Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Bà Hiền la làng ở sân bay

Xem video clip vụ bà Hiền - đại uý công an la làng ở sân bay Tân Sơn Nhất mọi người hẳn nhiên chú ý tới thái độ của đương sự cùng những người liên quan.
Cũng như các bác, xem và nghe kỹ những gì xảy ra với 2 bên, ngoài ra tôi còn để mắt tới nhân vật thứ ba: Cháu Bảo An, con bà Hiền.
Thông thường, trong những hoàn cảnh như thế này, đứa trẻ sẽ vô cùng hoảng loạn, sợ hãi, bất an, rối trí; nó sẽ gào khóc bấu víu lấy mẹ để thể hiện sự thương xót lo lắng cho mẹ; thậm chí có cháu sẽ phản ứng lại lực lượng an ninh (cắn,cào, cấu) để bảo vệ mẹ.
Tuy nhiên trong clip tôi thấy Bảo An cứ tung tăng chạy ra chạy vào chơi đùa như không, như chẳng có chuyện gì xảy ra với mẹ nó cả 😏.
Trong mắt Bảo An: Một sự bất thường thành bình thường, cái đột biến thành phổ biến?
Các cụ dạy " Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ". Trong tình huống này tôi nhìn trẻ, nhìn Bảo An rồi tự đặt câu hỏi về hành vi, ứng xử hàng ngày của đương sự.

Hình phạt tuổi học trò

Vừa đọc vụ cô giáo ở Tiền Giang bị phạt 5 triệu vì bắt học sinh thụt dầu. Tưởng hình phạt này đã lui vào quá khứ ai dè vẫn còn.
Mình học cấp I, II ở Sài Gòn nên vẫn nhớ "món" này🤪: Đứng thẳng. Hai tay bắt chéo trước ngực sao cho ngón trỏ và ngón cái phải bấu được vào dái tai. Nạn nhân trong tư thế như vậy phải đứng lên ngồi xuống với số lần tùy thuộc vào tội nặng hay nhẹ.
Chị em nào muốn có cặp đùi săn chắc thon thả nên thử động tác thụt dầu này nha😂.
Hình phạt thụt dầu chỉ mỏi mệt chứ không kinh hoàng bằng tội nói chuyện riêng bị bắt cắn ngang cán bút, thường là bút chì. Cán bút được đưa sâu vào miệng theo chiều ngang, đụng sát hai mép để đảm bảo vị trí cắn thuộc về răng hàm chứ không phải răng cửa. Khoảng cách từ hai đầu bút đến hai mép phải bằng nhau. Thầy cô xuống chỉnh cho từng ly từng tí, chu đáo lắm😎!
Hình phạt này làm cho nạn nhân không còn há mồm mà nói chuyện được nữa. Trong vòng mươi phút, dù ý thức đến mấy cũng không chặn được dòng dãi dớt theo hai đầu bút chảy xuống. Khi đó lại phải lấy hơi hít rẹc..ẹc...ec...c phát. Tụi bạn ngồi cạnh lại dạt ra vì sợ văng miểng tùm lum! 🤣.
Thế hệ mình có nhiều hình phạt lắm! Được cái thời đó bị phạt nhưng không oán thầy cô mà "vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng". Lúc nào kể sau.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Look before you lock

Để (hoặc quên) trẻ nhỏ trên xe ô tô không phải chuyện hiếm ở các nước. Vì thế nhiều quốc gia đã có những quy định nghiêm ngặt được chế tài thành luật với hành vi này. 



Ở Mỹ, bạn để trẻ nhỏ trong xe rồi chạy ào vào walmart (siêu thị) mua cái gì đó thì lúc quay trở ra xác định là có police đứng cạnh xe chăm chú theo dõi tình hình cháu bé và chuẩn bị ghi giấy phạt.

Có quá nhiều rủi ro khi để trẻ trong xe một mình. Nếu chả xảy ra cái gì bất thường thì những hoảng loạn về tâm lý của bé cũng là điều rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên việc này dễ bị bỏ qua hoặc xem thường, thậm chí bé còn bị bồi thêm một câu mắng, đại loại " có gì mà phải khóc", "con trai mà động tí là chảy nước ...đái " 😟.

Nói về xe hơi trên thế giới thì phải kể đến Mỹ. Ở Mỹ chả làm ăn gì được nếu thiếu xe hơi. Vì thế tôi chọn trang Xe hơi và Trẻ nhỏ để các bác tham khảo thêm (www.kidsandcars.org).

Mỹ có 19 bang có luật riêng về việc để trẻ nhỏ không được giám sát trong xe. Các bạn đọc nhé! Rất chi tiết như độ tuổi của trẻ, tình trạng thời tiết, hoạt động của xe, thông gió, thời gian trẻ ở một mình... Và mức phạt có thể tới 10.000 USD cho đến bị tù 😎, tùy bang.

Việt Nam giờ rất nhiều xe hơi nhưng để có một nền văn hóa xe hơi thì chúng ta còn cần phải học hỏi rất nhiều.

Sự tôn trọng không chỉ đến từ giá trị của chiếc xe bạn đi mà sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách bạn sử dụng chiếc xe đó như thế nào 🤓.

Cháu bé bị bỏ quên trên xe?


Hình ảnh cháu bé cứng đơ ám ảnh không ngủ nổi! Xin chia buồn cùng gia đình và... cả các thầy, cô ở Trường GateWay!

Mắng mỏ, oán trách, luận tội, phán xét ... giờ chả nghĩa lý gì. Việc đấy nhà chức trách sẽ làm. Tôi chỉ kể lại câu chuyện nhỏ sau.

Năm 2000 tôi được Đài Tiếng nói VN cử sang Malaixia tham dự khoá học một tuần, do ABU (The Asia-Pacific Broadcasting Union) tổ chức cho học viên các đài phát thanh và truyền hình các quốc gia Đông Nam Á. Ban tổ chức sắp xếp học viên ở chung một khách sạn cho tiện việc đưa đón.

Thời đó chắc kinh phí của ABU eo hẹp nên khách sạn họ thuê tầm tầm, mướn một chiếc xe cũng tầm tầm để hàng ngày đưa đón chúng tôi.

Ông lão vừa là chủ xe kiêm lái xe dáng vẻ lam lũ và còn cũ kỹ hơn cả chiếc xe, nhưng sự mẫn cán thì không chê vào đâu được!

Đúng 7 giờ xe đỗ đón ở sảnh khách sạn. Lão bước xuống, mở cửa xe, đứng bên cạnh, tay chỉ miệng đếm: One, Two, Three... Chưa đủ thì lão cứ đứng nguyên đó ngóng cổ vào bên trong cho đến khi đủ số lượng được BTC báo trước thì mới đóng cửa, bước lên xe.

Tiếng Anh lão không thạo lắm, mà cũng chẳng đọc được tên mấy anh Lào, Campuchia, Miến Điện nên cứ lấy tay chỉ đầu người là chuẩn nhất.

Đến chỗ học, khi chúng tôi xuống xe, động tác ấy được lặp lại: mở cửa, tay chỉ miệng đếm One, Two, Three, Four... Gặp lúc cả đám ào xuống là lão la hoảng Wait, Wait , Wait... để đảm bảo đếm cho kỳ đủ, không lẫn mới đóng cửa lên xe ra về. Lúc đón lặp lại y chang những thao tác ấy.

Gần 20 chục năm rồi, chắc gì lão còn sống, nhưng hình ảnh một người cần mẫn, có trách nhiệm, có kỹ năng, hành xử đúng thân phận... thì tôi không thể nào quên!

Cấm phát sinh tình cảm nam nữ

Sau 10 ngày cấm trại trong trường đội (đội thiếu niên tiền phong), không tiền, không điện thoại, không TV, không ra ngoài, không gặp người thân... thì hôm nay Cún được về nhà.
Đủ thứ chuyện được kể nhưng mình chú ý đến nội quy "Cấm phát sinh tình cảm nam nữ trong quá trình học tập🤣" mà Cún đọc oang oang.
Ý các thầy là tình yêu đây! Thằng già hơn 50 như mình chợt cười hềnh hệch định đùa rằng đã là Con Người thì cấm ghét nhau chứ ai lại cấm yêu nhau bao giờ nhưng chợt thấy đây là chuyện nghiêm túc bèn dừng ngay.
Thầy cô có cái lý đúng của thầy cô khi đưa ra điều cấm này nhưng liệu có cấm được không khi tình yêu là một đặc trưng tâm lý ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đồng ý với thầy cô (học trò chưa nên luyến ái) nhưng nên dùng một từ nào đó phù hợp (với môi trường tri thức và học thuật) hơn là từ "cấm".
Tình cảm khó cấm, khó cưỡng, khó đoạt..., nó rất tự nhiên nên trộm nghĩ với học trò ba cái vụ này chả nên cấm đoán gì cả mà trao đổi -lắng nghe -thảo luận... để chúng nó hiểu ra là hay nhất!

Nước lũ và Nước mắt!


Nhìn lại lịch sử các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì thấy hầu hết đều sống cùng rừng núi. Người Mẹ thiên nhiên, Mẹ rừng, Mẹ núi, Mẹ sông… đã sinh ra và nuôi nấng họ. Đến khi chết, con người xác thịt, thậm chí cả linh hồn họ cũng về với Mẹ rừng, tan ra với đất của Mẹ núi. Điều này có thể thấy rõ nhất trong tục bỏ mả của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Ngay cả khi còn sống, người dân ở quanh dãy núi Ngok Linh hùng vĩ có tục bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ lại tất cả những gì của thế giới vật chất hiện tại để đi sâu vào rừng, sống cuộc sống nguyên sơ hoang dã. Cứ thế mỗi năm một lần, họ về với Mẹ rừng, dùng cái cây để hái lượm, hòn đá để ném con thú, kéo tre làm ra lửa…Đấy gọi là tục Ninh Nông mà hôm nay không còn nữa.
Sống dựa vào thiên nhiên, thậm chí phó mặc cho thiên nhiên, đã tạo cho người dân tộc thiểu số một cách ứng xử hài hòa, thân thiện với người Mẹ thiên nhiên của họ. Họ không bao giờ lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên. Chỉ vừa đủ ăn, vừa đủ dùng. Hãy xem lại một số luật tục xưa của đồng bào quanh dãy Trường Sơn thì thấy rõ điều này. Họ không dùng thuốc độc để đánh cá; biết chừa lại con cá nhỏ; không bắn con thú mang thai, không vặt trụi đám rau mà chỉ lấy nhành lấy lá.
Xưa, bà con ở Tây Bắc hiếm khi đụng đến một cái cây ở đầu nguồn-mó nước. Luật tục của cộng đồng không cho phép họ làm như thế! Dù chưa tiếp cận với văn minh, hiện đại nhưng bà con thiểu số, từ đời này sang đời khác, bố nói với con, ông nói cho cháu, rằng hái cùng diệt tận không phải tập quán và đạo đức của dân tộc mình.
Nước là nguồn gốc của sự sống. Chân lý khoa học ấy bà con thiểu số chưa hiểu hết, nhưng trong hành động của họ lại thể hiện và chứng minh được điều này. Nếu một lần được tham gia vào những lễ hội cúng rừng, mời nước, xin nước… thì mới thấy người dân tộc thiểu số trân trọng đến thiêng liêng nguồn nước mát lành. Người Dao có những cách lấy nước vào đồng ruộng rất khoa học. Một hệ thống khóa, chỉ bằng tre nứa thôi, nhưng sẽ tự động đóng lại khi nước đầy. Đây là thái độ thân thiện, coi trọng Mẹ rừng, Mẹ nước…Chính điều này giúp người thiểu số tồn tại qua hàng ngàn năm.
Mẹ thiên nhiên đã sinh ra ta và nuôi ta sống nên phải biết kính trọng Mẹ thiên nhiên. Lấy của Mẹ vừa đủ để tồn tại là cách tồn tại bền vững của người thiếu số trong lịch sử phát triển của mình.
Miền Trung vừa vật vã trong cơn khô khát thì đùng cái bão số 3, nước mênh mông khắp nơi. Nhìn người đàn ông ở Quan Sơn, Thanh Hóa bám vào bụi cây giữa dòng lũ gào thét cuồn cuộn, phó thác số phận của mình cho ông trời, tôi đã lặng đi! Đã bao giờ trong lịch sử của mình bà con bị thiên nhiên trừng phạt nặng nề như thế này chưa?

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Chuyện khai giảng với hai ông Thọ

Chuẩn bị khai giảng rồi đấy! Bữa nay tôi kể 2 chuyện nghe được từ hai anh Thọ, một người anh và một đồng nghiệp.
1. Cách đây mấy hôm đi Hạ Long cùng nhà văn Nguyễn Văn Thọ, anh có thời gian sống hơn 30 năm ở Đức, anh kể bên đó chỉ làm lễ khai giảng cho các cháu lần đầu bước chân vào trường học, lớp 1, còn các lớp sau không lễ lạt gì cả.
2. Một anh Thọ khác (Tho Phạm), đồng nghiệp của tôi, PGĐ Cơ quan thường trú Đài TNVN tại khu vực Tây Bắc, có vợ giáo viên, hai đứa con trai anh rất ngoan, học rất giỏi.
Một bữa cháu út nói với anh Thọ rằng sau con không bao giờ theo nghề báo của bố. Hỏi sao, nó nói đi khai giảng nắng, mệt bỏ xừ thế mà báo đài viết “những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những nụ cười rạng rỡ của ngày đầu cắp sách đến trường…🤣”. Lại hỏi, thế các bác nói trên sân khấu các con có nghe không. Nó nói thẳng, tụi con nói chuyện với nhau, ai nghe, mà có hiểu các bác nói gì đâu mà nghe 😳.