Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Tăng giá bất bình thường cái khẩu trang

Đã nổ ra tranh luận trên mạng về giá cả và cái bảng thông báo “không bán khẩu trang, nước rửa tay. Đừng hỏi” ở một số cửa hàng. Cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết vì những người tranh luận có "hệ quy chiếu" khác nhau, cách lý giải sự việc khác nhau, hướng tới những mục tiêu khác nhau.
Phản ứng giá bán cắt cổ thì phía bên kia bảo “nhập cao thì phải bán cao. Đó là lẽ thường của thị trường”. Người phản ứng lý luận vậy thì “thuế anh đóng có ở mức cao hơn hay vẫn thế?”. Phản ứng về cái bảng thông báo (như hình) thì phe bên kia bảo “không bán thì ghi không bán chứ tội tình gì mà bắt phạt hay phán xét. Trả lời mãi cũng mệt, phải trưng biển”. Nói chung rất nhiều lý lẽ.
Những hành vi thổi giá, găm hàng trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch dã... đã có luật và các quy định điều chỉnh cụ thể rõ ràng. Nhưng nói thật, chả dễ để phát hiện người bán đầu cơ tích trữ với mục đích tăng giá. Quản lý thị trường tài thánh cũng chả tìm được kho hàng của họ.
Nhìn tấm bảng hình bên dưới chả ai bắt bẻ được nhưng mọi người thừa sức nhận ra có cái gì đó vô cảm và ngầm thách thức. Về mặt câu chữ, nếu thay bằng “không có” hoặc “hết khẩu trang” thì không khí bớt nặng nề đi rất nhiều! “Không bán”, có thể có nghĩa là còn nhưng không thèm bán đấy, làm gì được!
Trong cuộc sống có nhưng hành vi “vi diệu” đến mức luật không hoặc khó điều chỉnh thì khi đó đạo đức và dư luận XH lên tiếng. Cuộc sống vận động không ngừng với muôn hình vạn trạng nên lắm khi luật pháp cứ lẽo đẽo theo sau, khi đó đạo đức giúp lấp đầy những “khoảng trống” của pháp luật.
Do đó câu chuyện trên nếu xét ở góc độ đạo đức kinh doanh thấy có vấn đề rất nghiêm trọng.
Dược sỹ (người bán thuốc) là những người học vấn cao và tôi tin họ thấm nhuần Lời thề Hyprocrat khi học và lúc làm lễ tốt nghiệp. Cái cách nói/viết chỏng lỏn, xách mé, thiếu thiện cảm như tấm bảng này thì Lời thề ở đâu? Mười hai điều y đức - quy định của ngành - biến đi đâu nhất là khi đồng loại đang lao đao trong cơn dịch dã?
Dư luận xã hội, sự tẩy chay của người tiêu dùng, sự xa lánh của đồng nghiệp cộng với những dằn vặt về nội tâm… chính là cái giá mà những kẻ buôn bán thuộc phường vô lương phải gánh chịu khi bỏ qua những giá trị đạo đức.
Công dân được làm những gì luật không cấm (hoặc cho phép) nhưng hãy nhớ rằng ĐẠO ĐỨC còn có trước cả luật pháp nên hãy lắng nghe trái tim mình, lắng nghe lương tâm của chính mình!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ