Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Phụ thuộc vào “đầy tớ” cả thôi!


Đã có vài nhóm người xuống đường (tụ tập đông người) phản đối việc chặt cây ở Hà Nội.

Nếu như các cuộc xuống đường trước đây phần lớn liên quan tới tranh chấp đất đai hay sự ngạo ngược của Trung Quốc (vốn dĩ đã sẵn có sự căm thù trong lòng người dân Việt), thì lần này lý do có vẻ “nhẹ” hơn rất nhiều: Chuyện cây xanh.


Nó cũng khác hoàn toàn về bản chất với các vụ xung đột về đất đai vốn gắn chặt đến quyền lợi vật chất của từng người dân.

Phải chăng với suy nghĩ như thế nên chính quyền Hà Nội khá bạo tay và tự tin khi phát lệnh đốn hạ, thay thế 6700 cây xanh, để rồi ngay sau đó bất ngờ vấp phải phản ứng dữ dội và lúng túng trong cách xử lý?

Sự kiện xuống đường với lý do nói trên là chỉ dấu cho thấy dư luận và dân chúng hiện nay rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Họ sẵn sàng xuống đường khi quyền lợi vật chất và tinh thần (dù là gián tiếp) bị xâm phạm.

Cũng như các cuộc tụ tập đông người trước đây, chính quyền kêu gọi giải tán. Cái sảy nảy cái ung, cách mạng màu và mùa xuân Ả Rập, Crưm, Ucraina… khiến nồi da xáo thịt là bài học xương máu nhãn tiền. Đó là lý do vì sao họ phải ngăn chặn từ xa và luôn thấy “thế lực thù địch” lấp ló đâu đó trong các cuộc xuống đường.

Chẳng biết có “thế lực thù địch lợi dụng” hay không nhưng phải thừa nhận rằng, hiện nay thông tin, trình độ dân trí và sự văn minh của người dân đã ở mức độ đủ cho phép họ đứng lên nói tiếng nói cá nhân, thể hiện ước vọng bản thân và cộng đồng.

Chính quyền sẽ phải thận trọng hơn, khôn ngoan hơn, vì người dân không hề dễ bảo như trước. Giờ đây, tuỳ thuộc vào thái độ và việc làm của chính quyền mà người dân đứng trong cùng hàng ngũ hay nhảy sang phía bên kia thành đối lập để thi thoảng lại “tụ tập đông người”. Cái ranh giới đó đang thu hẹp và ngày càng trở nên mong manh.





Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Tâm sự những hàng cây

http://vov.vn/blog/tam-su-cho-nhung-hang-cay-389286.vov

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Nóng mắt ở Berlin


Với loạt bài “Thanh niên Giao Chỉ ở Đức” trên blog này hồi 11-12/2014, thấy toàn khen bọn tư bản giãy chết nên có người tỏ ý không hài lòng, nói mày trưởng thành dưới mái trường XHCN thế mà đi có chuyến đã giẫm phải cứt Tây.

Không phải ở Berlin không có những chuyện bực bội nhưng thành thực mà nói là ít. Với tinh thần trung thực của một nhà báo cách mạng chân chính, mình nói sau cùng, và nói ở liều lượng hợp lý.  

Ngay cái chuyện mình mua hàng ở Rossmann, gặp thằng thu ngân tưởng mình người Trung Quốc nên khinh khỉnh nhìn bẳng nửa con mắt, nói tiếng không thèm thoát ra khỏi họng… cũng là một cách lên án chủ nghĩa tư bản thối nát, kỳ thị chủng tộc đấy còn gì.

Căm lắm! Thằng phát xít con tưởng mình người Tàu nên mới nhìn bằng nửa con mắt, nếu biết là thanh niên Giao Chỉ anh hùng,  cầm chắc nó…không thèm nhìn mình luôn.

Thành phố luôn là nơi ô hợp, trai tứ chiếng, gái giang hồ. Berlin không ngoại lệ, đủ các màu da. Không phải chỗ nào cũng sạch sẽ tinh tươm cả đâu. Cái bến tàu điện ngầm trước cổng Thư viện  Amerika-Gedenkbibliothek (American Memorial Library) cũng đầy mẩu thuốc lá, khác gì gầm cầu Long Biên.

Hôm đi bộ đến Checkpoint (địa điểm mà ai đến Berlin cũng phải ghé thăm để hiểu thêm những năm tháng nước Đức bị xẻ làm đôi) gặp ngay một hội bám theo chìa ra tờ giấy, cái bút, chắc xin chữ ký. Đang vội đi cho kịp đoàn nên chẳng xem (mà có biết đọc đếch đâu), chỉ thấy hình cái xe lăn nên đoán là một tổ chức thiện nguyện. Định vơ cái bút đang chìa trước mặt ký cho xong thì giật mình lúng túng: Ký vào chỗ nào bây giờ. Không thể để chúng nó biết thanh niên Giao Chỉ mù chữ. Để giữ gìn quốc thể, mình vờ nháo nhác tìm đoàn rồi… chạy.

Về khách sạn hỏi anh Lê Quang (Thổ công ở Đức), anh trợn mắt giọng mỉa mai: Nhìn mặt chúng nó như thế mà mày cũng định ký à. Mình chẳng nói gì, trong bụng thầm nghĩ, ký xong phải nôn ra vài oi (Euro)là cái chắc, mù chữ kể cũng hay. May mà mù chữ. Ha ha.


 Anh Lê Quang đầu trọc trong chuyến họp mặt gần đây nhất ở Sofitel -Saigon.

Thấy bảo hội đeo bám khách như thế toàn bọn Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc, Ba Lan… sang kiếm ăn. Mạnh Quân (Báo Thanh niên) còn bị hội này “hỏi thăm” ví, nạn nhân là tờ 500 EURO bị rách, hôm sau ra ngân hàng vẫn đổi được.

Rút kinh nghiệm sâu sắc và mài sắc ý chí cảnh giác nên hôm đi thuyền trên sông Spree, để khỏi vướng vào những rắc rối do bất đồng ngôn ngữ, mình kè kè anh Lê Quang.  Ngồi cạnh đầu gấu này thì đầu trọc cũng phải khiếp. Quá yên tâm!

Gió hiu hiu, nhạc du dương, tiếng thuyết minh thi thoảng vang lên khi ngang qua một địa điểm nào đó, bia Đức thơm nồng khó cưỡng…, Berlin vào đêm yên ả lạ kỳ! 

Đang thả hồn thư giãn thì một bóng hồng đưa máy ảnh lên. Chắc cô nàng là dân du lịch, thấy phong cảnh bên sông với các hiệu ứng đèn laze quá đẹp nên không thể bỏ qua. Rồi nàng tiến tới nói gì đó nhưng mình thừa thông minh để hiểu rằng cô muốn có mình trong ảnh. Khá khen cho con mắt tinh đời của nàng. Chuẩn men (man) như mình mà không xuất hiện trong hình thì đáng tiếc! Cơ hội ngàn năm có một cho cô đấy! Trước đó có vài người xua tay từ chối. Tại sao họ nỡ từ chối một cô gái duyên dáng lịch thiệp như thế nhỉ? Không thể cục cằn thô lỗ như vậy, nhất là với một cô gái. Mình phải xử sự sao cho thanh lịch, kẻo mang tiếng người Tràng An, xứ… Giao Chỉ! Nghĩ vậy nên mình ngước lên cười thật tươi…ươi…ơi…ơi…i…,thật lâu…âu…âu…u…u.



Hình ảnh được chiếu lên bờ từ thuyền trên sông Spree. Ảnh Minh Tuyến

Chừng mươi phút sau nàng quay lại, lạnh lùng ngó tấm ảnh, ngó mình, không hề do dự, tràn đầy tự tin, quyết liệt đưa mình xấp ảnh. Mình ngậm đắng nuốt cay rút tiền trả. Liếc sang thấy Lê Quang tủm tỉm cười, chừng hả hê lắm: Đừng tưởng có thiên đường trên thế giới này nghe em! Chỉ có ở Việt Nam thôi, mà 100 năm nữa mới có./.










Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Bạo lực vì không biết tôn trọng sự khác biệt

http://vov.vn/blog/bao-luc-vi-khong-biet-ton-trong-su-khac-biet-388092.vov

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Học sinh đánh nhau? Còn nữa...!

http://vov.vn/blog/hoc-sinh-danh-ban-da-man-con-nua-neu-nhu-387895.vov

Một ngày?

8/3.
Một ngày là cái đinh gì trong 365 ngày? Tại sao không phải là tất cả mà chỉ một?
Một tờ lịch đỏ loét với vài dòng ghi chú như một cam kết bền vững, một chứng thực cho muôn đời rằng, chưa bao giờ và chưa ở đâu cái đối tượng được nhắc nhớ trong tờ lịch kia được tôn trọng một cách đầy đủ, lâu dài và tương xứng.
Bởi vậy nên cần có một ngày?
Những câu chúc tụng, những lời tung hô trong một ngày chỉ làm tăng thêm sự tủi phận, gia cố thêm sự mặc cảm và tự ti. Nó chứng minh một điều ngớ ngẩn rằng “chỉ có một ngày thôi đấy nhé. Đừng có mơ!”. Nó ve vuốt và ru ngủ người ta bằng lòng với khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi của một ngày.
Tại sao lại có thể dễ dãi hớn hở và phấn khích khi chỉ có một ngày? Đó chẳng phải là sự ngậm ngùi thừa nhận chút lộc giời ơi, sặc mùi ban phát và bố thí hay sao? Sự nhẫn nhịn, cam chịu của đặc thù giới tính và bản sắc truyền thống không phải lúc nào cũng được đánh giá cao.
Không có gì có thể làm tổn thương hơn với một nhóm đối tượng nào đó bằng việc chìa ra một ngày và kêu gọi tất cả tôn vinh. Nó càng làm cho một hoạt động lẽ ra thường xuyên và bình thường bỗng chốc biến thành định kỳ và "bất thường".
Không cần tô đỏ tờ lịch! Không cần vài dòng ghi chú để nhắc nhớ! Không cần một ngày cho bất kỳ ai! Tri ân và biết ơn thực lòng không cần nhắc nhớ, không cần phải báo thức để buộc phải "tỉnh giấc" miễn cưỡng bởi tiếng chuông đồng hồ.
“Một ngày” là tấm giấy xác nhận sự bất bình đẳng gớm ghiếc nhất được in phủ lên trên bằng những đoá hoa hồng.

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Sao lại kiêng đàn bà ?

http://vov.vn/blog/viet-nhan-83-sao-lai-kieng-dan-ba-386489.vov