Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

“Đục nước béo cò” trong ngành y, dược là tội ác không thể dung thứ

Trong cuộc sống, tôi từng thấy nhiều cảnh đau thương, thậm chí chết chóc, nhưng có lẽ chưa bao giờ ám ảnh và phẫn uất bằng việc có lần chứng kiến một vụ tai nạn, xe gây tai nạn chạy mất, nạn nhân là một phụ nữ quăng mạnh người xuống đường, máu mồm máu mũi tung tóe; vừa lồm cồm bò dậy thì có hai kẻ chạy tới, vờ vĩnh hỏi han xốc nách dìu đứng dậy nhưng ngay sau đó thằng thì lột cái ví, đứa gỡ cái đồng hồ. Nạn nhân còn choáng, cứ lê lết quờ quạng yếu ớt kêu cứu nhưng mỗi đứa đã kịp tẩu thoát về một hướng. Hình ảnh đó ám ảnh đến mức đi đường lúc nào tôi cũng cảnh giác với sự “tốt bụng” bất chợt và đáng ngờ. Đồng thời luôn ở trạng thái cảnh báo người bị nạn khác trước các thủ đoạn tồi tệ tương tự. Trong cuộc sống, cùng một bản chất như câu chuyện trên nhưng lại xảy ra dưới muôn hình vạn trạng. Ví dụ như việc Bách Hóa Xanh bán hàng không đúng giá niêm yết, có nhiều biểu hiện chụp giật khi cả nước đang chống chọi với đại dịch đã bị người tiêu dùng cả nước lên án, tẩy chay. Bài viết “Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng là đi ngược với đạo lý của thời cuộc” đăng trên VOV.VN xuất bản chưa ráo mực đã nhận được hàng ngàn phản hồi, độc giả cả nước bày tỏ bức xúc với "chiêu" làm ăn lập lờ của doanh nghiệp này giữa đại dịch. Cứ tưởng tượng rằng sự phẫn nộ của người dân là có thể đong đếm được thì một nửa có lý do xuất phát từ hoàn cảnh. Tức là trong một thời khắc nhẽ ra con người cần nương tựa vào nhau, cần nắm lấy tay nhau thì họ lại trơ tráo lạnh lùng “thọc dao” vào lưng đồng bào mình, dìm nhau cho “chết” hẳn. Đấy là chuyện mớ rau con cá, người bình thường có thể dùng tri thức phổ thông định lượng được đắt hay rẻ, tốt hay xấu, ngon hay không … rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Thế nhưng, có những mặt hàng mà đa số người dân không có kiến thức, đều phải hỏi người bán, người cung cấp dịch vụ,…; đồng thời không bao giờ trả giá và trên thực tế cũng không có thời gian mặc cả vì tính cấp bách của nó, đó là thuốc chữa bệnh. Người bán, doanh nghiệp "hô hét" bao nhiêu thì người dân, dù nghèo khó, cũng cố chạy vạy để mua. Đợt bùng phát dịch năm ngoái, nhiều tiệm thuốc nâng giá bán khẩu trang đã bị dư luận lên án, bị cơ quan chức năng xử phạt. Đợt dịch thứ 4 này khẩu trang không còn khan hàng nữa thì những sản phẩm thuốc của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lại tăng giá vù vù trước và sau khi lọt vào danh sách 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 Bộ Y tế ban hành.
Bộ Y tế đã kịp thời thu hồi văn bản liệt kê danh mục 12 loại thuốc đó sau đúng 2 ngày ban hành. Dù dư luận bất ngờ và khó hiểu với lý do thu hồi văn bản như “do khâu soạn thảo”, “do nội dung chưa phù hợp”, nhưng dù sao người dân cũng đều thở phào. Sự việc này khiến tôi tưởng tượng cảnh chị phụ nữ bị tai nạn kia, dù trong hoàn cảnh đau đớn, hoảng loạn, choáng váng nhưng vẫn còn kịp giằng lại cái ví và cái đồng hồ từ tay bọn bất lương. Trên thế giới, duy nhất ngành y có chung một lời thề: Lời thề Hippocrates. Dù ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này, sinh viên ngành y dược trước khi biết làm ra viên thuốc, biết cầm ống tiêm thì phải thuộc Lời thề Hippocrates. Lời thế ấy có đoạn rằng “tránh sa vào việc điều trị thái quá, điều trị theo chủ nghĩa hư vô”. Lời thế ấy có đoạn rằng: “Nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông”. Lời thề Hippocrates cũng nhấn mạnh rằng, dẫu là thầy thuốc, dược sỹ nhưng vẫn “là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào”. 12 điều y đức của ngành y tế Việt Nam còn nói rõ “Không được lạm dụng nghề nghiệp”. Cái cách đột ngột tăng giá bán thuốc gấp mấy lần khi ngửi thấy mùi sắp có trong tay “Thượng phương bảo kiếm” - là sự đồng ý của ngành chức năng cho danh mục 12 loại thuốc - có phải “lạm dụng nghề nghiệp” không? Có “ấm áp và cảm thông” không? Đừng biến “Thượng phương bảo kiếm” thành “thượng phương… bảo kê”!./.

Học trò học cho ai?

Hôm nay ngồi cùng bàn nghe lỏm con học online. Cuối buổi, khi dặn dò, cô giáo nói “các con học cho ai? Học cho các con chứ có phải cho cô đâu, có phải cho bố mẹ đâu”. Câu này không sai nhưng chưa đầy đủ. Nói không học cho bố mẹ, không học cho cô cũng không đúng. Nhiều nước con cái học hành không ra gì bố mẹ cũng chịu trách nhiệm đấy. Không cho con đi học bố mẹ còn bị truy tố ra toà. Việt Nam cũng thế, không cho con tới trường là vi phạm Luật GD. Ở Việt Nam, con cái gắn chặt với gia đình. Chúng học hành tốt, ngoan thì bố mẹ lúc về già đỡ lo, đỡ khổ. Học trò - giáo viên - nhà trường có quan hệ khăng khít. Trò chăm, ngoan, học giỏi thì cô đỡ mệt, lại được tiếng dạy giỏi, thành tích của cô theo đó mà có. Với danh hiệu GV dạy giỏi, GV lớp có nhiều em đỗ cao thì sự nghiệp của cô cả ở trường và ở …nhà đều đầy triển vọng. Học sinh nô nức đăng ký học thêm; phụ huynh “chọn mặt gửi vàng”, cứ tới tấp đăng ký lớp thầy cô các năm trước có nhiều học sinh ngoan, giỏi, có trò đỗ đạt cao. Vì thế nói việc học hoàn toàn không can dự tới giáo viên và phụ huynh là không đúng. Thầy cô nên cân nhắc khi răn dạy câu rất cổ điển này với các em. Thế kỷ 21 rồi, rất muốn nghe thầy cô nói: Các con học tốt không chỉ khiến thầy/cô vinh dự mà còn làm tăng giá trị thầy/ cô và nhà trường lên rất nhiều. Nói vậy có sao đâu nhỉ?

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Chuyện ở ký túc xá

Lần đầu tiên trúng tuyển Đại học Tổng hợp HN (1988) mình còn hào hứng lắm! Hồi đó hay vào ký túc xá Mễ Trì ăn ngủ nên mới biết chuyện đi xem video phim con heo của mấy chàng sinh viên nghèo ngây ngô mà bữa trước biên hầu các cụ ở đây. Giờ kể hậu phim con heo.
Lúc cả hội bóp mồm bóp miệng, nhịn cả cơm tối để gom tiền xem phim thì nhao nhao như chợ vỡ, náo nức vô cùng, đến khi xem xong về, đứa nào mặt cũng dài như cái bơm. Chả thằng nào nói câu gì, cứ lầm lũi về phòng. Hình như có một cảm giác tiêng tiếc hoặc bẽ bàng? Cũng có đứa đang tưởng tượng này nọ, rồi thể nào chẳng có thằng nghĩ giá đừng xem thì cái bụng không sôi réo ùng ục như thế này…
Cái bụng đói khó ngủ đã đành, đêm mình thấy có đứa len lén dậy thay quần lót. Rồi thằng ngủ tầng trên chắc không chịu được nên thủ dâm, mình ngủ tầng dưới thấy giường cứ rung lên bần bật, rồi thấy tiếng hự…ự…ự... thật khẽ, rất kiềm chế nhưng đủ nghe, sau đó là tiếng ngáy vang rền. Hậu phim sex của sinh viên nghèo thời xưa khổ thế đấy! Sáng mai lại ối đứa trốn tiết 1 để ngủ nướng, ngủ vùi.
Ký túc xá Mễ trì có khu nhà A cho sinh viên nam, khu nhà B liền kề cho nữ. Hai dãy nhà tầng này cách nhau độ 50-60 thước nên từ khu nhà A có thể phóng tầm mắt sang phòng nữ bên khu B.
Nhiều hôm tan học mình thấy chúng nó cố về trước các em một lúc rồi ba chân bốn cẳng tranh nhau chạy lên tầng. Hoá ra các tướng chọn vị trí đẹp ở cửa sổ ngồi trực sẵn đợi các nàng bên khu nhà B về để ngắm nghía lúc các nàng cởi áo thay đồ.
Hồi mới có trò này các nàng chủ quan không để ý nên cửa phòng cứ mở toang. Bên này đám sinh viên nam chỉ trỏ, trầm trồ, xuýt xoa , nói con áo lót hồng của tao đấy, của mày con có nốt ruồi ở lưng kia kìa…
Cứ nhận vơ thế thôi chứ có thật đâu. Gặp các bạn nữ thì đứa nào đứa nấy run như cầy sấy, có cái cặp cứ chuyển từ tay này sang tay kia, lúng ba lúng búng không nói được câu nào ra hồn. Nhưng đến màn ngắm nuy tuyển người yêu tưởng tượng này thì cãi nhau om sòm, vui phết!
Mình cận 7-8 diop cứ rê mắt nhìn theo ngón tay chỉ của chúng nó nhưng chả thấy gì. Nó bảo thấy gì không, mình háo hức gật gật, nói thấy thấy. Nó bảo con đấy đẹp không, mình hào hứng nói đẹp đẹp… Nó tỉnh queo bảo mụ Thìn bán quán đấy, chắc lên đòi nợ 😠
Ảnh : Trông giống KTX Mễ Trì ngày xưa, không biết đúng không?



Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Sinh viên Hải Dương tình nguyện chống dịch tại TP.HCM: Rất cần trao đổi và cảm thông


Hôm qua (3/7) một đồng nghiệp ở TP.HCM nhắn cho tôi mẩu tin nói về đội tình nguyện Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương vào TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch.

Nói chung “tin xấu”, rất xấu! Trên mạng xã hội lan truyền nhiều mẩu hội thoại dè bỉu, châm chọc, miệt thị, chê bôi nhóm sinh viên Hải Dương; rồi cũng lại có những tiếng nói yếu ớt bênh vực các em sinh viên, rằng các em làm theo mệnh lệnh của chỉ huy chứ kỳ thực không dám đòi hỏi gì.

Trả lời đồng nghiệp phía Nam, tôi chỉ dám nhắn lại một chữ “buồn” và mong anh chị em phóng viên tiếp tục tìm hiểu thật khách quan, nhiều chiều sự việc này.

Hiện một số bài viết tập trung mũi dùi về phía các em sinh viên Hải Dương. Một số thông tin nghiêng về phía các em sinh viên thì dường như cố gắng thanh minh, nhưng yếu ớt và lẻ loi so với nhiều bài phẫn nộ, cười cợt, thể hiện sự coi thường.

Tôi vẫn cho là thông tin chúng ta thu lượm được chưa đầy đủ để đưa ra bất kỳ kết luận hay phán xét nào.

Những em sinh viên ấy còn trẻ! Chắc có bạn lần đầu tiên vào mảnh đất phương Nam. Nếu đây đó, chỗ này chỗ kia có những ứng xử quê mùa, hoặc cố “gồng” lên để làm dáng, tìm kiếm sự tự tin (là tôi ví dụ thế) thì xin tất cả hãy bỏ qua. Các em còn rất trẻ!

Hãy coi các em như con cháu ruột thịt của mình, nếu có gì chưa phải, hãy mở lòng bao dung, như bản thân tôi từng được các chú các bác Sài Gòn yêu thương, bao bọc khi chân ướt chân ráo vào Nam những năm sau giải phóng.

Tôi không ở trong Nam hết cả tuổi thơ, cha tôi không thức thời chọn mảnh đất vàng phương Nam như nhiều người khác, nhưng người Nam để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp, kỷ niệm đẹp, không thể quên.

Buông bỏ và khoáng đạt là đặc tính của người Nam. Vậy nên có gì đó chưa thực sự phù hợp, còn lợn cợn vì sự khác biệt văn hóa hai miền... thì cũng mong "chín bỏ làm mười".

Quanh câu chuyện này chúng ta chưa có đủ thông tin, nhưng hình như có sự lúng túng, chưa ăn khớp trong tổ chức và phối hợp giữa nhóm sinh viên tình nguyện và địa phương - nơi được hỗ trợ? Điều tôi nghĩ quan trọng nhất lúc này là trao đổi và lắng nghe để có tiếng nói chung. Có doanh nghiệp PR trong chuyện này hay không tôi không biết, nhưng nếu có thì nhóm truyền thông hãy coi đây là bài học và khẩn trương vào cuộc. Đừng để các em sinh viên cũng như địa phương rơi vào thế khó xử.

Một số lên mạng chì chiết, mỉa mai, miệt thị vùng miền như mấy ngày hôm nay phỏng ích gì? Có giúp mọi việc tốt đẹp hơn hay khiến chúng ta ngày càng xa cách? Mọi sự chì chiết, so sánh, khinh rẻ, tẩy chay lúc này càng làm cho chúng ta thêm đau xót; những câu nói chia rẽ vùng miền bình thường đã như vết thương xát muối, lúc khó khăn như thế này lại càng xót xa và buồn hơn. Nó như gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết và quyết tâm chống dịch của tất cả chúng ta. Nó vô cớ làm công việc chống dịch đúng lúc cam go bị chững lại, khiến mọi người nhìn nhau hồ nghi, xét nét thay vì tất cả phải đồng lòng.

Đừng để những câu chuyện lặt vặt như thế ảnh hướng đến những cố gắng chung của cả nước trong việc phòng, chống dịch! Đừng để những khác biệt ngăn cách sự cởi mở, phóng khoáng và bao dung! Đừng so sánh ai giỏi hơn trong tình huống này! Đừng bảo rằng tôi cũng đủ người, đâu cần hỗ trợ! Đừng!

Rồi các bạn phương Nam sẽ hiểu; rồi các bạn sinh viên y tế Hải Dương cũng sẽ biết, và nếu có gì đó chưa kịp thích nghi phải điều chỉnh. Lúc này rất cần tất cả chúng ta phải là một, cùng hướng tới mục tiêu chung đầy khó khăn là đẩy lùi đại dịch./.