Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Phốt nghề .



Nhà báo được xã hội trao cho cái quyền nói cái này cái kia, nhưng mình đồ rằng bây giờ mà có diễn đàn để nói lại nhà báo thì xôm trò phải biết. Bản thân mình cũng dính đầy “phốt”. Kể vài chuyện ra đây trước để tự răn mình, sau anh em nào có nhã hứng tham khảo cho vui.


Cái khổ của nghề báo nói là lủng củng đồ nghề. Cái máy ghi âm ngày trước to và nặng chứ đâu gọn nhẹ như bây giờ. Có lần mình đuổi theo một VIP để phỏng vấn, cho dù VIP nhận lời nhưng thư ký riêng và lái xe cau mặt nhìn. Biết là VIP vội nên mình tác nghiệp nhanh. Hôm ấy trời vừa tạnh, nhìn quanh quất chẳng có chỗ nào sạch để đặt cái cặp nên cực chẳng đã mình kẹp luôn giữa hai gối để rảnh tay cầm míc.

Cái tư thế phỏng vấn VIP chẳng đẹp tẹo nào ấy lọt vào ống kính của một đồng nghiệp báo Tuổi trẻ. Sau này mất mấy chầu café ăn sáng hắn mới xoá cái “dáng đứng VOV”  ấy đi. Nhục thế!

Lần khác mình “chèo kéo” được một VIP để trả lời phỏng vấn nhưng hiện trường quá ồn, không ghi âm được, vì thế mình lôi đại VIP vào…buồng. May quá phòng không có ai, tưởng số hên ai ngờ đang phỏng vấn thì hết tiếng gõ cửa lại đến tiếng chuông điện thoại réo; lát sau chủ nhân của căn phòng kéo về, ồn còn hơn cả ở ngoài. Cú nhưng chẳng làm gì được!

Cái micro chuyên dụng của dân báo nói khá nặng.  Cuộc phỏng vấn nào kéo dài thì cầm mic cũng mỏi phết! Giải pháp là chống khuỷa tay lên bàn. Chống lâu cũng mỏi nên biện pháp tiếp theo là dùng tay kia chống đỡ như một cái chạc. Nhiều khi nhìn mình cứ liên tưởng đến động tác bắn súng của cao bồi bang Texas.  Lấy tay làm chạc đỡ mãi cũng mỏi nên có lần mình vơ tập tài liệu để gác cổ tay. Khoẻ! Vừa nghe trả lời vừa ngắm thạch sùng đuổi nhau trên trần.

Có bận mình phỏng vấn một bác cựu chiến binh, bác này nói hăng, cứ chuẩn bị ngắt lời bác lại trợn mắt gạt phăng đi. Cầm míc mỏi quá mình bèn ngó trước nhìn sau rồi dúi mic vào tay bác, lững thững bỏ ra hành lang hút thuốc. Bác vẫn nói oang oang, tay cầm mic tay kia chém phần phật vào không khí. Hút xong điếu thuốc vào chẳng thấy bác đâu, chỉ còn cái mic chỏng chơ trên bàn, nghe lại băng thấy có đoạn: “Chương trình phỏng vấn đến đây là kết thúc. Chào thân ái và quyết thắng”.  

Hết cái míc đến cái máy ghi âm báo hại mình. Năm 1998, đang là phóng viên thường trú ở Sơn La, mình theo thuyền buôn ngược lên thượng nguồn sông Đà, chỗ Mường La, đoạn giáp với Thuỷ điện Sơn La bây giờ. Mình ghé vào một bản thấy rất đông trẻ mắc quai bị. Phỏng vấn trưởng bản, nói cả bản đều bị. Thế là vội vàng làm cái tin, giật cái tít “cả bản mắc quai bị”.

Không nhớ tin đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam hay phát trên đài nhưng sau đó Sở Y tế Sơn La tức tốc cho đoàn lên kiểm tra và xác nhận chỉ có vài người mắc.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La yêu cầu giám đốc Cơ quan thường trú Tây Bắc Hoàng Quách Cầu phải xin lỗi và đính chính. Anh Cầu gọi mình vào, mình trương cổ lên, nói cả nửa tháng sau mới kiểm tra thì cũng có người khỏi rồi chứ. Và để chứng minh, mình lôi máy ghi âm ra, nhưng đến đúng đoạn trưởng thôn chuẩn bị nói “cả bản đều mắc” thì băng cát-sét từ từ chạy vào đoạn trắng ở đầu băng. 

Sau này còn có vụ kiện to, lên tới tận văn phòng chính phủ nữa, nhưng tai nạn ở Sơn La là lần đầu, mình nhớ mãi. 
    
Có những bài học mà chỉ có thực tiễn hoạt động nghề nghiệp mới dạy cho mình biết. Ấy là năm 2001 mình sang Malaixia viết về Seagames21. Lần đầu làm việc ở nước ngoài, lại đi một mình nên lúng túng bỡ ngỡ lắm! Sáng ra thấy đồng nghiệp báo Thể thao tp HCM chuẩn bị đồ nghề ở sảnh khách sạn, mình bộp chộp hỏi nay đi đâu. Vừa dứt lời, nhiều ánh mắt khó chịu nhìn mình từ đầu đến chân. À, ra thế, có thể mời nhau nhậu rồi đi mát-xa tưng bừng tối hôm qua nhưng sáng nay đừng hỏi tác nghiệp ở đâu nhé!

Một tình huống tương tự, đó là lần mình được cử đi “làm” quốc hội. Hồi đó giáo dục “nóng” lắm, mà bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cứ giải lao là mất hút trong căn phòng ở phía đầu Hội trường Ba Đình. Chẳng biết hôm đó bác Hiển cao hứng thế nào lại lững thững ra sảnh, cánh báo chí “vồ” luôn. Chẳng biết báo nào có công “vồ”, mình đến thì đã có 4-5 em xinh đẹp xúm lại rồi. Vội vàng, hớt hải, chỉ sợ đại biểu “chuông reo là…vào họp” nên mình lanh chanh nhảy bổ vào hỏi. Chưa dứt lời thì cả mười con mắt nhìn mình như thằng vô lại. Mình tẽn tò, nhăn nhó cười ngô nghê. 

Đấy chỉ là một vài trong số hàng tá bài học không có trong giáo trình, để thư thư mình kể tiếp.

          

Cảm xúc trong nghề báo.



Mình có dịp được mấy anh chị Tây dạy nếu phỏng vấn thì cố gắng xuống tận nơi, gặp từng người, chơi luôn face - to- face, hãn hữu lắm mới được sử dựng phương thức phỏng vấn (gián tiếp) qua điện thoại hoặc email. Còn viết phóng sự thì khỏi bàn, có lúc phải ăn dầm ở dề tại cơ sở cả tuần, thậm chí lâu hơn thì may ra mới làm được cái phóng sự ra hồn.



Hồi đó mình vừa vào nghề báo, thấy Tây dạy thế thì biết thế. Họ cũng phân tích, giải thích thế này thế kia, nhưng nói thật, chưa có thực tiễn, chưa thấm. Sau này đi làm mới nghiệm ra họ nói…chuẩn.

Nhớ khoảng năm 2003, tôi, anh Trần Nhật Minh (nay là PGĐ VOV2), anh Phạm Mạnh Hùng (nay là TBT báo điện tử VOV) có chuyến công tác tới một huyện của tỉnh Yên Bái. Hôm đó huyện có hội nghị gì đó, đông lắm, mãi gần trưa mới mời được ông phó chủ tịch ra ngoài phỏng vấn. Đang hỏi dở thì thấy ông này cứ nhấp nhổm, nhớn nhác. Một lát sau, dường như không thể kiềm chế, ông phó chủ tịch buột miệng: “Thôi, th…ôi, th...ôi…! Chúng nó đi ăn hết rồi kia kìa”. 

Hoá ra là ông phó chủ tịch thấy thấp thoáng bóng người từ hội nghị đi ra, lại về phía nhà ăn nên sốt ruột. Đấy! Nếu phỏng vấn từ xa chắc chẳng bao giờ “bắt” được nhưng chi tiết như thế. Hôm đó mấy anh em vừa ăn trưa vừa bấm bụng cười.

Lần khác đến một trường tiểu học của huyện Đà Bắc (Hoà Bình), xa lắm, giáp với Phù Yên của Sơn La. Tôi nhớ hồi đó thay chương trình và sách giáo khoa mới nên dư luận rất quan tâm. Vì biết trước là có nhà báo đến nên nhà trường rất tinh tươm, các cháu ăn mặc gọn gàng, khăn quàng đeo cổ chỉnh tề một cách bất ngờ so với vẻ lam lũ thường thấy của học sinh vùng sâu.

Cô trò ngồi sẵn đợi đoàn đến từ bao giờ. Đàon chưa yên vị, cô giáo đã nhoáy nhoáy treo bảng chữ cái lên, chỉ vào từng chữ, yêu cầu con đọc theo. A, ă, â, b, c  còn đọc đúng tay cô chỉ; đến d, đ, e, ê thì bắt đầu lộn xộn, thước trên tay cô không rê theo kịp lời trò. Cuối cùng mới chỉ được có nửa bảng chữ  nhưng trò đã rào rào đọc hết 29 chữ cái tiếng Việt.

Mấy nhà báo nhìn nhau tủm tỉm cười. Bởi vì các cháu học thuộc lòng mà không biết mặt chữ. Nhưng thôi, ở cái nơi vừa chăn trâu vừa đi học thì thuộc vẹt được như thế cũng thuộc diện “đội tuyển” rồi! Chắc là lọc lựa cả trường mới được hơn chục em như thế nên chúng tôi cũng lốp bốp vỗ tay khích lệ sự bạo dạn và tự tin của cô và trò.

Không ngồi tại lớp để chứng kiến nhưng sự việc như thế thì chẳng thể thấm cái bệnh thành tích của ngành.

Các cụ xưa nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Với nghề báo tôi thấy lại càng đúng. Cái việc “thấy” để xác minh thực hư là cần thiết, đã đành, nhưng quan trọng hơn, nó tạo cho tôi cảm xúc.

Hình như nhà báo Thái Phong Sương có lần nói nhà báo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng. Gần hai chục năm cầm bút, với nghề báo chẳng là cái gì, nhưng tôi cũng phần nào hiểu được “trái tim nóng” kia chỉ có thể nóng được khi nó chan chứa cảm xúc. Cảm xúc đó có thể là căm ghét, phẫn nỗ; có thể là day dứt, yêu thương...

Trang viết mà không có cảm xúc thì các con chữ cứ chuội đi, rời rạc như cơm nguội. Ngược lại, một bài viết tràn trề cảm xúc thì chữ nghĩa là gươm đao, là nước mắt; nó có hồn, nó cựa quậy, nó nhảy múa…; buông bút là ra chữ, chẳng mấy nhọc nhằn.

Người ta thường phàn nàn một số nhà báo trẻ hiện nay thiếu cái nọ cái kia, nhưng theo tôi, cái thiếu nhất vẫn là cảm xúc. Mà cảm xúc ấy chỉ có thể nói gọn trong mấy chữ quen thuộc: đi để thấy, thấy để thấm và thấm để viết. Vậy thôi.  

     

             




     


 

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Rơm rạ.




Dường như đã sinh ra làng là phải có cây rơm cây tre cây chuối. Cây rơm như nụ hoa nhỏ điểm xuyết cho bức tranh làng. Cây rơm cũng như cây tre cây chuối đi vào đời sống thân quen như không hiện hữu vậy. Nó cùng với người quê tạo nên hồn làng. 

Xưa, chuyện những đứa trẻ oe oe cất tiếng chào đời bên cây rơm không hiếm. Rồi lũ con đàn ôm nhau ngủ trong đống rơm chờ mẹ đi làm về cũng nhiều. Rơm quấn quýt với người bền chặt như con cúi nhốt ngọn lửa hồng, giữ hơi ấm cho đám trẻ trâu trong cơn gió lạnh. 

Người ta ví cái đồ bỏ đi “như rơm như rác”. Trời ơi! Rơm rác mà có lỗ tai chắc phải chạnh lòng. Còn nhớ không? Khi chưa có văn minh đệm mút thì rơm rạ và lá chuối khô lót chỗ ngủ cho ai mỗi lúc đông về? Ổ rơm cho người, ổ gà cho con cộc tác. Mới lạ, cái con vật cứ phải có tí rơm mới chịu nhảy ổ. Còn nhớ những năm chiến tranh, bồng bềnh chiếc mũ rơm ung dung đến trường được xem như biểu tượng khí phách Việt Nam. Những năm đất nước còn nghèo, nhà ở đều bằng tường đất vôi rơm và lợp rạ. Về độ bền, chẳng sánh được với nhà bê tông, nhưng bù lại, ở trong nhà lợp rạ tường đất vôi rơm, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát rượi. 

Rơm là chất đốt chủ lực ở nông thôn. Hạt gạo mới căng nhựa ngọt thơm mà được bàn tay cô gái hay lam hay làm thổi bằng bếp rơm thì ngon phải biết. Cơm cạn chỉ cần nhét một nút, quây một bồi quanh nồi gang thì hạt gạo chín nhừ. 

Cọng rơm nếp quý lắm! Dong rảy dưới nắng hè cho se rồi giũ con đai gác lên bếp để dành. Cận tết, bà lấy vài con đốt thành tro bỏ vào bát hương dâng tiên tổ. Số còn lại để bện chổi. Cho tới hôm nay, dù có hàng chục loại chổi khác nhau nhưng không thể sánh với chổi rơm. Chẳng nhiều đâu những vật liệu mà từ cái thiêng liêng tôn kính đến mạt hạng như chồi cùn đều làm được tuốt tuột như rơm. Ở quê, quả chuối quả hồng mà không có chút rơm để rấm là không được. 

Cái rơm cái rác đến con bò con trâu vào tiết đông hiếm cỏ cũng phải cần đến nữa là. Chú lợn ỉn đêm đông gió bấc không có nắm rơm là cấm chịu nằm yên. .

Lạ thế rơm rạ, đến người xa quê hàng chục năm vẫn chẳng thể quên mùi rơm được nắng, mùi ngai ngái thơm thơm của khói rơm bảng lảng lúc chiều về. Nhớ lắm chứ! Nhấp nhô bên mái rạ là cây rơm vàng. Nhìn vào đó biết gia chủ giàu hay nghèo, được mùa hay mất. Để có cây rơm đẹp, chắc, thì người đánh đống phải tài, kẻ rút rơm phải khéo. Nhìn từ xa, cây rơm thẳng thớm, xoe tròn như cây nấm, vàng giữa hàng cau xanh.

Nông thôn thời đổi mới, bếp than bếp ga thay dần bếp rạ. Mừng lắm chứ! Nhưng đừng quên rơm rạ nuôi ta sống và cho ta hơi ấm thuở nào. Thời đổi mới, rơm rạ ra rìa nhường chỗ cho vật liệu tân kỳ. Thành phố loang ra, làng quê thu lại, đất đai là cây là chỉ, chẳng còn đâu chỗ cho đống rơm vàng. Người quê gom rơm lại đốt để làm phân. Khói rơm xộc vào thành phố. Bỗng dưng rơm rạ thành hiểm họa môi trường. 

Rơm rạ vắt kiệt mình phục vụ con người, tận lúc thực sự thành đồ bỏ đi vẫn đốt cháy mình làm phân bón ruộng. Ấy thế mà nó vẫn chịu tiếng oan.


Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Ra đường là nghĩ đến cái chết.


Mình chưa được đi ra nước ngoài nhiều nhưng nghe anh em kể không ở đâu trên thế giới này giao thông lại hỗn loạn và nguy hiểm như ở Việt Nam.


Trong một tuần mà có tới ba vụ tai nạn giao thông thảm khốc thì quá sức tưởng tượng. Chẳng biết mấy quan chức phụ trách việc này có bị mất phiếu (tín nhiệm) hay không? Chuyện phiếu phiếc cũng chẳng là cái đếch gì, là con người, dẫu chẳng máu mủ ruột rà, trước những cái chết oan uổng như thế, chết đường chết chợ như thế, không đau đớn sao được.

Mỗi khi qua ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, thấy tây trắng tây đen lố nhố đứng trên vỉa hè mắt trợn tay chỉ rồi đưa máy chụp hình lên chớp lia lịa đủ biết họ nhìn giao thông của ta thế nào.

Nhớ cách đây hơn chục năm, trong một chuyến công tác được đi cùng nhà báo Trịnh Bá Ninh, trong cuộc nhậu ngà ngà say, nhân bàn về bằng dởm, ông nói vui, trên đời này giờ tao chỉ mong giữ được hai cái bằng thật thôi, đó là bằng lái xe và bằng bác sỹ.

Nay ngẫm lại, có khi ông nói thật chứ chẳng đùa. Đến nghiêm cẩn như lái máy bay mà Vietnam airline còn tuyển phi công rởm huống hồ ô-tô. Rồi chuyện học lái, thi lấy bằng ra sao báo chí nói mãi rồi. Tóm lại là không ai trượt cả.

Kiểm định xe ở ta thì như một trò hề. Xe không đủ chất lượng đều qua tất miễn là chồng đủ tiền. Người ta biết cả đấy, dùng đủ mọi biện pháp ngăn chặn nhưng chẳng ăn thua gì.   

Chẳng thế mà mình có thằng bạn học báo, vừa ra trường, ông bố, khi ấy đang làm kiểm định tàu bè gì đó ở Nam Định, chắc màu nhiều, nên quyết bắt con học tiếp hàng hải để thế chân sau khi về hưu.  Thằng đấy mê nghiệp báo lắm nhưng vẫn phải lẽo đẽo thêm mấy năm ở trường hàng hải dưới Hải Phòng.

Nhưng mình nghĩ chuyện học lái xe rồi kiểm định xe cũng chỉ là một phần thôi, tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân. Người ta hay nói về ý thức kém, nhưng thử hỏi vì đâu mà cái ý thức ấy nó ngày một xuống cấp.


Hồi mới vào nghề báo, mình đã có bận ghé vào một trạm công an trên quốc lộ 5. Tối buồn quá ra xem các anh làm nhiệm vụ. Càng về khuya, xe công-ten- nơ  từ Hải Phòng lên càng nhiều. Tuần tự các xe đều tấp vô kể cả khi chưa có hiệu lệnh dừng, mà chỉ dừng có vài chục giây. Đứng ngó nghiêng một lát thì có anh công an ra tha thiết mời đi…nhậu dù đã nửa đêm.

Sau này mới biết mình cứ thơ ngây lảng vảng ở đó nên anh em không “làm việc” được.

Để bù vào mỗi lần “làm việc” như thế thì xe phải chở quá tải, phải chạy quá tốc độ để “thâm canh tăng vụ”...

Chúng ta phàn nàn xe buýt chạy ẩu, bỏ bến… Nhưng nếu xí nghiệp đánh giá năng lực vận chuyển dựa vào số chuyến (mà không căn cứ vào số hành khách) thì chạy ẩu bỏ bến đâu có gì lạ.


Nhìn dòng người cuồn cuộn một cách hỗn độn trên đường mình cứ liên tưởng đến bộ mặt cuộc sống. Đấy chính là dòng chảy của xã hội. Ở đó, giả dụ nếu có người tử tế thì có lẽ cũng vẫn phải vận động theo cái mớ hỗn độn, xô bồ ấy thôi, dừng lại coi chừng chết. Do đó, nói về cái ý thức thấp kém của người tham gia giao thông thì cũng chưa hết nhẽ đâu. 




Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Bố xin lỗi con!




Hôm nay bố đưa Cún đi học. Bố bảo với Cún đây là buổi học đầu tiên. Cún hồi hộp lắm, dậy sớm hơn thường ngày, câu đầu tiên Cún nói: “Hôm nay con đi học”.

Loanh quanh tìm mãi mới thấy nhà cô. Bố rụt rè thò tay bấm chuông, một khuôn mặt cau có nhô ra quát “học mấy giờ.”

Bố cười cười như người phạm lỗi, nói dạ cháu học lúc hơn 8 giờ ạ.

Người đàn bà mở cổng, cắm cảu: “Mới có 7h15, lần sau đến đúng giờ đấy! Vào đi! Đứng ở hè í! Cô giáo đã dậy đâu”. Nói xong bà cầm chổi ngoảy đít đi vào, để bố và Cún lơ ngơ bên bậc thềm.
Cún 
Cún mới 7 tuổi, ơn Trời, thật may là chưa đủ tinh khôn để hiểu được thái độ cáu bẳn của bà già kia.

Cũng có thể Cún biết thừa, nhưng sự hồi hộp và háo hức của “buổi học đầu tiên” đã  xua tan những ý nghĩ chẳng lấy gì làm tốt đẹp với người đàn bà khó tính. Vì thế, Cún ngước lên hỏi bố một cách hào hứng vô tư lự: “Con vào nhá”.

Thế là tốt Cún ạ! Đừng bao giờ quá để tâm vào sự xấu xí của người khác. Cái này bố phải học Cún rồi.

Trên đường về, bố tự vấn lương tâm. Hình như bố đã vô tình và gián tiếp cướp đi ấn tượng đẹp về buổi học đầu tiên của Cún, một buổi học mà theo bố hình dung phải có nhiều cờ, hoa; có thật đông các bạn líu ríu trong tay mẹ dắt tay tới trường; cô giáo phải mặc áo dài, tươi cười xoa đầu bé trai, chỉnh nơ cho bé gái… Rồi ở góc kia, bác bảo vệ vung tay đánh lên những tiếng trống báo hiệu buổi học bắt đầu. Các con lưu luyến chia tay mẹ, có bạn chưa quen còn khóc sụt sùi, mắt đỏ hoe...

Thế kỷ 21 con là công dân toàn cầu. Hơn 30 năm nữa, bằng tuổi bố bây giờ, có thể khi đó con đang ở Bắc Cực đầy tuyết trắng hay lang thang trong rừng rậm A-ma-zon; có thể con chỉ là người quét rác bình thường, hoặc bận rộn hơn, là nữ thủ tướng như bà Jing –lắc, dù ở địa vị nào thì khi ấy con vẫn có thể thay đổi được nhiều thứ, nhưng cái ấn tượng về buổi học đầu tiên hằn sâu vào ký ức thì chẳng bao giờ thay đổi được.

Ôi! Buổi học đầu tiên của Cún, liệu có tin được không? Buổi học được bắt đầu bằng một câu hỏi xuồng xã, cục cằn.

Bố đã viết nhăng nhít đủ thứ về giáo dục, nhưng trước thầy trước cô bố vẫn vâng vâng dạ dạ, bố vẫn lặng lẽ chở con đi học thêm vì bố quá hiểu cái guồng máy này.

Bố cũng từng bàn về học trước chương trình, cũng dẫn lời GS A nói thế này, TS B nói thế kia, rằng như thế là phản khoa học, là tiếp tay cho tiêu cực… Nhưng tới lúc này, bố mới thấy cái mất mát lớn nhất, chẳng phải những điều bố đã viết, mà là những kỷ niệm đẹp của ngày tựu trường.   

Bố có lỗi vì đã tước đi của Cún con những ấn tượng đẹp đẽ ấy! Bố xin lỗi con!








Vì sao phải học trước chương trình?




Mấy năm nay các chuyên gia ra rả nói học trước chương trình là phản khoa học, là tạo tâm lý chủ quan cho học sinh, các em (vì biết rồi) nên vào lớp sẽ nghịch phá .v.v và v.v.

Chuyên gia nói vậy thì chắc chắn đúng rồi, nhất trí rồi, thông lắm rồi. Nhưng xin thưa với các giáo sư rằng sách vở, lý thuyết và thực tế khác xa nhau lắm!

Một lớp 40 cháu mà 30 cháu đã biết đến chữ H thì phần lớn giáo viên sẽ dậy từ chữ I, J, K… trở đi chứ không bắt đầu từ chữ A đâu ạ.

Có thầy là sếp mắt trợn tay xua, nói anh chẳng biết gì, phải dạy theo kế hoạch giảng dạy, dạy trước chương trình làm sao được (đại ý không được dạy từ chữ I). Nói thật, thanh tra có xộc vào lớp, mở vở học trò kiểm tra, vẫn đúng phóc chương trình luôn, chẳng chậm mà cũng chẳng nhanh tí nào. Cái này dễ ợt các thầy ơi! Ai mà chẳng biết!

Còn tại sao phải dạy trước chương trình ư? Hỏi các Thầy ở phòng, ở sở, ở Bộ rằng quá nửa lớp biết rồi thì học tới hay học lui? Để cái phần ít cố đuổi theo hay để già phân nửa lớp kia ngồi ngáp?

Nhưng cái này quan trọng hơn, quyết định hơn: Học trước để còn trừ hao những ngày lễ lạt, tham quan, thi cử, họp hành, lũ lụt... Cái này khi lên chương trình học các sếp có tính hết cho đâu? Cũng có một tuần dự phòng nhưng nhiều khi đâu có đủ? Vì thế, tâm lý chung của giáo viên, thậm chí cả trường nữa, là kết thúc càng sớm càng tốt. Cuối năm học thảnh thơi củng cố kiến thức, ôn thi, chấm điểm, họp phụ huynh..., khoẻ re!


Tôi không cổ suý cho việc học trước chương trình nhưng nó có một thực tế như vậy. Từ vài ba người lo lắng cho các cháu học trước nay đã thành “phong trào sâu rộng” rồi.  

Còn về học thêm hè? Với nhiều gia đình, hè không biết cho con đi đâu, làm gì, nên học thêm hè là giải pháp tối ưu. Trước thực tế như thế các sếp nên nghĩ cách gì cho nó hài hoà, linh hoạt chứ đừng vội lên án học thêm là tội.

Tôi rất lấy làm lạ là nhiều thầy, cô trực tiếp dạy ở trường, biết tỏng tong tong cái thực tế nó như thế nhưng chẳng thấy có nhiều ý kiến phản biện. Trên truyền thông hoặc trong các cuộc họp, cấp trên bảo “như thế là sai” thể nào các thầy cũng ậm ừ, “vâng vâng, là sai là sai” mà chẳng dám nói lên suy nghĩ thực của lòng mình, của đồng nghiệp.     


Vì thế, tôi nghĩ cái sự học của nước mình chưa khá khẩm lên được vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là thầy, cô và cán bộ ở cơ sở ít người dám phản biện mà thay vào đó là thái độ miễn cưỡng thực hiện (những chủ trương không phù hợp) trong sự khổ tâm và dằn vặt của người trí thức. 

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Vĩnh biệt anh Kiên!


Sáng nay đang họp thì một thành viên của Phố báo tin anh mất. Mình lặng đi, thương anh một thì ân hận mười.

Nguyễn Trung Kiên

Hôm Hội Cổ vật Long Biên khai trương, Quang Huy thông báo anh bị K. Huy buồn buồn nói anh bán hết đồ chơi rồi. Vì thế chẳng hỏi nhưng mình đoán anh khó mà lâu dài được. Định bụng đến thăm anh nhưng công việc rồi gia đình nên cứ lần lữa mãi. Hôm nay nghe hung tin mới hận mình.

Tôi không phải là người chơi sành sỏi và nhiều nhặn gì nhưng lại là một trong những người đầu tiên anh Kiên gọi điện làm quen, anh nói đọc Phong qua mạng, mình cũng thích đồng hồ nên lúc nào uống cà phê.

Lần đầu tiên uống café với anh ở Lý Thường Kiệt, cạnh cơ quan, qua hình dáng, mình không tin tưởng  cho lắm, nhưng chỉ vào chuyện vài ba câu mình biết anh là người chơi chân thành.

Mình đã có thời cắm cả thẻ nhà báo để mua đồng hồ, anh đam mê chẳng kém: chịu tiền, cứ bê về cái đã. Đấy là chiếc J 8 gông hoa thị đầu tiên anh nằn nì mình để lại cho anh. Nể quá! Mình bán đâu 8 triệu, mà anh có đủ tiền đâu, phải trả mấy lần, lần nào cũng bảo anh thủ vợ được ít, trả em.

Mấy hôm sau lại nghe anh khoe, “nghe chú, không đầu tư vào đồng hồ Nga nữa”, vài hôm sau anh lại bảo “bán hết Nga rồi”. Thấy anh cập nhật tình hình theo ngày, biết niềm đam mê còn nhiều lắm! 

Sau này, khi chuyển sang vừa chơi vừa bán, đến nhà, anh cười khà khà, nói “trình” về đồng hồ của anh bây giờ có thể hơn chú Phong rồi đấy. Mình không nói gì nhưng xác nhận điều đó khi ngắm đồng hồ có trong nhà anh. Rồi anh pha nước, lại khoe “bán cái J của chú được gần 15 triệu.”  

Chẳng biết anh buôn bán thế nào sau này, nhưng đồ rằng anh là con người của đam mê hơn là thương mại.

Biết anh bệnh trọng, chỉ có đoạn đường mà chưa đến thăm anh; biết là chẳng giúp gì về tiền bạc thì dăm ba câu chuyện về thú chơi chắc cũng làm anh bớt đau, bớt buồn. Thế mà…định mệnh đã vội cướp đi một người bạn chơi chân thành, chất phác.