Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Chuyện cắt tóc cạo râu và ngoáy tai

Trong đời, có một việc chúng ta không tự làm được, phải nhờ đến người khác, là cắt tóc. Trong những năm tháng thường trú ở miền núi, tôi thấy chợ phiên có 3 hàng không thể thiếu là hàng bán rượu, thuốc lào và hàng cắt tóc.

Đã mấy lần đứng quan sát các hàng cắt tóc ở chợ vùng cao, thấy khách đứng ngồi la liệt chờ đến lượt, ham quá, định bụng bỏ nghề báo học nghề cầm kéo nhưng xem một hồi thấy mình không làm được.

Đấy là mình nói tới công đoạn cạo. Một số ông thợ cứ cạo xong cho khách liền quệt ngay đám bọt cùng lông tóc lên cổ lên má khách. Khách dù có vệ sinh mấy cũng không dám hé răng vì lưỡi dao sắc lẹm đang lia sồn sột trên mép.

Xong, ông thợ lấy cái khăn lau một vòng rồi quật phành phạch vào cổ vào đầu khách, tay hẩy cái lưng ghế cho thẳng, nói “xong rồi”. Khách tiếp theo cũng vẫn được lau bằng cái khăn ấy, cũng quật phành phạch, hẩy cái lưng ghế cho thẳng, cũng nói “xong rồi”.

Ấy là chưa kể có anh thợ yêu nghề, vừa cạo râu, vừa khum tay vuốt ve sờ soạng khắp mồm miệng khách xem thành quả lao động của mình chất lượng đến đâu, thấy nhám, chưa ổn là cạo tiếp, sờ tiếp...

Ối dồi ôi! Rõ ràng vừa nhìn thấy anh thợ chạy ra sau lùm cây… đi đái! Đoạn này, ông khách nào không vận công nín thở quả là kiên trung bất khuất!



Thực ra là chiều khách, và làm có trách nhiệm thôi! Nhiều vị đi cắt tóc cứ thích lấy ráy tai. Vừa được ngoáy vừa nghe ông thợ rủ rỉ trò chuyện, rất thú. Nhưng có khách lại có thú vui kỳ cục là phải được tận mắt chứng kiến sản phẩm của mình nên nằng nặc đòi thợ phải khêu ra rồi quệt lên tay mình.

Thợ chiều khách và yêu nghề nên mỗi lần thận trọng rút từ trong tai ra thứ ấy đều ồ lên một tiếng, mắt sáng rực đầy vẻ sửng sốt với niềm hân hoan như thò tay vào túi thấy tờ tiền to vợ tịch thu còn sót lại.

Xong việc cả thợ và khách đều trầm trồ, ngỡ ngàng trước đống sản phẩm - thành tựu to lớn, kết quả lao động miệt mài và tận tụy của người thợ.

Vì tất cả những lý do trên nên mình thôi không học nghề cắt tóc nữa và đang tìm xem chỗ nào có cô cắt tóc như hình. Ai biết thì còm men địa chỉ bên dưới. Cảm ơn!



Comments

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Dọn nhà chiều cuối năm

VOV.VN - Vào một chiều rỗi việc cuối năm, tôi ngắm căn nhà khắp lượt rồi đưa ra một quyết định hiếm hoi và hệ trọng: Tổng vệ sinh! Tết nhất đến nơi rồi!

Để mở đầu “chiến dịch”, tôi chọn phòng của bà (mẹ tôi) làm “đột phá khẩu”. Căn phòng của bà như một lãnh địa riêng, muốn vào cần phải xin phép. Ấy là tôi cứ nghĩ như vậy với mong muốn duy trì một “hành lang tự do” đủ lớn cho bà. Người già cần một không gian độc lập nhất định.

Để vào lãnh địa riêng tiến hành chiến dịch dọn dẹp mà không xin phép hay vướng các thủ tục rườm rà, tôi rình lúc bà đi vắng, để khi bà về thì mọi sự đã rồi. Dẫu ý thức được người già cần tự do, một kiểu tự do rất người già, nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ với không gian sống của bà.

Việc sắp xếp đồ vật của bà hoàn toàn không để trang trí mà đề cao tuyệt đối sự thuận tiện. Ví dụ đèn pin, dầu gió, nước uống, áo ấm, thuốc men... phải để ngay đầu giường, cạnh gối. Rất có thể cả...bô vệ sinh dưới gầm giường. Sự “phòng thủ” với bệnh tật và cái chết luôn rình rập khiến người già và mẹ tôi xây dựng cho mình một khái niệm riêng về sạch và gọn, chắc chả ai giống ai.

Người già, trong đó có bà, không sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nữa nhưng “tư liệu sản xuất” lại “hơi bị” nhiều.

Trên tay cầm của khóa cửa đeo cả một mớ dây thun. Dường như tất cả dây thun của những bao gói đem về nhà có thể tìm thấy ở đây. Nhiều chiếc đã lão hóa chảy thành keo. Lật gối lên, dưới chiếu là tệp túi ni lông. Hầu như tất cả bao ni lông đựng đồ khô đem về nhà, thậm chí bà nhặt nhạnh đâu đó, đều được vuốt phẳng, cất ở đây.

Với người già túi ni lông là của hiếm. Chả thế xưa các cụ dành cho nó một đặc ân: Túi ni lông là "tiền thân" của ví, bóp - bao đựng những đồng tiền quý giá - giắt chặt dưới lưng quần. Tệp ni lông cũ khiến gối kê đầu vồng lên một chút. Nó làm tôi nhớ tới tệp quần áo của bố, cũng gập vuốt phẳng phiu rồi để ở đây cho có nếp, thời chưa có bàn là bàn ủi.

Chai lọ cũng thuộc nhóm đồ vật bà đầu cơ tích trữ. Đủ cả, chai nước mắm, chai rượu, chai thuốc; nhiều nhất là chai nước tinh khiết, chai dầu ăn. Thời bao cấp chắc người ta phạt bà mất, vì "đầu cơ, tích trữ" là tội nặng, cho dù nó chính là hệ lụy tất yếu của thời này. Tất cả chai, lọ, hộp mà bà hình dung có thể sử dụng vào một dịp nào đó, vào một việc gì đó, bà đều súc rửa sạch sẽ, buộc thành bó.

Tôi tần ngần đứng nhìn đống của nả quý giá của bà và hình dung bà sẽ tiếc như thế nào lúc bà trở về không còn thấy chúng.

Người già còn rất ít quyền lực trong gia đình. Quyền lợi cũng chẳng có gì, chính xác hơn còn một chút, nằm trong hai chữ tự do. Đụng tới quyền lợi của người trẻ hay người già đều phải thận trọng huống hồ người già lại thuộc nhóm dễ tổn thương. Dễ tổn thương vì gây tổn thương cho người già dễ lắm!

Thôi cứ để đấy! Tốt nhất không nên động vào. Đống đồng nát gồm chai lọ, dây thun, túi ni lông... bà tích trữ là hiện thân của quá khứ một thời khốn khó. Nó là quá khứ của bà, mà người già thường sống bằng hoài niệm, cất đi quá khứ của họ chả khác gì giật phăng món đồ chơi yêu thích trong tay một đứa trẻ. Đứa trẻ khóc oà, còn người già nuốt nước mắt vào trong.

Thăng trầm của thời cuộc, của loạn ly, giặc giã khiến cho chắt chiu, phòng thủ, lo xa...trở thành tính nết, thành thói quen khó bỏ của bà. Và chính sự chắt chiu, gom góp ấy đã nuôi tôi lớn khôn đến hôm nay.

Bước ra khỏi phòng, tôi quăng chổi nghĩ, chả cứ bà, người dân Việt đã bao giờ hết nơm nớp lo toan, đã bao giờ thôi chắt chiu, dành dụm?./.

Thăm hàng xóm ngày tết

Hôm qua rồng rắn kéo nhau sang hàng xóm chúc tết. Hàng xóm là hai vợ chồng trẻ, vừa có con đầu lòng. Cả hội đến đúng lúc mẹ cháu đang cho con bú.



Baby chừng gần 1 năm tuổi, xinh giống mẹ, ai cũng giành lấy cưng nựng hít hà nhưng bé giãy nảy, khóc thét. Bố cháu chả muốn phụ lòng yêu quý của khách bèn cười cười, nói tại cháu quen hơi mẹ.
Anh í vừa dứt lời thì mình được chuyền tay bế bé, con bé chợt im bặt, đã thế còn rúc rúc vào ngực mình.
Kể từ lúc ấy thấy hàng xóm bố ưu tư hẳn. Thề, đây là lần đầu tiên mình sang hàng xóm😢.

Bỗng dưng thích ...mộc

VOV.VN - Tôi nghĩ phải là những người thấu hiểu nhau thì mới có thể mộc mạc chân thành. Số còn lại chắc phải lịch duyệt, từng trải và bao dung thì mới có được ứng xử đạt đến độ… mộc, bất luận người đối diện sang hay hèn, quen hay lạ.

1. Đã có những tranh luận không hồi kết trong giới chơi âm thanh là thích chất âm ngọt ngào hay chất âm mộc. Người theo trường phái của chất âm mộc thì bảo chất âm ngọt ngào, nghe nịnh tai, giống như ăn phở cho mì chính. Thích nước phở ngọt do mì chính hay từ xương hầm tuỳ khẩu vị mỗi người. Kẻ ưa chất âm ngọt thì bảo mộc nghe khô, khó vào. Tuy nhiên âm thanh mộc nghe lâu không chán, gần với sự trung thực của nguồn âm hơn nên phần đông giới chơi audio sau quãng đường dài trăn trở cuối cùng vẫn quay về với… mộc.

2. Trong kiến trúc, đây đó ta thấy những mảng tường không trát, hoặc đã trát nhưng được những người làm nội thất lột bỏ phần vữa, để trơ gạch mộc, nhìn thô ráp, hoài cổ và sinh động.

Gần đây, các toà nhà văn phòng có xu hướng không làm trần phẳng phiu mà để lộ ra toàn bộ hệ thống điện, điều hoà, cứu hoả…, sau đó phun sơn tối màu. Cái không gian phía trên đầu để mộc như thế tưởng rối rắm, bừa bộn hoá ra lại có chiều sâu, nhìn không chán, không tẻ.

Trong thiết kế nội thất có hẳn một trường phái tôn thờ sự thô mộc. Nhiều chất liệu, trong đó có gỗ, khi chế tác không cần quá dụng công chau chuốt mà cứ để nguyên như nó vốn có, cả mắt gỗ, vỏ gỗ, cả phần lõi bị sâu. Sinh hoạt bên cạnh những vật dụng như vậy ta có cảm giác gần gũi với tự nhiên.

3. Trong ẩm thực, càng ngày người ta càng hướng tới nguyên chất, tức là phát huy tối đa “tính mộc”  của nguyên liệu mà không để gia vị can thiệp quá nhiều. Cá lóc nướng trui miền Tây vốn là món ăn dân dã của dân nhậu miệt vườn, dân đồng áng. Thế nhưng nay thành món “độc” của các nhà hàng hạng sang vì càng ngày người ta càng thấy vị ngọt, vị thơm của thịt cá hấp dẫn, thu phục vị giác, không gì thay thế.

Trên đời này có bao nhiêu vị cay nhưng người sành ăn vẫn thích vị cay cà cuống. Và phải vị cay thơm của con cà cuống sống chứ tinh dầu cũng không đạt.

Trước đây người ta truyền tai nhau muốn cà phê lúc rang xay phải cho thứ này thứ kia thì khi pha mới đậm đà. Chả biết thực hư thế nào chứ giờ dân nghiện cứ ra hàng quen, nhìn thấy hạt cà phê, sờ thấy hạt cà phê, nói xay cho tôi loại này, loại rang mộc, không bơ.  Chả phải ngẫu nhiên mà triết lý cà phê mộc của Starbuck lại nổi đình nổi đám trên toàn thế giới.

4. Về màu sắc, nếu biết phối các tông màu trầm - màu mộc, thì sẽ rất sang! Đấy là cái sang của người đài các chứ không phải của kẻ mới nổi luôn thích rực rỡ chốn đông người. Vàng son là màu sắc biểu tượng của vua chúa, của quyền uy. Trong khung cảnh màu sắc chói loà rực rỡ dễ khiến người ta hoang mang, rợn ngợp. Ngược lại, tông màu mộc – màu trầm dễ gần và dễ gây thiện cảm. 

5. Tôi không rành nhưng hình như trong các cuộc thi sắc đẹp đều có nội dung buộc thí sinh phải để mặt mộc để giám khảo nhận xét. Mà suy cho cùng, trong cuộc sống, chúng ta có trang điểm được mãi đâu, rồi cũng có lúc phấn son tuột mất, chỉ còn khuôn mặt mộc. Mộc là sự thật. Mộc mà vẫn đẹp mới đáng trân quý.

6. Ngay cả với kỷ nguyên của @ thì tôi vẫn thấy sự hiện diện của “mộc”. Qua rồi cái thời giao diện màu mè loè loẹt nhấp nháy đỏ xanh tím vàng. Giờ là lúc các giao diện đem tới sự thân thiện, các phần mềm mang tới sự tối giản, thuận tiện cho người dùng.

7. Còn trong giao tiếp, ứng xử, mộc thường đồng nghĩa với sự chân thành. Mộc mạc thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau vượt ra khỏi lời nói và lễ nghi xã giao. Lẽ dĩ nhiên, mộc không phải bỗ bã, dễ dãi hay xuê xoa.

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc giao tiếp ồn ào mà một bên (hoặc cả hai bên) tranh nhau kể những câu chuyện sáo rỗng, liến thoắng nói những điều chả ăn nhập. Hình như tất cả cố sức nói để tránh những khoảng lặng. Họ sợ những khoảng trống không thanh âm? Hoặc cũng có thể họ nghĩ không nói gì là tẻ nhạt? Một số khác cố chứng tỏ bề trên hoặc năng lực tư duy vượt trội nên thận trọng, cân nhắc, ý tứ để câu nào thốt ra cũng phải là tuyên ngôn, chau chuốt, súc tích và có tính khái quát. Giao tiếp bỗng chốc trở thành cuộc thi nghe - hiểu và cuộc chiến thu phục nhân tâm khiến không khí nặng nề, ai cũng mệt mỏi, gượng gạo.   

Tôi nghĩ phải là những người thấu hiểu nhau thì mới có thể mộc mạc chân thành. Số còn lại chắc phải lịch duyệt, từng trải và bao dung thì mới có được ứng xử đạt đến độ… mộc, bất luận người đối diện sang hay hèn, quen hay lạ.  Khi đó cuộc gặp gỡ sẽ không cần trang điểm bằng cách cố nặn ra những nụ cười, câu nói; hay cố lên gân tuyên ngôn kiểu sấm truyền để chứng tỏ ta đây. Chả cần, chỉ nhìn nhau là hiểu, nếu không, chỉ cần đôi câu rất mộc, chân thành./.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Ăn dè và chơi...dè

https://vov.vn/goc-nhin/blog/an-de-va-choide-836919.vov

Nhiều lúc tôi vẫn tâm sự với bè bạn rằng hình như lũ trẻ hôm nay không biết hai chữ “ăn dè”. Rất có thể hai từ này sẽ không còn xuất hiện trong đời sống ngôn ngữ. Bản thân người lớn chúng ta đôi lúc cũng vứt nó ra khỏi đầu, thậm chí căm nghét mỗi khi phải giục giã, động viên, cầu cạnh con cháu cố ăn cái này cái kia.

Chả bù ngày xưa, thế hệ sinh những năm 60 như chúng tôi hai tiếng “ăn dè” lúc nào cũng vẳng bên tai. Có miếng thịt trên bát để dành đến tận cuối bữa; có cái bánh cái kẹo cất cho kỹ, thi thoảng đem ra ngắm nghía hít hà rồi lại giấu đi. Khi chúng bạn anh chị em ăn hết mình mới lôi ra ăn, vừa ăn vừa lên mặt khoe.

Thời đó mười nhà thì bảy nhà khốn khó. Gia đình nào đông con, đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa nào “nhỡ” tay gắp thêm miếng đậu rất dễ bị lườm. Thằng em tố thằng anh gắp quá tiêu chuẩn, con chị giằng tay đứa em khỏi miếng đậu vừa gắp, nước mắt nước mũi chan cơm, cứ inh ỏi. Bố mẹ bỗng dưng lên chức quan toà, nuốt nước mắt vào trong, nói thôi, cứ để em ăn, phần của bố mẹ đấy.

Chỉ đến Tết mới không phải ăn dè. Nhìn chung không phải “dè” bất cứ cái gì, có thể ngủ muộn hơn, đi chơi lâu hơn và chén thoả thích. Có vẻ như cái sự “dè” cả năm góp phần làm cho Tết trở nên đặc biệt; chiếc áo mới, như mới hơn; miếng ăn ngon, như ngon hơn; bữa ăn không sợ bị lườm khiến cánh tay đưa ra gắp tự tin hơn, không khí thoải mái vui vẻ hơn.

Bây giờ tôi đoán trẻ con thị thành hầu hết không phải ăn dè và không biết ăn dè. Thực ra đôi lúc cũng muốn nhắc lại chuyện cũ để chúng biết một thời khốn khó để trân trọng hơn cái chúng có hôm nay. Nhưng nói chúng nó cũng chả để tâm nên cứ nghĩ chữ “dè” biến mất hẳn rồi.

Thế nhưng không phải! Mấy hôm trước đi chợ chọn cành đào cắm tết, mình mua bán ào ào nhưng tụi nhỏ lại kỹ, đứa nào cũng chọn cành nhiều nụ để chơi được lâu. Trước Tết, gặp mấy hôm trời ấm, đào nở bung toe toét, tụi nhỏ thi thoảng lại chạy ra nhìn cành đào lo lắng, nói bố ơi, nở hết thế này thì làm sao.

À! Hoá ra bọn trẻ vẫn muốn hoa nở đúng Tết! Thế hệ chúng không phải “ăn dè” nữa nhưng vẫn “chơi dè”. Không khác nhau nhiều. Xưa mình đói khổ, Tết cứ lấy cái ăn cái mặc làm tham chiếu mà chả chịu để ý Tết còn bao sự háo hức, bao niềm đam mê. Xưa mình để dành miếng ngon thì giờ chúng níu giữ cái đẹp; mình lo cho cái bụng giờ chúng lo cho tâm hồn. Tất cả vì ba ngày Tết để vui Tết, chơi Tết vẫn còn y nguyên, chỉ có điều mỗi người trong chúng ta có chịu tìm, chịu thay đổi và nâng niu nó hay không mà thôi./.