Phương pháp… khen
Khen cũng là một phương dạy học. Chúng ta nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học nhưng đơn giản nhất là lời khen lại ít người để tâm.
Xét cho cùng thì khen cũng là khoa học đánh giá. Điểm nghiêng về định lượng, còn khen hoặc phê bình thiên về định tính. Trong khi đó, với cấp học dưới, khoa học đánh giá lại nghiêng về định tính hơn định lượng. Do đó, lời khen tiếng chê đặc biệt có ý nghĩa đối với các cháu mầm non, học sinh tiểu học và THCS.
Phát phiếu bé ngoan là một hình thức biểu dương, là vật chất hóa lời khen của cô sau một ngày sinh hoạt trên lớp. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường, tình trạng phát phiếu bé ngoan một cách dễ dãi, thiếu chọn lọc và cân nhắc đang diễn ra phổ biến. Một chuyên gia GD ở nhóm Cánh Buồm kể, tan lớp, một bà mẹ hỏi: Con hôm nay không được phiếu bé ngoan à? Thế là cháu vội chạy vào xin cô một chiếc rồi chạy ra dúi vào tay mẹ. Cô giáo hồn nhiên cười rạng rỡ vì vừa có một cử chỉ ban phát làm vui lòng… phụ huynh.
Vẫn biết lứa tuổi mầm non thì nên khen nhiều hơn chê, nhưng khen có chừng mực thì học sinh mới cảm thấy trân trọng lời khen và phần thưởng bé ngoan. Chỉ khi nào học sinh thấy quý tấm phiếu bé ngoan, các em mới hiểu rõ vì sao cô khen mình. Và chỉ khi ấy, các em mới nhớ và lặp lại những thao tác (mà cô đã nhận xét là tốt) trong buổi học hôm sau. Và lúc đó tấm phiếu bé ngoan mới thực sự phát huy giá trị. Hay nói cách khác, khi đó, tấm phiếu bé ngoan mới làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.
Cách khen học trò là một kỹ năng đòi hỏi cha mẹ cũng như giáo viên phải am hiểu tâm lý lứa tuổi cũng như phương pháp sư phạm. Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”. Lời khen tương tự như vậy. Khen bằng cái gì (tức là phần thưởng vật chất) không quan trọng bằng cách khen như thế nào.
Hiện nay lời khen có phần đơn điệu và nhàm chán. Ở trên lớp, giáo viên hầu như lặp đi lặp lại câu: Cảm ơn em. Em đã trả lời đúng; em có tinh thần xung phong nhưng câu trả lời chưa đúng; em làm rất tốt, cả lớp cho một tràng pháo tay... Cách khen như thế không sai nhưng xem ra nó vẫn chưa phát huy tối đa tác dụng của lời khen. TS Nguyễn Thành Nam ở nhóm Cánh Buồm tâm sự: Cách khen như thế nào để học sinh biết rằng, giáo viên và phụ huynh quan tâm tới cả quá trình thực hiện công việc, chứ không hẳn chỉ vì kết quả cuối cùng. Chẳng hạn như thấy một học sinh mầm non xếp được căn nhà thật cao, thay vì khen, “con giỏi quá”, giáo viên hay phụ huynh có thể ngạc nhiên, reo lên: Con làm thế nào mà xếp được cái cột cao như thế này? Đấy cũng là một lời khen. Khen như thế các cháu sẽ phấn khởi hơn. Và quan trọng là, các cháu biết người lớn đã bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện công việc của mình. Khi đó, mọi thao tác để thực hiện công việc, dù đơn giản hay phức tạp, một lần nữa lại được tái hiện, giúp trẻ hiểu bài sâu hơn. Đây cũng là cơ hội để xem xét khả năng thuyết minh của trẻ, đồng thời hướng dẫn các em mở rộng phương án giải quyết vấn đề, rèn tư duy mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo.
Không chỉ cách khen, thái độ khi khen hoặc chê học sinh cũng vô cùng quan trọng. Bằng trực giác, học sinh, dù ở mầm non, dễ dàng phát hiện ra những lời khen hời hợt, chiếu lệ. Khen không thực lòng dễ tạo tâm lý háo danh, hư danh, ảo tưởng; chê không đúng, không chừng mực, dễ đẩy học sinh vào trạng thái tâm lý bất cần.
Dạy học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học rất khó. Cái khó không hẳn ở nội dung bài học mà ở cách dạy. Dạy học sinh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Phụ huynh đôi khi cũng không hiểu hết phương pháp dạy con. Chẳng hạn cháu chơi ngoan một mình thì bố mẹ mải mê làm việc khác. Đến khi quấy khóc thì vồ vập chạy lại cưng nựng. Lúc cháu nín lại bỏ đi tiếp tục với công việc của mình. Làm thế khác nào khuyến khích cháu không ngoan. Vô tình phụ huynh đã giúp con hình thành phản xạ có điều kiện về sự ngoan và hư. Nghĩa là chỉ quấy khóc mới nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Có bà mẹ muốn con ăn no, bèn bảo, “ăn nốt miếng này, không mai mẹ cho đi lớp?!” Nói như thế, vô hình trung, chính mẹ cũng ngầm coi việc đến trường như một hình phạt. Trẻ nuốt nốt miếng cơm đồng thời “nuốt” vào trong lòng ý tứ của người mẹ, rằng: Đến trường là một cái gì đó khổ sở. Cháu bé đã ăn, nhưng từ nay trở đi, trong suy nghĩ của nó, đi học không còn là niềm vui nữa.
GS Hồ Ngọc Đại có lần nói: Dạy trẻ con khó lắm! Đừng căn cứ vào quy định tốt nghiệp trung cấp sư phạm là dạy được mà đánh giá thấp vai trò người thầy ở tiểu học. Cho tới hôm nay, khi giáo dục đã hoàn thành một số mục tiêu phổ cập, lượng học sinh tiểu học đã giảm đáng kể, có lẽ chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo giáo viên tiểu học cũng nên xem lại./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ