Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Nói ngọng

 Sếp vừa gửi cho một bài hài hước về nói ngọng bỗng dưng nhớ gần hai chục năm trước mình cũng có bài về chủ đề này, đăng Báo Tiếng nói Việt Nam.


Nói ngọng là một tật, đã là tật của ai đó mà cứ "nói ra nói vào" thì người đó khổ tâm lắm! Tôi ngày xưa cũng nói ngọng nên thấm😔!
Tôi không phát âm được N, chỉ nói được L. Lớp 3 vào Sài Gòn, cô chú trong cơ quan bố vừa trêu vừa dạy nên mới nói đúng cả hai phụ âm này.
Rất đơn giản, cô chú nói "ĐI HÀ NỘI - MUA CÁI NỒI - NẤU CƠM NẾP ", mình nhìn khẩu hình (nhìn cách đặt lưỡi) của cô chú rồi nhắc lại, thế là hết ngọng🤣.
Cái dự án GD khổng lồ năm 2000 có cả một dự án thành phần về chữa ngọng cho GV. Chắc ở đó chữa ngọng bài bản hơn, tài liệu cũng vẫn còn.
Một cách dễ hiểu nhất, ngắn gọn đơn giản nhất, thì một người bị coi là ngọng khi người đó phát âm lệch chuẩn khỏi cộng đồng ngôn ngữ nơi người đó sinh sống.
Thế giờ cả làng "iem" nói ngọng, em mà nói đúng như thiên hạ thì em lại "ngọng" với... làng à 😝🤣.
Vui vậy thôi chứ tất cả chúng ta không ai nói chuẩn đâu. Nói câu này không phải để an ủi những người anh em thiện lành đang nói ngọng; cũng không cốt làm "hạ nhiệt" các thế lực thù địch đang thò bàn tay lông lá vào nỗi đau của người khác 😝, mà thực tế khách quan nó vậy.
Cho tới tận lúc về hưu anh Trịnh Thế Xương, quê Bến Tre (VOV ĐBSCL) chưa một lần gọi đúng tên thằng Văn (Lê Vĩnh Văn), quê Thanh Hoá, nhân viên của anh ấy. Nhưng Văn là đứa cực thông minh nên gọi Zăng nó vẫn thưa như thường😎.
Mấy ông Hà Nội ti toe ta đây tiếng chuẩn nhưng xin thưa, từ khi dời đô ra Thăng Long tới giờ, các ông chưa một lần nói đúng từ RƯỢU😛!

Quê tôi ở thôn Lại Đà, bên kia sông Đuống. Thời bé (quãng những năm 70-80) về quê ấn tượng nhất là đường làng và cổng xóm. Đường làng được xếp bằng gạch đỏ nhưng đặt nghiêng chứ không đặt nằm. Bố tôi kể trước đây ai làm rể làng thì phải nộp gạch để làng làm đường.



Không dám qua mặt các bác xây dựng nhưng thực tình không hiểu vì sao hồi 1000 năm Thăng Long lại lát gạch gra-ni-tô 40x40 mỏng tèo tèo cho toàn bộ vỉa hè HN. Giờ vỡ gần hết, đang thay bằng đá tự nhiên, diện tích bề mặt nhỏ hơn, dầy hơn, nhưng không biết có khá hơn?
Nói về lát đá vỉa hè thì châu Âu có từ lâu rồi. Nhưng hình như những viên đá đó gần giống hình trụ? Phần lộ trên mặt đất chắc mỗi cạnh vuông chỉ 10cm nhưng phần ngậm dưới đất dài hơn, như cái răng cắm trong lợi.
Tiết diện bề mặt nhỏ như thế nên giả sử có một lực cực lớn tác động lên bề mặt thì viên đá cũng chỉ bị lún (mà lại lún cục bộ) chứ không vỡ. Khả năng xô lệch khỏi vị trí ban đầu cũng rất ít vì được cắm sâu trong đất.
Đường làng Lại Đà giờ lên đời bê tông, đường nhựa, nhưng hình ảnh con đường làng đỏ au với những viên gạch xếp nghiêng, thẳng thớm, vô cùng đẹp mắt… thì không thể quên.


Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Góc ...rưng rưng về người thầy

 Tôi học cấp III quãng 1985-1988. Giai đoạn này đất nước vô cùng khó khăn! Tôi trọ nhà ông bác ngay ngõ chợ Gia Lâm để tới Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho gần, khỏi phải đi bộ từ nhà (Đức Giang) tới trường tầm 3 cây số. 

Hôm đó đang lúi húi gập quần áo thì nghe tiếng quen quen ngoài cửa, hỏi bác có lấy rượu không. Ngó ra đúng cô giáo dạy văn. Chắc cuộc sống giáo viên lúc đó khó khăn quá, cô phải nấu rượu nuôi lợn và đích thân đi bỏ mối. Nhìn lom lom vào căn phòng tối, cô lờ mờ nhận ra học sinh của mình. Một thoáng bối rối, còn tôi lí nhí chào cô, trong hoàn cảnh bất ngờ, trớ trêu. Đã thế bà bác (đang ngồi xổm ở bậu cửa với cô) cứ nhấc lên đặt xuống, ngửi, nếm, rồi chê ỏng chê eo. Thời gian vài phút mà như cả năm. Căn phòng tập thể chỉ vỏn vẹn 10m vuông nên tôi không biết trốn ở đâu để “giải thoát” cho hai cô trò. 

Dạy văn cũng đồng thời chủ nhiệm lớp tôi là thầy V. Thầy có vợ làm Công ty hóa chất Đức Giang. Giai đoạn này mấy công ty nhà nước như hóa chất Đức Giang đang ngoi ngóp, sống dở chết dở. Lương giáo viên của thầy cũng còm cõi. Vợ thầy nhạy bén với thị trường nên nhao ngay ra khỏi công ty, mở cửa hàng buôn bán hóa chất.  

Thời đó hai tiếng “con phe”, “con buôn” vẫn nặng nề! Tôi nhớ trong giờ giảng khi kể những mẩu chuyện ngoài lề liên quan đến “chân ngoài dài hơn chân trong”…  là thầy lúng túng, ngắc ngứ. Bởi thời đó người ta vẫn chưa quen, chưa chấp nhận cái gì ngoài Nhà nước. Nông dân phải trong hợp tác xã, trí thức phải trên giảng đường và phòng thí nghiệm, binh lính ở tuyến đầu, “lực lượng cầm búa” còn lại thì buộc phải trong công ty, nhà máy, xí nghiệp. “Con người mới XHCN” mà thầy vẫn giảng mặc định phải như thế. Điều đó cũng quy định con mắt khắt khe của xã hội khi đánh giá sự mực thước của nhà giáo không chỉ bó gọn ở phạm vi người thầy mà còn liên hệ với cả gia đình. 

Học trò vốn nghịch! Bữa đang giảng thì thầy T., dạy toán đi ra ngoài. Lát sau vào, thấy chỗ cài khuy quần của thầy có vết phấn, lập tức mấy đứa thì thầm huých tay hội con gái để bọn chúng bấm bụng cười. Xưa quần cài khuy, lấy đâu ra khóa kéo. Thầy biết “lộ hàng” nên đỏ mặt đi ra ngoài cửa lớp… nhưng lúc vào vẫn… “bung lụa” như thường vì quần thiếu cúc. Dưới lớp mấy đứa con gái không kìm được rúc nách nhau bụm miệng cười.

Chả biết tối đó có việc gì phải đến nhà thầy T., thấy thầy đang chổng mông lùa chổi vào gầm giường quơ quơ cái gì đó, tôi chào và bảo thầy lấy gì em lấy cho. Thầy lồm cồm bò dậy phủi hai đầu gối, nói không, để tí thầy tìm, cái này em không biết đâu. 

Đúng lúc vợ thầy dưới bếp lên nhìn tôi cười hỉ hả thật thà, nói thầy đang tìm cái cúc quần. Rồi vợ thầy chuyển ánh mắt trìu mến sang thầy, nói nửa thương nửa trách: - Có mỗi cái quần diện nhất để đi dạy thì đứt cúc. Nghe đến đấy tôi ứa nước mắt hối hận vì trò đùa tinh quái của mình!

Năm 1988 tốt nghiệp, tôi đỗ vào Khoa tiếng nước ngoài, Trường Đại học tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội. Hôm ấy cũng là một chiều đầu Đông, tôi có việc phải đến khu tập thể giáo viên của trường ở Lò Đúc. Đấy là những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp tối tăm, có lẽ được xây vào những năm 50 thế kỷ trước. Tôi đoán vậy!

Đợi mãi thầy mới đi chợ về, chống xe đạp cạch phát, thầy gật đầu chào, bảo “Phong vào nhà đi”. Tiến lại phía cái bàn gỗ cũ kỹ nứt nẻ, mắt thầy nhìn chăm chăm vào bộ ấm chén cọc cạch sứt vòi nhưng tay thì lần lần mở khuy ngực túi áo đại cán moi ra miếng thịt bằng 3 ngón tay gói trong giấy báo rồi vứt toẹt xuống mặt bàn, nói “thực phẩm cả tuần của tớ đấy”! 

Một thầy giáo trí lực phi thường, đọc thiên kinh vạn quyển, sách viết hàng chồng, lên giảng đường sang sảng những kiến thức uyên thâm, ra khỏi lớp kéo theo bao ánh nhìn ngưỡng mộ của sinh viên… sống như thế đấy! 

Các thầy, các cô của chúng tôi từng trải qua một thời kỳ bươn chải, nghèo khó, thanh đạm đến không thể thanh đạm hơn như thế đấy!./.


Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Cảm ơn 12e trong chuyến họp lớp ở Ba Vì (11/2020)

 Cảm ơn BTC lớp 12e Nguyễn Gia Thiều đã tổ chức thành công chuyến “họp lớp qua đêm” trên Ba Vì. Buổi họp thật ý nghĩa khi nó nối tiếp ngay sau sự kiện Kỷ niệm 70 năm Trường Nguyễn Gia Thiều.

Khoá 85-88 của chúng ta giờ đứa nào cũng trên dưới 50. Ngũ thập tri thiên mệnh, coi như biết đủ hỉ nộ ái ố của cuộc đời; đứa nào cũng bận, cũng có cuộc sống và gia đình riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng mỗi lần đến với nhau là cười, là vui, là cãi cọ tranh giành chành chọe như trẻ thơ.

Giờ mỗi đứa một cuộc sống, có đứa đủ đầy, có đứa còn khó khăn, có bạn dân xã hội, có vị đương quan chức…, nhưng gặp nhau là để tất cả sang một bên, để cả lớp trở lại vạch xuất phát -thơ ngây và thánh thiện- của hơn 30 năm trước, khi còn trên ghế nhà trường. Đấy cũng chính là chất keo bền vững gắn kết tất cả chúng ta lại trong những lần gặp mặt-họp lớp. Không người sang kẻ hèn người thua kẻ được. Chả ai nói ra nhưng 12 e sẽ là như thế!
Mỗi lần họp lớp đem đến cho nhau tiếng cười sảng khoái mà người cười không cần che đậy, người thấy không phải hồ nghi, những tiếng cười mà cuộc sống xô bồ bon chen đã làm cho dần thưa vắng nên mỗi người cứ phải chắt chiu.
12e không phải lớp chọn hay nổi trội của Nguyễn Gia Thiều. Lớp có những bạn chưa giỏi vì ham chơi, có những bạn ngỗ ngược vì tính cách…, nhưng chính những bạn này 30 năm qua vẫn đều đặn đến thăm thầy cũ những ngày 20/11. Đó là điều mà 12e chúng ta xứng đáng ngẩng mặt tự hào.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Tìm xác trên sông Tranh nhớ lần ở trạm CS đường sông Bến Vạn

 Nhìn cảnh tìm xác trên sông Tranh lại nhớ cái đận lang thang ở sông Đà cách đây hơn 20 năm.

Không nhớ chuyến đó đi với Sơn (con bác Lụa báo Sơn La) hay với anh Đức (hiện là PCT Hội Nhà báo Sơn La). Đại khái hôm đó đói, mệt, thấy trạm cảnh sát đường sông (chỗ bến phà Vạn Yên hay Tạ Khoa, không nhớ) mắt thằng nào thằng nấy sáng rực, bụng bảo dạ: Có chỗ ăn ngủ rồi.
Trạm là cái nhà nổi lềnh bềnh neo vào bờ sông Đà. Vào, hai thằng nói là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế là các anh ấy cho nghỉ, tối còn tuý luý với cá sông Đà.
(Bản Bó Mí, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, Sơn La (1998). Sông Đà đấy ạ, nhưng không phải mùa lũ )
Hôm đó mùa lũ, nước hùng hục đổ về hạ nguồn cuốn theo những cây gỗ lớn lao phăng phăng trên mặt nước. Lúc chiều mình được tắm nước bể còn anh chỉ huy nhảy ùm xuống sông. Đang tắm chợt anh bám cầu vọt lên đứng im ở đầu nhà nổi, mắt hướng ra mé sông, nơi bè thực bì dồn lại thành những mảng lớn, ở đó bóng tối đang phủ một màn sương mờ ảo ma quái trên khắp mặt sông.
Anh chăm chú nhìn ra xa, mỗi hướng dừng lại mấy giây, đón gió, chun mũi khịt khịt vài cái.
Mình đứng sau chả hiểu gì, chả ngửi thấy gì, nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của anh đành im lặng, không dám hỏi.
Lúc sau anh quay lại, chả để ý mình đứng cạnh, nhóng cổ vào trong, vẫy 1 anh lính, nói mày chạy ca-nô ra chỗ kia, đấy chỗ đấy, đem theo cái sào đẩy cái xác ra giữa dòng cho nó trôi đi.
Mình hoảng quá, định hỏi sao không buộc chân vào rồi báo công an để khám nghiệm tử thi nhưng thấy anh mặt mày cau có, mình ngại; lại nghĩ tí còn ăn ở đây, còn ngủ lại đây, kinh bỏ mẹ, nên thôi, lẳng lặng đi theo anh.
Vào trong khoang, vừa lau người anh vừa nói, mùa lũ chết trôi nhiều lắm, anh ở đây quen rồi, ngửi mùi thối có thể phân biệt xác người hay trâu bò lợn, và nó đang ở chỗ nào trên mặt sông.
...
Chuyện này định giấu vì về lý là thiếu trách nhiệm, về tình thì hơi nhẫn tâm, nhưng nó là sự thực, nó là cuộc đời. Thế đấy! Cuộc đời ở nơi rừng rú, trên dòng sông Đà hung dữ, khắc nghiệt, khác với cuộc đời trên giấy và trên... hội trường.
Còn nhiều "cuộc đời" ở vùng Tây Bắc này mình sẽ kể vào dịp khác, giờ các bạn xem cảnh đi tìm xác ở sông Tranh do VOV miền Trung thực hiện. https://vov.vn/.../gian-nan-tim-kiem-nguoi-mat-tich-tren...
PS: Trộm nghĩ lúc này có anh chỉ huy năm nào ở sông Đà thì anh ...ngửi phát ra luôn, đỡ vất.