Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Tôi đi họp phụ huynh

http://vov.vn/blog/toi-di-hop-phu-huynh-354777.vov

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Điều gì khiến chúng ta quay cuồng vì tiền?

Xem ở đây :

http://vov.vn/blog/dieu-gi-khien-chung-ta-quay-cuong-vi-tien-354638.vov

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Người quê-kẻ phố



Tôi có bản mặt rất nhà quê nên khi ra chốn phố thị thường bị một vài người nhìn với vẻ mặt khinh khỉnh.  Thoạt tiên cũng hơi khó chịu nhưng cũng tự an ủi rằng sống ở ngoại thành (dù nay đã là quận) thì gương mặt nhà quê là đúng rồi. Đến cố nghệ sỹ Văn Hiệp, sinh ra giữa phố cổ mà gương mặt cũng rất quê đấy thôi.


Tự an ủi để khỏi tủi thân chứ cái bộ dạng ngơ ngác, lớ nga lớ ngớ ở phố phường thì dân kẻ chợ xem thường là phải. Họ xem thường vì người nhà quê có gì đáng nhìn: quần áo không phải hàng hiệu, “cưỡi” trên “con” xe cũng chẳng sành điệu.

Hình như họ không cần để mắt thì đúng hơn?  Nếu đúng thế thì tôi đã hiểu vì sao (có) người phố nanh nọc và chao chát thế, hay nhìn nhau bằng “ánh mắt mang hình viên đạn” thế, hay sắm bộ mặt bất cần, điệu cười nửa miệng khinh bạc, trịch thượng đến thế!

Đấy là họ lên gân, muốn “tỏ ra nguy hiểm” thôi.

Họ sống trong một môi trường xô bồ, bon chen, lừa lọc nên cần “mài sắc ý chí cảnh giác”. Đồng thời cũng phải ra vẻ như thế để át vía, để dằn mặt kẻ lạ, để truyền đi thông điệp: “Không phải dân nhà quê đâu. Đừng có mà bắt nạt!”

Cố nhiên không phải người phố nào cũng vậy. Thường là những người thiếu tự tin. Tệ nhất là chính một vài người quê ra phố ít bữa rồi học đòi. Cái cách làm dáng của lớp "người lai" này rất kệch cỡm, nhìn rất đáng thương.

Tôi tin những người ấy, nếu về quê, được đắm mình trong sự vồn vã mộc mạc chân thành thì hành vi của họ rồi cũng sẽ ăm ắp tình người, ánh nhìn của họ rồi cũng sẽ ấm áp lên nhiều cho mà xem.

Đôi khi hai từ “nhà quê” lại được dùng để ám chỉ phong cách và việc làm thiếu văn minh, không chuyên nghiệp. Cho dù không có mối liên hệ rõ ràng với người nhà quê hoặc vùng nông thôn, nhưng khi chủ động chọn hai chữ ấy để biểu thị một ý niệm khác thì cũng bộc lộ một thái độ miệt thị.   

Cũng có một vài người phố ghẻ lạnh với người quê, cho rằng người quê kém cỏi, lạc hậu, chẳng có gì đáng để mắt. Nhưng lấy gì để xác nhận kẻ phố với dân quê? Nếu công nhận đình là thiết chế văn hóa làng xã thì ở cái phố ăn chơi giữa trung tâm thủ đô - Hàng Hành - vẫn lù lù ra đấy Đình Hàng Hành. Còn 36 phố phường Hà Nội là do dân quê tứ xứ vào bán hàng rồi lập nên các phố “Hàng” như hôm nay. Làm gì phải vội xổ toẹt vào quá khứ của chính mình? Đấy là hành vi tự tô vẽ cho bản thân nhưng rất thiếu nhân bản.    

Có người không thích nhà quê nhưng cái gì đẹp, ngon của quê họ đem lên thành phố hết: nhà quê (nhà rường, nhà sàn, nhà cổ), gạo quê, gà vườn ở quê, rau sạch ở quê, gái quê… Rồi dịp lễ tết, người phố kéo cả nhà về quê để hưởng cái không khí quê.

Khi lương thiện và sự chân thành đã trở thành của hiếm, là “món” xa xỉ chốn thị thành thì người phố thèm lắm một nụ cười, một lời mời, một câu chào mà đằng sau nó không ẩn chứa bất kỳ một toan tính nào.


Xin mời người phố hãy về với người quê chúng tôi. Chúng tôi chỉ có củ sắn củ khoai nhưng mà là khoai sạch, sắn sạch; chúng tôi sẽ mời đánh chén mà anh chị không phải đắn đo ngờ vực về lòng chân thành; chúng tôi sẽ biếu quả trong vườn, cá dưới ao mà anh chị không cần bận tâm suy nghĩ về sự vay - trả. Nhớ về nhé! Chúng tôi chờ!


         



       

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Cổng chào và hố xí


Cổng chào được báo chí nói nhiều khi người ta dự định xây cho Hà Nội một cái thật hoành tráng nhân 1000 năm Thăng Long.

Câu chuyện đã lắng dịu khi ý kiến đúng đắn của dư luận được tiếp thu. Tuy nhiên gần đây lại thấy xuất hiện nhiều cổng chào tính thẩm mỹ rất thấp, chi phí xây dựng chắc không hề nhỏ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng là cái cớ để người ta đắm chìm hơn vào cơn mê sảng dựng cổng chào. Xã có cổng chào, làng cũng có cổng chào. Về một số xã, huyện ở tỉnh TB sẽ thấy những chiếc cổng chào đơn điệu, lạnh lẽo, vô hồn, được hàn từ tuýp nước dựng lên trên một số con đường dẫn vào làng, xã. Hình như chính quyền ở đó cộng thêm cái cổng chào vào các tiêu chí của nông thôn mới?


 Ảnh: Người Hà Giang ( chỉ có tính chất minh họa)

 Ý nghĩa thực dụng của cổng chào là để xác định ranh giới, giúp người ta biết đã đặt chân đến một vùng đất nào đó, một địa giới hành chính nào đó.

Với mục đích như thế thì có rất nhiều giải pháp chứ không nhất thiết là phải  cổng chào, phải rập khuôn y chang một kiểu. Và có cổng chào hay không cũng phải phụ thuộc vào kinh tế của địa phương chứ đừng đua đòi.

Ảnh Hiệu Minh
Đừng bao giờ đem cái cái cổng làng của ông cha cùng một mớ mỹ từ như “truyền thống”, “bản sắc”, “dân tộc”… ra để viện dẫn cho việc xây cổng chào. Cổng làng xưa, ngoài  tác dụng định danh, giữ an ninh trật tự, nó còn đậm đặc ý nghĩa văn hóa, các nhà nghiên cứu đã nói nhiều. Còn cổng chào bây giờ phần lớn chỉ là biểu tượng có tính thời sự, thuần túy chỉ là cái biển hiệu côi cút cùng những khẩu hiệu quen thuộc.

Tôi đã được xem ảnh chiếc cổng chào bằng tre nứa rất thô sơ trong những ngày đầu hòa bình ở miền Bắc. Thời đó, nhằm động viên khuyến khích tinh thần sản xuất, thi đua…, người dân dựng cổng chào để  tạo khí thế, để tự hào khẳng định chủ quyền, một hành động dễ hiểu của những người dân mất nước vừa bước ra từ bóng đêm nô lệ. 

Nếu các nhà kiến trúc đem so sánh chiếc cổng chào thời đó với hôm nay thì sẽ thất vọng vì nó chỉ to hơn và làm bằng nhiều chất liệu hơn mà thôi. Chỉ là câu chuyện của cái cổng chào nhưng nó thể hiện quá trình phát triển tư duy người quản lý. Nửa thế kỷ nhưng sự biến chuyển chỉ là to hơn và bóng bẩy hơn, có rất ít sự sáng tạo, thể hiện rõ tư duy rập khuôn, sao chép mà không tự nghĩ ra được cái gì đặc sắc cho chính mảnh đất của mình.

Bill Gate đã bỏ lại phía sau công việc sản xuất phần mềm để đem tiền sang tận Phi Châu cho những ai chế tạo thành công chiếc hố xí không cần xả nước. Việc làm này không phải vì công nghệ thông tin đã là quá khứ mà Bill Gate nhận thức được rằng nhà xí thiết thực, nhân văn và bền vững hơn. Ôi, mong sao nhà quản lý của ta, trước khi quyết định thò túi dân lấy tiền để dựng cổng chào, tư duy được một phần như thế!

Ai cũng biết khi giải ngân cái cổng chào thì thể nào có người cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Đó là một trong những lý do khiến người ta đâm đầu vào. Ngoài ra nó còn được tung hô, được hà hơi tiếp sức bởi những kẻ mê muội chuộc hình thức.

Tôi luôn có cảm giác là phía sau cái cổng chào (xây dựng một cách lố bịch, phí phạm) kia tuyền là người “có IQ cao”, và bu quanh họ là “những người dân hạnh phúc nhất thế giới”?!

Thật đau khổ, ở cái xứ sở đại tiện nhiều nơi vẫn dùng que mà “vung tay quá trán”. Vĩ đại không đồng nghĩa với kích thước, nhưng với kẻ vĩ cuồng thì vĩ đại nhất thiết phải to! Cổng chào trưng ra trước bàn dân thiên hạ mới hoành tráng thơm tho, chứ ai lại đi khoe cái nhà tiêu không dùng nước của Bill Gate…Thối lắm! Không ngửi được! 

  




Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Anh Phong: VIP thời @


 
Mình dùng hai điện thoại. Thẻ VIB liên lạc với điện thoại 1, thẻ Vietcombank liên lạc với điện thoại 2. Thẻ VIB vợ giữ, chỉ có vài trăm ngàn. Thẻ Vietcombank mình giữ, có rất chi là nhiều tiền: x.xxx.xxx.xxx, he he!

Cái điện thoại có thẻ VIB thì toàn nhận được tin nhắn 090, đại loại khuyến mãi thẻ cào 50% đấy! Mua đi! Nhưng điện thoại 2 , thẻ Vietcombank, với số dư tài khoản 9-10 con số,  thì ba cái tin quèn kiểu đó tuổi gì mà dám chen vào?   

Tin của nó là bán chung cư cao cấp, biệt thự ở Làng VinCom, Phú Mỹ Hưng…

Ít ra cũng là căn hộ ở khu có dân trí cao, trước mặt là công viên, sau lưng là nhà văn hóa. Rồi rủ rê đi du lịch Âu Châu, đi mát xa mát gần.



Mình đang khoan khoái nghĩ xem Tràng Tiền Plaza của bố chồng Hà Tăng, Johnathan Hạnh Nguyễn, có biết đường mà nhắn nhe mình đến mua hàng trong cơn ế ẩm này không. Một cơ hội vàng cho họ! 

Trong khi đang thờ ơ chờ sự phát hiện của bố con Hà Tăng về một khách hàng tiềm năng, có khả năng chi trả cao như mình, thì đã có hàng tá các loại bảo hiểm trong nước và quốc tế liên tục quấy rầy mình, săn lùng mình, cả tin nhắn và điện thoại, với đủ thứ giọng tỉ tê, ngọt nhạt, ve vuốt, thẽ thọt… dụ dỗ mình mua bảo hiểm. Nhiều em còn lẵng nhẵng đeo lấy mình hỏi anh ở đâu em tới, cho em 5 phút được không, 5 phút thôi anh ạ. Chỉ cần nhắm mắt, nghe giọng, mình thừa sức đoán được em bảo hiểm chân dài cỡ nào.

Mặc dầu vậy, vốn được sinh ra trong một gia đình nền nếp, được well- educated (giáo dục tốt) nên mình luôn nhã nhặn và lịch sự khi từ chối tất cả các chân dài. Chưa bao giờ mình làm chân dài phải thất vọng, dù chỉ qua điện thoại.  

Đấy! Được làm VIP thời nay không khó. Chỉ cần bạn có trong thẻ ATM 9-10 con số như mình là OK. 

Cho dù mấy cái tin nhắn làm mất rất nhiều thời gian vàng ngọc của mình, nhưng không vì thế mà mình giận các bạn làm PR, quảng cáo, rao vặt.... Dạo này đang đọc mấy bộ sách về Phật giáo nên giác ngộ nhiều. Không  giận, không GATO (ghen ăn tức ở), không bực bội… bất cứ ai, bất cứ điều gì. Chỉ  nực cười là mấy em nhà mạng (hay ngân hàng?) sao lại cho thông tin khách hàng, nhất là VIP như mình, một cách dễ dãi và lộ liễu thế? Phải kín đáo chứ!

Còn mấy em bán bảo hiểm và rao mát-xa xem ra vẫn chưa chuyên nghiệp. Anh đang chay tịnh và trai giới để nghiền ngẫm giáo lý, nói chuyện này không phải lúc, nhưng mách nhỏ: Chỉ cần nhõn câu này: “Bạn cần thư giãn?”. Thấp thoáng, bí ẩn, khêu gợi thế thôi nhưng vẫn đủ thông tin. Ai lại đùng đùng “dùi đục chấm mắm cáy”, nhắn Massage giá: 120.000, lại còn miễn phí trà nóng mứt gừng(?!). Thẻ ATM 9-10 số như anh mà phải báo giá à? 120 nghìn với anh là tiền tip, thường bo cho mấy cậu trông xe. Bậy hết sức!

Anh sẽ vô cùng tò mò, háo hức, muốn lập tức trở thành đứa bé ngây thơ, hiếu động nếu nhận được tin nhắn đại loại thế này:

Bạn cần nơi thư giãn? 
Bạn tìm chỗ tiêu tiền?  

Đó! Đẳng cấp ATM 10 số như anh Phong thì nên soạn những tin nhắn cỡ đó nhe!

Với mấy em bảo hiểm anh khuyến mãi cho câu này mà làm slogan, tạm ví dụ với Prudential nhé:

Cầm tiền là tai họa
Giữ vàng là tai ương
Prudential là sự lựa chọn.

Đó! Nghe thế có sang không, có chảnh không? Ai lại bám riết lấy anh mà đòi “5 phút”.  VIP 9 số như anh mà các em dìm hàng như thế thì…xúc phạm sức khỏe của anh quá!   

    

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Đá thiêng và tinh đá


Đọc báo thấy có bài về 3 hòn đá thiêng ở Kontum. Hòn thứ nhất đem lại sự may mắn. Đàn chó săn cứ đến chỗ hòn đá là châu đầu vào sủa, không chịu đi. Cực chẳng đã, đoàn người đi săn phải đem hòn đá theo. Hễ có hòn đá bên mình thì bắt được nhiều thú.

Hòn đá thứ hai biết đẻ. Cứ vài mùa rẫy lại thấy bên cạnh “nảy” ra một đá con. Hòn đá biết đẻ này cũng mang lại may mắn. Dân chúng đặt nó trong một cái chòi để thờ cúng.
Ảnh : Báo Thanh niên

Hòn thứ 3 phát ra ánh sáng kỳ ảo trong đêm. Đạo tặc rắp tâm đánh cắp nhưng không được, chúng bèn đập vỡ. Bị vỡ, ánh sáng tắt lịm.

Những nơi văn minh còn le lói và thấp thoáng thì cuộc sống còn hoang sơ. Thành công hay thất bại đều tìm được lời giải thích nhuốm màu huyền thoại, tâm linh từ hòn đá đầu bản tới cái cây cổ thụ ven rừng. Người ta thỏa mãn với cách lý giải ấy, câu trả lời ấy, và nương tựa vào nó như một đức tin khó phai mờ. 

Một nơi khác cách xa 3 hòn đá thiêng chừng 2000 cây số, ở đó có những chiếc cối đá giã bèo, giã gạo; những con lăn đá nằm lăn lóc lạnh lẽo nơi cầu ao, bờ rào bờ dậu. Những chiếc cối đá bị thủng, con lăn đá nhẵn bóng, chứng tích sống động của một thời lam lũ.


Tôi từng có suy nghĩ là sẽ thu thập những chiếc cối đá và con lăn ấy rồi chú thích “tiểu sử” như của nhà ai, có từ bao giờ, đã qua mấy đời, vì sao bị thủng bị mẻ… Sau đó thiết kế thành ngôi nhà có bức tường bằng cối đá và con lăn đá.

Rồi một ngày kia, con cháu sẽ đến ngắm nghía chiếc cối đá của bậc tiền nhân, sờ tay vào những vết sứt sẹo của thời binh đao loạn lạc, xoa tay lên vết nhẵn thín thấm đẫm mồ hôi, nước mắt trên đá để nhớ tới công lao tiên tổ. Mỗi chiếc cối, mỗi con lăn sẽ kể một câu chuyện lịch sử như cổ tích của ông bà.


Vì sao lại có thái độ tẩy chay và thù địch với một vật dụng quen thuộc, gắn bó với nhà nông như thế ? Người thì bảo để vướng víu chật nhà, kẻ lại nói “có tinh đá”, phải đem bỏ đi xa.

Những câu chuyện mang dáng dấp huyền sử về đá thiêng của người Xê Đăng, Rơ Mâm tạo ra sức mạnh tinh thần để vượt qua gian khó và hiểm nguy, làm cuộc sống thêm thi vị, nhưng nhìn ở một góc khác lại thấy tủi phận cho sự bất lực của con người. Đấy là lúc con người không tự tin vào những hành động của bản thân, che dấu, lấp liếm và ngụy biện cho thất bại của mình.

Còn những chiếc cối đá và con lăn đá đã được đẽo gọt thành hình hài của một vật dụng thiết yếu? Phải chăng hôm nay chúng không còn giá trị sử dụng và thực sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một thời nên không còn chỗ đứng? Có thể vậy! Và cũng có khi người ta không muốn trong nhà có một vật dụng khơi gợi quá khứ cực khổ bần hàn. Nếu quả đúng như thế thì cái sự nghèo nó ám ảnh ghê thậ! 1/4 dân số nơi này đã bị chết đói vào năm 1945 cơ mà!

Chẳng ai muốn níu giữ cái nghèo, nhưng nó nên hiện hữu với tư cách biểu tượng để nhắc nhớ con cháu phải vươn lên, phải nhớ công lao của ông bà chú bác.

Những giá trị về mặt tinh thần như thế không phải người dân nơi đây không biết, nhưng cuộc mưu sinh trĩu nặng đôi vai, họ chẳng thèm nghĩ xa hơn chuyện cơm áo gạo tiền.

Dù được đặt trang trọng trong chòi, được người ta tôn kính hay bị thất sủng lăn lóc bên vệ đường, thì bên trong cái vỏ bọc tâm linh và dị đoan của hai vật vô tri ấy chỉ thấy sự lạc hậu và lam lũ của người nông dân. 




Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Tập khai giảng.

http://vov.vn/blog/hay-de-hoc-sinh-tu-giong-len-tieng-trong-ngay-khai-truong-349494.vov