Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Cụ rùa hay con rùa?

Nghe tin chẳng lành về rùa hồ Gươm lại nhớ một kỷ niệm hồi còn làm Chương trình Con đường tri thức  (VOV2) về đề tài rùa.


Lần đó mình đến nhà PGS Hà Đình Đức để phỏng vấn. Với một phóng viên lìu tìu như mình đương nhiên là phải như thế rồi. Ở Việt Nam này hễ nói đến rùa phải nhớ tới cụ Đức, mà cụ Đức nổi tiếng cũng nhờ cụ rùa.  

Tìm được chỗ đặt chân trong phòng riêng của cụ rất khó khăn vì sách vở tràn ra cả lối đi. Trong số đó phần lớn là báo chí tranh ảnh về rùa Hồ Gươm. Với cụ Đức, cụ rùa Hồ Gươm là độc nhất vô nhị, là cái gì đó tâm linh, đáng kính và thiêng liêng vô cùng.

Trong lúc phỏng vấn mình lỡ miệng nói “con rùa Hồ Hoàn Kiếm…”. Nghe vậy, cụ Đức làm mặt giận quay đi chỗ khác rồi lắc đầu quầy quậy, nói không không, không được gọi con rùa, phải gọi là cụ rùa. Mình cười hì hì, nói vâng vâng cụ rùa cụ rùa ạ. Lúc chào PGS ra về, ông còn dặn với theo, nhớ phải kêu bằng cụ rùa đấy nhé!

Đến khi phát sóng, thính giả của Con đường tri thức lại bắt bẻ sao gọi bằng cụ mà không gọi bằng con. Cứ cho rùa (quy) thuộc bộ tứ linh (long, li, quy, phượng) đi nữa thì tại sao mỗi rùa được đưa lên hàng các cụ? Sao không ai gọi cụ li cụ long cụ phượng đi! Bất công quá!

Mình thì nghĩ chắc rùa Hồ Gươm nói riêng và bộ rùa nói chung sống khá thọ, cỡ hơn trăm năm nên gọi cụ cũng chấp nhận được. Dân gian còn gắn rùa Hồ Gươm với truyền thuyết trả gươm của Lê Lợi nên nó bỗng dưng có công với sơn hà xã tắc, được tôn vinh và được ứng xử với thái độ tôn nghiêm cũng là lẽ thường tình, nhất là với dân Giao Chỉ ta vốn duy tình.

Tuy nhiên chẳng nên ồn ào quá với con rùa này. Dừng lại ở các biện pháp bảo tồn động vật hoang dã, với quan điểm tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng đa dạng sinh học là đủ. Mọi nỗ lực (có chủ đích) nhằm thiêng hoá hoặc tầm thường hoá bất kỳ một sự vật, hiện tượng hay một ý niệm nào đều nhảm nhí, vớ vẩn. Và mọi sự ầm ĩ về rùa Hồ Gươm suy cho cùng cũng chỉ là hành vi mị dân, đánh lạc hướng (của quan chức) hoặc cuồng tín, mê muội (của đám đông); chứng tỏ sự hứng thú và niềm tin chẳng còn biết bấu víu vào đâu, đành phải đặt vào (hoặc đánh cược vào) một con vật kềnh càng, chậm chạm.





Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Chạy trời không khỏi…thành tích.

Họp phụ huynh ở trường công lập kiểu gì cũng khoá đuôi bằng màn đóng tiền, do người đại diện cha mẹ học sinh trong lớp đứng lên điều hành (lúc này thầy cô đi ra ngoài) cho nó… nhã.


Mình nghĩ, trong thâm tâm các thầy cô có lòng tự trọng thì cũng chẳng muốn tiền tiền nong nong làm gì, nhưng toàn trường và cả nước đều thế nên buộc… phải thế.

Đến việc kêu gọi học sinh tự nguyện quyên góp từ thiện cuối cùng cũng không trốn được cái vòng kim cô thành tích. 

Cô nói cô rất buồn vì thành tích của lớp bị giảm sút. Im lặng một lúc như để kìm nén nỗi buồn và sự bức xúc đang ầm ào trỗi dậy, một lúc sau cô mới giải thích rằng giảm sút không phải do cô trò mà do chính cha mẹ học sinh. Cầm mấy trăm ngàn tiền quyên góp từ thiện xuống nộp cho cô phụ trách đội mà ngượng chín cả người. Các lớp khác người ta tiền triệu! Lớp mình có hộ nào nghèo đâu, lại dám thuê cả Tây dạy tiếng Anh thì chẳng lý gì mà đóng góp bèo đến vậy.

Thế là lớp bị trừ điểm, không được danh hiệu xuất sắc cho dù cô trò đã nỗ lực, quyết tâm suốt cả một học kỳ.

Hàng chục cái đầu phụ huynh gục xuống. Thoạt trông có vẻ như đã biết sám hối nhưng nhìn kỹ thấy có anh rung đùi cười cười, có chị cười mỉm, có bác vờ bóp trán lia láo nhìn cô qua kẽ tay…

Chuyện vặt! Chỉ cần bớt cốc cà phê sáng thì cả lớp có hơn triệu bạc. Nhưng họ không muốn đóng vì họ không biết địa chỉ của số tiền từ thiện này. Thế thôi!

Ai cũng biết tỏng câu trả lời vì sao, kể cả cô, nhưng chẳng ai nói ra. Mình cũng vậy! Ngu gì!

Im lặng! Một sự im lặng đáng sợ !








Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

"Luận" về nhân tài đây!

Trên báo Dân trí thầy Lê Tuấn Hoa (Viện nghiên cứu cao cấp về toán) bảo “Người tài thường không muốn đánh bóng tên tuổi và im lìm đâu đó”. Dân trí chộp câu này làm tít vì thầy nói quá đúng.

Thầy nói đúng rồi nhưng cuộc sống không như toán học. Phép tính 1+1 làm ở Mỹ hay ở Việt Nam đều bằng 2, nhưng thân phận người tài ở Việt Nam thì không  giống như ở Mỹ.

Ở Việt Nam, đặc biệt trong các cơ quan thuộc hệ thống Nhà nước, người ta có thật sự cần người tài không hay cần người…? Cũng nên rạch ròi giữa tài về chuyên môn và tài về quản lý cùng cơ chế đãi ngộ người giỏi chuyên môn.

“Không biết đánh bóng tên tuổi”, hay nói một cách nhẹ nhàng, là chưa biết tự thể hiện mình, cũng là một thiệt thòi, thậm chí là hạn chế của người tài. Đã tài rồi thì phải biết “khoe” cái tài của mình chứ? Chai rượu ngon mấy mà bao bì không bắt mắt chắc gì đã quyến rũ được người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, có tài mấy mà không được lãnh đạo ngó ngàng cất nhắc thì còn lâu. Trước hết là thủ trưởng trực tiếp mà không tiến cử lên cấp cao hơn thì xin lỗi, tài mấy cũng cứ ngồi đấy. Vì thế phải chứng minh thể hiện là tài chứ nhỉ, sao lại im lìm?

Có người mắng, lãnh đạo phải sâu sát, phải hiểu rõ quần chúng chứ. Vâng, đúng ạ! Nhưng ở đây quan quan liêu “hơi bị” nhiều và nhớ là đừng bao giờ đổ lỗi cho “đầy tớ” sáng suốt. Một ngày có cả chục đứa bu quanh “đầy tớ”, cơ hội cho anh chị không nhiều đâu! Nhớ đấy!

Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Người tài, theo như thầy Hoa nói, có dáng dấp bao cấp, không phải người tài thời kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường cạnh tranh kinh khủng! Vải thiều, thanh long… của Việt Nam có ngon mấy mà không biết quảng bá thì còn lâu mới tiêu thụ được rộng rãi. Cứ ngồi đó đợi người ta đến rước mình e không ổn. Thế kỷ 21 chứ đâu phải thời Gia Cát mà Tam cố thảo lư- 3 lần đến lều tranh quỳ xuống, kính cẩn vái ba vái rồi kiệu về kinh.

Tài mà biết “bày” cái tài ra để mặc cả với người mua thì mới OK! Đấy chính là cách mà các chuyên gia cao cấp, thợ tay nghề cao ở các nước văn minh ngã giá với ông chủ để bán chất xám. Ở mình có cơ chế này chưa nhỉ?

Việt Nam khác lắm! Nhưng cũng chẳng phải, đâu cũng thế thôi! Đừng bao giờ lớn tiếng chê kẻ bất tài là…bất tài. Dường như có luật bù trừ? Họ có những cái tài mà nhiều người không có. Ví dụ như biết xuất hiện đúng lúc, biết ăn nói, nhiều mưu mẹo, biết chiều chuộng, có nhạy cảm chính trị, biết “đầu tư” có trọng tâm trọng điểm, biết tập hợp lực lượng (phe cánh), biết tiến biết thoái… Cái này chẳng phải tài thì là gì?

Ơ kìa! Đây là những tố chất cần có của lãnh đạo đấy! Đừng cực đoạn nghĩ nó thuần tuý tiêu cực. Làm thủ lĩnh chính trị mà không hội đủ các yếu tố ấy thì đừng nghĩ đến thành công tuyệt đối.

Chính vì có những tố chất khó dung hợp trong một con người như vậy nên nhiều nước có cơ chế riêng cho người tài về chuyên môn. Họ không cần phải làm quản lý mà vẫn sống khoẻ. Còn ở mình, nói ra rả về trọng dụng nhân tài, từ thời Thân Nhân Trung (thế kỷ XV) tới nay nhưng vẫn chẳng đâu vào đâu. Nhiều tỉnh thành thi nhau thảm đỏ thảm xanh mà người tài (thật) vẫn quay mặt đi cười khẩy.

Do đó, người nào ở xứ sở của vua Hùng này còn im lìm, còn không biết tự thể hiện mình như thầy Hoa nói thì chưa phải người tài tuyệt đối. Những tiêu chuẩn xem ra khó dung hoà, thậm chí mâu thuẫn ấy nhưng là thực tế ở Việt Nam. Cho nên tài ở VN khó kiếm là phải thôi. Mà đã được đóng mộc: “NGƯỜI TÀI Made in Vietnam” thì coi như trên phân nhân tài thế giới cả cái đầu!

Thật! Thề luôn!

Luận lăng nhăng về nhân tài để các bác “ném đá” cho vui.