Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Đọc sách: Dễ thôi, nếu...


Lớp trẻ hôm nay ít đọc? Điều đó có thể đúng nhưng trước hết hãy đặt câu hỏi lớp trẻ nói riêng và người dân nói chung đã được tiếp cận với sách một cách dễ dàng và thuận tiện nhất hay chưa?

Công nghệ và mạng đã làm thay đổi thế giới. Kể cả khi đặt sách trước mặt người dân rồi thì cũng cần nghĩ thêm nhiều cách tốt hơn nữa để cạnh tranh với những phương tiện hấp dẫn và quyến rũ khác.

Trên facebook của mình, chị Kim Chi dẫn lại thông tin từ trang www.abc.net.au đăng tải ngày 19/4/2016 với nội dung Google thắng kiện: “Google wins book-scanning copyright case against Authors Guild”

Cụ thể là Google đưa lên mạng hàng triệu đầu sách cho mọi người tìm và đọc miễn phí, hoặc dẫn link đến nơi mua bản in. Vì thế Hiệp hội các tác giả cho rằng quyền tác giả của họ bị vi phạm. Google thì trình Tòa rằng số hóa chỉ là cách phục vụ công chúng của thời @ và nhờ đó giúp cho sách của các tác giả được biết tới chứ không làm phương hại đến lợi ích của các tác giả.

Trình bày của Google được Tòa cho là hợp tình hợp lý, do đó Tòa Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng ở đây không có vi phạm mà Google được quyền sử dụng công bằng mà luật bảo vệ bản quyền cho phép.

Các thư viện lớn đều lên tiếng ủng hộ quyết định của Tòa. Họ cho rằng Google đã tạo sự thuận tiện để khuyến khích người ta tìm sách cũng giống như tới thư viện, đem lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng.


Phòng đọc Michell thư viện bang NSW tại Sydney, Australia. Vào đây thoải mái đọc, không cần thẻ (ảnh lấy từ fb Kim Chi)

Họ đã thúc đẩy văn hoá đọc bằng những cách làm chính sách cụ thể và thiết thực như vậy đấy! Chẳng biết cái sự đọc ở Úc, Mỹ như thế nào nhưng thấy những người có dịp sang đó, hoặc ở bên đó, nói rằng sách viết về Việt Nam rất nhiều.

Anh Lê Quang, người sống nhiều năm ở Đức, có đưa một bức ảnh lên trang cá nhân mà ở đó người ta trưng dụng bốt điện thoại cũ làm nơi đọc sách. Sẽ có người nói ngay rằng ở Đức làm vậy được chứ ở Việt Nam… làm sao quản lý được! Điều đó không sai! Nhưng thông điệp ở đây không phải “sợ mất” mà là thái độ và tầm nhìn.


Bốt điện thoại thành tủ sách (Lê Quang)

Ở Việt Nam đã xuất hiện mô hình thư viện gia đình mà chủ nhân là những người mong muốn mọi người đều có quyền được đọc. Thế nhưng sau vài năm tôi quay lại thì thấy không còn nhiều người đọc như lúc ban đầu. Lý do rất đơn giản: Nguồn sách có hạn, lại không được bổ sung.

“Hoành tráng” hơn mô hình thư viện gia đình là “Bưu điện văn hoá xã”, nơi vừa thực hiện chức năng bưu chính vừa là thư viện. Tuy nhiên cho tới nay có bao nhiêu % bưu điện văn hoá xã còn hoạt động hoặc thoi thóp vẫn chưa được thống kê.

Lại hướng mắt ra thế giới, nơi mà thông tin trên mạng đầy đủ và dễ dàng hơn ta rất nhiều thì thư viện của họ vẫn luôn là nơi tấp nập cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.


Trẻ con cũng lấy được sách ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek

Tại Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek (American Memorial Library) ở Đức, khánh thành năm 1954, tôi thấy giá sách rất thấp, trẻ con cũng có thể với tới và rất an toàn. Cái bàn của chị thủ thư có thể nâng lên hạ xuống tuỳ chiều cao của người đọc, người mượn. Nếu là em nhỏ thì chị thủ thư bấm để hạ xuống sao cho vừa vặn với chiều cao. Người lớn không phải cúi mà trẻ con cũng chẳng phải kiễng chân hay nghển cổ. Bàn còn thiết kế thêm “cái bậc” nhô ra để độc giả để túi và sách, không phải bê vác khệ nệ. Bởi thế mỗi lần dẫn con lên Phòng đọc thiếu nhi ở Thư viện Hà Nội, nhìn cháu cứ phải với với để đưa cái thẻ, tôi rất …buồn!


Bàn thủ thư ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek

Bao giờ mà một người dân bất kỳ, vào một thư viện bất kỳ, không cần giấy tờ gì cả, đều được đọc tại chỗ; bao giờ mà bất kỳ ai, đến mọi thư viện trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần chìa cái chứng minh thư, thẻ học sinh, bằng lái xe… thì 10 phút sau đã có thẻ thư viện, khi đó tôi tin là cái sự đọc sẽ khá lên nhiều!

Hãy thay đổi từ cách làm thẻ, từ cái giá sách, từ cái bàn của cô thủ thư…, và dĩ nhiên cả bộ mặt của cô nữa thì niềm vui đọc sách tự khắc sẽ đến!




Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Tôi đi học làm sang


“Quen sợ dạ lạ sợ quần áo” cho nên phải mặc sang cho chúng nó sợ. Các cụ bảo “Miệng kẻ sang có gang có thép”, vì thế muốn sang thì miệng phải có tí “gang thép” mới được. Kể từ đó mình kì khu học mặc sang và nói giọng chảnh.


Mặc thì cứ có tiền ra bảo tụi thời trang tư vấn kiểu gì cũng lên chân kính. Ăn nói mới khó! Khó lắm! Lé vồ (level) của mình thì chưa có gì ghê gớm đâu nhưng cũng có tí thâm niên để chia sẻ.

Mới đây cơ quan mình có sếp mới, phòng làm việc ở tầng ba. Vì thế khi vào thang máy mình sắm bộ mặt nghiêm trọng, ai hỏi lên tầng mấy thì bảo cho tôi lên tầng 3. Nếu chẳng ai hỏi thì buông một câu bâng quơ: “Phòng anh Kỷ ở tầng 3 các em nhỉ”. Không cần nghe trả lời, mình với tay tự tin bấm vào số 3, sau đó chỉnh lại cà vạt, chuyển tay sách cặp từ phải sang trái (ý là để tí tiện bắt tay VIP).

Cho dù mỗi sáng họp giao ban ở tầng 4 nhưng mình cứ ra tầng 3. Bước ra tầng 3, dù phải leo bộ lên thêm 1 tầng nữa mới đến phòng họp, mệt bỏ mẹ, nhưng cứ tưởng tượng ra nhiều cặp mắt từ trong thang máy nhìn theo mình kinh nể, vẫn khoái! Có bữa con bé lau chùi thang máy thấy lạ bèn hỏi. Mình cười, nói chú đi bộ tí cho khoẻ …chưn…ưn…ưn!  

Cơ quan mình tầng B1 để xe máy xe đạp, B2 để ô tô. Lúc xuống thang máy các em thấy mình mặc sang, mặt lại cứ vếch ngược lên giời nên rụt rè hỏi anh/chú xuống tầng mấy. Khi đó mình khẽ khàng bảo cho chú xuống B2. Nói oai vậy thôi chứ kỳ thực đi con dim (dream) ghẻ đời đầu bô thủng lỗ chỗ, kêu bòng bọc inh ỏi, khói mù; đỗ chờ đèn xanh phải tắt máy không sợ người đi đường xúm vào oánh.

Đấy là tháng trước, còn tháng này đã lên đời con Airblade đỏ choét, có chức năng “chìa khoá tìm xe”. Hễ xuống nhà xe mà thấy có bóng người là mình ngó ngược ngó xuôi. Kể cả khi đứng ngay cạnh xe mình cũng phải vờ ngó lơ rồi rút chìa ra bấm một nhát cho còi kêu tít tít, đèn chớp chớp sáng loè. Ai nhìn mình ngưỡng mộ thì thôi, còn người nào đọc được vị, bắt được bài, hay khó hiểu..., thì mình vỗ trán rồi lắc đầu cười nhạt vẻ không bằng lòng với trí nhớ của bản thân.

Cụm từ phổ thông nhất mà mình hay lắp ghép vào đầu mỗi câu là “Nếu ai đã từng nghiên cứu”. Khi bàn về bầu cử thì mình sẽ bắt đầu bằng câu: Nếu ai đã từng nghiên cứu về bầu cử ở Mỹ thì sẽ thấy… Khi nói về vi rút Zika thì: Nếu ai đã từng nghiên cứu về  Zika thì sẽ thấy… Có hôm mấy đứa bảo hình như sếp bị ỉa chảy, thấy mệt lắm! Mình quen miệng hắng giọng, nghiêm mặt: Nếu ai đã từng nghiên cứu về ỉa chảy thì sẽ thấy… Chắc mình nói hay quá nên cả lũ cười ầm?! 

Phải nhớ cho bằng được một vài cái “tên lãnh tụ” để chêm vào khi trò chuyện. Ví dụ như “Freud nói thế này, Goethe nói thế kia”, hoặc khiêm tốn hơn thì: Anh Kỷ nói rằng…, anh Hùng nói là… Với người chưa quen, để chứng tỏ mối quan hệ rộng thì mình thường lôi ra vài cái tên VIP, tên lãnh tụ. Đại loại hồi đó tôi chơi thân với anh Tuấn…, học cùng anh Vũ Hải…, biết sơ về anh Đam… Nếu kẻ trò chuyện với mình không thèm nể sợ thì cũng không sao, coi như một cách gợi chuyện.

Để thể hiện tầm nhìn thì khi tham gia tranh luận về một vấn đề gì đó, giả dụ giáo dục, mình đợi tất cả im lặng sau đó mới thủng thẳng: “Hồi tôi sang Thuỵ Điển thấy giáo dục bên đó hay lắm!”, “Hồi tôi sang Phần Lan thấy giáo dục của họ hơi khác!”. Cả lũ nghe vậy đều mắt trợn mồm há, nuốt từng lời.

Để tăng độ tin cậy và sức nặng cho bản thân thì trên bàn làm việc mình luôn gia cố thêm mấy bộ sách hàn lâm kinh viện hoặc hot hot tí. Như hồi Mạc Ngôn đang ồn ào thì mình để Cây tỏi nổi giận; còn hiện nay mình đặt War's Unwomanly Face, Voices of Utopia, tuyển tập của nữ văn sỹ Belarus, Svetlana Alexevich vừa đoạt Noble văn chương 2015.

Hôm có thằng mất dạy vào phòng nhìn chằm chằm quyển sách, hỏi anh đọc nguyên bản tiếng Anh à? Mình nói không, anh học tiếng Pháp. Mấy hôm sau nó xuống hỏi anh biết tiếng Pháp phải không? Mình bảo hồi xưa học mỗi tiếng Trung. Tuần sau nó đem viên an cung ngưu hoàng hoàn của Tàu xuống hỏi cách uống. Mình nắn nắn viên thuốc lắc đầu bảo anh thạo mỗi tiếng… Lào. Nghe xong nó đếch nói gì, mủm mỉm cười rồi ngoảy đít quay ra.

Thằng mất dạy!










Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Kỷ niệm ở Lũng Cò

Dọn dẹp lòi ra đống ảnh trong đó có chuyến đi lên Lũng Cò, Bảo Lạc, Cao Bằng năm 2005. Hình như hồi đó chú Trương Cộng Hoà, chức to nhất, dẫn đoàn đi.

Đi theo "ngả" biên phòng nên điểm đến đầu tiên là Biên Phòng tỉnh Cao Bằng. Tối đó mình gọi Hoàng Văn Trọng (học cùng đại học), đang làm báo ở tỉnh đến hàn huyên. Trong cuộc rượu say mèm mình loáng thoáng nghe Trọng nói trên đỉnh Lũng Cò (Bảo Lạc), sát với với Mèo Vạc (Hà Giang), bên kia là đất Trung Quốc có khoảng 100 người Mông "vô chủ".

Chẳng biết anh em làm báo ở Cao Bằng đã lên chưa nhưng thấy Trọng nhăn mặt lắc đầu, dốc ngược chén rượu vào cổ, quệt mép, nói không lên được đâu, dốc lắm! Câu nói của thằng bạn kích thích tính hiếu kỳ phiêu lưu của mình. Thế là sáng sớm hôm sau nhảy lên xe oát chạy về hướng Bảo Lạc.

Đồn biên phòng tiểu khu Bảo Lạc ở ngay huyện lỵ,  nhưng từ đó tới các đồn lẻ thì đi còn tướt bơ, có nơi chạy xe máy mất nửa ngày mới tới. Mình dò hỏi biết Lũng Cò thuộc xã Cốc Pàng, ở đó có Đồn Cốc Pàng nên xin lên bằng được. Phóng viên Tự Minh- Ban VHXH, Hồng Nhung - Ban VHNT và một bạn ở Ban Biên tập chung quay ngược trở ra tỉnh lị Cao Bằng, vì muốn lên Cốc Pàng làm việc phải mất ít nhất 4 ngày.

Vào Đồn Cốc Pàng mình xin phép đồn trưởng cho lên Lũng Cò ngay. Vị đồn trưởng rất nhiệt tình nhưng cũng thoáng chút băn khoăn, khó xử. Anh nói đường lên đó dốc mà khó đi lắm! Mình cương quyết đi. Tối hôm đó cán bộ Đồn họp rất khuya.

Sáng sớm hôm sau, đích thân đồn phó cùng hai chiến sỹ quân tư trang đầy đủ cho một cuộc hành quân chiến đấu bắt đầu xuất phát. (Ảnh chụp lại nên hơi xấu)

Đồ đạc lính biên phòng mang giúp mà vẫn bở hơi tai

Độ cao trên 2000 m

Cốc Pàng là xã biên giới mà các cột mốc với TQ lại cài răng lược nên cực kỳ phức tạp. Một xã mà có tới gần 40 cột mốc (từ cột mốc số 531 - 563) thì đủ biết địa hình mốc giới ở đây nhạy cảm và khó chịu cỡ nào.
...
Đúng hôm lên Lũng Cò thì gặp một đám tang của một cậu bé người Mông, chết do bị ỉa chảy. Đây là đám ma ám ảnh mình kinh khủng.

Xác thằng bé treo trên vách (chỗ đầu cậu thổi khèn) đã hơn 3 ngày, may mà ở đây nhiệt độ rất thấp. Thi thoảng mình thấy người thân vạch cái bao tải ra trò chuyện gì đó với cái xác...


Mỗi người đến dự đám ma đem theo rượu rồi đổ chung vào xoong, cốc/chén bằng đoạn tre phạt vát. Rượu ở đây làm từ chuối hay mía gì đó, chắc vì trời lạnh nên phải lên men bằng cách đào hố sâu dưới đất để ủ. Rượu nhạt nhưng rất say. Mình thấy 5-7 người (say) nắm vắt lên nhau ngổn ngang giữa căn chòi này

Mốc ở Cốc Pàng

Ăn trưa ở Lũng Cò. Mèn mén và mì tôm, không nhớ thịt gì. 

Tại Đồn tiểu khu. Cô ngồi cạnh ở vov5, cô tóc dài quay lưng lại là Nhung, Tự Minh chụp


Căn chòi có đám

Theo lệnh của đồn trưởng, bằng mọi giá phải đem "đ/c cán bộ trung ương, thông tấn xã phát thanh tiếng nói VN" trở về đồn trước khi trời tối (vì khu vực Lũng Cò này có rất nhiều lính "lạ" hành quân ngang qua). Còn rất nhiều chuyện hay nhưng bút sa gà chết, chỉ có thể kể trực tiếp để lời nói gió bay, mà kể khi có đôi chén thì càng tuyệt! Hôm nào mời mình đi, mình kể tiếp cho nghe!

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Trò ma cô

http://vov.vn/blog/tro-ma-co-lau-ca-vat-khong-the-dong-nhat-voi-thong-minh-494804.vov

Cá tháng 4 1/4

Chẳng ai ngờ Bill Gates và vợ (Melinda) lại bỏ ra 42 triệu Mỹ kim để sáng chế... toilet giúp dân nghèo và giúp hành tinh xanh hơn. Đấy là hành động của những người có tầm vóc mà nhân loại phải ghi tạc.
Rất bất ngờ, với số tiền đó, các nhà khoa học ở một bộ lạc của Phi Châu đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, người Giao Chỉ là cộng đồng đầu tiên trên thế giới sáng chế và sử dụng toilet không dùng nước mà sau này người hiện đại gọi là hố xí hai ngăn.
Nhẽ ra thì hố xí hai ngăn vẫn tiếp tục sứ mệnh lịch sử của nó nhưng kinh tế thị trường đã đưa xí bệt xí xổm từ xứ sở văn minh đến với đất nước của con cháu vua Hùng.
Nhưng than ôi! Một số người Giao Chỉ thoái hoá biến chất chưa nhận thức được thời đại nên vẫn cứ đái vung đái vẩy và tương cả chân lên bệ bệt.
Trong hoàn cảnh éo le đó, mình đã trót nhận lời với vợ chồng Bill là sẽ tiên phong tìm giải pháp để cải thiện tình hình.
Sờ-lú-sần (solution): Lấy tờ quảng cáo, gấp lại, xé như hình, rồi đặt lên bệt. Mình là người Giao chỉ văn minh nên quyết không vì thấy bẩn mà thô bạo đưa cả giày cả dép lên! Không xả hết nửa cuộn giấy để lau lau chùi chùi vì như thế là không học tập và làm theo tinh thần tiết kiệm của các bậc tiên liệt. Sau khi "giải quyết" xong nhớ thu lại và nhét vào sọt rác, không nhét vào... mồm đứa đái bậy vì mình là người lịch sự.
Tháng 3 vừa qua, tại Hội chợ Toilet diễn ra ở Seatle-Mỹ, Bill Gates mắt chữ O mồm chữ A nghe mình thuyết trình và gật gù khen sáng chế có tính ứng dụng, tính thực tiễn, tính khả thi rất cao, đặc biệt ở Việt Nam (nơi mà ý thức và kỷ luật chỉ còn tìm thấy ở bảo tàng hoá thạch), nên đã lệnh cho Quỹ Bill and Melienda Gates Foundation do vợ Bill điều hành, cấp thêm 1,5 triệu Mỹ kim nữa.
Bản tin Ngày Cá tháng tư đã hết. Mình sẽ gặp lại các bạn trên tần số FM 96,5 MHz vào ngày mai.

Nghèo và dốt là hai điều không thể giấu.


Hồi sinh viên mình 46 cân. Những năm cuối 80 đói lắm! Nhiều người thiếu ăn gầy đét chứ không chỉ mình. Chính vì thế nên lạc ở đâu vào một vị phương phi béo tốt thì nghiễm nhiên người đó là kẻ sang. Khi ấy, vào quán, chẳng cần nói lời nào, chỉ cần vác cái bụng phệ là cả chục con mắt lấm lét nhìn kính nể, kiêng dè.
Mình, với cái eo của thằng 46 kí lô, chỉ vừa đúng một chét tay, nên mỗi khi đến những chỗ cần phải làm oai, làm màu, mình đều lấy hơi phình bụng ra hết cỡ (cho có tí bụng), ra dáng có của ăn của để.
Một lần đi đâu (không nhớ) mình cũng hít một hơi dài để thành bụng phệ nhưng hỡi ơi hôm đó có gái xinh cứ hỏi mình này nọ khiến mình trả lời tụt mẹ nó hơi, bụng xì phát lép kẹp luôn. Cái quần bộ đội thùng thình rơi tự do, may mà thắt lưng vướng vào "cậu nhỏ" nên dừng lại ở đó, không thì...
Nghĩ lại thấy mắc cười! Giờ mấy cha nội đêm ngày tập gym mà chắc gì có được cái eo như mình hồi đó.
Mình học Eng-lích 3 năm cấp III và 4 năm ĐH, sau đó lại gia cố thêm lé-vồ (level) C nữa nhưng cũng chỉ khiêm tốn nhũn nhặn dừng lại ở mức hỏi đường.
Một hôm đi cùng thằng Tây ngang qua Mê-zông Xăng-than (Maison Centrale), tức là Hoa Lo Prison, mình nghĩ mãi không biết hỏi "mày đã vào đây tham quan chưa?" như thế nào. Cuối cùng mình quyết định dùng thì hiện tại hoàn thành cho nó mấu: "Have you been here before?"
Thằng Tây liếc chữ Maison Centrale ở cổng rồi vờ giật bắn, xua tay, nói không, không, tao không muốn ở đây, tao chưa bao giờ ở đây cả. Nói xong nó cười khà khà. Mình chả hiểu đếch gì cũng khà khà cười.
Cái đận chuyên gia Đài ABC - Úc sang VOV giảng, mình ti toe chỉ vào một cô giáo giới thiệu: Đây là bà Jane, đến từ xứ sở chuột túi (come from the country of kangaroos). Chẳng biết nói hay cỡ nào mà vừa dứt lời mặt cô từ trắng chuyển sang đỏ, còn mặt mình từ đỏ chuyển sang... trắng bệch.