Phận cấp phó
Trong nghiệp viên chức nhiều người trải qua thân phận cấp phó. Vẫn biết phó rồi mới lên trưởng, nhưng nói thật, cái thân phận cấp phó lắm lúc... bẽ bàng!
Nhiệm vụ chính của phó là giúp việc thủ trưởng. Thủ trưởng giao mảng nào làm tốt mảng đó coi như hoàn thành. Trong cơ quan thì chả có vấn đề gì. Anh em hoà thuận, trên dưới hiểu nhau, nhưng lúc ra ngoài ấy! Đâu phải mỗi nghiệp vụ chuyên môn, còn phải giao lưu, họp hành, đàm phán, tiếp khách, tiệc tùng...
Tết vừa rồi một đơn vị (doanh nghiệp) mời gặp mặt cuối năm. Tới nơi thấy phía trong đang ồn ào cười nói, có vẻ sắp cụng ly. Nghe tiếng gõ cửa, mọi người chợt im lặng, rồi lao xao lao xao, văng vẳng vọng ra “chị Đ đến đấy, chị Đ đến đấy!”.
Chị Đ là thủ trưởng của tôi! Cuối năm chị Đ bận nên bảo tôi đi cuộc này. Có nghĩa giấy mời tên chị, nhưng thủ trưởng bảo đi chả lẽ phó không chấp hành.
Rồi tiếng ghế, tiếng cốc chén khay đĩa lách cách (chắc kê dọn lại cho gọn để đón thượng khách); tiếng chân ra mở cửa. Cửa vừa mở, thấy tôi, đôi mắt long lanh, nụ cười chào đón tươi rói trực chờ trên mắt trên môi chủ nhà vụt tắt; một vài khuôn mặt hớn hở hướng ra cửa, miệng cũng đã trù bị một nụ cười, thấy tôi thì quay về hướng cũ, có tiếng thở dài, ai đó ngồi phịch xuống tiếp tục câu chuyện rôm rả ban đầu mà lẽ ra nó không đáng bị gián đoạn bởi một kẻ phá đám là tôi.
Ơn giời! Chủ nhà – một thủ trưởng từng trải chốn quan trường – đủ khôn ngoan quyền biến để sắm tiếp một nụ cười khác lắp gọn ghẽ trên môi, mời tôi vào trong. Thôi thì nụ cười có trịch thượng, có chiếu cố, thậm chí bố thí cũng được, để một thằng cấp phó như tôi bớt... tủi.
Đấy là chưa kể những cuộc họp thực tế chả quan trọng gì nhưng buộc phải có, ví dụ như bình xét thi đua. Đôi lúc thủ trưởng chán ngán ba cái vụ đó, hoặc xung khắc với một vài đối thủ dự họp nên đẩy cấp phó đi. Giành giật “một miếng giữa làng” không xong về thủ trưởng la, thậm chí thấy có lỗi với anh chị em vì họ làm tốt mà chẳng được biểu dương. Còn nếu phùng mang trợn mắt đôi co để có bằng được, thì nói thật, cấp phó không có cửa, không khéo lại quyền rơm vạ đá.
Cái lệ ở ta, họp hành, gặp gỡ, giao lưu, tổng kết... cứ phải trưởng đi mới chứng tỏ cái tầm hệ trọng của hội nghị, đôi khi chỉ là một bữa ăn chứ cũng chả họp hành gì. Người mời mà được cấp trưởng tới dự đều nghĩ như thế khách mới tôn trọng mình, là “góp phần làm nên sự thành công chung của hội nghị”.
Trong một cuộc gặp gỡ, tôi có chút việc phải nán lại khi chỉ còn chủ nhà. Sếp chủ mặt bừng bừng, vừa xỉa răng vừa súc miệng, mặt rực lên vẻ tự hào, nói với nhân viên:
- Hôm nay mình mời thế là tất cả các giám đốc đều tới dự đấy!
Tôi ngồi chết lặng! Chỉ mong đừng nhân viên nào nhận ra, chỉ sang tôi rồi nói... 😢🥴
Thủ trưởng chỉ có một mà họp hành, đối tác, đối ngoại, gặp gỡ nhiều nên không thể phân thân đi hết được. Đúng là một số hội nghị có trưởng vẫn hơn nhưng khổ lắm...! Các thủ trưởng chủ nhà, khi tiến lại đưa tay ra bắt những thằng cấp phó như tôi thì đừng ngạc nhiên hỏi: Chị Đ không đến được à?
Vẫn biết sếp hỏi một cá nhân, thể hiện sự quan tâm lớn lao tới đơn vị, nhưng với tất cả lòng tự trọng của một viên chức mẫn cán; nhạy cảm và dễ tổn thương, nhà em vẫn thấy... buồn!
Tại hội nghị với một đối tác, khi đọc tới nội dung liên quan đến đơn vị tôi thì chị chủ trì dừng lại, trễ mục kỉnh quét mắt một lượt khắp hội trường, hỏi “có đơn vị A ở đây không, chị Đ đến chưa”. Tôi đứng lên thưa “chị Đ...”. Chưa dứt câu vị chủ toạ đã cúi xuống, nói “thôi anh... cũng được”.
“Cũng được”, có hai từ thôi nhưng sao... chua xót, bẽ bàng!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ