Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Thi tốt nghiệp: Vẫn thế thôi!



Năm nào cũng vậy, trước kỳ thi tốt nghiệp báo chí lại “nóng” lên. Nơi này loan tin một quyết định, một quy chế mới; chỗ kia đăng phát biểu của giới chức có tránh nhiệm.

Năm nay cũng có một điểm mới đáng kể là cho phép thí sinh đem thiết bị vào phòng thi.

Tôi đem câu chuyện này kể với hiệu trưởng một trường THPT tôi chơi rất thân, ông hiệu trưởng nheo nheo mắt cười, nói vẫn thế thôi rồi chuyển sang đề tài khác.

Câu “vẫn thế thôi” lửng lơ đầy ẩn ý nhưng đại khái là chẳng có gì thay đổi, đừng kỳ vọng.


Tiêu cực thi cử nếu không ngồi trong phòng thi, tài thánh cũng chẳng phát hiện. Biết điều đó, và thấm thía những vụ thanh tra thi bị “việt vị”, nên Bộ kiên quyết cho học sinh làm “giám thị” trước nhiều ý kiến không đồng tình từ phía dư luận, thậm chí giáo viên.

Quy chế đã ban hành, kỳ thi bắt đầu nay mai nên khỏi bàn thêm, nhưng việc địa phương nào đó yêu cầu thí sinh đăng ký thiết bị trước khi vào phòng thi được xem như điển hình của giải pháp ngăn chặn từ xa.

Tôi đồ rằng còn nhiều biện pháp thuộc dạng phi văn bản khác mà mục đích răn đe để thủ tiêu ý chí chống tiêu cực nhiều hơn là ngăn chặn gian lận phát sinh từ chính những thiết bị này. 

Khi nói về nhận định có phần chủ quan trên, vị hiệu trưởng, bạn tôi, vẫn nheo mắt hóm hỉnh, nói thì cũng là câu chuyện an toàn cả thôi. Thế rồi tiếng cười khà khà vô tư lự của ông tiếp tục lái câu chuyện sang chủ đề khác.

Việc địa phương có ý định kiểm soát các thiết bị trước kỳ thi để thực hiện cái gọi là “an toàn” ấy chứng tỏ chủ trương của Bộ chưa nhận được sự đồng thuận 100%. Khi không có sự thống nhất cao thì cũng chẳng có gì đảm bảo việc thực hiện sẽ rốt ráo và nghiêm túc.

Những quy định về thi cử ban hành thời gian qua được xem như nhưng những giải pháp tình thế bất đắc dĩ, ít nhiều cũng có tác dụng, nhất là để cho xã hội thấy ngành giáo dục cũng đang “đau đầu” và lưu tâm tới gian lận trong các kỳ thi.

Thực ra cái động lực khiến thí sinh (và kể cả một số hội đồng thi) gian lận nó luôn mạnh mẽ hơn bất kỳ một giải pháp ngăn chặn nào được đưa ra từ xưa tới nay.

Chưa kể tới những vấn đề còn tranh cãi mang tính học thuật như lựa chọn môn thi, phân luồng, sự nghiêm túc trong các kỳ kiểm tra học kỳ, ý nghĩa và tính thiết thực của kỳ thi…, nói chung là khoa học đánh giá, thì cái động lực mạnh mẽ nhất khiến cho thí sinh, và nhiều người trong chúng ta nữa, tặc lưỡi với gian lận thi cử, là sự chấp nhận của xã hội với những sản phẩm nhân lực kém chất lượng.


Chừng nào xã hội còn những mảnh đất màu mỡ béo bở cho nhưng kẻ có bằng mà không có học thì khi đó đừng nói tới việc chống gian lận một cách bền vững.

Lúc đó báo chí có hỏi giới chức về kỳ thi chắc vẫn nhận được câu “an toàn và nghiêm túc” quen thuộc. Những người thiệt lòng có tâm với sự học như ông bạn hiệu trưởng của tôi thì nói “vẫn thế thôi”; những ông giáo già ở địa phương, dẫu đau lòng trước điều tai nghe mắt thấy, nhưng vốn dĩ mang bản tính cầu an của nghề giáo, lại thấm thía sự bất lực của bản thân và đồng nghiệp trong công cuộc chống tiêu cực sẽ lảy một câu Kiều như thế này: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng./.        













   

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Sự khác biệt .




Đọc trên Lao động thấy bài “Rong ruổi cùng xe ôm là cháu nội Vua Thành Thái” bỗng dưng tôi muốn có một vài so sánh cung cách phục vụ giữa hai miền Nam - Bắc.  


Đọc bài viết trên người ta thấy sự giản dị, mộc mạc, chân thực rất đáng mến (và đáng trọng nữa) của anh Bảo Tài.  Anh kể về xuất thân hoàng tộc của mình nhưng không vì thế mà tỏ ra huênh hoang, trái lại rất khiêm nhường, khiêm nhường một cách thành thực chứ không vờ vĩnh để lấy điểm.

Tôi đồ rằng đó cũng là phong cách ứng xử chung của những người phía Nam làm nghề chạy xe ôm.


Còn ở miền Bắc thì sao? Không dám nói tất cả nhưng trường hợp dưới đây xuất hiện ở số đông.

Nếu trên đường đi, bạn bắt chuyện với xe ôm ở miền Bắc thì dễ nhận được hai phong cách ứng xử trái ngược: than vãn cuộc sống khổ cực, trớ trêu hoặc tô vẽ và đánh bóng hoàn cảnh của mình.

Ở trường hợp thứ nhất, bạn sẽ mủi lòng thương cho số phận hẩm hiu mà cho anh ta thêm tiền, hoặc không hề phàn nàn gì về số tiền anh ta yêu cầu, dẫu hơi cao, nhưng thôi, coi như làm phúc.

Ở trường hợp thứ hai, người lái xe ôm sẽ đón tiếp bạn với một cái liếc xéo, bằng một sự chấp nhận miễn cưỡng cùng cách nói chỏng lỏn, trịch thượng, ra cái điều ta đây không cần chở đâu, ông đề nghị thì tôi phải đi thôi. Trên đường, họ không ngớt phàn nàn, ta thán và tỏ ra bực dọc về đoạn đường ngoắt ngoéo, rồi lại than đêm hôm khuya khoắt, trời nắng trời mưa; nếu bắt chuyện, bạn sẽ được nghe một bài huyênh hoang khoác lác về cái gia đình rất “có điều kiện” của anh ta, rằng việc chạy xe ôm chỉ là phụ, ra đường cho hiểu biết thêm xã hội chứ việc chính là đi câu rồi nhậu với chiến hữu, chạy xe ôm cho vui chứ mấy đồng bạc lẻ nhằm nhò gì.

Mấy bữa nữa, có khi mấy ông này còn khoe đi đánh gôn với các VIP không biết chừng.     

Một biến dị khác của trường hợp “xịt nước hoa vào hoàn cảnh” là bốc thơm những khách hàng ruột của mình,  rằng họ hào phóng lắm, đi có cây số móc 50 ngàn dúi vào tay kèm theo cái nháy mắt, nói thôi đem về mua sữa cho con; hoặc, khỏi trả lại tiền thừa, anh bồi dưỡng thêm để chú chữa bệnh cho cụ ở quê. Rồi sau đó người lái xe ôm không ngớt lời ca tụng họ có lòng nhân ái, sống ở đời phải biết tích đức, phải biết tán lộc như thế lộc mới vào…, còn phàm là cái bọn keo kiệt thì,…ôi giời…, xởi lởi trời cho, ky bo trời lấy lại ấy mà!

Đến đây thì bạn có muốn làm người có lòng nhân ái, đức độ không? Muốn thế thì ai lại đi kì kèo vài ba chục ngàn?

Nói thực tôi rất dị ứng với hai trường hợp khôn lỏi điển hình trên vì cả hai đều nhằm đến một mục đích là “thò tay” vào hầu bao của bạn để vòi thêm tiền.

Tôi đi xe ôm ở phía Nam cũng thấy có chuyện xin thêm tiền, lấy đắt, nhưng chưa bao giờ thấy họ “văn vở” như câu chuyện trên. Có thể tôi gặp may, và cũng có thể trình độ “làm văn” của xe ôm phía Nam còn thấp?


Cách đây mấy hôm ngồi uống sinh tố bên bờ sông Sài Gòn, ngắm nhìn cây cầu mới bắc qua bên Nhà Bè, ngồi mãi, lúc tính tiền hết có mười mấy ngàn, còn đâu 1000 tiền thừa, tôi không lấy vì nghĩ kiếm đồng lẻ ấy khó. Đã dắt xe xuống đường rồi mà chị chủ vẫn cho con chạy theo, nói chú ơi tiền thối, tiền thối chú ơi.

Hôm sau ra Bắc, ăn bát bún cá, cũng trả thừa 1000. Trả xong tôi lụi hụi trở ra lấy xe, vừa đi vừa cố nghe xem có ai gọi “chú ơi tiền thối”, nhưng không hề.







 



Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Đảo còn sạch lắm!




Nhà viết kịch Lê Quý Hiền vừa có chuyến ra Trường Sa. Ông kể Trường Sa “khác” đất liền nhiều lắm!

Ở đó không có nhà cao nhà thấp, không có xe sang xe hèn, tiền nhiều tiền ít như nhau vì đâu có nơi bán để mà thể hiện.

Người lính, dù sĩ quan hay bình nhất binh nhì đều chia nhau một bóng râm dưới lùm cây trên đảo.   

Tư thế đứng nghiêm không phải chụm chân mà choãi ra theo hình chân vạc, để chắc chắn hơn trên boong tàu, để vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió- phên dậu tổ quốc.

Cây bàng ở đây không có tán như trong đất liền, chỉ thấy ngọn vút lên như ý chí người lính đảo; quả thì vuông, dẫu có rụng xuống đất hay dập dềnh nơi khơi xa vẫn rắn đanh như sỏi, như sức mạnh và lòng quả cảm của người lính. Và đặc biệt không có sâu.

Đảo thật sạch!

Thời gian qua, đảo gần hơn với đất liền qua những chuyến viếng thăm. Đất liền tặng đảo nhiều món quà thiết thực, nhưng anh Hiền cũng nhắn gửi ai đó đừng lợi dụng việc tặng quà để quảng cáo, PR. Đừng bắt tội người lính khệ nệ bưng bưng vác vác để chớp hình quay phim.

Đừng làm thế! Đảo còn sạch lắm!

Hôm nay, đọc Mai Thanh Hải thấy anh phàn nàn chuyện khách đất liền thấy cái gì hay hay lạ lạ trên đảo cũng xin về làm quà, rồi lục lọi bới bới tìm tìm một cách lộ liễu.

Đi tìm vỏ sò vỏ hến?

Rồi khệ nệ đem về?


Dẫu biết rằng chỉ là vật kỷ niệm không có giá trị vật chất, nhưng đất liền ơi, hãy cân nhắc, đừng làm khổ, làm khó người lính đảo.  

Đảo còn sạch lắm! Hãy cố mà giữ gìn!

( Các bạn có thể nghe câu chuyện này của nhà viết kịch Lê Quý Hiền trên Đài TNVN -VOV2 Chương trình Góc nhìn nghệ sỹ lúc 16h45, 26/5 hoặc nghe trên mạng VOV.VN ; radiovietnam.vn)


Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Có lý cả đấy!

Anh Nick sang VN khiến dư luận chú ý, họ chú ý cả cách đón Nick thế nào. Và dĩ nhiên, Nick cũng không thể không quan tâm điều này.

Liệu anh có tự hào, kiêu hãnh, có cảm thấy được trọng thị, được yêu mến không khi được đón tiếp một cách ồn ào thiếu chuyên nghiệp như thế?

Song điều tôi quan tâm hơn cả là phát ngôn của quan chức ngành công an. Họ nói họ sẽ kiểm tra lại rồi xử nghiêm cái công ty dịch vụ bảo vệ kia.

Vâng, cảm ơn! Thế nhưng tôi cũng biết là rất nhiều công ty vệ sỹ, các dịch vụ bảo vệ đều do các quan chức ngành công an về hưu đứng chủ hoặc là "sân sau" của những người đương chức.

Vậy thì cái trò lố vung gậy dẹp đường, làm ầm ĩ, huyên náo phố phường kia thể hiện điều gì ?

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Phong trào và thi đua




Mấy hôm trước sáng nào cũng được chứng kiến cảnh đoàn viên thanh niên cầm cờ đuôi nheo điều khiển giao thông bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, tận tình dẫn người già qua đường.

Thú thực nhìn  những hành động như vậy thấy cuộc sống nhân ái hơn, bớt đi những dằn vặt buồn thương với đầy rẫy lọc lừa đểu cáng phơi ra hàng ngày hàng giờ trên mặt báo.

Thế nhưng mấy hôm nay lại không thấy bóng dáng áo xanh tình nguyện ấy đâu nữa. Có lẽ sinh viên nghỉ hè? Không phải! Hỏi ra mới biết “Tuần lễ nâng cao an toàn cho người đi bộ, 6-12/5” nên đoàn viên sinh viên làm ví dụ thế thôi.

Thú thực nghe tin này tôi không lấy làm lạ, nhưng buồn. Buồn chẳng phải người già không có ai dẫn qua đường, vì từ lúc trẻ mỗi người Việt Nam đều phải trau dồi kỹ năng băng qua đường; buồn chẳng phải vì vỉa hè lại chật ních xe, vì người Việt ta chen chúc quen rồi.

Buồn nhất là kiểu làm phong trào ấy ngộ nhỡ nó ngấm vào cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ thì nguy. Các em là tương lai của cả dân tộc này cơ mà.

Những năm gần đây, “phong trào” có thêm vài biến thể ngôn từ nữa như “chiến dịch”, “cao điểm”, “đợt ra quân”…, tức là làm rầm rộ vài hôm rồi lại ắng xuống.


Chẳng nói mọi người cũng biết hiệu quả của những phong trào ấy như thế nào.

Tôi nghĩ cách làm dấy lên một hoạt động nào đó (phong trào) không có gì xấu nhưng nhẽ ra các nhà quản lý nên xem hiệu quả thế nào để quyết định có triển khai tiếp hay không.

Trong bối cảnh thời chiến, khi cần huy động tổng lực để thực hiện gấp rút một việc gì đó trong thời gian hạn định thì phong trào chứng tỏ thế mạnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, mọi việc khi làm đều cần yếu tố bền vững thì làm theo lối phong trào đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Thực hiện các phong trào theo lối làm lấy được, làm nhân các ngày kỷ niệm được ghi trên lịch, làm khi sự việc đã ở ngưỡng báo động, dư luận bức xúc… nên đã nảy sinh tình trạng đánh trống bỏ dùi, bắt cóc bỏ đĩa, được chăng hay chớ, coi thường pháp luật; thiếu căn cơ, thiếu bài bản và không có hệ thống.

Nói phong trào thì phải nói tới thi đua. Nhiều lúc, nhiều nơi phong trào chính là con đẻ của thi đua, nhưng cũng chẳng loại trừ thi đua để phục vụ cho phong trào, là nội dung của phong trào.

Thi đua bản chất là tốt, là cần thiết, nhưng cách thi đua của chúng ta hiện nay hình như đã lỗi thời, thậm chí nó còn đẻ ra những quái thai.

Thi đua là tạo động lực để cá nhân, tập thể vươn thoát khỏi chính mình, hướng tới mục tiêu cao hơn. Vì thế, cái động lực ấy phải là động lực nội tại của cá nhân, với đầy đủ các yếu tố tự giác, tự nguyện, tự thân, nhưng xem ra hiếm hoi lắm, vì “phấn đấu” và “cơ cấu”, ở ta, hình như là hai phạm trù luôn mâu thuẫn?   
 






Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Lo cho thi một, lo báo chí mười.




Hôm trước thấy công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo tỉnh, thành phố  phải chỉ đạo báo chí trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải thông tin tiêu cực thi cử  mình đã dựng hết tóc gáy.


Hôm nay, thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói lại rằng không có chuyện “chỉ đạo báo chí”. Không những thế, Bộ còn nghiêm khắc với tiêu cực. Bằng chứng là kiên quyết cho đem máy ghi âm ghi hình vào phòng thi; rồi Bộ trưởng còn ngợi ca công lao báo chí vạch mặt tiêu cực, trong khi chưa một đơn vị nào của  Bộ phát hiện ra.

Thấy Bộ trưởng nói thế anh em báo chí cũng bớt lo, đỡ buồn, nhưng vẫn băn khoăn. Thử hỏi giá trị pháp lý của công văn kia và lời phân bua của Bộ trưởng ở hành lang quốc hội cái nào hơn?

Rõ ràng phải thực hiện theo công văn có dấu đỏ và chữ ký hẳn hỏi chứ lời Bộ trưởng qua báo chí liệu có chuẩn xác. Biết đâu báo chí lại diễn đạt sai lệch? Đấy là chưa kể lỗi đánh máy, giờ nhiều lắm.

Nhưng thực thi cái công văn của Bộ trưởng cũng chẳng đơn giản.      

Trước nay “báo trung ương” phanh phui tiêu cực giáo dục là chính chứ “báo địa phương” (nơi lãnh đạo tỉnh trực tiếp quản lý) phát hiện được mấy. Chẳng phải anh em làm báo ở những tờ này kém. Có thể họ biết rất sớm, biết nhiều, biết rõ là đằng khác, nhưng vì  lý do này lý do kia nên thông tin chưa xuất hiện.

Báo không do lãnh đạo tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý thì can thiệp thế nào đây mà đòi “chỉ đạo”.

Về phía phóng viên, nếu tuân thủ chỉ đạo của Bộ trưởng thì phải trao đổi với “cơ quan chức năng” nào khi phát hiện tiêu cực? Chủ tịch hội đồng thi của trường, công an hay lãnh đạo tỉnh, thành phố?  Mà nghe việc này nó kỳ kỳ thế nào.


Nếu một đơn vị rắp tâm làm sai thì việc trao đổi với cơ quan chức năng khác gì thấy trộm vào nhà, chủ nhà thò đầu ra khỏi màn hỏi có đúng anh là ăn trộm không, để tôi gọi công an?

Thấy Bộ trưởng trình bày với phóng viên ở hành lang quốc hội mà hoang mang! Hoang mang vì cách đây hai tháng, Bộ vừa ra quy định sai, dư luận phản ứng, phải rút lại. Đó là quy chế thi 2013, yêu cầu phải gửi thông tin tiêu cực thi cử đến nơi quy định, không được phát tán cho người khác.

Hai quy định “nóng bỏng”  đều liên quan đến truyền thông và thi cử  đủ thấy Bộ trưởng lo thi một, lo báo chí mười. 



    

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Tư duy “cái sự đã rồi”




Mình vốn nhát nhưng đặc biệt thích chuyện đánh nhau. Năm 1975, cậu mình, bộ đội từ Sài Gòn ra, ngày nào mình cũng ở nhà cậu hóng chuyện đánh nhau với Mỹ.

Cậu kể lính Mỹ đã lên kế hoạch càn làng nào là chỉ sục sạo làng đó, không thằng nào bước chân sang làng bên cạnh. Biết thóp, bộ đội ta cứ ngồi làng bên vê thuốc rê hút vặt, đợi càn xong thì về.

Lính Mỹ ra trận quân trang quận dụng đeo kín người, chẳng bù cho mấy ông Việt Cộng nhiều khi có mỗi cái quần sà lỏn. Đã thế khi chúng vận động mới buồn cười, thằng trước nhảy qua đám lá là y như rằng thằng sau cũng co giò nhảy phát, không cần biết sao phải nhảy. Lính ta nấp trong bụi bụm miệng cười.


Mấy năm sau cậu phục viên rồi đi xuất khẩu lao động ở Đức. Về phép trông cậu như Tây, chẳng còn cái vẻ gầy gò đen đủi hôm nào. Hôm về, hàng xóm sang chơi kín nhà, cậu phẩy tay, nói Tây thì Mỹ hay Đức cũng vậy thôi, máy móc, cứng nhắc lắm, không thông minh, sáng tạo bằng người Việt.

Cậu kể anh em lao động Việt Nam sử dụng bếp điện nên cầu chì bị đứt, đứt liên tục, anh em moi giấy bạc trong bao thuốc lá nhét vào. Xong! Khỏi đứt! Thế mà thằng Tây nhất quyết thay lại bằng dây chì, tối nào đi kiểm tra hắn cũng lấy tay ấn vào từng cái cầu dao, mồm lẩm nhẩm 1-OK, 2- OK, 3-OK…

Đã vậy, trước khi mình làm cái gì nó cũng bắt trình bày phương pháp, rồi vặn vẹo sao không làm thế này, sao lại làm thế kia. Có bận cậu điên tiết đập bàn, nói đánh nhau mà cứ ngồi bàn như chúng mày thì pháo chụp lên đầu, chiến thắng làm sao được? Thằng Tây nghe chẳng hiểu gì, cứ tưởng rằng cậu quyết đoán, tự tin. 

Cả làng nghe cậu kể phục lăn! Kể xong, dường như muốn thể hiện sự thất vọng, cậu rút phắt cái tăm trong miệng ném xuống đất, nói thế mà Tây lại giàu mới lạ.

Cậu sang Đức làm việc thêm mấy năm thì bức tường Berlin sụp đổ. Cũng may sau khi về nước cậu xin được việc ở một doanh nghiệp khai thác mỏ.

Hồi báo chí loan tin nước ngoài mua than với giá rẻ, đem về nước đào hố chôn để dành. Mình cú lắm, của ông cha, không dùng thì còn đấy, có thiu đâu mà sợ. Nhân hôm gặp cậu ở đám giỗ, mình hỏi, cậu trợn mắt, phẩy tay, nói mày chẳng hiểu gì về mỏ. Đã đào lò thì phải khai thác, hiểu chưa. Không khai thác thì hàng chục ngàn công nhân không có việc, nảy sinh biết bao vấn đề xã hội, không nhanh khai thác thì để nước nó ục vào à, mất hàng trăm tỷ như chơi.

Năm nay cậu về hưu, rỗi việc nên quan tâm tới thế sự, thời cuộc! Hồi bé ngày nào mình cũng sang nhà cậu hóng chuyện, giờ hưu, cậu lại suốt ngày ngóng mình đi làm về để luận chuyện đời.

Cậu phẩy tay,  nói vào sinh ra tử, đi đây đi đó, giờ mới nghiệm ra rằng thằng Tây nó không máy móc, không cứng nhắc, ngược lại họ làm gì cũng rất có hệ thống, bài bản, nguyên tắc, từ đặt bàn chân để bước đi, cho tới việc sờ vào cái cầu chì, cầu dao. Còn mình thì làm tới đâu hay tới đó, hoặc vô tình, hoặc cố ý làm cho cái sự đã rồi, (phẩy tay) gọi là tư duy cái sự đã rồi.


Cậu phàn nàn cán bộ tắc trách, quan liêu thế làm gì dân làng cổ Đường Lâm không trả lại di tích. Dân bức xúc mới ngồi lại với dân, mới khẩn trương quy hoạch, mới thương lượng. Cậu phẩy tay, nói toàn để cho làm cái sự đã rồi mới cuống lên! Hậu quả đã có con cháu lo, vì lúc đó cũng hết nhiệm kỳ.

Lại còn Phủ Thành Chương và biệt thự của Mỹ Linh nữa. Người ta xây dựng cả chục năm, đón hết ông to bà nhớn, huyện chẳng nói gì, giờ thì khó rồi! Cậu phẩy tay, nói toàn để cho làm cái sự đã rồi mới cuống lên!

Dự án bô-xit vừa họp. Có vị quan chức nói Nhân Cơ không dừng được, đầu tư một đống tiền vào đấy rồi, hợp đồng EPC ký rồi…Mình chẳng hiểu gì về khai khoáng nên hỏi cậu liệu có giống cái vụ đào than bán cho nước ngoài? Cậu lại phẩy tay,  nhưng lần này không nói gì, mặt dúm lại cười khùng khục như khóc.


Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Đất nước ơi lãng phí đến bao giờ?






Hà Nội tháo gỡ hai cầu vượt cho người đi bộ để xây cầu vượt. Cây cầu dành cho người đi bộ mới “sống” được 5 năm đã phải di dời.

Phí quá! Mỗi cây cầu tiêu tốn ngót nghét chục tỷ. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải Hà Nội nói “không gọi là lãng phí vì vẫn sử dụng được”. Thế nhưng ông này kể riêng cái móng đã mất vài tỷ.

Vài tỷ mà không gọi là lãng phí? Quy ra bò không biết bao nhiêu con. Nay chuyển sang chỗ khác cộng thêm vài trăm triệu tiền công nữa chắc cũng chẳng là cái đinh gì?        

Lại nhớ ngành bưu chính viên thông đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền để khai thác điện thoại thẻ, cột dựng khắp cả nước, đúng lúc điện thoại di động ra ầm ầm, điện thoại thẻ chết yểu, nay thành chỗ để người và chó đi…tè.
Thôi thì kỹ thuật, công nghệ phát triển hàng ngày, không lường hết cũng dễ cảm thông. Đằng này mới xây đã phá lại còn ngụy biện “vì nhu cầu khác lớn hơn”. Sao các bác không thấy cái “nhu cầu” ấy từ khi lập quy hoạch nhỉ?

Khi lập kế hoạch này chiến lược kia thì tầm nhìn xa vời vợi. Hóa ra “tầm nhìn” toàn trên giấy?

Có người phàn nàn về “văn hóa kế thừa”,“tư duy nhiệm kỳ”, “năng lực công chức”…, tôi bán tín bán nghi, nhưng qua câu chuyện đập phá trên có lẽ cũng phải nghĩ lại.

Nếu có cuộc thi đào đường và đập phá có lẽ nước ta dành quán quân thế giới. Nghĩ mà xót! Hồi tôi còn bé, rơi có vài hạt cơm xuống chiếu mà bố bắt nhặt bỏ lại vào bát cho kỳ hết, mẹ nói, mỗi hạt cơm là một giọt mồ hôi của bố mẹ đấy! 

Thầy giáo tôi kể, hồi còn là sinh viên đại học, nhà trường thưởng cho lớp nửa hộp sữa bò. Bốn mươi sinh viên không biết chia làm sao, cuối cùng đành pha loãng rồi dùng xi lanh hút “tiêm” vào miệng từng người.

Chẳng biết thầy có tếu không nhưng tôi tin là thực, vì khi kể chuyện này, một đồng nghiệp bĩu môi, xì cái, nói tưởng gì, thời bao cấp cả phòng nơi bố anh làm việc được phân một cuộn len to như quả bóng nhựa. Nâng niu cuộn len trên tay mà người nọ nhìn người kia, cuối cùng “nghị quyết” là tở ra chia đều, mỗi người được một cuộn bằng quả chanh.

Kỷ niệm một thời đói khổ vẫn nguyên đấy thế mà nhiều người chóng quên, lãng phí vô tội vạ. Dự án sắm sanh thì cũng vì những quy định tưởng chặt nhưng hóa cứng nhắc, rồi phết phẩy này nọ mà lãng phí, thất thoát không biết bao nhiêu.

Đất nước đang lúc khó khăn thế mà các vị công bộc ngồi đấy dự tính xây vài chục rạp chiếu phim, xây bảo tàng nghìn tỷ…bằng tiền ngân sách. Thật hết biết!  

Ngóng sang các nước mà thèm cái cung cách của người ta. 2011, Ý bị vỡ nợ, kinh tế khó khăn, mùa giáng sinh năm ấy, bà Bộ trưởng Lao động đã lên ti vi nói rằng quà chỉ dành cho trẻ thay vì trước đây người lớn đều được.

Nước Mỹ giàu có vậy nhưng dân Mỹ sẵn sàng chờ đợi, xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua hàng giảm giá.

Cuối những năm 90, tôi đi dọc sông Đà nhìn những cái chợ mái tôn đỏ rực bên bờ sông không một bóng người, thuyền buôn cũng chẳng ghé qua, mà tiếc. Nhà nước ưu ái xây chợ cho dân di vén nhưng không cần biết đặt chỗ nào cho phù hợp. Đến hôm nay câu chuyện lặp lại với những siêu thị hoành tráng ở các thành phố lớn. Văn minh thương mại rất cần, nhưng văn hóa chợ của một cộng đồng cũng phải xem xét chứ đừng xổ toẹt.
      
Báo Thanh niên vừa có bài “Làng chơi ngông”, kể về 40 nóc nhà người Xê Đăng vừa có tiền đền bù đất nên ùn ùn sắm xe hơi, ngồi nhà hát karaoke và nhậu nhẹt vô tội vạ. Có nên trách người dân không khi mà đây đó Nhà nước vẫn còn phung phí những đồng tiền do chính họ làm ra?