Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Chuyện người già 1



Thưa các cụ, thưa quý thính giả, mối quan hệ giữa con dâu với nhà chồng xưa nay thiên hạ nói mãi rồi. Và tôi cũng không ngờ là những chuyện như thế lại xảy ra với gia đình chúng tôi.


Hai vợ chồng tôi chỉ có một cháu trai nên sau khi lập gia đình, cháu ở với chúng tôi.  Hai vợ chồng già ở tầng trệt, còn toàn bộ hai tầng trên chúng tôi dành cả cho các cháu

Không khí gia đình những năm đầu ở với các cháu khá vui vẻ. Cả hai vợ chồng cháu đều làm việc ở cơ quan nhà nước, thu nhập không cao nhưng ổn định. Rồi hai thằng cháu nội lần lượt chào đời, công việc có bận thêm đôi chút nhưng cả nhà đều thấy vui.

Bây giờ thì cả hai cháu nội của chúng tôi đã học tiểu học. Những tưởng mọi phức tạp nảy sinh giữa gia đình chồng với con dâu sẽ xuất hiện lúc khó khăn vất vả nhất, đó là thời kỳ con dâu sinh nở và chăm bẵm trẻ sơ sinh trong nhà, thế nhưng không, gần đây, khi mà cuộc sống nhàn hạ đi vì các cháu đã lớn thì con dâu tôi lại có những biểu hiện cắm cảu, khó chịu, cho dù hai vợ chồng già chúng tôi cố gắng nhường nhịn, chiều chuộng con dâu hết mực.

Tưởng là vợ chồng chúng nó cãi vã rồi bực lây sang hai vợ chồng già thế nhưng không phải, mọi sinh hoạt, công việc và quan hệ của vợ chồng con cái chúng nó hoàn toàn bình thường, thế nhưng con dâu tôi cứ luôn hục hặc với hai vợ chồng già. Toàn chuyện lặt vặt chẳng đáng để tâm thế mà cháu cũng cáu bẳn, nói năng với bố mẹ chồng rất thiếu nề nếp. Chuyện này diễn ra thường xuyên và mức độ tăng dần. Tôi để ý thấy con dâu chỉ có những hành vi không đúng mực như thế khi không có chồng nó bên cạnh.

Hai vợ chồng già cứ bàn tính mãi là có nên nói những điều con dâu không phải với con trai chúng tôi hay không. Con trai tôi ngoan, hiền, nhưng cục tính, nhỡ khi biết chuyện, cháu lại to tiếng hoặc làm điều gì không đúng mực với vợ thì không thể chấp nhận; mà không nói thì con trai tôi không biết, cứ tưởng vợ mình vẫn lễ phép, tôn trọng bố mẹ chồng như xưa thì cũng không được. Rất mong nhận được chia sẻ của các cụ.



Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bố chịu!



Cún hỏi có cô Tấm thật không? Bố chịu. Nếu nói có thì bố đã tự dối mình mà nếu nói không thì chẳng biết giải thích thế nào vì Cún vừa nghe truyện  xong.

Cún khoe nhìn thấy cây đa chú Cuội. Bố lặng thinh chẳng dám nói thật rằng đấy chỉ là một dãy núi hoặc biển cạn mà thôi.


Cún hỏi con chim có ích không, bố nói có vì nó bắt sâu. Cún lại hỏi con ếch có ích không, bố suy nghĩ một lúc rồi cũng nói có vì nó làm thức ăn cho con người. Cún hỏi tiếp con muỗi có ích không, chẳng do dự bố nói không.

Nhìn cái mặt ngơ ngơ của Cún bố biết câu trả lời chưa thuyết phục. Bởi hôm trước bố chỉ cho Cún xem con thạch sùng đang săn mồi mà nạn nhân là con muỗi. 

Muỗi chẳng ích lợi gì đối với con người nhưng là món khoái khẩu của chú thạch sùng.

Thay vì giải thích về sự đang dạng sinh học, bố định nói với Cún đại khái là có những con vừa có hại vừa có lợi như thế nhưng nghĩ thế nào lại thôi.

Đúng hơn là bố chịu. Bàn về “tồn tại” chẳng phải chuyện đùa. Nói như cụ Hê-Ghen thì “những gì tồn tại đều có tính hợp lý”.

Trộm cướp và những thói xấu trên đời này “hợp lý” nỗi gì mà vẫn tồn tại qua nhiều ngàn năm? Khó phết!

Ngày xưa môn triết bố nợ hơi bị nhiều. Biết thế học hành chăm chỉ thì giờ chẳng phải đau đầu.

Thôi! Đại khái là Cún chỉ cần biết thói hư và kẻ xấu luôn song hành và ta phải sống chung với nó. Có thế  xã hội mới đủ sắc màu.

Bố chưa bao giờ dám tưởng tượng một xã hội toàn người tốt, các con vật đều có ích, chẳng có gì gây hại, thậm chí chỉ là phiền não cho nhau. Một cộng đồng như thế là hạnh phúc hay thảm hoạ? Bố chịu!

Đấy! Sức nghĩ của bố không vượt qua ngưỡng này. Vì thế cũng chỉ mong Cún biết cái xấu sẽ vẫn nhởn nhơ, kẻ bất tài vô đạo vẫn ăn trên ngồi trốc. Đừng quá bận tâm vào điều đó. Hãy làm công việc của mình thật tốt, bởi mọi sự tồn tại đều có lý mà.

Nhưng nếu Cún là kẻ bất tài thì đừng bao giờ dùng cái lý của sự tồn tại để nguỵ biện cho việc làm không đúng năng lực bản thân đấy nhé! Hãy biết hài lòng và chấp nhận một việc tương xứng với khả năng để có thể làm tốt nhất, dù chân lấm tay bùn, dù đồng lương eo hẹp.

Cún sẽ vặn vẹo liệu có bất công. Bởi Cún dù bất tài nhưng đã trèo lên vị trí ngồi mát ăn bát vàng hẳn có cái lý do để tồn tại?

Bố chịu! Thôi, cứ coi đó là mong ước của bố, mà mong ước thì chẳng cần cái lí gì hết!   


             

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Chẳng ở đâu chết dễ như ở Việt Nam.



Tạo hoá như trêu ngươi, đúng lúc cậu bé vàng bé bạc ở nước Anh chào đời với 41 phát đại bác tưng bừng thì ở Việt Nam có 3 đứa trẻ, cũng vừa chào đời, nhưng đã phải nghe tiếng kèn ai oán của phường bát âm.

Vẫn biết cậu bé kia là hoàng tử, dòng dõi trâm anh thế phiệt, cành vàng lá ngọc, nhưng trước hết, giống 3 đứa trẻ Việt Nam, cũng đều là con người.

Ôm xác chết và nỗi đau.
Bế sự sống và hạnh phúc

Mình đọc Nguyễn Huy Thiệp, truyện gì quên rồi, đại ý có cô gái giẫm phải cái đinh ở sông Tô Lịch, được đưa ngay vào viện giữa thủ đô, thế mà chết.

Truyện anh Thiệp viết lâu rồi vậy mà vẫn xảy ra hôm nay. Đau nhất là những đứa trẻ vừa hé mắt nhìn bầu trời đã phải vĩnh hằng ở chốn ngàn thu vì sự bất cẩn và tắc trách của người lớn.

Không ở đâu chết dễ như ở Việt Nam. Không ở đâu mạng người rẻ rúng như ở Việt Nam. Liệu mình có quá hồ đồ?

Nhưng sau khi nghe tiếp chuyện năm đứa trẻ bị hộ lý đánh rơi bộp phát xuống đất gần chết; học sinh học bơi ngay trước mắt hai cô giáo, chết, thì mình mạnh dạn khẳng định rằng không ở đâu chết dễ như ở Việt Nam.

Thực ra cũng có một vài khó khăn, đấy là quan chức đang cãi nhau xem bắn hay tiêm với lũ tử tù. Nhưng sau vụ này, có người gợi ý thay vì loay hoay tìm thuốc độc, cứ tiêm vác-xin viêm gan là chúng toi cả thôi. 

             




  

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Thi đua là…không tăng tỷ lệ tốt nghiệp?



Nếu quả thực Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói trong Hội nghị tổng kết năm học là “toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước” thì quả thực đây là cú sảy miệng tai hại.

Nói sảy miệng vì trong  báo cáo bằng văn bản không thấy.

Giá như Bộ không phản ứng trước thông tin trên thì có lẽ câu chuyện này  chỉ là chuyện vặt trong làng giáo dục nước ta, vài hôm là chìm ngỉm trước hàng tá các việc to đùng khác. Thế nhưng sau khi nghe giải trình của bác Hiển thứ trưởng thì  không muốn tin cũng phải ngờ vực.


Cái cách vặn vẹo câu chữ của bác Hiển, tưởng thâm thuý, nhưng hoá ra “vạch áo cho người xem lưng”. Bác nói “không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là việc không vô lý”. Thôi, thà bác nói trắng ra “tăng là vô lý” cho dễ hiểu có hơn không.

Sau một hồi chơi chữ, với cách nói phủ định, bác chuyển sang nghi vấn để đẩy câu trả lời cho thiên hạ. Bác bảo“Trong khi tỷ lệ tốt nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành đều giảm mà lại có vài tỉnh, thành tỷ lệ tốt nghiệp tăng lên, mặc dù năm trước cũng đã cao ngất ngưởng thì có đáng phải suy nghĩ không

“Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng biết rõ tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất”.

Với cách nói bóng gió của bác Hiển thì mọi người có thể tự trả lời được câu hỏi bộ có kìm tỷ lệ tốt nghiệp không. Qua đây cũng thấy cách đặt vấn đề của ngành GD đúng là có…vấn đề.

Địa phương nào tỷ lệ tốt nghiệp cao xếp vào một rọ với đơn vị gian dối thi cử là vô lý. Tỷ lệ tốt nghiệp năm trước của tỉnh A cao nên năm nay phải kìm lại cũng thiếu căn cứ. Có thể trên thực tế, đây đó đúng như vậy, nhưng trong quản lý ai lại đi điều hành bằng cảm tính, chủ quan như thế?

Nghe đâu Bộ cắt thi đua mấy anh có tỷ lệ cao đáng ngờ. Nếu đúng thế thì  mọi người hẳn sẽ thấy thấp thoáng căn bệnh “không quản được thì cấm” trong vụ này. Khi không xử lý được tiêu cực thi cử bèn quay ra bắt nọn mấy anh có tỷ lệ tốt nghiệp cao là cách làm trẻ con.


Hồi bác Nhân về làm GD, mình có dự nhiều buổi hội thảo về đổi mới thi đua. Nói không ngoa, Bộ GD-ĐT tiên phong trong việc này.

Trước mình nghĩ đơn giản phải khá, giỏi, xuất sắc mới thuộc diện thi đua.  Đến thời bác Nhân, bác nói: “Trước yếu nay trung bình cũng là thành tích, là thi đua”. Mình sáng mắt sáng lòng, thay đổi hẳn quan niệm, tức là cứ đạt thành tích cao hơn trước là thi đua. Nay, thời bác Luận, lại thấy cứ đạt thành tích cao hơn là… không phải thi đua. Chịu không hiểu!

GS Phạm Minh Hạc nói GDVN mình theo triết lý đèn cù, tít mù rồi lại vòng quanh, chắc đúng?        






Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Bà Tập.



Đi làm về qua nhà bà Tập thấy người lố nhố, lại chuẩn bị dựng rạp, mình dừng lại hỏi, hoá ra bà Tập vừa mất.

Buổi sáng vừa thấy bà đứng ở ngã ba xỉa xỉa tay lên trời nói gì đó, thế mà giờ... Nghe kể, một người đi tới từ phía sau, chào bà, bà giật mình ngã, chết.

Bà Tập cỡ tuổi mẹ mình nhưng xốc vác năng nổ. Mẹ mình kể, hồi kho xăng Đức Giang trúng bom, dân các làng xung quanh chết nhiều. Khi đó bà Tập đang là đoàn viên, rất hăng hái. Vừa ngớt tiếng bom, bà cùng các bạn nhảy ra khỏi hầm, lao đến từng hố bom, gắp từng miếng thịt, gom từng mảnh quần áo đẫm máu của bà con đem chôn.

Hồi đó còn chiến tranh, nêu cao tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu, bà Tập dạy chị em cách cấy chăng dây thẳng hàng để đưa các loại máy nông cụ (thô sơ) vào đồng ruộng; dạy đội nữ dân quân tập bắn máy bay bằng súng trường. Người ta thấy bà lăng xăng chạy chỗ này chỉnh tư thế, chạy chỗ kia bảo cách lên đạn. Người dân Xóm Lò xưa nay chỉ biết đóng gạch, vào lò ra lò, có thấy khẩu súng bao giờ đâu nên khi bà lớn tiếng chỉ dạy thì mọi người cũng chỉ biết gãi đầu cười trừ. Thấy thế bà càng hăng, ai hỏi lại là bà vằn mắt, xỉa xỉa tay lên trời, nói đã không biết để người ta nói cho mà nghe.

Mình lớn lên thì bà đã vào đảng, là bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội sản xuất. Trong làng ngoài xóm hễ động chuyện gì là bà Tập đánh kẻng triệu tập họp dân chính đảng.

Trâu nhà ông Toàn ăn lúa hợp tác: họp dân chính đảng. Nhà bà Hồng bán lợn chui cho con phe: họp dân chính đảng. Chị Mùi, đoàn viên nhưng có biểu hiện tiểu tư sản vì dám mặc quần phăng, làm đầu phi-dê: họp dân chính đảng.

Dân Xóm Lò xưa nay chỉ biết đốt lò, không hiểu dân chính đảng là cái gì. Bởi vậy cứ thấy bà đánh kẻng hô họp là mọi người xanh mắt.

Mở đầu cuộc họp nào bà cũng giải thích Dân là quần chúng nhân dân, Chính là chính quyền, đảng là đảng quang vinh, là Bác Hồ. Đây là ba thành phần ưu tú trong xã hội góp phần đưa cách mạng VN đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì thế phải họp dân chính đảng.

Dân là bà Tập, chính quyền là đội trưởng hợp tác xã, cũng là bà Tập, đảng là bí thư, cũng là bà Tập. Thế nên cả buổi họp mỗi bà nói. Bà xỉa xỉa tay lên trời, nói phải tham mưu cho cấp uỷ, phải quán triệt, phải giác ngộ, nỗ lực nêu cao tinh thần cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, phải duy vật, cấm duy tâm…Rồi bà kết luận, ra nghị quyết. Dân ngồi dưới chẳng hiểu mô tê gì, ngáp ruồi rồi lục tục kéo nhau về ngủ.     

Được cái bà Tập xốc vác.  Đầu làng cuối xóm, hễ động việc là có mặt bà, từ việc hiếu cho tới việc hỉ; từ chuyện con bò trở dạ cho tới việc ông chồng nhà kia không chịu dùng bao cao su. Nhà có việc mà không có nhời với bà thì bà bóng gió, tiếng bấc tiếng chì cho đến khi phải mò tới nhà bà, kì kèo bà ra giúp mới thôi.

Bà đến chẳng phải vì bữa ăn mà bà giúp thật. Ban đầu cũng lao vào vo gạo rửa rau, thế nhưng sau ý thức được vai vế của mình, chẳng gì thì cũng là bí thư, đội trưởng, nên bà chuyển sang chỉ đạo, cắt đặt mọi việc thay gia chủ, không cần biết mọi người có nhờ vả, có đồng tình không. Thi thoảng mọi người cũng thấy chướng, nhưng biết cái tâm bà tốt, nên lặng thinh chiều bà. 

Bà Tập tự coi mình là thủ lĩnh, là lãnh tụ tinh thần của cả làng lúc nào không hay. Bà thấy mình có trách nhiệm phải giải quyết, phải trả lời, phải điều hành, lãnh đạo, đưa đường chỉ lối, giác ngộ cho con dân Xóm Lò.

Trong đám ma, bà Tập vừa đánh trống, vừa đánh thanh la; lúc lăng xăng chạy lên trên chấn chỉnh việc cầm cờ cầm phướn, khi xộc xộc chạy xuống phía sau nhắc phải khóc như thế này, phải chống gậy như thế kia. Xong mỗi việc, hạnh phúc tràn trề, mặt mũi hoan hỉ, bà bảo con người mới XHCN phải thế. 

Vô tuyến chiếu phim Tôn Ngộ Không, có thằng bé phấn khích hét: “Tôn Hành Giả”. Bà Tập ngồi trên đứng phắt dậy, quay xuống vằn mắt, xỉa xỉa tay lên trời, nói không biết để người ta nói cho mà nghe, đấy là Tôn Ngộ Không, hiểu chưa. Lần khác có bác bình luận cờ Hoa Kỳ nhiều sao lắm sọc, bà vằn mắt, xỉa tay lên trời té tát, nói đã không biết để người ta nói cho mà nghe, cờ Mỹ dám bảo Hoa Kỳ.           
 
Mấy hôm sau biết sai, bà đánh kẻng họp dân chính đảng. Trong cuộc họp, với tư các là Dân, là Chính, là Đảng, bà lại xỉa xỉa tay lên trời, nói tôi không ngờ đất nước mới thống nhất được vài năm, tội ác đế quốc còn phơi ra đấy, thế mà có đồng chí lập trường tư tưởng không vững vàng, đi ca ngợi đế quốc với cái tên loè loẹt hoa hoè hoa sói là Hoa Kỳ. Tôi hỏi các đồng chí Hoa Kỳ là thứ hoa gì? Rồi hăng lên, bà vằn mắt, xỉa tay lên trời, nói đã không biết để người ta nói cho mà nghe. Chẳng ai dám (thèm) cãi bà. Bà mãn nguyện, thoả thê, ngây ngất sống trong ánh hào quang giả tạo trong cả cuộc đời mình.

Mỗi khi ti vi chiếu phim tài liệu những năm 45, cảnh đội nữ dân quân chít khăn mỏ quạ, mặc quần thâm đất, vừa đi đều, vừa vung tay hô rất hùng tráng là bà Tập lại tự hào chỉ tay vào vô tuyến, nói tôi đấy tôi đấy. Mọi người căng mắt hỏi đâu đâu. Bà Tập bực mình vằn mắt, tay xỉa xỉa lên trời, nói đấy đấy, mù à. Mọi người nhìn bà rồi nhìn vô tuyến, không thể không tin vì động tác xỉa tay lên trời của bà với kiểu vung tay hô muôn năm (hay đả đảo) của mấy chị trong phim giống nhau như đúc.

Bà Tập là người duy nhất trong xóm biết đi xe đạp. Những năm sau giải phóng, ở quê, kiếm được phụ nữ như thế cực hiếm. Mỗi khi họp trên xã về, đến đầu làng, bất kể gặp ai, dù đang cấy hay đang cày, bà đều chống xe phổ biến nghị quyết, nói các anh trên trung ương nói thế này, các đồng chí ở huyện nói thế kia, nghe xong ai cũng kinh. Người nào nghe thiếu nghiêm túc là bà vằn mắt, xỉa tay lên trời, nói đã không biết để người ta nói cho mà nghe. Cuối cùng ai cũng phải (hoặc vờ phải) nghe. Không những thế, họ còn gật đầu, suýt xoa, hỏi thế a thế a. Bà sướng lắm, cứ như vừa giác ngộ được chúng sinh.

Giờ đây ở cõi thiên thu chẳng biết bà Tập có còn được sống trong ánh hào quang mụ mị ấy nữa hay không.     
       

       

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Rể về quê.



Mình sinh ra ở quê, lớn lên ở cả quê lẫn thành thị. Kỷ niệm sâu sắc nơi nào cũng có, nhưng nếu ai hỏi ở đâu ấn tượng nhất thì mình trả lời chẳng chút do dự: Quê.


Chợ quê ( Ảnh mạng)

Hơn 1 năm làm phóng viên thường trú ở Sơn La, mình nghiệm thấy người sống ở quê, dù đồng bằng hay miền núi, đều có những nét cơ bản giống nhau, nói chung rất đáng quý, đáng trân trọng. Chính vì thế mình rất khoái về các vùng quê, tiếp xúc với người quê.

Quê nội mình ngay bên kia sông Đuống, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh , Hà Nội; sát cạnh nhà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.  Quê vợ mình ở Thái Bình, cách Hà Nội 120 cây. Xa thật đấy nhưng đi xa cũng có cái thú.

Bố mẹ vợ có hai cô con gái đều lấy chồng rồi sống tại Hà Nội nên ở quê nhõn hai thân già. Năm giờ chiều ông bà đã cơm tối, xong xuôi rủ nhau lên sân thượng hóng mát, nghe đài và đếm máy bay. Hai cụ biết rất rõ có bao nhiêu chiếc máy bay từ biển bay vào và từ đất liền bay ra. Khi nhạc hiệu chương trình “Kể chuyện cổ tích và Hát ru cho bé” cất lên thì ông bà đi ngủ.

Con cái ở xa về ông bà thao thức từ đêm hôm trước, dọn dẹp mọi thứ thật sạch để mấy đứa thành thị về chẳng có chỗ nào phàn nàn.

Về quê khoái nhất đi chợ, nào chợ Nang, chợ Ngái, Chợ Nê…nghe tên đã lạ, đã mê rồi.  Chợ ở đây họp theo phiên, chỉ vài tiếng rồi tan. Gần đây các chợ này xây mới khang trang hơn nhưng hỏi mình có thích không thì mình sẽ nói không. Tại sao thì chẳng biết nữa!  

Hồi mới cưới, mẹ vợ rất khoái dẫn mình đi chợ. Bà có gánh hàng nên quen khắp lượt. Rồi người đi chợ cũng trong làng trong xã cả, nói chung quen hết.

Ra chợ, mẹ vợ vứt gánh hàng đấy, dắt tay mình lôi xềnh xệch đi khắp chợ, gặp ai cũng chỉ vào mình, nói con rể tớ đây này.  Các bà các chị bán hàng ai, dù bận bày hàng bán hàng đến mấy cũng ngẩng lên cười, nói  con rể bố Tổn mẹ Vân đấy hở, về chơi có lâu không.

Gặp người cùng làng đi chợ bà vẫy tay, nói này này, lại chỉ tay vào mình, nói con rể tớ đây này. Chỉ cần ai đó có ý quan tâm hoặc trực hỏi thêm là bà thủ sẵn câu “cháu nó là nhà báo, làm ở Đài phát thanh TNVN”. Một nửa chợ nhìn mình với vẻ ngưỡng mộ, có người còn xuýt xoa, Xa xa phía cuối chợ có ông bán chổi làm mặt lạnh, nói băng quơ dăm ba câu châm chọc khích bác gì đó chuyện ông nhạc mình không có con giai. Nói chung hơi bị GATO thôi. 

Đấy, con cái dù đã hơn 40 nhưng dưới mắt người mẹ, trong vòng tay mẹ thì vẫn mãi là con trẻ. Người Việt mình là thế! Cái này có cái hay nhưng cũng có không phù hợp với lũ trẻ nít bay giờ, lúc nào tiện mình sẽ viết. 



Lần về gần đây mình rủ thêm con gái đi cho biết chợ quê. Mẹ vợ mình vẫn thế, gọi khắp lượt, nói con rể tớ đây này, hai đứa cháu ngoại tớ đây này… Vài người ngoái lại nhòm, nói vậy à, vậy à, Hà Nội trắng nhễ, nhỉ.

Mấy người nữa đang mua mua bán bán, chẳng biết thân sơ thế nào mẹ vợ  vẫn cứ khoát tay. Họ ngoái lại gật gật, nói bá Vân đấy à. Mình vội xoe xoe cười, hất tóc làm dáng, thúc hai con chào bà đi. Mẹ vợ chỉ tay vào mình, nói con rể tớ đây này, hai đứa cháu ngoại đây này, cháu nó là nhà báo…

Mình đứng sau sắm mặt tươi, miệng luôn trong tư thế nhe răng cười. He he, mình vẫn khoái quê.
        






 



    

  

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Chuyện lạ.



Mình không tin những chuyện mê tín dị đoan, chuyện lạ vô căn cứ kiểu như UFO, người tuyết, thuỷ quái hồ Lốc-Nếch… nhưng nghe kể mãi cũng đâm ngờ.


Hôm về quê, ông chú vợ cho xem đoạn băng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Xem xong, không tin không được.

Nghe nói chị Hằng trước cũng “bình thường” thôi nhưng trải qua tai nạn chó dại cắn, bệnh viện trả về, tay chân lạnh hết rồi, thế nhưng không hiểu sao lại sống. Qua biến cố ấy, chị thấy mình có năng lực liên lạc với cõi âm.

Lòng tin của mình về những sự việc như trên tiếp tục được củng cố và được xác nhận một cách chắc chắn qua hai trường hợp ở VOV2 mà mình trực tiếp chứng kiến, đó là trường hợp anh Nhật Minh và chị Thu Trang.

Trước đây, nói chuyện rượu ở Đài mà không kể tên Nhật Minh thì có lẽ dân nhậu đổ xô ra Hồ Hoàn Kiếm biểu tình mất. Thế nhưng ông trời đố kị hẹp hòi, không để anh phát triển cái khả năng phi phàm ấy. Mấy cái “mụn ruồi” mọc lên ở đại tràng khiến anh phải tuyệt tình với rượu. Không những thế, còn phải bơm một đống hoá chất vào người.

Cũng may “mụn ruồi” mới mọc, trị phát dứt điểm luôn, nay ngon lành rồi, nhưng anh vẫn quyết nói không… với rượu.

Anh nói chẳng phải vì bệnh tật mà sợ, khỏi rồi có gì phải sợ, thế nhưng uống không vào. Nể bạn bè lắm thì nhấm nháp chút rượu màu, thế thôi. 

Thay đổi có tính cách mạng như thế, theo mình, có lẽ do tác động của hoá chất. Trước đây Nhật Minh mù mờ về vi tính nhưng giờ cực siêu luôn. Mấy đứa phòng tin học xuống mà ấm ớ là anh đuổi liền. Cao thủ như cậu Thọ trưởng phòng mà gặp anh còn lấm la lấm lét nữa là bọn trẻ mới vào nghề.

Mình tập mãi mà không tài nào đánh bài trên Ipad được, thế nhưng kể từ khi xuất viện, anh đánh nhoay nhoáy, 10 ngón mới tài chứ. Cái này mình không biết đâu, hôm truy cập vào hệ thống của VOV.VN, thấy dưới mỗi bài Nhật Minh gửi cho Blog toà soạn đều có dòng chữ “Sent from my Ipad”. Kinh!

Một cái lạ nữa trước đây anh chỉ làm thơ cho vui, thi thoảng đi công tác đọc cho mấy em tre trẻ ở địa phương nghe gọi là làm quen. Thế nhưng dạo này tự nhiên lại thấy có thiên hướng âm nhạc. Mới đây, anh cùng Nhật Dương (VOV3) đã có bài hát đầu tay, và nghe đâu đang thai nghén ca khúc tiếp theo, quyết không chịu thua bài hát "Lắng tiếng quê hương", một bài hát kinh điển về Đài của nhạc sỹ Dân Huyền.

Thơ với nhạc gần nhau đã đành, nhưng có những thứ cha mẹ sinh ra, định hình rồi mà vẫn thay đổi mới kỳ lạ.

Mình cận 10 diop, anh cận 9,5. Có lần hai đứa đi công tác, nhìn lên đê thấy 3 đống rơm. Anh phàn nàn công tác phòng chống lũ lụt ở địa phương còn nhiều bất cập. Ai lại đi chất đống rơm lên đê con trạch bao giờ, định làm tổ cho mối hay sao. Mình phóng mắt lên thấy đúng nên cũng ậm ừ xác nhận, trong bụng thì phục anh, sinh ra ở phố cổ mà rành nông thôn ghê! Đến lúc ấy thì anh cán bộ địa phương mới rụt rè ngó mình cái, ngó Nhật Minh cái, nói dạ không phải đống rơm đâu, con bò đấy ạ.

Hai thằng cận lòi mắt, thế mà không hiểu sao giờ Nhật Minh bỏ kính phóng xe máy vù vù, thứ 7 nào cũng đá bóng mà không sợ văng kính.

Sau vụ truyền hoá chất như nước vào người, mình nghĩ đến voi cũng phải yếu đi chứ đừng nói. Thế nhưng với Nhật Minh thì ngược lại, ngược lại cả với quy luật của tạo hoá. Người ta lớn tuổi thì các bộ phận teo tóp đi, anh khác, không những thế còn ghé tai mình, nói…      

Mình trợn tròn mắt. Cái gì chứ cái này mình không tin. Đàn em Nhật Minh có cậu tên Hoàng. Tay này bợm phết. Mấy lần anh em đi uống, rượu vào sương sương lên chút là Hoàng liến thoắng đủ chuyện, nhất là chuyện gái gú. Hắn hứng lên, đứng phắt dậy, nói anh đã làm thế này chưa, đã làm thế này chưa. Nhật Minh  xua xua tay, nói khiếp khiếp, kinh kinh, ai lại làm thế.

Đấy là chuyện xưa. Còn bây giờ thì… mình thấy Quyên, vợ Minh, cứ tíu ta tíu tít suốt ngày, cười từ cổng cơ quan cười vào, lại khoe ông Minh nhà mình thế này, ông Minh nhà mình thế nọ…thì mình tin Nhật Minh nói thật.


Chuyện Nhật Minh tạm dừng ở đó đã, giờ nói chuyện Thu Trang. Mình vẫn nhớ như in cái buổi sáng sớm nghe hung tin Thu Trang bị tai nạn phải vào Thanh Nhàn rồi chuyển ngay sang Việt Đức.

Bất tỉnh ba ngày, ba đêm. Sáng thứ tư bác sỹ đến giơ ra hai ngón tay hỏi mấy đây. Trang hé mắt thì thào, nói hai. Bác sỹ búng tay tách phát, nói OK.

Sau một tháng thấy cái sọ não ổn ổn thì cô này đi làm.  Vừa vào đến cơ quan không ai nhận ra vì như người mới được thay máu. Mỡ màng và dịu dàng đến bất ngờ. Trước đây Thu Trang tong teo độ 25 cân thì nay cân cả tã phải được tròn năm chục.

Nhưng cái đó chẳng là gì so với việc Thu Trang trước yêu chồng 1 thì giờ yêu chồng 10. Trước  hở ra là nói xấu chồng, nào là dân rượu chè bê tha, nào say rượu như ông hâm…, thì nay chưa 4 rưỡi đã nhớn nhác, nói em phải về, em phải về; rồi mắt long lanh, nói anh Tuấn em hôm nay về sớm.

Mình đang cố vắt óc lý giải vì sao sau biến cố có tính sinh tử như thế thì con người lại có những thay đổi hết sức kỳ bí, và quan trọng nhất là vợ yêu chồng hơn, chồng yêu vợ hơn. Phải chăng sự rủi - may, được - mất luôn song hành là có thực. Và ở đời, bằng phẳng, trơn tru và tròn chĩnh quá nhiều khi cũng nhàm, cũng tẻ và cũng đừng nên quá hân hoan. Có chút sóng gió cũng chưa phải là cái gì tồi tệ. Phải thay đổi, phải đổi thay. Tại sao chương trình cứ làm rặt theo một lối mòn như vậy? Sao vậy… ậy… ậy ?

Một cái véo đau điếng ở đùi. Vợ lay lay, gọi anh Phong, anh Phong, hét cái gì ghê thế. Hoá ra mơ. Mơ bà con ạ.
         
  


      

 

     

  

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Luật và luật rừng.




Đang ngồi uống chè chén ở quán cóc vỉa hè thì tôi nghe trong nhà vọng ra tiếng khóc ầm ĩ của đứa em, rồi tiếng quát nạt của thằng anh, con chị chủ quán.

Chẳng cần đợi lâu, thằng anh trong nhà mặt đỏ tía tai vụt chạy ra, nói mẹ ơi thằng Tĩn nó lấy siêu nhân của con. Chẳng biết chị chủ đang mải khách hay quá quen cảnh kiện tụng nên lờ đi. Thằng anh đứng trân trân chờ đợi sự phán quyết. Không thấy mẹ phản ứng gì, nó liền vụt chạy vào giang tay tát đứa em bốp một nhát. Thằng em lại khóc rú lên. Lúc này chị chủ mới nhào vào.



Nhìn cảnh tranh nhau siêu nhân tôi lại vẩn vơ nghĩ tới vụ hỗn chiến tranh giành đầm nuôi ngao của bà con ở hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, Thanh Hoá.
    
Thực khó có thể tưởng tượng những người lao động chân chất, tối lửa tắt đèn có nhau, dẫu khác thôn khác xóm nhưng vẫn quen mặt, vẫn dây mơ dễ má… lại có thể dùng đao kiếm chém nhau man rợ như thế.

Những xích mích kiểu mất gà mất chó ở quê thường xảy ra, bực bội lắm thì vác mồm ra ngõ chửi, chửi mãi, mệt thì về, rồi thôi. Chưa thấy thời nào bà con ngang nhiên chuẩn bị hung khí dàn quân chém nhau giữa ban ngày ban mặt như thế này.

Gần đây, ở một số làng quê người ta thấy xuất hiện bóng dáng của bọn đầu gấu, mà thực chất đã phát triển thành băng nhóm xã hội đen, không biết từ đâu đến để giải quyết mâu thuẫn. Chuyện này đã xảy ra ở Văn Giang.

Rồi cũng mới đây thôi, người dân ở Nghệ An tập hợp nhau lại, lên kế hoạch rình, bắt và giết chết kẻ trộm chó. Là người từng sống ở làng quê, tôi biết việc đánh trộm đến chết như thế được dân làng ngầm đồng thuận chứ chẳng phải vì đòn hội đồng.


Ngay cả chính quyền cũng thừa nhận ở chỗ này chỗ kia, lĩnh vực này lĩnh vực kia có sự thao túng của xã hội đen.

Sáng nay đi làm lại thấy các bạn đoàn viên thanh niên đứng ở ngã tư, mỗi khi đèn đỏ lại trương lên tấm bảng "Dừng đèn đỏ, tỏ văn minh". Các bạn đang kêu gọi ý thức và tính tự giác của người đi đường.
   
Kết nối những sự việc trên lại thì thấy cái khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” đang dần trở nên xa vời và xa lạ. Người dân, và có khi cả cơ quan công quyền nữa, đã không còn đặt trọn vẹn niềm tin vào luật pháp?

Cũng như con chị chủ quán chè chén kia, mẹ không xử lý thoả đáng thì chính nó sẽ dùng sức mạnh cơ bắp để giải quyết tranh chấp. Người dân trong một nước, khi không thể trông cậy vào pháp luật nữa thì họ dùng luật rừng.  Thế thôi! Còn nhà chức trách không chế tài nổi thì đi kêu gọi tính tự giác, lòng nhân ái và đạo đức...., toàn những thứ mơ hồ, chẳng thế đo đếm và định lượng. 


    


Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Lại kể chuyện kỳ thị



Lâu lâu rồi mình có viết về người Việt không bán hàng cho người Việt và sự kỳ thị. Hôm nay kể chuyện kỳ thị mình mắt thấy tai nghe.


Năm 79 mình vào Sài Gòn sống. Hồi đó Hà Nội so với Sài Gòn thì chỉ là nhà quê. Mình lại ở tận ngoại thành Hà Nội nên càng lớ ngớ. Cùng khu với mình có thằng Triệu, ở xã Hoa Nam, Đông Hưng, Thái Bình. Mình mời nó cốc sương sáo (thạch) thế mà nó quyết tâm và kiên trì cho rằng đấy là tiết trâu. Nói thế nào nó cũng không uống.

Thằng này cứ du dú ở nhà vì không dám sang đường.  Đi chợ mua bán cái gì nó đều nhờ mình. Chợ Cầu Kiệu (Phú Nhuận) chỉ cách nhà vài bước chân, có hôm mình lượn ra vài ba lần, hứng lên còn đi hết chợ, sang bên kia cầu Công Lý, chùa Vĩnh Nghiêm, nơi diễn ra sự kiện anh Trỗi đặt mìn giết bộ trưởng Mỹ.

Chợ không lớn nhưng đủ thứ. Mình chỉ biết mỗi rau muống và đậu phụ. Trong khi đó rau muống ở đây lại rất hiếm. Mỗi lần mình hỏi rau muống là  cả chục cặp mắt nhìn, rồi thì thầm chỉ trỏ. Khi mình vừa quay đi thì sau lưng có đứa đọc vè: “Dân bắc kỳ/nó ăn rau muống/ nó lì như trâu”.

Đi học mình bị gọi là “thằng bắc kỳ”. Hồi đó mình chưa lý giải được vì sao bọn lớp lại gọi mình một cách hằn học và đầy hận thù như thế nên rất tức. Nhưng kể cả cho tới bây giờ, với một cái nhìn cảm thông, chia sẻ và hiểu biết hơn, thì mình vẫn khẳng định người Việt mình rất khó chấp nhận nhau, rất khó chấp nhận sự khác biệt. Có nên gọi điều ấy là kỳ thị không thì tuỳ các bạn.

Mà cũng chẳng riêng mình, trong lớp có mấy đứa con gái lai Mỹ đẹp mê hồn thế mà cũng bị gọi là “con Mỹ lai, thằng Mỹ lai” với giọng xách mé và miệt thị.

Bố mình vào Nam những năm sau giải phóng theo diện cán bộ biệt phái. Không thể phủ nhận số cán bộ này có trình độ thua kém so với trí thức chế độ Sài Gòn cũ. Thế nhưng, trong ngành rau hoa quả, bố mình có lợi thế là có thực tiễn, hiểu nông nghiệp và nông thôn, cho dù kiến thức về thương mại của ông không mấy xuất sắc.

Kiến thức lớp 7 và vài tháng bồi dưỡng lý luận kinh tế chính trị Mác–Lê không đủ để cho ông lèo lái một cách tự tin việc buôn bán ở đô thị lớn như miền Nam. Hơn nữa những mẹo mực trong quản lý hay thủ đoạn của một nhà chính trị thì ông chẳng có gì. Đúng lúc ấy, các bè phái thuộc các nhóm: R (trên rừng về), biệt động thành, dân tập kết… nổi lên như sóng ngầm.

Bố mình xin về hưu trước tuổi. Thành uỷ Đà Lạt thấy thế mời lên làm, hứa cho căn biệt thự to đùng nằm giữa rừng thông hoang vắng nhưng ông lắc đầu. Của nả ông đem về miền Bắc sau bao năm phiêu dạt ở phương Nam là cái giường phóc-mê-ca và cái đài quay đĩa để nghe nhạc vàng. Ông về đi cày, vui như tết. Bây giờ thì người ta gọi các hiện tượng như thế là nhóm lợi ích nhưng mình cứ gọi đấy là sự kỳ thị.

Nước Mỹ hùng cường một phần là họ biết chấp nhận nhau, dám chấp nhận sự khác biệt. Nước Việt tí tẹo thế mà người vùng nọ chê bai dè bỉu người vùng kia, thật chẳng ra làm sao. Khổ nhất là người dân vùng Bắc Trung bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đi đâu cũng hay bị săm soi xét nét.

Cách đây mấy hôm, thấy trên cảnh cửa trong toa lét ở Sân bay Tân Sơn Nhất nghệch ngoạc dòng chữ: “Đù má bọn Bắc Kỳ. Đừng có chơi với bọn Bắc Kỳ, nó khôn lanh lắm…!”. 

Buồn quá là buồn!





 

   



Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Chuyện bậy bạ tào lao.



Mình không định viết ba cái chuyện bậy bạ tào lao này nhưng nghĩ thấy nên viết ra để bọn trẻ nó hiểu cái thế hệ mình ngô nghê, thiếu thốn và khổ sở như thế nào.


Hồi nhỏ, ở sân kho hợp tác, trên tường nhà vệ sinh có rất nhiều hình vẽ chim của nam, bướm của nữ, rồi cảnh chim chuột. Lạ nhất là trong nhà vệ sinh cũng xuất hiện những hình vẽ như thế. Hố xí ngày xưa bẩn kinh. Trong “hoàn cảnh đặc biệt” như thế mà bọn trẻ vẫn thăng hoa chống cằm liên tưởng linh tinh, rồi vẽ cảnh trai gái yêu nhau nhau thì phục thật.

Hồi đó có phấn, bút đâu, toàn vẽ bằng gạch non, đất sét, than củi. Hình vẽ cũng ngô nghê kinh khủng. Ai đời chim của đàn ông lại thẳng đứng, vuông góc với cơ thể, rồi bím của các em như con mắt nằm dọc mở to, lại nằm ngay trên bụng mới đểu chứ. Hai cái sinh thực khí ấy quyện vào nhau mà cứ như đang đâm một cái chày vào rốn các em.



Đấy là bây giờ mới biết chứ ngày ấy mình cũng tưởng là như thế, rồi cũng căng óc lên liên tưởng này nọ, khổ thế! Giờ nghĩ lại phì cười. Đúng là mấy tay danh hoạ nhí theo trường phái phồn thực  “chẳng hiểu gì về điện”.

Con nít tò mò thế đấy! Vậy nên cung cấp tư liệu cho chúng về giới, về tình dục thì có gì là sai, có gì là sớm.

Lại nhớ cách đây chục năm, hôm đi tập huấn nghiệp vụ viết về sinh đẻ có kế hoạch, bà chuyên gia Tây đặt lên bàn một vật phủ tấm khăn voan. Đảo mắt nhìn hết lượt chục học viên đang ngồi im lặng quanh bàn, bất ngờ bà giật phắt tấm khăn ra khỏi cái vật kia.

Trời ạ! Một con cu trưởng thành, thẳng tưng, to vật, chọc thẳng lên giời, làm bằng gì í, như thật luôn. Hồng Quyên, VOV2 ngồi bên cạnh, bưng mặt rú lên một tiếng.  Mình cũng muốn sờ phát xem con cu làm bằng gì nhưng… tự ti nên thôi, chỉ cười nhạt quay đi, ra cái điều “bình thường í mà”.

Chị chuyên gia Tây thấy vậy nhún vai mỉm cười, nói mới nhìn cái buồi bằng gỗ mà các anh chị đã ngượng thì tư vấn cho ai, viết cái gì.

Giờ kể tiếp chuyện thời mình đang là sinh viên K33 Khoa Tiếng nước ngoài, ĐH Tổng Hợp Hà Nội, khoảng năm 87- 88 gì đó.

Nói thật, mặc dù đã được khai tâm mở trí bằng những công cụ thị phạm như các bức vẽ giao hoan nguệch ngoạc trên hố xí; được bồi dưỡng bằng những câu chuyện rỉ tai của trẻ trâu, nhưng mình (và hình như cả thế hệ của mình nữa) vẫn rất ngố.  

Ai học ĐH Tổng hợp thời đó thì biết Ký túc xá Mễ Trì chỉ có 3 dãy nhà tầng đánh số A.B.C thôi. Nam ở nhà A, nữ ở nhà B,C. Bọn mình có một cái thú là đứng ở nhà A phóng mắt sang nhà B xem các em thay quần áo. Xa lắm! Nhìn thấy loáng thoáng thôi, thế mà có đứa rối rít, nhảy cẫng lên như phát cuồng, nói tao nhìn thấy rồi nhé, Phong ơi, tao nhìn thấy rồi Phong ơi.

Mình căng mắt ra chẳng thấy gì, nhưng không muốn làm bạn mất hứng, nên cũng giả vờ háo hức dòm dòm, nói đâu đâu. Nó bảo mày cận nhìn thế đéo nào được, chỉ tao nhìn thấy thôi, phải biết chớp thời cơ, nó có khoảnh khắc. Rồi nó bẹo má mình, nói phải có cái duyên em ạ.

Mỗi chuyện nhìn người ta tụt quần ra thay thôi mà nó cũng nâng lên thành DUYÊN. Thế nhưng hồi đó cả hội trong phòng vừa tò mò, vừa tức, đứa nào cũng muốn cái duyên thuộc về mình nên tan học là ba chân bốn cẳng chạy về trước để “canh” các em.

Thời điểm cuối những năm 80 rộ lên mốt video. Quán nước nào mà có video chiếu phim chưởng thì đông kinh khủng. Cùng với phim chưởng là phim con heo.

Ký túc xã Mễ Trì hồi đó cũng có quán kinh doanh món này, muốn xem phải đợi khuya, chủ quán nhìn trước ngó sau rồi bê ti-vi đầu máy vào trong buồng. Ông chủ thận trọng nhét băng video vào máy. Ở dưới hàng chục cặp mắt háo hức hướng lên đợi chờ. Những khuôn mặt căng thẳng như người lính trước trận chiến một mất một còn. Mồ hồi ròng ròng chảy mà không thấy thằng nào đưa tay lên quệt. Ngoài những âm thanh phát ra từ video cùng tiếng thở gấp gáp của đám sinh viên đang há mồm ngồi xem phía dưới, tịch không một tiếng động nào khác. Không khí ngột ngạt như trong phòng thi

Hết phim. Ông chủ tắt máy. Cả đám sinh viên giờ mới hắt ra tuồng như nãy giờ họ nín thở. Một phút, rồi hai phút, chẳng thằng nào nhấc đít đứng dậy vì thẳng nhỏ cứng đơ. Vài thằng dũng cảm ra trước thì lom khom như cụ còng. Rất muốn một đứa nào đấy ngửa bài huỵch toẹt ra tao đang cứng ngắc đây để những thằng khác khỏi phải diễn, thế nhưng không, không ai cả. Đàn ông đểu thế! Cái đáng tự hào thì lại dấu đi.

Sinh viên xem phim con heo khác với đám thợ hồ ở chỗ xem xong không bình luận, nhất là ở chốn đông người. Nhưng đêm về phim nó mới phát tác. Thi thoảng mình lại thấy một thằng lịch kịch mở hòm lấy quần đùi đi ra toa-lét. Hỏi sao, nói tao ra hết rồi mày ạ. Khổ thế!                 

Mãi sau này mới có ri-đô ở phòng nữ chăng kín bưng, rung lên bần bật chứ cuối nhưng năm 80 Ký túc xá Mễ Trì chỉ thế thôi. Mình nhớ một hôm có em khá xinh, nhỏ nhắn, xách túi đứng trước cửa phòng. Thấy em cười mình cũng cười. Hỏi em gặp ai thì em lại cười. Cái bộ dạng này chắc gái quê mới lên phố thăm bạn hoặc em gì đó  nên còn ngượng đây. Nghĩ vậy, mình mời em vào ngồi chơi xơi nước. Em vẫn chẳng nói, cứ  tựa cửa nhoẻn cười.

Một lúc sau mấy thằng cùng phòng đi tắm về, mình kể lại chuyện, chúng rít lên, nói Phong ơi phò đấy! Phò đấy! Mày ngu thế! Đâu rồi, nó đâu rồi…ồi…ồi ?