Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

NƯỚC MƯA CỦA TRỜI CÓ VỊ MẶN


Chưa bao giờ người trong làng hỏi sao gia đình ấy chỉ có hai mẹ con. Họ xuất hiện như cây chuối tự nảy buồng, như cây lúa tự ôm đòng sinh hạt.

Hai mẹ con quấn quýt tẩn tảo làm lụng nuôi nhau. Sự thiếu thốn bàn tay khỏe của đàn ông càng khiến làng thêm yêu thương. Ngày hai mẹ con ra đồng từ sớm, đứa con gái thơ thẩn chơi trên bờ ruộng hay trong tán cây, chạng vạng mới thấy họ sấp ngửa về tới đầu làng.

Buổi tối người mẹ trẻ đi giã gạo thuê. Cả làng chỉ nhà cụ Mận có cái cối đá tốt, gạo giã không bị đớn mà lại rất nhanh. Cụ bảo chị cứ tới giã, riêng chị cụ không lấy lại cám như người khác.

Mười tối thì cả mười đêm nhà cụ Mận thậm thịch tiếng chày. Hôm nào không nghe thanh âm đó thì hoặc ngày Tết, hoặc hai mẹ con bị làm sao.

Cô con gái nhỏ chân ngắn nên mẹ cho đứng phía trước còn người mẹ trẻ đứng sau. Cụ Mận ngồi trên hè phe phẩy quạt hướng mặt ra sân trước nhưng nhớ như in hai mẹ con giã được bao nhiêu chày. Cụ bảo được rồi đấy mẹ hĩm ạ thì y như rằng mẻ gạo đã xong.


Cô gái càng lớn càng xinh, bà con gọi là Lọ Lem của làng. Một đêm giã muốn rời chân mà chưa thấy cụ Mận nhóng cổ trên hè xuống đánh tiếng “được rồi đấy mẹ hĩm”. Mồ hôi trên mặt người mẹ trẻ lã chã rơi xuống cổ xuống mặt Lọ Lem. Thấy vậy Lọ lem ngước lên reo, “con thấy hạt mưa, mẹ ơi Trời mưa à”. Người mẹ trẻ cố kìm hơi thở mệt nhọc, nói ừ, Trời thương hai mẹ con nên mưa cho mát. Lọ lem lại hỏi “mẹ ơi nước mưa của Trời sao lại mặn”. Người mẹ lúng túng bảo “Trời thương hai mẹ con mình nên khóc”.

Hóa ra hôm ấy cụ Mận mệt nặng, không ra ngồi hiên đếm chày được, mấy hôm sau cụ đi. Theo nguyện vọng của cụ, cái cối giã bên chái bếp vẫn được ưu tiên cho hai mẹ con.

Tiếng giã gạo như tiếng tích tắc đồng hồ, rất nhỏ, rất khẽ, phải lắng nghe, nhưng hôm nào không có, làng thấy vắng và nhớ. Còn Lọ Lem cứ chưa tối đã giục mẹ đi giã gạo để được thấy “ông Trời thương ông Trời khóc”.

Lưng người mẹ càng còng xuống thì Lọ Lem càng phổng phao. Nhiều đám trong ngoài làng muốn hỏi làm dâu nhưng hình như Lọ Lem thương mẹ… một mình.

Đêm! Làng vẫn nghe tiếng cối! Nhưng bây giờ Lọ Lem nhường mẹ lưng còng chân yếu đứng trước, mình đứng sau để giã đều nhịp và có lực hơn.

Một đêm, đang giã, chợt mẹ dừng chân nhún, quay lại ngước bảo Lọ Lem: - Mồ hôi con rơi ướt hết cả gáy mẹ rồi!

Lọ lem giấu mệt cố làm vui nhoẻn cười, nói không phải mồ hôi, ông Trời… mưa đấy mẹ ạ! Người mẹ cũng cố đùa vui: - Ừ, mẹ thấy trong nước mưa của Trời có vị mặn.

Nói chưa hết câu, hai mẹ con ôm nhau òa khóc!

Chuyện bà Thành ở Xóm Lò bị giết

 Xóm Lò - làng tôi- ngày xưa có vài hộ dân sống thưa thớt ở phía cuối làng, tách biệt hẳn với các hộ khác. Đường vào khu ấy vừa nhỏ vừa ngoằn ngoèo khó đi. Năm sáu nếp nhà lúp xúp tuềnh toàng náu mình dưới những bụi tre lớn, cây cối um tùm rậm rạp. Đêm nhìn vào thấy một màu đen, thi thoảng mới có ánh đèn dầu leo lét lọt qua những đám cây um tùm. Vì thế mọi người gọi xóm này là Xóm Bụi (bụi cây)

Khi hoàng hôn ập xuống là lúc lũ chim lợn ở Xóm Bụi bay đi ăn đêm. Các cụ bảo chim lợn bay qua nhà ai, vừa bay vừa kêu, nhà đó ắt có tang. Thế mà chiều nào lũ chim lợn ấy cũng bay qua làng với những tiếng kêu eng éc thảm thiết, ma quái.

Chúng bay lên từ Xóm Bụi nên bọn trẻ như tôi càng thấy cái xóm ấy hẻo lánh và huyền bí. Tôi có vài thằng bạn ở đó nhưng bố bảo ban đêm dám mò xuống chơi.

Nhà bà Thành ở Xóm Bụi, nhà lợp rạ, tường xếp gạch mộc trát đất thấp tè. Xung quanh nhà cây cối, dây leo và hàng rào rập rịt, chả khác gì vườn hoang, trông rờn rợn. Bà Thành già rồi, ở một mình vì các con bà đều đi làm ăn xa.


Một ngày kia xóm nghe hung tin. Bà Thành bị giết! Chuyện người bị giết ở cái xóm nghèo làm ruộng, làm lò gạch này chưa hề xảy ra, vì ăn còn chả đủ, của nả có gì đâu mà trộm cướp thèm để ý.

Hàng xóm không thấy bà quét ngõ vào sáng sớm như thường lệ, linh tính chuyện chẳng lành, phá cổng vào thấy bà đã chết, miệng bị nhét đầy tất.

Nghe tin dữ, vốn hiếu kỳ, tụi trẻ tò mò kéo xuống xem thì thấy công an đang khám nghiệm tử thi. Nhóm khác tỏa ra khu vực xung quanh khám nghiệm hiện trường.

Bao quanh nhà bà Thành là lớp hàng rào mây và dây leo chằng chịt, có chỗ rộng hàng mét, các tay mây vươn dài, gai đâm tua tủa, nhìn đầy vẻ doạ nạt và thách thức.

Một điều tra viên dừng lại chăm chú nhìn vào lỗ hổng như cái thúng con ở hàng rào, lớp cỏ phía dưới có dấu hiệu gãy đổ. Ông ấy lôi kính lúp ra, nằm xuống, thận trong rê mình vào trong.

Tôi chán định về thì ông ấy bò ra, tay cầm panh, đang kẹp cái gì đó rồi cẩn thận cho vào lọ, đậy nắp.

Sau này mới biết đấy là sợi vải trên áo hung thủ bị vướng vào đầu que rào, mắc lại ở đó. Mấy hôm sau nghe tin bắt được rồi! Ban đầu đối tượng ngoan cố nhưng cuối cùng phải thú nhận tội ác sau khi công an đưa ra kết quả giám định sợi vải mắc ở hàng rào và chiếc áo bị mất một sợi vải cuả hắn.

Nhớ lại chuyện (có thật) này vì mấy hôm nay râm ran vụ Hồ Duy Hải./.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Phin pha cà phê

Cái phin pha cà phê này đụng vào chỗ nào cũng có thể bị đứt tay. Inox mỏng, lại không cuộn bo viền, cũng chẳng mài ba via nên sắc như dao cạo! Kinh!



Có mỗi cái phin cà phê mà đến tay người tiêu dùng còn thiếu an toàn như thế nói gì những sản phẩm khác.

Không chỉ cái phin này, hồi trên Sơn La cũng nhờ Tuệ Mỹ mua 1 cái ở siêu thị to phía đối diện, cạnh nắp cũng sắc lẹm. Thấy nguy hiểm, sợ cuối ngày em Đinh Bảo Thiên vừa rửa vừa ngửa cổ hát bô-le-dô nó làm cho phát ngọt xớt nên cứ pha xong mình quẳng ngay nắp vào ngăn kéo tủ, đóng lại.

Để ý thấy em có lần ngó nghiêng tìm nắp nhưng mình kệ. Em cũng không hỏi "nó đâu". Lâu dần cái nắp phin, với em, mặc nhiên là không có.

Trở lại cái phin trong hình, mình mua nó vì bình pha cũ (Hario-Japan) thủy tinh mỏng dính, em lao công lỡ làm vỡ. Sáng đến cơ quan móc điện thoại ra thấy tin nhắn "em lỡ làm vỡ cái pha cà phê của anh. Em rất xin lỗi!". Mình nhắn lại "đổ vỡ là chuyện bình thường em à" 😝.

Cái phin inox này thì không thể "vỡ", cũng chẳng "đổ vỡ" được, nhưng từ mai lúc rửa em cũng sẽ không thấy cái nắp. Đừng hỏi!



Nhân đọc "Chuồng bò hạng sang..." trên VOV.VN

 Đọc các bình luận của độc giả trong bài viết dưới đây lại nhớ 2 chuyện hồi còn ở trên Tây Bắc.

Chuyện thứ nhất, có bận vào bản uống rượu, mỗi người một chai. Mình không uống được, chỉ ham vui, lại nghĩ đường về phải đi bộ trong đêm nên cũng "giữ gìn".

Ai mời mình cũng hăng hái nhiệt tình đứng dậy hùng hổ nâng ly, ngửa cổ tu "như đúng rồi" nhưng kỳ thực chỉ nhấm tí thôi 😋. Cuối cùng có anh người Mông đến bên nói cán bộ uống đi. Mình bảo nãy giờ nâng lên đặt xuống cả mấy chục lần, không thấy à?

Anh người Mông nheo mắt cười, nói ôi mình không biết cán bộ nâng lên đặt xuống bao nhiều lần, chỉ nhìn rượu ở trong chai của cán bộ (còn nhiều) thôi😎.

Chuyện thứ 2 mới đây thôi, báo chí phản ánh dữ dội một cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở Hải Phòng. Nào là lấy nước từ mương nước thải, cơ sở mất vệ sinh; ảnh chụp thấy xập xệ lại có mương bên cạnh... Rồi bao nhiêu trường học đã mua nước của cơ sở này v.v. và v.v.

Họ lấy nước ở mương thải nhưng đầu ra, sản phẩm của họ đạt tiêu chuẩn thì sao? Cứt còn tinh lọc ra thành vàng, nước mương là cái gì!

Trong các bình luận của bài dưới thấy nhiều người chỉ trích, gièm pha "chuồng bò sang hơn nhà", "bò hơn người", "chuồng bò hơn nhà tình nghĩa"... Nói lại bảo khoe, tôi đang sở hữu toà 37 Bà Triệu, vừa xây xong, cho Báo Điện tử VOV thuê, đi mướn căn nhà cấp 4 ở Xóm Lò - Long Biên sống tạm, tháng đút túi vài chục ngàn Mỹ kim, đi du lịch miết, chả mấy khi về căn cấp 4😝.

Chuồng bò to đẹp mà ra tiền đều đều thì ở túp lều cũng OK. Đấy là chưa kể dự án đầu tư có những nguyên tắc cứng nhắc của nó, không thể san cái tiền chuồng bò cho "chuồng" người được.

Bớt xén của bà con phải lên án, khởi tố là đúng; bà con bức xúc chửi cho một trận là đúng còn ba cái râu ria bề ngoài, cái hiện tượng để ý làm chi! Phải giữ cách tiếp cận và lối tư duy mạch lạc, cái gì ra cái đó thì "chửi" mới có trọng tâm trọng điểm, "chửi" đúng hạng mục 😝!

Xem cải lương "Chuyện tình Khau Vai" ở Nhà Hát Lớn

 Thơ viết nghìn câu, chưa dễ câu thơ mừng thọ mẹ/ Đối làm trăm vế, khó tròn vế đối tỏ tình con (Thạch Quỳ)

# Kể từ hồi trong Nam ra dễ đến mấy chục năm mới đi xem cải lương, vở "Chuyện tình Khau Vai", lại xem ở Nhà Hát Lớn mới đặc biệt.

Tôi đến sớm phần tránh đông, phần muốn ngắm công trình tuyệt mỹ nhất Đông Dương của Pháp. Lúc đến cũng đã lác đác người, ghế của tôi có một cô gái trẻ và một bà già ngồi từ trước.

Quay ra định bụng ngồi đại chỗ nào nhưng cô hướng dẫn nói không được, hôm nay có yếu nhân, phải ngồi đúng vị trí vì liên quan đến an ninh. Nói xong cô đưa vé của tôi cho một cô khác, hất hàm ra lệnh, đành phải lẽo đẽo đi theo.

Về cổ nhạc giọng miền Nam rất hợp còn tân nhạc giọng miền Bắc được chọn để hát nhiều hơn. Ca sỹ gốc Nam hát bolero ít ai ca đúng giọng và ngược lại người miền Bắc hát cải lương cũng hay bắt chước giọng Nam.

Chuyện giọng ở đâu hát cái gì hay hơn còn nhiều ý kiến nhưng có điều một chắc chắn người Bắc mê ca cổ không thua kém người Nam. Cái sự mê ấy không ấn định vào một nhóm nào. Điển hình là mẹ tôi, nông dân Bắc Bộ đặc, lớp 3 bình dân học vụ, thích chèo nhưng cũng cực kỳ mê cải lương. Có bữa mê mẩn xem trên TV rồi sụt sùi khóc.

Ở miền Bắc ối anh nông dân đang cày có thể dừng trâu ngửa cổ ca ngon lành vài câu vọng cổ mà trước đó chỉ nghe qua đài, chả khác gì dân gộc miền Tây ai cũng ca được vài câu “Tình anh bán chiếu” hay “Võ Đông Sơn-Bạch Thu Hà”.

Hai mẹ con (đang ngồi chỗ của tôi) buộc phải sang ghế bên cạnh. Người mẹ dù khoác lên người tấm áo rất mới nhưng vẫn lộ rõ vẻ chân quê; còn cô gái chắc lên Hà Nội đã lâu, dạn dĩ, xinh đẹp và thời trang.

Hai mẹ con chưa ấm chỗ thì lại có người đến giơ vé đòi ghế. Cô gái cười cười như hối lỗi kéo tay mẹ lên hàng ghế trước. Bà mẹ bám theo vấp lên vấp xuống nhưng mắt vẫn không rời sân khấu đang chẳng có gì ngoài tấm màn nhung khép kín. Người mẹ có vẻ do dự chưa muốn ngồi thì cố gái ấn vai mẹ xuống, quyết đoán và tự tin.

Ấy là cô cố ra vẻ thế để mẹ yên lòng thôi vì tôi thấy khi người mẹ ngồi chăm chú nhóng cổ lên sân khấu chưa mở màn thì cô gái trẻ bồn chồn không yên, mặt hết quay bên phải lại sang mé trái, vừa nhìn lên trước lại ngó ngược về sau, mồ hôi rịn thành hột trên trán khiến một bên mắt trang điểm đậm lem thành vệt.

Thấy người từ xa tiến lại là cô đã chuẩn bị sẵn một nụ cười, rồi ngước nhìn dò đoán xem chỗ đang ngồi có thuộc về họ. Mấy lần nhấp nhổm kéo tay mẹ dậy trả ghế nhưng hóa không phải, người mới đến chỉ ngồi bên cạnh.

Hồi nhỏ tôi theo cha vô Sài Gòn, nhà mé Cầu Kiệu (Võ Di Nguy), đi xuống đoạn Võ di Nguy - Nguyễn Huỳnh Đức có rạp xi-nê Văn Cầm. Sau này nghe nói Văn Cầm chuyển thành rạp cải lương nhưng trước chỉ chiếu phim. Thế nên muốn coi cải lương phải qua cầu Kiệu vào Quận 1, rạp cải lương nhóc luôn!

Hồi đó chết mê chết mệt tài ca của Lệ Thủy, Mỹ Châu, đắm đuối với giọng ca sắc lẹm, lả lướt của Thanh Kim Huệ… Có đêm coi Thoại Khanh Châu Tuấn mà nước mắt đầm đìa.

Cứ suy từ mình ra thì chắc mẹ cô gái cũng thuộc hàng mê cải lương. Bị đuổi nhiều nên bà có vẻ ngại, bà nhìn xuống dãy ghế cuối ghé tai cô con gái thì thầm. Chả nghe thấy gì chỉ thấy cô gái nói cứng, “Mẹ mắt kém phải ngồi đây mới nhìn rõ”. Có lẽ đó là lý do vì sao hễ bị đòi chỗ là cô lại dắt mẹ sang ghế bên hoặc tiến lên chứ quyết không lùi.

Gần đến giờ diễn, từ phòng VIP một vài người nhanh nhẹn, lạnh lùng thoát ra, tác phong của những nhân viên an ninh. Họ tiến đến chỗ hai mẹ con…

Lần thứ tư cô kéo mẹ đứng dậy, hất mạnh đầu để mớ tóc dài đen nhức ngược ra sau, khuôn mặt thanh tú cố tỏ vẻ thản nhiên, lì lợm trước hàng hàng con mắt đang nhìn trong khi người mẹ lúng túng, ngượng ngùng quờ chân tìm dép rồi líu ríu bước theo sau.

Nhìn cảnh đó bỗng dưng tôi thấy có lỗi vì làm hai mẹ con vất vả, lúc này ai đến đòi ghế chắc hai mẹ con hết chịu nổi! Cô gái chắc cùng tâm trạng nên cái vẻ bướng bỉnh và bất cần khi nãy nhường chỗ cho sự đăm chiêu, lúc lúc lại lấm lét nhìn quanh, rất tội.

Còn người mẹ thì hình như niềm đam mê khiến bà quên ngay những khó xử ngại ngùng trước đó cũng như rủi ro bị đòi chỗ đến bất cứ lúc nào. Hễ ngồi xuống là bà nhỏng cái cổ gày gò, mắt không chớp, mặt bất động hướng lên sân khấu vẻ háo hức tột cùng.

Nếu con gái luôn chuẩn bị một nụ cười “làm lành” khi ai đó đòi chỗ, thì bà sắm sẵn một nụ cười như thể sợ cười không kịp, ai đó sẽ tranh mất niềm vui.

Mỗi khi nghe ca sỹ xuống xề bà vỗ tay nhiệt tình, không quan tâm đến xung quanh, quên hẳn thân phận bị “xua đuổi” trước đó. Lúc này cả nhà hát chỉ có bà với sân khấu; còn cô gái thì nhìn mẹ, mắt lấp lánh.

Ánh mắt ấy khiến người khó tính và nguyên tắc nhất cũng dễ bỏ qua cho việc không vé, thậm chí cả vẻ bất cần và bướng bỉnh được cố gắng tạo ra để quyết tâm bảo vệ đến cùng một mục đích, cũng trở thành…dễ thương.

Chút xíu nữa cô gái đã không tìm được chỗ trống trong cái nhà hát sang trọng này, nhưng cô làm được, vì cô đã dành cả một chỗ trống thênh thang trong trái tim nhỏ bé của mình cho mẹ./.

Đi Co Mạ

 Em đó anh Tới (Chính Tới) ơi! Đầu năm 1998 anh à! Hôm đó đi cùng đoàn ông Thào Xuân Sùng, có cả anh Bắc báo Sơn La! Anh còn kể trước đó vào Co Mạ xe anh còn lao xuống vực. May không sao!

Tình cờ vào phây của anh Chính Tới (nguyên Trưởng TTX VN tại Sơn La, hưu lâu rồi) thấy có cái "mẹt" mình trong đó. Cảm ơn anh đã lưu giữ những bức ảnh (in-tráng) quý giá này!

1998 tôi được điều lên Tây Bắc, trụ sở chưa có phải nhờ TTX VN tại Sơn La, lúc đó anh Cao Minh Châu là Trưởng đại diện, anh Tới là phóng viên.

Cảm ơn lãnh đạo Đài Tiếng nói VN (VOV) đã cho tôi cơ hội được thở hơi thở trong trẻo của miền rừng núi, được sống cuộc sống lam lũ nhưng ăm ắp yêu thương cùng bà con các dân tộc thiểu số (Tây Bắc và Tây Nam Bộ - người Khmer).

Một thời làm báo đi không biết mỏi, uống không biết say...

Ở Báo Điện tử VOV

 Ở Báo Điện tử VOV (VOV.VN),

Có một đứa trời sinh ra đã vô tư lự, chưa bao giờ biết buồn, hay khe khẽ hát một mình, là em Trần Ngọc. Sớm nay nghe “rên rỉ” biết em đã tới.

Thấy ai trong WC soi gương lâu nhất, rửa tay kỹ nhất (rửa kiểu cô-vít chả là đinh gì), thì đích thị là anh Trung Hiếu.

Có một đứa vào WC nhưng mọi thao tác từ A-Z chỉ dùng tay phải, tay trái nhất định dành cho smartphone, đấy là anh Khánh béo.

Tầm trưa nóng thế này, thấy thanh niên mặt đỏ gay, vẻ bất cần, khệnh khạng vừa đi vừa vén áo xoa bụng thì nên... né, vì chắc chắn đấy là anh Hưng, Phòng XH.

Người ngồi xếp bằng trên ghế xoay, chân chỉ bỏ xuống đất đúng 2 lần: lúc đi ăn cơm và đi về, mắt không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào của đám quân dưới trướng gồm toàn “giang hồ cộm cán”, đấy là chị Hòa, Phòng XH.

“Kỳ hoa dị thảo” của VOV.VN còn nữa nhưng giờ mời quý vị đọc báo đã