Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

NỊT LẠ



Bài này bậy bạ nên báo không thèm đăng. Đẩy lên đây bà con xem. 



Xin phép lấy cái tít bài đang hót hòn họt trên các báo để nói về cái áo con của chị em. Thật tình tôi là người đoan chính nhưng mấy hôm nay ra đường mắt cứ dán vào ngực chị em, tò mò đoán không biết có mang nịt lạ hay không rồi suy diễn đủ thứ bậy bạ. Thật vô bổ hết sức!


Ảnh: Thích cực! Không có nịt lạ đâu!

Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay không thể không nghi ngờ. Như cái USB 3G của tôi đây, một cái mang danh VNPT nhưng lại là Hoa Vi của Tàu. Cái còn lại đề Viettel nhưng anh em bảo trong ruội cũng… rứa thôi. Mình làm cú email, cứ tưởng nó send tới bồ, ai dè nó lại send thêm một bản nữa cho…người “lạ” thì toi. Biết đâu người “lạ” ấy lại chính là vợ mình? Toi, toi thật!

Còn ba cái viên trăng trắng trong nịt ngực biết đâu lại chính là ba bộ cảm biến phát sóng. Một thằng lạ mất nết nào đó vọc tay vô ngực, cảm biến truyền ngay tín hiệu về…ông xã ở nhà? Toi, cũng toi!

Tào lao vậy để thấy chị em, và cả các ông chồng như tôi nữa, đang rất lo. Nói không ngoa, sau khi nghe tin này tôi vục tay xuống quần con đang mặc xem có ba viên trăng trắng kia không. Nhưng, ơn trời… không có đủ 3 viên. He he, hú vía!

Song, dù sao cũng phải nghiêm túc mà nói rằng, nịt ngực lạ gây hoang mang dư luận dữ lắm! Gần đây có nhiều sự khiến người dân lo lắng. Ảnh hưởng sức  khỏe và sản xuất ghê gớm! Ai chịu trách nhiệm đây?

Đành rằng cuộc sống luôn xuất hiện những bất ổn như thế, nhưng cơ quan chức năng cần phải khẩn trương làm rõ. Trên báo chí thấy nói quản lý thị trường một số nơi hè nhau đi kiểm tra rồi tịch thu, thật vô lý hết sức.

Đặt giả thiết vài bữa nữa, các nhà khoa học tài ba của chúng ta bình tĩnh, cân nhắc, thận trọng đưa ra lời khẳng định rằng cái chất lỏng và ba viên trắng kia vô hại thì sao? Chẳng những thế, nó còn tạo cảm giác mát mẻ, mềm mại, khêu gợi, nữ tính… thì lại hò nhau đi mua về xài?

Trong khoa học, lý luận và thực tiễn luôn song hành soi rọi cho nhau. Ấy thế nhưng ở ta các nhà quản lý cứ nhòm vào thực tiễn thấy nó chưa ổn, dư luận ì xèo một tí là hoảng lên rồi vột vàng: Cấm! Cấm! Tịch thu! Tịch thu!

Họ liệu có biết rằng bà con tiểu thương kiếm vài đồng bạc lẻ từ mấy cái nịt ngực rẻ tiền ấy khó khăn như thế nào không? Cách đây gần chục năm, ngươi ta không cần biết đến tầm quan trọng của kinh tế dân sinh nên đã hùng hổ đòi cấm hàng rong. Các nhà quản lý kinh tế chắc quên mất MICROSOFT và DELL đều được khởi nghiệp từ kinh tế dân sinh của hai sinh viên?

Còn nhiều lắm, nào là cấm xe ba gác, cấm học sinh đi xe máy, cấm học thêm dạy thêm, cấm tiệm Internet gần trường… nhưng nào có cấm được đâu? Thôi thì nhân chuyện cái nịt “lạ”, chỉ mong cơ quan chức năng, trước khi ra một quyết định nào đó thì nên xem xét nhu cầu tồn tại chính đáng của nó đi đã./.      


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Bệnh thành tích GD, tại anh tại ả tại cả…chính quyền!





Trong một bài phỏng vấn trên báo Lao Động, GS Trần Ngọc Thêm chỉ ra “4 trọng bệnh” của GD nước nhà, trong đó bệnh thành tích đứng đầu. GS chẩn bệnh không sai và đây cũng là ý kiến của nhiều người. Nhưng suy cho cùng, bệnh thành tích gian dối không hoàn toàn do ngành GD gây ra vì hoạt động GD còn chịu sự tác động và chi phối của chính quyền. 

Hiện nay, lĩnh vực nhân sự và tài chính của GD phổ thông đều do chính quyền địa phương kiểm soát. Vì thế chính quyền, từ quận huyện cho tới tỉnh thành phố, có tiếng nói nặng ký với các trường trên địa bàn.

Chính vì có sự can thiệp mạnh mẽ từ chính quyền nên bệnh thành tích ở các trường hiện nay có cả nguyên nhân chủ quan (từ phía ngành - Bộ GD&ĐT) và nguyên nhân khách quan (từ chính quyền sở tại).

Nếu GD tốt thì giới chức chính quyền cũng vinh dự và hãnh diện. Đó là sự tự hào chân chính. Nhưng khi ai đó bằng mọi giá xem GD như một công cụ để đánh bóng, để tạo uy tín, gây thanh thế cho cá nhân hay địa phương mình, thì lúc đó, sự chính đáng và lành mạnh của hai chữ “thành tích” rất dễ sa vào sự gian dối.

“Con gà tức nhau tiếng gáy” nên cuộc chạy đua thành tích gian dối ấy của  địa phương lan nhanh như cháy rừng, nhất là khi xã hội (hay ngành GD) chưa có một cơ chế kiểm soát nghiêm chỉnh và đáng tin cậy.

Nói một cách khác, bản thân ngành GD (cụ thể là các trường) cũng không đủ sức mạnh và sự độc lập cần thiết để đứng vững trước sự lợi dụng đầy toan tính của giới chức địa phương nên đành lòng chiều theo với hy vọng được yên thân, được ghi nhận để họ tạo điều kiện thuận lợi trong hai lĩnh vực cốt tử là nhân sự và tài chính.

Còn nhớ khoảng năm 2006-2007, Bộ GD-ĐT đã tiên phong tổ chức hội thảo về thi đua với quyết tâm ban đầu là không hoàn toàn căn cứ vào tỷ lệ giỏi khá, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh để đánh giá thi đua. Rốt cuộc, kết luận hội thảo cũng chưa rõ ràng, việc thực hiện ở các trường cũng chẳng đâu vào đâu. Trong khi đó, để hùa theo phong trào thành tích ảo mà giới chức một số địa phương bật đèn xanh, các trường (và có thể của cả ngành GD) đẻ ra đủ thứ chuẩn và thi thố để hơn thua.


Một số giáo viên xoay sở kiếm cái danh hiệu dạy giỏi để được đứng lớp chọn. Từ đó mong nhàn thân và là cơ hội để lôi kéo học sinh học thêm. Trường cũng mải mê với danh hiệu trường chuẩn để thu hút học sinh, tăng uy tín, mức đầu tư và nhiều lợi ích khác. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh khá giỏi, tốt nghiệp bao nhiêu %; số GV đạt chuẩn, trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp… là những con số để gây thanh thế cho nhà trường, kêu gọi dự án của ngành; với cá nhân thì hy vọng được để mắt và cất nhắc.     

Nếu những cái chuẩn và danh hiệu ấy là đích thực, phục vụ cho GD, cho học sinh thì chẳng nói làm gì. Nhưng ở ta, nhiều cái vớ vẩn cứ núp bóng cái đúng, lại được ngụy trang dưới những cái tên mỹ miều như thế.

Cả một vòng xoáy quay cuồng ấy không hề giảm mà lan nhanh, bùng lên ngày một dữ dội để đến hôm nay GS Trần Ngọc Thêm phải đau xót nói rằng “GD hỏng một cách căn bản và toàn diện”. Chỉ xin thưa cùng GS, không phải riêng ngành GD gây ra bệnh thành tích. Chỉ buồn là ngành đã không đủ sức mạnh cần thiết để níu giữ sự thanh khiết và cao đẹp lẽ ra phải có. Nếu ai còn ngờ vực thì cứ nhìn vào “Hai không” mà xem./. 

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Hưng Còi: Cô-ca và nỗi đau tình.

Đài ta có hai Hưng còi, một ở Tây Bắc, một ở hệ 5, cả hai đều lẫy lừng.

Hưng Còi Tây Bắc thuộc hệ đàn cháu so với Hưng Còi hệ 5 - biệt danh Lý cai. Mình vô cùng sửng sốt khi biết mẹ anh Hưng là bà Khánh Quý, từng giữ chức Phó Ban VH-XH. Mình vào Đài thì bà Quý đã về hưu. Bà từng học ở Trung Quốc, uyên thâm và nho nhã kiểu nhà giáo thời xưa. Bố anh Hưng còi là nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng.

Mình không ngừng suy nghĩ tại sao hai ông bà như thế mà lại đẻ ra một Hưng còi không giống ai. Bà Quý kể hồi sinh anh Hưng, lẽ thường phải oe oe mấy tiếng, nhưng không, vừa tọt ra, anh bập bẹ chửi luôn “đ… mẹ mài...ài...i!” khiến cả kíp đỡ trợn mắt, rồi cười ồ, rồi xúm lại, người giật chym, kẻ bẹo má, nói thằng này gớm đây! Bà Quý hóm lắm nên chẳng biết chuyện này thực hư thế nào.

Hưng còi là Quốc Hưng. Anh của anh Hưng còi là Quốc Huy, vì cận nặng nên thường gọi Huy “mù”. Anh Huy “mù” viết thể thao rất mả, ai cũng biết! Dẫu không sinh đôi nhưng Huy “mù” và Hưng còi có nhiều nét hao hao. Hồi Seagame tổ chức ở Malaixia, mình được đi với anh Huy “mù”. Anh kiệm nhời lắm, hỏi sao, anh nhìn mình từ đầu tới chân nói, mày làm cùng thằng Hưng còi - em tao? Vâng. Thế thì biết rồi còn hỏi đéo gì nữa. Mình ngơ ngơ một lúc rồi gật gật, hềnh hệch cười. Vì thế nên đến nhà bà Quý, cứ ông nào nói trước, đích thị đấy là Hưng Còi.

Hồi anh Hưng Còi còn làm Phó giám đốc Thường trú miền Trung, mình được anh mời qua đêm trên Bà Nà. Mình say rượu, Hưng còi say cô-ca nên cả hai phởn chí vào khu vui chơi trẻ em, đòi đi hỏa xa. Cô bán vé dùng mắt “đo” rồi đánh mặt về phía Hưng còi nói, chỉ em này đi được thôi. “Đau” nhất là lúc đi mát-xa, chân dài ghé tai mình nói, anh bảo “cháu” về phòng ngủ đi đã, ai lại thế, kỳ quá hà. Mình với tay bật đèn sáng trưng. Anh nhe bộ răng sún xỉn khói thuốc ra, nhếch bộ ria lên như hung khí, gầm lên một tiếng. Cuối cùng thì anh cũng được thoả mãn...

Hưng còi rít ngày 2 bao thuốc, cà phê n+1 cữ, nhưng một giọt rượu cũng say? Mình cũng nghe đồn đoán thế nhưng mọi người nhầm. Hưng còi không rượu vì nó chạm vào một nỗi đau tình, oan tình thuở còn sinh viên. Hôm trên Bà Nà, sau khi mát - xa, chẳng biết chân dài có động vào những kỷ niệm, hồi ức gì không nhưng anh “tâm trạng” lắm! Anh nài nỉ mình xuống hầm rượu. Ở đó, mình anh tu hết một chai vang, kể trọn một mối oan tình. Anh còn định uống nữa, nhưng mình bảo thôi (sợ không đủ tiền).

Hình như cả đêm hôm đó, Hưng còi không ngủ, cứ đứng ở cửa sổ mắt trân trân nhìn vào khoảng không mịt mùng mặc cho gió lạnh và mây mù của đêm Bà Nà táp vào mặt.

Với bạn bè và lũ lau nhau như mình, để bắt đầu câu chuyện, Hưng còi thường nhếch bộ ria lên để 3 chữ đ…mẹ mày phọt ra trước. Người không hiểu thì hơi khó chịu với kiểu cách anh chị này. Nhưng thực ra không phải. Với thân hình xấp xỉ 40 cân, mặt quắt táo tàu như thế thì Hưng còi khó mà long trọng và “hoành tráng” được; có tạo dáng, có nhét vào mồm lời hoa mĩ hào sảng gì đi nữa thì cũng giả và càng bị nghi là Hán gian. Bởi vậy phải tìm cho được cái gì đó để “đôi lứa xứng đôi”. Anh cầm điếu thuốc lên cũng là để tự tin hơn, nói dăm ba câu bậy bạ, sắm bộ mặt bất cần, nhâng nháo có lẽ cũng chỉ là cái “hình thức” mà anh cho rằng nó hợp với “nội dung” của anh mà thôi. Nói kiểu triết học cho nó có vẻ hàn lâm là “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”.

 Đừng trách Hưng còi! Tội anh! Hành vi ấy thực ra chỉ là một thứ ngụy trang. Mà anh diễn khéo thật, chính mình cũng bị lừa cho mãi tới cái đêm ở hầm rượu trên núi Bà Nà.