Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Cảnh chui túi ni lông qua suối đã lui về quá khứ


Hôm đọc tin của trưởng bản Vừ Bình Giống về cây cầu này đã mừng, hôm nay các bạn VOV Tây Bắc có bài về nó càng mừng hơn.


Mình chân ướt chân ráo lên Tây Bắc nhận nhiệm vụ được vài hôm thì xảy ra 2 vụ:
Vụ thứ nhất: Tai nạn giao thông khiến 13 người tử vong ở Tam Đường-Lai Châu. 9h15 (15/9/ 2018) xảy ra tai nạn thì hơn 10 giờ VOV.VN đã lên những hình ảnh đầu tiên.
Phóng viên ở Lai Châu có mình Kiên, quá mỏng so với mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Nguyễn Kiên yêu cầu chi viện gấp. Anh Thọ (PGĐ) xin ý kiến, mình đồng ý cho xuất phát một đội gồm cả truyền hình, do Tho Phạm dẫn đầu, khởi hành từ Sơn La tức tốc chạy lên hiện trường.
Vụ thứ 2: Chui túi nilong qua suối để đi học ở Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) 9/2018. Bài vừa xuất bản trên vov.vn thì nhiều đồng nghiệp gọi và nhắn tin khuyên nên thận trọng, cảnh giác... Sau đó lại có các bài phản biện từ một số báo, đại khái nói việc đó không có thực.
Mình vừa lên, mới có mặt tại trụ sở ở Sơn La, còn chưa biết mặt Vũ Lợi (Nấm Chân Dài) - tác giả - vì bạn này "cắm" ở Điện Biên, bèn gọi Tuyết Lan, lúc đó là Trưởng phòng Phóng viên, hỏi:
- Em có chắc tin tưởng phóng viên của mình không?
Lan nói "em tin". Mình bảo chắc tin thì làm tiếp! Sau đó có thêm sự hỗ trợ, tư vấn của anh Đoàn Quang, người tiền nhiệm, nên càng vững tâm.
Hôm nay cây cầu cho học sinh và thày cô ở Huổi Hạ đã thành hiện thực. Mừng quá! Cảm ơn các bạn VOV Tây Bắc và đồng nghiệp TTXVN ở Điện Biên.

Cay phượng bị chặt và câu chuyện thẳng-gù

https://vov.vn/blog/cay-phuong-bi-chat-va-cau-chuyen-thanggu-1058125.vov

Vì sao vụ cây phượng trong trường học lại đến mức “thảm khốc” như thế? Được bao bọc chở che trong khuôn viên của kiến thức và văn hóa, của nhân văn và bác ái, nhẽ ra những cây phượng phải được hưởng phúc phận, đằng này không.

Một vài lĩnh vực trong xã hội đã và đang nhắm mắt nhắm mũi lao về phía trước, khước từ văn hóa kế thừa, không đếm xỉa đến quá khứ…, giờ lại thấy hình ảnh ấy trong nhà trường.


Đập! Phá! Bỏ! Một âm tiết gọn lỏn, ai đó nói nhẹ hều và thực hiện trong vòng “một nốt nhạc” nhưng để gây dựng nên chưa bao giờ là ngày một ngày hai. Cái cũ được đổ chung vào một đống gọi là lạc hậu và tàn dư, không thể chấp nhận và quyết không dùng lại.

Thêm một lần nữa chúng ta thấy sự quá tả trong một hoạt động có chút liên quan đến giáo dục. Những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người có lẽ không khó để liệt kê các sự việc tương tự diễn ra trong ngành thời gian vừa qua.

Trong những ngôi trường, nơi cây phượng đau đớn bị hạ cành chặt ngọn không thương tiếc có những người thầy đáng kính, trí tuệ hơn người, sự bao dung cũng hơn người. Những bài học căn bản về thực vật học và thổ nhưỡng… các thầy thuộc nằm lòng. Thế thì tiếng nói của họ ở đâu? Đã ai cho họ cái quyền được quan tâm và có trách nhiệm đến cây cối hay chưa?

Ngoại trừ chính quyền Đà Nẵng phản ứng với việc cắt cụt vô tội vạ cây phượng trong sân trường, chưa thấy giáo viên lên tiếng phản đối, kể cả đồng tình. Hy vọng là có dù yếu ớt, lẻ loi và đơn độc!

Người thầy có thể đứng hàng giờ trên bục giảng nói về phản biện, về tư duy phê phán nhưng rất có thể chính thầy là người “quên bài” nhanh nhất khi cánh cửa phòng học khép lại phía sau và trước mặt là cuộc sống xô bồ, quay quắt với mưu sinh, nhiều lúc buộc phải thận trọng, cảnh giác và giữ miếng. Sự thẳng thắn, bộc trực của một vài giáo viên từng phải trả giá. Đó là gương tày liếp chắc chả ai quên.

Nếu một ngôi trường nào đó cởi mở và dân chủ cho họ thoải mái biểu đạt tâm tư nguyện vọng thì chương trình học nặng nề có thể đã ghì họ xuống đống bài vở mênh mông, chả còn thời gian cất đầu lên quan tâm tới hồng tới phượng.

Nhưng sợ nhất tiếng nói của người thầy bị đánh cắp hoặc bị thủ tiêu. Họ biết cả, chắc chắn thế, nhưng hoặc là không ai hỏi, hoặc không dám, không còn hứng thú để chủ động nêu ý kiến.

Hiệu trưởng kêu chặt là chặt? Trưởng phòng giáo dục lệnh chặt là chặt? Sở đánh giấy về quyết định chặt là chặt?

Viết tới đây bỗng nhớ câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên - Cựu Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hòa Bình, trước toà trong vụ xử gian lận điểm thi. Bà bảo "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

“Gù” là không bình thường, là khuyết tật nhưng một số người đã huờ theo, thoả hiệp. Ở nơi dạy cho người ta biết đâu là “gù” đâu là “thẳng”, đoạn tuyệt với “gù” để cương quyết đến với “thẳng”, thì giờ đây biến hết hoặc đe dọa biến hết thành “gù”.

Cuộc sống trong một xã hội văn minh được điều chỉnh bằng luật pháp và các chuẩn mực xã hội. Thế nhưng “gù” lại trở thành một thứ “luật lệ” thay thế luật pháp, thế chỗ cho các chuẩn mực xã hội và chuẩn mực đạo đức. Sự thẳng thớm nếu có bỗng hóa trò cười, có khi còn bị đem ra gièm pha, giễu cợt.

Một số không nhỏ đã liên minh với “gù”, ngả về phía đám đông. Dẫu thừa biết đám đông đấy là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân nhưng ở một vài nơi phải chăng không có chỗ cho vẻ đẹp đứng một mình? Phải chăng trong vụ chặt phượng, người “thẳng lưng” đã hóa hết thành “gù”?

Câu nói của bà Liên không thể “phủ” lên tất cả giáo viên. Không phải ai cũng chấp nhận “gù” như chỗ bà hoặc như bà nói. Họ không huờ theo đám đông nhưng rất có thể họ đã giữ im lặng để yên ổn mưu sinh và không muốn bị đẩy ra khỏi guồng máy.

Trong vụ chặt vô tội vạ cây phượng lỗi không hẳn thuộc về các thầy, nhưng dư luận và các bậc phụ huynh rất muốn được nghe tiếng nói cất lên từ các thầy, để ít nhất một lần thấy nơi đền đài tri thức ấy vẫn luôn luôn và mãi mãi có những khát vọng “thẳng” trong đám đông rất nhiều “gù”./.  

Bàn phím của anh Hiếu

Đây là chiếc bàn phím của anh Hiếu Trung, Báo Điện tử VOV (VOV.VN). Cái phím space bar dầy như thế mà...


Hôm nay VTV1 sang quay tôi giật mình thon thót mỗi khi họ lia máy về phía ...bàn phím của anh í😬.

Báo nghèo thì nghèo thật nhưng cũng cố bán thóc bán lợn tậu cho anh í cái bàn phím mới nhưng vấn đề ở chỗ anh í không thích. Hỏi vì sao anh í không thích anh ấy nói vì anh ấy không thích.

Hôm rồi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) kêu gọi ai có hiện vật bổ sung vào Phòng Truyền thống VOV. Nhiều lắm, chiếc bàn phím này của anh Hiếu là một ví dụ.

Nó làm tôi nhớ tới những phím bấm trên máy ở các studio chỗ chị Hang Vov, dù máy chuyên nghiệp, phím bấm bằng nhựa chắc chắn, song với số giờ thu âm khổng lồ như ở VOV thì cũng đều bị mòn vẹt. Những phím bấm ấy thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi? Đi qua bao số phận? Chứng kiến bao vui buồn?

Hiếu ơi cứ dùng cái bàn phím cổ kính ấy đi em! Rồi anh sẽ gom tất cả các phím mòn vẹt ấy lại, xếp thành địa chỉ báo mình: VOV.VN. Phía dưới nên viết cáp-sần như thế nào nhỉ?

100 năm nữa hàng ngàn người sẽ xếp hàng trước 37 Bà Triệu chỉ để xem mỗi hàng chữ VOV.VN xếp bằng phím bấm mòn một nửa của em😄.

Cái móc đeo chìa khóa

Để ý một số thanh niên ưu tú của chúng ta có một thứ trang sức rất đặc biệt. Gọi tên chính xác rất khó, công năng của nó là trang sức hay công cụ cũng chưa rạch ròi. Đấy là cái móc đeo chìa khóa, móc vào con đỉa thắt lưng quần, đeo tong teng bên hông.


Gọi chùm chìa khóa chưa đúng vì ngoài chìa còn có cái đón gót (để đi giày), bấm móng tay, nhíp nhổ râu, dao nhíp, thậm chí có cả dụng cụ… ngoáy tai.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc có những giai đoạn chúng ta có rất ít bằng chứng về y phục và trang sức. Tìm trong cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”, tác giả Phan Cẩm Thượng, thấy người Đông Sơn (cách nay 2000-2500 năm), đàn ông đã sử dụng trang sức rồi.

Có những giai đoạn gương lược bên mình không phải là độc quyền của chị em mà của cánh mày râu, vì chị em ít phải đi ra đường hơn nam giới. Trâm cài đầu hay xăm trổ cũng là một loại trang sức của đàn ông.

Thời trước đàn ông hay bọc răng vàng. Chắc không phải vì bệnh lý về răng mà là để trang sức? Thời tôi còn làm việc ở Tây Bắc rất muốn anh em làm phóng sự về bọc răng vàng của người Mông nhưng tìm khó quá, người Kinh thì thất truyền rồi.

Có lẽ do biến đổi khí hậu, thiên tai dữ dội, anh em sợ chưa kịp nở nụ cười khoe răng vàng lấp lánh trước hot girls thì sét đánh đùng phát, lăn quay, mồm nghi ngút khói, răng vàng văng mẹ hết ra ngoài😝.

Đùa tí! Quay lại cái móc đeo chìa khóa thần thánh của anh em. Trong xã hội có hai loại công việc sở hữu nhiều chìa khóa nhất là chị thủ kho và ông cai ngục. Chùm chìa khóa của họ có thuộc tính nghề nghiệp và chuyên môn, còn móc chìa khóa đeo hông của anh em chủ yếu cho tiện, khỏi rơi, tập trung một chỗ cho khỏi quên. Đeo miết thành quen! Không có nó bên hông, không thấy nó đung đưa, không nghe nó kêu lóc xóc, lách cách là nhớ, là như thiếu một cái gì đó.

Những lúc rỗi rãi thò tay lấy cái bấm móng ra tỉa tót, hết tay thì co chân lên xử lý, rồi dũa móng cho gọn gàng; cắt móng xong chuyển sang mục ngoáy tai. Vừa trà lá cà phê chuyện trò ba láp với bạn bè vừa ngoáy tai, tôi cam đoan không có gì thú vị và… vô duyên bằng😡.

Thằng ngoáy cứ ngoáy thằng nói thằng hỏi cứ nói cứ hỏi. Nó nói nó hỏi gì mình cũng “ừ” rồi bảo “thế à, thế à”; nó điên tiết chửi “tổ sư mày” mình cũng nói “thế à”. Đến đoạn nhổ râu thì đỡ hơn vì khả năng nghe – hiểu được cải thiện.

Tôi nghiệm ra đàn ông, con cháu vua Hùng, làm mấy việc sau với sự tập trung cực kỳ cao độ. Đấy là ngoáy tai, nhổ râu và làm tình. Giá như chỉ cần san một nửa sự tập trung ấy cho công việc thì phát hiện quả táo rơi không bao giờ thuộc về lão Newton ở cái xứ khỉ ho cò gáy nào đó mà mặc định thuộc về anh em chúng ta - “từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” .

Nay mai thôi, khi cảm biến nhận diện và số hóa trở nên phổ biến thì cái móc đeo chìa khóa cùng một mớ phụ kiện rẻ rách kia sẽ lùi vào dĩ vãng, con cháu chúng ta sẽ chỉ được "chiêm ngưỡng" trong bảo tàng di vật người Việt cổ thế kỷ 21.

Nhưng ngẫm kỹ thấy đàn ông chúng mình khổ anh em ạ! Đeo một mớ trên người thực ra là tận dụng từng chút thời gian nhàn rỗi để chau chuốt, để gia công vẻ đẹp của mình, cũng là để ra vẻ ta đây có quyền lực. Tại sao không dám một lần chơi lớn hả anh em?

Râu có người nhổ,

móng có người cắt,

tai có người ngoáy…

Tại sao không?

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Buông bỏ và bao dung

https://vov.vn/blog/buong-bo-va-bao-dung-1062637.vov

Tầng 10 của một tòa nhà văn phòng được bố trí làm nhà ăn. Sạch sẽ! Ngăn nắp! Thuận tiện! Thiết kế tối giản và tính toán kỹ đến công năng.

Cung cách phục vụ văn minh với xu hướng phục vụ từng cá thể độc lập. Xếp hàng! Mỗi người một khay. Đi hàng một. Tự chọn thức ăn. Cuối cùng là bàn tính tiền. Của ai nấy trả. Ăn xong tự đem khay xếp vào vị trí quy định.

Tôi cầm khay cơm đến một góc xa, nơi còn nhiều ghế trống và có thể phóng tầm mắt ngắm thành phố. Một không gian đẹp. Một bữa trưa “rất công chức”, “rất Tây” khiến tôi vui,  nhìn xung quanh với vẻ mặt ngời lên niềm kiêu hãnh trẻ thơ, dù nhà ăn không phải của cơ quan mình.

Đang phơi phới trong lòng thì một thanh niên cao lớn tiến tới bàn bên cạnh, quẳng khay cơm nghe cạch một tiếng khô khốc. Định bụng nhìn mấy quả cà và  nước mắm trên khay cơm của anh ta có bị bắn tung lên sau cú va đập đầy hờn dỗi ấy không nhưng tôi kịp cụp mặt xuống khi thấy anh ta ném cái nhìn đầy thù hận về phía mình.

Chắc mình ngồi vào vị trí quen thuộc của anh ấy? Chắc mình là người lạ? Thời buổi này người lạ luôn bị cảnh giác như thế! Không thể bắt người ta phải thiện cảm với người lạ... Tôi cố  suy nghĩ tích cực để làm dịu tình hình, lấy lại vẻ đẹp và hình ảnh mơ mộng ban đầu.


Tình hình càng tồi tệ hơn khi anh ta nhổm dậy thò tay giật phăng tờ giấy ăn trong hộp trước mặt tôi. Cú giật làm tôi nhớ tới thao tác của nhà ảo thuật lúc giật cái khăn voan mỏng khi diễn trò trên sân khấu. Dứt khoát và không khoan nhượng, nó có cả “dự lệnh” và “động lệnh” được thể hiện ở cái hất cổ tay rất dẻo nhưng quyết liệt về phía tôi như để lấy đà rồi giật mạnh về phía anh ta.

Lần này thì tôi không dám ngước lên mà chỉ cắm cúi vào khay cơm, bởi khi người ta đã tỏ thái độ gằn hắt như thế thì bất cứ động thái gì cũng khiến họ nổi đóa.

Tôi chăm chăm nhìn vào hộp giấy. Nó đủ nặng để không phải giật mạnh mà vẫn ở nguyên vị trí. Nó cũng không thuộc sở hữu của riêng tôi. Anh ta hoàn toàn có thể lấy cả hộp giấy về phía mình.  

Chắc anh ta vừa bị sếp mắng hoặc có chuyện bực mình. Ai cũng vậy, kiểm soát bản thân chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng phán đoán đấy của tôi sai vì vừa ăn anh ta vừa hỉ hả chuyện trò với một bạn mới đến. Vậy vì lẽ gì anh ấy tỏ thái độ căng thẳng,  lạnh lùng như thế với một người lạ như tôi?

Hình như nhiều người cứ bước ra khỏi nhà là có tâm trạng bất an, nghĩ mình sắp bị tấn công nên buộc phải gồng lên, xù lên cho thật gớm ghiếc, dữ tợn để thị uy, để át vía, chiếm thế thượng phong hòng dằn mặt đối phương, rất giống những hành vi thuộc về bản năng sinh tồn của thế giới động vật hoang dã.

Tôi nghĩ những hành vi hùng hổ như vậy phần lớn chỉ cốt che đậy sự yếu ớt và thiếu tự tin của bản thân.  Họ cứ cương lên để khỏi bị… bắt nạt.  Ám ảnh bị bắt nạt là có thật với nhiều người Việt khi đi ra khỏi nhà.

Hoặc cũng có thể người ta luôn cảnh giác, nhìn đâu cũng thấy tăm tối xấu xa nên trang bị sẵn thái độ lạnh lùng và giữ khoảng cách nhất định với người lạ để đề phòng, để thủ thế. Với vẻ mặt và những hành động dữ tợn như thế, họ muốn truyền đi thông điệp “Đừng đụng vào tôi!”

Thái độ như vậy nói lên thực tế rằng những mảng sáng, những điều nhân nghĩa trong xã hội còn hiếm hoi và người hiền lành thường chịu thiệt thòi, hay bị bắt nạt.  Song nếu ai cũng xù lên như thế thì chỉ làm tình hình tồi tệ đi, cuộc sống thêm nặng nề, căng thẳng, thậm chí xung đột chực chờ nếu hai bên không kiềm chế. 

Do vậy tôi tự nhủ nếu gặp ai đang cố sức phùng mang trợn má thì hãy nghĩ rằng, thật ra họ đang lo lắng bản thân bị bắt nạt, họ đang sợ bị mất mát cái gì đó. Chính vì thế cần có hành động để họ hiểu mình không phải mối đe dọa, không hề và không thể gây hại.

Cố tìm những lý giải tích cực để giải thích và trả lời cho những hành vi tiêu cực họ đang làm.  Cố nhuộm hồng những hành vi màu xám bằng một lời cảm ơn, một nụ cười, một cái gật đầu, một việc làm thể hiện sự hợp tác…

Chấp nhặt và thù địch, buông bỏ và bao dung là hai cách ứng xử trước một sự việc trong cuộc sống. Cố chấp chỉ làm cuộc sống thêm tối tăm lạnh lẽo còn hào sảng, buông bỏ sẽ mở ra cả một trời ấm áp lung linh. Chả biết có siêu hình, có AQ không khi nghĩ vậy nhưng khi chưa làm được gì để mọi việc khá hơn thì tôi chọn cách để nó không thể tệ hơn được nữa: Buông bỏ và bao dung!./.


Dưa rau muống

Nhìn chung người miền Nam rất ít ăn rau muống. Người miền Tây chắc cũng vậy! Tuy nhiên 2 năm 2 tháng thường trú ở miền Tây Nam Bộ, lê lết đi ăn nhiều quán cơm sườn, cơm bụi, cơm bình dân... thì tôi thấy chỗ nào cũng có món dưa rau muống.


Rau muống tuốt lá chỉ lấy cọng to, ngắt dài độ hơn ngón tay bỏ vô "muối". Nói là "muối" nhưng ăn có vị nộm chua nhiều hơn vì trong này cho đường nhiều hơn muối.

Trưa nay nhờ gọi hộp cơm, vẫn được miếng dưa rau muống, ăn nghe giòn sần sật 😆

Mấy món ngon ở Cần Thơ

Vô Cần Thơ chưa ghé mấy quán bình dân này coi như chưa tới Cần Thơ!

Sáng ăn mì vịt tiềm trong hẻm người Hoa ở Đường Phan Đình Phùng (chạy thông sang chợ sắt An Lạc), ăn cháo Quảng ở góc đường Đề Thám-Nguyễn Khuyến; trưa ghé quán cơm Cẩm Ký, cũng ở Đề Thám; chiều tối ăn chè xe đẩy chỗ hẻm thành đoàn, gần VOV ĐBSCL, đường Lý Tự Trọng; tối đi nghe nhạc chỗ Khưu Đức Hải.

Bình dân thôi, nhưng “ăn chơi” đủ mấy món đó coi như rời Cần Thơ được rồi!

Mì vịt tiềm đã kể mấy lần. Tiệm cơm Cẩm Ký có món gà xối mỡ ngon gì đâu, bữa nào viết, giờ nói cháo Quảng.


Thường người ta ăn cháo bằng muỗng nhưng ở tiệm này ăn cháo bằng đũa, thìa chỉ được dùng sau cùng.

Cháo Quảng (cháo thịt băm, cháo Quảng và cháo cá) ăn kèm với rau sống gồm giá đỗ, hoa chuối, rau má và rau đắng.

Cháo còn đang lục bục sôi trong bát được bê cho khách ngay. Khi đó khách sẽ trộn (trụng) các thứ rau nói trên vào tô cháo. Rau lúc này nhiều hơn cháo, dùng thìa ăn rất khó nên phải dùng đũa gắp…rau cháo😆.

Trên bàn có nước tương, nước mắm và ớt bằm ngâm dấm. Khách rót ra dĩa nhỏ pha chế thành một thứ chấm đặc biệt để chấm lòng non (có trong cháo Quảng) hoặc chấm rau cháo, tùy thích.

Rau má thơm thơm! Giá đỗ và rau đắng quện với cháo ăn giòn rụm trong miệng! Tạo nên vị đặc biệt của tô cháo ở đây phải kể tới rau đắng. Mới ăn nhặng nhặng đắng nhưng ăn miết nghiền lúc nào không hay!

Lái xe miền trong

Mấy chị em ở Sơn La nhân cơ hội họp hành muốn đi Cà Mau một chuyến. Lần trước mình còn nhờ được anh QuocHung Le, bác Vũ Huỳnh đưa anh Mien LùAnh DucTrịnh Thừa Xuân đi nhưng lần này “nhà bao việc” nên phải thuê. Lê Vĩnh Văn thuê giúp.

Mình thức dậy các bạn đã khởi hành nên điện cho Tuyết Lan, hỏi lái xe người trong này phải không. Lan nói anh ấy dân trong này thì mình yên tâm.

Ở đâu cũng có người này người kia nhưng nhìn chung mình thấy anh em lái xe từ Sài Gòn trở xuống rất hay và rất đàng hoàng!

Họ coi lái xe là một nghề nghiêm chỉnh và làm đúng phận sự của một lái xe. Nó khác với một số nơi thấy cái xe là một tài sản lớn nên ông lái xe cũng “lớn” lên theo luôn. Hết biết! Cứ tưởng người khác ngồi lên xe mình như ngồi lên ngai vàng.

Năm 1978 bố mình làm việc trong Sài Gòn. Mỗi khi đi để ý thấy bác lái xe già (hơn bố gần chục tuổi) đều mở cửa cho bố lên xe, đóng cửa lại, sau đó chạy vòng lại đằng sau (hoặc trước, tùy tiến hay lùi) quan sát rồi mới đi. Lúc xuống ông cũng nhảy xuống trước mở cửa.

Chả phải bố tôi là sếp, lại ở miền Bắc biệt phái vào Nam thì bác tài mới làm thế, lần nào chị thủ quỹ đi kho bạc ông cũng làm y chang, ai cũng vậy, kể cả đón tôi ở trường về khi bố tôi bận họp.

Bây giờ một số lái xe taxi nhìn thấy khách có hành lý nặng rồi nhưng vẫn ngồi chềnh ềnh trên xe, đợi khách khai khẩu mở lời thì mới ưỡn ẹo đứng lên mở cốp; ra cái vẻ mệt mỏi, miễn cưỡng, không thiết tha gì. Ý “văn học” đại khái là ta đây chạy xe cho vui😎.

Viết mấy dòng vì hôm nay đi cùng bạn lái xe miền Tây rất đáng mến này. Hoàn toàn không so sánh, phân biệt hay kỳ thị vùng miền vì đó là cách đặt vấn đề rất sai.