Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Chuyện đánh nhau thời học sinh.



Mình thuộc dạng lẻo khoẻo nên “không dám ra gió”. Rất thích xem đấm bốc nhưng chưa dám đấm nhau lần nào. Làng mình là Xóm Lò, làng nhỏ không có trường nên cấp I phải sang học ở làng Thanh Am. Nhớ một lần tan học,  ti toe theo mấy anh lớn đi xem đánh nhau. Hào hứng, khí thế lắm! Nhưng khi chợt thấy mấy đứa đi đầu dừng lại chực chạy thì mình đã tay xếch quần, tay ôm cặp cắm đầu chạy, sách vở rơi tong tong. Mình biết nhưng sợ không dám dừng lại nhặt. Mũi rãi mồ hôi ròng ròng còn chẳng kịp lau nữa là dừng lại nhặt. Mấy đứa chạy sau thấy thế cười rũ, vừa nhặt hộ, vừa gọi với: Phong ơi! Bọn nó quay về rồi. Dừng lại đi!

Lên cấp III mình cũng chẳng đỡ nhút nhát hơn là mấy. Cũng mấy bận đi học võ cho ý chí kiên cường nhưng được vài hôm mình mẩy ê ẩm lại thôi. Được cái hồi đó Trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) thuộc diện trường giỏi, ngoan, nên ít học sinh hư. 

Trong lớp, mình thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, cho bọn có máu mặt chép bài nên chúng nể mình lắm. Còn bọn con gái thì mê tít, có đứa còn xung phong về nhà giặt quần áo hộ.

Thế nhưng có thằng lớp bên cạnh, “chó cậy gần nhà”, rất hung hăng. Một lần mình đang ngồi trong lớp, nó đứng ngoài cửa sổ thò tay vào giật áo mình cười rồi hét toáng lên: “A, thằng cận, thằng cận” (đầu những năm 80, học sinh bị cận ít lắm, cả trường mỗi mình bị). Cả lớp dồn mắt nhìn mình lo sợ và thương hại. Lúc đó bực nhất là mấy thằng có máu mặt trong lớp không dám lên tiếng can thiệp, bảo vệ mình. Đúng là không có bạn bè, kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là tối thượng. Chắc chúng sợ liên lụy.

Mình hết sức kiềm chế, chủ trương là kiên trì giải quyết thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình để giữ ổn định và quan hệ hữu nghị giữa hai…thằng học sinh.

Thế nhưng thằng mất dạy kia không chịu buông tha. Mình ở cái thân phận con chuột nhắt đang bị mèo vờn qua vờn lại, bị tung hứng để tiêu khiển.

Điên tiết không chịu nổi, sẵn cái búa trong ngăn bàn (hồi đó học sinh khối 11 phải đi đóng thùng hàng ở xưởng bao bì chỗ đầu cầu Long Biên) mình rút phắt ra, nhắm vào tay thằng chó phang một nhát.

Phúc tổ 3 đời nhà nó (và 4 đời nhà mình)! Nó rụt tay lại quá nhanh nên trượt, làm vỡ tan viên gạch.

Cuối giờ nó chờ sẵn mình ở cửa. Mình vừa nhô ra nó lao ngay vào… Nhưng mình biết trước nên đã “đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế” nên có mấy đầu gấu cỡ bự ập vào ngay...  He he, sau vụ đó nó cũng nể mình.

Chuyện thật 100% . Anh em nào học lớp thầy Đào Công Vĩnh chủ nhiệm ( 83-87) chứng thực giúp.

Thói thường, tâm lý người bị ức hiếp thường không vững vàng, ổn định như kẻ chủ động bắt nạt, gây hấn. Người bị ức hiếp thường lép vế và rất dễ bị tổn thương, dễ cùng quẫn thiếu kiểm soát, dễ bật dậy phản ứng một cách bản năng. Trong khi kẻ ỷ vào sức mạnh vượt trội đi ức hiếp thì luôn ở thế trên cơ, tâm lý thoải mái, thậm chí có cái hưng  phấn của kẻ có sức mạnh.

Thế mới phục anh em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông nhẫn nhịn rất giỏi. Nhưng cũng không biết khả năng kiềm chế và sự nhẫn nhịn chịu đựng được đến lúc nào.


 

  

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đơn thân khó gần?


Người đơn thân (không có vợ/ chồng/con cái) thường bị cho là khó tính. Điều đó đúng không? Vì sao?

Không phải nhà tâm lí nên tôi chỉ có một vài kiến giải thông qua trực giác, chắc còn thiển cận, bà con đại xá.

Ai từng trải qua thăng trầm của cuộc sống, nếm đủ các cung bậc hạnh phúc và khổ đau của đời người thì người đó thường sống rất tĩnh tâm, có chiều sâu, có bản lĩnh và đặc biệt là rất hiểu, rất dễ tha thứ, rất dễ cảm thông với mọi người.

Phải chăng vì lẽ đó mà nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng rất muốn trải nghiệm một hoàn cảnh khác, một vị thế khác, một hoạt động khác… để lắng nghe cơ thể mình, suy nghĩ của mình, cảm giác của mình  như thế nào.

Một người đơn thân chưa một lần vượt cạn sao biết đau đẻ thế nào. Họ cũng chưa một lần được nghe tiếng con mình đẻ ra oe oe khóc, chưa phải hì hụi đêm hôm chăm sóc con ốm… thì khó lòng hiểu hết hạnh phúc và nỗi vất vả của  người làm mẹ.

Người đơn thân sống khỏe vì không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ bên nội bên ngoại, anh chị em bên chồng, bên vợ… Trong khi đó, bình thường, chúng ta phải vất vả xử lý thật tinh tế các mối quan hệ này. Chính vì thế chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” không hiếm. Song, hầu hết điều chỉnh được, đều kìm cái TÔI để được cái TA chung lớn hơn, đấy là hạnh phúc gia đình. Trải qua những mâu thuẫn như thế (chính xác là giải quyết mâu thuẫn), tính cách mỗi người sẽ phát triển theo hướng biết dung hòa và sẻ chia.

Người có gia đình thường phải di chuyển tới một địa bàn khác để sinh sống. Nếu là nữ thì về nhà chồng, còn  nam thì ra ở riêng. Chuyển sang một không gian sống khác, họ phải làm quen với những mối quan hệ cộng đồng mới. Đây cũng là một bài tập giúp cho tư duy, thái độ và hành vi ứng xử của họ linh hoạt, uyển chuyển hơn. Họ dễ dàng hòa nhập với cái chung để sống. Còn người đơn thân ít có sự dịch chuyển về không gian sống, mà nếu có thì sự dịch chuyển ấy cũng không tạo ra nhiều sự cọ xát trong các mối quan hệ. Tách biệt với cộng đồng hoặc thiếu va đập với những mối quan hệ xã hội chằng chịt dễ khiến con người phát triển không hoàn chỉnh.

Sống tách rời xã hội và gia đình tạo cho con người một đời sống tinh thần nghèo nàn. Lĩnh vực tinh thần ở đây không phải ti vi, ca nhạc, đọc báo, chơi thể thao… mà quan trọng hơn, là những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp với gia đình và xã hội.

Phải chăng quan trọng như thế nên một trong những "thiên chức" của GD là xã hội hóa con người để người đó biết cách sống trong một xã hội cụ thể. Nó cũng tương đồng với một trong 4 trụ cột GD mà UNESCO đưa ra. Đấy là HỌC ĐỂ CÙNG CHUNG SỐNG.

“Biết cách sống trong một xã hội” hay biết cách “cùng chung sống” rất cần thiết trong cuộc đời mỗi người. Thành công hay thất bại trong sự nghiệp một phần cũng có nguyên do ở chỗ này.

Hầu hết người đơn thân nhận thức được “những khác biệt”, những thiệt thòi của bản thân nên cố gắng điều chỉnh để sống chan hòa. Song cũng còn một số khó gần. Có lẽ một phần do thiếu những trải nghiệm phong phú trong đời sống tinh thần nên họ thiếu sự cảm thông?  Bất kể ai, nếu không biết buồn cái buồn của người khác, vui cái vui của người khác thì cũng chẳng ai vui buồn cùng mình, từ đó sự cô đơn xuất hiện.

Thiếu tiếng con trẻ hay bàn tay người đàn ông, đàn bà không đáng sợ bằng để tuột mất sự gần gũi của mọi người xung quanh. Bởi vì lúc đó cô đơn đã "chuyển sang giai đoạn cuối" để trở thành cô độc.


   

           




Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Chơi với Tàu toàn thua thiệt ?

Mình không am tường về thương mại nhưng thấy chơi với ông Tàu dân ta  thường  thua thiệt.

Cái sự thua thiệt một phần cũng tại mình lệ thuộc quá nhiều vào họ. Mỗi bận, vì một lý do nào đó, họ chậm hoặc không nhập hàng hóa của mình, gây cảnh ùn ứ ở cửa khẩu, là lần đó dân ta lo sốt vó.

Rồi thi thoảng lại có đợt thương lái Tàu vào nước ta thu mua đủ thứ quỷ quái như đỉa, rễ cây, móng trâu móng bò… làm cho dân tình và cả chính quyền hoang mang, lo lắng, chẳng hiểu “ông bạn 4 tốt” đang âm mưu gì. Đã có thời điểm họ vào sát quân cảng Cam Ranh nuôi cá?!   

Nói chung là trong tất cả các trường hợp, chúng ta đều ở thế thụ động, đối phó.

Xin kể một lĩnh vực mắt thấy tai nghe, đó là buôn bán đồ gỗ kiểu cổ. Nhà mình không xa các làng nghề gỗ mỹ nghệ thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh; đồng thời có nhiều bạn bè làm nghề này nên biết rất rõ.


Thực tế lượng gỗ chế biến thành đồ nội thất phục vụ người dân trong nước chỉ bằng cái móng tay so với số hàng hóa được (bị) thương lái TQ mua đem về bên kia biên giới. Thương lái của họ sang VN, thuê nhà ở Từ Sơn - Bắc Ninh, ở đó hàng tháng, thậm chí cả năm để hàng ngày tỏa vào các ngõ ngách làng nghề quanh Đồng Kị thu mua, đặt đóng các sản phẩm gỗ. Họ sẵn sàng trả giá cao, thậm chí cực cao, thanh toán sòng phẳng để hút hàng với số lượng đa dạng.

Đó là lý do tại sao có thời điểm gỗ trắc, gỗ sưa, gỗ hương… vụt lên giá kỷ lục rồi lại rớt giá thảm hại. Đã có một số người Việt, vì ham làm ăn lớn, vay tiền, gom hàng, rồi phải nhảy lầu tự tử vì vỡ nợ bởi lúc đó TQ đột ngột dừng mua. Giá cả lên xuống theo hình sin như thế khiến bao người Việt khuynh gia bại sản, thậm chí phải tìm đến cái chết.

Hồi đầu mấy ông thợ nhà ta cũng ma lanh, thấy TQ mua ào ào nên trà trộn các loại gỗ phẩm cấp kém, mộng không đúng quy chuẩn. Thương lái TQ phát hiện ra nên các chuyến hàng sau họ không yêu cầu hoàn thiện thành phẩm mà phải tháo rới từng bộ phận ra, lên tới biên giới mới ghép lại. Thế là mấy ông láu cá nhà ta hết vị.



Nhìn những bộ đồ nội thất gỗ quý đóng bao tải ùn ùn chở lên biên giới mà buồn. Họ mua của ta với giá rẻ mạt, sau đó về gia công lại rồi bán với giá gấp hàng chục lần. Như vậy họ coi lao động của ta chỉ là lao động thô, ở dạng sơ chế; điểm nữa, khi gỗ dưới dạng thành phẩm, họ ung dung đưa một nguồn tài nguyên quý của ta và của Lào qua cửa khẩu về nước.    
 
Vẫn biết họ tạo đầu ra cho sản phẩm, cho người làng nghề có thêm việc, nhưng nhìn ở một góc khác, rõ ràng đấy là nguyên nhân sâu sa cho những cánh rừng VN nghèo kiệt xác xơ, những vụ hành hung kiểm lâm, lũ ống lũ quét, muông thú ít dần, thời tiết thay đổi ngày càng khó lường.

Mấy bữa nay trên TV loan tin kiểm lâm bắt được nhiều vụ vận chuyển gỗ trắc dây. Phóng viên và kiểm lâm cứ ngơ ngác tuyên bố là "không biết TQ thu mua làm gì". Trước hết là để làm đồ mỹ nghệ. Lõi trắc dây bé nhưng đây là loại gỗ cực quý. Với bàn tay  khéo léo của người VN, rồi thợ lành nghề TQ gia công lại, họ bán với giá trên trời. Còn sau đó có âm mưu gì không thì các bác tự trả lời.

Thế nên mình nghĩ ngộ nhỡ nay mai mà sinh chuyện với ông hàng xóm giảo hoạt này thì chắc chắn kinh tế VN sẽ bị ảnh hưởng. Khó khăn ban đầu là tất yếu, nhưng nhân cơ hội này mà cạch mặt ra có khi lại hay.  



 

  

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

SỨC MẠNH VIỆT NAM.

Nếu TQ không kéo dàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN thì tháng 5/2014 này sẽ tiếp tục ghi một dấu mốc trong lịch sử giữ nước của dân tộc VN với bá quyền phương Bắc.

Suy nghĩ thường trực trong đầu  90 triệu dân Việt những ngày này là VN đối phó ra sao với mộng bành trướng nham hiểm của Bắc Kinh - một quốc gia có sức mạnh quân sự và kinh tế đáng gờm trên thế giới.

Nhiều người chẳng giấu nổi bức xúc, sẵn sàng “sát thát”, “hy sinh”, “đánh tới giọt máu cuối cùng” vì lãnh thổ thiêng liêng. Có kẻ lại muốn chứng tỏ sự bình tĩnh và am tường bằng cách chê trách thái độ “nóng nảy” ấy. Xét cho cùng, nhìn ở một phương diện nào đó, tinh thần dám hy sinh ấy chính là hạt ngọc của dân tộc VN, là sức mạnh khủng khiếp mà kẻ thù từng run sợ.

Chắc chắn không phải dân tộc nào cũng đồng lòng xả thân để bảo vệ tổ quốc khỏi ngoại xâm như dân tộc Việt Nam.

Thời còn học tiểu học, bảo tàng đầu tiên tôi được cha dẫn đi thăm là Nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở Sài Gòn (nay đổi tên thành Bảo tàng chứng tích chiến tranh). Trẻ nít vốn dĩ "thích" xe tăng, máy bay…, tôi cũng không ngoại lệ, nhưng ở đó hiện vật gây ấn tượng nhất với tôi lại là “chuồng cọp”. Tôi không hiểu làm sao Việt Cộng lại có thể sống sót, thậm chí đào thoát, khi ở trong cái chuồng cọp khủng khiếp ấy.



 Liệt sỹ Bế Văn Đàn
Rồi gần đây đọc các tài liệu về nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo…, biết những chiến sỹ cách mạng bị bẻ răng bằng kìm, đục bánh chè, đóng đinh vào đầu, cho rắn chui vào chỗ kín… mà rùng mình tự hỏi: Không biết họ có sức mạnh gì để vượt qua những đòn tra khảo bạo tàn như thế.

Sức mạnh ấy chỉ có thể xuất phát từ tinh thần. Đó là sức mạnh của chính nghĩa bảo vệ non sông. Sức mạnh ấy kẻ đi xâm lược không có nên không bao giờ hiểu nổi và chúng khiếp sợ cũng là điều dễ hiểu.

Hôm nay, ở biển Đông, nếu điều xấu nhất  (chúng ta chẳng hề muốn) xảy ra,  thì những người con đất Việt luôn tiềm tàng sức mạnh của người lính bảo vệ bờ cõi của tiên tổ. Sức mạnh ấy dễ dàng vượt qua mọi thử thách, mọi đớn đau của thể xác để chiến thắng và làm kẻ thù kinh hãi.

Sẽ có bạn hoài nghi cho rằng “thời buổi chiến tranh công nghệ cao, phi tiếp xúc…,  ngồi đó mà mài cái tinh thần ra để mong chiến thắng.”

Điều các bạn lo lắng là có cơ sở. Tinh thần và ý chí chỉ là động lực, là chất xúc tác khiến cho mọi hoạt động trở nên thăng hoa, sáng tạo, mạnh mẽ đến phi thường. Song vẫn cần có vũ khí đủ mạnh.

Những năm đánh Pháp, Mỹ, tương quan về vũ khí giữa ta và đối thủ chênh lệch gấp nhiều lần, vậy mà ta vẫn thắng! Còn hôm nay khoảng cách ấy đã được rút ngắn đáng kể. Có thể cuộc chiến, nếu diễn ra, sẽ rất khác xưa, nhưng vũ khí hiện đại cỡ nào cũng có điểm yếu. Trong khi đó người Việt càng trong gian khó càng “ló cái khôn”. Những “cái khôn” ấy, những sức mạnh lạ kỳ ấy chỉ xuất hiện trong thực tiễn nguy nan. Chẳng khoa học nào giải thích được một Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn 98 kg, gấp 2 lần trọng lượng cơ thể mà vẫn băng băng trong mưa bom bão đạn. Đấy! Cái sức mạnh ý chí và tinh thần khiến ta làm được những điều phi thường như thế.     



Chị Tuyển
Ta không có tàu sân bay Liêu Ninh, không có tàu ngầm hạt nhân, không có đông quân nhiều đạn. Nhưng vũ khí trong tác chiến bảo vệ, phòng ngự có một số tính năng khác với vũ khí tấn công. Điều này những nhà quân sự của chúng ta thuộc nằm lòng. Do đó, bất lợi thế về số lượng và sự tân tiến của vũ khí khí tài không còn là vấn đề được đưa lên hàng đầu nữa.

Nhân dân thế giới luôn ủng hộ lương tri và chính nghĩa. Không ai đi cổ vũ cho bọn xâm lăng ngạo ngược, nhất là phe diều hâu ở Trung Nam Hải luôn ôm mộng bá quyền.

Người lính đi xâm lược không bao giờ có được sức mạnh tinh thần và ý chí như một người lính vệ quốc. Thời buổi thông tin hầu như không còn bị bưng bít, giới hạn. Những kẻ đi xâm lược ấy chắc chắn sẽ chùn bước, dao động khi biết được lẽ phải thuộc về ai.

Mỗi khi đất nước có ngoại xâm, người Việt sẵn sàng vứt bỏ những bon chen, toan tính; tạm gác lại những xích mích, thù hằn để cùng nhìn về một hướng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của con cháu Lạc Hồng. Sức mạnh Việt Nam là ở đó, ở trong từng người dân của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S này.