Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Viết cho con.

Hôm nay con trao tận tay bố lá thư thứ bốn mươi chín. Đã trèo lên xe của mẹ rồi con còn ngoái lại nhắc bố phải gửi ngay, chậm là họ không xét giải.

Bố nhớ lắm chứ, nó vẫn đang cồm cộm trong túi quần bố đây. Bố xin lỗi con khi lá thư đầu tiên đến cơ quan bố mới sực nhớ. Nhưng từ những lá thư sau, trên đường đến nơi làm việc, bố đã ghé bưu điện gửi luôn.

Bố làm ngay. Cũng như con, sau mỗi lần mua báo, chưa kịp đọc, con đã vội giở trang dự thi có thưởng, cắt xoẹt một cái, ghi ghi chép chép rồi nhét ngay vào phong bì. Con làm thành thạo lắm! Chắc chắn rồi, bởi động tác đơn giản ấy con đã làm đi làm lại đến gần năm chục lần rồi còn gì.

Còn nhớ hôm đầu tiên, cầm tờ báo trên tay con ngây thơ hỏi dự thi trúng thưởng thế nào. Bố hướng dẫn cho con. Đơn giản quá! Chẳng phải nghĩ, chỉ việc điền vào, cắt và gửi đến tòa soạn. Cũng là một cách làm tăng thêm kiến thức. Con nên dự thi!

Bố không nhớ, hình như là lá thứ thứ ba chục gì đó, bố đã tặc lưỡi thầm nói: Thôi gửi làm gì nữa! Chiêu kinh doanh của bản báo ấy mà! Bố đã ngập ngừng như thế trước cửa bưu điện, rồi bố vọt ga phóng đi như quyết tâm chốn chạy một sự thật phũ phàng, nhưng sau bố quay lại và còn chuyển phát nhanh hẳn hoi nữa chứ. Bố không thể thất hứa với con. Làm sao bố có thể quên được ánh mắt trong veo hồn nhiên khi con lắc lắc tay bố nói, “Gửi ngay bố nhé! Phải gửi ngay đấy!”

Bố đã khuyến khích con làm việc này, và bây giờ, sau bốn mươi chín lần gửi thư đi mà chưa thấy hồi âm, thì bố cũng chẳng có lý do gì bảo con ngừng lại. Chẳng lẽ bố phải nói với con rằng cuộc sống đâu giản đơn như thế, con ơi! Khuôn mặt và ánh mắt tinh khôi, trong sáng của con không cho bố làm việc ấy. Bố không thể! Biết con hàng ngày ngóng đợi, đã có lần bố định dối con bằng cách tự mua một món quà và bảo rằng con trúng giải. Bố muốn đem đến cho con niềm vui, thực ra là để con khỏi thất vọng, nhưng nghĩ thế nào bố lại thôi.

Mỗi khi bên con, bố thường ngợi ca sự trung thực và dạy con căm ghét sự giả dối. Vì thế bố sẽ rất xấu hổ khi dối con, cho dù sự dối ấy chẳng hại ai, chỉ khiến con vui, làm con tin tưởng vào con người và cuộc sống.

Bố đã rất lúng túng và đau khổ khi thấy con hồi hộp, hớn hở, vội vàng mở cửa mỗi khi nghe tiếng chuông. Lúc ấy con hào hứng bao nhiêu thì sau đó lại buồn và thất vọng bấy nhiêu khi tiếng chuông chẳng phải của bác đưa thư. Nhưng có lẽ như thế vẫn dễ chịu hơn là phải trực tiếp nói với con về sự bẽ bàng, ngang trái và lừa lọc đang đầy rẫy trong cuộc sống này. Bố không thể gieo những thứ bẩn thỉu ấy vào đầu óc non nớt và trong trắng của con, bố không thể con ạ!

Bốn mươi chín lá thư của 49 số báo và cũng là 49 tuần con hồi hộp đợi mong. Nhưng con ơi! Bốn mươi chín tuần mới vỏn vẹn một năm. Một năm không phải một đời người. Mà sống trong cuộc đời thì mỗi người phải có niềm tin. Hãy tin đi con! Tin một ngày kia con sẽ gặp bác đưa thư với niềm vui trên tay. Lạy Giời cho niềm tin thành sự thật để bố nhẹ lòng vì đã không cố tình “lừa” con !

Bố của con.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

CHỢ ĐÓN, CHỢ ĐI .

Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ có vùng sông nước kinh rạch như Đồng Bằng sông Cửu Long thì mới có chợ sông. Nay có dịp lên Tây Bắc mới biết chợ sông trên này cũng có nhiều nét đặc sắc chẳng kém.

Ông Ngô Nhân, chủ thuyền cho tôi đi nhờ, vừa có dáng bệ vệ của một ông chủ; vừa có vẻ bề ngoài lọc lõi, từng trải của dân sông nước. Từ khi chưa làm thuỷ điện Hoà Bình, sông Đà còn lắm ghềnh nhiều thác, ông Nhân đã từng là một tay chèo có hạng. Tôi thầm nhủ: mình số may vì được đi nhờ thuyền của một lão làng sông nước.

Thuyền buôn trên sông Đà có hai tuyến: vòng ngắn và vòng dài. Dù là tuyến nào đi nữa thì thuyền cũng đều phải tập trung ở đầu kênh (thị xã Hoà Bình) đón dân buôn, lấy hàng và trả hàng. Thuyền vòng ngắn chỉ đến chợ Sáy thuộc huyện Mộc Châu - Sơn La, bên này sông là Phù Yên rồi quay về. Thuyền vòng dài lên tận Tạ Bú thuộc Mường La - Sơn La. Mỗi chuyến đi mất một tuần, quay về kênh nghỉ 3 ngày rồi lại đi tiếp sao cho 19 điểm chợ ven sông cứ 10 ngày lại có một phiên.

Nếu trước kia buôn bán trên sông chỉ bằng thuyền gỗ một hai chục tấn thì nay được thay bằng thuyền sắt tải trọng lên tới 50-100 tấn. Mỗi thuyền có từ 60 - 80 khoang. Tôi đã xuống một hầm thuyền như thế. Mỗi khoang được chừng 2 mét vuông là một quầy hàng. Người, hàng hoá, lợn, chó, gà nằm chen chúc nhau không có lấy một chỗ đặt chân. Kể ra với giá 60-70 chục ngàn cho một khoang trong cả chuyến đi như thế cũng được. Dân buôn mắc cái võng toòng teng, ngắm trời mây sông nước qua cái lỗ bằng bàn tay, nghe nhịp phành phành của bốn cái động cơ công nông dùng làm máy tàu rồi thiếp đi lúc nào cũng chẳng biết.

Kể cũng thú! Thấy rùng mình một cái biết ngay thuyền đã cặp bờ. Nếu là chợ to, chợ chính, thuyền đến từ chiều hôm trước gọi là chợ đón. Sáng hôm sau họp tiếp vài tiếng rồi nhổ neo gọi là chợ đi. Những đêm thuyền neo lại, đàn bà con gái lên lều chợ ngủ trông hàng; đám thanh niên làm bạn với tá lả, chắn cạ ầm ĩ cả đêm. Được cái đài kêu, điện sáng cả một khúc sông nên bà con ở cái vùng làm ra điện mà không có điện này cũng bớt tủi.

Thuyền vừa đến chợ, chục anh cửu vạn thân hình lực lưỡng da đỏ như đồng hun, tay vác vai gánh những thùng to, thùng nhỏ của dân buôn lên các lều được dựng sẵn ở sát mép sông. Một cửu vạn tên Dục quê Vĩnh Phúc trông chẳng khác gì danh thủ Rudd Gulid nhưng hơn cái có trong tay thêm nghề cơ bắp giọng hiền khô, khoe: "Tháng cũng được ngót triệu, mỗi tội ít được gần vợ con". Hàng hoá ùn ùn gánh lên các sạp nhưng được cái trật tự, lều của người nào người ấy ngồi, không tranh giành, không cãi vã.


Chợ đón thường đông hơn chợ đi. Chợ đi chủ yếu phục vụ bà con ở tận trong rừng sâu chưa kịp ra vào chiều hôm trước để mua bán ở phiên chợ đón. Hàng hoá của chợ trên sông Đà khá phong phú. Hàng lương thực thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, hàng sắt, hàng nhôm, hàng tạp hoá, hàng ăn... thôi thì đủ cả những mặt hàng thiết yếu cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Chỉ tính riêng thuyền của ông Nhân đây đã có tới 24 tấn gạo, 2 tấn lợn... Theo ước tính của các chủ thuyền, số tiền hàng bán được của 5 thuyền vòng ngắn trong một tháng khoảng 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới khoảng 10% dân buôn trên thuyền chuyên thu mua, đổi chác các sản vật của địa phương. Tôi hỏi ông Nhân: " Thế thì khá quá ?" - "Trừ chi phí đi cũng chẳng còn được bao nhiêu, tao , chủ thuyền cũng vậy mà dân buôn cũng thế." - " Có gỗ lạt gì thêm được không ?" - " Cũng có, nhưng qua kiểm lâm, cảnh sát luật lá hết, cũng chẳng còn lãi mấy".

Vợ chồng anh Khanh, chị Hương nhà ở Ứng Hoà, Hà Tây kể: "Có mỗi hai sào ruộng khoán, không đủ ăn, bọn em phải đi hơn chục năm nay rồi, trừ tất cả các khoản cũng đủ sống". Dân buôn ở đây phần lớn là dân buôn nghèo từ Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Sau mỗi chuyến, họ lại quay về trả tiền hàng cho chủ rồi lại cất hàng cho chuyến đi mới.

Tôi ở trên thuyền đến ngày thứ ba thì đột nhiên lũ ở thượng nguồn kéo về. Dòng sông Đà trước đó vài tiếng hiền hoà là vậy, bây giờ bỗng sục sôi, cuộn mình như muốn đổ cả khối nước khổng lồ về xuôi. Nước lên nhanh đến chóng mặt. Khoảng cách từ mặt nước đến cái vạch mà thiên nhiên tự tạo ở vách núi bên sông cứ ngắn dần. Cứ nhìn vào cái vạch do cây cỏ tạo thành đó, người ta biết được mức nước cao nhất của hồ sông Đà. Ông Nhân chỉ tay về phía những cây gỗ đang lao ầm ầm từ thượng nguồn về nói: "Hồi bọn này còn đi thuyền gỗ, mùa lũ sợ nhất va phải đám gỗ ngược dòng. Sơ xẩy một tý là thủng thuyền như chơi".

Rừng bị phá nhiều, nước xồng xộc đổ về kéo theo cả những cây gỗ còn tươi. Mới bắt đầu mùa lũ mà đã tập hợp được cả một đám gỗ lớn quẩn lại phía bến phà Tạ Khoa khiến nhà phà phải ngừng hoạt động. Trên triền núi, một dẫy dài xe ô tô đang xếp hàng đợi phà sang Phù Yên. Hai bên sông, núi cứ đứng phơi mình trong mưa trông u tịch, lạnh lẽo, gợi cảm giác buồn đến nao lòng. Cho tới giờ tôi mới thấm cái cảnh chợ chiều. Tan phiên chợ ở cái vùng heo hút này còn buồn hơn. Bởi vì chợ đối với người dân tộc thiểu số có nhiều ý nghĩa lắm! Nó không chỉ là nơi trao đổi vật chất, mà quan trọng hơn, là nơi giao lưu về tinh thần. Cứ suy từ cái cách người dân tộc ở vùng sông Đà này gọi tên chợ (đón, đi) cũng đủ thấy tầm mức ý nghĩa của nó. Chợ đối với họ là nỗi khắc khoải mong chờ, là niềm vui và cảm giác hụt hẫng lúc chia tay. Trộm nghĩ, vì một lý do nào đó đoàn thuyền ngừng chạy, không biết bà con dân tộc mua dầu, muối ở đâu? Tôi đang lan man suy nghĩ thì đột nhiên ông Nhân giật tay tôi kéo vào khoang. Còn đang ngơ ngác chưa hiểu gì thì ông nói: "Tao ngửi thấy mùi người chết trôi...".

Dưới thuyền, anh Dục đang lôi xềnh xệch một con lợn lên bờ để hoá kiếp. Lợn ôi, lợn bệnh, lợn chết bán được tuốt. Được cái bán rẻ, dân nghèo cũng mua. Trong số 5 thuyền thì 4 thuyền có "quầy dược phẩm". Ấy là gọi quầy cho oai chứ đúng ra chỉ có vài cái mẹt, bán các thứ thuốc thông thường. Có khá đông người mua. Mấy chị người Mông, người Dao giơ vỉ thuốc tây lên săm soi kỹ lắm. Tuyệt chẳng thấy ai hỏi bà chủ "quầy dược phẩm" học trường lớp nào ra mà dám bán "cái thứ chữa chết người" này. Đi vài vòng quanh cái chợ nghiêng 23 độ 5 cũng thấm mệt và đói. Tôi đi tìm cái gì cho vào bụng. Bà hàng phở đang nhóm lửa và chế thêm nước. Ôi! Hai can nước sông Đà đặc quánh phù sa “lên ngôi” thành nước dùng. Trên bàn, bà hàng phở bày la liệt những tiết canh, lòng, dồi. Cái thứ nước phù sa ấy đun sôi có lởn vởn tý chút thì "thượng đế" cũng cho là nước luộc lòng, càng béo, càng ngon.

Có lẽ đông khách nhất phải kể đến cánh hàng thuốc lào. Cái bộ dạng ngồi xếp bằng trước một dãy điếu ục to, cặp môi tim tím, giọng khê đục mời khách của mấy tay bán hàng đã thấy mê. Khách ngồi xuống xem hàng được rót mời một chén trà đặc sánh. Nhấp một ngụm, rít một hơi thuốc rồi chiêu nốt ngụm trà còn lại, ngọt giọng phải biết! Chẳng anh nào phải đứng lên tay không cả.

Đêm đó, tôi không ngủ lại trên thuyền mà xuống nghỉ tại một nhà bè cách đó không xa. Chủ nhà bè là hai thanh niên một nam, một nữ. Họ từ đâu đến? Họ có phải vợ chồng không? Tôi không biết. Gặp trên chợ, họ biết ngay tôi không phải dân đi chợ và rủ tôi về nhà chơi. Và thế là tôi theo thuyền độc mộc của họ đến đây. Căn nhà bè chỉ độ chục mét vuông, mong manh và đơn độc, hoang dã và cô tịch. Liên hệ với thế giới văn minh duy nhất chỉ có chiếc đài bán dẫn. Chủ bè sống bằng nghề thu mua các sản vật của bà con dân tộc rồi bán lại cho dân buôn trên thuyền đem về xuôi. Đêm đó có vài người lạ chèo thuyền tới cùng uống rượu. Rượu nhắm với rau rừng, lạc rang và rất nhiều cá. Sông Đà mùa lũ cá nhiều vô kể. Có nhiều loại cá, song phần lớn là cá da trơn. Trong cuộc rượu, đương nhiên tôi phải là người say trước. Tai tôi ù đi, mắt hoa lên. Một lúc sau chỉ nghe láng máng bên tai rặt nhưng chuyện trộm cướp, chém giết, tù tội...

Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng mấy chị buôn gạo loang dài trên mặt sông: "Mua gạo đi cu tỷ ơi! Cu Tỷ ơi, gạo ngon này !". Mời thế nhưng đừng tưởng bán cho mấy anh chàng người Mông mà dễ đâu. Họ chần chừ, suy đi tính lại cả buổi chợ mới mua được món hàng, cho dù rất nhỏ. Tôi hỏi một thanh niên người Mông ở Kìa Mòn - Mộc Châu đang bán một con dao tự rèn:

- Bao nhiêu?
- 30 nghìn.
- Làm bằng gì?
- Zik đấy ( nhíp ô tô đấy).
- Không phải đâu quá?
- Ô, người Mông mình không nói dối mà.

Ở chợ vùng lòng hồ sông Đà này, một số dân buôn lợi dụng tính thật thà của người dân tộc làm trò điêu chác, lừa lọc khiến họ mất dần lòng tin. Nhưng khổ nỗi, biết mua ở đâu, bán ở đâu khác nữa; cũng chẳng biết mặc cả mặc lẽ ra làm sao nên cuối cùng tan chợ đành quay lại mua liều, bán vội.

Ấy thế nhưng bà con dân tộc thiểu số dọc sông, nhất là người Mông, cũng phóng khoáng chịu chơi ra trò. Năm nào được mùa, họ mua hết bán hết, ăn uống thả cửa không cần biết đến hôm sau, vụ sau. Gặp những năm thất bát, họ phải đem cả con gà đang đẻ, bắp ngô non, vài cân vỏ dướng bán lấy tiền mua dầu, muối. Nói chung. đời sống của bà con còn vất vả lắm! Trẻ trong bản đi chợ ngẩn mặt nhìn hàng kem. Đứa nào may mắn được mẹ mua cho cái bánh thì giữ dịt ở trong túi, chỉ dám đưa lên mũi hít hà vẻ phấn khích và kiêu hãnh tột cùng.

Người đi chợ ở ven sông toàn "dân di vén ". Bản làng của họ hiện nay đang nằm dưới lòng sông Đà. Họ phải đi ngược lên núi cao để sinh sống, nhường chỗ cho công trình thuỷ điện thế kỷ của quốc gia. Sắp tới, sẽ có một công trình thuỷ điện nữa trên dòng sông Đà này - thuỷ điện Sơn La. Lại sẽ có nhiều bản làng di vén? Lại sẽ có những chợ đón, chợ đi ?

Tôi choãi chân chèo cùng mấy anh cửu vạn đẩy chiếc thuyền rời bến. Ngày mai, thuyền lại trở về kênh. Trên bờ, anh chàng người Mông say rượu cứ hát. Đoàn thuyền te tái rời bến này để về bến mới cho sớm chợ. Vài phút sau, tôi chỉ kịp nhìn thấy tay anh thanh niên người dân tộc Mông kia huơ huơ lên trời như một cử chỉ tạm biệt rồi mất hút phía bãi sông./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Từ thời thượng.

Mỗi giai đoạn lại có một số từ được dùng với tần suất cao, tạm gọi là từ thời thượng.

Cách đây ít năm, người ta thi nhau nói “bất cập”. Nào là GD còn nhiều bất cập, Luật Đất đai còn nhiều bất cập, bất cập trong lĩnh vực y tế… Cái từ Hán - Việt đọc trẹo mồm, mang sắc thái tiêu cực thế mà sao nhiều người thích? Bóp trán nghĩ một hồi hóa ra người ta ưa nói “bất cập” là để cho nó nhè nhẹ đi. Mặt khác, có tí Hán ngữ nghe có vẻ huyền bí và có tính khái quát, thực chất là chung chung. Bảo “GD còn nhiều bất cập” thì lãnh đạo ngành chắc sẽ dễ chấp nhận hơn là nói thẳng tưng là “GD còn nhiều yếu kém, chưa đạt yêu cầu”.

Nhắc tới “bất cập” lại nhớ “tồn tại”. Dám chắc trong 100 báo cáo thì có tới 90 cái có từ “tồn tại”. Ví dụ: “Mặc dù đạt nhiều thành tích nhưng đơn vị vẫn còn một số tồn tại.” Viết đầy đủ có lẽ phải là “…còn tồn tại một số yếu kém”. Đại khái thế. Song, ai lại nói thế, nghe nặng nề, lại khuất lấp mất thành tựu rực rỡ. Dại gì! Vì thế nên cứ " tồn tại ".

Gần đây từ “vào cuộc” cũng xuất hiện nhiều: Ngành chức năng vào cuộc, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ xì nước ở Thủy điện sông Tranh… Có tác giả nhận xét thế này: “Vào cuộc” tạo cảm giác chủ ngữ của nó không liên can đến sự việc, lại còn hàm ý nhiệt tình xông vào để giải quyết vấn đề một cách quyết liệt, tiên phong .”

Trộm nghĩ, mấy ông nhà báo “vào cuộc” đấy chứ, còn thực tế chẳng biết cá nhân, tổ chức có được cái tính tiền phong của “vào cuộc” hay không. Nếu có, dẫu tạo cảm giác vô can, thì cũng còn có cái để mà mừng.

Bên cạnh “vào cuộc” còn một từ hay dùng thời gian gần đây là “chia sẻ”. Thay vì nói: “Tôi xin nêu một vài ý kiến” thì người ta sẽ nói, “tôi chia sẻ một vài suy nghĩ ”.

"Chia sẻ" không phải "cho" một cách ban ơn mà trên tinh thần cảm thông sâu sắc. Chia sẻ tạo cảm giác bình đẳng chứ không kẻ cả, trịch thượng kiểu quan trên bố thí, ban phát bổng lộc cho đám dân đen. Hơn thế, chia sẻ còn tạo cảm giác điều mà chủ ngữ nói ra có thể không phải thiên kiến cá nhân mà là cái gì đó của chung, rất cộng đồng, đáng phải chia sẻ. Không muốn bộc lộ cái bản ngã hay họ ý thức rằng mọi sự đều đang ở cái ranh giới mong manh của sự đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu nên tốt nhất là “chia sẻ”. Trúng thì được tung hô vô tay đôm đốp, ngộ nhỡ sai thì tặc lưỡi cái, nháy mắt cái: “Chia sẻ mà” . Từ thời thượng vui phết!
Ngô Thiệu Phong

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Phong nhận xét tháng 3/2012

- Thể thao của Châu sáng 7/3 có bài viết về chân dung VĐV Dancesport. Châu bắt VĐV này nhảy Dancesport trên nền nhạc Ghi-ta chầm chậm, nhè nhẹ, khe khẽ nghe như “Thư gửi Ê-li-sa”. Chơi khó nhau thế !

- Diễn đàn GD 4/3 do Hà thực hiện có nội dung dạy thêm học thêm, rất thời sự vì đang có dự thảo của ngành. Tuy nhiên chủ đề này vừa khó lại vừa to. Nên chia nhỏ ra bàn thì thấu đáo hơn. Ví dụ DTHT dưới góc nhìn luật pháp, vì sao có DTHT, quản lý DTHT như thế nào… Trong khi dẫn, Hà vẫn nói DTHT là “vấn nạn” trong khi Dự thảo đã cho phép, ông Chuẩn cũng khẳng định là không cấm. Riêng với Hà, dù sao cũng có lời khen

- CT Gia đình XH của Mai Hương sáng 7/3 sau khi trò chuyện với khách mời thì kết bằng một câu nặng trịch, đại ý “gia trưởng nếu đúng đắn và hợp lý vẫn chấp nhận được”. Giật thót biết ngay mình duyệt lọt câu này rồi. Kiểm tra lại trúng phóc. Xin tự nhận khuyết điểm. Câu này Hương diễn đạt không thoát ý, thực ra muốn nói tính quyết đoán, vai trò giữ nhịp của người đàn ông trong gia đình… Nói thật, duyệt xong bài của một số bạn cứ nơm nớp lo, về nhà còn lo, ngủ cũng lo, chỉ khi nào nghe hết, thấy OK mới thở phào. Nói vậy để các bạn thông cảm cho các xếp, đau đầu phết.
- Cũng CT GĐXH nữa, chẳng có gì sai to tát nhưng buồn cười. Cười tí cho vui!
Cách đây chục năm mình nghe bài viết về ngành than của một nhà báo đàn anh. Anh viết đại loại thế này: Với đôi bàn tay thô ráp và đen đúa, chị nói: Băng. Ý nói chị công nhân đúng là người lao động trực tiếp thật, rất vất vả, đang trong hầm lò. Ra cái điều phóng viên có mặt tại hiện trường (oách xà loách), thế thôi. Câu này về ngữ pháp không sai nhưng sai về logic. Chẳng lẽ chị ấy nói bằng tay hay các cháu ở Trường Xã Đàn về Quảng Ninh tăng gia sản xuất?
GĐXH sáng 8/3 có câu tương tự: “Với giọng oang oang, chị trầm tư kể…”. Chị này chắc đang diễn hài trước mặt phóng viên? Bài này khai thác chứ phóng viên hệ ta có sáng tạo mấy cũng chẳng viết được như thế, nhỉ?

-Diễn đàn XH trực tiếp 7/3 Hương làm nói nhanh quá. Thi thoảng Hằng cũng nói nhanh. Biết tỏng vì sao các cô liến thoắng rồi. Định che giấu gốc gác của mỉnh hử, he he. Trêu đấy! Nói chậm mới khó! Anh cũng bị bệnh “nói nhanh”. Thực ra khi đó, hoặc là mình đang mất bình tĩnh, hoặc là chẳng biết gì, cứ thao thao bất tuyệt. Anh đang điều trị bệnh này bằng… điện châm.

-Du lịch ta hay nói về ta. Hôm nào để tây nói về ta xem sao.Chắc sẽ nhiều điều thú vị. Nghe nói một vài khách sạn cũng nhận xét tinh tế phết, tây ba lô, tây không ba lô, mà tây ba lô mỗi nước một khác, cũng có tây bẩn và bừa bãi lắm; tây quỵt, tây trộm có hết. Cứ hỏi phụ trách buồng và guide là ra.

-Hôm nào Văn hóa làm về “cà phê ngõ” đi! Mặt tiền giờ khó khăn nên người ta kinh doanh trong hẻm. Cà phê ngõ có phong cách riêng, thực khách riêng…, hay phết !

-Đại gia đình và Du lịch sáng 16/3 rất sinh động. Du lịch làm công phu. Giá như nhạc nền (Du lịch) nhỏ đi một chút, cho nhạc Hoa đặc trưng hơn thì hiệu quả.

-Tạp chí Văn hóa có trao đổi của Dịu với hai khách mời về nuy và nghệ thuật. Cứ nói đến nuy là mình ham, dỏng tai nghe. Hai vị khách mời nói choang choáng, sướng! Nhưng dịu nghe lại xa xôi như đang nấu cơm dưới bếp nói vọng lên nhà góp chuyện. Phòng thu chỉ có hai micro phải không? Lỗi nhất thuộc về kỹ thuật, lỗi nhì thuộc về phóng viên. Cứ mạnh dạn thò tay kéo cái cần míc (của các ổng) về phía mình em Dịu nhá, có On-air đâu mà lo.
Anh Phong ơi, anh có nghe kỹ không đấy? Có bị xao xuyến hay phân tâm không? Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đưa khái niệm rất đúng rằng: Ảnh nude là chụp vẻ đẹp cơ thể nam( hoặc nữ) nhưng không được gợi dục. Khó quá nhỉ ? Phóng sự cho mảng nói về ảnh nude cũng hay. Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thuỷ nói rất mạnh về sáng tác văn học viết về sex của các cây bút trẻ, phê phán và có cảnh báo. Phóng sự cho mảng văn cũng rất cụ thể về phía tiếp nhận của người đọc. Ở mỗi mảng , khách mời nói khá kỹ về nghề, tiếp cận ở góc độ văn hóa. Nhưng ghép hai khách mời này vào chủ đề tác động của yếu tố sex vào văn hóa đại chúng, e rằng hơi gượng. Bởi lĩnh vực nhiếp ảnh có gì đó gần với điện ảnh với cảnh nóng, cảnh nude. Còn lĩnh vực sáng tác văn học thì người đọc tiếp nhận yếu tố sex qua cách tiếp cận, cách tạo nên tình huống sex đẩy nhân vật đến hoạt động tình dục, qua một chuỗi như biến cố tạo nên câu chuyện, chẳng hạn. Giá như Dịu hỏi khéo hơn, đi sâu về nghề của từng khách mời có lẽ kết quả sẽ tốt hơn. ( Viễn chia sẻ vài lời).

Thiệu Phong nhận xét tháng 2/12

- Sáng nay thứ 6 (10-2) nghe CT GD của Chi. Nội dung phần đầu nói về việc đổi giờ học. CT nghe khá ổn vì nó cân đối, có cố gắng đưa nhiều tiếng nói phụ huynh, giáo viên. Tiếp tục khai thác chủ đề này vẫn được.

- Chương trình ĐGĐ của Phạm An (7/2) cho bài hát cuối dài. Hơi lãng phí. Nếu tính toán thấy non thì phải có bài khai thác. CT 15 phút không nên cho bài hát dù chỉ ½.


- Điểm + cho Chương trình DĐ trực tiếp 8/2 do Lê Hằng dẫn vì tính tương tác rất cao, đúng nghĩa diễn đàn. Điểm – cho CT này vì biên tập sót , vẫn còn mời gọi điện trong khi phát lại.

- CT Diễn đàn bạn gái trẻ của Ngọc Hà tối 10/2 với chủ đề cho thuê người yêu khá thú vị vì chủ đề đời thường, thời sự (Valentin), chất lượng âm thanh tốt, đối thoại tự nhiên.


- CT Gia đình xã hội của Mai Hương sáng 11/2 với chủ đề Osin hay vì tính thời sự, đời thường. Nếu gia công thêm vào phóng sự và có bài bình về vấn đề này thay cho bài khai thác thì hay hơn.

- Trong tương lai liệu có một thẻ rút tiền mà nhét vào cây nào cũng được không nhỉ? Vấn đề kỹ thuật ở đây là gì nhỉ? Nghe nói VN đã và đang nuôi muỗi biến đổi gen để phòng bệnh SXH? Phải nhờ Con đường tri thức giải đáp hộ thôi.


- Y tế, GD có nhiều sự kiện nóng quá, tha hồ cho Diễn đàn và VHĐS vào cuộc.

- Văn hóa của chị Thủy sáng 16/2 có phỏng vấn đầu CT nghe thấy toàn “tích cực, tích cực, tích cực ”. Vấn đề là “tích cực” như thế nào.

- Sáng 16/2, GGSTSTV của T.Hiền bàn về ngôn ngữ chát. Không nên cho nhạc cắt ngay sau lời khách chào. Tiếp theo CT của Hiền là CT Thể thao, thấy từ sở hữu hay hay. Hình như bây giờ người ta lạm dựng từ sở hữu. Phải chăng vấn đề sở hữu hiện đang là nút thắt trong lý luận, trong đường lối… nên từ hiện thực cuộc sống nó âm thầm bước vào đời sống ngôn ngữ “hồn nhiên như cô tiên”. Đội bóng sở hữu những cầu thủ giỏi. Thục Hiền sở hữu đôi chân dài … Sao không nói bao gồm và có cho nó nhẹ nhàng nhỉ. GGSTSTV bàn về từ này cũng được.

- Hãy cẩn thận với những con số! Làm báo, nhất là báo nói, không phải là làm thống kê nên khi xử lý con số nên thận trọng.
+ Mỗi năm nước ta cần 2 triệu đơn vị máu tương đương với 500.000lit sẽ dễ hình dung hơn là chỉ nói cần 2 triệu đơn vị máu( Y tế )
+ Nói : “Cứ 1000 cặp vợ chồng kết hôn trong năm 2009-2010 thì có 6 cặp tảo hôn” sẽ dễ tiếp nhận hơn là viết: “ Theo báo cáo của Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Cao Bằng, năm 2009-2010, số cặp vợ chồng tảo hôn chiếm 0,6% trong tổng số các cặp vợ chồng kết hôn trong năm” (GĐXH)
+ Con đường tri thức CN 20/2 có bàn về biến đổi khí hậu. Ở đó tác giả cảnh báo nếu biến đổi khí hậu xảy ra thì VN là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề… bao nhiêu % diện tích bị ngập, bao nhiêu % nhà cửa bị mất…. (đại loại thế nhiều số quá nghe không nhớ). Giá nói được như thế này thì hay hơn. Nếu trái đất nóng lên 1 độ C (hoặc biến đổi khí hậu gì đó ) thì toàn bộ huyện Tiền Hải của Thái Bình sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Khi đó chúng ta phải đi tàu mới ra được bãi biển Đồng Châu….Ví dụ thế. He he, hơi khó nhỉ?

- Thể thao có nhiều giải đấu mang tên nước ngoài như Premier League, Europa Leguage, Champion League…v.v. Vẫn biết những người yêu thể thao nghe biết liền, nhưng trong điều kiện chúng ta đọc tiêng Anh chưa chuẩn thì nên dịch ra tiếng Việt (nếu có thể), vừa trong sáng, vừa dễ đọc dễ nghe lại đúng với quy định của một đài quốc gia.

Ngô Thiệu Phong nhận xét tháng 10/2011.

Tiến bộ là gì nhỉ? Tiến bộ là tiến về phía trước cho dù đi bộ. He he, nếu thế thì từ mức độ yếu lên đến trung bình cũng là tiến bộ rồi. Thế nhé.

-Diễn đàn bạn gái trẻ thứ 6 (7/10) do Thu Hằng thực hiện chưa thật hay nhưng đã vững tay. Phóng viên đã trao đổi trực tiếp với khách chứ không còn tình trạng thu mỗi người một nơi rồi về ghép lại. Diễn đàn bạn gái trẻ và Chúng ta cùng trò chuyện từng bước khắc phục được hạn chế nói trên. Thế là tiến bộ. Tiếp theo sẽ là cải thiện về nội dung mà khâu đầu tiên là chủ đề.

-Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của Hà sáng 12/10 nên hỏi trực tiếp thì tự nhiên sinh động hơn. Hạn chế tối đa việc cài câu hỏi.

-Các vấn đề xã hội quan tâm tới “nói không với phong bì trong bệnh viên.” Chẳng biết nội dung thế nào nhưng nghe chủ đề đã thấy “vấn đề xã hội” rồi. Riêng việc xác định chủ đề là có tiến bộ.

Nhưng nói thật nhé, ông bà nào đề ra cái nói không này là…hơi bị nổ. Có phải chị Tiến mới nhậm chức không a? Mị dân là phương thức cần có và nên có của nhà cầm quyền, nhưng “mị” thế nào mới quan trọng. Lại nhớ bố Triệu hồi mới lên chức chém gió vụ hai người/ giường bệnh.

Cứ làm kiểu này chỉ tổ cho báo chí nó bới thối ra mà ngửi. Hơi bi quan nhưng ở VN bây giờ chẳng thể “nói không” cái gì.

Các vấn đề xã hội + Y tế tha hồ đất mà diễn. Sướng. Mỗ còn làm Y tế hoặc Diễn đàn thì mỗ quậy cho tung trời vụ này.

-Gia đình của Mai Hương sáng 12 /10 trong câu dẫn cho phỏng vấn bà người Hàn Quốc có ý: ở Hàn thì người ta đã chuyển tâm lý từ trọng nam sang trọng nữ. Nghe bà người Hàn nói thì chẳng thấy trọng ai cả?!

Không chơi kiểu “dìm hàng” đâu nhá! Bọn Hàn nó đang gửi đơn… mời Hương đi bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về giới kìa! CT này được thư ký khen đó nha.

-Chương trình GD-ĐT sáng thứ 6 về dạy nghề, học nghề. Nói ở VN “thừa thấy thiếu thợ” không sai. Ai đó nói thì được nhưng GD-ĐT nên phát ngôn chuẩn hơn. Những người nghe GD thường rất hiểu GD. Táng một nhát ngay đầu như thế làm cho họ thất vọng và nghi ngờ tất cả những gì phóng viên cố trình bày ở phần tiếp theo.

Cũng trong chương trình này có câu: “Quy mô và chất lượng của trường không ngừng tăng”. Đây là một câu phổ biến trong các báo cáo thời bao cấp ở thế kỷ trước.

Báo khác văn ở chỗ nó phải logic. Thử hỏi trên đời này có cái gì không ngừng tăng / phát triển không ngừng / ngày càng cao… không ạ?

Giả sử nó (cái mà PV muốn đề cập) phát triển liên tục trong một giai đoạn nhất định nào đó thì cũng phải dùng chi tiết, sự kiện… để thuyết phục thính giả. Đưa ra luận điểm như thế bắt người ta tin là một sự áp đặt thô bạo thiếu khôn ngoan. Nói nhỏ nhé, cái này mỗ mắc thường xuyên nên nói mới nói trạng được đấy, hì.

-GĐXH sáng 17 nói về dân số biển đảo. Phần phỏng vấn một chị ở Quảng Ninh vẫn là cấy ghép câu hỏi? Nếu không PV được thì chuyển thành phát biểu hoặc viết bài đi em! Đã vậy, câu hỏi cũng sáo lắm ( 1/ Triển khai thế nào? 2/ Truyền thông là khó nhất vậy làm thế nào? 3/ Nhận thức người đi biển có thay đổi gì không?)

Sao em không hỏi truyền thông dân số cho ngư dân có đặc thù gì? Đội ngũ CTV dân số đã làm gì để vượt qua những khó khăn mang tính đặc thù đó?...

Vận động kế hoạch hóa ở biển nhiều chuyện cười ra nước mắt mà các em cứ dấu…tài, chẳng chịu kể cho thính giả nghe. Có lần mỗ thấy dân biển buộc 5 cái bao cao su thổi phồng lên làm phao cho trẻ con nghịch đấy. Bà con khoe bền cực! Số là có chị CTV dân số đi vận động nhưng vừa ra đến cửa sông thì… say sóng nên quay về, vứt cả thùng BCS trên thuyền, ai dùng thì dùng. Mỗ xin vài cái, đúng là bền cực, hi hi.

Còn ở bên Mỹ họ vớt được một con cá mập đầu búa ngắc ngoải sắp chết, mổ bụng ra thấy một bọc bao cao su OK có xuất xứ từ VN. Tin không?

-Thể thao sáng 18-10 Tùng vẫn ghép câu hỏi ở phỏng vấn nhá. Những thủ thuật và kỹ xảo nhằm chuyển đổi thể loại một cách khiên cưỡng (nếu quá lộ liễu) sẽ khiến cho người nghe thiếu sự tin tưởng . Thiệt hại nhiều lắm các bạn ạ, hơn nhiều so với số tiền vài chục ngàn (do chuyển đổi từ PB-> PV). Thiếu gì cách chuyển tải toàn bộ nội dung băng mà không cần phải giả phỏng vấn, tiền chấm còn cao hơn nữa kia, hôm nào mỗ nói cho.

Tùng hồi âm: Kính thưa ông anh yêu quý của em.
Quả phỏng vấn này em lấy trên Trung tâm tin ạ, trên đấy người ta không có câu hỏi nên em cấy câu hỏi vào. Quả thật quá lộ, vì phỏng vấn thể thao thì tiếng động hiện trường là hết sức cần thiết. Rất mong ông anh chuyền lại chút ít kinh nghiệm.
TB: PV này là khai thác nên không có thêm tý điểm nào đâu ông anh của em ạ 

Ngô Thiệu Phong nhận xét tháng 9/2011


Đừng tự cho mình cái quyền phán xét người khác, nhá, điên! Vâng, mọi người xá tội đọc vài lời của kẻ “điên”.



-Chương trình Chúng ta cùng trò chuyện của Minh Tâm phát chiều CN 4-9 . Mở ra nghe được mỗi cái phát biểu cuối (hay khách mời ?): Dài, tiếng động xấu ơi là xấu, như là thu ở phân xưởng sản xuất. Nếu đúng là khách mời thì phải trảm ngay.

-Lại tai nhắm tai mở nghe Con đường tri thức của Hằng ( 3 hay 4/9?). Câu hỏi đầu tiên( nói về giá trị của biển …) và câu trả lời của khách mời chẳng ăn nhập gì với nhau, ông nói gà bà nói vịt.

Thực ra thì chính trị gia ( và một số đối tượng khác ) họ cần phải học bài “ông nói gà bà nói vịt” ấy để tránh những câu hỏi nhạy cảm. Tuy nhiên chương trình thuần túy phổ biến kiến thức này thì nhạy cảm cái giề. Vì thế: 1/cấy câu hỏi, 2/ biên tập sót.


-Chương trình NCT của Hà già ngày 3/9. Đây là ngày công bố cái chết của ông Cụ. Thế mà chương trình có hai phần, một, nói về 2/9 qua trí nhớ của NCT; hai, nói về cụ Giáp tròn 100.

Ngày ông cụ ra đi mà chẳng thấy đả động chi lại đi tung hô người còn sống. Lỗi này ngày trước thì án treo suốt đời em nhá. Mỗ đây cũng toi vì đồng ý về mặt chủ trương cho Hà già làm thế, nhưng khốn, mỗ không duyệt. Mỗ mà duyệt thì CT này không đi được đâu. NCT nói về ông Cụ thì có mà đẫm lệ yêu thương, tràn đầy thành kính, thiếu gì mà không tương vào cho nó đúng tác phong hiếu hỉ. Các em còn vụng lắm! Đủ cả rau dưa thịt cá mà không làm mâm cơm cúng cụ cho nên hồn, chán.

Ối, ối… hóa ra CT này mình duyệt. Mỗ tự đấm ngực 3 cái, khóc 3 tiếng, cười 3 tiếng, ngửa mặt lên trời mà rằng, ở đời đừng nói phét, nhá. Cái CT trên giấy lúc đọc với khi phát trên sóng khác nhau một trời một vực.

-Đầu thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn phổ thông cái kết kiểu “hy vọng rằng…”, “chúng tôi hy vọng rằng”.

Đang phóng sự phóng seo rất oách bỗng dưng tác giả đùng đùng nhảy vào ngồi chồm hổm ở cuối bài và ị ra đấy một đống “hy vọng”, điên.

Đấy là cái kết hụt hơi, kết tắc tị, kết làm… chết cả bài. Báo cáo, thuyết giảng, diễn văn…nói vậy viết vậy tạm chấp nhận, nhưng viết báo thì nên thận trọng.

Nói thì dài, kính các cụ đọc thêm thằng Thời báo kinh tế Sài gòn, RFI, BBC…, bổ ích lắm, còn hơn đi học bằng 2 báo chí ban đêm. Mỗ đi học đi thi hộ vợ mỗ rồi, mỗ biết, he he.

-Chương trình ĐGĐ của bà chị Thu Thùy sáng 15/9. Kết phóng sự có câu đại ý, người Thái giữ được nghề dệt thổ cẩm tức là giữ được truyền thống, bản sắc dân tộc. Nói thế không sai nhưng chưa đầy đủ. Hóa ra bản sắc truyền thống của người Thái có mỗi thổ cẩm? Bắt giò bà chị nhé, chắc bí rị trong khi lại muốn dzọt dzề dzới anh Sình nên phang đại vào chứ gì?

Ông em Khắc Hiếu trong CT NCT 15/9 có hai cái kết trong bài thì kết nào cũng: chia tay tôi ông tâm sự / ông chia sẻ …Bí quá đành phải lôi nhân vật vào thay mặt mình nói lời kết, đúng không ?

-Chương trình của Thu Phương chiều tối 7/9 phỏng vấn một chị nào đó về thiết kế công viên. Phương nói nhanh quá, hỏi nhanh quá, làm gì cũng nhanh. Nếu hỏi chầm chậm một chút thì sẽ thấy từ tốn, đĩnh đạc, tự tin hơn. Người nghe có cảm tưởng Phương hỏi xong là ù té gặp Wiliam Cường để xả… stress. Nói thế thôi chứ Phương là một trong số ít phóng viên trẻ biết chủ động quay cái micro vào mồm mình mà không chăm chắm dí vào miệng người phỏng vấn, do đó PV của Phương tự nhiên. Cuộc PV với Vân Thiêng trong CT CCNT tối 14-9 là một ví dụ. PV dài chừng 5-6 phút, nhưng nghe vẫn OK. Đây là một minh chứng cho thấy dài ngắn không quan trọng, vấn đề là nội dung, chất lượng… thế nào mà thôi. He he, có đúng không chị em? Dài ngắn không quan trọng, nhá !

-Chương trình VH của Hoa về làng nghề gốm tồi 7/9 sau phần tin cho cái nhạc chờ dài lê thê. Sao không cho quảng bá vào em. Cú này là thấy CT non nên tống nhạc vào đây. Đúng không ?

-CT GDXH Dịu sáng 7/9. Xẻo băng ghê quá, tàn bạo quá, nghe như bắn súng liên thanh, mệt.

Trong phóng sự , Em Dịu còn “băng qua vườn cà chua” để tìm đến với tiếng đài. Người nghe tưởng tượng như nàng Kiều “băng lối vườn khuya” một mình để đến với Kim Trọng, rất máu. Kiều gặp được Kim Trọng, chẳng biết có làm gì không; Dịu cũng gặp được tiếng đài và “đè” lão có đài ra phỏng vấn, tiếc nhất là chẳng thấy tiếng đài đâu, chỉ thấy tiếng hai người hổn hển. Chắc là tiếng đài nhỏ quá ? Nếu thế thì thính lực của Dịu thực phi phàm vì ở bên kia ruộng cà chua vẫn còn nghe được tiếng đài cơ mừ, he he.

Lão nông được phỏng vấn ở ruộng cà chua sướng rên, nói nhớ hết tên của hệ 2, kể cả chị Mai Chi, Mai Dung và… Mai An Tiêm. Đùa tý, cái vụ bảo biết tên người này người kia Dịu không nên nói thay bác nông dân, nhỉ. Hay ông ấy mệt quá thở không ra hơi?


- Chương trình Phụ nữ nhân dịp trung thu nói về đồ chơi dân gian. Nhiều CT khác cũng nói về đề tài này. Nhìn chung phóng viên muốn cải thiện vị thế của đồ chơi dân gian… nên nói nó hay nó đẹp nó có ích, đủ cả. Tuy nhiên, cái cần là để chính các cháu nói lên suy nghĩ thì lại chẳng thấy đâu, toàn phụ huynh và nhà báo nói. Chủ quan, duy ý chí.

-Chương trình Tạp chí du lịch chiều tối 13 có đoạn nói về bảo hiểm du lịch rất bổ ích. Đây là chương trình dàn dựng công phu. Các chương trình khác nên học tập. Tuy nhiên cũng cần cảnh giác, chớ lạm dụng. CT tối 27/9 có bài nền nhạc toàn bộ, lại hơi to át cả tiếng đọc. Nên nhớ, người nghe trên hệ thống AM tại máy thu chất lượng thấp chứ không chuẩn như tai nghe trên bàn trộn. Với bài dài, BTV có thể tách bài ra từng đoạn để nền nhạc sau đó đọc tiếp, arcording to me, it’s ok.

-Chương trình Đại gia đình của Pùa sáng 14/9. Đọc và dịch cùng một người. Nếu thiếu giọng thì đành để PTV nam dịch cho giọng nữ cũng được, nhỉ? Trước đề nghị làm cái phòng thu mini để hỗ trợ nhau đọc thì chẳng ai ủng hộ mỗ, chán!

-Văn nghệ thiếu nhi tối 15 của có câu chuyện của Vũ Hà với Thanh Hương (?) về cây trên đảo ở Trường Sa, được của nó. Trò chuyện khá tự nhiên, nhưng bàng vuông có ở nhiều đảo chứ không chỉ Trường Sa đâu em nhé. Hơn nữa, vai trò dẫn dắt của Hương trong chương trình hơi mờ. Giá như trong khâu làm kịch bản, Hà gợi ý để Hương xen thêm vào ở một vài đoạn thì hay hơn. Chẳng hạn, tại sao trên đảo có nhiều loại cây của đất liền như xoài, bưởi … Gọi thế thôi, đâu có ăn được; gọi thế để nguôi ngoai nỗi nhớ đất liền, nhớ quê hương. Cái tính chất võ đoán của tên gọi không còn võ đoán nữa. Người lính đảo muốn quê hương gần hơn, hiện hữu ngay tại cái nơi mà sự sống và cái chết chẳng thể nói trước điều gì, nơi cái riêng tư nhất như lá thư tình cũng là tài sản chung…

-CT Tạp chí du lịch sáng 16-9 có bài về món bánh xèo, OK. Ok ở cách dàn dựng. Bánh xèo là phải nghe xèo xèo mới đã, phải để người nghe ngửi thấy, nghe thấy và nếm được mới tài. Thêm tý tiếng động í ới gọi món thì sinh động hơn. Một CT phát thanh về du lịch - ẩm thực của Mỹ khi PV định viết về một món ăn, thằng Head of Dept bắt cả hội đến quán, chén; rồi mua về làm thử, chén; rồi đưa cả bếp vào Studio để… dàn dựng CT. Thế mới làm thính giả nhỏ dãi.

-CT thể thao của Tùng sáng 27 tiếng động bài bơi lội quá xấu. Sau cú này, Tùng quyết đăng ký với Hệ VOV2 làm hẳn một đề tài nghiên cứu khoa học về “hiệu ứng mặt nước và kỹ thuật ghi âm” hay “nâng cao chất lượng thu âm ở bể bơi”. Các bạn trẻ lưu ý nhá, bể bơi không gian rộng, kín, mái tôn, mặt nước dậy sóng… thì tránh xa, đừng có ghi âm.

-CT ĐGĐ của bà chị Thùy tối 27 trong bài nói về phát triển Đảng ở Mường Lát lại đọc “bản Mông”. Bản có tên hẳn hoi, nếu muốn đề cập thành phần dân tộc thì thêm chữ “người” vào. Phát thanh hướng tới văn nói, nhưng văn nói khác với khẩu ngữ.

Ngô Thiệu Phong nhận xét một vài CT tháng 8/2011.

-Chương trình trên văn nghệ với nội dung trò chuyện cùng hai nghệ sỹ Trịnh Huyền và Tự Long về nội dung môi trường. Chào hết, NS Trịnh Huyền nói nhanh (từ Trịnh Huyền) quá khiến thính giả tưởng “chị” Huyền xin chào quý vị thính giả.

-Chương trình tọa đàm trực tiếp về da cam do Thu Lương thực hiện. Thính giả gọi điện tới hỏi khách mời thì Lương lại chen vào hỏi (thính giả gọi điện) tới tấp. Nên để cho thính giả hỏi thì hợp lý. Cú này chân gỗ hơi bị lộ đây. He he .

-Chương trình của Hạnh Hoa về Lễ Vu lan, một sinh hoạt tôn giáo đậm truyền thống thì lại để cho cháu bé hát: Happy birthday to you (Phương Thảo Ngọc Lễ). Mấy câu đầu thôi nhưng cắt đi thì hay hơn.

-Văn nghệ có cách tiếp cận vấn đề biển đảo khá linh hoạt: Khách mời Viện Hán Nôm, phân tích Trường ca biển với khách mời là nhà thơ nhưng từng đi Trường Sa. Hay.

-Văn nghệ có chương trình bàn về sân khấu học đường. Sẽ hay hơn nhiều nếu để phóng viên tự trình bày. Kết luận của bài viết: Nên đưa sân khấu truyền thống vào chương trình chính khóa. Vấn đề này có lẽ phải hỏi thêm ý kiến của các nhà GD. Bởi chẳng có nước nào cấp III học 13 -14 môn như ở VN đâu. Rõ khổ các cháu.

-Tạp chí VH Hoa làm, phỏng vấn hỏi và nói nhanh quá, bối cảnh lại hơi ồn. Có phỏng vấn phải ghép câu hỏi, hơi lộ. Bài về “Múa và hát sắc bùa” (nếu đúng múa và hát ) thì nên có tiếng động hát và diễn tả múa sắc bùa thế nào. Tuy nhiên Hoa có nói lại, đó là lễ thôi, không phải múa hát. Có bác nào nghe cho thêm ý kiến.

-Chương trình Đại gia đình của P.An. Mấy ông thầy tham nhũng ở Tây Nguyên vẫn cứ gọi thầy. Vụ này mỗ để lọt. Xin kiểm điểm sâu sắc . He he . Lại chú P.An, viết : “làm cỏ đúng thời vụ” . Vậy An có “tắm giặt đúng thời vụ” không An?

Chỉ “xuống giống đúng thời vụ” thôi phải không bà con? Mỗ ly nông ly hương lâu rồi nên quên, he he.

Hãy tôn trọng chốn riêng tư.

Em đã định không viết những dòng này vào nhật ký, nhưng cuối cùng em buộc phải viết. Dĩ nhiên không với mục đích để anh biết. Em viết để giãi bày, để cho lòng mình vơi đi nỗi buồn. Nói thế nhưng cũng chẳng biết đâu, rất có thể anh đã từng đọc quyển nhật ký này của em, vì mọi thứ em coi là riêng tư, thì anh mặc định xem là sở hữu của mình.

Em đã nhiều lần tự hỏi: Phải chăng đã là vợ thì mọi thứ đều thuộc về người chồng? Em rất muốn là như thế để cho bớt căng thẳng, để tự trách cứ mình sao quá khắt khe, kín đáo với ngay cả người mình đầu gối tay ấp. Nhưng thực tế không phải vậy. Em nghĩ dù đã là vợ chồng thì vẫn còn khoảng riêng tư thật khó hoặc không thể tiết lộ và cũng chẳng nên chia sẻ cùng nhau. Vì sao ư? Vì điều đó không cần thiết. Ngược lại, nó có thể làm cho anh thêm mệt mỏi với những chuyện không đâu.

Đã hai mặt con rồi, chẳng lẽ ngần ấy thời gian chưa đủ để chúng mình tin tưởng nhau ?

Em thực sự không hài lòng mỗi khi đi công tác anh lại liên tục điện thoại “hỏi thăm”. Anh nói “anh quan tâm tới em nên gọi điện”. Song, từ thẳm sâu với tất cả sự nhạy cảm của người phụ nữ, em mơ hồ nhận thấy còn có gì đó ngoài “sự quan tâm” như anh nói. Bởi nếu quan tâm thì anh sẽ chẳng bao giờ tỏ ra bực bội khi em không nhận cuộc gọi. Rõ ràng anh biết em đang làm việc đấy thôi? Và cuối mỗi buổi làm việc đó em cũng đều gọi lại cho anh. Em rất tôn trọng anh mà.

Nếu em có điện thoại hoặc tin nhắn mà anh tự tay cầm máy đưa lại cho em, dẫu chỉ một lần thôi, thì em hạnh phúc biết nhường nào. Vì thế anh không nên vội vã chộp lấy máy rồi lủi vào một góc săm soi xem ai gọi, tin nhắn viết những gì anh nhé. Nhìn cảnh ấy em thấy mình như bị xúc phạm.

Anh cũng không cần thiết phải lén nghe các cuộc điện thoại của em vì em luôn công khai các cuộc trò chuyện đó mà. Với lại, lúc đó em thấy tồi tội cho anh. Em thấy anh yếu đuối thế nào ấy, nó ngược lại hoàn toàn với cái vóc dáng cao lớn đại trượng phu của anh.

Mỗi lần em ra khỏi nhà, nếu không phải đi làm, thì anh cũng nên hạn chế tra hỏi xem em đi đâu, với ai anh nhé? Điều đó rất thừa bởi vì em chưa bao giờ bí mật công chuyện của mình với anh. Để làm gương cho con và tôn trọng anh, em đều đi thưa về gửi với những lý do rất rõ ràng.

Có nhất thiết cứ phải tra hỏi người vợ rằng “trước anh, em đã từng yêu ai chưa?” Nếu em hỏi anh câu đó một cách ngờ vực thì anh cũng bực mình và không vui phải không anh?

Anh yêu em, em biết, nhưng em thực sự không muốn anh chứng tỏ tình yêu của mình như thế, không muốn anh quan tâm một cách thái quá như vậy.

Vợ chồng có thể không bao giờ hiểu hết nhau, khó hợp nhau 100%, nhưng phải tin nhau. Sẽ có người bảo nói thế mẫu thuẫn bởi không hiểu nhau thì sao mà tin được? Em lại cho rằng, chỉ có niềm tin mới giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Cuộc sống vợ chồng vẫn tiếp tục là quá trình khám phá, tìm hiểu, tự làm mới, tự điều chỉnh để hòa hợp cùng nhau mà thôi phải không anh?


Ngô Thiệu Phong