẹ về đi… Xong cô thừ ra, tâm trạng khó tả, vừa buồn, vừa bực, vừa thương mẹ và có chút gì cám cảnh, tự ti cho số phận mình.
Hôm về ông bảo vệ kể bà già cứ quanh quẩn ở cổng trực bảo vệ, ngập ngừng định gửi bọc gì đó xong lại thôi, đến chiều tối thì không thấy bà đâu nữa. Mãi sau này cô mới biết trong cái bọc ấy có thứ gì.
Cuộc sống ồn ào nơi phố thị cuốn phăng cô đi như những cơn sóng. Đôi lần chợt nhớ tới mẹ định dành thời gian về thăm thì lại gặp show diễn. Cô biết kiếp cầm ca ngắn lắm, tranh thủ lúc nào hay lúc ấy. Thế là tặc lưỡi.
Năm ngoái, cũng dịp giáp Tết như thế này, cô nhận tin mẹ ốm. Hủy toàn bộ kế hoạch biểu diễn tết, cô bắt xe về ngay. 500 cây số, 3 – 4 lần đổi xe, đi mất hai ngày, tối mịt tới đầu bản thì tang mẹ đã xong.
Thực ra khi nhận tin báo mẹ cô đã mất rồi. Dân bản kể trước lúc chết, bà ôm chặt chiếc áo cưới trong lòng, bà gắng nâng đầu thều thào, rằng chiếc áo này là áo cưới của cô, bà đã đem về trường cho cô nhưng chưa gặp, đừng chôn cái áo theo bà như phong tục. Chưa dứt câu, đầu bà ngật ra sau thở dốc ba bốn hơi rồi ra đi.
Cô quay sang nhìn tôi, hỏi tết rồi sao anh lên ngược? Anh không về với mẹ à? Không đợi câu trả lời, giọng run run, cô nói năm nay em về ăn tết với mẹ. Em phải về ăn tết với mẹ anh à. Nói xong cô òa khóc.

Chuyến xe chiều cuối năm

Chuyến xe cuối năm không còn một ghế trống. Trời se lạnh. Những giọt sương mai đọng trên kính bị gió đuổi chạy vèo vèo. Bên đường lác đác bà con kéo nhau đi chợ phiên sắm tết.
Cạnh tôi là một cô gái trẻ, cũng nhìn ra ngoài nhưng không phải ngắm mấy giọt nước đuổi nhau; cũng chẳng chú ý những người thiểu số gập người gùi những bó củi lớn sau lưng phía lối mòn. Cô chống cằm nhìn xa xăm, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt có hàng mi dài, ướt rượt, đượm buồn.
Mười lăm năm trước, cũng chuyến xe này, chỉ khác nó quay đầu hướng về xuôi, mẹ cô đã đưa cô về nhập học một trường nghệ thuật. Sinh ra ở vùng núi cao nghèo đầy rẫy hủ tục nhưng trời phú cho cô giọng hát và khuôn mặt khả ái. Chả ai nghĩ mẹ đã sinh hạ cô trên nương, nuôi cô lớn bằng nước mó rau rừng.
Những tháng đầu đi học cô nhớ quay quắt gió núi hương rừng, nhớ ngày mây mù sục vào chăn ấm. Những năm đầu cô vẫn trở về thăm mẹ năm đôi lần vào dịp tết và ngày lễ. Sau đó những lần trở về căn nhà sàn trên núi thưa hơn. Lý do thì nhiều lắm...
Cô - bông hoa của núi rừng- ngày càng đẹp, càng kiêu sa. Mỗi lần soi gương cô tự hỏi mình có nét gì giống mẹ? Cô không tìm thấy hình ảnh người mẹ lam lũ tảo tần suốt ngày gục mặt xuống nương trên khuôn mặt đài các của mình. Ngay cái họ PHÀN của cô cũng khiến bạn học tò mò. Cô trốn tránh những ánh mắt hiếu kì ấy, lại càng không muốn trả lời những câu hỏi liên quan bằng cách gọi chệch thành PHAN, một họ phổ thông của người đồng bằng.
Năm nào bận không về mẹ cô lại khăn gói lặn lội xuống tận trường thăm, đem theo gạo, thậm chí cả mấy con gà. Bà sợ con bà đói như nó đã từng đói suốt những năm ấu thơ.
Những chú gà vượt chặng đường gần 500 cây số, qua 3 – 4 lần đổi xe chỉ đủ sức nháo nhác quang quác kêu khi thấy đám sinh viên ồn ĩ ào qua phòng bảo vệ, nơi bà ngồi, chờ con.
Bà chờ mãi chờ mãi... Bà còn ngồi đó đợi cô nếu mấy con gà không phóng uế ra sàn. Bác bảo vệ dù thông cảm, thậm chí thương hại, nhưng phải nhắc bà đem rọ gà ra ngoài. Thế là bà đành ngồi thu lu phía ngoài cổng, tay giữ chặt rọ gà, hướng vào trong lục tìm con trong đám sinh viên nói cười huyên náo.
Cô xuống, mắt trước mắt sau kéo mẹ sang quán nước phía xa. Quả tình cô không muốn bè bạn nhìn thấy người mẹ nhếch nhác với bộ quần áo dân tộc trên người. Cô im lặng còn mẹ cô sốt sắng dọn ra nào gạo nào đỗ nào gà... Mắt bà rực lên niềm vui, niềm kiêu hãnh. Bà vừa nói vừa hỏi (bằng thứ thổ ngữ chỉ cô và bà hiểu) vừa bày ra đủ mọi thứ mà không cần cô trả lời, không cần biết cô đang lúng túng, ánh mắt như trốn chạy trước sự tò mò hiếu kỳ của đám đông trong quán...
Lúc chia tay, bà hai tay bấu chặt tay con, rưng rưng bảo mẹ đang thêu dở cho con cái áo cưới, ở bản bạn bè mày lấy chồng có con cả rồi đấy!
Dân tộc thiểu số của cô có tập quán cô dâu tự may và thêu chiếc áo cưới cho mình. Chiếc áo nào đẹp, vừa vặn chứng tỏ sự đảm đang tháo vát và tài khéo của người vợ. Bà không muốn con bà không có chiếc áo cưới tử tế khi về nhà chồng nên dành toàn bộ thời gian và chút sức lực còn lại làm hộ cô bộ áo cưới. Có đêm trở bệnh không ngủ được, nghĩ đến con, bà nén đau ngồi dậy, thêm củi vào bếp, chong đèn thêu thùa tới sáng thì gục xuống, thiếp đi.
Một lần cô đang biểu diễn ở tỉnh bên, nghe ông bảo vệ điện có người mặc đồ dân tộc cô biết ngay mẹ. Cô điện lại nói con đang làm ở xa, không về được, mẹ về đi… Xong cô thừ ra, tâm trạng khó tả, vừa buồn, vừa bực, vừa thương mẹ và có chút gì cám cảnh, tự ti cho số phận mình.
Hôm về ông bảo vệ kể bà già cứ quanh quẩn ở cổng trực bảo vệ, ngập ngừng định gửi bọc gì đó xong lại thôi, đến chiều tối thì không thấy bà đâu nữa. Mãi sau này cô mới biết trong cái bọc ấy có thứ gì.
Cuộc sống ồn ào nơi phố thị cuốn phăng cô đi như những cơn sóng. Đôi lần chợt nhớ tới mẹ định dành thời gian về thăm thì lại gặp show diễn. Cô biết kiếp cầm ca ngắn lắm, tranh thủ lúc nào hay lúc ấy. Thế là tặc lưỡi.
Năm ngoái, cũng dịp giáp Tết như thế này, cô nhận tin mẹ ốm. Hủy toàn bộ kế hoạch biểu diễn tết, cô bắt xe về ngay. 500 cây số, 3 – 4 lần đổi xe, đi mất hai ngày, tối mịt tới đầu bản thì tang mẹ đã xong.
Thực ra khi nhận tin báo mẹ cô đã mất rồi. Dân bản kể trước lúc chết, bà ôm chặt chiếc áo cưới trong lòng, bà gắng nâng đầu thều thào, rằng chiếc áo này là áo cưới của cô, bà đã đem về trường cho cô nhưng chưa gặp, đừng chôn cái áo theo bà như phong tục. Chưa dứt câu, đầu bà ngật ra sau thở dốc ba bốn hơi rồi ra đi.
Cô quay sang nhìn tôi, hỏi tết rồi sao anh lên ngược? Anh không về với mẹ à? Không đợi câu trả lời, giọng run run, cô nói năm nay em về ăn tết với mẹ. Em phải về ăn tết với mẹ anh à. Nói xong cô òa khóc.