Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Về một tấm bia kỷ niệm Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến.


Hôm rồi, nhân 70 năm ngày thành lập Đài TNVN, Cơ quan thường trú khu vực ĐBSCL phối hợp với các nhà tài trợ đi tặng quà cho học sinh và khám bệnh cho bà con ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau.

Địa điểm tặng quà, phát thuốc tại Trường tiểu học Long Hoà (ấp Tân Hoà A). Trong khi bà con khám bệnh mình có trò chuyện với anh Phong, Bí thư xã, anh cho biết trường đang giữ một tấm bia kỷ niệm của Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến.

Mình đứng cạnh tấm bia

Ngày 01 tháng 12 năm 1947, Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến chính thức phát sóng tại kênh Quận vùng Đồng Tháp Mười, nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Trong mưa bom bão đạn, dù phải di dời 10 lần, đổi tên 2 lần, thay đổi địa điểm hơn 15 lần, đài vẫn hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trong 7 năm phát sóng.

Nơi dựng bia (Trường Tiểu học Long Hoà) chính là một trong những địa điểm mà Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến đã dừng chân.
Sau khi sông lở+làm đường, người ta nhặt tấm bia ở chỗ chiếc xe đạp

Qua trao đổi với giáo viên và cán bộ ấp Tân Hoà A,  được biết vị trí tấm bia trước đây nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Long Hoà. Nhưng vì con sông phía trước bị lở nên hàng rào nhà trường phải lùi vào trong, đẩy vị trí đặt bia kỷ niệm ra ngoài mé sông. Sông lở cùng với việc xây dựng con đường mới nên tấm bia kỷ niệm bị đổ gục, vùi trong đất. Nhà trường đã mang về dựng tạm trong sân trường. 
Sông phía trường Trường Tiểu học Long Hoà

Nghe đâu tấm bia kỷ niệm này do một vài cụ từng là nhân viên Đài tiếng nói Nam bộ kháng chiến góp tiền dựng những năm 90, nhân một lần về thăm lại nơi từng làm việc và chiến đấu.



Các cụ tặng nhà trường.

Lãnh đạo huyện, xã và nhà trường hiện rất mong muốn dựng lại tấm bia di tích để thế hệ trẻ trong xã tự hào và ghi nhớ công lao của cha anh thuở trước. Đất đã có, đau đầu nhất là kinh phí./.

PS: Mình nghĩ nếu làm lại thì giữ nguyên tấm bia của các cụ,  chỉ dặm vá lại vài chỗ sứt sẹo, bị mất (biểu tượng sóng phát thanh tròn tròn bên trên, khắc lại nội dung bia ở phần ô vuông phía dưới). 


Tấm bia mộc mạc bằng xi măng này có ý nghĩa rất lớn.  Bỏ tấm bia này đi mà dựng tấm khác lên, dù bằng đá hoa cương hoành tráng, nhiều tiền, nhưng chắc chắn sẽ mất hết hồn cốt…, các cụ dưới suối vàng sẽ không vui, rồi hiện về quở trách thì bỏ mịa. Đừng làm liều!






Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Sexshow ở Philipin.

Mấy hôm nay dư luận râm ran chuyện mở phố nhạy cảm làm mình nhớ hồi đi Philippin cũng tới chốn này một lần. Đương nhiên rồi, là con cháu vua Hùng, phải sang trọng và thanh tao nên mình chỉ xem sexshow chứ tuyệt nhiên không thò chân vào… nơi khác.

Mấy chị em ở Phi

Nghe nói ở Philipin mại dâm bị cấm nhưng thấy nó hoạt động sáng đêm. Chẳng hiểu! Hay là giống VN? Đang giai đoạn quá độ tiến lên… cấp phép, quản lý một cách đàng hoàng?

Hồi đó mình cùng mấy anh chị em sang làm việc với các Đài PT-TH tư nhân của Phi. Chủ đài toàn những đại gia, doanh nghiệp nên họ cởi mở, thoáng, không giữ gìn ý tứ như mấy ông nhà nước. Chính vì thế nên trong bữa cơm tối họ ngỏ ý mời đoàn đi xem sexshow.

Từ thuở bé tới giờ mình chỉ nghe chứ có biết sếch với sâu là cái gì đâu nên mới nghe họ mở lời mà nghẹn cả thở, trống ngực đánh thình thình, đang ăn mà chẳng còn thấy ngon lành như lúc trước.

Chị Ngọc Anh, phó đoàn kiêm phiên dịch, ghé tai: “Tý chị với Phong về trước nhé! Để anh em họ đi.”

Chị Ngọc Anh coi mình như em ruột. Mình biết, nhưng tò mò hiếu động lại khoái đi nên ầm ừ một lúc rồi mạnh dạn: Cứ đi xem thế nào chị ạ!

Hình như đây không phải khu Clark - Angeles (Bắc Philippin - nơi nổi tiếng với dịch vụ tình dục) vì hôm đó mình đã di chuyển xuống phía Nam của Manila.

Ngay ở cửa ra vào là một hội mặt rô, xăm trổ đầy mình đứng canh, soát vé và thu lại điện thoại di động, máy ảnh. Nguyên tắc cấm tiệt quay phim, chụp ảnh trong khi biểu diễn được truyền tới từng người.

Một phòng nhỏ với một sân khấu nhỏ đủ chỗ cho 5-6 chục khách. Một toa-lét chật chội, không sang trọng nhưng sạch, luôn có một thằng đưa giấy ướt lau tay mỗi khi xong việc. Phía sau những dãy ghế ngồi của khách là dãy nhà 2 tầng, nhiều phòng, đôi chỗ sáng đèn. Khách xem có cả nam và nữ, cả bậc trung niên và vài đôi tình nhân. Trên bàn có bia và nước hoa quả.

Chị Ngọc Anh ngồi cùng bàn với mình. Bà chị khi bước vào đã chủ động ngồi chổng đít về phía sân khấu, mặt lạnh tanh. Mình nghĩ bụng: Bà này nhẽ ra phải được trao danh hiệu tiết hạnh khả phong mới xứng. Đúng là được GD dưới mái trường XHCN có khác!

Chị ngồi xoay lưng lên sân khấu thì đương nhiên nhìn vào bản mặt của mình rồi. Mình mà hau háu nhìn lên thì ngượng chết, nhưng vờ vĩnh lúc này càng khốn nạn, qua mặt thế nào được bà chị hơn mình gần một giáp. Đểu thế !

Vì thế khi có một cô thật xinh, thật cao bước ra là mình khều chân, nói chị ơi, chị ơi... Chị lét mắt nhìn qua một cách dửng dưng rồi lại cắm cúi vào cốc nước, thế mới đau. Tối đó hai chị em uống gần chục cốc Mango Shake (sinh tố xoài). 

Trên sân khấu, với ánh sáng được bố trí khéo léo cùng cách trang điểm có nghề, với những vũ điệu quyến rũ nên nhìn cô nào cũng như thiên thần. Sexshow nhưng không hề dung tục. Mình chưa thấy cảnh nào trút bỏ hết xiêm y. Nói thật, nhã và kín đáo hơn tắm biển nhiều. Mà cũng phải thế chứ! Kín kín hở hở mới kích thích, mới khêu gợi, chứ cởi hết chắc chắn… mình ngoắc ông chủ tới kêu đền tiền mua thuốc nhỏ mắt ngay. Đùa !

Các cô gái đều đeo số nên mình đoán khách có thể đi từ A tới Z. Việc này diễn ra không lộ liễu nhưng có một cảnh hơi phản cảm. Đấy là có toán thanh niên yêu cầu một vài cô rời sân khấu rồi dùng đèn pin rọi vào mặt từng người… Quá kỹ!

Bàn bên, Mai Văn Lạng và chú Ổn (Trung tâm âm thanh) uống bia. Gần tàn cuộc nhìn sang vẫn thấy cốc bia còn nguyên.

Hai người có vẻ căng thẳng lắm! Ngồi xem sexshow mà như ngồi chụp ảnh thẻ, im như tượng, cái cần cổ cứng ngắc, hai tay bấu chặt vào đùi. Mình nhìn ngang nên thấy rất rõ mắt hai bố lồi hẳn ra, long lanh, chẳng chớp gì cả. Tập trung chuyên môn thế thì bia bọt gì nữa.

Anh Lê Lam cạnh chị Ngọc Anh

Bữa đó cả đoàn đều vào xem sexshow, mỗi anh Lê Lam (Ban Kỹ thuật phát thanh), trưởng đoàn, đến cổng bỗng trốn đâu mất tiêu. Về khách sạn, mình phê bình anh, “cả đoàn nuy mỗi anh mặc comple”, như thế là không quần chúng, thiếu tinh thần tập thể. Anh cười. Tính anh thế, chất phác, hiền và ít nói. Hôm nay thấy anh được “Gương sáng…” bỗng dưng nhớ anh, nhớ vụ sexshow ở Phi. Thôi thì danh hiệu cũng được rồi. Lần sau có sang Phi thì “nuy” cùng anh em cho xôm tụ!



 Mình cùng soạn giả Mai Văn Lạng

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Cây mắm và cây đước.

Ở hệ sinh thái vùng nước mặn chúng ta gặp nhiều nhất là cây đước và cây mắm. Mình chưa phân biệt được 2 loại cây này vì nếu nhìn qua chúng khá giống nhau. 

Mắm là cây tiên phong, là người lính xung kích của vùng đất bồi ven biển. Trước đây, mỗi năm Cà Mau vươn ra biển được gần 100m cũng một phần nhờ loài cây có cái tên chứa đựng hương vị mặn mòi như biển cả này.

Đường xuống Cà Mau.

Mắm là loại cây bén rễ đầu tiên ở vùng đất bồi, cắm bộ rễ tua tủa ôm trọn lấy phần đất đai còn lỏng toẹt, nhão nhoét cho con người.  Đến khi mảnh đất ấy dần dần nổi lên khỏi mặt nước,  mặt đất đã se lại thì cũng là thời điểm mắm cho quả. 

Lúc này đước như đội quân chủ lực hùng hậu từ phía đất liền ào ra chiếm lĩnh trận địa. Dường như mắm đã dồn tất cả chút sức lực nhỏ nhoi của mình vào bộ rễ để giữ đất nên phần thân và tán chẳng thể bì với đước - cây vừa tiếp quản, lại sẵn nong sẵn né hưởng phù sa đất mới - nên trẻ trung, phong độ. Đước vút cao toả bóng che lấp toàn bộ loài mắm, vốn thấp hơn, nằm bên dưới.  Mắm chết dần vì không thể  bon chen đọ tán cùng đước để hít thở ánh nắng mặt trời.

Trước khi chết, mắm vẫn còn thai nghén cho đủ tháng đủ ngày để cố gượng tung trái, vung hạt về phía chút đất non còn hoà với nước biển mặn mòi. Ở đó những hạt mầm lại tiếp tục sinh sôi để giữ đất. Người ta nói “mắm trước đước sau” là vì thế.

Dẫu chưa đến vùng ngập mặn, ta vẫn thấy đước hiện diện ở nhiều nơi. Đấy chính là than cây đước (than hoa). Than đước đun rất đượm, khi đun không bị nổ lách tách bắn lửa ra nguy hiểm như than các loại cây khác. Ở trong bếp hay ngoài quán nhậu, người ta  nhắc tới cây đước như thế, cho dù nó đã thành than. 

Còn mắm,  khi hoàn thành sứ mệnh thì lặng lẽ rút lui nhưng vẫn không quên ươm mầm cho tương lai ở vùng đất mới. Nó ra đi nhẹ tênh.

Mắm- loài cây có cái tên chẳng chút mỹ miều, không thể lấy gỗ, củi đun thì khói, quả ăn thì đắng- cứ âm thầm làm tròn bổn phận của mình. Đến bộ rễ xù xì kiên gan là có giá trị nhất cũng ngập sâu trong nước, lẩn khuất chứ chẳng mấy khi trồi lên khoe công trạng với người. Ở đời vẫn còn bao thứ khuất lấp trong veo đáng kính !
Phía sau cột mốc là rừng đước



Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

U Minh Hạ.

Nghe tiếng rừng U Minh từ lâu nay mới được ghé qua. Cũng là có dịp xuống Cà Mau, lại được Chí Điển - Phạm Hợp (VOV-Truyền hình quốc hội) tận tình đưa đường dắt lối chứ không thì chịu.

Vâng, chỉ dám nói là “ghé” thôi bởi rừng thì rộng, còn những câu chuyện kể về rừng thì dường như bất tận, đến người dân ở đây còn chẳng nhớ hết huống hồ.

U Minh Hạ

Những mẩu chuyện chẳng có đầu chẳng có đuôi mình nghe lõm bõm dưới đây là từ chú Chín Quang, nguyên Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN tại ĐBSCL.

Chú Chín tham gia cách mạng từ hồi còn thiếu niên nên khu vực miền Tây chú thuộc như lòng bàn tay nói chi U minh thượng, U minh hạ. Gặp chú hỏi chuyện sông nước, chuyện chiến đấu, chuyện cây mắm cây tràm cây đước..., sướng hơn chuyện nghề.

Chú Chín Quang

Ở rừng U Minh, cả thượng lẫn hạ, toàn tràm là tràm, cây tràm vẫn là chủ lực. Chắc nó hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu vùng này. Cây tràm dễ sống lắm, chỉ cần cắm một đoạn thân, cành xuống bùn độ mươi ngày là đã bén rễ. Kiểu như trồng sắn (khoai mì) vậy.

Cái anh tràm này chịu được nước lợ, nước nhiễm phèn. Mặc dù thế, cũng đỏng đảnh ra phết, ưa nước một mùa. Nghĩa là nước lên cao rồi rút thì được, còn cứ bị ngập mãi thì cây đước không phát triển.

Bởi thế mới có chuyện mấy ông giữ rừng tràm rỉ tai nhau: Để xảy ra cháy rừng bị kỷ luật là cái chắc, nhưng cây có khẳng khiu còi cọc chút xíu thì cũng chẳng ai bắt tội. Bởi vậy cứ đến mùa khô là anh em xả nước vào ngâm để phòng cháy.



Không giống với U Minh thượng, U Minh Hạ được người Pháp quy hoạch bằng cách xẻ những con mương thẳng tắp ngang dọc nên rất thuận tiện cho vận chuyển, tưới tiêu cũng như phòng cháy trong mùa khô. Giá như Pháp ở VN thêm chút xíu nữa chắc U Minh Thượng cũng được quy hoạch xong ngon nghẻ như thế, hi hi.

Người ta hay nói tới tinh dầu tràm, tuy nhiên cây tràm ở U Minh tinh dầu ít lắm. Muốn tinh lọc dầu tràm thì phải trồng loại tràm khác, lá to hơn, ở miệt Đồng Tháp cơ.

Giá trị kinh tế của cây gỗ tràm có vẻ hơi “khiêm tốn”. Xưa, còn cây to (đường kính độ 30-40 phân) còn làm được nhà. Nay cây nhỏ hơn nên chỉ sử dụng làm cừ (cọc) là chính. Nếu như miền Bắc đóng cọc móng bằng tre thì ở miền Tây cọc móng chỉ đóng bằng cây tràm, gọi là cừ tràm.

U Minh Hạ vẫn còn một số loài vật nhỏ như sóc, chim, khỉ, rắn, rùa và … muỗi. Chị chủ quán ở giữa rừng U Minh Hạ lộ tay trần trắng nõn mà muỗi chẳng hỏi thăm, trong khi đó cứ tới tấp chích vào mông mình (cấm nghĩ xiên xẹo nha!). Được cái bọn này đốt vụng, đậu như ruồi đậu nên dễ phát hiện, ngồi rỗi có thể đập được cả vốc.

Đến U Minh mà chỉ đập muỗi với ngắm tràm thì phí. Nghĩ thế mình nói Chí Điển và Phạm Hợp nhờ anh bảo vệ mua giúp mấy lít mật ong. Mật ong hoa tràm không thơm ngon và tốt như mật ong cây chó đẻ (mình từng mua hồi còn làm trên Tây Bắc) nhưng cứ mật ong tự nhiên là tốt rồi. Nghe mình nói điều này, Chí Điển và Hợp cứ tủm tỉm cười. Thấy thế mình bẽn lẽn nói không sao, 60% mật ong, 40% nước bây giờ vẫn được coi là thật, là tự nhiên.

Mình “khêu gợi” đến thế mà hai đứa vẫn chưa cho ý kiến. Khi trò chuyện với chú Chín Quang, chú bảo: U Minh Hạ có đường ra vô thuận tiện nên người dân khai thác ong thường lắm, nên giờ cũng hiếm. Phía U Minh Thượng không có lối ra vô thì may còn kèo ong lớn.

Cứ tưởng mật ong nguyên chất định cho mỗi người mấy lít, nhưng nghe chú Chín Quang nói thế đành để dùng vậy. Hi hi !

Truyện cổ tích hay há miệng chờ sung ?

Truyện cổ tích rất thú vị! Các mẹ, các bố nên đọc cho con nghe những lúc rảnh rỗi. Không biết hát ru thì phải đọc 1-2 truyện để con bước vào giấc ngủ trong sự tưởng tượng vô bờ bến.  Sau đó bố mẹ làm gì thì hãy làm.
Nếu chọn được những câu chuyện hay để đọc, chắc chắn sau này con sẽ sống nhân văn và lương thiện - những thứ đang dần trở nên xa xỉ trong xã hội hôm nay.
Và quan trọng hơn nữa là nó nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho bé.
J.K jowling là tác giả của tập truyện nổi tiếng Harry Poter. Ở tuổi 25, J. K. Jowling gần như trắng tay: hôn nhân tan vỡ, công việc và tài sản không có. Bà thậm chí đã định tìm đến cái chết để giải thoát.
Nhưng may mắn thay, Jowling có một trí tưởng tượng tuyệt vời. Với chiếc máy chữ và ý tưởng về cậu bé phù thủy Harry, nữ văn sĩ quyết tâm xây dựng lại cuộc đời mình.
Cứ thế, hàng trăm triệu ấn bản của bảy tập truyện đến tay người đọc khắp thế giới, giúp bà mẹ đơn thân đổi đời thành tỷ phú.
Chia sẻ với sinh viên đại học Harvard năm 2008, J.K Jowling nói: “Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng con người hình dung ra những điều không có thật, nó còn là nguồn mạch của tất cả phát minh và sáng tạo”.
Còn Einstein thì khẳng định "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức".
Tuy nhiên mình vẫn cứ băn khoăn là nhiều truyện có cùng mô-típ: Một đứa bé nghèo khó, bất hạnh, bị hắt hủi, bị bỏ rơi..., gặp lúc đường cùng thì thường ngồi khóc tỉ tê, than thân trách phận..., tới đoạn tuyệt vọng bao giờ cũng đột ngột xuất hiện một ông bụt hoặc một nàng tiên hiện ra hỏi "vì sao con khóc" rồi ban cho vài điều ước hay vẽ đường chỉ lối để thoát khỏi nguy nan...
Đành rằng ý đồ tác giả là "ở hiền gặp lành", nhưng nếu con cháu các bác hỏi:
- Bố/mẹ ơi, sao bạn ấy không nỗ lực làm một việc gì đó để thoát khỏi hoàn cảnh?
- Ngày mai, con không lau nhà, cứ ngồi ở bậc cầu thang gào khóc bụt có hiện lên giúp con lau nhà không?
Các bác trả lời sao ạ? Giúp em với!


Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Nhà báo: Hãy coi chừng!



Mấy hôm nay ồn ào chuyện dạy học sinh đi chân trần trên thuỷ tinh vỡ trong sách Kỹ năng sống do TS Phan Quốc Việt chủ biên. Có nhiều ý kiến khác nhau nên phóng viên Vietnam Net đã phỏng vấn TS Việt. Theo tường thuật trên Vietnam Net (25/8), trong cuộc phỏng vấn, khi phóng viên hỏi giẫm chân trần lên thuỷ tinh liệu có nguy hiểm thì TS Việt hỏi ngược lại anh/chị phóng viên “thế bơi có nguy hiểm không” .

Làm báo thường xuyên gặp cảnh này, nhất là khi phỏng vấn người có chút học thức và lý lẽ, thêm tí chức tước nữa thì… khỏi phải nói. Bởi vậy phóng viên hãy coi chừng.



Trong trường hợp này, nếu là mình, mình sẽ nói: Tôi đến đây để hỏi và ông là người trả lời. Nếu ông không muốn trả lời câu hỏi này thì chúng ta bỏ qua và sang câu hỏi khác.

Chẳng ai cấm hỏi ngược lại phóng viên trong quá trình phỏng vấn, nhưng ngữ cảnh và thái độ (của người được phỏng vấn) quyết định việc đó nên hay không. Nhớ rằng lúc này TS Việt đang bị truy vấn về một nội dung có ý kiến trái chiều.

Phóng viên đang hỏi chuyện giẫm lên thuỷ tinh liệu có nguy hiểm không, thay vì trả lời vào đúng câu hỏi, vị TS hỏi ngược lại phóng viên: “Thế bơi có nguy hiểm không”. Đây là cách nói nguỵ biện, lạm dụng tính tương tự, từ chủ đề A, TS dẫn phóng viên tới chủ đề A’ có vẻ như mang tính chất tương tự hòng đánh gục phóng viên ngoài sàn đấu để rồi quay lại kết luận về chủ đề hiện tại.

Đây cũng là cách nói tung hoả mù, đánh lạc hướng, áp dụng thủ thuật "vây Nguỵ cứu Triệu", đưa phóng viên vào mê cung rồi hạ thủ đối phương. Lối nguỵ biện này rất hay gặp. Các bạn nên cẩn thận!

PS: Nguỵ biện được dạy kỹ càng ở phương Tây. Người ta học nó để phát hiện ra nó (trong tranh luận), để tránh nó (trong tư duy), nhằm hướng tới cách suy nghĩ logic, khoa học và có tính thuyết phục cao.  Các bạn có thể tham khảo trên mạng. 





Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Đất Mũi - những cánh rừng mong manh.


Xuống Đất Mũi đang loanh quanh chẳng biết đi đâungoài cái mốc toạ độ, ông xe ôm giới thiệu “khu sinh thái”. Ừ thì đi!

Nơi mà ông xe ôm gọi là “khu sinh thái” thực ra có mỗi 2 cái nhà lợp tôn, một cho gia chủ và một để làm quán. Gia chủ nép hẳn vào một góc nhỏ để lại phần lớn diện tích ngôi nhà cho khách, với mấy cái chiếu, nơi đó được gọi là homestay. Cũng chẳng sao vì cả Đất mũi này là khu sinh thái rồi còn gì.

Tới nơi thì ông chủ khu sinh thái kiêm chủ quán chân đất quần xà lỏn đang ngồi nhâm nhi với bạn. Trên nhà sàn dựng sát vuông tôm có 4 khách, một cặp tình nhân và cặp kia là dân làm ăn.



Ông lái xe ôm bảo tôi cứ ăn nghỉ thoái mái, khi nào về thì gọi. Nói xong ông quay xe đi thẳng. Tôi ớ người vì chưa trả tiền, nhưng chợt nhớ đang ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Từ đây muốn về Cà Mau duy nhất một con đường là ra bến Rạch Tàu để về bằng xuồng cao tốc. Mà ông xe ôm thì ngày đêm túc trực ở đó. Tàu ghe nào vào ra, có bao nhiêu người, quen lạ đến mảnh đất này ông biết hết. Lúc về chẳng gọi ông thì biết gọi ai.

Cuối cùng ông chủ cũng đem chén rượu sang bàn cụng với tôi. Hai vị khách dân làm ăn ngồi từ đầu cũng đánh tiếng gọi sang nhậu chung cho vui. Thế là trên cái bàn nhậu ở nơi tận cùng của đất nước có 4 vị khách, ở 4 địa phương khác nhau: tôi - Hà Nội, chủ quán-Nam Định, hai vị khách kia ở Đà Nẵng và Nghệ An.

Bàn nhậu của người tứ x
Chủ quán tên Hướng, quê Nghĩa Hưng. Anh kể cách đây hơn chục năm, vài anh em cùng quê (đang múc sình thuê ở đây) rủ vào đất này kiếm sống. Với nghề thợ mộc trong tay, anh dễ dàng vượt qua những ngày đầu gian khó chân ướt chân ráo định cư nơi xứ lạ. Thế rồi cái vùng đất lắm tôm nhiều cá, thiên nhiên ưu đãi chiều chuộng con người đã làm anh mê đắm và thừa sức thuyết phục anh đưa hết vợ con vào định cư lâu dài.

Tôi hỏi về những ngày đầu khởi dựng cơ nghiệp ở nơi toàn rừng tràm rừng đước và nước mặn, khác xa với đồng đất quê anh. Anh say, chuyện nọ sọ chuyện kia, nhưng chắc nơi đây cũng chẳng có gì quá vất vả khiến anh phải nhớ, nhất là đối với một người nông dân quen chịu khổ cực, có thời là dân đào vàng thuê.

Trên đường vào nhà anh, người lái xe ôm nói với tôi Đất Mũi giờ người Bắc vào toàn làm chủ. Có lẽ cũng phải thôi. Bản tính người miền Bắc, người miền Trung là chịu khó, chắt chiu và biết tính toán làm ăn. Cho nên không chỉ ở đây mà hầu như khắp miền Nam, nơi họ chọn làm quê hương thứ hai, họ đều có cuộc sống thoải mái, dễ dàng.

Anh Hướng bảo tôi và anh đang ngồi ở chính giữa vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới, đi quá nhà anh vài trăm thước là mốc toạ độ của mũi cực nam tổ quốc, chạy thêm tí nữa là đến bến tàu không số, nơi từng đón các chuyến tàu chở vũ khí vào Nam.

Cho dù đang ngồi ở vùng lõi, xung quanh bạt ngàn đước, mắm, bần…, nhưng Đất Mũi giờ cũng huyên náo chứ không còn cái vẻ tịch mịch hoang sơ. Bến Rạch Tàu - nơi được coi như trung tâm xã Đất Mũi- có hai nhà nghỉ. Ông lái xe ôm khoe giờ đây cũng có gái. Hỏi ở đâu, ông nói tới quán bia. Hàng hoá cũng đắt đỏ, có khi còn đắt hơn Cà Mau. Một ký bề bề (trong này gọi là tôm tích) vợ anh Hướng bảo 1 triệu 2. Được cái chị nói ngọt như mía lùi, dẻo quèo quẹo cho dù giọng Nam Định quê chị chẳng trốn đi đấu được.

Ở Đất Mũi đa phần người dân làm nhà trên cọc, cách mặt đất chừng hơn mét. Nhà khá giả dùng cọc bê tông, còn không thì cọc tràm cọc đước. Thấy anh Hướng bảo làm vậy rẻ hơn chứ không phải là lo nước ngập. Đường xá vào các ấp hôm nay cũng được đổ bằng bê tông chứ không chỉ dùng ghe thuyền đi trên kinh rạch như xưa. Nhưng tôi thấy hình như người dân ở đây vẫn chưa “quen” đi đường bộ? Bởi hệ thống đường bê tông mới làm bị gẫy sập nhiều chỗ do nền đất yếu, đất lở trống hoác hai bên mà chẳng thấy nơi nào được gia cố. 

Anh Hướng nói vuông tôm của anh hơn 7 ha, dưới nước là của mình, còn từ mặt nước trở lên nhà nước quán lý, một cái cây nhỏ cũng không được phép đụng vào. Nói vậy thôi chứ muốn tăng diện tích mặt hồ buộc phải giảm diện tích cây, điều đó khỏi bàn cãi. Vì thế, nếu phát triển vuông tôm thiếu kiểm soát thì chẳng mấy chốc rừng sẽ thưa dần. Ngay bây giờ, nhìn trên ảnh vệ tinh Google map cũng thấy nhiều khu vực xã đất Mũi và mấy xã lân cận rừng bị cào, bị bóc nham nhở để lấy mặt nước nuôi tôm.

Ao nuôi và những cây rừng

Khu vực bến tàu không số đang được xây kè vòng hẳn ra phía xa ngoài mép nước, bên trong vẫn còn những ống cống lớn xếp chồng lên nhau cao như toà nhà 2 tầng để ngăn sóng. Nhiều khu vực ở ĐBSCL đang bị sạt lở do biến đổi khí hậu. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên sẽ khốc liệt hơn nhiều nếu con người không chủ động ngăn chặn và biết sống nương theo tự nhiên. Ông lái xe ôm khoe chỉ năm sau thôi sẽ có đường bộ chạy thẳng từ Năm Căn xuống Đất Mũi. Điều đó có nghĩa du khách có thể lái xe ô tô từ Sài Gòn thẳng xuống đây mà không cần đi xuồng cao tốc, Đất Mũi sẽ có ATM để khách rút tiền… Nghe cũng mừng nhưng cũng lo lo cho số phận của những cánh rừng vốn dĩ đang rất mong manh.

Từ bao năm nay, cây bần, đước, mắm, tràm, sú, vẹt… là người bạn bảo vệ trung kiên, trung thành và chung thuỷ của người dân vùng đất bồi, đất mới. Không có nó, không thể có đồng bằng phì nhiêu như hôm nay. Con tôm giúp gia đình anh Hướng từ thân phận tha hương làm thuê xúc mướn trở thành ông chủ, nhưng cũng đừng quên chính cây sú, cây vẹt đã giữ đất lấn biển để hôm nay anh và nhiều gia đình đang có những mùa tôm cá bội thu. /.

Một vài hình ảnh ở Đất Mũi.

Thương mại trên sông

Tôm tích 1tr2

Cây rừng bị dây leo cuốn vào
Nhậu với 4 người lạ

Ông chủ tên Hướng.
Bến Rạch Tàu.
Bến tàu không số