Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Chuyện ngày thứ 3


Tối nay được DBB Akademie mời cơm. Họ biết đoàn thích ăn đồ Việt Nam nên mời ra Đồng Xuân Center. Vừa bước chân xuống mình thấy một người đàn ông trung niên, lông mày dài rậm, đeo cái máy ảnh  trước ngực đứng chờ. Mọi người bảo đấy là anh Huy Thắng, một trong những người quản lý ở Đồng Xuân - Berlin. 


Anh Thắng dẫn đi xem các ha-lơ (nhà) trong chợ. Vừa đi anh vừa giới thiệu, chốc chốc lại vọt lên trước rồi quay lại bắn hàng loạt shot ảnh. Thân thủ lanh lẹ vô cùng! Chẳng biết anh chụp làm gì mà chụp nhiều thế?  Anh nhớ như in từng con số, từng mét vuông nhà. Trong phần giới thiệu anh cũng thường xuyên nhắc tới cái tên Nguyễn Văn Hiền, người đã khai sinh ra chợ Đồng Xuân, người có công cải tạo bãi đất chết ngập ngụa hoá chất độc hại của nhà máy điện than thành khu thương mại sầm uất.



Hoa chuối ở Đồng Xuân

Anh Thắng nói về Đồng Xuân như thuộc lòng từ lâu. Vừa đi anh vừa chỉ gian hàng này của người Pakistan, gian kia của người Thổ, đây là shop của cháu một vị tướng tá to to bên VN. Hàng nhập hàng xuất anh nhớ đến tận số lẻ. Đại loại là sau bài giới thiệu dài dài dài của anh thì người ta thấy nổi lên mấy ý rất đáng tự hào, rằng khu này đã đóng thuế cho nước Đức rất chi là nhiều, là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt, là trung tâm buôn bán có tiếng tăm ở Berlin và lan sang cả một vài nước lân cận, là niềm tự hào của cộng đồng người Việt, các ki-ốt trong chợ rất đắt giá, chỉ cần sang tay là có ngay vài trăm ngàn euro; hàng hoá bảo rằng xịn thì không dám nhưng cũng chẳng xấu, chủ yếu của Tầu.  Người Đức biết ơn người Việt vì đã dũng cảm dọn cái đống thổ tả này  để nó lột xác thành chợ như hôm nay...


Nhìn vào tiệm nail và làm đầu mình thấy khá đông dân tóc vàng. Chắc họ mê sự khéo léo của thợ VN và giá cả bình dân, chứ nói thật nhiều tiệm trông cứ tối tối, thâm thấp  thế nào í? Đôi lúc mình chợt liên tưởng đến cái chợ cửa khẩu Lào Cai.

Và một điều nữa khá ảm ảnh là những khuôn mặt mệt mỏi, bơ phờ của hầu hết người làm việc ở đây, cho dù bãi xe hơi ngoài kia toàn xe sang, cho dù một ngày họ kiếm được gấp hàng trăm lần hàng ngàn lần ở Việt Nam. Họ đang vắt kiệt sức để kiếm tiền, kiếm tiền một cách đích thực. Họ say mê kiếm tiền một cách không hề giấu giếm.  Chắc 24 giờ của không ít người ở đây cũng phải gắn chặt với cái chợ này. Enjoy và Relax rất có thể là hai từ xa lạ. Berlin lung linh ngoài  kia rất có thể là một thế giới khác cho dù trong túi họ rủng rỉnh tiền. Họ chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình để có một cuộc sống tương lai tươi sáng hơn cho  con cháu? Một sự đánh đổi đẫm mỗ hôi và nước mắt?


Mình mới tới đây 2 lần, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nên có cảm nhận rất chủ quan. Mình thấy chợ Đồng Xuân (ở Berlin) rất là…Đồng Xuân. Vào đây người Việt cứ tưởng đang ở Việt Nam, có cái gì đó gần gũi thân quen ghê lắm! Ngửi cái, nhìn cái, nghe cái...thấy liền!


Gian hàng thịt cuối ngày thứ 2 (thứ 3 là ngày nghỉ chợ)

Mình rất tự hào với người Việt ở Đồng Xuân – Berlin! Chắc hiếm có nơi nào mà người Việt lại có thể lấn lướt và đẩy lui người Hoa trong việc kinh doanh như ở đây, nhưng giá như nó gọn ghẽ, sạch sẽ hơn, bớt luộm thuộm đi một tí thì  tuyệt vời.

Dẫu có doanh số rất cao (theo lời anh Thắng) nhưng nhìn tổng thể Đồng Xuân vẫn có cái gì đó thiếu quy củ và bài bản. Đồng Xuân- Berlin: Giầu thì có thể rất giàu nhưng sang thì mình không dám chắc. Đồng Xuân có thể nhộn nhịp bán mua, nhưng để trở thành chốn sang chảnh cho người ta chơi (như các trung tâm thương mại lớn khác của bọn mũi lõ ở Berlin) thì cũng còn phải nỗ lực nhiều. Hay triết lí kinh doanh ở Dong Xuan như thế? Cái này mình cũng chả biết nữa ! Thôi chỉ nói những suy nghĩ rất thực của lòng mình


Chuyện ngày thứ 2


Đời sống dễ chịu và chính sách nhập cư có phần thông thoáng làm cho nước Đức là chốn dung thân của nhiều sắc dân.  Nếu mình mà là dân tộc thượng đẳng có gốc gác ở đây  từ thời cụ tổ chắc mình cũng khó chịu khi thấy những làn sóng nhập cư ồ ạt rồi phải tiếp xúc với nhiều tiếng nói lạ lẫm khác.

Mình để ý rồi, khu nhà bên đông khác và khu nhà bên tây khác, nhà của người Đức và những người nhập cư cũng khác. Có cái ảnh này lấy ở trang của bạn Hai Dinh Tuan . Thấy có còm nói rằng đây là khu nhà của người nhập cư vùng Ban Căng và Trung Đông nên họ mới treo ăng ten tùm lum để bắt kênh TV tiếng nước họ.  Người Đức hình như không thiếu thẩm mỹ và thiếu khoa học đến thế?



Ai sang Đức lần đầu thì nhớ ổ cắm bên này tròn. Wifi không hào phóng như ở thiên đường


Tất nhiên bỏ ra 15-50 Euro mua sim 3 G thì xài bét nhè. Vào Dong Xuan Center mà mua. Nhưng hàng xịn thì không nên tới nơi đó.

Nhớ đem bàn chải + kem đánh răng. Hình như KS từ bình dân đến cao cấp ở Đức không cung cấp cái này.


Tư bản sắp giãy chết rồi, bóc lột kinh người, có cái xe đẩy ở sân bay cũng phải bỏ xu vào. Cái gì cũng tiền tiền. Nhưng đc cái tiền ấy quay lại làm phúc lợi XH chứ không rơi vào túi mấy ông "làm thúi móng tay"




Mình không hiểu sao văn minh như Đức mà tụi này không chịu làm cái vòi xịt? Bảo thủ quá! Hôm nao cho qua xứ sở vua Hùng mà tham quan học tập! Ở đó người ta đi thằng từ gạt bằng que, chùi bằng đất thó và lá chuối lên... vòi xịt.  Mình đã có dịp được vào cả chỗ chị Angela Merkel  thấy WC cũng không vọi xịt, tệ thế!


Có cái bồn rửa này hay mấy bác học nha! Nghe đâu có từ thời DDR. Rất tốt và rất thông minh


Để rau quả bát đĩa nước nó không chảy  toé loe ra bếp , bằng nhựa .



Thôi xuống khải giảng cái đã, tí biên tiếp

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Chuyện ngày thứ I ( tiếp)


Cái thú đi chợ đồ cũ không hẳn ở chỗ người ta hí hửng khi vớ được món hời hoặc mua được thứ mình thích. Chợ đồ cũ như những mảnh ghép rời rạc của quá khứ : văn minh, lạc hậu, hỗn độn, đau thương, hào hùng, bi tráng ... Đó là những thước phim tư liệu lịch sử sống động và chân thực. Nhưng có lẽ điều làm cho mọi người say mê chính là  ở chỗ cái chợ lẩm cẩm này luôn tạo ra sự bất ngờ thú vị.

Ở chợ đồ cũ  phố 17 Juni - Berlin thấy bán cả cốt  mũ quân đội Hít le các kích cỡ, binh chủng  khác nhau.



Phải thừa nhận người Đức lưu giữ tài tình!  Kết thúc chiến tranh TG lần II  (1945) đối với người Đức chẳng vui vẻ gì, bức tường Berlin như một nỗi buồn đối với họ, nhưng quá khứ là quá khứ, họ vẫn trân trọng. Ở Checkpoint bán cả đồ hồng quân lẫn quân phục Mỹ; trong toà Nhà quốc hội Đức, dù đổ nát hoang tàn sau chiến tranh l, và sau này là sự kiên Berlin Wall sụp đổ 1990, nhưng giờ vẫn nguyên vẹn những mảng tường ghi lại các dòng tâm sự của người chiến thắng.  

Khu mình ở, City Hotel Berlin East, vẫn treo những tấm ảnh cũ kỹ thời CHDC Đức, cho dù giờ hỏi 10 người cầm chắc 9 người rùng mình khi nghĩ lại quãng thời gian u ám ấy. 


Một bất ngờ thứ hai  ở chỡ đồ cũ hôm nay là bánh xà phòng của Đông Đức (mà theo mình) của những năm 80 thế kỷ trước.   


Các bác từng đi lao động xuất khẩu thời đó nhìn lại xem đúng không? Đây là bánh xà phòng thần thánh mà cộng ta thường ken vào những chỗ còn có thể ken ở  thùng hàng để gửi về quê hương yêu dấu. 

Lúc về khách sạn lại được một bác người Đức xịn chở. Hỏi bác người bên đông hay bên tây? Bác bảo trước 1989 tao người bên đông.  Không cần hỏi biết ngay bác dân vượt biên (qua bức tường Berlin). Lại hỏi bác đi qua bằng cách nào, bác bảo tao chạy. Tiếc là bác tài xế già nói tiếng Anh không được nhiều còn mình lại nghe được quá ít, vì trên taxi không sử dụng được body language.  Định bụng hỏi trong 3 ông: Vietnammesse, Turkish, Chinese  thì bác thích ông nào nhất nhưng trông dáng vẻ ông ưu tư nên lại thôi ./.














Thanh niên Giao Chỉ ở Đức (tập kế tiếp) Chuyện ngày thứ nhất.


Rút kinh nghiệp sâu sắc trong lần đầu tới Đức mà mình đã có lần viết cách đây mấy năm (cùng tiêu đề này). Lần ấy bị thằng ranh con ở Rossmann nó dạy nói pờ-lì (please) trong khi mình cứ đinh ninh mua bán, mặc cả  thì cần đek  gì informal. Lần này, trên tinh thần phê và tự phê nghiêm túc, có kiểm thảo chỉnh huấn đàng  hoàng nên ngay khi bước chân vào City Hotel mình đã luôn mồm nói  pờ- lì. Một mình đi bộ ở vỉa hè mình cũng cứ pờ- lì, pờ - lì. Thế là tụi Tây dạt hết cả ra, tranh nhau chìa tay mời mình đi trước rồi nhìn hút theo vô cùng ngưỡng mộ. Mình đoán ở phía sau, tụi nó thể nào cũng tấm tắc gật gù, nói cầm chắc thằng này Việt Nam chứ không phải Tàu. Mình kệ cho chúng nó say mê!  Chuyện! Giao Chỉ mà lị!

Sáng nay một soái ở Đồng Xuân vào bán thẻ 3G. Nghe giọng biết ngay soái sinh ra và lớn lên ở chỗ nào Việt Nam. Mình ngơ ngáo lân la, nói anh ơi, em vừa sang, bở ngở quá, tí  tiện xe anh làm ơn chở giúp em ra chợ đồ cũ 17  Ju-ne sờ-tra-be-de  cái (17 Juni StraBe  des ), hết nhiêu em gửi.

Soái đảo mắt ngắm mình từ đầu tới chân rồi... từ chối, nói bận, mình nài: Hay chở em về Đồng Xuân cho biết rồi từ đó em bắt xe đi Flea  Market (chợ trời)  cũng được.

Thế là mình về Đong xuan trên con Mec 7 chỗ hầm hố kinh người, tiền Việt chắc 3-4 tỉ? Ở Dong xuan có cả đội ngũ lái xe người Việt, mấy anh ở đó cho số, mình cảm ơn lắm, nhưng nghĩ bụng, thôi  em biết rồi. Em cũng là Giao Chỉ đây ạ.

May, mấy anh ở đó lại gọi cho một thằng taxi Đức xịn. Mình cứ nơm nớp lo dính mấy bố taxi Thổ thì hỏng,  chả hơn gì các bác Giao Chỉ anh hùng. Hết 27 oi (Euro) từ Dong xuan ra chợ đồ cũ Berliner Trodelmarket 17 Juni. Lúc xuống xe, thằng cu taxi ý tứ : Tao đếch biết giá cả ở đây thế nào đâu, có thể là nói thách rất cao đấy. Mình nheo mắt nhìn hắn ra điều sành sỏi: The Turkish (tụi Thổ chứ gì)?  Nó cười phá!

Chín giờ. Trời đẹp! Tạt vào mobile shop kêu một cốc Mericano  2 euro nóng bỏng miệng, thơm ngất ngây,  mình từ từ rảo bước. Không có gì phải vội! Sáng nay mình đã rất lấy làm tiếc khi tách đoàn. Đoàn đi citytour trên xe buyt mà tính mình thì không thích vội vã. Chơi vội làm gì!

Chợ đồ cũ vẫn giống mấy năm trước, khác chăng lần này mình điềm tĩnh, thong dong hơn. Nói vậy chứ cũng đôi lúc băn khoăn khó xử. Ví dụ như hai bức tượng đồng này thì mua cái nào hả các thím? Rất trăn trở!



Ở chợ, nhìn mặt mấy ông bà Thổ mình cũng có phần e dè. Cứ dân tộc Giéc- Manh thượng đẳng mình xộc vào ngắm nghía hỏi han búa xua. Nhìn chung tụi Đức chính cống không làm ba cái chuyện trẻ ranh.

Trước đây cứ nghĩ đúc đồng Ngũ Xã,  Đại Bái,  Đồng Xâm; gỗ Đồng Kị, Hà Tây... là nhất, sang đây thấy mũi lõ làm handmade cũng tinh xảo kinh người! Đấy cứ trông cái mẹt thằng cu trong bức tượng trên (vừa mãn nguyện, vừa có gì đó bẽ bàng, ân hận, nuối tiếc)  biết ngay nó vừa thủ dâm. Tin mình đi! Cái này mình hơi bị thạo, he he!

Sà vào đống dao kéo của Thuỵ sỹ và dụng cụ làm nghề mộc của mấy bác tây là không muốn rời. Nhìn công cụ biết ngay tay nghề chế tác,  chất lượng sản phẩm thế nào.



Hôm nay ở Berlin mưa, lạnh cỡ 6-7 độ C, cái đầu mình lại húi cua nên càng buốt tợn. Cắn răng vào một cửa hàng chọn một cái mũ len, cái thứ mà chưa bao giờ mình dự định sẽ mua ở đây.  Hơn 50 euro cho cái mũ này có đắt không các mợ?

Lúc trả tiền mình hỏi con bé bán thế em ở đâu. Nó nói em, Mongolian. Mình nhoẻn miệng cười, bảo tao Vietnam.  Len sờ mượt, mịn, mát, êm, nhẹ... Lông cừu? Mongolian thì tạm tin chứ nó mà nói: Xìe xie, niếu pi  (牛屄) , Ủa xừ Trung Của rẻn (Cảm ơn, con bò, tao  là người... Choang đây) thì bỏ mịa

Lượn vài vòng, khua chân múa tay kì kèo cò kè mặc cả như một con mụ... chính cống, cuối cùng cũng mua được cái mũ và cái đèn cho con học.


Nhiều chuyện hay lắm! Thôi, đi làm bát mỳ tôm cho đỡ đói. Tí kể tiếp.


















Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Kỷ lục và sự háo danh

Cách đây mấy năm dư luận từng cười ra nước mắt với kỷ lục gánh nước 40 năm của cụ ông Nguyễn Đường. Vừa rồi mình có thăm lại Đền Đô (Đình Bảng -Bắc Ninh), lại giật mình với tấm biển công nhận: Đền có nhiều người biết đến nhất?!

Không biết người ta đo đếm khảo sát như thế nào để cho ra kết luận: Đền có nhiều người biết đến nhất, mà không phải là Đền Hùng, nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Hỏi "GS Gúc -gồ" thì được biết Đền Hùng có nhiều kỷ lục lắm rồi, đâu gần 20 cái, từ Ngôi đền thờ vua Hùng lớn nhất đến Chiếc bánh khoái lớn nhất :V
Điều mình quan tâm hơn cả là vì sao các cá nhân, tổ chức lại si mê những cái kỷ lục như thế. Riêng trường hợp cụ Nguyễn Đường thì chắc cụ chả thiết tha gì đâu, nhưng họ ấn vào tay cụ, đẹo kỷ lục vào cổ cụ, bảo cụ mặc áo vét đứng chụp ảnh... thì cụ làm theo thôi.
Kỷ lục gánh nước bền vững 40 năm như của cụ Nguyễn Đang là dạng kỷ lục hiếu kỳ, kỷ lục để câu view. Nếu nó choàng vào cổ một cá nhân, một tổ chức "hoành tráng" nào khác thì nó trở thành kỷ lục để PR, đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thanh thế, xịt dầu thơm cho đơn vị mình... Ranh giới này rất mong manh.
Chi phí cho những tấm biển kỷ lục ấy như thế nào không quan trọng bằng việc tấm biển này chứa thông tin, mà nhiều thông tin lại cần chuẩn chỉnh. Học sinh cứ nhìn vào tấm biển kỷ lục kia mà viết trong các bài thi của mình, rằng Đền Đô nhiều người biết đến nhất liệu có ổn?
Từ đâu và từ bao giờ dân Việt lại khát kỷ lục đến mức như thế? Người ta đi tìm (và đón nhận) kỷ lục hồn nhiên, mê muội hay đầy toan tính? Nó có phải là hệ lụy của một giai đoạn tôn sùng danh hiệu, đắm đuối, hoang tưởng với những cái nhất, và bây giờ thì dễ dàng sinh sôi trong bối cảnh nhiều giá trị đang bị đảo lộn?

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Lại cấm bolero ?

Mình một nốt nhạc bẻ đôi cũng không rành nhưng thích nhạc và thích nghe hát. Nói vậy để các cụ đại xá khi đánh trống qua cửa nhà sấm, nói một tí về hát hò, nhân đang râm ran chuyện cấm đoán gì đó mấy bài hát trước1975.
Những năm 80 đi lại giữa Sài Gòn và Hà Nội chủ yếu là tàu hỏa, 3 ngày 3 đêm. Hồi đó có khá nhiều thương phế binh của chế độ cũ hát rong trên tàu. Chỉ với hai cái thìa hoặc vừa hát vừa gõ bo, họ thể hiện bài Màu tím hoa sim cực phiêu, nghe muốn trào nước mắt. Khi đó mình đinh ninh nhạc phẩm này của mấy anh lính VNCH, oán hờn các anh bộ đội abcd gì đó. Ai dè sau này mới hay nó được phổ nhạc bài thơ của Hữu Loan, một Việt Minh chính hiệu, viết – khóc cho người vợ xinh đẹp của mình khi nàng bị…chết đuối. Bối cảnh câu chuyện (để trở thành đề tài cho bài thơ bất hủ) ở Nông Cống – Thanh Hóa chứ chẳng đâu xa.
Thế hệ 6x chúng mình khi nghe bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” với những giai điệu tha thiết, da diết : “Mùa hoa lêkima nở/Quê ta miền đất đỏ/Sông núi vẫn nhớ tên người anh hùng/Đã chết cho đời sau...” xúc động lắm! Nhưng nhiều người cho rằng nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn khi sáng tác bài này chưa nhìn thấy cây lêkima (mà ngoài Bắc gọi là cây trứng gà) bao giờ. Nếu nhìn thấy hoa của nó, chưa chắc ông đã sáng tác như thế. Vì nếu khen hoa lêkima là thơm ngát để cài lên tóc, thì chắc chỉ có người dở hơi mới làm vậy, vì mùi của nó hơi bị … thối.

Nhạc sỹ Châu Kỳ & Che Linh
Lại nói tới hoa với lá! Trong bài thơ Lá diêu bông của thi sỹ Hoàng Cầm cũng vậy.
"Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông ..."
Diêu bông là cái lá do cụ Cầm tưởng tượng ra, là một thủ pháp nghệ thuật. Giờ bảo đi tìm lá diêu bông mới lấy làm chồng thì các chàng chào thua. Hoặc nàng muốn ở vậy suốt đời?
Hơn một năm thường trú ở Tây Bắc mình có cơ hội đi hết các con đèo dẫn tới thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ lịch sử, nơi tướng Đờ-Cát (Christian de Castries) thất thủ trước sự tài ba của tướng Giáp. Rồi sau này đọc lại hồi ký của một số nhà văn nhà thơ thấy bẩu cái đận “56 ngày đêm” ông Tố Hữu ở tận đâu đâu, chưa biết đèo Pha Đin, Lũng Lô ra răng, nhưng ông tưởng tượng ra một bức tranh vô cùng hoành tráng: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ /Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…( Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).
Cơ quan thường trú VOV Đồng Bằng Sông Cửu Long ở ngay cạnh Công viên Lưu Hữu Phước (Cần Thơ). Hồi mình thường trú ở đây hay lang thang ra chốn này, chả làm gì, vừa đi vừa mủm mỉm cười nghĩ : Ông nhạc sỹ này Việt Cộng gộc thế mà lại có bài Sinh Viên Hành Khúc (La Marche des Étudiants) được VNCH sử dụng làm quốc ca. Cho dù bài này được sáng tác năm 1940, khi NS Lưu Hữu Phước đang là học sinh ở Sài Gòn, nhưng 8 năm sau chính phủ Nguyễn Văn Xuân, và mãi về sau này, khi Lưu Hữu Phước đã là người của phía bên kia, chính phủ VNCH vẫn chấp nhận nó là quốc ca thì kể cũng hơi bị…liều!
Kể mấy chuyện linh tinh, chẳng đâu vào đâu để thấy thơ ca nhạc họa và nghệ thuật mà cứ rành rẽ thì kể cũng hơi bị khó, nhỉ? Mình thì mình vẫn thích nhạc vàng, nhạc sến thôi!