Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Trộm cắp bịp bợm ở Tây

Đồng nghiệp Vu Tho (Vũ Thơ) đang ở Nga, vừa bị đạo chích khoắng mất ví.
Hình dưới là nạn nhân (áo đỏ) và nghi can (áo xanh, người Tây Á ?). Thủ đoạn của chúng là vờ chụp ảnh chung để có cớ va chạm rồi móc đồ.
Bọn này quái đến mức khi một người bạn của Vũ Thơ giơ máy lên chụp thì đồng bọn nhảy ra trước mặt cũng đòi chụp, thực chất để che tầm nhìn, thoát khỏi sự quan sát, tránh bị phát giác.
Các bạn thấy cái khăn dài của con bé? Đó chính là công cụ tác nghiệp của bọn hai ngón. Mục đích để che bàn tay tội lỗi.
Nhớ hồi học Đại học Tổng hợp Hà Nội-1986, mình thường đi xe buýt (Karosa - Tiệp). Hồi đó (kể cả bây giờ) tụi móc túi cũng thường vắt cái áo, cái nón, cái cặp sách... trên tay để nguỵ trang.
Trộm cắp bịp bợm ở đâu cũng có. Mình chưa được đi nhiều nhưng nghe mọi người kể dưới chân tháp Eiffel (Pháp) ăn cắp như rươi!
Trên đại lộ Danh Vọng -USA, đang seo-phì thì 1 thằng tây đen thò mặt vào nhăn nhở. Tưởng nó thân thiện ai dè sau chìa tay xin vài đô😧.
Sang Đức ai chả tới Checkpoint Charlie - trạm kiểm soát khi di chuyển từ Đông sang Tây hoặc ngược lại- để hồi tưởng quá khứ xót xa năm nào.
Chính chỗ này tập trung một nhóm, hễ thấy du khách là lao ra, miệng nói tay chìa những tờ giấy khỉ gió gì đó nhưng chắc chắn có hình cái xe lăn và một vài từ liên quan tới tình nguyện, thiện nguyện. Ý chúng là xin vài Euro "quyên góp"!
Kể cả khi đi thuyền ngắm cảnh trên sông Spree (Berlin). Tưởng được trôi dạt theo dòng nước yên tĩnh, thoát khỏi sự hối hả của cuộc sống để thư giãn, tham quan những kiến trúc lịch sử, các địa danh nổi tiếng... thì một cô gái Ba Lan xinh xắn thoăn thoắt đi lại, đem đồ uống cho bạn, rồi bảo bạn cười để chụp một pô ảnh.
Trong khi bạn chưa hết cảm kích thì em gái Ba Lan bước tới. Đừng ngạc nhiên khi tấm ảnh đó có giá không rẻ nhưng cũng cao vừa đủ để bạn khỏi bất bình.
Đi mua bán ở đây (kể cả chợ trời) mọi người khuyên nên vào các tiệm của người Đức chính cống, cẩn thận với mấy ông Thổ 😎!
Trở lại vụ việc của đồng nghiệp Vũ Thơ. Mình nói với bạn ấy đạo chích mà là em này thì mình cứ lộn đi lộn lại chỗ này vài vòng để ...được trộm ví. Mình sẽ không để ví ở ba lô mà để sâu trong túi quần trước cho em nó biết tay 😝!

Lau - xoè- lau -xoè

Hôm qua đi ăn phở sáng ở một quán ngon. Quán nhỏ nên đến muộn là hết chỗ.
May cho mình lúc tới vẫn còn ghế trống, cạnh một cô gái xinh mặc juýp🥰.


Mình nhã nhặn thu người nép về một phía nhưng khoảng cách với cô gái mặc juyp kế bên vẫn chỉ cách nhau cái ống đũa và đấu lưng với người ngồi đằng sau.
Xoay trở rất khó! Loay hoay mãi mới thấy cái thùng rác dưới chân. Khốn nỗi nó lại kẹp giữa hai chân của em gái xinh đẹp.
Quờ chân kéo về nhưng bất thành. Định cúi xuống dùng tay với thì cô ấy biết ý liền xoè hai chân ra. Mình luồn tay qua bỏ phát trúng phóc cái thùng rác. Xong cô ấy lại ý nhị thu chân về. Cũng hay! Chứ váy ngắn mà cúi xuống lôi cái thùng rác về e không tiện.
Mình có tật ăn rất tốn giấy lau. Hết lau đũa thìa đến lau kính lau bàn lau tay lau miệng. Cứ thế suốt bữa, mình lau - cô ấy xoè - mình lau - cô ấy xoè... Chả ai nói câu nào nhưng động tác lại phối hợp rất nhịp nhàng!
Lúc ăn xong chả hiểu chợt nghĩ đến cái gì mà mình cầm mãi cái giấy vừa lau miệng trên tay, mắt trân trân nhìn ra phố. Đúng lúc đó cô gái lườm, huých nhẹ, nói anh ơi, cho vào đi để em khép chân lại, mỏi quá😝!

"Cuối cùng mới là người chồng"

Lâu không tác nghiệp, ngứa nghề, hôm qua lò dò vào bản ngó nghiêng xem có gì hay hay viết.

Đang lúc chả biết ghé nhà nào thì thấy một em gái đang ngồi xổm dưới gầm nhà sàn thái rau lợn.



Mình nhỏng cổ qua hàng rào gọi em ơi. Em buông tay dao ngẩng lên, nói anh vào nhà chơi đi.

Người dân tộc trên này quý khách thế đấy! Thấy người lạ cứ mời vào nhà chơi đã, chuyện gì tính sau. Chả lo bắt cóc hay lừa đảo như dưới xuôi.

Mình trình bày lý do rồi bảo cứ ngồi thái rau tiếp đi, anh ngồi cùng trò chuyện cho tự nhiên, đỡ mất việc của em.

Rồi mình lôi máy ghi âm ra, hỏi chồng em là người thế nào, vị trí ở đâu trong gia đình.

Cứ sau mỗi câu trả lời em lại nhấn dao thái xoẹt phát vào mớ rau lợn.

- Chồng em à! (Xoẹt)
- Anh ấy là người bạn! (Xoẹt)
- Anh ấy là người hàng xóm tốt bụng ! (Xoẹt)
- Anh ấy là người tri kỷ! (Xoẹt)
- Anh ấy là người anh! (Xoẹt)
- Anh ấy là người yêu! (Xoẹt..oẹt…ẹt…t)

Tiếng xoẹt càng về sau càng dứt khoát và mạnh hơn.

- Còn cuối cùng mới là vị trí… người chồng, anh ạ!

Nói tới đây em chống dao, mắt buồn ngơ ngác nhìn ra cuối bản, nơi đó ánh hoàng hôn đang khuất dần sau dãy Pù Nhi.

Quen mồm đãi bôi, mình nói chồng em hay quá tốt quá, tuyệt tuyệt. Nghe thế em liền vung tay dao chém phập phát xuống con kê gỗ bên dưới, mắt ậng nước, giọng hờn dỗi, nói tuyệt tuyệt cái con khỉ😥!

Bị bất ngờ, mình hoảng hốt suýt ngã ngửa.

Thấy ứng xử như thế với khách không phải nên em lại làm mặt vui, ngoảnh sang tủm tỉm, háo hức và tinh nghịch hỏi, thế vị trí người chồng của anh ở chỗ nào🤪?

Tưởng chết biến áp xuất âm

Nói thật lúc đem bộ khếch đại dùng đèn 300B tới chỗ Lê Trường mình chả hy vọng. Cạnh nhà thì cứ đem đến cho...hết nhẽ🤪 ! Các bậc cao thủ về đèn (đã gần như) xác định lỗi biến áp xuất âm (OPT) thì chỉ có nước thay.
Ai chơi đèn thì biết cặp OPT này không đến nỗi quá còi của Tango. Mình lùng sục mua tận bên Nhật, và quyết chỉ mua mới để tránh rủi ro, thế mà lại… rủi ro! Đau!
Giá như chết hẳn đi một nhẽ, đằng này thi thoảng lẹt xẹt một vế mới cay, chả khác gì đang ăn dính sạn! Mà cái lẹt xẹt này này lại rất đỏng đảnh, không thường xuyên, không rõ rệt. Ngành y gọi là “triệu chứng mơ hồ”.
Có bệnh thì vái tứ phương! Đang tính tìm ông nào cuốn OPT mả nhất đục ra lấy Fe cuốn lại, đành nghe cọc cạch, vế “kêu” tiếng Việt, vế “nói” tiếng xứ hoa anh đào, thì Trường nhắn “em tìm ra rồi, không phải OPT”!
Hơi mừng mừng nhưng chả tin! Đã bao lần hy vọng rồi thất vọng! Giờ cậu tuổi gì mà dám qua mặt đàn anh, phán “tìm ra rồi”!
Chả biết chữa dễ hay khó nhưng lúc trả máy cho khách, nhiều thợ nhà mình thường lắc đầu lè lưỡi, nói ca này khoai lắm, loay hoay mấy ngày trời mới tìm ra bệnh, hay con linh kiện này siêu hiếm, tìm đỏ mắt… cứ như gặp cái thứ hai hỏng tương tự họ sẽ đuổi khách như đuổi tà ngay từ ngoài cổng🤣.
Với ca này, Trường hoàn toàn có quyền nói: Các anh ấy không tìm ra bệnh là đúng, khó thật! Hoặc coi là chuyện vặt, vờ chả thèm quan tâm, nói "hỏng vặt ấy mà". Nhưng không, nó cười cười, bảo anh đem về đi, sau em sẽ nói vì sao lẹt xẹt😎.
Trường lấy một số tiền tượng trưng. Mình có thể trả hơn nhưng nói thật vẫn chưa tin nên đưa đúng theo đề nghị.
Về mở thấy êm! Bật nguồn, tiếng ù nhẹ vút lên chừng 2 giây (đặc trưng của đèn) rồi tụt xuống, lặng ngắt!
Sướng phát cuồng! Nhắn tin trêu nó: Em bảo anh thay cặp biến áp xuất âm (OPT) khác là anh cũng thay đấy! He he!
Cảm ơn Trường !

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Cô bán ngô

Bong gân ở khuỷ tay nên nghỉ chơi bóng bàn cả tháng, người trì trệ, chiều nay quyết định đi bộ. Với mình, đi bộ có hứng nhất là đi ra chợ cóc.

Chợ Ngã tư xe khách (Sơn La) với mình quá thân quen, từ năm 97-98, khi mới chân ướt chân ráo lên làm phóng viên thường trú.

Bánh cuốn Xuân Nhị thuở hàn vi cũng ở đây. Đối diện có hàng cháo thịt rất ngon! Sau này cạnh hàng cháo mở thêm quán lòng lợn mà mỗi sáng ra đó gặp đủ mặt "bạn bè thân hữu gần xa"!

Chợ Ngã tư xe khách giờ có mái che, hàng hoá nhiều. Lối vào chợ bao giờ cũng là những người buôn thúng bán mẹt, ở đó có một cô gái khá xinh đứng sau thúng ngô luộc bốc hơi nghi ngút.

Định lại mua thì một tay đầu trọc, đeo kính đen, vàng treo lủng liểng bước từ xế hộp xuống, sà vào bới bới chọn chọn. Cô gái chọn giúp thì hắn hất ra, trợn mắt bảo "bắp này có người vạch ra rồi, người ta không mua định bán cho tao à, định bịp à".

Nói xong hắn nhặt những bắp chưa có dấu hiệu thăm khám, tước vỏ, dùng móng tay dài vàng khè bấm bấm; bắp chê lép, bắp nói không mẩy, bắp bảo nhiều râu.

Cô gái bán ngô sầm mặt, nói chú chê ngô đã bị vạch mà chú cứ vạch hết ra thế sao cháu bán được?

Bỏ ngoài tai lời phàn nàn, cũng chẳng thèm mua, hắn uể oải phủi đít đứng dậy bước ra xe. Cô gái có vẻ căm nhưng sợ nên đợi hắn đóng cửa mới hất mặt dẩu môi nói khe khẽ:

- Còn cái này mẩy, ít râu, chưa vạch ra đây này..., lại mà mua🤣!

Vừa nói tay cô vừa chỉ xuống dưới, chả biết chỉ thúng ngô hay chỉ cái gì 😎.

Mình nhịn cười tiến lại bảo thôi, cái nào vạch ra để đấy anh mua!

Xách túi ngô lủng lẳng, vừa trả tiền mình vừa hỏi hết chưa, nói hết rồi ạ, thế xem còn cái nào chưa vạch ra anh lấy nốt😉!

Cô gái mặt lựng đỏ cúi xuống bẽn lẽn cười, tay cứ quờ quờ mấy cái vỏ ngô vương vãi xung quanh, chả biết để làm gì./.

Ảnh: Minh hoạ thôi chứ lúc đó tay xách bịch ngô to không chộp đc ảnh.



Nhà sàn - đừng đánh mất!


Trong chương trình học của sinh viên kiến trúc không chỉ có các thức cột cổ điển của La Mã- Hy lạp mà còn có cả những chi tiết cột - kèo- mái- vách nhà sàn của bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc, đặc biệt là nhà sàn của người Thái, người Mường!

Nói vậy để thấy ngôi nhà sàn rất đẹp! Nó tồn tại qua bao đời hẳn có cái lý của nó. Thời thế thay đổi! Thời tiết cũng đổi thay! Nhưng đó không phải là lý do chính đáng để chúng ta bỏ đi ngôi nhà sàn (nếu còn tốt và còn khắc phục được).
Hãy cứ tưởng tưởng việc thay ngôi nhà sàn bằng ngôi nhà ống (nhà phố) kiểu miền xuôi như việc bỏ người vợ mộc mạc chân chất nhưng duyên dáng đảm đang để theo một cô nàng phấn son loè loẹt, đôi chân chưa một lần lên nương, làn da chưa một lần tắm suối vậy.
Phấn son bắt mắt nhưng dễ làm mờ mắt và chóng phôi pha!
Nhiều nơi ở Tây Bắc đang phát triển du lịch. Người xuôi và khách nước ngoài lên Tây Bắc du hí không phải để nhìn đống bê tông ngồn ngộn. Cái đó dưới xuôi không thiếu, trời Tây không thiếu nếu không muốn nói thừa mứa. Họ cần ngắm nét riêng của Tây Bắc, trong đó có ngôi nhà sàn.
Đừng cố khoác cho ngôi nhà sàn bộ cánh mới theo lối cách tân tuỳ hứng. Làm thế chả khác nào bắt cô gái Thái mặc quần bò vận áo cóm😢. Những hạn chế trong ngôi nhà sàn truyền thống (như khu vệ sinh) có thể làm tách biệt ra xa.
Có nhiều kiểu nhà sàn nhưng tôi vẫn thích nhà sàn có hành lang (ban công) chạy xung quanh, mái đổ dài để mưa khỏi hắt.
Cần nhắc lại: Khí hậu nước ta nhiệt đới gió mùa. Vì thế nhà nên có mái dài, cửa sổ cửa đi nên có ô văng chắn nước!
Các bạn muốn ngồi lặng yên bên bếp lửa ngắm những giọt mưa tí tách rơi ngoài mái hiên hay đóng tịt cửa lại thu lu trong ngột ngạt của 4 bức tường? Vẻ thi vị và lãng mạn của ngôi nhà trong tay bạn!
Anh Chính Tới, đồng nghiệp đàn anh của tôi dấu chân đã khắp các bản làng Tây Bắc, đã thấy và khuyên bà con đừng lợp bằng fribro xi-măng! Ung thư đấy! Giờ chúng ta không mơ những ngôi nhà lợp gỗ pơ mu nữa nhưng có thể thay bằng ngói nung hoặc ngói xi măng, chỗ nào có ngói đá thì đẹp vô cùng!
Ảnh: Chính Tới.

Phòng thư giãn cho người nghỉ hưu

Hôm nay ngày 7/9, những người làm phát thanh kỷ niệm ngày thành lập (7/9/1945).

Năm nào cũng vậy, cứ dịp này, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức gặp mặt cán bộ, nhân viên đã nghỉ hưu. Cơ quan thường trú, tùy hoàn cảnh điều kiện, có thể tổ chức vào các dịp khác như 21/6 hoặc cuối năm để ít nhất một năm được gặp các Cụ một lần. Đây là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của VOV.

Tôi chắc rằng nhiều đài PT-TH địa phương cũng làm như vậy. Quà cáp chả cần nhiều, các cụ gặp nhau hàn huyên là chính. Và các cụ cũng lấy đó làm vui. Lớp trẻ như chúng tôi ngắm các cụ lẩy bẩy lắc lắc tay nhau thấy ấm áp và xúc động!


Nhìn cảnh đó bỗng dưng tôi rất thích mô hình mỗi cơ quan có một chỗ (ít hoặc không ảnh hưởng tới người đang làm việc) để các cụ hưu lui tới hàng ngày. Có thể là vài bộ bàn ghế ở phòng truyền thống, trên bàn có nước vối, trà xanh, vài bộ tam cúc, bàn cờ tướng...; cạnh phòng y tế càng tốt để các cụ ...đo huyết áp 😃.

Năm 2016 tôi có viết trên báo điện tử VOV.VN bài “Lúc về già mình sẽ không làm những điều này". Một trong những điều "không làm" là lui tới cơ quan cũ nếu không được mời. Không tới là vì sợ ảnh hưởng tới mọi người. Các cháu nó tiếp thì mất thời gian mà tiếp không tới nơi tới chốn các cụ lại...dỗi.

Nếu có một chỗ nho nhỏ trong phòng truyền thống để các cụ lui tới hàn huyên với nhau sẽ rất tốt. Căn phòng truyền thống khi ấy, bên cạnh những hiện vật vô tri, những cờ quạt bằng khen úa màu thời gian, còn có các cụ, những nhân chứng sống, con người bằng xương bằng thịt. Họ sẽ là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp phòng truyền thống trở nên sống động hơn rất nhiều.

Các cụ sẽ thấy mình được trân trọng, đóng góp của mình được nâng niu. Cụ vừa nghỉ hưu cũng có chỗ lui tới cho đỡ bâng khuâng, chống chếnh trong những ngày tiền hưu trí.

Lớp trẻ đi qua nhìn các cụ là thấy hình bóng của mình trong tương lai, thấy được trân trọng, thấy được đãi ngộ (về mặt) tinh thần tốt sẽ khiến họ cống hiến hết mình cho công việc.

"Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ" theo tôi còn có cái ý nhắc nhở cần quan tâm tới hai đối tượng này. Già thì hãy hỏi về quá khứ, trẻ nghe họ nói về tương lai. Người già luôn có nhu cầu được (người khác)...hỏi. Đấy là kho vốn sống và ý tưởng, biết kết hợp là sức mạnh.

Thuỷ ngân và rắn lục

Xem/ nghe các thông tin về thủy ngân ở Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông khiến tôi nhớ tới câu chuyện về rắn lục đuôi đỏ.
Thủy ngân và rắn lục đuôi đỏ, một con biết bò biết cắn và một chất hóa học vô tri nhưng đều độc hại, có thể gây chết người.
Hồi tôi còn thường trú ở Miền Tây, khi đó vào khoảng giữa mùa mưa, rắn lục đuôi đỏ sinh sôi phát triển cực nhiều, nhiều đến độ người ta còn nghi ngờ có kẻ xấu thả để cắn người, gây hoang mang và làm bất ổn tình hình.
Hàng loạt thông tin nạn nhân bị rắn lục cắn được phát ra từ các bệnh viện trong vùng càng khiến người dân lo sợ.
Đại học Cần Thơ tọa lạc trên một khu vực rất rộng, nhiều cây cối và các khoảng đất trống um tùm. Tại trường lúc đó cũng có một vài trường hợp sinh viên bị rắn lục đuôi đỏ cắn ngay tại giường ký túc xá hay trên các lối đi.
Thời điểm khi ấy cũng là lúc nhà trường đang tuyển sinh, bước vào năm học mới. Những thông tin như thế đăng tải sẽ gây lo lắng cho giáo viên, phụ huynh và sinh viên, ít nhiều ảnh hưởng đến nhà trường. Nhưng nếu không đưa tin thì sinh viên chủ quan, không biết cách phòng tránh, hậu quả có thể là sinh mạng.
Người làm báo luôn đứng trước những sự lựa chọn khó khăn, đau khổ và giằng xé như thế!
...
Cuối cùng thì tôi nghĩ thông tin khiến dư luận hoang mang hay giúp cộng đồng có kiến thức đề phòng đều phụ thuộc vào trách nhiệm của chính quyền và đạo đức của người làm báo cả thôi! Mà đạo đức cao nhất là đặt quyền lợi cộng đồng lên trên tất thảy!

Chuyện cái Chẻo Thu sau buổi diễn văn nghệ

Trong ảnh là một trong những bữa ăn tối muộn nhất của anh chị em VOV Tây Bắc. Nó bắt đầu lúc gần 1 giờ sáng. Nó ăn cho cái bụng của ngày hôm qua còn câu chuyện thì của 2 trong số 3 đứa trong hình.
Hồi chúng nó mới chân ướt chân ráo từ bản xuống núi, gia nhập đội quân VOV Tây Bắc đồn trú tại Sơn La, thì cái gì cũng lạ!
Tháng lương đầu tiên phải đi may bằng được bộ quần áo tươm tất! Từ bé toàn mua đồ may sẵn nào biết may đo là gì!
Thập thò ngập ngừng suy tính mãi thì rồi cũng liều nhắm mắt đưa chân vào một hiệu may ở thị xã .
Ông thợ may thấy 2 cháu gái mới lớn người dân tộc xinh xẻo nên tận tình lắm, xoay bên nọ xoay bên kia. Hai đứa cứ ngoan ngoãn làm theo. Rồi ông í luồn cái thước dây qua háng, thay vì đo vòng đùi ông í lại kéo ngược lên...giời, rồi kéo đi kéo lại, kéo lên kéo xuống rõ...õ...õ...õ ... lâu 😝!
Hôm nay ngồi ăn chúng nó mới nói thật. "Phải một thời gian lâu sau chúng em mới biết (để mà) ấm ức chứ còn hôm đó trên đường về hai đứa vẫn cứ xuýt xoa: - Đúng là người Kinh may đo có khác 🤣!"
Ảnh: Ăn sau khi diễn văn nghệ ở 58 Quán Sứ - Hanoi