Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Có cần còng không?

Vẫn biết trước pháp luật mọi người đều bình đẳng nhưng hình ảnh giáo viên ở Sơn La bị còng tay vẫn khiến tôi (và có thể nhiều người khác nữa) buồn và sốc!
Một cô giáo đang dạy ĐH nhắn tin nói cũng có tâm trạng tương tự, một cụ ông nông dân cả đời chả quan tâm tới chuyện ngoài kia sáng nay đánh bóng bàn với tôi cũng ồ, à ngạc nhiên khi xem cảnh bắt bớ còng tay trên truyền thông tối qua và rạng sáng nay.
Vẫn biết có tội phải chịu tội trước pháp luật nhưng với người thầy nó tạo ra một hiệu ứng khá mạnh trong xã hội vì chính họ chứ không ai khác từng dạy dỗ con cháu họ, chính họ là những người luôn được coi trọng trong xã hội, ở mọi quốc gia, trong mọi thời kỳ, vì sự mực thước và mô phạm.
Một cảm giác tương tự như thần tượng sụp đổ? Không hẳn thế nhưng rõ ràng có chút gì đó hoang mang !
Tôi và một vài người nữa cứ nghĩ có nhất thiết phải đưa cảnh còng tay họ lên vô tuyến không, hay đấy chỉ là chút trắc ẩn đầy cảm tính?

Lái xe phải nghỉ ngơi đủ

Trước hết xin chia buồn với 13 nạn nhân đã mất trong vụ đám cưới bỗng dưng thành đám tang.
Một vài thông tin cho hay lái xe (đã tử nạn) phải làm việc quá sức trong thời gian trước đó. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng hiện nay ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, kiểm soát thời gian tài xế cầm vô lăng một cách cực kỳ nghiêm ngặt.
Họ chỉ cho phép tài xế được lái xe trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, hoặc liên tục trong mấy giờ. Trước khi lăn bánh, lái xe bấm vào một thiết bị, tạm gọi là hộp đen, bên cạnh ghế lái, kể từ lúc đó mọi trạng thái vận hành được truyền về trung tâm ...
(Mấy anh lái công (container driver) ở Vn bảo xứ ta cũng quản lý bằng thiết bị tương tự nhưng các anh qua mặt ngon ơ😰 )
Đi máy bay mỗi kiện hàng chỉ được tối đa 23 Kg. Tại sao? Tại vì họ cho rằng giới hạn trọng lượng như thế là vừa để không ảnh hưởng tới sức khỏe (cột sống xương khớp) công nhân vận chuyển - khuân vác; để đảm bảo họ không vứt chiếc vali Samsonite 500USD của bạn bịch một phát vì quá nặng.
Quản lý chặt và bảo vệ sức khỏe người lao động cũng chính là bảo vệ mình. Quốc gia văn minh họ nghĩ thế và họ đã đúng!
Ảnh: Lái xe này luôn ăn uống ngủ nghỉ... đúng giờ.

"Đúng kế hoạch "


Chuyện mấy công an và cán bộ tư pháp (Dầu Tiếng - Bình Dương) lấy gạch đập pháo phải đi cấp cứu làm mình nhớ chú Phúc lè làng mình.
Làng mình tên Xóm Lò vì chuyên đốt lò làm gạch, làng ngay sau Kho xăng Đức Giang, trọng điểm đánh phá của B52 hồi chiến tranh nên còn nhiều bom bi chưa nổ.
Chú Phúc lè là dân quân xã, nhà có khẩu K44 mình vẫn sang sờ mó nghịch ngợm. Gọi chú Phúc lè vì chú mắc tật nhún vai, lắc đầu, rùng mình và lè lưỡi rất dài liếm 1 vòng quanh miệng. Tất cả những động tác ấy diễn ra đồng thời, rất nhanh, tạo thành một hoạt cảnh phức hợp khá sinh động của hình thể.
Chú Phúc lè không đập pháo nhưng chú đốt ...bom! Hồi đó bà con đi cày đụng bom bi (phúc bảy mươi đời chưa nổ) thì té tát chạy về làng báo chú Phúc lè.
Nhận được tin, kể cả trưa nắng vỡ đầu mấy chú vẫn lật đật chạy lên, thông báo cho cả làng đừng bén mảng đến quãng đồng ấy để các chú…phá bom.
Chú Phúc lè nhún vai, rùng mình, lè lưỡi liếm 1 vòng quanh miệng rồi chất rơm rạ thành đống trên quả bom. Sau khi châm lửa chú ù té chạy ra xa, ngồi thụp xuống bờ ruộng canh chừng, vừa canh vừa hút thuốc lào vã đến khi nghe đùng phát là xong, chống điếu đứng dậy, phủi đít, về.
Giờ các anh công an chơi lầy hơn chú Phúc lè: Dùng gạch ghè 😱! Đọc báo biết lý do dùng gạch là vì các anh phải làm theo “đúng kế hoạch”, tức là gỡ thuốc ra, ngâm thuốc đó vào nước cho tan … 😥
Chú Phúc lè nông dân đặc, học vấn lớp 2, chắc chắn không biết tính chất hoá học của thuốc nổ, chưa một ngày được bồi dưỡng về rà phá bom mìn, làm chả có kế hoạch, chả đúng quy trình gì cả nhưng ngon lành cành đào. Mình thấy lần nào cũng nổ! Chả chết ai! Từ chỗ đốt bom về, bà con hỏi đốt bom à phá bom à, chú chả nói, chỉ nhún vai, lắc đầu, rùng mình, thè lưỡi liếm một vòng quanh mép.
Bây giờ các anh các chị tuyền cử nhân trở lên, làm "theo đúng kế hoạch", đúng quy trình, thế mà tuyền phải vào ... viện ! 😭
Tối qua đem chuyện kể với chú Phúc lè, chú ngồi im nghe, không nhún, không lắc, không lè, chỉ rùng mình cái rồi lại ngồi im .

Uôn cắp

Uôn-cúp nghỉ đêm nay nên mình rủ anh Bách ( Bách Xuân ) và đội tường thuật bóng đá đi uống bia. Nghe nói bia chỗ cuối Quan Thánh ngon nên cả hội tụ ở đó, uống được 4 ca to thì … hết bia. Bia ngon có khác!
Dở miệng, mình, Lê Hải SơnNguyen Viet Anh, Long trọc, lên xe chạy vòng vòng tìm chỗ uống tiếp. Thời điểm này nhạy cảm, cảnh giác với tụ tập đông người hay sao mà quán xá đóng cửa sớm thế.
Đi một hồi gặp quán Óc & Móng. Thấy mấy cha nhìn trước ngó sau vội vã đi vào nên cả hội mừng húm. Đúng chỗ nhậu rồi! Mấy món này nhâm nhi được, nhậu bén!
Mình ra dáng chủ nhà nhảy phắt xuống, xộc vào. Quán xá lờ mà lờ mờ! Đúng lúc bên trong xuất hiện một em khá xinh nhỏen cười ưỡn ẹo đi ra. Mình lên giọng kẻ cả, trịch thượng, cốt lấy le với mấy thằng em phía sau:
- Óc hấp ngải cứu, móng giò và bia đi em😎!
Nghe đến đấy thì nụ cười của em vụt tắt, lạnh lùng em bảo không có rồi ngoảy đít đi. Mình hơi tẽn nên cố đấm ăn xôi, bước theo cười cợt, đong đưa: - Em ơi! Em ơi …ơi…i!
Chưa dứt lời 1 thằng xăm trổ cầm phớ lao ra. Mình chạy nhào ra đường. Long trọc chưa hiểu mô tê gì đã thấy loang loáng bổ xuống đầu. Nó xuống tấn, né người sang một bên. Quyền pháp mạnh mẽ, thân thủ nhanh nhẹn, bá đạo vô cùng! Long trọc sau đó nhảy phốc lên xe để Việt Anh vít ga lao đi.
Phần mình, từ lúc thoát ra khỏi cửa thì chân đạp trúng bãi phân chó ngã bổ chửng, kính văng khỏi mắt. Đang quờ quạng tìm thì Hải Sơn chồm tới lôi lên xe phóng một mạch.
Vít ga chạy một lèo không dám ngoảnh đầu, đến khi gió lồng lộng bên tai, nhìn sang hai bên mới biết đang trên cầu Nhật Tân. Hải Sơn ngoái lại phều phào: - Ông xem tôi có bị rách môi không? Mình mất kính nên chỉ thấy môi hắn đang vều 😖.
Biết lỗi, mình vỗ vai Hải Sơn, nói đếch phải quán rượu, tiệm TÓc & MÓng bị rơi chữ tờ (T). Sơn lắc đầu ngán ngẩm, nói hủ -hô - àm - óc - ằng- hớ - à (dịch nghĩa: Thủ đô làm móng bằng phớ à )😨?
PS: Hải Sơn dính chưởng hiện trong tình trạng “sứt môi hở hàm ếch” không tường thuật uôn – cúp trên VOV được nữa. Các trận tiếp theo chỉ còn Việt Anh, Long Trọc và Mạnh Thắng. Kính báo!
Ảnh: Tổ tường thuật VOV2 : Long trọc, Hải Sơn, Việt Anh .

Yêu nghề !

Tất cả cơ sự là do đoạn đối thoại (trong ảnh) phía dưới. Chúng tôi trao đổi trong Nhóm VOV2 về chất lượng ghi âm. Chị Thùy Hoàng bảo lồng bao cao su vào micro thì kể cả ra Trường Sa gió quất ù ù, phỏng vấn vẫn vô tư.
Nguyên lý hoạt động của micro là biến đổi những rung động cơ học của âm thanh lên màng rung thành các tín hiệu điện. Giờ khoác thêm cái bao cao su thì cũng chỉ là thêm 1 màng rung nữa bên ngoài. Nếu bao thật mỏng thì trên lý thuyết hoàn toàn khả thi. Nghĩ vậy nên mình xui chúng nó về nhà thử.
Có đứa yêu nghề về thử ngay chiều qua. Nhà có thiếu nhi nên nó tế nhị vào toa – lét, rón rén bóc bao, chụp vào… Đang thao tác thì chồng đi làm về vô tình xộc vào nhà vệ sinh😎.
Chồng nó sững người, đứng như trời trồng, mắt trợn mồm há không nói được một lời. Sau một hồi định thần thì hiểu ra (theo cách hiểu của chồng cô ấy). Ông í vung tay đấm ngực rồi ngửa mặt gầm lên, nói anh có “bỏ đói” em bao giờ đâu? Thuế má đầy đủ! Thích giá trị gia tăng có giá trị gia tăng; thích thu phí, có phí; thích thu giá, có giá; thế mà em lại làm trò này à…à…à! Nghe “Chuyện thầm kín” lắm vào…ào..o…o😝!
Sáng nay vợ chồng nó kéo nhau lên cơ quan chờ mình ở dưới cổng từ sớm. Chưa kịp dừng xe thì vợ nó tiến lại chỉ tay, nói đây anh Phong phó Ban đây, hỏi xem có đúng anh ấy hướng dẫn em... đi bao cao su không😭?
Khổ! Yêu nghề cũng có cái giá của nó! Không phải hay toàn tập đâu🤔!

Shopping ở Tàu và ở Tây

Shopping ở nước ngoài sẽ còn làm say mê người Việt một thời gian dài nữa.
Nếu như mua ở Trung Quốc thì không ái dám chắc hàng xịn (dù mua bằng giá hàng hiệu) nhưng mua ở châu Âu (EU), Mỹ thì sự tin cậy đáng kể. Bởi thị trường này không chấp nhận hàng rởm.
Đến một cửa hàng TQ, dù bạn đã thầm hứa ( thậm chí thề thốt) với bản thân là không mua, nhưng sau một hồi, có thể bạn sẽ dốc hết hầu bao vì sự hấp dẫn của … lời nói, của tâm lý đám đông hơn là giá trị sản phẩm.
Người Tầu giỏi thương mại từ lâu. Với mọi khách hàng họ đều chấp nhận bỏ con săn sắt bắt con cá rô.
Họ sẽ tặng bạn món quà giá trị không cao để tạo sự tin cậy, sự kính trọng và nể phục; họ sẽ vờ vĩnh để bạn ý thức được rằng bạn không phải (và không xứng) là đối tác của họ, nhưng họ vẫn trân trọng và thân tình như người nhà; họ sẽ chứng minh món đồ của họ đưa ra cực quý, giá trị và giá thành cực cao, nhưng với bạn- vì là “người nhà” - nên họ sẽ bán với giá cực “rẻ”😜. Nếu bán thuốc thì người thăm khám miễn phí cho bạn được giới thiệu tuyền là những giáo sư trứ danh.
Người Tầu nặng về trình bày và trình diễn sản phẩm với mục đích làm cho thượng đế chết mê chết mệt. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều năm để tập một kỹ năng rất nhỏ trong trình diễn sản phẩm, kể cả việc học tiếng của khách hàng . Cách nói năng và trình bày bằng động tác của họ đạt tới mức thượng thừa. Điều đó giúp nâng tầm mặt hàng họ đang muốn bán, rất có thể, mặt hàng đó từ cú chuyển thành công trong chớp mắt.
Họ tận tâm tận lực trình diễn, trình bày; mồ hôi rịn ra trên trán, đám nhân viên phụ tá tất bật kìn kìn khuân khuân vác vác để trưng bày, giới thiệu cho khách. Họ cố tình làm vậy để khách phải cảm thấy áy náy và ngại ngùng khi quay đi mà không trả giá lấy một câu. Mà trả giá là coi như rơi vào thòng lọng. Họ luôn chứng minh sản phẩm của họ trên cả tuyệt vời, đến khi con mồi cắm mặt nhìn đắm đuối vào mặt hàng là lúc họ ra tay.
Đi TQ theo tua mà đc tua- gai dẫn vô shop thì lúc mua hàng đừng nhìn vào sản phẩm, nhìn vào mắt cậu tua- gai.
Tuy nhiên nếu tự đi vào các shop lớn cũng không tệ lắm! Mình vào Uniqlo ở Bắc Kinh thấy ổn.
Mua bán ở Âu châu vẻ như không nặng về trình diễn? Trung thực hơn nhiều! Hàng đấy! Cứ chọn! Thích thì mua! Dĩ nhiên người bán hàng ở bất kỳ đâu cũng luôn muốn đánh vào lòng tham (hay nói chính xác hơn là ham rẻ) của khách hàng.
Ở Mỹ vào siêu thị thấy biển “BUY ONE GET ONE” (mua 1 tặng 1) to tổ bố nhưng hết chữ GET ONE là xuống hàng và bên dưới thêm: “50% off” nhỏ xíu, he he🤣. Thượng đế luôn luôn là con … gà!
Nói vậy thôi chứ cứ sang EU và USA mà sắm sanh các bác ạ! Khi chưa đủ bản lĩnh và tinh tường thì hãy cảnh giác ông láng giềng lông lá!
Ảnh: Tác giả đang tư duy về mua sắm.

GS Phan Huy Lê mất

Vậy là GS Phan Huy Lê, một trong tứ trụ của ngành sử học VN (GS Đinh Xuân Lâm- GS Phan Huy Lê- GS Hà Văn Tấn- GS Trần Quốc Vượng) đã ra đi!
Trong cuộc đời làm báo tôi vinh dự được vài lần phỏng vấn GS Phan Huy Lê và GS Đinh Xuân Lâm. Ấn tượng chung các GS đều là người khiêm tốn, uyên bác và giản dị .
Có mấy lần tôi phỏng vấn bác Lâm tại căn hộ ở chung cư chỗ Lò Đúc, còn bác Lê sống tại một căn hộ nhỏ trong ngõ, ở phố Vọng Đức. Nhà cửa đồ đạc không có gì sang trọng, sành điệu.
Mỗi lần đến làm việc với bác Lê tôi ngại nhất bác gái. Bác gái là người hiểu rõ sức khỏe của GS Lê. Trong lúc pha nước mời tôi, bác gái thường nhỏ nhẹ, cười và nói khéo: "Bác trai bị cao huyết áp đấy !" .
Trò chuyện với ông mới biết ông cùng GS Lâm đều xuất thân dòng dõi con quan, ở Hà Tĩnh. Thực ra GS Lê rất giỏi các môn toán - lý, say mê chúng, nhưng lên ĐH, nghe lời người thầy đáng kính, GS Trần Văn Giàu, nên ông theo ngành sử.
Giai đoạn làm việc với bác Lê thường xuyên nhất là hồi SGK Sử- trong công cuộc thay sách đầy tai tiếng năm 2000- được ban hành và đưa vào giảng dạy...
Sự uyên bác của GS Phan Huy Lê giới chuyên ngành đã công nhận; còn tôi, với tư cách người viết báo, tôi thấy ở ông sự dũng cảm, một sự dũng cảm của người làm sử chân chính, sự dũng cảm ở những giai đoạn còn khó khăn hơn cả thời Ga-li-le hùng hồn tuyên bố ủng hộ Thuyết nhật tâm của Ko-pec-níc trước giáo hội cách nay 3 thế kỷ.
Xin được thành kính thắp một nén hương viếng ông!

Họp hành

Hôm nay đọc được tút của 1 chị người Việt đang làm ở Mỹ, rất thú vị. Vì chưa xin phép nên (không dẫn link) chỉ kể lại câu chuyện của tác giả.
Ở Mỹ có họp hành liên miên không? Có! Có báo cáo báo cò suốt ngày không? Có! Nhưng dù báo cáo bằng văn bản hay bằng lời thì nội dung cũng rất ngắn, rất cụ thể, đi thẳng vào thông tin cần thiết.
Họp hành có "phê và tự phê không" ? Có luôn! Nhưng ở đó giám đốc nhân sự họp với toàn thể nhân viên để phát biểu về một sếp nào đó trong hãng. Sếp được nhận xét không được tham gia cuộc họp này. Nhân viên có toàn quyền nói về những cái mình thấy sếp chưa làm được (mục stop - ngưng không làm nữa), start (những thứ sếp nên bắt đầu làm), continue (những cái hay mà nhân viên thấy sếp nên tiếp tục phát huy). Giám đốc nhân sự chia ba cột Start, Stop, Continue ghi hết ra giấy trên bảng, sau đó tập hợp. Mọi góp ý sẽ được giám đốc nhân sự trao đổi lại với sếp kia nên không lo bị đì.
Được cái dân Mỹ thẳng thắn, không cảm tính, không bè đảng ê kíp, có sao nói vậy nên nhận xét khá chính xác.
Hãng trả lương hơn 30 USD/ giờ, rồi paid vacation, bonus, nghỉ phép 6 tuần 1 năm, bảo hiểm cho cả gia đình... nhưng nhân viên & sếp vẫn phải tiết kiệm!
Cả nhóm từ nhân viên đến sếp to nhất hằng ngày ngoài làm việc như điên còn phải nặn óc ra làm sao tiết kiệm được 15 triệu đô cho một năm. Nhân viên được cho nghỉ không làm gì trong một tiếng đồng hồ mỗi thứ tư, ghi ra những suy nghĩ của mình về cách tiết kiệm chi phí. Tuần sau thảo luận trước nhóm về đề nghị tiết kiệm của mình.
Làm việc như điên! Đúng thế! Mình đã từng làm việc với Viện KAS (Đức) và họ đã không cho phép mình nghỉ trưa. Họ còn tận dụng cả thời gian ăn trưa để mời một chuyên gia ra vừa ăn vừa nói chuyện. Đúng là bóc lột tới tận xương tận tủy, he he 🤣
Họ không quan tâm tới tập quán làm việc có nghỉ trưa ở VN, không quan tâm tới jet lag ... Đây là Đức, là KAS, chỉ có làm làm, học học, thảo luận thảo luận, trao đổi trao đổi... Tụi mình còn vừa ăn vừa nghe được, chỉ khổ ông phiên dịch đầu trọc.
Lúc nào không chống nổi mắt lên được thì như trong ảnh, mặc kệ quốc thể, nhưng chỉ vài giây thôi rồi lại choàng dậy. Ảnh có tính chất dìm hàng hai người nổi tiếng: cô giáo Huyền và nhà báo Mạnh Quân.

Chuyện thầm kín

Mình được anh chị em tín nhiệm cho biên tập Chương trình Chuyện thầm kín (VOV2). Nói đúng hơn là sau khi sát hạch hẳn hoi, thấy tin tưởng và có khả năng, có bản lĩnh họ mới cho làm.
Biên tập cái này hại não kinh khủng! Đầu óc căng như dây đàn. Có bữa nghe xong không dám đứng dậy 😜 . Nhìn xung quanh mọi người về hết mình mới lom khom từ máy bò về chỗ ngồi.
Chả hiểu sao cái chuyện giường chiếu diễn ra trong phạm vi vài mét vuông mà các bác toàn ví von với những công việc to tát đại sự. Lúc cậu nhỏ cương cứng thì các bác bảo "dựng cờ khởi nghĩa", có bác còn gán nó với một hoạt động nghi lễ, thiêng liêng hơn: "chào cờ". Đến khi lâm trận tình tính tang tình với nửa kia thì các bác trân trọng gọi là "hoạt động cách mạng" ...😥
Nói thật với các bác nhạy cảm lắm! Lão thành cách mạng nghe được bảo hỗn thì chết! Em ngồi vò đầu bứt tai nghĩ đủ cách chỉnh sao cho duyên dáng, nghe vẫn hiểu mà không bị húy.
Biên tập cái này có phụ cấp độc hại nhưng không ăn thua, được cái anh chị em thường xuyên động viên cổ vũ về tinh thần nên vất vả mà vẫn vui! Hôm nay 21/6 lại được các bác sỹ (chuyên gia của Chuyện thầm kín) ở Bệnh viện Nam học & Hiếm muộn Việt - Bỉ đến chúc mừng.
Nói tới Bệnh viện này không thể không nhắc tới BS Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc). Bác sỹ Vệ là chuyên gia tư vấn trong những ngày đầu Chuyện thầm kín mới phát sóng, trong những ngày anh chị em phóng viên còn nhiều bỡ ngỡ.
Hồi đó nghe chương trình mình mắng các bạn trẻ sao không bảo BS Vệ nói chậm chậm một chút, tư vấn từ từ và kỹ hơn chứ, vội vã làm gì, làm thế thính giả đã thỏa mãn chưa...
Một thời gian ngắn sau BS Vệ chia tay chúng tôi mãi mãi. Trước khi ra đi BS Vệ đã chọn và giới thiệu những BS giỏi của bệnh viện tiếp tục giúp đỡ chương trình. Đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao BS Vệ cứ luôn vội. Vì ông biết quỹ thời gian không còn nhiều nhưng lại muốn giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn.
Ngày vui không thể không nhắc tới những người đã hết lòng giúp đỡ mình!
Ảnh: "Chuyện thầm kín" chụp với các BS Bệnh viện Nam học & Hiếm muộn Việt Bỉ. Cô gái đứng cạnh lẵng hoa là con gái bác Vệ .

Viết báo giấy

Mình làm báo phát thanh (báo nói) nhưng cũng gắn bó với báo viết (báo giấy). Báo viết luôn có nhiều kỷ niệm với thế hệ làm báo 6x như mình.
Cái tin đầu tiên cùng viết với Hoang Manh, đăng trên Báo Thái Nguyên thời đi thực tập trên đó (1993). Tin cờ bạc đề đóm trên tàu tuyến Thái Nguyên - Hà Nội thôi, chả có gì ghê gớm nhưng cô chú ở Báo thương 2 đứa nên đăng giúp.
Bài đầu tiên đăng trên tờ Hà Nội mới ngay sau khi ra trường (1995) viết về cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo. Bài chỉ 1 trang A4 nhưng mình nhớ vì đây chính là bài báo mình phô - tô để đưa vào bộ hồ sơ thi vào Đài TNVN (yêu cầu bắt buộc thí sinh phải có tác phẩm đã được đăng, phát). Sau khi thi đỗ vào Đài mình thường xuyên cộng tác với Báo Tiếng nói Việt Nam, nhất là giai đoạn 1998, khi đang thường trú trên Tây bắc.
Bài báo gần đây nhất (viết cho báo giấy) là ở tờ Người Đại biểu nhân dân, giai đoạn anh Hồ Anh Tài ( Anh Tai Ho ) vẫn đang làm TBT. Ở tờ này, mình biết ơn Hồng Ánh (phụ trách trang văn hóa - giáo dục), một nhà báo rất chỉn chu, dịu dàng. Nhớ nhất cái lần bạn ấy và mình cả đêm mất ăn mất ngủ để đôn đáo làm việc với nhà in vì một lỗi nhỏ nhưng "chết người" trong 1 bài viết của mình.
Cảm ơn tất cả đã chịu khó đọc và chữa những bài rất "củ chuối" của mình để khi đến tay độc giả nó gọn ghẽ xinh xắn hơn; và lại còn được "báo biếu" để hôm nay vẫn có cơ hội được đọc lại những bài viết của chính mình.

Cà phê mộc là đây!

Cái Việt Anh Nguyễn đưa cho bịch cà phê, mắt rưng rưng lệ, nói em tính mở quán cà phê chứ thu nhập, giỏi tầm cỡ như em (ở Phòng Nội dung số - VOV2) cả thảy có hơn 2 chục triệu tháng, anh xem, sống sao nổi 😥.
Nó bảo anh uống xem thế nào rồi báo em. Em sẽ bán sản phẩm như thế này, hàng tự rang-xay.
Mình chả biết an ủi thế nào đành ngậm ngùi vẻ cảm thông lẳng lặng cất gói cà phê vào tủ, cũng nước mắt lưng tròng, thương nó lắm!
Hôm nay hết chỗ cả phê cũ, lôi bọc của nó ra uống. Uống, uống... uống..., chép miệng vài ba cái, nhớ mãi không ra cái vị này mình đã gặp ở đâu, một quán nổi tiếng ở Hà Nội từ thời bao cấp!
Đúng là hàng tự rang - xay (và cách trộn các loại cà phê với tỷ lệ nhất định) nên đắng nhẹ, hơi chua chua ở cổ họng, vị rất thanh. Cà phê được rang tới tầm và không lạm dụng bơ biếc gì nên vẫn vẹn nguyên vẹn hương vị.
Cà phê mỗi người một gu. Riêng mình thích gu này. Nó không có vị lạ, mùi lạ; nhấm một chút với lượng vừa đủ, đừng nuốt ngay, tập trung vào đầu lưỡi ta sẽ thấy rất rõ vị đăng đắng chua chua nhưng rất thanh, dịu, thấm dần vào từng gai vị giác trên mặt lưỡi.
Tất cả những mùi vị ấy tự nhiên tạo cho người uống cảm giác yên tâm, tin tưởng, hoàn toàn không sợ hóa chất, hương liệu hay những chất độn truyền thống của cà phê Việt như ngô hay đỗ tương. Đặt ly cà phê lên bàn mình nói to thành tiếng: MỘC!
Con này ưa hình thức lòe loẹt diêm dúa thế mà làm cà phê lại mộc mới lạ! Cứ đà này nó bỏ Nội Dung số với lương bèo 20 củ về mở quán thật chứ chả chơi. Giữ người tài giờ khó thế!

Chế biến nông sản

Cái An vừa đi công tác Thái Lan về cho gói trà hoa quả khô. Nhìn mãi thì đoán là quả chanh leo, nhưng nó bảo không phải, tiếng Thái là... đại khái cùng họ chanh leo.
Cách đây gần chục năm có sang Philippin thấy họ có xoài Cebu sấy cực ngon, bán ở siêu thị bên đó cũng không rẻ.
Rồi hôm bữa đi tuyến Nam Ninh- Quảng Châu - Thâm Quyến mấy người bên đó cũng quảng cáo mua táo Tầu khô của họ. Táo Tầu sấy có nhiều loại, loại ăn như mứt và 1 loại chỉ sấy khô, không thêm bất cứ thứ gì khác. Người Việt mình mua rào rào.
Trông người lại ngẫm đến ta. Vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Hải Dương đang vào vụ, nghe đâu cũng rẻ. Giá như có nhà máy chế biến cam kết tiêu thụ với mức giá thỏa thuận thì bà con trồng vải đỡ nơm nớp lo.
Nhưng hôm qua ngồi với một tay thuộc hàng "dân xã hội" với nghề cầm đồ & ngân hàng đen , cũng nói chuyện xưởng chế biến thì anh ấy nhếch mép cười khẩy, nói anh tưởng chạy được cái giấy phép mở xưởng dễ thế a, rồi khi đi vào sản xuất thì nhiều người “hỏi thăm” lắm 😢?

Bún cá ngon đây!

Cái Ánh gọi ời ời trên phây, bảo cả hội đến ủng hộ quán bún cá Hải Phòng nó mới mở. Vừa rồi nó làm giò thủ (giò xào) cung cấp cho cả lớp 12 E. Ai ăn cũng khen khéo tay! Cho nên việc nó mở quán chả làm bạn bè ngạc nhiên.
Bún cá, bánh đa cá là món ưa thích của mình. Mùa hè ngán mỡ màng, ăn bún cá là hợp nhất. Vả lại bây giờ ai cũng mỡ máu, cholesterol cao nên cứ cua cá mà chén cho lành.
Sáng nay đến quán cái Ánh, nhìn ngược xuôi chẳng thấy nó đâu tưởng nhầm, nhưng từ trong nhà vọng ra tiếng nó. Giọng nó không lẫn được. Kệ! Cứ lẳng lặng vào chén xem sao.
Hồi học cấp III cái Ánh ngồi cùng bàn với mình. Nó có cái giọng lảnh lót rất đanh đá, bé như con chim chích, lanh cha lanh chanh, chẳng biết chồng bơm thuốc gì vào mà giờ béo hú. Hai đứa con nó thừa hưởng nước da của mẹ, trắng trẻo, đẹp trai ngời ngời.
Quán rộng rãi sạch sẽ! Thích nhất là có quạt mát! Trời này mà ăn không có quạt thì ngon thành dở. Bún cá mỗi nơi một kiểu. Bún cá Ánh béo dùng cá lạng mỏng, lọc xương rán vừa tới (không quá ròn) để vẫn còn cảm nhận được vị ngọt thơm của thịt cá. Hai con tôm đỏ au trong bát bún có giá trị trình bày và thẩm mỹ. Những miếng chả cá mỏng làm phong phú thêm thành phần lẫn hương vị cho bát bún.
Điểm nhấn của bún cá Ánh béo là nước chan. Nước bún dịu, thanh, ngọt; được gia giảm bằng dấm bỗng nên rất thơm; chua nhưng không gắt, ngậy nhưng không béo. Thứ đến là cá, cá ở đây tươi, được lọc ra và rán ngay. Sợ nhất là dùng cá ươn, ăn biết liền. Lần sau mình sẽ O- đờ (order) mỗi cá thôi. Ăn phở hay bún mà ngon mình thường ăn hết sạch. Với bún cá Ánh béo cũng thế. Húp hết!
35.000 cho một “bát đầy đủ” không rẻ, nhưng ăn uống vào mồm đừng ham rẻ! Lấy vợ có ai thích vợ rẻ không? Phải coi ẩm thực cũng như tình yêu thì con người mới hào sảng và ... "soang choọng" (sang trọng) được!
Mình không thích rẻ nhưng thích… free. Trên tường bún cá Ánh béo ghi rõ miễn phí cho tất cả các bạn lớp 12E và buy one get one cho tất cả thực khách là đồng môn Trường Nguyễn Gia Thiều (85-88) trong tháng đầu (lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, bát free kia cũng là cho đồng môn nhá, đừng đem con cái đi đấy 😠)
Riêng mình, con Ánh miễn phí suốt đời để tri ân những lần anh Phong cho nó ăn cóp bài thời còn đi học😜 

Tầu hỏa

Những năm 80 mình học trong Sài Gòn nên hè là ra Bắc, hết hè lại vào, chỉ đi tàu hỏa nên có nhiều kỷ niệm.
Tàu hỏa hồi đó chạy từ ga Hàng Cỏ vào ga Bình Triệu hết đúng 3 ngày 3 đêm. Năm 1979 lên đoàn tàu do nước ngoài (Ấn Độ?) sản xuất thấy khá hiện đại, rộng rãi, tiện nghi, chắc chắn so với các toa do VN đóng sau này.
Về tai nạn thì chứng kiến 2 vụ : tàu tông phải xe tải ở đường ngang dân sinh và hành khách trốn vé ngồi trên nóc tàu, lúc qua cầu không chú ý đứng lên bị thanh ngang cầu gạt văng xuống sông.
78-79 đi qua một số khu vực miền Trung và bắc miền Trung thấy còn đầy dây thép gai, xe tăng cháy, pháo, các tấm ghi… ngập trong cát trắng, có đoạn còn nhìn rõ đường ống xăng dầu dã chiến miền Bắc lắp đặt tạm bợ phục vụ cuộc tổng tiến công 1975. Dấu vết của cuộc chiến sót lại khá nhiều nhưng lạ là tàn khốc thế mà rừng già vẫn còn.
Chả hiểu sao hồi đó cứ đến ga Đà Nẵng là thay toàn bộ ê kíp trên tàu, kể cả đầu máy. Nhân viên phục vụ từ Hàng Cỏ đến đó lại quay ra. Tàu hỏa hồi đó đúng nghĩa là hỏa- chạy than- khói mù mịt. Ngồi toa gần đầu máy lỗ mũi đen xì vì các cửa trên tàu mở thoải mái, thò đầu ra cả ngoài.
Qua đèo Hải Vân là phải tăng cường thêm một đầu máy nữa để vừa đẩy vừa kéo. Hồi đó phương tiện liên lạc kém nên nhiều bữa ông đầu tầu kéo thì ông đuôi tàu không đẩy, lúc ông đẩy thì ông đầu lại không kéo. Mình nghe tiếng động cơ xình xịch của đầu hơi nước và khói xịt ra của đầu máy đi-ê-zen thì đoán vậy.
Tàu leo đèo không nổi bị trôi xuống là thường. Hôm nào trời mưa, sương mù còn thấy một bộ phận ở đầu máy xả cát vào bánh xe lửa để tăng ma sát với ray lúc guồng kéo tàu lên đèo. Tới giờ vẫn không quên tiếng rít của phanh tàu ken két. Nói thật, nhiều hôm tàu ì ạch leo đèo chậm đến nỗi hành khách nhảy xuống tè bãi rồi nhảy lên vẫn kịp.
Không hiểu sao hồi đó hành khách rất sợ khi tàu qua ga Nam Định và ga Vinh, chắc nhiều “quân khu” quá? Thấy anh nào đội ổi (mũ cối), đi đúc hoặc gò (dép nhựa Tiền Phong), tay đeo SK mặt lửa, đóng cả cây ga Tàu (quần áo bộ đội may bằng vải ga-ba-đin TQ) đứng khuỳnh khuỳnh thì tránh ngay cho lành!
Mình ấn tượng với các sân ga: vẻ cổ kính với nguyên vẹn ống cấp nước cho tàu chạy than, hệ thống ghi cổ, sự đơn sơ, hoang vắng và đìu hiu của ga xép … tất cả nhắc nhớ quá khứ xa xăm, các nhân vật trong trang sách mà mình đã đọc lại hiện về. Đến mỗi ga mà tàu không dừng, mình cố thò dài cổ để nhìn cảnh lái tàu và gác ghi ném cho nhau một cái vòng gì đó như cái khóa dây, rất thiện nghệ, không trượt bao giờ.
Ngày đó phải đợi tránh tàu cả tiếng không có gì lạ. Nhiều bố tranh thủ xuống tắm giặt. Đến lúc một đoàn tàu khác tới, dừng lại, chắn ngang thì bố cứ tưởng tàu mình vẫn đỗ nên tha hồ kỳ cọ. Tắm táp xong, khăn mặt vắt vai, quần đùi áo may ô lững thững bước lên thì không phải tàu mình, tàu mình phía sau đi từ lúc nào. Khóc ầm!
Thêm một cảnh trên tàu ám ảnh đến tận hôm nay. Đấy là tiếng hát của những thương phế binh chế độ cũ. Chỉ với một cây ghi ta hay đơn giản là gõ bo mà nỗi đau quyện chặt vào câu hát. Tôi chợt nhận ra có tiếng nức nở sau khúc khải hoàn; là nước mắt đau thương bên cạnh nụ cười đoàn tụ.
Ngày ấy cảnh hai bên đường đơn sơ, đẹp và nên thơ, nhất là chạng vạng chiều hôm hay buổi bình minh ửng hồng phía núi. Có lẽ chẳng bao giờ quên cảnh côi cút lẻ loi của người tuần đường, người gác ghi giữa núi rừng mịt mùng lạnh lẽo. Họ đứng đó, cao tay đèn, thẳng tay cờ, nghiêm trang xác nhận sự bình an cho hàng trăm con người.
Đoàn tàu, sân ga, với thế hệ mình, luôn gợi sự chia li, có gì đó man mác buồn và thoáng chút xót xa.


Universal Studios Hollywood

Universal Studios Hollywood là một trong nhiều điểm đến ở Las Vegas. Trong đó không chỉ trẻ con thích mà người lớn cũng mê. Mình đi rạc cẳng, chơi đủ thứ vẫn không muốn ra. Nhìn tiểu cảnh có tấm biển đẹp (hình dưới) định ra seo-phì check- in nhưng nhác thấy mấy em mặc đồng phục cao lớn xinh ngất ngây đứng kiểm soát ở cổng nên rụt lại.
Phúc - phiên dịch cho đoàn - nhìn bộ dạng mình biết liền bèn hất hàm ra hiệu cứ đi đi. Mình đánh liều đi ra. Các em canh cổng cao 1m8 - 2m, xinh ơi là xinh, tươi như hoa “đóng dấu” vào cổ tay mình, lịch sự chìa tay mời mình đi ra.
Dù chẳng nghe được tiếng Anh nhưng đoán họ “đóng dấu” xác nhận người ở trong ra, lát nữa vào cứ chìa tay ra, thấy mộc đỏ là không cần vé nữa.
Mặt mình hất ngược lên! Đi được vài bước thì ngoái lại xem có đứa nào phía trong cổng không để vẫy ra cùng. Ý muốn oai, ra vẻ ta đây chả cần phiên dịch vẫn đi được như thường.
Nhìn vào chả thấy bóng ai đâm hoảng. Mới đứng đó cả lũ giờ biến đâu? Đúng lúc ấy mình nhìn xuống cổ tay xem dấu đỏ ra răng thì chả thấy gì. Thôi chết bỏ mẹ! Mực của bọn Mỹ kém quá, mới đó đã mờ, giờ làm sao vào lại được trong kia đây?
Mồ hôi vã ra như tắm, mình chạy vào chỗ em nhân viên lúc nãy, ra sức chỉ chỉ chọc chọc vào cổ tay. Em tươi cười xua tay rồi hất ra, ý nói đi ra ngoài đi.
Chết rồi! Đưa cái cổ tay không dấu vết gì thì đời nào nó cho vào! Điện thoại không, người quen không, tiền, giấy tờ bỏ hết trên xe và ở khách sạn…Nước mắt trào ra! Mình khóc lóc vang dội một góc phim trường, vừa khóc vừa chỉ chỉ vào cổ tay, nước mắt lã chã rơi trông rất thảm.
Sau một hồi ngạc nhiên thì các em canh cổng hiểu ra bèn cười ồ. Một em vẫy mình đến gần, ra dấu bảo vén áo lên rồi đóng liên tiếp ba bốn nhát, bẹt…bẹt…bẹt...., vào cái bụng chạy xệ lùng nhùng mỡ của mình.
Đóng xong em nhân viên hỏi “OK?”. Mình nhòm xuống chả thấy dấu vết gì nên lắc đầu. Đến đoạn này thì em bế thốc mình lên, đặt mình nằm úp lên đùi, vạch mông ra đóng thêm 3 cái nữa, xong xuôi dựng mình dậy, bảo kéo quần lên. Đúng lúc đó Phúc phiên dịch chạy lại…
Kéo mình ra xa xa, Phúc nhăn mặt, nói anh ơi cái mực đó không màu, nó chỉ phát quang khi soi bằng máy. Mình quệt sạch mũi giãi mếu máo gượng cười, nói ở nhà mấy em nó đóng dấu đỏ chót nên anh cứ tưởng…
Phúc lắc đầu quầy quậy, rên lên, bảo ở đây họ không bao giờ làm thế, không bao giờ, không được phép lưu lại dấu vết gì đặc biệt lên người khác.
Quyền riêng tư là quyền tự do cần được bảo vệ nhất ở một nền dân chủ. Riêng tư gồm nhiều nội dung nhưng khía cạnh đầu tiên là quyền riêng tư của cơ thể, sau đó mới tới riêng tư ở không gian sống, trong giao tiếp và thông tin cá nhân.
Bằng một dấu hiệu nào đó mà cố tình làm một người bình thường trở nên khác biệt hoặc khu biệt với những người xung quanh là hành vi ở đây họ tránh. Vì sự riêng tư là cần thiết để mọi người tự tin thiết lập các quan hệ bình đẳng với nhau.
Mình nghe cứ rào rào bên tai nhưng vui vì thằng Phúc cam đoan từ nay trở đi, đến bất kỳ đâu trên nước Mỹ, kể cả Bạch Dinh hay Ngũ Giác Đài, anh Phong chỉ cần tụt quần, chổng mông lên là tụi nó cho vào 

Ngũ tuần mới khởi nghiệp!

Chủ nhật vừa rồi có dịp trò chuyện với một chị Việt kiều vừa từ Đức về. Ngoài việc thăm gia đình, về VN lần này chị còn tìm hiểu để học thêm một khóa châm cứu, sau đó sang Đức thi lấy chứng chỉ (bằng cấp của mình bên đó họ không chấp nhận😥) .
Hiện chị vừa hoàn thành một khóa học về vật lý trị liệu cho người cao tuổi. Chi phí cho một khóa học như thế ở Đức khá cao, trên 20 ngàn Euro.
Có một điều rất thú vị là nhánh học về vật lý trị liệu của chị chuyên về cắt móng chân móng tay cho người già, người bệnh 😮.
Thoạt nghe tưởng chị đùa nhưng sự nghiêm túc của chị khiến mình ngậm ngay cái mồm vô duyên định cười lại. Có những đất nước họ chú ý đến từng li từng tí như vậy đấy!
Nhớ hồi bố mình bị tai biến nằm liệt giường 7 năm mình cũng hay cắt móng chân móng tay cho ông. Đúng là người già và người bệnh có một cơ chế mọc móng khác hẳn người bình thường. Hầu hết bị nấm và móng phát triển với hình thù cực kì dị dạng. Nếu không biết cách cắt và không đủ dụng cụ thì còn lâu nhá!
Chị Việt kiều định cư bên Đức gần 30 năm nay rồi. Chị từng mở nhà hàng, con cái hiện đã lớn, chồng chị cũng có công việc ổn định. Và chị năm nay đã ... U 60. "Khởi nghiệp" đâu xá gì tuổi tác!
Nói khởi nghiệp với chị hơi thiếu chính xác nhưng ở một quốc gia văn minh mỗi người đều luôn tự phấn đấu và mong muốn được cống hiến, muốn có ích; ngoài mưu sinh, công việc còn giúp họ khẳng định giá trị bản thân.
Xã hội luôn xuất hiện những công việc mới. Có cái nghề thật giỏi, làm có trách nhiệm và lương tâm thì ở đâu cũng được tôn trọng. Cần gì...!

Hiện sỹ đường phố tôi không khuyến khích!

“Toàn dân” là chữ thấy ở mọi nơi từ thời kháng Pháp. Qua 1 thế kỷ ta vẫn thấy “toàn dân” trên các pano, khẩu hiệu.
Xã hội hóa (XHH) là một mỹ từ được khoác lên mình bộ cánh dân chủ, rất có vai vế nhờ phát huy được nhiều nguồn lực.
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc” cũng là cụm từ hoa mỹ và hoành tráng, là đợt ra quân rầm rộ trước trận đánh lớn, nghe ồn ào nhưng hiệu quả còn phải xem lại!
Tôi cứ ngờ ngợ cái quan điểm XHH và “toàn dân” này đã thấm vào máu nên trong quản trị xã hội đâu đâu cũng thấy bóng dáng của nó.
Ở từng thời kỳ, trong từng lĩnh vực, với mức độ nhất định, XHH có thể là tốt, “toàn dân” có thể là hay, nhưng toàn dân lao ra bắt cướp (như hiệp sỹ hiện nay) thì tôi nhất định chưa thông!

Lưỡi bò à? Đuổi!

Nhìn khách du lịch Trung Quốc ngang nhiên mặc áo in hình lưỡi bò ở sân bay Cam Ranh mà ngứa mắt!
Nhìn cái hình bố láo này lại nhớ lần đến thăm anh chị em Việt Nam đang sống ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Vì phải di chuyển đến nhiều địa điểm ở nơi đất khách quê người nên trong phòng anh chị nhà mình treo một tấm bản đồ Trung Quốc cỡ lớn, chi chít chữ Tàu, chắc bản đồ hành chính chi tiết tới tận cấp huyện quận.
Phía dưới, phần biển Đông, thấy anh chị em dùng bút đỏ gạch chéo tất cả các đoạn của đường lưỡi bò đầy tham vọng.
Sát nách Trung nam Hải, suốt ngày phải đối phó với mấy thằng mất dạy đội lốt thông bể phốt, sửa cầu tiêu... mà anh chị em nhà mình quyết liệt, dứt khoát với đường lười bò phi pháp như thế thì tại sao ở Nha Trang, trên đất mình, chúng ta lại để đám khách Tàu láo lếu như vậy?
Rõ ràng họ làm việc đó có tổ chức hẳn hoi, dù chỉ là tổ chức mang tính hội đoàn, tự phát. Vậy mình cũng hành xử đúng luật và có tổ chức, nghiêm khắc và có tính răn đe, kể cả đơn vị tổ chức tour ở VN và TQ.
Trục xuất và cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào VN! Thông báo trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng! Nhớ phải quay cảnh "tiễn khách" nhá! Đừng vì mấy đồng từ du lịch mà đánh mất mình!

Rễ tiêu bán cho Tàu có gì mà ầm lên !

Ẫm ĩ việc thương lái thu mua rễ tiêu bán cho TQ. Cơ quan chức năng khuyến cáo không được bán; báo ngay cho chính quyền khi phát hiện để theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời .
Ối giời ơi! Tiêu già phải phá bỏ, bán đc tí rễ kiếm được đồng nào hay đồng ấy chả tốt quá! Dân người ta có người ta bán. Họ cũng chả dại mà phá tiêu xanh đi bán rễ với giá bèo đấy đâu các ông ơi! Mà thương lái họ đi mua rễ (mặt hàng không cấm) hà cớ chi theo dõi - ngăn chặn- xử lý?
Chỉ cần thông tin cảnh giác và lưu ý trong rễ có thể nhiễm hóa chất là đc rồi!
Sang Malaysia, qua phố Tàu, bạn sẽ thấy có tiệm pepper drink. Chủ tiệm sẽ rót cho bạn một bát như bát nước vối hay nước chè xanh quê mình, nóng hổi, uống cay cay. Nước tiêu đấy! Chả biết chế biến từ quả thân hay rễ nhưng họ bảo uống tốt lắm! Giờ phong trào detox lên ngôi, thức uống này chắc đang hot.
Nói thật! Trung Quốc là thị trường khổng lồ. Khi họ có nhu cầu một phát thì khác gì hố đen xuất hiện ở VN. Từ mít, cau non, đỉa, lá điều đến hạt na ... cứ ầm ĩ nỉ non. Thị trường thuận mua vừa bán. Nó mua làm đếch gì mặc xác nó. Dân có lời là dân bán! Cấm thế nào được!
Cảnh giác với cha láng giềng này là cần thiết, nhưng nói thật, họ muốn (hoặc đã và đang) chơi mình thì họ đi những nước cờ cao và thâm hiểm hơn nhiều. Ba cái trò mèo này giờ họ không xài đâu! Đừng quá bận tâm! Để đầu óc nghĩ chuyện khác đi!