Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Thoát y bản năng.

Có câu chuyện này cấn cá mãi chẳng biết nói hay đừng. Vợ chồng lấy nhau hơn chục năm, có hai mặt con, ưu nhược điểm, khuyết tật, thói xấu gì gì của nhau hầu như biết tỏng. Nhưng biết không có nghĩa là cứ vô tư lộ ra không cần che đậy.

Vâng, chuyện của ông xã nhà tôi ấy mà. Giai đoạn cưa cẩm và mới lấy nhau lịch duyệt là thế, quả chuối cũng ý tứ bẻ đôi trước khi ăn. Bà tôi thấy thế gật gù, nói người Hà Nội có khác. Tôi vênh mặt, mũi “sưng” tướng, mắt chớp chớp nhìn lên trần nhà, lũ bạn quê nhìn tôi đầy ngưỡng mộ.

Hồi mới lấy nhau, nhiều hôm tôi ngõ cửa nhà tắm, ngỏ ý xin vào kỳ lưng nhưng anh quyết không cho. Tôi cười thầm, bụng bảo dạ, đúng là người có ý chí tự lực tự cường, đàn ông mấy ai được thế.

Hai đứa con lần lượt ra đời, bận rộn với mưu sinh, tóc chồng đã vài sợi bạc. Vợ chồng đầu gối tay ấp chẳng giấu nhau chuyện gì, cái nốt ruồi lạc vào chỗ lạ còn cười rinh rích xúm vào bới bới tìm tìm, huống hồ. Tuy nhiên, biết nhau hiểu nhau không có nghĩa là không cần giữ gìn, ý tứ những hành vi thuộc về bản năng.

Gần đây bỗng dưng anh tự nhiên chủ nghĩa quá đà, tắm không đóng cửa, đến đại tiện cũng không nốt. Chẳng lẽ mới ngoài 40 đã mắc chứng Al - ze - mơ, hỏi anh quên đóng cửa à, anh cười hì hì, nói có hai vợ chồng, ai đâu mà sợ.

Trước kia anh ý tứ bao nhiêu thì nay buông tuồng bấy nhiêu. Ợ là một, ngáp là hai, anh cứ hồn nhiên mở hết cỡ khẩu hình và để âm thanh tự nhiên phát lộ. Có hôm vừa buông đũa, ưỡn lưng, tay vuốt ngực, anh ợ lên một tràng, âm thanh trung thực và đủ lớn để con chó nhà bên giật mình ông ổng sủa. Lườm anh một cái rõ dài nhằm tỏ thái độ, anh gãi đầu nhắn nhó, nói em có muốn anh không bị tha hóa không. Khi anh không còn là anh nữa có nghĩa anh đang bị tha hóa. Hãy để cho anh là chính anh, tôi là chính tôi...

Anh say sưa giảng giải về chủ nghĩa hiện sinh, về thuyết tam đoạn luận... Tôi lặng thinh nghe. Anh nói hết, ngừng lại có ý đợi chờ một sự phản ứng, rồi cười hì hì. Biết tỏng anh thấy lỗi nhưng chống chế cho vui vậy thôi.

Vừa chấn chỉnh được “món” ợ và ngáp, lại thấy xuất hiện chứng: xỉa răng, rung đùi và gãi, những hành vi hồi yêu nhau không hề thấy. Nó mới phát sinh. Có một mình thì muốn gãi chỗ nào thì gãi, đằng này hàng xóm sang chơi, vừa mời khách uống nước, anh vừa ngoáy mũi, chân thì rung bần bật như người mắc chứng Pa-kinh-sơn, ý tứ giữ chặt đùi anh một lát, nhưng hễ buông tay là đùi lại rung lên đầy hưng phấn và tự tin, khổ thế.

Đợi khách về, hỏi anh sao gãi lung tung vậy, sao xỉa răng quèn quẹt thế. Anh nghĩ một hồi rồi quay sang hỏi: Em đọc Phan Cẩm Thượng chưa. Tôi trả lời chưa, anh cười cái hậc, nói chả trách, đấy là những hành vi cổ xưa và đại diện cho các hành vi đặc thù của người Việt.

Xỉa răng ư? Không phải, đấy là cắm một cái que vào miệng để xác nhận vừa ăn cỗ xong. Rung đùi và gãi ư? Đừng nghĩ là hành vi vô thức, thử hỏi có cách nào tốt hơn để bảo vệ cơ thể ở cái xứ nóng ẩm và đầy ruồi muỗi này…? Ở Việt Nam, từ thời Hùng Vương tới nay, chỉ hai người có khả năng ngồi im tư duy, không gãi, không ngả ngốn…, đó là Lê Quý Đôn và một người nữa gần được như vậy, Phan Huy Chú. Đó cũng là lý do vì sao người Việt Nam, được cho là thông minh và cần cù thế, mà 4000 năm nay vẫn chưa có giải Nobel…

Tôi chăm chú nghe. Vẫn như mọi khi, anh nói hết, không thấy phản đối gì thì lại cười hì hì vẻ biết lỗi.

Nếu anh biết vẻ đẹp của chồng (và của cả vợ nữa) liên tục được bồi đắp, chắt chiu, gom góp thông qua những hành vi trong cuộc sống hàng ngày thì anh sẽ hạn chế những thói quen không đẹp và rất bản năng ấy. Anh là người thông minh, hẳn anh sẽ biết.
Ngô Thiệu Phong

Hai xu hướng thay đổi chính của báo chí Việt Nam: tư nhân hóa và công dân hóa (Nguyễn Thanh Sơn)


Có hai hình ảnh tiêu biểu của báo chí Việt Nam thời kỳ trước, đó là cái loa phường và bản tin khu phố. Tôi còn nhớ cứ mỗi buổi sáng, trong khi các cụ tổ hưu cặm cụi cắm mắt vào đọc mục xã luận trên trang nhất của tờ báo Nhân dân (được dán vào một ô xi măng che bằng lưới mắt cáo), lũ trẻ con chúng tôi lại chen dưới nách các cụ để xem chương trình truyền hình buổi tối ở trang thứ tư. Nếu so sánh hình ảnh của thời kỳ đó với hình ảnh trình bày bắt mắt của các sạp báo hiện nay, khối lượng thông tin khổng lồ trên Internet và số lượng hùng hậu của các kênh truyền hình Việt Nam, người ta có thể cảm thấy khâm phục về sự “tiến bộ vượt bậc” của báo chí Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thực tế thì như thế nào?

Giai đoạn “cởi trói” trong thời kỳ đổi mới đã đem lại một sinh lực mạnh mẽ cho báo chí Việt Nam. Trong thời kỳ đó, những phóng sự của các tờ báo T.T, L.D, T.P thậm chí cả V.N hay V.N.T đã góp phần thúc đẩy một xã hội minh bạch hơn về thông tin, có trách nhiệm hơn trong phát ngôn và thực sự hình thành một “quyền lực thứ tư” của công luận. Chính trong thời kỳ ấy, một trong những chủ đề thường được đề cập nhất trong những cuộc thảo luận của giới trí thức Việt Nam là “khi nào ở Việt Nam sẽ có báo chí tư nhân?”. Giới trí thức Việt Nam hi vọng rằng, việc hình thành báo chí tư nhân sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình dân chủ hóa và thể chế hóa xã hội dân sự, tạo thành tiếng nói phản biện mạnh mẽ và qua đó, thúc đẩy sự phát triển về chính trị, kinh tế và xã hội của Việt nam.

Tuy vậy, tháng 11 năm 2006, trả lời phỏng vấn trên báo Nhân Dân về vấn đề báo chí tư nhân, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh Việt Nam sẽ “không cho phép bất kỳ hình thức tư nhân hóa báo chí nào cũng như không để bất cứ ai sử dụng báo chí cho lợi ích cá nhân”. Cuối năm 2009, khi phê duyệt “Đề án qui hoạch báo chí cho đến năm 2020”, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm qui hoạch là “đảm bảo để báo chí thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng; cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và diễn đàn của nhân dân; không để tư nhân chi phối hoạt động báo chí; không để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động báo chí để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Các tuyên bố cứng rắn này lại không hẳn thống nhất với chủ trương của Bộ Thông tin Truyền thông muốn “xã hội hóa” hoạt động báo chí, trong đó có việc cho phép các công ty tư nhân tham gia vào các công đoạn xây dựng nội dung, phụ trách phát hành và tiếp thị cho các tờ báo và tạp chí. Chủ trương này đã dẫn đến việc ra đời của các nhóm, sau này là các công ty tư nhân, tham gia trực tiếp vào việc sản xuất, phát hành và tiếp thị cho các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, các kênh truyền hình, các mạng thông tin và thậm chí, cả các đài truyền hình. Có thể kể đến công ty NVV, công ty SFM, FPT, BHD, DV và sắp tới được hứa hẹn là “người khổng lồ” AVG.

Trừ AVG, được coi là công ty có cơ sở hạ tầng và kế hoach phát triển bài bản, được đầu tư hoàn hảo, ở buổi ban đầu, các công ty tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí thường phải chấp nhận hoạt động dưới giấy phép báo chí của một cơ quan, tổ chức nhà nước nào đó, hay nói một cách khác, cho dù họ hoàn toàn khống chế quá trình sản xuất nội dung, điều hành bộ máy phát hành và tiếp thị các sản phẩm truyền thông, họ cũng không thực sự “sở hữu” ấn phẩm đó, và thỏa thuận hợp tác của họ với cơ quan chủ quản của ấn phẩm hay kênh truyền hình này hoàn toàn có thể bị rút lại vào bất cứ lúc nào. Sự “chênh vênh” về sở hữu khiến các công ty tư nhân này chịu áp lực lớn về việc thu hồi đầu tư và khai thác thương mại “ngay lập tức”, nên họ thường quan tâm tới việc thu hút quảng cáo và thương mại hóa các sản phẩm của mình hơn là tạo dựng uy tín thông qua chất lượng bài viết và tăng số lượng phát hành. Hệ quả của vấn đề này là xu hướng “lá cải hóa” hàng loạt các tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình, mạng thông tin Internet và tạo ra áp lực “bình dân hóa” thông tin lên các ấn bản hay các kênh truyền hình truyền thống khác.

Báo chí tư nhân, chính vì vậy, ở điều kiện hiện nay, chắc chắn không thể trở thành tiếng nói phản biện mạnh mẽ. Tình thế “danh không chính” khiến họ bắt buộc phải thỏa hiệp cùng với các cơ quan chủ quản, và họ sẵn sàng bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp để đạt được mục tiêu thương mại ngắn hạn (xét cho cùng, họ là các doanh nghiệp tư nhân có công cụ làm ăn là các cơ quan báo chí chứ không phải một cơ quan báo chí có mục tiêu cao cả nào). Sự thỏa hiệp này sẽ tạo cơ hội cho họ tiếp tục tích lũy về mặt tư bản, và sự tham gia của các nhóm lợi ích và các tập đoàn kinh tế tư nhân vốn có quan hệ chặt chẽ với chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình tư hữu hóa truyền thông theo hướng phục vụ lợi ích thương mại của họ, dẫn đến cái mà ta gọi là “sự xuống cấp của đạo đức nghề báo” trong thời gian vừa qua. Nếu như quá trình này tiếp tục được đẩy mạnh, thì hi vọng báo chí tư nhân trở thành một kênh truyền thông mang tính phản biện sẽ càng ngày càng trở nên xa vời.

Rất may là, sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông mới đã đem đến một hi vọng, dù có mờ nhạt, cho báo chí Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây nhất của khách hàng của chúng tôi, công ty Yahoo! Vietnam cho thấy, tính tới thời điểm này, có đến hơn 30 triệu người Việt Nam có khả năng tiếp xúc với mạng Internet, và tại bốn thành phố lớn là Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, lần đầu tiên thời gian của người Việt Nam dành cho Internet đã nhiều hơn thời gian họ dành cho các ấn phẩm. Sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook, ZingMe, Linkedin…đã thay đổi cách thức người ta tiếp nhận và phổ biến thông tin. Sự tham gia tích cực của người Việt Nam vào các mạng xã hội (trung bình mỗi một người Việt Nam là thành viên của tám mạng xã hội khác nhau, và mỗi một người trong số họ có trung bình là 82 người bạn trên mạng xã hội) đã thúc đẩy sự phát triển của một nền “báo chí công dân”. Chúng tôi thường nói, mỗi một người có một tài khoản facebook, một trang blog trên Yahoo!360 hay thậm chí chỉ một tên lóng trên một mạng thảo luận nào đó đã có thể được coi là một phóng viên. Nếu người đó có một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh- anh ta đã trở thành một paparazo, còn nếu chiếc điện thoại đó có chức năng quay phim, và anh ta lại có một tài khoản trên YouTube hay Clip.vn, bạn phải coi anh ta là một phóng viên truyền hình rồi đó. Hình thức mạng xã hội cũng cho phép những nhà báo lành nghề và giầu kinh nghiệm, những người không chấp nhận thỏa hiệp với các vấn đề xã hội, chính trị hay kinh tế, tìm được công chúng cho các bài viết của mình. Trang blog của một số người như nhà báo H.D (trang Osin), nhà văn NQL (trang Quê Choa), nhà văn T.H thu hút hàng chục nghìn lượt người xem mỗi ngày- không kém gì một tờ báo trung bình ở Việt Nam.

Cái kẹt lại ở giữa là các cơ quan báo chí truyền thống Việt Nam. Một mặt, nó chịu áp lực sức ép “thương mại hóa” của báo chí tư nhân- cạnh tranh về nguồn thu quảng cáo, “chẩy máu chất xám”, “bình dân hóa” nội dung, cạnh tranh về bạn đọc; mặt khác, nó chịu áp lực của “báo chí công dân”- uy tín nghề nghiệp phải dựa vào thái độ rõ ràng dứt khoát, có chính kiến về các vấn đề chính trị, xã hội hay kinh tế nóng hổi. Đây quả thật là một tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” không dễ gì giải quyết của báo chí truyền thống Việt Nam.

Dẫn theo blog FB của Nguyễn Thanh Sơn

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Việc lớn việc nhỏ, việc anh việc em.

Tôi có ông bạn nối khố cùng làng, lần nào sang chơi cũng thấy vểnh râu ngồi uống trà xem ti vi trong khi vợ tất bật trong bếp. Hỏi sao ông không vào bếp giúp vợ, ông trợn mắt, nói mình làm việc lớn chứ ba cái việc tẹp nhẹp để đàn bà họ làm. Ông bảo ông ngồi chơi đấy nhưng đầu óc đang lo việc lớn cho gia đình.

Đàn ông trong gia đình Việt Nam dường như sinh ra đã cho mình cái quyền lo việc lớn và tự sắp xếp trong đầu việc này của anh việc kia của em. Nếu ông nào làm ngược đi thì bị coi là một sự bất thường.

Cần phải nói cho rõ không có việc nào lớn việc nào nhỏ, không có việc nào của anh việc nào của em cả. Sự phân công công việc trong gia đình chỉ mang tính chất tương đối dựa vào đặc điểm sinh lý của giới nam và giới nữ.

Là người có sức vóc, công việc của người đàn ông là vác cày ra đồng, lên rừng săn bắn; là người khéo tay, kiên trì và nhẫn nại, sức khỏe bền bỉ dẻo dai, nên công việc của người phụ nữ là nhổ mạ, cấy hái, quay tơ dệt vải…Công việc ấy xuất hiện từ thuở hồng hoang.

Trải qua hàng ngàn năm sống trong nền văn minh lúa nước, ảnh hưởng Nho giáo nên người đàn ông ngộ nhận mình chỉ làm việc lớn – việc nặng nhọc, còn người phụ nữ làm những công việc thường được gọi với cái tên lặt vặt.

Từ quan điểm cứng nhắc đó nên xã hội, nhất là xã hội Á Đông, tự phân ranh giới công việc trong gia đình thành việc này của đàn ông việc kia của đàn bà. Người phụ nữ sống trong đêm trường xã hội phong kiến, nơi đề cao vị trí người đàn ông, thì an phận và chấp nhận sự phân định rạch ròi một cách vô lý ấy.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở phương Tây thế kỷ 19 đã phân công lại lao động và minh chứng hùng hồn vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đó cũng là cơ sở cho phong trào phụ nữ đòi bình quyền ở phương Tây thế kỷ này.

Trở lại với gia đình Việt Nam hiện nay, chẳng có cơ sở vững chắc để khẳng định việc nào lớn việc nào nhỏ, việc nào của chị em và việc nào của đàn ông. Công việc gia đình cũng như xã hội vận hành như một cỗ máy, thiếu cái ốc vít nhỏ, guồng máy đã trục trặc rồi.

Một số đức ông chồng mặt nặng trịch khi về nhà mà chưa có cơm ngon canh ngọt. Ấy vậy nhưng khi nói tới việc bếp núc của chị em thì lại cho rằng cỏn con, lạ thế!

Nếu người đàn ông trong gia đình không biết chia sẻ công việc và suy nghĩ với vợ, người thân yêu nhất, thì sẽ chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ người đàn ông đó thành công trên con đường sự nghiệp. Bởi ở ngoài xã hội, anh phải hiểu công việc cũng như tâm tư tình cảm của không chỉ một mà nhiều người với đủ loại tính cách, năng lực khác nhau.

Trong giáo dục và đào tạo, phương Tây rất chú trọng tới cách thức sắm vai. Đó là phương thức đào tạo theo lối thị phạm, rất biện chứng, đem lại hiệu quả bất ngờ.

Hãy thử một lần sắm vai người vợ với tất cả công việc mà đấng mày râu gọi là lặt vặt, các đức ông chồng sẽ hiểu vợ mình hơn, yêu vợ mình hơn. Và chắc chắn, người đàn ông sẽ thay đổi quan điểm về cái gọi là việc lớn việc nhỏ, việc của chồng việc của vợ trong gia đình.

Ngô Thiệu Phong



Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Cha mẹ là tấm gương.



Một trong những cách giáo dục con trẻ là sử dụng chính những tấm gương từ ông bà bố mẹ và người thân trong gia đình. Từ những hành vi chuẩn mực, từ những mối quan hệ trong trẻo, thân ái… sẽ tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới hành vi của trẻ một cách bền vững .

Ngày nay ta thường nghe thấy các ông bố và bà mẹ trẻ nhắc con: “Con chào ông bà đi!”, “Con chào các cô các chú đi con !”. Có chị còn nhắc một cách thô bạo hơn như, “ Không chào ai à ?”, “Mồm đâu?”…

Những lời nhắc nhở con trẻ biết chào hỏi mọi người là cần thiết bởi trẻ hay quên và ý thức tự giác chưa cao.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì thấy rằng hình như các bà mẹ trẻ trong khi nhắc nhở con mình chào thì cũng ngầm ủy quyền cho con lời chào của chính bản thân mình.

Một bà mẹ trẻ đi làm, đồng thời chở con đến trường. Khi con chuẩn bị lên xe, người mẹ bảo: Chào ông bà đi con! Con chào xong, người mẹ nhảy tọt lên xe phóng đi. Như vậy là con đã đại điện luôn cho mẹ chào ông bà.

Sẽ là quá khắt khe nếu đẩy sự việc không chào ông bà của người mẹ trẻ vào phạm trù đạo đức. Và hôm nay thì không bố mẹ chồng nào đi xét nét những hành vi như thế. Tuy nhiên cái sự “nhân tiện”, “nhân thể” và chào “đại diện” kiểu ấy sẽ tác động không tốt tới con trẻ.

Việc đó sẽ hình thành trong các con phản xạ cứ nhắc mới chào, không nhắc là không chào. Do đó, nếu chỉ có một mình, khi gặp người thân quen, con trẻ rất hay quên chào hỏi.

Chúng ta đều biết 6 cấp độ nhận thức được sắp xếp theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm: nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Con trẻ độ tuổi lên 4 lên 5 thì chỉ ở cấp độ tư duy đầu tiên, tức là nhớ. Cái sự nhớ của trẻ ở giai đoạn này hình thành chủ yếu do bắt chước. Chúng bắt chước một cách máy móc và rập khuôn để nạp dữ liệu cho cấp độ tư duy đầu tiên là nhớ.

Chúng thuộc lòng một bài đồng dao nhưng không hiểu một tý gì về nội dung bài đồng dao đó. Vì sao? Vì chúng bắt chước và hát là một hình thức thể hiện khả năng tư duy nhớ của mình.

Do đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu bố mẹ chào trước: “ Mẹ chào con, Con chào ông bà …” sau đó nếu con trẻ quên thì nhắc để con nhớ. Nhưng tin chắc rằng, với công cụ tư duy ban đầu là bắt chước, thì chỉ sau lời chào của bố mẹ, con trẻ sẽ véo von chào mẹ hoặc chào ông bà như các anh các chị vừa chào vậy.

Có lẽ cũng chính vì thế mà người ta nói rằng giáo dục con cái bằng tấm gương là một trong những cách GD tốt nhất. Vì thế người xưa mới có câu “sóng trước đổ đâu thì sóng sau âu đấy”, tức là đạo đức, hành vi của cha mẹ thế nào thì (nhìn chung) con cái sẽ xử sự hệt như vậy.

Ngô thiệu Phong

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Đối thoại

Thưa chị em và các bạn, trong tiết mục này tuần trước, chúng ta nói tới việc giải quyết mâu thuẫn này sinh do có sự khác biệt về văn hóa giữa hai vợ chồng mà cụ thể là việc ăn uống hàng ngày. Giải pháp cuối cùng là đi tìm tiếng nói chung trong văn hóa ăn uống. Trong cuộc sống vợ chồng có nhiều xung đột như thế, mà để giải quyết rốt ráo, cả hai vợ chồng cần phải tìm sự thống nhất trong đa dạng. Song để làm được điều này thì cả vợ và chồng, hoặc rộng ra là trong gia đình cần phải biết lắng nghe và đối thoại.

Chẳng có nghiên cứu nào nhưng chúng tôi đồ rằng có tới 95% số cặp vợ chồng có thói quen ăn uống không giống nhau. Dĩ nhiên rồi, bởi mỗi người sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà khác nhau. Thật may mắn cho những cặp vợ chồng tương đồng về sở thích ăn uống.

Giải quyết mâu thuẫn tưởng nhỏ nhưng phổ biến và khá phức tạp này thì mỗi người cần biết chấp nhận sự khác biệt rồi đi tìm sự tương đồng. Nhưng để làm được điều này thì lại phải biết lắng nghe và cùng đối thoại.

Lắng nghe và đối thoại là giải pháp căn bản và hiệu quả nhất để giải quyết một cách hòa bình bất kỳ mâu thuẫn nào trong gia đình.

Trở lại chuyện của vợ chồng Tuấn, bạn tôi. Hai vợ chồng sống cùng bố mẹ đẻ của Tuấn. Ông bà hiền khô! Chẳng những hiền, ông bà còn quý con dâu, chiều con trai. Bạn bè của vợ chồng tới chơi, ông bà quý lắm. Hễ khách vừa tháo giày để bước vào nhà đã thấy hai bác đã chuẩn bị sẵn đôi dép trên tay đút vào tận chân, nói đi vào đi vào cho đỡ lạnh, kẻo ốm. Vào trong nhà rồi, hai bác phẩy tay nói với con, cứ ngồi với bạn, mẹ đi pha nước cho.

Ai cũng nghĩ vợ chồng Tuấn hạnh phúc, có bố mẹ hợp với con dâu. Tuy nhiên, cuộc sống vốn đầy rẫy mâu thuẫn. Giữa mẹ chồng nàng dâu lại càng dễ xảy ra mâu thuẫn. Có những va chạm, xích mích nhỏ hàng ngày giữa vợ với bố mẹ Tuấn nhưng hai ông bà giấu nhẹm. Ông bà nghĩ rằng: Bây giờ mình làm to chuyện thì chỉ khổ con trai mình, nó lại phải suy nghĩ, rồi vợ chồng nó cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Gia đình lại phải sống trong không khí căng thẳng… Tốt nhất là cứ lờ đi. Con dâu ít tuổi, chưa chín chắn, chưa trải nghiệm, sau này nó sẽ hiểu ra tất cả thôi mà.

Sự việc chẳng hề đơn giản như bố mẹ Tuấn nghĩ. Xích mích nhỏ dồn tụ lại thành mẫu thuẫn lớn. Qua những va chạm nho nhỏ hàng ngày, vợ Tuấn thấy bố mẹ không phản ứng gì cứ tưởng như tất cả mâu thuẫn xảy ra đều do bố mẹ chồng gây nên. Thấy cái tăm rơi ra sàn nhà, chẳng biết dùng chưa, nhưng cô ta lấy một tờ giấy ăn bao lại cho khỏi bẩn, rồi nhón tay cầm hệt như người ta cầm con chuột chết. Thay vì vứt béng cái tăm vào sọt rác, cô ta đi một vòng qua trước mặt bố mẹ chồng để biểu lộ thái độ khó chịu.

Cái gì cũng có giới hạn. Quá sức chịu đựng, bố mẹ Tuấn không thể cố làm mặt vui như trước được nữa.

Tuấn biết được mọi việc thì dường như đã muộn. Mâu thuẫn đã đến đỉnh điểm. Hàng chục hàng trăm sự việc là chứng cớ để cáo buộc sự vô lễ của con dâu với bố mẹ chồng trào ra như nước vỡ bờ. Tuấn, dù rất thương yêu vợ nhưng cũng là người con hiếu thảo. Anh không còn giữ được bình tĩnh và chỉ trích vợ khá nặng nề. Khi đó vợ Tuấn có cảm giác đơn độc và bị hắt hủi. Cô ta thấy hình như có sự bất công? Tại sao mọi người chỉ toàn nhìn thấy nhược điểm của mình? Tại sao không ai lên tiếng bênh vực mình lấy một lời mà toàn đưa ra chứng cứ để buộc tội…?

Những va chạm nhỏ trong sinh hoạt đã để quá lâu dồn tụ lại tạo thành mâu thuẫn gay gắt và nghiêm trọng, xử lý không đơn giản chút nào. Giá như bố mẹ Tuấn đối thoại ngay với vợ Tuấn, hoặc với cả hai vợ chồng trong từng trường hợp cụ thể thì sự việc không đến nỗi phức tạp như thế này.

Mâu thuẫn không có khái niệm to hay nhỏ. Mâu thuẫn cũng như công việc, không được phép để dành. Mâu thuẫn càng tích tụ thì càng khó xử lý. Do đó, liên tục đối thoại, sẵn sàng lắng nghe là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn, xung đột nào trong gia đình cũng như trong công việc.


Ngô Thiệu Phong