Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Nào cờ, nào hoa, nào bằng khen và những lời…sáo rỗng.


Lễ khai mạc trận cầu giữa Manchester City và Đội tuyển VN bị báo chí Anh chê là quê mùa và hài đến mức cười không nhặt được mồm.
Có thật đến mức ấy không hay thế lực thù địch đặt điều vu khống?
Thật đấy! Chẳng oan đâu.
Tổng kết, kỷ niệm, lễ đón nhận… kiểu gì cũng có màn ca nhạc dạo đầu để cho tưng bừng khí thế, và quan trọng nhất là dễ bề co giãn thời gian phục vụ cho các sếp trăm công ngàn việc cùng một bộ phận không nhỏ giờ cao su hay đến muộn.
Hội nghị hoa bạt ngàn hoa! Quá trời hoa! Nhóc hoa luôn! Hoa ngồn ngộn trên sân khấu, lấp mặt diễn giả, lấn át và áp đảo MC. Nhìn lên toàn thấy hoa mà không thấy chủ đề hội nghị là cái gì. Đám hiếu người ta còn đề nghị không viếng hoa cho đỡ lãng phí thì ba cái vụ đón nhận danh hiệu, lễ kỷ niệm, hội nghị… cũng bớt bớt hoa đi cho đỡ tốn kém được chớ sao? Mà cái này các CỤ phải tiên phong. Các CỤ cứ “gửi lẵng hoa chúc mừng” thì con cháu phải noi gương thôi.
Vụ kính thưa các loại kính thưa nói mãi rồi. Nhà nước cũng đã ra hẳn một văn bản quy định chỉ phải kính thưa vị nào rồi. Tuy nhiên, đây lại là cái văn bản bị vi phạm nhiều nhất, làm trái thường xuyên nhất, song chẳng ai nói và chẳng ai dám nói. Ờ, cứ thử theo đúng văn bản mà kính thưa xem, mai chết liền. Đừng có dại nghe em!
Ở một đất nước mà chiếc áo hoàn toàn có thể làm nên thầy tu (và làm nên đủ thứ khác nữa) thì liệu mà kính thưa kính gửi cho phải phép. Cái tư duy “một miếng giữa làng…” găm sâu vào đầu nhiều vị. Chẳng cứ chuyện ăn uống. Chốn đông người mà không dóng lên một tiếng (cho dù chẳng cần thiết tẹo nào) để vua biết mặt chúa biết tên, để đám cần lao thêm phần nể sợ, thì cầm chắc tội khi quân, “thằng này không coi ai ra gì”, chết chắc!
Sau vụ kính thưa đến vụ trình bày báo cáo mới gớm chứ! Không khó để tìm thấy những diễn văn với từ ngữ sáo và chung chung đến mức có thể đọc ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Nghĩa là nó áp vào chỗ nào cũng luôn đúng, dùng tốt cho hội thảo đầu bờ hay bí quá trình bày ở Liên hiệp quốc cũng OK; đọc tại hội nghị tư vấn sức khoẻ sinh sản cho chị em chậm kinh hay trình bày trước các nhà khoa học ở Trung tâm NASA…đều được. Tức là phải thường xuyên "quan tâm", "nâng cao", "đẩy mạnh" và... "tăng cường"!
Còn bằng khen, cờ khen, giấy khen, trướng khen... các loại nữa chớ. Ớn nhất khoảng thời gian lê thê xướng tên và trao phát. Quan khách thì ngáp ngắn ngáp dài, vặn vẹo ngó trước nhìn sau tìm đối tác hàn huyên, chuyện nổ như ngô rang. Ban tổ chức cũng chẳng sung sướng gì. Nhầm lẫn tùm lum, rồi kẻ nọ í ới gọi người kia để đổi. Được khen nhiều quá nên cũng có tâm trạng nhận cho xong. Còn người trao, phải trao nhiều quá nên dúi vào tay người nhận với ánh nhìn nhớn nhác, nụ cười nhạt nhẽo và cái bắt tay mang tính thủ tục, hờ hững, vội vàng.
Phía dưới kia, những tiếng vỗ tay lốp bốp rời rạc vang lên ngán ngẩm ngầm ý nhắc khéo “thôi đủ rồi đấy”. Ấy vậy nhưng hội nghị sau, như một tập quán ngàn đời, như được lập trình sẵn, vẫn loè loẹt phấn son, thậm chí còn được "làm sâu sắc thêm", được "nâng lên một tầm cao mới". Ai cũng biết và ai cũng như chẳng biết gì.


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Một.


Cà phê Xanh gần cơ quan là quán mình hay ngồi. Ở đó có những khách hàng thú vị. Tỷ như vợ chồng nhà kia, sáng nào cũng vậy, đều như vắt chanh, đến kêu 2 ly đen đá. Cà phê vừa đặt xuống thì ông chồng rút ra bao thuốc, hút một điếu. Hai vợ chồng lẳng lặng uống, mắt nhìn bâng quơ ra ngoài đường, không ai nói với ai câu nào. Hút xong điếu thuốc cũng là lúc người chồng đứng phắt dậy, kêu tính tiền rồi ra về. Người vợ lúi húi bước theo sau.
Cà phê sáng ở miền Tây là nhu cầu chứ không phải là thước đo cho sự sành điệu hay đẳng cấp.
Trừ phi nghỉ bán hàng còn mưa gió kiểu gì cũng thấy trong quán xuất hiện một ông còm còm, khắc khổ và lam lũ. Ông đến một mình, vào một giờ cố định (6 giờ), ngồi một mình, ở một chỗ cố định, không bắt chuyện với bất kỳ ai. 365 ngày ông mặc một bộ đồ, đi một đôi dép, uống một ly đen đá, đọc một tờ báo (Thanh niên).
Ông đọc một mạch không rời tờ báo, không bỏ sót một chữ, kể cả quảng cáo và cáo phó. Và bao giờ cũng vậy, đọc xong, bằng một động tác dứt khoát, ông đưa tôi tờ báo rồi đứng dậy ra về.

Hôm nay, đợi lúc đưa tôi tờ báo như mọi ngày, tôi hỏi:
-Sao chú chỉ đọc một tờ Thanh niên?
Ông không nói gì. Và tôi chợt phát hiện ra ông chỉ còn... một mắt.
Có những con người cả đời chỉ làm một việc, tôn thờ một thứ chủ nghĩa, nhưng không vì thế mà ở họ mất đi sự quyến rũ, nhất là sự quyến rũ trong bí ẩn, luôn kích thích sự khám phá.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Bạn Phục mở triển lãm thư pháp.


Ngưỡng mộ Phục từ lâu với hệ thống quán Rễ tranh ở Cần Thơ, nay bạn lại gửi mình thiệp mời dự triển lãm thư pháp tiếng Việt thì tò mò quá. Phải đi chứ! Đi để xem ông này còn những hoài bão gì nữa đây.

Triển lãm được tổ chức ở trong quán Rễ tranh, 72 đường Mậu Thân. Chỉ là cái ngõ nhưng Phục và các bạn đã thiết kế ấn tượng, lung linh, trang trọng nhưng gần gũi và ấm cúng. Nói chung không gian phù hợp với một buổi triển lãm và ra mắt CLB thư pháp



Chú Võ Quốc Toàn, bác sỹ về hưu, Chủ nhiệm CLB đứng lên nói vài câu ngắn gọn, chân tình. CLB có gần chục thành viên, trong đó chú Toàn lớn tuổi nhất, còn lại khá trẻ; người là kiến trúc sư, người là giáo viên, mỗi người một nghề những gặp nhau ở niềm đam mê thư pháp.

Chả biết Phục đã viết được thư pháp chưa nhưng cứ xem những sản phẩm handmade mà vợ chồng nhà này tự làm thì chỉ vài bữa nữa – khi mà CLB thư pháp mở lớp ở đây – Phục sẽ viết đẹp cho mà xem.

Ngắm những sản phẩm thủ công vợ chồng Phục thiết kế và thi công mới thấy sức sáng tạo ghê gớm. Toàn những vật liệu người ta vứt đi (hoặc nghĩ chúng sẽ không bao giờ có thể bước chân vào thế giới nghệ thuật) thì vợ chồng hắn lại xếp đặt gọn ghẽ và dành cho nó một vị trí riêng, rất trang trọng. Hoá ra một vật bị coi là phế liệu hay nguyên liệu không phụ thuộc vào bản chất của nó mà là do cách người ta ứng xử với nó như thế nào. Mình được dạy phải tránh xa lối tư duy siêu hình, nhưng trong trường hợp này,  phản bác cũng không phải dễ. 

Người ta làm tranh đá (quý) với toàn ruby, Saphia, Opal, Thạch anh… khảm nạm óng ánh rực rỡ thì vợ chồng Phục lại dùng thóc, đậu tương, đậu đen, gạo nếp… làm nền, tạo bố cục, tạo màu. Trên đó  bẹ dừa, que, củ, quả khô được xắp xếp một cách tài tình tạo nên bức tranh hình khối, sống động và thân quen.
Sản phẩm của Quyenn

Một cái lọ thuỷ tinh bỏ đi, muốn làm chân đế vững chắc để cắm một vật gì lên trên thì những kẻ không có con mắt nghệ thuật như mình nghĩ ngay đến cát. Nhưng Phục không tư duy sáo mòn và thô thiển như vậy, anh dùng thóc. Khi ấy nhìn cái lọ gần gũi và đáng yêu hơn hẳn.

Còn nhiều lắm, các bạn hãy đến khám phá tại Quenn, 72 Mậu thân, nghe đâu có cả trên facebook đấy! Còn giờ nói chút về thư pháp. Nói thực mình ABC về thư pháp, thư pháp chữ Hán tịt, thư pháp chữ Việt càng ú ớ. Chỉ biết triển lãm chỗ Phục thì thư pháp được viết trên nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, giấy xuyến chỉ, vải… Chính vì thế cái cảm giác nhàm chán chỉ có chữ và chữ, giấy và giấy sớm bị xua tan.  
Chữ TÂM khắc gỗ 
Tại đây có một vài bức thư pháp viết bằng vàng trông quý phái. Nghe loáng thoáng thấy bảo để làm bức thư pháp như thế thì vàng phải được nấu chảy và người viết sử dụng nó như mực.

Một điểm thú vị nữa là nhiều bức thư pháp kèm thêm phần hội hoạ, nghĩa là viết thư pháp trên một bức tranh. Như vậy tác giả không chỉ “biết viết” mà còn phải biết vẽ. Đây có lẽ là giải pháp dung hoà cho những ai có nhu cầu chơi cả chữ lẫn tranh. Cũng hay! Chữ và tranh nương vào nhau, kéo cái hàn lâm, bác học xuống gần hơn với đại chúng, hoặc là tô điểm thêm vẻ đẹp kiêu kỳ của thư pháp.  

Thôi mình chả dám nói nữa. Nói nữa lại lòi cái đuôi dốt nát của mình ra. Chỉ đoán là thế này. Viết được thư pháp chữ Việt thì chắc chắn chữ phải đẹp cái đã. Cũng có người đả phá nói chữ tượng hình (chữ Hán) mới hình thành thư pháp chứ chữ Việt dùng ký tự La - tinh thì sao ra thư pháp. Mình không tranh luận vụ này, chỉ biết một điều chắc chắn: Bài học vỡ lòng của thư pháp là viết chữ đẹp. Từ viết đẹp mới nâng cao lên thành thư pháp.



Một bức thư pháp đẹp đòi hỏi tính tạo hình rất cao nhưng bố cục lại phải chặt chẽ để toát lên ý tưởng (sự sáng tạo) của người viết, và không bị sa đà vào đố chữ. Khi người viết gợt gợt chiếc bút lông vào nghiên mực, thì chỉ vài giây, trong đầu phải hoàn thiện bản thiết kế cái chữ ấy rồi.  Đặt bút chỉ là giai đoạn thi công. Thiết kế hỏng thì thi công chẳng có ý nghĩa gì và thi công hỏng thì thiết kế đẹp mấy cũng vứt.  Vì thế viết thư pháp có lẽ không thuần tuý chỉ là luyện tay mà còn là luyện tâm, luyện trí, luyện khí nữa. Xem ra thư pháp cũng là một lối hành thiền trong nghệ thuật.

Một số tác phẩm trong triển lãm (trừ thằng áo đen ra): 


Bút tích TCS. Viết bằng vàng thật đó nhe!


Cái lọ đựng thóc có yêu không? Cái ống giấy trong cuộn vải mà "dám cả gan"  chế thành ống bút .

Chủ cửa hàng handmade. 






















Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

“Không có vinh quang trong chiến tranh.”


Ông Chuck Hagel, một cựu chiến binh từng tham chiến tại VN và là cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói như vậy tại sự kiện được tổ chức nhân 50 năm ngày quân đội Mỹ tham chiến tại VN.

Câu nói của nhà chính khách, đồng thời cũng là một người lính này nhắc nhớ tôi những bài tập làm văn thời còn đi học.
Hồi đó chúng tôi phải bò ra mà phân tích, chứng minh, bình luận những định đề được xem như chân lý của cuộc sống. Đó là “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến diệt quân thù”, rồi “Nhắm thẳng quân thù mà bắn” , “Còn cái lai quần cũng đánh”…
Nhìn chung mọi bài văn đều hướng tới cái đích là chứng minh đúng và ca ngợi những câu nói như thế.
Chẳng thể bàn cãi tinh thần quả cảm của những chiến sỹ nói lên những câu bất hủ như thế trong khói lửa đạn bom. Đến giờ tôi vẫn vẹn nguyên sự kính trọng và biết ơn họ vì đã xả thân cho đất nước. Tuy nhiên bắt đám học trò (buộc) phải xác nhận những định đề (đã mặc định) như đóng đinh vào cuộc sống như thế, đặc biệt là những vấn đề về chiến tranh, chết chóc, oán thù…, thì quả thực tôi thấy… nên xem lại.
Ai đó có thể đưa “chính nghĩa” và “phi nghĩa” của cuộc chiến ra để bàn thêm về việc này, nhưng thế nào là chính nghĩa. Khái niệm chính nghĩa cũng tuỳ thuộc vào góc nhìn. Cái người này cho là chính nghĩa thì người khác lại bảo phi nghĩa.
Có quá lời chăng khi nói rằng chính những bài học (kiểu kiểu) như thế đã dung dưỡng những định kiến hẹp hòi, những cái nhìn thiển cận. Nó đóng hộp và đổ khuôn tư duy theo một chiều kích đã định sẵn. Chúng ta không mạnh dạn bước qua nổi chính mình (một cái bóng quá lớn), phải chăng cũng vì thế?
Văn học trước nhất là cái đẹp, là hướng con người tới điều tử tế mà ta hay gọi là nhân bản, nhân văn. Những công việc khác hãy để lịch sử thuật lại một cách trung thực. Văn học – nghệ thuật cũng vô khối đề tài chiến tranh, nhưng cái đích đến (đích thực của văn học) là để loài người xa rời và từ bỏ nó chứ không phải tụng ca. Không quên quá khứ nhưng cũng đừng chủ động đánh thức quá khứ đau thương.
Trong chiến tranh có những câu chuyện đẹp, nên thơ nhưng về tổng thể và bản chất, chiến tranh là kinh khủng và gớm ghiếc. Ở đó con người, dù ở bên nào đi nữa thì cũng đã (buộc phải) hạ phẩm cấp CON NGƯỜI của mình xuống một mức để chém giết nhau.

PS: Lịch sử Việt Nam không chỉ có những trang đẫm máu và nước mắt của cuộc chiến tranh vệ quốc mà còn là lịch sử của thời hậu chiến. Nói theo ông Vương Trí Nhàn, nếu nghiên cứu thời kỳ hậu chiến (giai đoạn suy tàn của các triều đại) ở Việt Nam, thì sẽ rút ra được ối kinh nghiệm cho hôm nay.


Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

CÁ DỨA MỘT NẮNG.


Đến bãi biển Cần Giờ thấy mấy chị bê mẹt cá, hỏi cá gì, nói khô cá dứa một nắng. Những con cá mục nạc, còn mềm tay trông rất thích mắt. Anh Điển hỏi nhiêu ký, chị bán hàng đòi trăm hai. Điển đảo mắt ra chỗ khác, ra vẻ thờ ơ, nhưng một lát thì quay lại nói xẵng: Cá này mà cá dứa á, tám chục! Cuối cùng thì thương vụ cá dứa một nắng cũng xong. Điển chơi liền 3 ký.
Cả hội thấy khô cá dứa ngon, rẻ bèn bảo Hiền (thủ quỹ) mua nhờ họ rán. Hải nháy (phóng viên) ra tiệm bách hoá kiếm thùng bia.
Hiền mua được với giá sáu chục. Đã thế còn yêu cầu cắt ngay trước mặt mọi người mỗi con thành 12 miếng (sợ tráo cá đểu, đề phòng gian lận thương mại). Lại còn ra điều kiện nhận cá mới trả tiền (không phải dạng vừa đâu)!
Cả hội hỉ hả vì món hời. Lại còn dương dương tự đắc vì biết mẹo khiến họ không thể tráo cá lúc đem chiên.
Đợi mãi, hết chuyện, mọi người mới quay sang hỏi chị chủ quán về khô cá dứa. Chị nói giá đó chắc cá tra quá!
Cả hội chưng hửng, chẳng còn thiết tha gì nữa. Thùng bia thằng Hải nháy mồ hôi mô kê nhễ nhại mới vác về được, giờ nằm tênh hênh, vô duyên kinh khủng. Một thoáng bẽ bàng vì bị xỏ mũi.
Cá dứa rán vẫn chưa ra mà đến giờ phải ra xe. Dẫu dửng dưng nhưng mọi người cố đợi, vài người ngóng cổ nhìn về phía xa lục tìm bóng dáng chị bán khô.
Có người đứng dậy phủi đít, nói thôi, ta đi. Đi lúc này là cơ hội chạy làng đám khô cá dứa giả cầy mà không bị bắt lỗi vì “đã chờ rất lâu rồi”.
Một người đoán già đoán non: Chắc bàn nhậu nào thấy ngon mua hớt tay trên. Mọi người cùng thoả hiệp với cái lý do ấy để tự đánh lừa lương tâm của chính mình, để có thể đứng dậy mà không phải bận tâm.
Khi mọi người lục tục ra xe thì chị bán hàng tất tả tay xách nách mang, tóc tai rối bù lam lũ chạy theo. Chẳng ai trách chị một câu mà ngược lại vẻ mặt người nào cũng giãn ra, thanh thản, nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng.
Họ "lừa" mình vì bần hàn-mưu sinh, mình lại đi trả đũa họ ở thế kẻ có tiền và lợi thế trên cơ thì... Nhưng làm thế này có phải tiếp tay cho gian lận? Lòng trắc ẩn đôi khi có tội?

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

CÂU "ĐẮT XẮT RA MIẾNG" LÀ CỦA AI?


Chúng ta hay lấy “cái tốt” của một sản phẩm ra để quy định việc đắt hay rẻ. Tốt thì đắt mà dở thì rẻ. Tức là chất lượng sản phẩm quyết định giá cả.
Nói như thế thì khái niệm đắt – rẻ mới xét ở bình diện nội tại của sản phẩm. Trong xu thế toàn cầu, trong sân chơi toàn cầu, trên tinh thần có trách nhiệm và nhân văn, hướng tới bền vững, thì quan niệm đắt rẻ như vậy chưa đầy đủ.
Ở những nước văn minh, sản phẩm được làm ra phải có trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ ở địa hạt một nước mà trên phạm vi toàn cầu.
Một khách sạn được cấp chứng chỉ 5 sao không chỉ vì nó đẹp, hoành tráng, phục vụ chuẩn mực, có hồ bơi, trang thiết bị cao cấp… mà bé tí ti như nguồn nước thải còn bị soi xem được xử lý như thế nào, sau khi xử lý có quay lại phục vụ các nhu cầu khác ở chính khách sạn của mình không.
Một sản phẩm nếu gia công ở một quốc gia văn minh, dân chủ, luật lệ nghiêm khắc thì nhà máy gia công sản phẩm đó phải thực hiện đúng luật lao động, trả lương công nhân hợp lý (không được bóc lột), an toàn lao động là yếu tố hàng đầu…Vâng, tức là vì con người.
Còn vì cộng đồng ở chỗ này: Khuyến khích sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường, trong quá trình gia công chế tạo không gây ô nhiễm…
Đương nhiên nhà sản xuất sẽ tính tất cả những công việc nói trên vào giá thành (chứ không chỉ căn cứ thuần tuý vào chất lượng của riêng sản phẩm ấy). Vì thế "ở bển" có bị gọi là mua "đắt", nhưng là hàng chất, và hơn cả là mỗi người đều phơi phới vui tươi vì đã chung tay giúp cộng đồng, giúp hành tinh này xanh hơn.
Từ đó mình thấy nguồn gốc xuất xứ câu “đắt xắt ra miếng” hình như của tụi tư bổn giãy chết thì phải?

Nhân dân có còn là tai mắt ?

http://vov.vn/blog/nhan-dan-co-con-la-tai-mat-412742.vov

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Câu hỏi của anh rất thú vị!


Làm báo gắn liền với các cuộc phỏng vấn. Làm báo nói thì phỏng vấn càng gần gũi hơn. Hồi mới vào nghề, gặp được người đồng ý trả lời như vớ được vàng. Chỉ chờ người ta gật đầu cái là mình quẳng ba lô, móc đồ nghề ra chơi luôn.
Được vị nào khuyến khích: “Câu hỏi của anh rất thú vị” là mũi phập phồng, mặt hếch lên giời. Thích lắm! Hỏi hăng hái hơn hẳn. Lúc biên tập lại băng (trích băng) nghe đi nghe lại mấy lần liền cho sướng. Thấy chưa đã, mình còn rút headphone trên bàn trộn để nghe oang oang bằng loa ngoài thêm vài lần nữa để tỏ vẻ ta đây với đồng nghiệp. Cùng lúc, mình len lén nhìn lại đằng sau, đứa nào chăm chú dỏng tai nghe là mình hài lòng vô tận. Thằng này ĐƯỢC!
Nhưng quan trọng là thính giả. Nghĩ vậy mình quyết định không cắt “câu hỏi của anh rất thú vị” đi, ra cái điều “có nghề”, đến người bị phỏng vấn còn phải khen?!
Vào một ngày xấu trời, gặp thằng bạn thân, nó hỏi hôm qua mày phỏng vấn ông X vụ đắm phà à? Mình bảo ừ. Nó trợn mắt: Sao lúc mày hỏi số người chết mà ổng cũng khen “câu hỏi của anh rất thú vị” là sao? Ổng này kỳ wá mầy ơi?
Chớt mẹ! Lộn! Ghép lộn! Ghép băng lộn...

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

ĐỪNG ĐẨY CÁI KHÓ VỀ PHÍA THÍ SINH!


Với số lượng thí sinh đông và thực hiện trên phạm vi cả nước nên những sai sót ở kỳ thi quốc gia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên cách xử lý những sai sót ấy gợi ra nhiều điều. Sự việc giám thị ký nhầm vào ô của người chấm thi tại điểm thi Đại học Yersin Đà Lạt là một thí dụ.
Trường hợp ký sai ở trên, hội đồng thi hoàn toàn có thể xin ý kiến Bộ GD-ĐT chấp nhận sự sai sót để các em tiếp tục làm bài thi, thay vì yêu cầu thí sinh chép lại đề (để ký lại) khi thời gian làm bài đã trôi qua 30 phút. Phải chăng do tính chất quan trọng của kỳ thi nên một số nơi đã áp dụng các biện pháp quá cứng nhắc và máy móc khi xảy ra sự cố?
( Ảnh: Báo Tiền phong)
Nếu giám thị phòng thi báo cáo ngay sự việc lên chủ tịch hội đồng thi để giải quyết thì mọi việc có lẽ đơn giản hơn (so với tổ chức thi lại như hiện nay). Còn nếu Hội đồng thi biết mà vẫn chấp nhận phương án chép lại đề và không bù giờ thì có lẽ hơi thiếu linh hoạt. Vẫn biết thông tin liên lạc trong giờ thi không thuận lợi nhưng không phải là không thể.
Nếu giám thị (hoặc hội đồng thi) sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật mà không thông báo lên cấp cao hơn để kịp thời xử lý thì rất đáng trách. Bị phê bình thì ai chẳng sợ, nhưng vì sợ mà đẩy cái không thuận lợi cho người khác thì khó chấp nhận. Càng không thể chấp nhận khi “người khác” trong trường hợp này lại là những thí sinh non nớt, ngây thơ, trong khi thầy cô đứng trước mặt “quyền năng” ghê gớm vì đang nắm trong tay sự nghiệp và cả tương lai của các em.
Cho dù sau đó Hội đồng thi ĐH Đà Lạt đã cho các em thi lại, nói chung cũng hợp tình hợp lý, nhưng cách giải quyết sự cố lúc ban đầu như thế rất dễ tạo nên một vết hằn xấu xí trong tâm hồn trong trắng của các em. Nó là những lối mòn hoang dại dẫn tới cách làm việc, không những thiếu trách nhiệm mà còn ra sức đe nẹt cấp dưới, sợ hãi và nịnh nọt cấp trên, đang phổ biến ở một bộ phận cán bộ hiện nay./.