Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Đại gia treo ảnh trong chùa

Báo chí vừa ồn ào đưa tin một đại gia, để ghi công lao tôn tạo chùa nên đã được ưu ái treo một bức  hình to tướng của gia đình ở nơi trang trọng trong chùa.


Tôi nghĩ chuyện này âm ỉ  diễn ra lâu rồi, chẳng qua chưa đến mức “hoành tráng” và lộ liễu như vị đại gia kia thôi.

Hãy xem, vào mỗi dịp mùa xuân, lãnh đạo cấp cao về địa phương hưởng ứng, phát động phong trào trồng cây thì y như rằng cái cây đó phải được trồng ở một vị trí xứng đáng, được cắm biển đề tên, rằng cây này do đồng chí…, chức vụ thế này thế kia trồng. Thế là người ta đã khoác cho cái cây một “danh phận quyền quý".

Chẳng biết các vị lãnh đạo có thuận tình trong việc cắm biển ghi danh như thế không nhưng tôi đồ rằng phần lớn do địa phương tự làm để tỏ lòng tôn trọng các vị lãnh đạo, đồng thời xác quyết “danh phận quyền quý” cho cái cây để mọi người phải chăm sóc chu đáo. Cũng tốt thôi nhưng chẳng loại trừ ai đó muốn mượn tên các bác lãnh đạo để gây thanh thế, cho oai.

Dù sao thì các  bác lãnh đạo cũng chẳng thời gian đâu để ý mấy chuyện nhỏ này nên địa phương, đơn vị ghi gì tuỳ. Vả lại trăm năm sau con cháu chỉ vào cây, nói cây này ông tao, cụ tao trồng thì cũng vinh dự chứ sao.

Chuyện dựng biển ghi tên như thế ở ta nhiều lắm, nào là thôn văn hoá, gia đình văn hoá, nhà tình nghĩa, công trình chào mừng, khu phố phụ nữ tự quản..., nhưng thôi, quay lại chủ đề liên quan đến vị đại gia kia  nên chỉ xin kể mấy chuyện liên quan đến chốn thờ tự thiêng liêng.

Cách đây vài năm, nhiều đơn vị đã không tiếc công tiếc của dâng Vua Hùng những thứ “khủng” về kích cỡ và trọng lượng.  Để tỏ lòng tôn kính hay một hình thức đánh bóng tên tuổi?  Nếu chỉ để gây tiếng vang nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng thì rõ ràng họ đang mượn danh tiên tổ để trục lợi.

Những việc làm nhằm mục đích gây thanh thế, được tiến hành nơi tôn nghiêm,  lại được chính quyền công khai xác nhận bằng cách phổ biến trên truyền thông, thực ra là  lợi dụng tín ngưỡng để ghi danh, để “trưng biển”.

Hôm nay nếu anh công đức 1.000 thì nên lặng lẽ nhét vào thùng, còn 1 triệu thì sẵn sàng được chào đón để ghi tên vào “bảng vàng”, có chữ ký tươi, có con dấu đỏ.

Vì nguồn thu, người ta sẵn sàng chứng thực sự đóng góp của anh với thánh thần bằng văn bản hẳn hoi. Là người vô tư, anh chẳng nghĩ mấy dòng chứng thực ấy là cái biên lai thô thiển nơi trần thế mà đơn giản chỉ là một giao thức chứng tỏ trời phật đã chứng giám lòng thành .

Nhưng cũng có người muốn khẳng định với thiên hạ đức tin của mình không thuần túy chay tịnh bằng hương khói và những lời cầu nguyện suông. Còn bên nhận thì lại được dịp xác lập những kỷ lục cung tiến mới để tiếp tục thử thách "lòng thành"và mức độ hảo tâm của những kẻ khác.  Cả hai đều lờ đi những điều nhạy cảm chẳng nên có ở chốn cửa thiền.

Người ta chứng thực đức tin theo “phong cách ISO” công khai như thế, từ lâu rồi,  thì việc đại gia kia thượng ảnh của cả gia đình lên vị trí trang trọng trong nhà chùa, nơi họ đã ủng hộ một khoản tiền lớn có gì khó hiểu quá không nhỉ?

Tôi đã nhiều lần cố lý giải do đâu lại có cái thảm trạng ấy. Phải chăng đấy là những diễn biến có tính quy luật khi chuyển đổi sang buổi bình minh của kinh tế thị trường, khi mà nhiều giá trị đột ngột thay đổi theo hướng được lượng giá bằng đồng tiền,  trong bối cảnh hệ thống quản lý luôn phải chạy sau thực tiễn cuộc sống sinh động?





Môn sử : Nói mãi rồi.




Bàn về  dạy và học môn sử lại thấy GS Phan Huy Lê có ý kiến với báo giới. Cũng chẳng ngạc nhiên vì ông là một trong 4 nhà khoa học đầu ngành về sử của nước ta.

GS Phan Huy Lê tuổi đã nhiều, lại mắc bệnh cao huyết áp. Cách đây từ 4-5 năm, người bạn đời của GS cũng đã rất giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho ông, tránh cho ông nhiều chuyện có thể ảnh hưởng tới huyết áp. Cánh phóng viên gặp được ông cũng không dễ. Vì thế, lần này GS lại có ý kiến về việc dạy và học sử chứng tỏ ông tâm huyết lắm, day dứt và trăn trở lắm!

Tôi nhớ từ thời Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Minh Hiển, cách đây cả chục năm, trong một cuộc hội thảo, GS Phan Huy Lê cùng nhiều học giả khác đã nói thẳng rằng “học sử bây giờ không chán mới là lạ” và bản thân ông thấy phục các em vì chúng vẫn chưa bỏ hẳn môn này. Trong phòng họp ở Bộ GD- ĐT hôm ấy, điều hòa mát rượi thế mà lúc phát biểu mồ hôi trán GS Lê rịn ra thành giọt, các ngón tay run lên theo từng lời phát biểu!

Cùng khoảng thời gian với cuộc hội thảo nói trên, tôi có tới nhà riêng của ông để hỏi một vài việc liên quan tới SGK môn sử, thời điểm đang thay chương trình và SGK mới. Vẫn một niềm say sưa nói về sử nhưng không giấu nổi nét buồn và thất vọng, ông nói họ vừa đưa cho ông bản thảo SGK sử, trong đó có nhiều lỗi và sai nhiều quá, nếu không xem kỹ mà đã xuất bản thì thực nguy hại.

Và cách đây mấy năm, tôi được biết Hội khoa học Lịch sử Viêt Nam tổ chức một hội thảo lớn tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam về dạy và học sử. Ý kiến của các nhà khoa học được tập hợp và gửi về Bộ GD-ĐT. Hồi đó cánh phóng viên chúng tôi không thể tiếp cận với tài liệu góp ý này. Hội khoa học lịch sử Việt Nam có ý muốn “giữ” cho Bộ, tránh ồn ào khiến cho dư luận thêm bức xúc. Vì thế, cho đến nay, xã hội chẳng biết bản góp ý ấy có nội dung gì, liệu Bộ GD-ĐT có trân trọng đón nhận và tiếp thu nó hay không.         

Không như các môn tự nhiên, môn sử có những “vấn đề tế nhị”, liên quan đến một số lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành GD. Đây cũng là cái khó cho ngành.

Một giảng viên của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia có lần nói với tôi rằng chỉ có vài dòng nói về cuộc chiến biên giới phía Bắc trong SGK thôi thế mà cũng bị  nước láng giềng ý kiến này ý  kiến nọ.

Với lịch sử trong nước thì không biết do hạn chế về tư liệu hay vì lý do gì mà nền văn hóa Óc Eo, văn hóa Chăm Pa đồ sộ là thế song không thấy đề cập. Có lần làm việc với GS Nguyễn Quang Ngọc về vương quốc Phù Nam và Chân Lạp, ông phải đưa cho tôi cuốn Lược sử các vùng đất Nam Bộ - Việt Nam của Hội khoa học Lịch sử để tham khảo. Lời giới thiệu của cuốn sách này có đề: “Còn quá ít sách viết về vùng đất Nam bộ, SGK phổ thông thì gần như không đề cập.”

Qua một vài hội thảo khoa học về dạy và học môn sử, tôi thấy hầu hết đều khẳng định lớp trẻ không hề quay lưng với môn sử. Các nhà khoa học đưa ra nhiều cứ liệu để minh chứng điều này. Riêng tôi, tôi nhìn vào thực tiễn để xác thực thêm rằng, lớp trẻ rất quan tâm tới lịch sử. Hãy xem các thành viên tham gia đông đảo trên trang mạng Quân sử Việt Nam như thế nào thì biết. Đó là chưa kể một vài tài liệu lịch sử có tính tham khảo vừa xuất hiện được nhiều người trẻ chuyền tay nhau đọc.

Để học sinh hứng thú với môn sử các học giả đã đề cập mấy việc như sau: Cách viết, cách dạy, cách học, cách thi môn sử phải thay đổi tận gốc. Tuy nhiên để làm được mấy cái thay đổi (nghe thì đơn giản như thế thôi) nhưng điều đầu tiên phải tôn trọng tính chân xác của lịch sử. Mọi sự can thiệp quá thô bạo vào lịch sử đều chẳng đem lại lợi ích gì, nhất là trong bối cảnh tràn ngập thông tin như hiện nay.       

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nói không biết sao mà khó?



Tôi theo học  nhiều khóa tiếng Anh rồi nhưng nói thật, chữ thầy lại giả thầy. Thầy Tây có thầy ta có thầy nào cũng giỏi cũng hay, mỗi mình kém. Bây giờ thì trong đầu chẳng còn mấy chữ nữa và tôi tự an ủi một câu rất AQ rằng mình không có năng khiếu.



Học tiếng Anh, tôi sợ nhất nghe hiểu cho dù thính lực của tôi, đo rồi, độ nhạy cao hơn các chỉ số của người bình thường. Thế nên những lúc thầy quay xuống hỏi, dù chẳng hiểu mô tê gì nhưng đầu vẫn gật gật, nói dzẹc dzẹc (yes). Lúc đó thầy có bảo “sao mày ngu thế” chắc vẫn ngớ ngẩn nhe răng ra cười, nói dzẹc dzẹc.

Thế nhưng cái vụ dzẹc dzẹc này nhiều khi hữu dụng ra phết. Hồi năm 2000, tôi sang Malaxia theo dõi SEAgames, lúc về VN, anh Dư Hải, phóng viên ảnh báo Thể thao TP HCM bị an ninh sân bay ách lại. Anh Hiền Quân, người khá Anh ngữ nhất trong nhóm, lên máy bay ngồi rồi lại phải lật đật chạy ra trợ giúp.

Chỉ vài phút trước khi máy bay lăn bánh,  Dư Hải với cái khăn rằn vắt vai mới thò mặt vào khoang. Anh Quân bảo  ổng ở quá ngày nên bị an ninh giữ. Mình hỏi thế anh nói sao mà họ cho qua tài vậy? Anh Quân trợn mắt, nói tao kịp nói gì đâu, ra thấy ổng tay vung loạn xạ, chỉ lên trời rồi chỉ xuống đất, nói dzẹc dzẹc liên hồi, rồi an ninh sân bay nó cũng ớn, nó cho ổng qua.

Dư Hải chắc cũng khá tiếng Anh lắm nhưng anh dzẹc dzẹc giả đò thôi, còn cái kiểu dzẹc dzẹc của tôi là kém thật. Thói đời đã kém lại ra cái vẻ ta đây hiểu biết.

Tôi còn nhớ lần cuối cùng  học tiếng Anh là do một anh Tây ba lô dạy, vì sĩ diện nên anh ta hỏi cái gì tôi cũng gật gật, cười cười, nói dzẹc dzẹc. Cuối buổi "thầy" ghé tai tôi nói rành rẽ từng từ bằng tiếng Việt: Yes, Yes cái cục…shit, đã không biết còn tinh tướng. Hôm sau tôi nghỉ học luôn, nghỉ từ đó tới nay, và có lẽ không bao giờ nữa.

Ông thầy Tây này trẻ nhưng sõi tiếng Việt còn hơn cả Joe Ruelle, tác giả cuốn “Ngược chiều vun vún” mà  joe viết bằng tiếng Việt. Trong cuốn này Joe khuyên người Việt khi gặp Tây thì nói “xin chào” cho anh í nhờ,  Tây họ vẫn hiểu, không cần bi bô hế - lô hế - lồ mới là hội nhập, là hiếu khách.

Nhiều người, trong đó có cái thằng tôi, cái gì cũng vâng vâng dạ dạ, tỏ vẻ ta đây biết rồi nhưng kỳ thực chưa hiểu lắm.

Tôi đọc đâu đó trên mạng viết về ông Frank Wagner, chuyên gia cự phách của Trung tâm đào tạo Carnegie về phát triển nguồn nhân lực, nêu ra 20 thói quen giết chết sự nghiệp, trong đó cái thói tinh tướng của tôi chiếm hai điều: Winning too much và Telling the world how smart you are. Các bạn rành tiếng Anh dịch sao tùy, nhưng tôi gọi nôm na là “tinh tướng”, “tinh vi cái gì cũng biết” cho dễ hiểu.

Biết nói là biết. Không biết nói không biết. Như thế mới là biết (Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri.) Câu này có từ thời ông Khổng Khâu nhưng cho tới giờ mấy ai đã dám đối mặt với sự kém cỏi của mình.

Riêng cái này tôi phục cô Trọng, làm hành chính kiêm tài vụ chỗ tôi. Cô Trọng người Tày, thuộc thế hệ của thời bao cấp. Bước vào kỷ nguyên Internet nên nhiều cái cô bỡ ngỡ lắm, vì thế câu cửa miệng của cô là “cái - đó - Trọng - không - biết”. Cô nói chậm rãi, mắt mở to ngơ ngác chân thành, chẳng ai nỡ bực. Kỳ thực, cô biết hết, biết tuốt, biết hơn chúng tôi rất nhiều.

Cô Trọng về hưu lâu rồi nhưng “cái - đó -Trọng - không - biết” vẫn là câu nói “bất hủ” để răn dạy thói tinh tướng, tinh vi, chưa “thu” đã “phát” của đám trẻ chúng tôi.

Biết sơ sơ cái gì đó thì nhiều khi “nổ” rầm trời, nhưng chưa  biết, chưa hiểu thì cấm có mở miệng bảo tôi “không biết”.  Nói không nhiều khi khó thế! Chẳng hiểu sao. Biết  khó nên tôi lên kế hoạch "giác ngộ" dần dần. Đầu năm khai bút, tôi viết DON'T RAISE MY VOICE (đừng lên giọng), to tướng đặt trước mặt. Thế mà chưa hết quý 1 đã "vi phạm" mấy lần.

Anh bạn qua chơi dòm dòm dòng chữ ấy hỏi sao không viết bằng tiếng Việt, lại sợ người ta bắt thóp chứ gì. Tiếng tây của mày được mấy chữ. Tôi ngồi "ngọng" luôn, không nói được câu nào. Tinh tướng nó khổ thế!

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Ngoài công lập: Phản pháo!





“TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT lấy số liệu thống kê chính thức trên Website của Bộ GD&ĐT trong 10 năm (2001-2011) cho thấy: Trong 10 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng thêm 59 trường, cũng trong ngần ấy thời gian số lượng các trường ĐH, CĐ công lập đã là 158. Như vậy mỗi 1 trường ngoài công lập được mở ra thì có khoảng 2,68 trường công lập ra đời. Từ đó TS Tùng ví các trường ĐH, CĐ công mọc như siêu nấm.”

Đoạn trích trên lấy ở báo Giáo dục Việt Nam, một tờ báo của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Dĩ nhiên, vì thế nên các bài viết trên bào này ít nhiều thể hiện quan điểm của các trường ngoài công lập. Song, “phát hiện” của TS Tùng rất xác đáng và có “sức nặng”. Số liệu của chính ngành GD nhé, không lại bảo chưa chuẩn.

Nói cho công bằng thì cả công lẫn tư đều phát triển nhanh và mạnh chưa từng thấy. Nhìn vào hình thức thì sự phát triển như thế là đáng mừng. Nhiều trường chứ có phải nhiều trại giam đâu?

Đấy là chưa kể đến 2020 phải đạt chỉ tiêu 40% sinh viên ngoài công lập, 450 ngàn sinh viên/vạn dân theo tinh thần Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ. Vì thế trường ngoài công lập tăng là đúng chớ sao?

Gần đây Bộ GD-ĐT cũng thấy tỷ lệ trên “có vấn đề” nên xin Thủ tướng giảm song mọi sự đã rồi. Trường nào “lên đời” thì đã lên, trường nào thành lập mới thì cũng đã tuyển sinh cả rồi.  Đẹp cả đôi đường.

Chuyện của các trường ngoài công lập kể sau, giờ quay lại chuyện của TS Lê Trường Tùng. TS Tùng than là trường công mọc nhanh hơn tư là do các trường “lên đời” nhanh quá, từ trung cấp lên cao đẳng rồi từ cao đẳng vọt lên đại học. Có người kể, qua một đêm, sáng sau tỉnh dậy mình đã là giảng viên đại học. Câu chuyện này có thực.

Cùng với cơn sốt bến cảng, sân bay thì mỗi tỉnh thành quyết sắm cho mình một trường ĐH, cho nó oách. Hơn nữa còn có chỗ để “giải quyết” đám con cháu các quan địa phương, lũ học thì lười làm thì nhác, cùng hàng tá cán bộ cần “hoàn thiện học vấn” để “đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao”, để đưa tỉnh nhà “vươn lên một tầm cao mới”.

Người viết bài vài lần được đi cùng nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về các tỉnh thì thấy tỉnh nào cũng đề xuất xây trường ĐH.

Khi đề xuất thành lập mới chưa được chấp thuận thì họ tìm cách xoay để nâng cấp, lên đời các trường trung cấp, cao đẳng hiện có.

Dại gì mà không “lên đời”. Thử hỏi bây giờ ai thèm học trung cấp, cao đẳng nữa? Không “lên đời” nhanh thì “bọn” ĐH ở trung ương, rồi “bọn” ĐH mới thành lập nó hốt hết sinh viên à?  Vì thế, kiểu gì cũng phải lên đời, bằng mọi giá phải lên đời, có ăn chực nằm chờ ở bộ để hoàn tất thủ tục cũng ráng phải cố.   

Không những thế cái “bọn” ĐH còn tham. Đã ĐH, ngon lành rồi, nó còn “đẻ” ra thêm các hệ cao đẳng rồi cả trung cấp nữa mới đau. Nguồn tuyển là cứ chui hết vào đấy. Thử hỏi còn đứa nào thiết tha nộp đơn thi vào mấy cái trường trung cấp và cao đẳng ở “nhà quê” nữa? Kinh phí nhà nước rót xuống theo “đầu” sinh viên, không có sinh viên coi như “chết” chứ “sống” thế nào được.

Phải lên đời thôi! Đấy là “tương lai” của các trương cao đẳng sư phạm ở các tỉnh. Càng ngày sinh viên sư phạm ra trường càng thừa mứa. Ai còn vào sư phạm nữa đây. Cao đẳng đa ngành ư? Cái tên ấy sao “hoàng tráng” được bằng ĐH.    

Vì thế phải “mở đường máu” mà tồn tại thôi. Câu chuyên “lên đời” nôm na là như vậy. Trường nào đủ điều kiện thì việc nâng cấp hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng…, Bộ GD-ĐT cũng “khổ sở” trong câu chuyện này lắm chứ! “Lên đời” là “quyết tâm chính trị” của cả hệ thống, đâu riêng của trường. Ngại nghê! Nể lắm!

Tiêu chí để được “lên đời” rõ rành rành, trưng lên bàn “soi” thì chẳng thiếu cái gì, cứ đẹp như mơ, vậy mà bẵng đi vài năm, thanh tra kiểm tra thấy thiếu be thiếu bét. Chẳng hiểu sao! Phục các trường một thì phục Bộ mười./.   

"Anh cả đỏ" là anh cả nào?



Mình vừa xem bài của Phòng Sân khấu thấy ví Nhà hát kịch VN là “Anh cả đỏ”?!

Tìm hiểu thêm thì thấy đúng là xưa nay mọi người gọi thế. Không những vậy báo chí còn dùng “Anh Cả Đỏ” để gọi các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.

Vậy nguồn gốc của “Anh cả đỏ” xuất phát từ đâu? Nếu đấy là tên gọi của Sư đoàn 1(Big Red One - Mỹ), trong chiến tranh VN thì không nên ví von như vậy với bất cứ ý nghĩa biểu tượng nào.
                                                       Phù hiệu sư I - Anh cả đỏ Mỹ
Mình cũng không muốn gợi lại quá khứ đau thương và thành tâm cho hòa giải dân tộc. Chính vì thế càng không nên gợi lại chuyện cũ.

Nói thêm về Sư 1. Đây là sư rất thiện chiến của Mỹ (trong thế chiến II, VN và Irak sau này), và vì thế, chắc chắn đã gây ra bao chết chóc, kinh hoàng cho dân ta.

                                                             Lính Anh cả đỏ ở VN
Rất có thể mình hiểu chưa đầy đủ. Các bạn cho thêm ý kiến nhé.

49 Đại Cồ Việt: Có một chữ LIỀU.






Phải hai năm rồi, kể từ khi chuyển từ GD sang Đoàn thể, mình chưa đặt chân tới 49 Đại Cồ Việt ( trụ sở Bộ GD-ĐT ). Chẳng biết có phải cái duyên cái nghiệp không mà các sếp lại giao cho mình cái chân trong Tổ thư ký của Ban chỉ đạo xã hội học tập do PTT Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban. Chối không được.

49 Đại Cồ vẫn thế. Một khuôn mặt lạnh tanh liếc xéo ra từ phòng bảo vệ. Giá như bộ mặt đấy của đàn ông còn dễ chịu, đằng này của một bà mới khó chấp nhận! Đối với bà ta, hất hàm có lẽ là một đặc ân mà mình chưa “đủ tuổi” được ban phát nên bà ta chỉ dướn cặp lông mày lên một tí, một tí thôi, đủ để cho mình nhận ra đó là cử chỉ ra dấu hỏi theo cách bố thí và ban phát.

Từng ra vào chốn ấy hàng trăm lần nên biết thân biết phận mình cúi đầu vào cái lỗ nhỏ thông vào phòng bảo vệ, nói dạ, tôi sang họp về xã hội học tập. Khuôn mặt lạnh tanh kia chẳng tỏ thái độ đồng ý hay phản đối (cho tôi vào) mà dửng dưng như chẳng nghe thấy gì.

Mình có “kinh nghiệm” nơi này nhiều rồi nên giải mã được cách ứng xử như vậy là đồng ý. Cũng phải thông cảm với họ chứ, hàng ngày tiếp cả trăm người, sức đâu mà nói mời anh vào, mời anh vào. Xa xỉ!

Nhà A đây rồi! Hội trường A đây rồi! Những nơi tôi cùng anh em các báo đã chinh chiến: rình rập, đợi chờ, phục kích, đánh vu hồi, tập hậu, phản công trực diện… đủ cả. Bây giờ mà gặp lại những đối thủ, những người từng nhìn thấy bộ mặt của mình là “ghét”, là tránh, thì kể cũng ngại nhỉ?

Ơn trời! Thường trực Tổ thư ký toàn các anh chị bên Vụ GD thường xuyên, hiền khô và thật khổ, chẳng nước non mẹ gì ở cái Bộ luôn phát đi các chủ trương chính sách gây sốt cho xã hội. May hơn nữa là chẳng ai nhận ra mình, một thằng phóng viên quèn từng gây bực bội cho nhiều nhân vật cỡ bự bên này từ thời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

Mình đàng hoàng bước vào Phòng họp C, nơi trước đây mình cùng anh em phóng viên từng rụt rè ghé đít vào ngồi hóng, nếu không được thì lén lút dỏng tai qua cửa xem có moi được tí thông tin nào không, thế mà vui…

Đang hồi tưởng lại “thời vàng son” chợt thấy trên phím ON của cái micro trước mặt có chữ LIỀU tô đậm bằng bút bi, bên cạnh là dấu hỏi to tướng. Bất giác mình phì cười, may mà kìm lại được. Mình tưởng tượng ra đủ các tình huống để cái tay nào liều lĩnh viết chữ LIỀU to tướng vào đấy.

LIỀU thật! Nơi đây từng diễn ra bao cuộc họp quan trọng, vang lên bao lời vàng ý ngọc, hoạch định chính sách GD và đào tạo cho tương lai của cả cái đất nước 91 triệu dân này. Thế mà LIỀU! Hè hè.                 


                                                Cô bé trong ảnh này trông quen quá. Liều thật!

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Dân mình khổ quá!


Đang xử vụ Đoàn Văn Vươn. Chẳng biết kết cục ra sao mà thấy “nóng” quá.

Hồi mình mới vào nghề báo, tới các trường ở sâu trong núi phỏng vấn học sinh thể nào cũng có câu “Cháu ước mơ sau này làm nghề gì”. Câu trả lời sẽ là “Cháu làm cô giáo” (học sinh nữ) , “Làm bộ đội” (học sinh nam)








Nghe những “ước nguyện” giống hệt nhau mình thấy lạ. Sau mới biết ở chốn thâm sơn cùng cốc như thế còn gặp được ai, biết nghề gì ngoài giáo viên và bộ đội.

Đêm Giao Thừa Tết Nguyên đán 2011 thì phải, trong buổi giao lưu với lính Trường Sa phát trực tiếp trên truyền hình VOV, một cụ trong tứ trụ triều đình hỏi lính “các cháu hiện đang vui tết ra sao”. Đầu cầu bên kia một giọng run run đáp “chúng cháu đang chơi trò hái hoa dân chủ”.

Ôi! Dân mình khổ quá đi thôi! Hạnh phúc nhì thế giới ở chỗ nào?