Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Xôi chị béo ngã tư LTK-Bà Triệu

Gần chỗ làm có hai hàng xôi ngon, tồn tại hàng chục năm nay. Xôi Mai ở ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt và xôi chị Béo, ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu.


Xôi Mai có lần viết rồi. Bàn tay chị Mai lúc véo xôi là "Bàn tay nhanh nhất Việt Nam"! Còn xôi chị Béo thì bình dân hơn nhưng cũng đông khách.
Hôm nay mua xôi chị Béo. Mình ăn quà ở đây từ lúc chị còn thiếu nữ, theo mẹ bán xôi. Thấy ít khách nên mình vẫn ngồi trên xe, nói cho anh gói ngô. Chị nhìn mình cười cười. Mình tưởng chưa nghe thủng, lại nói: - Cho anh gói xôi ngô. Lúc này chị mới xởi lởi, nói sao lâu không thấy anh. Anh chỉ được cái trẻ lâu. Em ngờ ngợ rồi nhưng đến lúc anh nói em mới nhận ra. Anh đi đâu lâu thế?
Hóa ra mấy chị bán rong như chị Béo, chị Mai nhận ra khách quen bằng giọng nói chuẩn hơn cả nhìn mặt, bởi họ đông khách nên luôn phải vục mặt xuống đơm xôi, thời gian đâu ngước lên ngắm, chỉ nghe thôi.
Giọng con người ta ít thay đổi hơn khuôn mặt. Cái gì bên trong cũng ít thay đổi nhưng mình cả giọng và mặt đều...vẫn thế, "vẫn trẻ"🤣, bởi mình luôn tin cái tốt, điều tử tế kiểu gì cũng sẽ đến và luôn ở bên cạnh mọi người.

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Thơ bát phố của cụ Bảo Sinh

Đọc Bọ Lập mới biết "Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì" là của cụ Bảo Sinh - người đầu tiên ở Hà Nội xây nghĩa trang chó mèo - từ đó hay mò đọc cụ.



Mình mà học văn hoặc am hiểu văn chương kiểu gì cũng làm cái tiểu luận về "hiện tượng thơ" này, khổ nỗi văn non.
Cụ Bảo Sinh nói thơ cụ là "thơ bát phố", ý chả có gì hàn lâm kinh điển, chỉ ghi lại cảnh phố phường. Ấy là cụ khiêm tốn chứ nhiều câu của cụ đọc giật mình.
Riêng dòng "bát phố" mình lại khoái. So với cụ thì TS Đỗ Anh Vũ VOV6 là kẻ hậu sinh, có thơ rắm, thơ cứt, đọc đã thấy thú vị, đọc cụ còn sảng khoái hơn:
''NGHE PHÒ ĐỌC THUỘC THƠ TA.
SƯỚNG HƠN ĐƯỢC GIẢI GỌI LÀ NOBEL''
Thơ cụ như nhạc bolero, đại chúng, nghe hiểu liền, khỏi mất công luận giải. Câu chữ không cầu kỳ nhưng ý tứ lại được chắt ra từ cuộc sống.
"EM ĐỪNG KHÔN QUÁ EM ƠI
KHÔN QUÁ SẼ KHÓ ĐƯỢC NGỒI XE HOA"
Thơ bát phố của cụ cũng đá đưa chuyện thế sự, cũng nhân tình thế thái nhưng qua lăng kích hài hước và lãng tử, không sân hận hay hằn học.
"MUỐN ĐUỔI KHÁCH RA KHỎI NHÀ
ĐỌC THƠ ĐƯỢC GIẢI HỌ RA TỨC THÌ"
Sẽ có những tranh luận xem "bát phố" của cụ có phải thơ không. Nhưng thôi, việc đấy dành cho người am hiểu, tôi chỉ biết đọc ông thì nhớ, thấy cái tâm nó nhàn.
"CÒN THÌ GIỮ, MẤT THÌ THÔI
TÂM NHÀN NHƯ ĐÁM MÂY TRÔI GIỮA TRỜI"