Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Trứng kiến

Hôm nay thấy một báo nói về việc lấy trứng kiến để ăn. Thực ra việc lấy trứng ra khỏi tổ không hề dễ dàng như báo nêu.

Mỗi vùng có cách lấy trứng ra khỏi tổ khác nhau nhưng đều phải tránh kiến cắn và phải làm nhanh, không thì khi đập tổ ra kiến nó lại tha hết trứng đi thì công cốc😢.

Mình nghe Hahien Ha người Sơn La kể chứ chưa đi lấy trứng kiến bao giờ. Nếu gặp tổ trong rừng thì tìm những lá to trải xuống đất, chỗ nhiều nắng, sau đó đập tổ cho trứng kiến rơi xuống lá. Động tác phải nhanh, sau đó tìm lá đậy lên đống trứng và kiến vừa rơi xuống. Kiến có xu hướng bò lên lá cây vừa đặt vào vì thế phải nhanh tay cầm cành lá ấy rũ mạnh ra ngoài để kiến văng ra xa khỏi trứng.

Nên đặt lá dưới trời thật nắng kiến sẽ bò đi nhanh hơn. Nếu không biết làm khi đập tổ mỗi con cõng một quả trứng chạy bốn phương tám hướng thì lúc đó đành ...khóc!

Nói vậy để thấy bà con mời mình đĩa trứng kiến phải bỏ công sức như thế nào!

Trứng kiến mình được ăn 2 lần, một lần ở Phù Yên tháng trước và mới đây ở Sông Mã (Sơn la). Một số người ăn trứng kiến sẽ dị ứng vì lượng đạm trong trứng rất nhiều.

Các bạn sẽ hỏi có ngon không, làm món gì, loại kiến nào ăn được trứng...? Bích Thuỷ và anh chị em sắp có bài, sẽ hầu các bạn!

Riêng tôi sẽ hầu quý vị bài về trứng kiến và cái khoản kia của đàn ông 🤣! Thử rồi! Thử rồi!

Đi mua cà phê Sơn La

Mình nghiện cà phê từ hồi đi thường trú Đồng bằng sông Cửu Long (2013) tại Cần Thơ. Hồi đó cứ 6 giờ sáng là sang ngồi quán chú Khải trong ngõ tỉnh đoàn, cạnh cơ quan, nghe bolero, đọc báo giấy và uống cà phê😉.
Giờ lên Sơn La thì không ngồi quán nữa mà ra quán tự rang, tự xay, đem về tự pha, rồi tự kỷ - tự uống.
Không bơ biếc gì hết, không có nước mắm nước tương gì cả, thuần 100% Arabica. Cháu trong hình lỡ rơi 01 cọng tóc highlight vào túi, mình "nựng" luôn, nói chú vẫn mua bịch này nhưng gửi lại quán để cháu pha miễn phí cho tất cả khách hàng nào tên Phong.
Đấy! Sống nó phải hào sảng nghĩa hiệp như thế nên đi đâu ai cũng yêu cũng quý, diệu uống chết thôi🤣!
Sơn La có vùng Chiềng Cọ, Chiềng Ban; Điện Biên có vùng Mường Ẳng (chỗ đèo Tằng Quái)..., cà phê rất ngon, đặc biệt giống Arabica.
Nghe đâu ngày xưa Pháp đã trồng rồi? Năm 1954, tướng Đờ- Cát (Christian de Castries) bị tướng Giáp oánh cho no đòn rồi bị ta bắt, khi 1 phóng viên phương Tây hỏi ông nuối tiếc điều gì nhất ở Điện Biên Phủ, Đờ-Cát nói nhõn một câu:
- Tiếc là chưa được uống cà phê chè nơi đây!
PS: Anh chị nào thực sự yêu mến cà phê thì giơ tay! Mình chỉ biếu tặng chứ không ...cho!



Bức xúc cũng cần rạch ròi

Tôi đã bỏ phiếu cho "không nên" thế nhưng kết quả vẫn như hình😢.
Trong làn sóng căm hờn và cuồng nộ của dư luận về gian lận thi cử thì có bao nhiêu % cuồng nộ và căm hờn có nguyên nhân từ thi cử?
Hay sự kiện gian lận ấy chỉ là giọt nước tràn ly? Chỉ là một mồi lửa thêm vào để thổi bùng lên cái đống rấm chật ních những oan ức bức xúc trái ngang trong mọi lĩnh vực của đời sống XH?
Chỗ này nên rạch ròi! Có như vậy mới nhìn vấn đề thấu đáo.
Ở một phương diện khác, dư luận thực sự lo ngại với tiền lệ "chìm xuồng" nên đã kiên quyết không từ bỏ, không buông tha.
Càng xử lý vụ việc chậm chễ, càng giấu giếm dư luận càng nghi ngờ, càng bức xúc; không có thông tin chính thống, chính xác thì truyền thông và dư luận khai thác tối đa những tình tiết ít liên quan. Tên tuổi thí sinh được nâng điểm đã nhan nhản trên mạng!
Sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu luật pháp không nghiêm minh và kịp thời tôi e rằng sẽ xuất hiện những cuộc đấu tố man rợ ở thời 4.0!

Chuyện phụ nữ bị bán qua biên giới

Đang chấm Giải báo chí Suối Reo của Sơn La. Đọc mấy bài về buôn bán người sang TQ mà buồn!
Phần lớn nạn nhân là người Mông. Lý do lãng xẹt: Nghe nói, hoặc ở bên TQ điện thoại về tô vẽ một viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp, sung sướng...thế là bỏ gia đình, bỏ chồng, bỏ con đi! Sang nó hành hạ như con trâu con chó.
Tôi cứ nghĩ mãi về nguyên nhân sâu sa của sự việc trên. Chả nhẽ bây giờ mà người phụ nữ Mông còn ngờ ngệch và dại dột như thế? Vẫn biết còn những vùng rất sâu rất xa, ánh sáng văn minh đang mon men len lỏi tới nhưng chắc chắn khá hơn trước nhiều!
Nhớ cách đây chừng chục năm, tôi và Giàng Seo Pùa (Yang Pua Seo), có lên Bắc Hà, Si-Ma-Cai, loanh quanh ở Bản Già, Lùng Phình mấy hôm.
Mấy hôm ở đó thấy bà con người Mông, nhất là trẻ em, rất say mê với những đĩa CD karaoke tiếng Mông. Chạy thử một đĩa thì thấy tiếng hay, hình đẹp; ca sỹ toàn nam thanh nữ tú, phong cảnh thì thần tiên, cuộc sống thì đủ đầy.
Tôi hỏi Pùa những CD này đâu sản xuất, Pùa nói ở TQ. Lại hỏi, bài hát nội dung gì, Pùa bảo chủ yếu về tình yêu đôi lứa, yêu quê hương đất nước …
Xuống chợ Bắc Hà thấy những CD này bán nhan nhản bên cạnh thuốc trừ cỏ chữ Tàu
Giờ ngồi mới ngẫm ra cái lứa bị bán hôm nay chắc hồi đó đang thiếu niên, đang dán mắt vào màn hình, say mê, tưởng tượng và mơ mộng nhiều lắm về cái thế giới vàng son bên kia đường biên.
Các em bị đánh bả từ lúc còn thơ. Và đến hôm nay, khi trưởng thành, chỉ cần một lời gợi ý nhẹ là hồi ức ùa về thúc giục trong các em một niềm tin mù quáng.
Các tỉnh Tây Bắc đang hăng say xóa đói giảm nghèo, nhưng cái nghèo về văn hóa cũng đáng kể lắm chứ! Nó để lại những hệ lụy đớn đau lâu dài!

Bài này mà cho có 3 á?

Nói thật, đọc bài văn của cậu này còn thú vị hơn nhiều bài văn mẫu nhàm chán, câu chữ loảng xoảng sáo rỗng khác.
Có thể mình là người làm báo (không phải làm văn) nên chú trọng thông tin, chi tiết đưa thông tin.
Chỉ vài dòng nhưng học sinh đã "vẽ" được chân dung chân thực của bố mình mà ai đọc cũng hiểu.
Rất thú vị với "nuôi một ông bố"! Đừng nghĩ vốn từ của học sinh nghèo nàn! Biết đâu đó là chủ ý ! Ông bố kiểu đấy không dùng từ "nuôi" thì dùng từ gì chuẩn xác hơn😂?
Em dũng cảm tả thực bố mình. Không tả bố thành ông hàng xóm hoặc một nhân vật đạo cao đức trọng, mũ cao áo dài nào khác. Đấy là tính trung thực của trẻ cần khuyến khích, động viên, khơi gợi!
Nếu mình là thầy giáo sẽ chấm ít nhất 5đ! Các bác cho mấy điểm?

Gian lận thi cử: bố mẹ là thủ phạm, con là nạn nhân

https://vov.vn/vov-binh-luan/gian-lan-thi-cu-bo-me-la-thu-pham-con-la-nan-nhan-896995.vov

Quên Khá Bảnh vớ vỉn đi! Hãy đứng dậy , đi và làm!

Trong lúc các bạn trẻ (và cả ông già nữa) rần rần chạy theo các anh dân xã hội anh hùng hảo hớn này kia nọ thì các bạn trẻ cũng đừng bận tâm quá nhiều! Đó là quyền của mỗi người. Họ không làm gì vi phạm pháp luật thì thôi! Kệ họ!
Cũng không nên mất công vào việc đi tìm câu trả lời vì nó là 1 hiện tượng xã hội cực kỳ phức tạp, dành cho các nhà nghiên cứu, họ phân tích đánh giá thì thấu đáo hơn!
Các bạn trẻ tuyệt vời là người sống không a dua theo phong trào tào lao, sống có trách nhiệm với bản thân, cân nhắc, thận trọng được - mất, xấu- đẹp, lợi-hại, trước mắt - lâu dài…
Thay vì mất thời gian đi xem anh Huấn Hoa Hồng, anh Khá Bảnh… thì các bạn hãy tham gia vào những hoạt động nghiên cứu khoa học của nhiều bạn trẻ hiện nay. Mới cấp II , cấp III mà các em đã sáng chế robot cứu hỏa, máy lọc nước… rất có ích.
Rất đông trai thanh gái tú đang đi nhặt rác tạo nên một hình ảnh đẹp và dễ thương vô cùng! Các trang báo quốc tế cũng đề cập! Tự hào không! Lại có những bạn phụ giúp gia đình bán hàng, sản xuất; nhiều bạn đang học vẫn ra quán làm thêm như bưng bê, rửa cốc bát đĩa... Mình đặc biệt thích các bạn trẻ dũng cảm khởi nghiệp. Sẵn sàng về vùng quê xa làm ăn.
Nhiều bạn lập thành các nhóm đi làm từ thiện mình rất phục! Ví dụ như CLB Nhịp Sống Trẻ của bạn Nguyễn Trung Hiếu ở Bắc Ninh. Cho đi là còn mãi mãi mà! Khi yêu thương nhau ta sẽ thấy lòng thanh thản, yên bình🥰!
Bữa hôm đi Philippin, ra sân bay thấy các bạn học sinh tham gia hội đoàn chữ thập đỏ gì đó đang làm thủ tục sang Cam Pốt thiện nguyện! Tiếng Anh các cháu bắn như gió, mặt mũi khôi ngô, tự tin hào sảng vô cùng! Nể!
Mạng XH là cái kho chứa cả rác lẫn ngọc. Mình là người có học, người tử tế, hãy chọn ngọc mà đọc! Ba cái rác rưởi hiện lên thì vuốt cho nhanh, pass /next luôn không thèm quan tâm.
Để thắp lửa cho trái tim và hành động của mình, hãy vào trang "Tony buổi sáng" nhé! Trang Youtube "Born Different" cũng rất hay!
Trang đó nói về những người bệnh, người dị tật, có tật và tàn tật...đã vươn lên với nghị lực phi thường, thật khó tưởng tượng nổi.
Ai học Anh ngữ thì trau dồi luôn ở trang này! Xem nó ta sẽ thấy cuộc đời và số phận đã trải chiếu hoa cho chúng ta - những người lành lặn - như thế nào; xem nó chúng ta sẽ hướng về phía trước thay vì quẩn quanh vò đầu bứt tai nghen tị và đố kị với mấy cậu ấm cô chiêu, nhà mặt phố bố làm to. Kệ họ! Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận! Có ai chọn được xuất thân của mình đâu!

Nhân vụ đánh nhau ở Phù Ủng nói về cách GD

Tôi muốn nói thêm đôi lời về sự việc nữ sinh bị 5 bạn nữ khác đánh hội đồng tàn nhẫn ở trong lớp học tại Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi-Hưng Yên).
Vẫn biết GD phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nhưng với chương trình học như hiện nay thì các cháu gần như cả ngày ở trường nên vai trò của thầy cô rất lớn.
Chút thời gian ít ỏi buổi tối ở nhà thì các cháu cắm mặt vào làm bài tập, không có nhiều thời gian trò chuyện với các thành viên khác trong gia đình.
Hành động côn đồ thiếu tính người ở trên đã có nhiều bình luận và đang được giải quyết, và vì nạn nhân có nhiều biểu hiện của một học sinh chậm chạp nên ở đây tôi xin phép một blogger nổi tiếng kể một câu chuyện về đứa con của anh.
Anh là nhân viên IT giỏi của World Bank Vietnam. Con trai anh mắc chứng tự kỷ. Thời gian cháu đi học ở VN, gia đình - mặc dù rất chăm chút cho cháu - nhưng dường như luôn nhận được ánh mắt và những hành vi thể hiện sự chán chường, thất vọng của thầy cô và nhà trường.
Gia đình buồn lắm! Đã có lúc anh nghĩ hay là buông xuôi, mặc kệ cho số phận? Nhưng rồi bất ngờ anh được điều chuyển sang Mỹ làm việc, đưa cả gia đình sang đó sinh sống.
Lúc nhập học, nhà trường có thông tin cháu bị bệnh nên đã có những cách dạy và cách tiếp cận riêng...
Và thật bất ngờ, vượt qua cửa ải của sự bất đồng ngôn ngữ, các con anh không chỉ hòa nhập với chúng bạn đủ màu da, mà cậu bé bị tự kỷ kia còn đã có những cải thiện và chuyển biến tích cực.
Chả bút nào có thể thể tả nổi niềm vui của gia đình anh! Khi đọc câu chuyện của anh viết về con tôi thực sự xúc động! Thầy cô đã sinh ra cháu lần thứ hai.
Hy vọng anh sẽ kể chi tiết việc này! Chắc chắn anh sẽ kể rất hay vì anh đã theo cháu từng bước chân, cả trong và ngoài nước, nên am tường cách dạy dỗ của thầy cô ở cả hai nơi.
Hôm qua cháu nhà tôi nhờ vẽ chủ đề quê hương để nộp cho cô. Tôi từ chối, bảo con thích vẽ gì thì vẽ. Cuối cùng cháu đưa ra cái ảnh Chùa Một Cột. Thấy ảnh khá phức tạp nên tôi phác vài nét để cháu triển khai, vừa phác vừa nghĩ, giá như thầy cô bảo cháu vẽ chính ngôi nhà của mình, vẽ người thân của mình có hơn không?
Biết đâu qua những bức tranh đó thầy, cô sẽ hiểu thêm về gia cảnh, về tính cách từng học sinh để rồi từ đó cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với các em.
Thú thực, cũng chả dám mong gì nhiều hơn trong bối cảnh này!

Nữ sinh bị đánh ở Phù Ủng

https://vov.vn/blog/nu-sinh-bi-danh-o-phu-unghung-yen-mot-hanh-dong-man-ro-892319.vov

Sư hổ mang

Bố tôi kể trước đây các nhà sư trong chùa được làng cấp cho mảnh ruộng nhỏ. Sư tự trồng cấy lấy thóc, trồng rau làm đậu để ăn, làm tương để chấm.
Hình ảnh ngôi chùa ẩn dật, tĩnh lặng, thiêng liêng, có phần khắc khổ nhưng từ bi hỷ xả, thuần khiết, trong lành... ghi dấu ấn khó phai trong tâm trí tôi.
Hơn 2 năm công tác ở miền Tây Nam Bộ, anh chị em người Khmer cũng cho tôi hiểu thêm nhiều về Phật giáo Nam Tông. Sư ở nhánh này đi khất thực, người dân - phật tử - ai có gì cho nấy và họ dùng thức ăn đó hàng ngày.
Gần đây chùa chiền có nhiều thay đổi. Tôi không lạm bàn về sự thay đổi đó vì không am hiểu phật giáo. Vả lại cũng nghĩ: Thay đổi để tốt hơn là bản chất, là quy luật của cuộc sống. Mọi thứ không có gì bất biến!
Tuy nhiên khi thay đổi thì phải đổi cả hệ thống kinh kệ và giới luật. Còn khi vẫn áp dụng nó, vẫn thỉnh nó ra rả hàng ngày thì phải tuân thủ!
Diệt lòng dục (sự ham muốn) vẫn là những bước đi căn bản để kẻ tu hành đắc đạo, đến được cõi Niết bàn. Trong Kinh Pháp Cú của Đạo Phật có Tam độc ai cũng biết, đó là THAM, SÂN, SI (tham lam, giận giữ, si mê). Phật giáo cho rằng đây là nguyên nhân chính gây đau khổ cho loài người.
Tuy nhiên giờ người ta lại thấy 3 chữ này, đặc biệt chữ THAM, ở một số chùa còn rõ nét và sống sượng hơn ở ngoài đời! Còn lòng dục của những ông sư nhảm nhí, xôi thịt thì xin dành lời bình cho độc giả!

"Thơ" và ...ruồi trong hố xí

Ngày trước trên tường bên trong hố xí công cộng có rất nhiều tranh vẽ nguệch ngoạc bằng than, gạch non, đất cày...chủ yếu ảnh sex ngây ngô; rồi nội quy, thậm chí cả lời tỏ tình, triết lý sống, cùng những lời tự sự😂:
Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Gặp nàng thiếu nữ bên nhà xí
Nhường nàng ị trước thế là...yêu!
Còn nội quy nhuốm màu dọa nạt kèm chế tài hình phạt khắc nghiệt thì nhiều vô kể. Tuy nhiên cũng có những lời nhắc nhở ôn hoà bằng ...”thơ” :
Thả cho đúng lỗ mới tài
Thả trượt ra ngoài trình độ còn non!
Vụ này Tây họ không làm " thơ"😟! Họ có bộ môn khoa học nghiên cứu hành vi nên in hình con ruồi như thật vào trong bồn tiểu. Thế là các đấng nam nhi ra sức ngắm vào con ruồi xả đạn. Tình trạng vương vãi giảm chỉ còn vài % .
Hoàn toàn không có ý xúc phạm đến THƠ. Chỉ muốn nói tới hướng tiếp cập và cách giải quyết vấn đề của Tây và Ta mà thôi.

Câu chữ không ẩu được

Hôm qua chia sẻ một tin của VOV Tây Bắc về tai nạn trên QL6 lên OTO+ với tiêu đề: Bố chết con không sao.
Tin vừa đăng mình hứng cả núi gạch đá, cả thế giới nhảy vào chất vấn: Thế nà thế lào? Ý văn học là xao? ... Sau đó phải xin lỗi và sửa: Bố chết, con không sao😢.
Mấy tháng trước có cô bạn dưới Hà Nội lên Sơn La chơi. Tối mình nhắn tin "Nhac sàn mặc quần em nhé!". Không ngờ cô í đi cùng chồng, chồng "nhiệt tình đọc hộ" tin nhắn😟, sau đó thảy điện thoại ra giường, mặt lạnh tanh, bóng gió xa xôi:
- Dạo này chơi nặng đô nhỉ? Nhạc sàn cơ đấy!
Khổ! Mình (thay vì bấm F- dấu huyền lại thành C) chỉ cẩn thận nhắc ăn ở nhà sàn, ngồi bệt, phải đứng lên ngồi xuống giao lưu, mặc váy không tiện.
Tương tự tuần trước đi xe khách giường nằm về Hà Nội cùng 1 em, mình vé tầng dưới, cô ta tầng trên, trước khi lên xe nhắn cho cô ấy "Tầng 2! Đừng mặc váy!". Về tới Hà Nội chồng cô í cũng "tận tình xem hộ" tin nhắn😭🥶.

Khong nên gọi là "cưỡng hôn"

Một từ khá hot trên báo chí mấy hôm nay: CƯỠNG HÔN (vụ một thanh niên sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Tràng An thanh lịch, nơi có "vẻ đẹp tiềm ẩn", thủ đô ngàn năm văn hiến😠)
Cái này liên quan đến ngôn ngữ rất thú vị! Nếu xem xét cụm từ "cưỡng hôn" theo kiểu như cưỡng dâm, tức là hôn không đc phép có được không?
Còn nếu chỉ xem "cưỡng hôn" theo nghĩa hôn nhân ép buộc thì xem ra cách báo chí dùng "cưỡng hôn" theo cách trên là không đúng?
Sự kết hợp giữa các thành tố trong 1 cụm từ bao gồm từ Hán Việt - thuần Việt không biết có quy tắc gì không thầy Tình Phạm Văn?
Lúc tìm hình minh họa lại thấy cái ảnh dưới. Có 6 bang ở Mỹ cấm hôn trước hôn nhân. Ở bang Iowa còn cấm đàn ông có ria hôn phụ nữ nơi công cộng.
Nếu đúng thế thì đừng nghĩ nước Mỹ cởi mở trong chuyện này mà ngược lại khắt khe là đằng khác. Còn nếu đè con người ta ra hôn như ở VN thì sau 5 phút police đến gông cổ lôi đi luôn, kể cả là ông giời con! Cái này hỏi Nguyen Pham Huan nhé, please! Không hiểu lắm "technically illegal"!

Ăn cả bữa ăn của học sinh

Trong lúc thể trạng của người dân VN còn ở mức thấp còi so với khu vực, trong lúc nhà nước ra sức làm mọi biện pháp như cho HS uống sữa, thể dục giữa giờ cho cả người lớn và trẻ em ngõ hầu nâng chiều cao lên vài milimet, thì ở đâu đó người ta cho trẻ ăn thịt nhiễm sán, bớt xén khẩu phần để chia chác.
Tôi không có chứng cứ cụ thể nên không dám nói liều ở trường nào nhưng chú tôi sản xuất nước tinh khiết (đã bỏ nghề) nói rằng, để có bình nước đặt góc phòng cho HS thì phải tính chi phí từ phòng GD xuống đến hiệu trưởng, doanh nghiệp cung cấp khẩu phần ăn cho các cháu cũng tương tự. Và dĩ nhiên nhà thầu chả bao giờ chịu lỗ, họ buộc phải mua thực phẩm rẻ, nước uống thì bớt công đoạn lọc đi để bù vào chi phí (under the table) kia .
Ngay cả khi ký hợp đồng cung cấp suất ăn thì cũng không dễ gì thắng thầu nếu…Ở Tp HCM tôi có quen một vài cá nhân được ký hợp đồng bán hàng trong trường học và câu chuyện họ kể về mối quan hệ với ngành với trường thì thật khó tưởng tượng nổi.
Câu chuyện này ở thời điểm bây giờ nói làm triệt để thì khó lắm! Tôi nghĩ cái gì cũng vừa vừa phai phải thôi các thầy cô lãnh đạo ạ.
Một biện pháp có thể làm được để miếng ăn các cháu ngon hơn sạch hơn là nhà trường cho phép một tuần /lần, một phụ huynh bất kỳ được phép ăn cùng với các con, nghe các con nêu ý kiến tại bàn ăn mà không báo trước.
Phụ huynh này sau đó có trách nhiệm thông tin lại cho Ban phụ huynh và toàn thể phụ huynh khác bằng tin nhắn, email, Secret Group (zalo, facebook), gặp mặt riêng (không có sự hiện diện của nhà trường). Việc ăn uống OK thì thôi, còn nếu chưa hài lòng thì sử dụng sức mạnh tập thể yêu cầu BGH thay đổi.

Nhạc sỹ Mùi Hái

Hôm qua đi Phù Yên - Sơn La làm việc tình cờ được gặp nhạc sỹ Mùi Hái, người Mường. Trên Báo điện tử Đài Tiếng nói VN (VOV.VN) đã viết về anh.
Gặp người sang mình le te chạy lại cười cười, mắt chớp chớp, nói anh Mùi Hái ơi Phù Yên giờ đổi mới quá !
Anh chẳng thèm nhìn mình nói luôn : - Thôi ông ơi, đổi mới vừa vừa tôi còn nhận ra ...🤪😎
Đấy! Trò chuyện với văn nghệ sỹ nhiều khi cứ như ăn măng đắng! Đắng đấy nhưng ngọt về sau! Đắng đấy nhưng rất lành!

Nước mắm và nước ...dí

Đang căng vụ nước mắm - nước chấm! Nghe nói có sự nhập nhèm nước mắm truyền thống và công nghiệp?
Nói tới nước mắm nước chấm lại nhớ chuyện tiếu lâm của một ông anh. Anh kể nhà nọ có vợ tên MẮM, chồng tên CHẤM. Khi họ đón con dâu mới về thì bà mẹ thẽ thọt rằng bố con tên Chấm, mẹ tên MẮM, con là dâu trưởng, đừng nói “nước mắm” hay “nước chấm” thiên hạ người ta cười con nhé!
Cô con dâu cúi mặt e thẹn vân vê vạt áo ngoan ngoãn gật đầu, nói vâng ạ! Tuy nhiên sau đó cô ấy hoảng hốt vì không biết gọi nước mắm nước chấm là gì.
Nghĩ mãi nghĩ mãi cuối cùng cô thấy từ “gí” (dí) gần nghĩa với từ “chấm”, đều là động từ, đều diễn tả hành động đưa một trong hai vật lại gần nhau và ấn nhẹ một phát . Thế là từ đó cô không gọi nước mắm hay nước chấm nữa mà là nước ...dí🤪.
Ai thích ăn nước dí thì ăn mình dùng nước mắm bà con làm. Mà đâu chỉ chuyện ăn, hàng triệu người ở xứ sở này đang mưu sinh bằng nghề cá và chế biến cá!

Khi nào phụ nữ mới thực sự bình quyền?

Hôm nay anh Mien Lù trưởng phòng phải đi khám bệnh nên đám quân toàn gái của anh - phòng hành chính - ngồi vêu ra, tị nạnh với các phòng khác rằng mình chưa có quà😔.
Anh Thanh Tran trưởng phòng kỹ thuật đi qua thấy tội thương tình mời qua bên kia đường uống cà phê, cắn hướng dương buôn chuyện.
Trong giờ làm việc nhưng 8/3 mình cũng linh hoạt tí, cùng anh Hoàng Khải , Quốc Tuấn … kéo nhau đi. Anh Tho Phạm trực!
Cả hội mỗi người ăn có hộp sữa chua nhưng cắn hết 2 cân hạt hướng dương, rào rào như tuốt lúa, chuyện nổ như ngô rang🤣.
Toàn chuyện chị em! Nguyen Thuy (kế toán) kể có cô bạn bị bệnh lạ, thi thoảng lại giật đùng đùng. Lúc ấy chỉ cần đàn ông vuốt ve bàn tay là cô ấy tỉnh lại. Chả ai biết bệnh gì. Thủy cũng chịu! Cả hội chịu hết!
Câu chuyện của Thuỷ làm tôi nhớ tới một clip đã xem nói về một cô gái ngày lên đỉnh 50 lần. Không biết cô gái bạn Thuỷ có mắc phải “bệnh lên đỉnh” không? Đây là chuyện hoàn toàn nghiêm túc! Anh chị xem clip!
Kể lại chuyện này tôi muốn nói cái quyền bình đẳng, cái vị thế của chị em không chỉ ở chỗ đảm nhận việc này việc kia, được chúc mừng hay tặng hoa, được nói lời yêu thương… mà còn ở chỗ: Dám công khai bộc lộ cả những nỗi khổ tâm, những điều được cho là kín đáo của giới mình.
Ở nhiều nước chị em sẵn sàng thông báo mình có giới tính thứ 3, mình có quan hệ đồng tính, mình ngày lên đỉnh 50 lần như trong clip. Và báo chí, dư luận, xã hội ở đó đón nhận tất cả với tinh thần tôn trọng, sẻ chia và đầy lòng thương yêu; không tò mò, rao giảng, miệt thị hay xét nét.
Có lẽ lúc đó thì niềm vui cho mùng 8/3 mới trọn vẹn! Nghĩ thế chả biết có đúng không?
Youtube: Cô gái ngày lên đỉnh 50 lần. Chả sung sướng gì đâu, cô ấy kể "như sống trong ác mộng"!

Hố xí của Kim

Từ cổ đại người Trung Hoa đã biết cách ngửi mùi trung tiện để đánh giá sức khỏe. Cái này mình viết một tút cách nay 3-4 năm giờ tìm không thấy, rất thú vị và khoa học, không hề dung tục. Bác sỹ Tây y nào ở đây có kiến thức về đề tài này giơ tay! Please!
Mùi trung tiện đã vậy thì dĩ nhiên chất thải hoàn toàn có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin hữu ích về sức khỏe của một người, sức khỏe đại tràng, đường tiêu hóa, các bệnh khác và xem họ đang sử dụng loại thuốc nào…
Và đó cũng chính là lý do chủ tịch Kim đi đâu cũng mang theo toi-lét riêng của mình.
Báo chí ở ta cực kỳ nghiêm túc nên không hề đề cập tới cái toa lét này chứ báo chí lá ngón lá cải phương tây, trong cuộc họp lần 1 ở Sing, dám ghép cái ảnh toi -let bên cạnh ngài. Vô lễ! Không thể chấp nhận!
Trong lịch sử, CIA và các cơ quan tình báo khác đã biết sử dụng bộ sưu tập phân để thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo thế giới.
Năm 1987, Mikhail Gorbachev đến thăm Washington DC và quyết định ở lại Đại sứ quán Liên Xô thay vì Blair House (nơi này mình đến rồi nhưng đứng ngoài seo - phì🤣) làm cho kế hoạch của CIA hòng thu thập phân của tổng bí thơ Liên Xô bị phá sản. Khổ thân🤪!
Một nguồn tin cho hay vua Farouk của Ai Cập cũng bị đánh cắp phân khi ông đến thăm Monte Carlo.
Trong một trường hợp khác, tình báo Pháp may mắn hơn khi đã thu thập thành công mẫu nước tiểu của nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev.
Alexandre de Marenches, điệp viên người Pháp đã nghỉ hưu nói với Tạp chí Time vào năm 2001 rằng người của anh ta đã thuê các phòng bên dưới phòng Leonid Brezhnev đồng thời tháo dỡ hệ thống ống nước, trân trọng hứng tất cả sau đó gửi các mẫu đến Paris phân tích😂.
Cho nên anh chị em không nên buồn cười với việc sử dụng toilet riêng của chủ tịch Kim.
Còn một vật bất ly thân nữa của ngài là chiếc gạt tàn pha lê, hình như chỉ một loại - pha lê cỡ đại- ở bất cứ đâu, khi xem diễn tập phóng tên lửa tại Triều Tiên, lúc trên máy bay hay khi ngồi bàn bạc ở KS Melia Hanoi hôm vừa rồi.
Qua sẽ viết về thuốc lá và cái gạt tàn thần thánh này, còn bây giờ các bạn hãy đọc và LIKE các tin bài mà anh em thiện lành của Qua viết trên VOV.VN nhé🤣! Cẩm ơn nhìu!
Ảnh : Kim’s personal toilet and …