Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Xe khách giường nằm tông xe tải



Trước hết xin chia buồn với các nạn nhân trong vụ tai nạn giữa xe khách giường nằm và xe tải, ở Đồng Bảng, Mai Châu, Hòa Bình!
Là người đi lại thường xuyên bằng phương tiện này tuyến Sơn La - Hà Nội và ngược lại, tôi muốn chia sẻ vài điều.
Hiện nay phần lớn hành khách chọn phương tiện xe giường nằm vì xe có chất lượng khá tốt, chủ yếu chạy đêm nên tiết kiệm thời gian làm việc.
Nhiều khách thích đặt chỗ ở phía trên đầu xe vì mấy lý do: đỡ sóc, lúc nghỉ xuống xe thuận tiện, đỡ ồn (do máy đặt phía sau).
Khách thích giường đầu xe và ở tầng dưới cho đỡ sóc, đỡ lắc. Tuy nhiên nếu đông, nhà xe xếp khách nằm thêm cả ở sàn thì khi đó biết đâu ngay mũi mình là bàn chân ba ngày chưa rửa, hoặc một bộ mặt lạ hoắc, răng miệng được vệ sinh theo quý thì thôi rồi Lượm ơi😞! Nằm tầng trên hạn chế nguy cơ này.
Giường đầu xe có vài ưu điểm nhưng khi đấu đầu thì khu vực này lãnh đủ.
Một số thích giường cạnh sườn xe để khi nằm có thể ngả chân vào thành xe và chủ động điều khiến mức gió điều hòa. Tuy nhiên ở đây thì phải nghe tiếng mở cốp để lên xuống hàng. Mặt khác khung sườn xe giường nằm bên hông phần lớn là kính, xe khác nó thúc một nhát ngang sườn thì coi chừng! Còn nằm giường giữa tầng dưới sẽ dễ vướng phải trường hợp ngoảnh mặt bên nào cũng gặp người…lạ nếu xe đông phải nằm sàn.
Xe giường nằm chạy khá nhanh vì toàn tay lái có số má, lại quen đường, nhưng cũng chính vì thế nên khi va chạm lực quán tính sẽ rất lớn. Dù nằm nhưng lực quán tính này có thể hất tung người dậy, bắn về phía trước. Khi đó chân đang đút trong một cái hộc rất nhỏ không khác gì bị cùm chặt ở đầu gối, lực văng có thể dễ dàng bẻ gẫy hai chân NẾU HÀNH KHÁCH KHÔNG THẮT DÂY AN TOÀN. RẤT MONG NHÀ XE VÀ CƠ QUAN KIỂM ĐỊNH LƯU TÂM. Nhiều dây lởm khởm lắm! Chỉ là chiếu lệ, qua mắt kiểm định thì phải?
Đấy, ở đời chả biết thế nào. Thôi, cứ sống hiền hòa, nhường nhịn. Trời thương cho là được!

Jak 52 bị rơi

Buồn quá! Chúng ta lại mất đi hai phi công! Mọi người đều biết đào tạo 1 phi công rất khó và tốn kém, phi công lái phi cơ chiến đấu càng tốn kém hơn.
Trên mạng một số bác chê tại máy bay cổ máy bay cũ nên có thể là nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn hàng không cực kỳ phức tạp, có những vụ phải điều tra nhiều năm, có vụ mãi mãi là ẩn số.
Mình thấy cũng như nhiều ngành nghề khác, đào tạo phi công luôn phải từ thấp đến cao, từ sơ đẳng đến phức tạp. Hiện ở Sân bay Gia Lâm thi thoảng vẫn thấy chiếc máy bay bà già hai tầng cánh (Antonov An-2) sản xuất từ 1947 bay vè vè để huấn luyện. So với Yak-52 vừa bị nạn thì An-2 thuộc hàng các cụ nhưng vẫn chưa nhận sổ hưu.
Trên thế giới vẫn có nhiều CLB hàng không với nhiều phi cơ từ thế chiến thứ II hoạt động. Ở đó những thao tác "rất nguyên thủy" có từ hồi ngành hàng không mới ra đời đến nay vẫn còn áp dụng trước khi cất cánh, như: phi công phải thoại với trung tâm điều hành để trả lời hàng tá câu hỏi. Với mỗi câu hỏi, phi công phải vừa trả lời, vừa tích vào sổ, vừa sờ vào núm điều khiển, vừa nhìn vào vị trí cần kiểm tra. Tay sờ- miệng nói- mắt nhìn, dù lặp đi lặp lại vô cùng nhàm chán nhưng vẫn phải tuyệt đối chấp hành!
Máy bay hiện đại được tự động hóa tối đa nên các bước này có thể chiếm ít thời gian hơn nhưng vẫn không thể bỏ qua.
Rủi ro hàng không có nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan nhưng khâu chuẩn bị cho cất cánh, trong đó khâu bảo dưỡng bảo trì là cực kỳ quan trọng.
Nhiên liệu cho máy bay cũng thuộc hàng đặc chủng, không dùng chung với dân dụng, được kiểm nghiệm chặt chẽ và lưu mẫu trước mỗi chuyến bay.
Sợ nhất là có cả xăng giả của Trịnh Sướng len lỏi vào đây thì bỏ mẹ! Sợ nhì là mấy đứa học sinh được nâng điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... làm công tác chuẩn bị bay😢 . Rồi khâu kiểm tra giám sát lại được thực hiện bởi mấy ông thanh tra Bộ Xây dựng (vừa dính phốt ở Vĩnh Phúc) thì phi công hàng ngàn giờ bay cũng chết chứ đừng nói học viên.
Vì thế "cũ", "cổ" chưa phải là thứ đang lo ngại nhất đâu!
Ảnh: Yak - 52 và An-2

Cái mồm

Các cụ bảo “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”- bệnh và họa đều từ miệng mà ra, thật đúng không sai tí nào!
Có những cái không hẳn “họa” nhưng giờ mà thực thi bằng mồm thì thấy buồn cười lắm!
1. Bữa hôm khách tới chơi,mình lấy gói trà nhúng thanh nhiệt ra pha mời. Loanh quanh tìm không thấy cái kéo đành dùng …mồm xé. Khổ nỗi bao nilon dai nên vận cả lực tay lực cổ lực quai hàm giằng xé mãi mới rách. Hôm đó mình mời mấy lần mà khách cả buổi không đụng tới ly nước😢.
2. Đã ai chứng kiến trong một hội thảo quốc tế mà người nhà ta trên bục cứ thè lưỡi liếm ngón tay (cho dính) để mở tài liệu đọc chưa? Nhìn xấp tài liệu dày cộp đại biểu cứ lo cho ...tuyến nước bọt.🤪
3. Cái nghèo không giấu được! Bây giờ rót nước mắm mà ngộ nhỡ nó chảy xuống một giọt ở miệng chai là mình quăng lưỡi ra khua liền😜.
3. Gặm đũa cả (đũa cái) hay muôi xới cơm vào lúc cuối bữa có phải là một thú vui hay thói quen hình thành từ thời khốn khó? Thi thoảng mình vẫn gặm!
4. Phong bì (bao thơ) giờ được “tích hợp” sẵn lớp keo, chỉ cần bôi nước vào là dính. Nhưng tôi đồ rằng 95% đều khai thác nước từ… miệng với công cụ là lưỡi.
5. Hôm rồi có khách, vợ bê đĩa dưa lê ra mời. Thoáng thấy con kiến đang mon men bên thành đĩa mình bèn bưng lên thổi lấy thổi để. Kết quả là kiến bay nhưng sau đó mời thế nào khách cũng không ăn. Chả hiểu sao🤣?
6. Hôm nọ có em gái xinh cứ cúi gập cổ, tay giằng giằng đoạn chỉ thò ra ở cúc áo ngực. Thấy cần phải giúp nên mình ghé miệng vào cắn tách phát đứt luôn. Riêng trường hợp này khẩu sinh phúc chứ không sinh họa ☺️.

Rừng thiêng ở E- ti -o -pia

Trên BBC có bài " Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia". Từ vệ tinh, người ta thấy lác đác các đốm xanh ở nơi gần như hoang mạc, giữa mỗi đốm xanh là một nhà thờ (ảnh).
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho hiện tượng này là “bảo tồn ăn theo”, tức là việc giữ rừng là kết quả ăn theo các hoạt động tôn giáo, hay nói cách khác, khu rừng đã được thiêng hóa để ngăn chặn sự xâm lấn không thương tiếc của con người.
Còn ở Việt Nam, đọc Nguyên Ngọc (về Tây Nguyên) hay Tô Ngọc Thanh (về Tây Bắc) sẽ thấy các sắc dân nơi đây có những lề luật và nghi thức tôn giáo nghiêm ngặt để bảo vệ rừng.
Nếu người làm văn hóa và nhà bảo vệ môi trường biết lợi dụng yếu tố này, nỗ lực duy trì những yếu tố thần bí phục vụ cho mục đích tốt đẹp là bảo vệ rừng thì hay biết mấy!
Các sắc dân thiểu số luôn có cách bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên theo cách riêng của họ. Tôi tin họ không phải tác nhân chính dẫn đến nạn phá rừng tan hoang như hiện nay.
Cuộc sống tự cấp tự túc từ ngàn đời buộc họ phải gắn chặt với rừng, với môi trường xung quanh.
Hơn 20 năm trước, vào các bản làng Tây Bắc, nếu nhà nào có vài luống cải phía trước thì đó là nhà cô giáo dưới xuôi lên cắm bản hoặc bộ đội biên phòng. Người thiểu số bản địa ở vùng sâu ít có tập quán trồng rau như thế. Vườn rau của họ là đại ngàn. Rừng đang nuôi họ cũng như đã nuôi sống tổ tiên họ bao đời.
Hai mươi năm sau, mất rừng, họ ngơ ngác, chơ vơ, lẻ loi và lạc lõng trên chính mảnh đất quê hương mình. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong môi trường hoàn toàn mới, chưa có sự chuẩn bị, khiến họ (vốn chất phác và ngây thơ) bỗng dưng sa vào tội lỗi
Hai mươi năm sau, ngồi giữa Tây Bắc, mỗi ngày đọc đủ các loại tin buôn ma túy, vượt biên, lao động trái phép, buôn bán người qua biên giới, sang Trung Quốc lấy chồng… mới thấy cái hệ lụy khủng khiếp của mất rừng. Cái hệ lụy ấy cứ ngày mỗi dài ra và nhiều lên😢.
Ảnh : Rừng thiêng ở Ê -ti-ô-pi-a (BBC)

Ăn dè

"Ăn dè" đã trở thành một "thuật ngữ" khó hiểu đối với trẻ con ngày nay! Với thế hệ 6x- 7x trở về trước thì "ăn dè" là câu nói quen thuộc trong mỗi bữa ăn. Cuộc sống giờ khá hơn nên "ăn dè" mất đi cũng là lẽ tự nhiên, là điều đáng mừng!
Tuy nhiên hiện nay, ở những hoàn cảnh cụ thể, "ăn dè" lại "chuyển ngữ" và biến thể sang những hiện tượng đồng dạng khác có cùng bản chất.
Hồi đi Đức mình mua được cái bình giữ nhiệt hai lớp bằng inox rất tốt. Nước nóng để 24 tiếng vẫn pha trà bình thường; bỏ đầy đá viên vào sau một đêm dốc ra chỉ tan có chút xíu nước. Cả nhà ai cũng mê!
Tối qua mình bỏ trà đá vào, vợ nhìn thấy bèn mắt trợn tay chỉ, nói vàng hết bên trong em không cọ sạch được.
Mình đã "ngũ thập" chưa dám "tri thiên mệnh", tức là chưa thông suốt chân lý của tạo hoá, chưa hiểu được mệnh trời nhưng quán triệt sâu sắc: Không tranh luận, tranh khôn với vợ nên cứ lẳng lặng làm. Cũng định nói "vàng thì cọ là hết" nhưng lại thôi. Nói chung phụ nữ luôn đúng theo cách của họ.
Ai sống qua thời bao cấp khổ sở còn nhớ nhà nào khá giả tí có cái tủ ly hoặc tủ bích phê, trong ngăn kính thể nào cũng trưng bày bộ ấm chén, vài cái bát cái đĩa sắp xếp trang trọng và thành kính không kém gì ảnh người thân cùng các vị tiên liệt bên cạnh.
Ngày Tết cũng cố sắm thêm cái đèn nhấp nháy treo vào trong. Khách khứa đến chúc tết chủ nhà không nhìn khách chuyện trò mà chỉ nhìn vào...tủ😂. Ai hiểu ý hỏi bộ ly cốc ở đâu đẹp thế thì kiểu gì chủ nhà cũng xoắn lấy, hào hứng hồ hởi kể lể chi tiết ngọn ngành😜.
Nói thật, có gia đình mà chủ nhà khi về miền cực lạc vẫn chưa một lần được dùng cái bát bày trong tủ ly.
Cái bình giữ nhiệt dù tốt nhưng mình không muốn nó chung số phận hẩm hiu và nhàm chán như mấy cái bát kia. Nó phải sống cuộc sống rạo rực của nó để phục vụ mình! Bẩn thì rửa, hỏng thì vứt! Không chơi kiểu "ăn dè" như vợ!

Từ con bớp sang gái ngành

Theo dõi sự thay đổi của ngôn ngữ rất thú vị! Còn nhớ những năm 80-90 người ta gọi gái bán dâm là "con phò", rất nặng nề. Giờ nghe đâu anh em gọi "gái ngành"😉. Mấy tên lưu manh, giang hồ, du thủ du thực thì giờ gọi là "dân xã hội"😎.
Nghe "dân xã hội" có vẻ êm tai hơn, dễ chấp nhận hơn là "tên lưu manh, thằng đầu gấu" vì tính cá biệt của đối tượng mất dần, giờ gần như thành phổ thông, đại chúng?! Chả biết ngoài xã hội xấu đến đâu mà dồn hết cái đám này ra, đặt cái tên chung là "dân xã hội" ?
Nghĩ mãi "gái ngành" là ngành gì mà không ra. Nghe "gái ngành" thấy sự đồng cảm, dễ lọt tai hơn là "con phò". "Con phò" nghe nặng nề và miệt thị quá đáng! Phải chăng XH dần chấp nhận? Ngầm xác nhận một bộ phận làm ăn bằng "vốn tự có" là một công việc thực thụ, một "ngành" đàng hoàng?
Cách gọi các cô gái bán dâm thay đổi liên tục, từ con phò, con bớp, ca ve, gái gọi... đến gái ngành, nhưng cách gọi mấy anh mua dâm thì vô cùng bảo thủ, hoặc rất kiên cường, chả chịu thay tên đổi họ gì cả, vẫn nhõn 1 cụm từ nghèo nàn: Người mua dâm😂. Tôi chịu chả hiểu tại sao?
Có rất nhiều từ khác nhưng lấy "con phò" và "thằng lưu manh" làm ví dụ cho HOT, có tí câu view. Bác nào dân ngôn ngữ học xã hội (Sociolinguistics) có vô khối các câu chuyện tượng tự! Rất hay!
Ảnh: Film "Young & beautiful"

Bà con đừng lợp bằng fbro ciment !

Bà con đã xem nhiều bài và ảnh trên trang của anh Chính Tới nói về sự độc hại của ngói fribro xi-măng (gây ung thư) ở nhiều bản làng Tây Bắc. Vì thế bà con nên thay bằng ngói viên như truyền thống là tốt nhất, ngói xi măng cũng được.
Vẫn biết ngói đắt, thi công khó, phải đóng thêm nhiều rui mè khiến giá thành ngôi nhà lên cao nhưng hãy vì sức khỏe bản thân và thế hệ con cháu mình.
Nhà lợp gianh cực mát, bảo vệ môi trường..., nhưng độ bền không cao, tố lốc dễ bay, cháy một phát là đi cả bản.
Nhà lợp tôn kẽm rẻ, thi công nhanh nhưng nóng, bí, mưa thì như có người gõ chiêng trống trên đầu, ung cả thủ, làm rồi mới biết, chán lắm bà con ạ! Mà tôn kẽm nó không ăn mồ hóng như cái rổ cái rá, cái cột cái kèo - càng ngày càng tốt- đâu, vài bữa khói ám làm tôn rỗ lỗ chỗ nhìn thấy cả một bầu trời sao bao la đấy🤩!
Bản làng Tây Bắc vẫn có thói quen đặt bếp lửa trong nhà. Nếu bà con lợp tôn khói không thoát lên mái được khiến nhà như bị hun, ngạt rồi kiểu gì cũng sinh bệnh.
Mình thấy có vùng ở Tây Bắc lợp bằng ngói đá tự nhiên, đen nhánh, rất lạ! Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La còn những ngôi nhà người Mông lợp gỗ pơ-mu. Đẹp ngất ngây! Giờ không còn pơ mu nữa rồi, cố giữ thôi.
Ngôi nhà sàn lợp ngói viên mát, lại thoáng, đẹp vô cùng, Tây nó mê lắm đó! Giờ một số bà con cứ thích nhà ống rồi phá bỏ ngôi nhà sàn. Đừng! Phí lắm! Mái nhà sàn Tây Bắc như cái tằng cẩu trên đầu người phụ nữ Thái đã có chồng: Thủy Chung. Chắc chắn. Vững bền. Cẩu giữ được thì mái nhà cũng phải giữ bằng được!
Ngôi nhà cũng là một thiết chế văn hóa. Nó sẽ đồng hành với nhiều thế hệ để bảo vệ, gìn giữ và vun đắp truyền thống văn hóa của cộng đồng mình.
Cuộc đại di dân cho hai cái thủy điện lớn nhất nước ở Tây Bắc khiến cho hàng chục ngàn hộ dân phải di vén hoặc đi chỗ khác. Hàng ngàn ngôi nhà được dựng mới ở vùng tái định cư cứ hồn nhiên lợp fribro xi-măng độc hại, hoặc tôn kẽm hào nhoáng nhưng đông lạnh rụt chym, hè nóng không thở nổi. Người ta biết cả mà không làm khác đi cho bà con!
Ảnh : Lấy trên trang anh Chính Tới

Ông Đoàn Ngọc Hải từ chức lại nhớ ông già mình



Nghe anh Đoàn Ngọc Hải chuyên dẹp vỉa hè lòng lề đường ở Q1 Tp HCM vừa nhậm chức rồi từ chức bỗng dưng nhớ đến ông già mình.
Năm 1978 ông được biệt phái vào Sài Gòn để tăng cường cán bộ cho mảng kinh doanh rau hoa quả. Công ty rau hoa quả T.p ngụ tại đường Trương Minh Giảng (sau đổi thành Lê Văn Sỹ) gần nhà thờ Ba Chuông.
Công ty có tập thể cán bộ nhân viên rất đa dạng, đặc biệt là cán bộ: Cô Xuân, chủ nhiệm, là tiến sỹ học ở Liên Xô về; bố mình phó cho cô Xuân, dân Bắc Kỳ vào; rồi có bác tù Côn Đảo ra; cô chú ở R (rừng) xuống, cô chú biệt động thành (nằm vùng), cô chú dân tập kết.
Nhân viên thì chú Hùng lái xe riêng cho bố vốn dân tư sản trước 75 (chả hiểu sao không di tản?). Có nhiều sinh viên Sài Gòn vừa tốt nghiệp; lại có cả 1 chú là lính chế độ trước, hiền khô, mỗi khi đi rút tiền cùng kế toán là găm khẩu K59 vô cạp quần 😎
Mình theo bố vào trỏng, được sống trong tình yêu thương cùng rất nhiều thái độ ứng xử khác nhau của mỗi người. 
Một bữa ông say về nằm vật ra giường lảm nhảm: Về …về…nghỉ… nghỉ…! Nhà có hai bố con, ở căn phòng tập thể 20 mét vuông (156 -158 Võ Di Nguy) nên mình nghe hết.
Rồi ông về thật, xin về hưu trước 5 năm. Thời điểm đó (cuối 80) người ta ào ào vào Nam, ông lại ra Bắc, về quê! Ông bước xuống từ chiếc xe hơi Peugeot 404 sang trọng để theo đít con trâu đi cày. Rũ bỏ tất cả mà vẫn vui như không, vẫn tay trắng như cái ngày ông theo ông bác từ làng Lại Đà mò mẫm vượt dãy Tam Đảo để sang chiến khu làm cách mạng.

Từ Hiểu Đông vả vào mặt võ cổ truyền TQ

Làng võ cổ truyền Trung Quốc một lần nữa lại mất mặt với Từ Hiểu Đông sau khi anh táng cho cao thủ phái Vịnh Xuân, Lã Cương, gãy mẹ nó mũi.
Vị chi đây là lần thứ 3 võ sỹ võ tự do MMA họ Từ khiến võ cổ truyền TQ bẽ mặt. Lần đầu cao thủ Thái Cực Quyền - Ngụy Lôi - đứng vững trên đài chưa đầy 15 giây. Lần hai, đệ tử đời thứ 4 của Diệp Vấn (phái Vịnh Xuân) cũng no đòn sau chưa đầy 2 phút.
Hồi còn học cấp III mình đọc một hồi ký của 1 chuyên gia quân sự Liên Xô kể việc huấn luyện cho lính đặc công Tàu. Ông này viết, lúc đầu, ở khoa mục võ thuật, cũng hơi kiềng vì nghe nói quyền thuật Trung Hoa ghê gớm lắm! Khi tập, lính Tàu cũng múa may, rồi sàng quang sàng lại, kiểu hổ quyền hạc quyền xà quyền chi đó..., chuyên gia Liên Xô sử dụng quyền Anh nhảy vào đấm bốp bốp bốp làm cho lính đ/c Mao gục tại trận, có ông vãi đái ra quần🤪.
Hồi đó đọc thì bán tín bán nghi nhưng giờ thì tin. Thời còn băng video dân tình thi nhau xem phim bộ Tàu, ra đường mấy cậu nhóc động tý là xuống tấn, làm vài động tác ra đòn kiểu cao thủ trên phim. Kinh!
Nói chung văn chương phim ảnh là hư cấu, là cường điệu, tin vừa thôi! "Văn là người" nhưng lắm lúc người chả giống văn tí nào🤣.
Mình viết tút này là vì thích Từ Hiểu Đông. Hồi nọ có nhà văn Bá Dương viết "Người Trung Quốc xấu xí" đã thích rồi nay có Từ, không nói, không viết mà dùng quả đấm lại thấy thích hơn.
Bá Dương gốc Tàu nhưng không phải người đại lục, tác giả ở Đài Loan, nhưng viết về dòng giống mình như thế là đáng phục! Từ còn trẻ (1979), lại đang sống cùng anh Tập, dám tuyên chiến với ba trò bố láo bịp bợm trẻ con của võ thuật Trung Hoa lại càng đáng phục hơn!
Dám nhìn thẳng vào điểm yếu, cái xấu xí, cái kém cỏi của mình để mà đi lên há chẳng phải là căn cốt của sự phát triển sao? Thích Từ ở chỗ đó, ở sự dũng cảm-sức mạnh tinh thần- chứ không phải sức mạnh của cú đấm.

Đi chơi cùng 12e -2019

Ngắm các bạn cùng lớp cấp III (một số sắp lên bà) cười nói hớn hở, lanh chanh chạy qua chạy lại, chí chóe chọn chỗ chụp ảnh, seo-phì thấy vừa vui vừa ngồ ngộ!
Ai cũng muốn sống lại tuổi thơ mày tao trong sáng, mong tìm về những khoảnh khắc ắp đầy kỷ niệm, nhưng hơn thế, các bạn nữ đang muốn níu kéo, đang chạy đua cùng thời gian khắc nghiệt để lưu giữ những đường nét còn sót lại của tuổi xuân?
Khi trên mặt đứa nào cũng đôi ba nếp nhăn, tóc vài sợi bạc; đứng chụp ảnh lâu là kêu tức thở (vì phải thót bụng cho khỏi xồ ra) thì thời điểm này, bất cứ đâu, hễ có cơ hội, hễ đèm đẹp một tí là ra níu cành me che cành phượng, tự tiện ngúng nguẩy một nụ cười nhờ bác xe ôm chụp giùm một kiểu. Em (còn) đẹp em có quyền😘!
Cái vẻ cuống quýt hối hả giành giật lại vẻ đẹp trong bàn tay hà khắc của thời gian ngẫm cho kỹ thấy tồi tội! Ào cái thanh xuân đã đi qua! Bao nhiêu đầy đặn thanh tú đắp đổi hết cho con cho chồng nên giờ háo hức vồ vập với chụp choẹt, với seo phì là chính đáng. Một chuyến đi, ăn ở chả quan trọng, chỉ là để cùng nhau chụp chung một tấm hình, thế thôi!
Tuổi này thằng nào chả men gan, chả Uric; uống một trận hôm sau người bã ra như chết rồi, biết đấy, nhưng gặp nhau là cạn.
Đồng phục lớp 12e đã chật, chất lượng, kiểu dáng, màu sắc... còn "tâm tư lắm" nhưng đi đâu 12e cũng đòi mặc để tất cả là một, không kẻ giàu người hèn, không ai quê mùa hay người sang chảnh..., tất cả là mày là tao như thuở nào của hơn 30 năm về trước.

7/5 có đôi dòng về Điện Biên Phủ

Giới nghiên cứu đã có cả chục ngàn trang sách về sự kiện Điện Biên Phủ. Mình hậu sinh, bom đạn chả biết tí gì, chỉ có cái nhìn hẹp về vũ khí như thế này.
Trước Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1873, chỉ có 120 lính Pháp do đại úy Garnier chỉ huy với vài chục lính mộ người Việt, người một số nước Châu Á khác đi theo hỗ trợ; cùng 08 khẩu pháo mà hạ thành Hà Nội, do một vị đại tướng của Việt Nam, đại thần khâm sai Nguyễn Tri Phương chỉ huy, với 7 ngàn quân chỉ trong nháy mắt (chưa đến 1 tiếng đồng hồ).
Thành Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương ... cũng rơi vào tay quân Pháp trong vòng một nốt nhạc. Quan quân nghe tiếng súng chạy mất dép!
Chúng ta hồi đó cũng có súng hỏa mai, pháo thần công nhưng thua xa vũ khí của Pháp. Về chiến thuật Pháp đã biết dập pháo từ chiến thuyền (đậu ngoài Sông Hồng) vào thành cho tơi tả rồi mới tấn công. Về hỏa lực bộ binh có sơn pháo bắn một phát thành cái lỗ toang hoác ở cổng thành Cửa Bắc giờ đi qua vẫn thấy. Cho nên việc quan quân nhà Nguyễn sớm thúc thủ là điều tất yếu!
Trở lại với trận Điện Biên Phủ. Nói thật cuối phổ thông mình mới đọc một bài báo chừng 2000 từ của một nhà báo nước ngoài nói về Điện Biên Phủ. Đọc xong mới biết Pháp thành lập cứ điểm này như một cái bẫy để nhử và tiêu diệt hết Việt Minh mà trước đó họ không làm gì được vì chúng ta sử dụng lối đánh du kích. Thế mà học mãi SGK sử của mình không hiểu😟!
Một chiến dịch như của Tướng Giáp là điều họ mong chờ. Họ ngồi đó rung đùi, uống rượu vang, hút xì gà, chờ đợi nghiền nát lực lượng chủ lực của ta.
Điều họ không ngờ tới là ta CÓ VÀ KÉO được các loại pháo hạng nặng, trong đó có cả cao xạ, lên các ngọn núi quanh thung lũng Mường Thanh.
Trên trời máy bay không tiếp tế được vì bị cao xạ không chế, dưới hầm binh lính của Đờ - cát bị pháo trên cao nã đạn xuống, dập cho tơi bời thì chịu sao nổi!
Nói về vũ khí ở VN những ngày đầu thì không thể không nhắc tới Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ).
7/1945 Nhóm Con Nai của Mỹ gồm 7 thành viên nhảy dù xuống an toàn khu kèm theo một số ít vũ khí, trong đó có mấy khẩu ba-zô-ca. Đây là khẩu súng vác vai bắn đạn lõm uy lực duy nhất có thể hạ gục chiến xa lúc bấy giờ.
Con Nai đi rồi, quân giới nhà mềnh bổ ngang bổ dọc khẩu súng, bổ cả quả đạn ra nghiên cứu để chế tạo hàng loạt. Những người thợ quân giới của VN rất khéo tay, làm y chang, nhưng bắn chỉ nổ chứ không xuyên phá.
Có bữa bắn thử đạn rơi tõm sau đít một mế già đang chổng mông cấy lúa. Đạn nổ đùng phát, mế quay lại véo von chửi "cha 5 đời 10 đời thằng bố đứa nào đốt pháo ở đít bà" 🤣
Mãi đến khi cụ Trần Đại Nghĩa, được ăn học tử tế ở Kinh đô ánh sáng trở về thì ông mới truyền thụ những kiến thức căn bản về vũ khí, về thuốc nổ thuốc phóng ... từ đó (1947) ba-zo-ka mới thành công.
Nói như thế để thấy trong chiến tranh vũ khí quan trọng lắm! Hiện nay các quan niệm về chiến tranh, vũ khí... đã đi rất xa rồi. Nếu không có nó và không hiểu biết về nó thì khi lâm trận lại chạy cong đuôi như quan quân nhà Nguyễn cách đây 2 thế kỷ mà thôi!

Nhân "nhà báo quốc tế" nhớ Trần Dần

Hôm nay nhiều trang mạng và báo đưa tin một "nhà báo quốc tế" trở về thăm trường cũ với cái băng rôn (do chính anh í chuẩn bị) với ti tỉ chức danh học hàm học vị.
Đọc xong chả cảm xúc gì, cứ chơi vơi chơi vơi, chả nghĩ gì nhưng nhớ chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết về Trần Dần (trong Bạn văn 1).
Có lần Phùng Quán vỗ vai bọ Lập, khoe với Trần Dần: Thằng này viết văn giỏi lắm anh. Cụ Trần Dần hơi gật, nhìn bọ Lập như như đâm lê rồi thủng thẳng nói: "Văn chương bây giờ thêm được một cái dấu phẩy cho thiên hạ là tốt rồi."
Lần khác bọ Lập đến chơi, cụ Trần Dần vui vẻ khoe, tối qua thức trắng đêm chép đi chép lại bài thơ này... Bọ Lập cầm bài thơ đọc, há hốc mồm. Cái đầu đề bài thơ còn dài gấp đôi bài thơ:
VỢ CHỒNG
Xong.
Thế mà giờ hậu sinh chấm phẩy nhiều quá, chữ nhiều quá, chả biết có khả úy không?
Ảnh: cụ Trần Dần và...

Các trẻ hãy khởi nghiệp!

Khởi nghiệp (Start Up) không còn là từ xa lạ với các bạn trẻ. Nhiều bạn đã thành công từ chỗ bắt đầu bằng những công việc nghe rất... lạ tai.
Cái lạ chính là cái sáng tạo! Các bạn nhìn hình dưới thấy quả bael (Google dịch là quả ba lô) không? Người Thái họ sấy khô đóng túi, để được rất lâu, khách chỉ việc mua về bỏ vào ấm hãm uống.
Còn gói hạt nhỏ như cốm là hạt Methi của Ấn Độ, cũng pha như pha trà, có tác dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm cholesterol trong máu...
Những sản phẩm trên hiện được nhiều người ưu chuộng. Ai đi Thai đi Ấn cũng mua về làm quà. Việt Nam mình có đủ thứ cây trái ngọt lành nhưng cứ vào vụ, được mùa là lo ngay ngáy. Vì thế các bạn trẻ thử làm theo hướng sấy khô- pha nước đi! Quả chanh leo Sơn La có sấy khô hãm nước bỏ thêm chút đường liệu uống đc không?
Hôm rồi lên Yên Bái Tuấn NL và Trịnh Thừa Xuân cho gói táo mèo sấy khô về đun nước uống rất ngon. Sáng uống cà phê Sơn La, chiêu bằng nước quả bael; trưa uống hạt methi kèm nước gạo lứt đỗ đen của phòng Bích Thuỷ; chiều uống nước táo mèo; tối, trước khi đi ngủ ngâm chân nước lá thuốc kèm hai chén rượu 100 vị của người Dao Tuệ Mỹ nên dạo này da dẻ hồng hào, trên 50 rồi nhưng năng lượng căng đầy😜. Hôm rồi mấy bạn nữ VOV 5 lên chơi đứa vuốt tay đứa sờ má, đắm đuối nhìn, hỏi anh spa tắm trắng à. Mình chỉ cười bẽn lẽn! Thôi, tút này thay câu trả lời nhé😊!
Các bạn trẻ VN thông minh sáng tạo chẳng kém ai, lại khéo tay và tiếp thu nhanh nữa. Bởi thế nên bạn nào mê cơ khí có thể chế tạo mấy mô hình + động cơ này bán kiếm bộn tiền. Cái đầu tàu hơi nước (ảnh) bên Anh bán toàn trên 1000 bảng (maidstone-engineering.com).
Hôm rồi đi TQ thấy cậu hướng dẫn viên nói quân nhà ta sang Tàu thì khuân về đủ thứ, trong khi đó khách Tàu sang mình thì vắt óc chẳng biết dẫn họ đi đâu, mua gì.
Chẳng lẽ cứ khuân ngoại tệ sang "nộp" cho các nước mãi à? Mình phải có sản phẩm độc đáo của mình chứ! Các bạn trẻ dư sức làm được, cần gì phải chạy điểm, cần gì cứ phải nâng điểm để lao vào công an quân đội nếu mình không thích?
Rồi cũng hết thời cổ cồn áo trắng lên xe xuống ngựa dựa vào bầu sữa ngân sách. Giá trị con người sẽ được đong đếm bằng việc anh đã làm gì cho xã hội thay vì "đi buôn chổi đót chạy xe ôm" , "làm thúi móng tay" xây biệt phủ...
Mỗi người đều có tài riêng, không ai là không có khả năng, trừ người thiểu năng, chỉ có điều các bạn có biết cách tự khám phá mình, tự tin và sẵn sàng hay không mà thôi!

"Cho tử tù nhai lá ngón"



Hôm nay ngoài chuyện một "minh tinh màn bạc" từ Mã lai trở về thì dân mạng quan tâm tới ý kiến thi hành án tử hình bằng lá ngón của một cử tri.
Sở dĩ có ý kiến này là bởi nghe đâu một mũi tiêm để chích cho một tử tù có giá ... rất đắt?
Năm 1998 mình lang thang vào một trại tù ở Sơn La, nghe lỏm thấy bảo số tử tù đem bắn trong năm cũng phải có chỉ tiêu. Bắn nhiều quá không được (vì liên quan nhiều thứ) nên tụi này tồn kho hơi bị đông. Mà trông coi tử tù thì cơ cực! Ngộ nhỡ nó sổng một phát là chết cả nút!
Những ngày chờ đến lượt mình lên thớt là những ngày sợ hãi và kinh hoàng nhất của tử tù nên họ quậy phá, chửi bới và bất hợp tác; họ sợ tới mức ai cũng mong một buổi sớm mai cán bộ trại khe khẽ gọi tên mình.
Án tử hình và thi hành án tử hình là bí mật quốc gia, tôi không biết nhưng đoán thời đó ít án tử, đòm phát xong mà còn tồn kho thì thời nay số tử tù chờ chết chắc đông hơn, tiêm thì tốn kém quá!
Đúng là phải tìm cách khác chứ đất nước còn nghèo mà chơi sang kiểu này, chết dân! Lá ngón cũng là một cách nhưng hình như chén món này vào thì trước lúc ra đi cũng đau đớn lắm! Lá ngón còn có tên đoạn trường thảo, nghĩa là đứt ruột?
Có anh chị nào là bác sỹ, công an cung cấp thêm thông tin về việc này, tôi ở vùng cao một thời gian thấy nạn nhân của là ngón miệng thường sùi bọt trắng, xung quanh chỗ nằm có nhiều dấu hiệu cào cấu, quẫy đạp, lăn lộn chứng tỏ rất đau đớn.
Pháp luật của ta nhân đạo nên tránh những biện pháp tàn bạo, gây đau đớn cho tử tù chứ không thì tái sử dụng máy chém của ông Diệm hoặc chích điện thì rẻ bất ngờ!
Vì thế giải pháp lá ngón xem ra khó được thông qua nhưng nó sẽ là phát súng mở màn gợi mở cho các biện pháp tiếp theo.
Lá ngón ở chỗ mình nhiều lắm! Người ăn 3 - 4 lá có thể tử vong nhưng đây là món khoái khẩu của lũ dê, chén đẫy bụng mà chẳng hề hấn gì.
Người Thái trên này coi pịa dê đứng đầu trong tất cả các loại pịa có lẽ cũng vì dê ăn lá ngón mà không chết, vì thế mình phải ăn cái chất trong ruột của nó để tạo sức đề kháng cho mình.
Quay trở lại cách loại bỏ một tử tù ra khỏi đời sống xã hội. Cư dân mạng sáng tạo ra 1001 cách tử hình nhưng vì tính nhân đạo XHCN và để phù hợp với xu thế thi hành án tử hình trên thế giới nên chúng không có tính khả thi.
Xưa nay mấy anh chị chán đời thất tình hay uống thuốc ngủ tự tử, ra đi rất nhẹ nhàng, sạch sẽ thế sao các bác không áp dụng hình thức này nhỉ? Không như thuốc độc dạng tiêm đang dùng, thuốc ngủ có bán trên thị trường, rất rẻ.
Đánh cược với các bác nếu cho chọn thuốc độc hay thuốc ngủ thì đám tử tù vồ lấy bọc thuốc ngủ nhai ngấu nghiến. Đơn giản vì thuốc ngủ ít nhiều họ cũng hình dung được còn thuốc độc ai biết tiêm vào nó thế nào😟.
Nói thật, xem xét cho thấu đáo thì thi hành án tử theo hình thức nào cũng khó lắm đấy! Cho anh chị 10 triệu có dám tiêm đủ 3 mũi thuốc cho tử tù không?
Thôi, trong lúc chờ quyết định có dùng lá ngón hay không mời các bạn xem vườn ươm lá ngón của mình ở Sơn La, ảnh dưới nhé ! Hy vọng vùng nguyên liệu lá ngón này đủ cung cấp cho cả 3 miền🤪.

Nhớ nhà thờ Ba Chuông

Nghĩ lại thấy lạ! Hồi nhỏ học vỡ lòng, lớp 1 ở trường làng thì hay tá túc nơi đình chùa. Chùa Thanh Am- Đông Linh Tự ( Long Biên- Hà Nội) chính là nơi tôi bập bẹ những con chữ đầu tiên.
Thời đó xây được trường rồi nhưng xây trên khuôn viên của chùa. Sau 1975 (chính xác hơn là trước đó) chùa bị lép vế, cám cảnh lắm, toàn bị trưng dụng thành kho, sân kho hợp tác xã.
Sau đó theo bố biệt phái vào trong Nam thì nơi ở và nơi làm việc của bố ngay cạnh Nhà thờ Ba Chuông (Giáo xứ Thánh Đa Minh, đường Trương Minh Ký) nên rất hay sang đó chơi, ngước nhìn những bức tranh kính lung linh huyền ảo, sớm chúa nhật hay ngó ra đường ngắm những tà áo dài trắng thướt tha đi hành lễ.

Còn học thì ở Trường cấp II Chí Linh, nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Tân Hòa (Phú Nhuận). Thực chất đây là trường dòng hay tu viện gì đó của nhà thờ nhưng được trưng dụng thành trường phổ thông.
Giờ nghỉ giữa tiết, tôi vẫn thường đi ngang qua sân rộng để vào Nhà thờ Tân Hòa chơi, tò mò vểnh tai nghe xưng tội; nhiều đứa nghịch ngợm không giải được toán, ma lanh, toàn sang nhờ các cha làm giúp.
Mấy năm trước có vào thăm lại những nơi này nhưng đều đã được xây mới. Thú thực tôi không thích lắm nên không vào, sợ tiếp tục đụng phải những sự thật phũ phàng hơn đành quay gót, vừa đi vừa tìm về những kỷ niệm.
Tuổi thơ của tôi gắn với nhà thờ như vậy nên tôi có tình cảm đặc biệt với những công trình kiến trúc tôn giáo. Đó cũng là lý do vì sao tôi muốn lưu giữ lại vẻ đẹp hơn 130 năm tuổi của Nhà thờ Bùi Chu mà tôi viết ở các tút trước.

Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu hạ giải!

Bảo tồn và phát triển dường như luôn có sự mẫu thuẫn không đội trời chung, chúng như hai cực của nam châm, kiên quyết không thèm hợp tác và nhìn mặt nhau?
Chúng ta luôn muốn có một Bùi Chu hơn 130 năm tuổi với rêu phong cổ kính, những mái vòm bằng vôi rơm mềm mại điệu đà, những chân cột đá tinh tế, những hoa sắt cửa sổ được đúc đậm chất Tây phương... nhưng nhiều người lại muốn một Bùi Chu hoành tráng, mới mẻ, tinh khôi và an toàn cho bà con giáo dân khi hành lễ...
Làm thế nào để thỏa mãn cả hai nhu cầu đó là bài toán cực kỳ khó không chỉ ở ta mà tây cũng thế thôi.
Tôi không trong ngành bảo tồn nhưng biết để giải bài toán trên ngoài việc nhà thờ và chính quyền cùng chụm đầu, xắn tay tham gia thì còn phải có kiến thức và có nhiều tiền.
Và nói thực, có rất nhiều công đoạn trong việc phục dựng những công trình cổ như Nhà thờ Bùi Chu cần những người thợ lành nghề, có tâm mà hiện nay bói cũng không ra.
Thời buổi công nghệ robot vẽ được tranh, làm được thơ, in được bộ phận cơ thể người... nên hoàn toàn có thể sao chép được nguyên mẫu nhưng không bao giờ sao chép được vết thời gian của hơn 130 năm qua với bao biến cố thăng trầm của nước Việt, của cộng đồng công giáo Bùi Chu.
Ở Nhật Bản khi trùng tu một ngôi chùa cổ người ta thấy có một thanh xà gỗ bị mối mọt mất 1/3 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu chịu lực. Thế là những người thợ bèn róc, khoét phần mọt mối, cấy vào phần khuyết đó bằng đoạn gỗ tốt, kiên quyết giữ 2/3 thanh xà xưa cũ.
Xem phim ảnh chúng ta biết Nhà quốc hội Đức bị phá hủy nghiêm trọng như thế nào năm 1945! Vậy mà sau đó Đức vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng.
Nhiều người cho rằng nên quên hẳn quá khứ của phát xít và của chiến tranh đau thương hiện diện ở tòa nhà này nhưng người Đức thì không nghĩ vậy. Xen lẫn các mảng tường được xây mới do bom đạn, họ giữ nguyên các mảng tường cũ với chi chít lỗ đạn cùng bút tích "check in" của hồng quân Liên Xô và đồng minh.
Đạo Công Giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI-XVII nhưng đã có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, chính trị, xã hội nước ta.
Tôi nghĩ lịch sử 500 năm của Công giáo ở VN và 5000 năm của dân tộc Việt sẽ được kể nhiều hơn từ những tháp chuông rêu phong, những bậc đá mòn dấu chân con chiên ngoan đạo hơn là những thước phim, những tấm ảnh và những con chữ vô hồn lạnh lẽo trong trang sách.

Tiêu hủy hàng giả thế phí nhỉ?



Hôm nay đọc báo thấy Lạng Sơn tiêu hủy hàng trăm đôi giày, điện thoại di động và một số mặt hàng giả hàng nhái khác. Cách thức là đốt, nhân viên mỗi người cái búa, mỗi điện thoại táng cho một búa😂.
Nhiều ý kiến cho là lãng phí, sao không để những chiếc điện thoại di động và những đôi giày đó cho nhân dân vùng sâu vùng xa.
Thực ra phương thức tiêu hủy hàng nhái hàng giả như thế nào là tối ưu hiện vẫn làm đau đầu những nhà quản lý.
Tiêu hủy hàng giả được hình thành như một phương tiện để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ , giúp ổn định và làm thị trường lành mạnh…, nhưng thực sự ngày càng xuất hiện nhiều mối lo ngại về tác động môi trường.
Mục tiêu chính trong việc xử lý hàng giả là đảm bảo chúng bị loại bỏ khỏi tất cả các kênh thương mại.
Các lựa chọn xử lý hiện tại bao gồm tái chế, đốt ngoài trời, băm nhỏ, nghiền nát, chôn lấp và quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, các phương pháp được áp dụng phụ thuộc vào bản chất hàng hóa cần xử lý cũng như sự sẵn sàng của hệ thống hạ tầng của địa phương
Đạt được mục tiêu này là một công việc ngày càng tốn kém và phức tạp về mặt kỹ thuật.
Thực ra theo phương thức phá, đốt, chôn … được tổ chức ồn ào dươi sự chứng kiến của báo giới và dân chúng cũng có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa, răn đe, giáo dục…, nhưng để tuân thủ và đạt các tiêu chuẩn môi trường là cực khó.
Cách đây chục năm mình với Giàng Seo Pùa chơi chợ Bắc Hà thấy nhan nhản thuốc trừ sâu Tàu nhập lậu qua biên giới. Hỏi lãnh đạo địa phương thì họ lắc đầu, nói giờ thu thì chứa vào đâu, tiêu hủy kiểu gì. Khó!
Các biện pháp đốt, chôn, đập, nghiền… hàng giả hàng nhái các bác biết hết rồi. Ở đây mình bàn tới tái chế và đem cho.
TÁI CHẾ (Recycling).
Trước hết phải nói về khung pháp lý quốc tế. Xử lý hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được nêu trong Điều 46, Thỏa thuận về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS), do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ban hành.
Nội dung ra sao mình đếch đọc được Inh-Ních (English) nhưng Việt Nam vào WTO rùi, phải tuân thủ.
Mặc dù không phải tất cả hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể tái chế, đặc biệt những hàng hóa có chứa chất độc hại nhưng cách tiếp cận này giảm thiểu hậu quả tiêu cực về môi trường trong khi vẫn tuân thủ các yêu cầu cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm giả đó không xâm nhập vào các kênh thương mại.
Nó cũng cung cấp việc làm cho xã hội. Tuy nhiên để làm được đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý thị trường và các đơn vị tái chế. Và đôi khi cũng rất tốn kém! Ví như một bảng mạch điện tử trong đó có thành phần bằng hạt ngô nhưng cực độc, chi phí để bóc tách chúng ra trước khi tái chế là bao nhiêu nhỉ?
ĐEM CHO (Donations)
Chuyển hàng giả hàng nhái về các cơ quan phúc lợi xã hội để sử dụng cho mục đích từ thiện nhân đạo là phương pháp xử lý lý tưởng và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ khả thi khi sản phẩm ấy phải an toàn cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn, không gây nguy hiểm…(má ơi, ai biết những cái Iphone Tàu kia không nổ bất thình lình)
Các bước cũng cần thực hiện phù hợp với Thỏa thuận TRIPS để bảo vệ quyền của chủ sở hữu trí tuệ, tránh bất kỳ tổn hại nào cho thương hiệu của họ.
Ví dụ như giầy nhái NIKE thì ngồi bóc sạch nhãn mác này, thay vào đó từ “NỰNG”🤣. Mất công lắm!

Su 22 trượt khỏi phi đạo

Nhân chiếc Su 22 vừa trượt khỏi phi đạo ở Yên Bái lại buôn với các cụ về máy bay.
Nhà mình gần đường tàu lên phía Bắc nên rất mê hoả xa, gần sông Đuống nên mê những cánh buồm, gần sân bay Gia Lâm nên sinh ra đã nghe tiếng máy bay gầm rú. Lớn lên lại được học phổ thông cùng bạn Việt có bố là bác Doạt, thế hệ phi công đầu tiên nên càng kích thích niềm đam mê máy bay.
Thuở nhỏ chỉ moi đất sét ở hố bom nặn đúng hai thứ : xe tăng và máy bay. Đi chăn trâu, mỗi khi máy bay bay qua là ngửa cổ nhìn theo mê mẩn, trâu ăn lúa lúc nào không hay!
Trước đây sân bay Gia Lâm còn cất hạ cánh cho cả Mic 21. Hình như 78-79 Su22 mới nhập về cũng tập luyện ở đây? Máy bay chiến đấu bay theo đội hình- biên đội nên lên xuống liền một lúc nhiều chiếc. Mỗi lần hạ cánh thì ở ngay trên đỉnh đầu, tiếng động cơ gầm rú như xé tai.
Khi đó cả hội con trai con gái đang thả trâu đồng loạt tụt quần chổng mông vỗ ben bét về phía máy bay. Đứa nào cũng hồ hởi phấn khởi tin tưởng khoe chú phi công nhìn thấy mỗi mông mình 😂
Mình được đi máy bay lần đầu tiên năm 1979. Lúc đó đang cùng bố biệt phái trong Sài Gòn. Thường thì đi hoả xa về Bắc nhưng lần đó xin đi nhờ được máy bay quân sự.
Má ơi! Chiếc máy bay vận tải quân sự không nhớ chủng loại - hình như An26 - phải nghỉ để tiếp dầu ở Đà Nẵng, chẳng có ghế gì cả nên hai bố con ngồi bệt xuống sàn. Chắc mấy ông phi công này vừa lái tiêm kích, cường kích hay sao mà các bố ấy hạ độ cao đột ngột kiểu rơi tự do khiến hậu môn co rúm lại, cảm giác hẫng đến rợn người. Chả có giảm áp giảm eo gì cả nên điếc đặc, bố phải phải hét vào tai mình chấn an, nói các chú ấy tránh đám mây cho khỏi xóc😟.
Xuống sân bay Gia Lâm mình thở phào, đúng là như đánh vật, không bằng cưỡi trâu. Thế mới khâm phục sức khoẻ và thần kinh của phi công chiến đấu !
Ở gần sân bay nên ít nhất 2 lần chứng kiến máy bay gặp nạn. Lần 1 là chiếc phi cơ dân dụng ủi vào đường tàu, sát đường 5; lần 2 là phi cơ huấn luyện 2 chỗ ngồi đang lấy độ cao rồi thực hành bài bổ nhào bay khoan thì thấy tiếng động cơ im bặt, cắm đầu ục phát xuống ruộng, xịt khói ra đít. Thi thể hai phi công bị vùi sâu gần chục mét.
Chắc độ cao thấp quá nên 2 anh không kịp bung dù? Mà nếu bung dù thành công, lành lặn thì cứ xác định chuyển công tác làm dưới mặt đất, còn tiếp tục bay thì hơi khó!
Khối thuốc phóng (thực chất là động cơ tên lửa) đặt dưới đít nổ một nhát để bắn tung người + ghế lái lên không trung sẽ tác động một lực lớn, đột ngột vào cột sống phi công nên rất dễ bị chấn thương. Nó phọt lên với tốc độ >1300Km/h cơ mà, lực gia tốc trọng trường tác động lên phi công cực lớn!
Ai không tin cứ phỏng vấn đ/c phi công lái Su 30 MKII bị rơi ở biển Nghệ An cách đây 3 năm mà xem, ối chuyện hay!
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là đi Mi- 171 ra Trường Sa. Anh tư lệnh nói thủ tướng cũng chỉ đi loại này. Đây là loại hiện đại nhất VN có! Gớm chết chết, nóng bức ngột ngạt sặc sụa mùi xăng dầu, như ngồi công nông đầu dọc. Tởn đến già! Chuyến đi này có nhiều sự biến nhưng lúc này kể chưa thích hợp. Mình sẽ dành 1 dịp khác.
Không phải chê! Nói vậy để thấy phi công chiến đấu bay lượn trên trời cũng chẳng sung sướng gì! Không biết phi công Su22 gặp sự cố ở Yên Bái có sao không chứ bung dù khi máy bay đã tiếp đất khá nguy hiểm! Liều phóng đc tính toán để phi công đạt độ cao tối thiểu nhưng đôi khi dù không bung kịp thì phi công đã rơi nằm cỏng queo dưới đất. Còn bung ở trên không thì hoá ra máy bay tự hạ cánh đc à, cũng tài😎!