Sân bay Nà Sản
Đi qua nhiều nhưng hôm nay mới ghé thăm lại Sân bay Nà Sản. Nó nằm sát QL 6, cách thành phố Sơn La 20 cây. Trước đây khai thác tuyến duy nhất Nội Bài – Nà Sản, tuần hai chuyến. Mình “vinh hạnh” được đi 2 lần, cả 2 chiều.
Lần đó (98) đếm mãi trên khoang cũng chỉ được chục người, toàn lãnh đạo đi họp. Tiếp viên có một, dúi cho khách chai nước rồi ngoẹo đầu ngủ. Cửa phòng lái mở toang, khách tha hồ thò đầu vào chuyện phiếm với phi công.
Ơn trời, cả hai lần đi thời tiết đều đẹp, không phải lộn lại Nội Bài. Nhưng lúc đáp xuống Nà Sản thấy xe cứu hoả chớp đèn chạy theo rần rần, thấy ớn! Chắc đó là quy định cho những sân bay có độ an toàn thấp?
Bay tuyến ngắn (300 Km) chẳng khác gì “ăn bát cháo chạy ba quãng đồng”. Thời gian lên sân bay, làm thủ tục gấp 4 lần thời gian bay (45 phút cho máy bay ATR 72).
Tới đây Sân bay Điện Biên sẽ được cải tạo để đón máy bay lớn hơn, rồi đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu triển khai khiến Sân bay Nà Sản ít có cơ hội được đầu tư như những gì đã được ghi trên giấy.
Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ra quyết định phê duyệt điều chỉnh Cảng hàng không Nà Sản giai đoạn đến năm 2020, xác định sân bay Nà Sản là sân bay dùng chung cho cả dân dụng và quân sự, cấp 4C theo quy định của ICAO, loại máy bay khai thác là A320/321 và tương đương.
Với con mắt chiến lược của các nhà quân sự thì Nà Sản có thể còn đắc dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt, còn với dân sự thì xem ra số phận của nó đã được định đoạt rồi.
Quả tình tôi cũng rất tiếc vì Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được người Pháp xây dựng từ những năm 50, được đánh giá là cụm phòng thủ kiên cố chỉ sau lòng chảo Điện Biên. Chính vì thế năm 1998 nó được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nghe kể trước đây xung quanh cứ điểm còn nhiều đồn bốt, hầm hào nhưng đến nay, thời gian và sự thờ ơ đã xoá nhoà gần hết.
Di tích bị mai một đã đành, nhưng nơi đây còn có một ý nghĩa khác trong lịch sử chiến tranh CM. Đó là năm 1952 ta đánh vào đây và thiệt hại nặng, sau đó phải rút. Từ chiến thuật “Con Nhím” thành công ở Nà Sản, Pháp đã xây dựng tập đoàn cứ điểm lớn hơn là Điện Biên Phủ. “Nà Sản” đã cho chúng ta nhiều bài học xương máu để chúng ta giành chiến thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó 2 năm.
Bây giờ Nà Sản còn cái biển giúp người ta nhận ra trước đây nó là sân bay. Mình vào sân thấy 2 ông, một ông cởi trần khoanh chân trên ghế rít thuốc lào, ông kia quần đùi mài dao ở sân, hỏi "anh cho chụp vài tấm ảnh", ông ấy nói "ờ" rồi nhả khói.
Trong “sảnh chờ” (nói cho oai) giờ toàn chứa sắn khô. Mình chui lên “tháp không lưu” chỉ sợ cầu thang sập. Đường băng giờ phơi sắn. Đáng để ý là hệ thống các tấm ghi làm phi đạo. Một đoạn bị xe tải chèn qua hỏng vài tấm, còn lại khá tốt. Nơi khác chắc mất hết từ lâu?
Dấu vết đầy tính khoa học và hàng không còn lại là cái vạch chỉ hướng vẽ bằng sơn thô sơ cạnh tháp không lưu, trạm khí tượng và một téc dầu lớn hoen rỉ ngay lối vào.
Thế đấy! Cứ đứng ngậm ngùi hoài niệm. Nơi đây, mình đã lên xuống 2 lần🤪.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ