Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Văn hóa lấy phần.

Ở nhiều vùng quê Bắc Bộ có lệ, hễ nhà nào đụng việc hiếu hỉ đều tổ chức mời cơm bà con trong xóm. Trước khi bà con chòm xóm ngồi vào mâm, có một thứ mà gia chủ không được phép quên, đấy là túi nilon. Việc phân phát túi ni lon cho khách được tiến hành ngay sau khi mâm cỗ được bê ra, khách vừa an tọa.

Thà quên chai rượu hay đĩa thịt gà còn được tha thứ chứ quên túi nilon… hãy coi chừng! Vì thế gia chủ phải phát ngay từ đầu cho khỏi quên. Thiếu chai rượu khách còn nhổm đít, vẫy tay, hô cho tao chai rượu, còn túi nilon lại “hơi bị” nhạy cảm, chẳng ai dám nhắc, thế mới đau!

“Nhạy cảm” là vậy nhưng túi nilon lại đóng vai trò quan trọng, được xem như “biên chế chính thức” cho từng mâm cỗ, không thể thiếu bởi vì khách sẽ dùng chiếc túi ấy để lấy phần.



Sau khi ăn xong, mỗi người tự động gắp những thứ còn lại trên mâm cho vào túi nilon để đem về. Cũng có khi một người cao tuổi nhất trong mâm chủ động chia cho từng người. Để công đoạn lấy phần công bằng và thuận lợi, khách chỉ ăn những món như cơm, nộm, canh, xào…, nói chung là những món có nước và khó chia. Còn những món có sự phân định rạch ròi về tiêu chuẩn như giò, chả, thịt gà, nem…thì mặc định được chừa lại để lấy phần đem về. Ai vi phạm chắc sẽ bị …lườm?

Nếu bữa cỗ có khách lạ, có thể từ thành phố về, việc đưa và nhận túi nilon  diễn ra nhanh và kín đáo. Họ đưa mắt nhìn quanh (xem có ai để ý không) rồi dúi dúi cái bọc nilon xuống dưới mâm. Sự lúng túng ấy rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ai mới thấy lần đầu chắc sẽ  bật cười. Bà con ngại vì sợ bị chê là “nhà quê”?

Thoạt tiên tôi cũng cho cái việc lấy phần là “hơi bị lạc hậu”. Nhưng ngẫm  thấy nó có thể xưa cũ chứ không lạc hậu; thậm chí, ở một góc nhìn nào đó, còn được xem là tập quán thú vị.

Có ý kiến cho rằng cuộc sống nông thôn thường khó khăn. Nếu như người thành phố bữa ăn nào cũng là cỗ, thì ngược lại, ở thôn quê, chỉ có đám mới có “chút mỡ màng” nên việc lấy phần xuất phát từ nguyên nhân thiếu thốn.

Tôi cho rằng không hẳn thế. Thói quen lấy phần phải chăng bắt nguồn từ những dịp hội hè ăn uống ở sân đình-trung tâm văn hóa của làng- từ bao đời nay?

Ở quê, nhà có đám mà sạch cỗ mới được khen. Sợ nhất là ế cỗ. Vì thế, “lấy phần” cũng là ý muốn của gia chủ. Hơn nữa, cuộc sống ở làng có tính cộng đồng cao. Hễ đụng việc là cả làng tham gia, trên tinh thần vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Do đó chẳng có lý do gì hàng xóm có việc vui mà chỉ một người (đi ăn cỗ) được hưởng. Niềm vui ấy xứng đáng được san sẻ, chia đều và thông báo… cho cả những thành viên ở nhà nữa. Lấy phần có ý nghĩa biểu tượng của việc san sẻ niềm vui.  

Hãy thử tưởng tượng niềm vui của trẻ quê mong bà, mẹ đi chợ về để có tấm bánh đồng quà như thế nào thì niềm vui của người già, con trẻ ngóng người đi ăn cỗ về y như vậy. Do đó, văn hóa lấy phần là nhân lên niềm vui, là thể hiện tính cộng đồng, rất thú vị, đáng lưu giữ chứ đâu có lạc hậu và chẳng việc gì phải ngượng ngùng.

Lấy phần nhiều khi được gom chung vào một khái niệm gọi là “lộc”. Đã là lộc thi khi thụ lộc phải tán lộc, phải sẻ chia mỗi người một ít mới đắc lộc.

Tất nhiên lấy phần sẽ chỉ thú vị trong cộng đồng mà mọi người đều chấp nhận điều đó. Nếu bứng ra khỏi môi trường nó đang tồn tại, có thể không còn là “văn hóa” nữa. Cho nên đừng lấy con mắt của "người lạ" mà áp đặt! 


  

  



   

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Hội nghị quê ta.



Có bác sống lâu năm ở nước ngoài, có dịp về dự hội nghị ở Việt Nam, thấy hội nghị tưng bừng mở đầu bằng màn văn nghệ thì lấy làm lạ lắm!

Không cứ gì hội nghị, hầu như bất cứ một kỳ cuộc gì tập trung đông người là y như rằng, quê ta có biểu diễn văn nghệ.

Nói thật, cũng tốn kém lắm các bác ạ! Ban tổ chức bọn em có phải ai cũng thích mấy màn múa hát ấy đâu, nhưng khổ nỗi đại biểu đến dự không đúng giờ. Vì thế phải có hát hò để trám vào, không thì đại biểu đến đúng giờ ngồi nhìn nhau à.

Các bác không biết chứ sự có mặt của các sếp thể hiện tầm cỡ và là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của hội nghị. Mời thủ trưởng mà thủ phó đi dự là bọn em không vui rồi. Em cũng bắt tay nhưng cái bắt tay có phần lỏng lẻo; em vẫn cười nhưng chỉ cười nhạt, đãi bôi tí thôi. Hội nghị mà chưa có sếp ngành, sếp chính quyền đến dự, để sau đó phát biểu và cho ý kiến chỉ đạo, thì có ăn gan hùm em cũng không dám bước lên bục khai mạc. Vì thế  các bác thấy tin tức quê ta thường thông báo sếp A, sếp B tới dự chứ có mấy ai đưa nội dung chính của hội nghị lên đầu đâu.

Cũng có anh chị phàn nàn hội nghị hội thảo không đi vào trọng tâm, nhiều cái râu ria quá, đọc dài quá.

Anh chị xa lâu ngày nên không biết đấy thôi. Dỗ được thằng địa phương đăng cai cho cái hội nghị đâu có dễ. Vì thế cũng phải để cho sếp khoe khoang chút về đất nước và con người, thiên nhiên và cảnh vật, thế mạnh và thành tựu…của địa phương tí chứ.

Rồi các anh chị thấy mấy cái logo của hãng này, hãng kia treo trong hội trường đấy. Quà trong túi anh chị cũng do hãng nó tài trợ đấy! Tý nữa thể nào người của hãng cũng lên phát biểu.

Vì thế, hãy chịu khó ngồi yên, khổ luyện đôi tai mà tập rèn tính kiên nhẫn tí nhá. Nội dung chính cần bàn thảo có bị cắt xén chút xíu anh chị cũng cảm thông. Mà không cảm thông không được vì trưa rồi, sếp thì trăm công ngàn việc, đại biểu thì bụng ùng ục sôi, nghe cái nỗi gì nữa. Cháy giáo án cũng là “đúng quy trình” cả thôi.

Trong một vài hội thảo khoa học, các bác phê bình chủ tọa chưa làm đúng chức năng. Cụ thể là để diễn giả nói quá thời gian quy định, không kiểm soát được thời gian; chủ tọa ai lại đi làm nhiệm vụ tóm tắt, kết luận cho diễn giả .v.v. và v.v.

Thưa với các bác, người quê em tuyền…ền…ền… là có văn hóa! Ai lại bốp chát ngắt lời diễn giả trước cử tọa hàng trăm người, coi sao đặng? Mà nói dại, ngắt lời họ, họ giận, họ nổi khùng lên thì sao? Mất mặt ban tổ chức chứ còn sao nữa. Bởi thế, một điều nhịn là chín điều lành, các bác hiểu chưa? Đôi khi diễn giả là sếp, là chuyên gia đầu ngành, thì thưa bác, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Các cụ dạy là cấm có sai đâu!

Còn bác bảo vì sao em cứ phải tóm tắt nội dung diễn giả vừa trình bày ư? Đơn giản lắm! Vì em còn biết nói gì ngoài việc nói theo những cái người ta nói. Thế cũng là thuộc tầng lớp có khả năng tổng hợp đấy ạ. Nhiều đứa còn không được bằng em cơ./.  


Xin hỏi bộ trưởng.



Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu quốc hội nhiều vấn đề, nhưng có 3 nội dung thấy vẫn còn băn khoăn.   

Đổi mới thi tốt nghiệp.
Thực ra đổi mới cách ra đề thi không hề mới. Trong cuộc cải cách GD vừa rồi cũng cố gắng thực hiện nhưng vẫn còn vướng ở nhiều khâu.

Nếu lấy việc thi cử làm đột phá khẩu, là tiếng súng khai hỏa để “đổi mới cơ bản, toàn diện GD” thì cũng nên cân nhắc, bởi như thế đồng nghĩa với việc chấp nhận nền giáo dục ứng thí, thừa nhận quan điểm “thi sao học vậy”, lấy kiểm tra đánh giá để thay đổi việc dạy và học.

Có một vấn đề đặt ra là khoa học đánh giá trong nhà trường ở ta phát triển tới đâu? Nếu để nó quy định trở lại việc dạy và học (cái gì và như thế nào) thì sẽ ra sao nhỉ? Mặt khác, khi chấp nhận “thi sao học vậy” thì có mâu thuẫn với yêu cầu GD toàn diện? Bởi không phải học cái gì cũng có kỳ thi để đánh giá.

E rằng với “căn bản và toàn diện” mà chỉ đặt vấn đề lấy đổi mới thi cử làm “quả đấm thép” xem ra chưa thuyết phục được xã hội.

Bệnh thành tích:
Bệnh thành tích gian dối trong GD không phải lỗi của riêng ngành GD mà của cả chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói “Chúng tôi đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh” thì xem ra chưa được chuẩn lắm.

Đơn cử 1 ví dụ: Để một trường đạt chuẩn quốc gia, ngành GD đưa ra 5 tiêu chí, trong đó 2 tiêu chí đầu tiên là tỷ lệ lưu ban và bỏ học hàng năm lần lượt không quá 5% và 1%. Thứ đến là học lực và hạnh kiểm với các tỷ lệ giỏi, khá, yếu kém rất cụ thể, chi tiết bằng con số. Thưa bộ trưởng, cái này không gọi là “đánh giá dựa vào thành tích” thì gọi là cái gì?

72.000 sinh viên thất nghiệp:
Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dân tới tình trạng thất nghiệp là thành lập mới và nâng cấp quá nhiều trường ĐH không đủ điều kiện giảng dạy, dẫn tới việc tuyển sinh, đào tạo dễ dãi, sinh viên ra trường yếu; rồi cung - cầu không gặp nhau; ở phổ thông thì hướng nghiệp yếu, phân luồng vẫn tắc… 

Việc mở ồ ạt trường ĐH suy cho cùng thì trách nhiệm còn thuộc về những người tiền nhiệm. Song, là người kế nhiệm, lại biết rất rõ thực trạng này, Bộ trưởng phải có giải pháp chứ. Sao lại để mãi tới tháng 3 vừa rồi, khi có QĐ 37 của Thủ tướng mới dừng thành lập mới các trường ĐH. Trách nhiệm quản lý nhà nước về GD và đào tạo là tham mưu cho chính phủ, hoặc chí ít Bộ cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát; thẩm định chặt chẽ hồ sơ các trường thành lập mới hoặc xin “nâng đời”.

Còn nhớ hồi địa phương đua nhau mở đại học, họ cứ lấy tỷ lệ sinh viên/vạn dân ở Thái Lan ra để so sánh, để làm cơ sở đòi phải thêm nhiều trường?! Thật buồn cười! Sao không so sánh số doanh nghiệp Thái và Việt Nam xem họ chênh với ta cỡ nào. Thất nghiệp ở chỗ đấy chứ ở đâu. Không phải là Bộ GD-ĐT không biết điều này, nhưng khi quyền lực đã được trao vào tay thì khó buông lắm, bởi quyền lực và quyền lợi đôi lúc song hành.




Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Đi với ma không thể mặc áo cà sa.



Mình nhất quyết không thuộc “phe diều hâu” bởi vì pháo tép mình còn phải bịt tai, nói chi súng đạn; chưa bao giờ mình dám đánh nhau vì thể trạng yếu, có bỏ chạy cũng không nổi.  Thế nhưng trong những giai đoạn cam go như hiện nay mình lại rất… máu.

Nhớ hồi học tiếng Anh a bờ cờ, quyển Streamline có bài phải nói về hạt nhân. Một luận điểm đưa ra là “hạt nhân có thể giữ gìn hòa bình”.  Hồi đó cãi nhau hăng lắm. Làm gì có chuyện cái thứ gớm ghiếc giết người hàng loạt ấy mà “giữ gìn hòa bình”?

Thế nhưng sự tồn tại của nó ở một số quốc gia không phải không có lý. Ngay cả anh Triều Tiên, nơi còn dùng tem phiếu, mỗi người tháng được vài lạng thịt còn có huống hồ. Mỗi bận hết gạo, anh mập lại làm chuyến đi thăm cơ sở làm giàu u-ra-ni-um. Thăm xong về dỏng tai ngóng động tĩnh. Nếu chưa thấy ai thèm đoái hoài gì thì anh í thị uy, gây chú ý phát nữa bằng cách thử vài quả tên lửa hành trình. Thể nào sau cú đó, cho dù tên lửa có xịt thì quốc tế cũng giật bắn mình, nhao vào lên án, phản đối, đề phòng, đề nghị… Khi đó anh mập mới nheo nheo mắt, kín đáo tế nhị bảo đói, có gì viện trợ không?

Dĩ nhiên mình chẳng học cái ấy làm gì, nhưng giả thử giờ có trong hầm vài quả thì bọn “4 tốt” có làm trò ở Biển Đông cũng phải dè chừng chứ không hống hách, bạo ngược như thế này được.

Ở nhiều nước, lận lưng một khẩu súng là chuyện thường. Vấn đề là sử dụng nó trong tình huống nào và với ai mà thôi. Đi với ma không thể mặc áo cà sa được.




Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Nói leo về Biển Đông.


Có dịp được nghe GS Chu Hồi và Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương nói chuyện về đề tài biển đảo, họ đều khẳng định mưu đồ chiếm trọn biển Đông của Tàu có từ thời Mao. Do đó họ rắp tâm, ngấm ngầm xúc tiến âm mưu này trong hàng chục năm qua với quan điểm “giấu mình chờ thời”. Đến hôm nay, khi trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, với tiềm lực quốc phòng rất mạnh, họ mới chơi bài ngửa và để lộ nguyên hình.

Nói vậy để chúng ta thấy không phải lãnh đạo họ không biết bụng dạ của láng giềng 4 tốt. Không phải ngẫu nhiên mà những năm cả nước ăn bo bo sái quai hàm, đói bỏ mẹ, tắc bụp phát lại thấy máu người dân Việt chảy ở biên giới Tây Nam, thế mà các vị lãnh đạo vẫn quyết tâm tái khẳng định chủ quyền ở mấy hòn đảo san hô diện tích bằng vài manh chiếu, lúc chìm lúc nổi. Cũng vì Tàu nó âm mưu từ lâu nên khi ta triển khai việc này chúng mới tức tối cướp cướp đi sinh mạng của 64 chiến sỹ ở Gạc Ma, 1998.

Rồi cách nay nhiều năm, ta đã đặt mua Su 30 MkII có thể bay ra TS-HS mà không lo rơi tòm xuống biển vì hết dầu; ta đặt mua tàu ngầm, tàu chiến, một số tên lửa bờ biển,… với những tính năng phòng thủ, bảo vệ là chính.  Trong khi đó mấy cái tăng ghẻ T54 thế giới băm sắt vụn từ lâu nhưng ta vẫn không mua tank thế hệ mới mà nhờ bọn Do Thái nâng cấp. Vì sao? Vì ta đã xác định hướng kẻ thù đến là từ biển và trên biển.

Cho nên cái mà chúng ta biết thì người ta biết cả. Nhưng là nước nhỏ,  yếu, khi vừa qua vài cuộc chiến, lại ở sát cạnh thằng láng giềng to xác đang bày mưu tính kế rắp tâm nuôi mộng bá quyền, chiếm biển Đông nên đôi khi có cảm giác như ta phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Vừa rồi trên báo thấy bác nào trưng ra sách giáo khoa của Tàu đấy, họ đã trơ tráo, trắng trợn nói rằng HS, TS là của họ, thậm chí chủ quyền nước Tàu còn liếm xuống gần Mã Lai ?!

Trong khi đó thì SGK chúng ta hầu như không đề cập. Chỉ riêng về cuộc chiến biên giới 1979 họ cũng gây sức ép buộc ta phải bỏ đi nhiều phần. Để giữ hòa khí và yên ổn làm ăn, không phải lúc nào chúng ta cũng tỏ thái độ cứng rắn được. Nước nhỏ, yếu nó khổ thế đấy! Nói dại! Bây giờ họ bảo mở sách học sinh ra xem ai viết chủ quyền HS-TS nhiều hơn chắc bí?

Mới đây thầy Đỗ Việt Khoa còn trưng ra cả SGK địa lý  năm 1974 của mình (chắc là nhờ Tàu in) nói rằng HS-TS là của TQ mới bỏ mẹ. Tài liệu không biết chính xác đến đâu nhưng thấy chụp cả ảnh.

Thế nên các nhà nghiên cứu mới nói ba cái vụ “bản đồ”, “chủ quyền lịch sử” này kia với toà án là có giá trị không nhiều. Các cụ cứ thấy mình có mấy cái bản đồ (vẽ Hải Nam là cực nam Trung Hoa), vài cái sắc phong (cho hùng binh cai quản HS-TS)… rồi hô kiện đi kiện đi, làm như mình thắng đến nơi. Chẳng dễ thế đâu! Các cụ biết một thì trên họ biết mười.  

Với hơn 3000 cây số đường biển, ta đã nhận thấy thế mạnh hướng biển (và  cả nhiệm vụ quốc phòng) nên mới đẻ ra Vinashine với nhiều ưu đãi vượt quá cả quy định. Chủ trương là đúng! Chỉ buồn là quản lý lỏng lẻo, tham nhũng tràn lan nên mới sụp. Nếu như các quan tham đừng vơ vét, Vinashine giờ mạnh như Huyndai, vài ngày xuất xưởng một tàu đánh cá vỏ sắt để bà con ngư dân mình vươn khơi xua đuổi mưu mô thâm độc của Tàu có phải chủ động, yên tâm không. Tóm lại là trong nước có yên ổn, giàu mạnh mới nói chuyện được. Còn cứ nghèo, cứ tham nhũng thì hết Hải Dương 981 lại đến Hải Dương 982…83…84… cho mà xem.   


 

         

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Nghĩ từ tấm biển văn hóa.



Những tấm biển, dù đặt ở đâu cũng đều nhằm mục đích truyền tới người xem một thông điệp hoặc một thông tin nào đó.

Một địa điểm mà phía ngoài có treo biển khu phố văn hóa liệu có đủ sức thuyết phục bạn vững tin về an ninh trật tự?  Tin rằng khi nhìn thấy tấm biển đó xuất hiện ở bất kỳ đâu thì sự thận trọng của bạn vẫn chẳng hề vơi đi tẹo nào.

Nếu không tin cứ thử để cái Iphone vào giỏ xe rồi vừa lơ đãng thưởng ngoạn “khu phố văn hóa”, vừa véo von hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” xem cái Iphone của bạn có biến mất sau vài nốt nhạc không.

Việc đóng biển “Gia đình văn hóa” vào trước cửa nhà dân đã bị dư luận phản ứng. Bộ VH-TT-DL đã thông báo ngừng cách nay 4 năm. Thế nhưng ở một vài nơi vẫn kiên trì bằng cách gắn biển “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa”. Chẳng biết cái “quyết tâm” này là “quyết tâm” của ai?   




Chụp tại xã Ngãi Tứ tỉnh Vĩnh Long

Phong trào của ta đều hướng tới những điều tốt đẹp. Nhưng triển khai theo lối áp đặt, hình thức và hô khẩu hiệu không phải là cách làm của thế kỷ 21 với nền kinh tế thị trường, ngồn ngộn thông tin.

Đóng cho cái mác với mong muốn người ta làm theo là sự thể hiện rõ nhất của tư duy nhiệm kỳ, chụp giật, ăn sổi và chạy đua thành tích. Và cũng chẳng có cơ sở nào để tin rằng những tấm biển như thế có khả năng duy trì thành tích đã đạt được, hoặc đủ sức mạnh cảm hóa và kêu gọi lòng tự trọng của mọi người để hướng tới một khu phố đạt chuẩn văn hóa.

Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như thông tin trên tấm biển không đúng hoặc ít có giá trị xác thực. Chẳng hạn như biển báo chỉ đường sai sẽ khiến người điều khiển phương tiện tốn thời gian, tiền của, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Tấm biển có ý nghĩa xã hội và pháp lý vì nó tác động tới mọi người, chế tài hành vi của mọi công dân. Vì thế, nếu nó “bị phủ quyết” một cách không thương tiếc thì không đơn giản chỉ là sự lãng phí. Thiệt hại lâu dài và nguy hại hơn, là nó làm xói mòn niềm tin của con người - đối tượng mà bất kỳ tấm biển nào cũng phải hướng tới.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Cảm ơn PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái!


Dạo này què chẳng đi đâu được. Ngày hóng tin biển Đông. Tối luyện thanh với mấy cháu ở Học viện ngôi sao trên TV.

Hôm nay vừa bật TV lên thấy ca sỹ Hải Bột đang hát Đi Học của Bùi Đình Thảo-Minh Chính trong chương trình Giai điệu tự hào. Hát xong MC mời khán giả nhận xét.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu đầu tiên. Chị phán hát như thế là “sai lời, sai nhạc, xúc phạm đến đôi tai khán giả” làm mình nổi hết da gà.



Tham gia chương trình này, chị Thái biết thừa format của nó. Nhạc sỹ Quốc Trung đã phối bài này theo nhịp 3/4, cách thể hiện cũng làm mới đôi chút. Chính vì thế chị nghe không lọt tai. Bởi như chị í nói, bài này phải là học sinh gái hát; trước đây chị nghe hát khác cơ, hay hơn…

Bó tay! Chị Thái leo tới học hàm học vị cỡ đó mà tư duy nghệ thuật và cách tiếp cận vấn đề như thế thì chít..ít…ít. Đấy là chưa nói tới cái kiểu trả lời băm bổ, thô bạo mà người thầy không được phép mắc phải.

Chuyện chị Thái trả lời trên truyền hình rồi chuyện công thư công hàm trên mạng khiến mình thấy thế này: Trong những bối cảnh nhất định, khi chưa đủ các điều kiện cần thiết hoặc thấy chưa phù hợp để bày tỏ quan điểm thì tốt nhất là im lặng.

Đời mênh mông lắm! Còn biết bao người tài người giỏi xung quanh cơ mà. Đời cũng đủ thứ trái ngang, hùa vào thì khốn nạn mà nói toạc ra thì…coi chừng. Mình trực tính, đôi lúc cũng “mồm chó vó ngựa”, chuyện chị Thái vừa kể cũng coi như bài học cho riêng bản thân. Các bác có chửi mình là hèn mạt núp bóng khôn ngoan thì mình xin nhận. Cảm ơn chị Thái cái đã.