Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Mô hình Đại học Quốc gia - Đại học vùng: Vừa đội nón, vừa che ô( NĐBND)

22/12/2010
Câu chuyện xung quanh việc thành lập Đại học Quốc gia - Đại học vùng không phải bây giờ mới có. Nhưng (cũng như sự kiện tại chức của Đà Nẵng), đến hôm nay mới có một trường thành viên dám đứng ra nói thẳng những bức bối và nêu ước nguyện của mình.

04-Vua-doi-35610-300.jpg

Miền Trung năm nay quả là có nhiều sự kiện giáo dục. Sau sự kiện Đà Nẵng kiên quyết không nhận sinh viên tại chức là phát biểu của TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật, tha thiết đòi xin ra khỏi ĐH Huế. Một cán bộ của trường ĐH Nghệ thuật nói: nếu cho 3 điều ước, thì điều 1 là ra khỏi ĐH Huế, điều 2: ra khỏi ĐH Huế và điều 3 cũng là ra khỏi ĐH Huế.

Về mô hình ĐHQG và ĐH vùng, có thể sơ lược như sau: cuối những năm 1980, quy mô các trường ĐH ở nước ta rất nhỏ (trên dưới 1.000 SV), hầu hết là đào tạo đơn ngành, theo mô hình của Liên Xô cũ. Một số nhà quản lý GD cho rằng, mô hình ấy không phù hợp với nền kinh tế đang có những thay đổi cơ bản, vì thế cần phải chuyển sang đa ngành, đa lĩnh vực. Muốn vậy, cần hợp nhất, sáp nhập các trường ĐH thành đa ngành. Đây là lý do chính để hình thành 2 ĐHQG (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng).

Các ĐH vùng ra đời theo Nghị định 30/CP của Chính phủ vào tháng 4.1994. ĐHQG Hà Nội ra đời năm 1993 và 2 năm sau (1995) ĐHQG TP Hồ Chí Minh tiếp tục được thành lập. Đây là mô hình tập hợp nhiều trường ĐH, với mục đích sử dụng chung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất trường lớp, phòng nghiên cứu... Khi sáp nhập, kinh phí nhà nước tập trung vào một đầu mối, tạo điều kiện cho quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại không như ý muốn.

Nếu như thời điểm đề xuất ý tưởng thành lập ĐHQG và ĐH vùng, số SV các trường còn ít, thì ngay sau khi thành lập, số SV đã tăng vọt, gây quá tải cho một cấp quản lý còn non nớt, dẫn đến trục trặc, rắc rối phát sinh. Trong khi đó, công tác tổ chức, thiết kế, xây dựng bộ khung quản lý cho ĐHQG, ĐH vùng cũng chưa khoa học. Hình như ai cũng sợ mất “ghế” nên không giảm được các vị trí quản lý. ĐHQG, ĐH vùng có ban gì thì ở trường có phòng nấy. Gần đây, nhiều trường thành viên còn tái lập hàng loạt phòng chức năng như trước khi sáp nhập. Điều này dẫn đến Ban giám đốc ĐHQG và ĐH vùng trở thành cấp trung gian. Mục đích ban đầu của ĐHQG và ĐH vùng không thực hiện được khiến nó trở thành một mô hình cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả. Người nước ngoài rất khó hiểu hệ thống GDĐH Việt Nam. Nếu như ĐHQG, ĐH vùng là University thì các trường thành viên cũng là University, nghĩa là trường ĐH trong ĐH. Con dấu của 2 ĐHQG cũng mang hình quốc huy như Bộ GD - ĐT. Thủ tướng trực tiếp điều hành cả Bộ GD - ĐT và 2 ĐHQG. Có người nói, ở Việt Nam có... 3 Bộ GD - ĐT cũng có cái lý của nó. Với mô hình này, nhà nước phải chi thêm một khoản kinh phí quản lý cho ĐHQG và ĐH vùng (hoặc cân đối trong tổng số kinh phí được cấp). Đây là khoản tiền rất lớn mà các trường thành viên thấy phi lý và chưa công bằng. Trong quá trình hoạt động cũng nảy sinh nhiều rối rắm, ví dụ như có nhiều nội dung các trường phải báo cả ĐH vùng, ĐHQG và Bộ GD - ĐT; nhiều cuộc họp ban giám hiệu trường thành viên và lãnh đạo của ĐHQG, ĐH vùng đều tham dự...

Hiệu quả của ĐH vùng, ĐHQG chưa rõ nét nên có người nhận xét cấp trung gian này thừa, là mô hình vừa che ô, vừa đội nón. Đưa ra một quyết định nào đó lúc này thật khó khăn nhất là với một mô hình mà tên gọi của nó trong Luật GD cũng không thấy nhắc đến. Còn những người đang chấp bút cho dự thảo Luật GDĐH cũng thấy lúng túng với ĐHQG và ĐH vùng.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Chuyện như đùa

Cập nhật lúc : 11:49 AM, 22/12/2010

(VOV) - Ngành Giáo dục vừa có một sự kiện thật mà như đùa. Đó là chuyện về phương án tuyển sinh.

Chẳng biết cơn cớ gì mà báo chí đột ngột rộ lên thông tin 2 đại học quốc gia và 4 trường đại học khác được Bộ giao GD&ĐT quyền tự chủ trong tuyển sinh năm 2011, có nghĩa là không theo “3 chung” nữa. Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM cùng 4 trường, gồm: Ngoại thương, Sư phạm, Bách khoa Hà Nội, Y Hà Nội …

Câu chuyện khá sôi nổi khiến cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ngày 17/12 phải lên tiếng đính chính rằng, sự thực không hẳn như thế, đấy chỉ là một sự hiểu nhầm. Bộ chỉ đề nghị 6 trường (được Bộ gọi là trọng điểm) cùng với Bộ nghiên cứu đề xuất ý tưởng về cải tiến tuyển sinh. Còn năm tới vẫn tuyển sinh theo “3 chung”.

Nói như vậy chẳng hoá ra 6 đơn vị đã hiểu sai nội dung công văn của Bộ? Công văn, một loại văn bản hành chính không cho phép được hiểu sai, thậm chí hiểu hai nghĩa, ấy thế mà các nhà soạn thảo viết thế nào mà lại để các trường không hiểu được tinh thần của Bộ?.

Nói thế bởi không chỉ một trường, mà cả 6 trường, khi trả lời báo chí đều thể hiện thái độ sẵn sàng (hoặc chưa) với việc giao quyền tự chủ tuyển sinh vào năm tới. Nếu nội dung công văn chỉ đề nghị phối hợp cùng Bộ nghĩ cách cải tiến tuyển sinh, có lẽ chẳng trường nào lại trả lời báo chí như vậy.

Thực ra vấn đề cải tiến tuyển sinh, giao quyền tự chủ, đổi mới quản lý… không mới. Bộ vẫn đang để trên bàn Đề án đổi mới tuyển sinh với chủ trương một kỳ thi. Nay lại xuất hiện một phương án khác ngược lại, phủ định hoàn toàn phướng án một kỳ thi mà chỉ hai năm trước thôi, Bộ thống kê có tới khoảng 70% số trường đồng tình.

Cứ cho là sau hai năm, hoàn cảnh đã thay đổi nhiều. Thực tiễn thay đổi cần có những cách làm khác, điều đó là tất yếu khách quan, nhưng muốn thay đổi cho đúng nên có tổng kết. Ba chung thực hiện đã được 8 năm, nếu muốn thay đổi cũng nên có 1 hội nghị toàn quốc đánh giá xem cái gì được và vẫn còn tồn tại.

Dư luận quan tâm sự kiện này bởi nó xuất hiện rất đột ngột. Nếu đúng là có sự gợi ý thay đổi cách tuyển sinh như báo chí đề cập chưa có tiền lệ. Bởi thông thường, mọi thay đổi về thi cử đều phải thông báo trước một năm. Trong khi đó, từ nay đến mùa tuyển sinh tới chỉ còn 6 tháng.

Theo thông tin đính chính lại của Thứ trưởng Bùi Văn Ga về sự việc này, thực chất đây mới chỉ là “lấy ý kiến đề xuất, quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước”, còn phải “báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng…”. Tuy nhiên, tới đây các trường có quyền đặt câu hỏi: Tại sao chỉ có 6 trường nói trên được đóng góp ý kiến về tuyển sinh mà các trường khác lại không? Trong đó có 3 đại học vùng, với hàng chục trường thành viên, lại ở 3 địa phương với những điều kiện kinh tế xã hội rất khác nhau?

Khó hiểu quá! Có lẽ thay vì giải thích này nọ, Bộ cứ đăng nguyên văn cái công văn gửi cho 6 đơn vị đại học kia lên mạng GD để mọi người hiểu./.
Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Xã hội học tập hay xã hội bằng cấp. Lạ cái bài này của TS. HN Vinh

11/12/2010 Đưng trên NĐBND
Sau 5 năm thực thi Luật Giáo dục năm 2005, việc công nhận chuyển đổi kết quả từ dạy nghề lên các trình độ cao đẳng, đại học đã được chính thức hóa bởi Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT - BGDĐT - LĐTBX

Việc công nhận kết quả học tập từ trình độ này sang trình độ khác, để miễn trừ cho người học không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã học ở trình độ trước đó là một lẽ tự nhiên vốn có của một hệ thống giáo dục. Song do sự chia cắt trong quản lý nhà nước về dạy nghề đã làm cho việc liên thông không diễn ra theo quy luật và quy trình giáo dục. Liên thông là cái việc đáng ra thuộc thẩm quyền các trường cao đẳng và đại học.

Liên thông từ trình độ thấp lên cao hay ngược lại nhằm tạo điều kiện cho người dân được học suốt đời, bổ sung thêm những giá trị, năng lực còn thiếu của người lao động để có thể thích nghi, đáp ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân và nhu cầu xã hội nói chung.

Có thể xem cơ chế liên thông nếu vận hành tốt sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ thống giáo dục mở, tạo nhiều điểm vào và ra khỏi hệ thống giáo dục cho người dân trong suốt cuộc đời lao động của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước còn thiếu việc làm so với số lao động dư dôi hàng năm, thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề, thiếu lao động có tay nghề...trong khi các trường nghề được đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người học nghề, thì liên thông có thể xem là giải pháp cứu cánh cho các cơ sở dạy nghề khỏi lao vào vòng phá sản do không tuyển được người học nghề.

Lẽ ra cơ quan quản lý về dạy nghề phải nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của việc kém hấp dẫn học nghề một cách khách quan để có thuốc trị hiệu quả (Trị bệnh trị tại căn), thì dường như lại xem “liên thông” là nguyên nhân chủ yếu để thu hút học sinh học nghề.

Xã hội vốn đã thừa bằng cấp đại học “rởm” từ các lò đào tạo tại chức, liên kết, liên thông, giờ đây dư luận lại nghi ngại việc liên thông sẽ làm gia tăng nhanh chóng hơn đội quân “bằng cấp rởm” và các trường đại học vốn cạnh tranh gay gắt về tuyển sinh sẽ trở thành các “xưởng sản xuất bằng cấp” do hạ thấp các tiêu chuẩn đào tạo, để chiều các “thượng đế liên thông”.

Như vậy, Thông tư về đào tạo liên thông từ dạy nghề lên đại học từ chỗ là cơ chế, là phương tiện để góp phần hình thành một xã hội học tập, thì vô hình trung trở thành mục đích cho phát triển dạy nghề để rồi dẫn đến đại học hóa tất cả người lao động – lấy ai làm thợ đây?.

Vấn nạn chất lượng đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học vẫn đang như những “ung nhọt” trong hệ thống giáo dục đại học, giờ đây thêm việc liên thông từ dạy nghề lên đại học, liệu Bộ GD - ĐT và Bộ LĐ - TB và XH dùng biện pháp gì và có dám đoan chắc trước xã hội rằng liên thông dạy nghề lên đại học sẽ diễn ra an toàn, hiệu quả và có chất lượng không? Bao giờ mới cân đối được cơ cấu trình độ nhân lực của đất nước?
TS Hoàng Ngọc Vinh
Print this IN
|
Email this Gửi bài này

Ngành giáo dục sẽ không còn “thế giới phẳng”?

(VOV) - Một sự kiện gây sự chú ý của cư dân mạng giáo dục là việc diễn đàn trên trạng mạng edu.net.vn ngừng hoạt động.

Khi mới dừng, truy cập vào trang này thấy hiện dòng chữ thông báo bằng tiếng Anh: “Diễn đàn tạm thời không thể truy cập”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dòng chữ ấy cũng mất luôn mà thay vào đó là thông báo: “Không thể tìm thấy địa chỉ.” Như vậy, dù chưa có thông tin từ phía ngành giáo dục, người ta cũng có thể đoán được sự ra đi lặng lẽ chưa biết ngày trở lại của diễn đàn edu.net.vn.

Tạp chí Times đã bình chọn khoa học người Anh Tim Berner-Lee là một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ XX. Bởi vì chính ông là người đã góp phần “làm phẳng” thế giới khi phát triển mạng toàn cầu - một hệ thống tạo ra, sắp xếp và liên kết các tài liệu để có thể dễ dàng truy nhập qua internet.

Và ngày 6/8/1991 - ngày mà địa chỉ web đầu tiên đã được Berner-Lee tạo ra và đưa vào hoạt động - đánh dấu mốc quan trọng của quá trình “làm phẳng” thế giới.(*)

forum trên trang mạng edu.net.vn không thể truy cập

Thật nhanh chóng, chỉ hơn 10 năm sau, ngành giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai hệ thống trang mạng giáo dục edu.net.vn, trong đó có mục diễn đàn.

Tuy nhiên, như đã nói, mục này vừa ngưng hoạt động mà không có bất kỳ lý do nào từ phía nhà quản lý. Phải chăng sự việc này không có gì to tát so với hồi chuông cảnh tỉnh về đào tạo tại chức của Đà Nẵng? Dẫu vậy, cư dân mạng giáo dục vẫn cứ thấy hụt hẫng. Phần đông thành viên của diễn đàn trên edu.net.vn đều là giáo viên. Khi hỏi tại sao mất diễn đàn? Tất cả thành viên chỉ láng máng đoán rằng: Nhiều thông tin quá nhạy cảm, cách phổ biến thông tin chưa thực sự nhã nhặn, khiên tốn…

Tuy nhiên, mọi người ngầm ý hiểu đã có một số nội dung tiêu cực được đăng tải trên diễn đàn. Hình như các nhà quản lý không vừa lòng nên yêu cầu Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, ngưng hoạt động diễn đàn?

Với mạng thông tin toàn cầu, con người có thể tiếp cận gần như mọi thông tin qua mạng mà không cần lệ thuộc truyền thông truyền thống Nhà nước như trước. Hơn thế, mọi người còn tham gia phổ biến thông tin. Những thành viên của diễn đàn edu.net.vn như những đứa con mất “nhà”. Họ đang lang thang và dự định dựng một “ngôi nhà” mới cho mình.

Thành viên của diễn đàn hầu hết là những người mà công việc của họ ít nhiều liên quan đến giáo dục. Bởi thế tiếng nói của họ đáng để xem xét lắm chứ. Nếu Bộ GD&ĐT nhận thức sâu sắc hơn điều này thì chắc hẳn, sẽ thận trọng hơn khi quyết định “đóng cửa” diễn đàn.

Trong kỷ nguyên thông tin, thời đại của internet, việc che dấu, bưng bít thông tin là việc làm khó khăn. Ngay cả những thư tín ngoại giao thuộc hàng tối mật còn bị trang Wikileaks phá bung và tung lên mạng.

Một ví dụ cụ thể là Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 lần thứ 25, vừa lấy ý kiến, sắp sửa trình Chính phủ cũng vậy. Trên các trang dự thảo đều in đậm dòng chữ tài liệu lưu hành nội bộ - không phổ biến. Nhưng với các phương tiện hiện nay thì dòng chữ đó đâu có nghĩa lý gì. Hơn nữa, đã là dự thảo, tức là nên có ý kiến đóng góp của xã hội, vậy hà cớ gì lại “không phổ biến”?

Trang diễn đàn trên mạng edu.net.vn thời gian qua đã có những tác dụng tích cực trong việc minh bạch thông tin, là diễn đàn để mọi người chia sẻ, thảo luận những vấn đề nóng bỏng của giáo dục. Mặt tiêu cực như vi phạm quyền con người, kích động nhằm mục đích xấu, ở những mức độ khác nhau, không phải là không có. Song, những vấn đề này người quản lý mạng hoàn toàn có thể xử lý. Không quản lý được thì cấm không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Quyền tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người đã được nhân loại thừa nhận. Thậm chí, có ý kiến khẳng định nó là quyền để thực hiện mọi quyền vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm và không thể kiểm tra bất cứ vấn đề gì; và tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân đều chỉ có thể đảm bảo thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền tự do thông tin(**).

Vì thế người ta hy vọng việc đóng cửa diễn đàn trang mạng giáo dục chỉ là tạm thời. Một ngày nào đó, diễn đàn sẽ quay trở lại. Điều đó là cần thiết và là cái tất yếu trong thế giới phẳng. Nếu làm tốt, diễn đàn này chỉ có lợi cho nền giáo dục nước nhà./.

(*)(**)PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Quyền tiếp cận thông tin - Điều kiện thực hiện các quyền con người và quyền công dân.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tẩy chay tại chức?

09/12/2010
“Phát súng” đầu tiên nã vào hệ tại chức của ngành GD vang lên từ Đà Nẵng khi thành phố thông báo từ năm 2011 tuyển công chức không chấp nhận ứng viên có bằng tại chức. Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đã nói rằng, quy định nói trên “nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”.

Thực ra không phải đến bây giờ cơ quan tuyển dụng mới “chê” người xin việc có bằng tại chức, mà nếu chịu khó xem thông báo tuyển dụng, ta thấy nhan nhản yêu cầu bằng ĐH chính quy. Song ở Đà Nẵng được xem là phát súng đầu tiên, vì tuyển dụng cho chức danh công chức nhà nước. Có người ủng hộ, có người phản đối. Lại có cả phái trung dung: ủng hộ nhưng đề nghị cần linh hoạt và mềm dẻo hơn.

Câu chuyện năng lực và bằng cấp xin bàn ở một bài khác. Ở đây chỉ nói về khía cạnh sự việc này tác động qua lại như thế nào đến GD và đào tạo hiện nay. Từ nay, sinh viên tại chức không chỉ phải tất bật vượt qua cái cửa ải là thi lấy bằng tốt nghiệp, mà còn phải qua cái barie quan trọng hơn, quyết định hơn, ấy là sự công nhận của cộng đồng, của xã hội. Bộ GD-ĐT có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, nhưng cho dù Cục này đánh giá thế nào đi nữa mà cộng đồng không chấp nhận thì cũng chẳng có tác dụng gì. Như vậy, giữa GD và xã hội bắt đầu có những quy định, ràng buộc và tác động tương hỗ. Nhận xét, đánh giá thì không bao giờ chấp nhận kiểu “con hát mẹ khen”.

Trong bối cảnh chất lượng GD chưa đáp ứng được yêu cầu, kiểm định, đánh giá của ngành đang ở những bước sơ khai và ngổn ngang thì sự tham gia đánh giá của xã hội là cần thiết. Bản thân ngành GD cũng đang cùng với xã hội đánh giá cơ mà (đánh giá ngoài).

Cái “nồi cơm” (tại chức) của các trường ĐH sẽ được (hoặc bị) cộng đồng giám sát chặt chẽ theo kiểu lạt mềm buộc chặt, chỉ đơn giản bằng cách: chấp nhận hay tẩy chay sản phẩm. Cộng đồng và doanh nghiệp sẽ là cơ quan kiểm định đánh giá vô tư và chính xác nhất chất lượng đào tạo.

Đây sẽ là bước khởi đầu để có thể tiến tới một doanh nghiệp hay một địa phương nào đó đăng thông báo tuyển dụng rằng: chỉ nhận sinh viên trường A, B... Khi đó, các trường muốn tồn tại buộc phải cạnh tranh lành mạnh và... hết sức tự giác. Đây có phải cũng là một phương pháp để giải bài toán chất lượng mà lâu nay làm đau đầu các nhà quản lý GD?

Đà Nẵng mới làm có vậy, và mới chỉ nhằm vào tại chức, trên thực tế nhiều cơ quan, doanh nghiệp không tuyển nhân viên qua việc kiểm tra bằng cấp, dù của trường ĐH nào, chính quy hay chuyên tu, tại chức... mà đã kiểm tra thực lực của người xin việc. Đấy còn là điều đáng báo động hơn cho ngành giáo dục.
Ngô Thiệu Phong

Giá trị như nhau nhưng chất lượng không thể giống nhau

(VOV) - Hiện nay, chúng ta vẫn đang quẩn quanh trong cái vòng: học để đi thi, thi rồi lấy bằng, có bằng mới xin được việc. Người ta phản đối lối học ứng thí, nhưng chính cách tuyển dụng lại cổ vũ và ủng hộ cho lối học như vậy.

Luật Giáo dục quy định bằng cấp tại chức và chính quy có giá trị như nhau. “Giá trị như nhau” có nghĩa là bình đẳng về mặt pháp luật, giá trị pháp lý. Việc các nhà quản lý xác nhận bằng cấp tại chức và chính quy có “giá trị như nhau” là nhằm thúc đẩy việc học tập ở mọi loại hình. Còn bằng tốt nghiệp của trường A chắc chắn phải có sự khác nhau về chất lượng so với trường B.

Bằng cấp xác nhận một cá nhân đã được đào tạo một chuyên ngành với hình thức đào tạo nào đó. Việc nhà tuyển dụng muốn đưa ra tiêu chí như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc là quyền của họ. Nếu như có một văn bản nào đó yêu cầu buộc cá nhân hoặc tổ chức phải chấp nhận bằng này bằng kia trong tuyển dụng là không hợp lý, cho dù cái việc bắt buộc ấy xuất phát từ động cơ tích cực. Cách đây 4 năm, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng đề xuất buộc tất cả công nhân, nhân viên ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có chứng chỉ nghề. Quy định này nhằm phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, giúp phân luồng, giảm áp lực vào đại học (ĐH)… Tuy nhiên, sau 4 năm, đề xuất ấy vẫn chưa thể thực hiện.

Việt Nam chủ trương tiến đến một nền ĐH đại chúng và phân tầng chất lượng thì mặc nhiên đã thừa nhận có nhiều tầng bậc chất lượng ở ĐH, phục vụ cho nhiều đối tượng với những nhu cầu nâng cao trình độ khác nhau. Khi chất lượng đào tạo không giống nhau thì chất lượng tấm bằng đương nhiên khác nhau, bằng của hệ tại chức là một trong số đó.

Chúng ta không tường minh trong việc này nên dẫn tới nhiều hệ luỵ. Ví như học phí, một mức học phí cào bằng cho tất cả các trường là bất hợp lý. Trường đào tạo tốt, nếu phải đóng học phí, thì mức đóng đương nhiên phải cao để bù đắp chi phí.

Trước đây, khi chưa có sự thay đổi trong tuyển dụng giáo viên, các trường phàn nàn về cách lấy bảng điểm và mức tốt nghiệp (trung bình, khá, giỏi) của sinh viên sư phạm làm căn cứ chính để tuyển dụng. Nhiều trường nhận xét: Sinh viên bằng giỏi trường A chưa chắc đã bằng em tốt nghiệp trung bình của trường B… Chính cách tuyển dụng này đã đẻ ra đủ kiểu “chạy” thầy, lo lót để được điểm cao, bằng khá... Vô hình chung, cách tuyển dụng đã ít nhiều tác động tiêu cực đến quá trình đào tạo.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang quẩn quanh trong cái vòng: học để đi thi, thi rồi lấy bằng, có bằng mới xin được việc. Người ta phản đối lối học ứng thí, nhưng chính cách tuyển dụng và cái lô cốt biên chế suốt đời, sống lâu lên lão làng… lại cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình cái lối học ứng thí kia.

Cách đây mấy năm, ngành Giáo dục có khẩu hiệu: “Nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội” thì nay đã có đơn vị dũng cảm lên tiếng. Có bằng tại chức nhưng chưa chắc đã xin được việc cho dù nó được bảo hộ bền vững bằng cái mác “giá trị như nhau”. Cái mắt xích cuối cùng (bằng cấp và việc làm) trong cái vòng tròn luẩn quẩn ở trên đã bị phá vỡ. Đây phải chăng là tiền đề để tiến tới tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự của từng cá nhân?./.
Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Tiếp thị ở trường học: Nên hay không?

(VOV) - Nhà trường là địa hạt đặc biệt mà ở đó cần phải giám sát chặt chẽ và có những quy định cụ thể cho hoạt động tiếp thị. Bởi môi trường sư phạm cần phải thực sự trong trẻo và thuần khiết.

Gần đây trên báo chí xuất hiện loạt phóng sự viết về bữa cơm của học sinh bán trú tại một số trường ở TP HCM. Báo viết về tỷ lệ phần trăm hay còn gọi là “hoa hồng” mà các nhà cung ứng suất cơm trưa cắt lại cho những người có trách nhiệm rất lớn.

Còn ở Hà Nội, tôi biết có trường tiểu học, nhà thầu gần như cho không cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bữa trưa. Nói “gần như” là bởi mỗi người chỉ đóng có vài ngàn tượng trưng.

Về bản chất thì việc cắt “hoa hồng” hay bán kiểu cho không xuất cơm trưa là như nhau. Đều là bớt xén xuất ăn của các cháu chứ chẳng doanh nghiệp nào chịu lỗ.

Hiện nay nhiều trường có quyền “kiêu” với nhà cung ứng dịch vụ cơm trưa cho học sinh, chẳng biết vì cung vượt quá cầu hay dịch vụ này hái ra tiền. Một ngày, có trường tiếp đến vài ba đoàn tiếp thị. Mà cũng đúng thôi, “kiêu” thì mới tự cho mình cái quyền ra giá tỷ lệ “hoa hồng” chứ. Có lần đến làm việc với một trường tiểu học, gọi mấy câu mà bác bảo vệ vẫn làm ngơ. Mãi sau bác mới phân trần: Tôi cứ tưởng hội tiếp thị cơm trưa.

Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn tại sao các cháu về hay đòi bố mẹ mua các loại bảo hiểm, rồi đòi học võ, học vẽ; mua các loại ấn phẩm khác nhau… Phải chăng cũng vì cái nạn tiếp thị thô bạo này trong trường học?

Tại Hội nghị triển khai đề án trường chuyên, khi chuẩn bị bước sang phần thảo luận thì ban tổ chức cho doanh nghiệp lên quảng cáo sản phẩm. Thời gian hội nghị 1 ngày, rút xuống còn buổi sáng, lại mất 30 phút quảng cáo, thử hỏi đến gần trưa có ai còn muốn thảo luận nữa? Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn ở chỗ nó làm giảm đi không khí trang nghiêm và long trọng của một hội nghị mà Thứ trưởng và nhiều Vụ trưởng chủ trì. Và, sẽ là thiếu tôn trọng nếu như việc nghe quảng cáo không phải là nhu cầu của tất cả đại biểu tham dự.

Cách đây không lâu, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 bậc trung học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại biểu cũng phải mất khá nhiều thời gian cho một doanh nghiệp máy tính cầm tay: Nào là giới thiệu sản phẩm, trao thưởng, phát động cuộc thi giải toán trên máy tính…

Nhiệm vụ năm học thì bộn bề, đại biểu lên đóng góp ý kiến thì chủ toạ luôn nhắc “phát biểu ngắn gọn thôi” làm cho đại biểu lúng túng, khó xử, cảm thấy như mắc lỗi. Trong khi đó ban tổ chức hào phóng dành thời gian để doanh nghiệp quảng bá cho hoạt động và sản phẩm của mình thì lại chẳng thấy nhắc nhở gì về thời gian?!

Đại biểu ở các địa phương về dự hội nghị ở Bộ còn thấy tiếp thị suồng xã và náo nhiệt như thế, chả trách, về địa phương, họ sẵn sàng mở toang cổng trường đón nhân viên tiếp thị từ giấy vệ sinh cho tới tăm tre, chổi chít của người mù.

Chấp nhận cơ chế thị trường tức là chấp nhận nhiều chiêu thức tiếp thị, quảng cáo. Ngành Giáo dục với số lượng học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên đông đảo vào bậc nhất luôn là thị trường hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Nhất là khi giáo dục lại đang được sở hữu nhiều dự án với lượng kinh phí không nhỏ. Bởi thế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chú ý tới lĩnh vực giáo dục là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nhà trường là địa hạt đặc biệt mà ở đó cần phải giám sát chặt chẽ và có những quy định cụ thể cho hoạt động tiếp thị. Bởi môi trường sư phạm cần phải thực sự trong trẻo và thuần khiết. Bộ GD-ĐT trước hết hãy làm gương. Đừng để chuyện bán mua sống sượng diễn ra trước đôi mắt thơ ngây, trong trắng của học trò./.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Bạo hành là do… xã hội hoá?

Hình ảnh trong clip bạo hành trẻ em ở Bình Dương
(VOV) - Những bất cập trong việc công nhân không tìm được chỗ gửi con một phần do Quyết định số 20 của Bộ GD-ĐT?

>> Nhức nhối clip bảo mẫu bạo hành trẻ em

Liên quan tới những vụ bạo hành trẻ, trao đổi với VietNamNet (30/11/2010), bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết “những bất cập trong việc công nhân không tìm được chỗ gửi con một phần do Quyết định số 20 của Bộ GD-ĐT ngày 24/6/2005 phê duyệt đề án quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005-2010: Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở thành phố. Tiến đến đưa 70%-80% tỷ lệ trẻ mầm non học ở các cơ sở ngoài công lập.

Từ nghị quyết này, trường công đã giảm đi và các trường tư thục mọc lên như nấm. Học phí trường công chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng (chưa tính tiền ăn). Trong khi đó, trường dân lập lại rất nhiều khoản thu, khó quản lý, học phí cao ngất ngưởng. Những trường tư thục dần trở thành nơi học của con, em các gia đình khá giả. Suy cho cùng, người chịu thiệt vẫn là con dân nghèo”

Nói đầy đủ, Quyết định 20/2005 của Bộ GD-ĐT là quyết định về Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010”. Theo nội dung của đề án thì không chỉ mầm non mà các bậc học khác cũng có những tỷ lệ học sinh nhất định phải chuyển ra ngoài công lập (1% , 3,5% và 40% tương ứng với các cấp tiểu học, THCS và THPT). Quyết định 20/2005 của Bộ GD-ĐT yêu cầu đến năm nay – 2010, tỷ lệ học sinh học ở các trường mầm non ngoài công lập phải đạt 70% - 80% .

Với yêu cầu như vậy thì đương nhiên địa phương sẽ cân đối trong việc quy hoạch mạng lưới các trường mầm non. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm thiếu các trường mầm non công lập, đặc biệt là ở các khu công nghiệp?

Nếu quả thực vấn đề phát sinh như bà Thanh nói, nếu không có những thay đổi về chính sách, thì không chỉ thiếu trường mầm non công lập mà việc triển khai phổ cập mần non cho trẻ 5 tuổi - một nhiệm vụ lớn của ngành trong năm nay - sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây phải chăng là những hệ luỵ của chính sách xã hội hoá giáo dục trong bối cảnh người dân còn nghèo, năng lực giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo như hiện nay?./.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Ngành giáo dục chống “tắc luồng” và lãng phí- Gia Bảo về dạy nghề

(Toquoc) – Tại cuộc hội thảo về các biện pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) được tổ chức mới đây nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về tình trạng phân luồng học sinh không tốt sẽ gây lãng phí lớn cả về thời gian lẫn tiền bạc và quy mô, chất lượng nguồn lao động Việt Nam.

Phân luồng THCS bị “tắc”

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho hay, trong khoảng thời gian từ 2002-2007 mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc văn hóa, một phần vào học trong các trường dạy nghề, hoặc trung tâm dạy nghề, một số học các trường trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo lấy một nghề.

Nếu tính cả số học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt ĐH, CĐ mỗi năm thì con số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp hàng năm sẽ lớn tới hàng trăm ngàn người/năm. Đối với THPT, năm học 2006 – 2007 cả nước có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở dạy nghề. Năm học 2007 – 2008 con số này là 156 nghìn.

Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp, năm 2006-2007 tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề chiếm 3,1%, vào học TCCN chiếm 1,4%. Năm 2007-2008 tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề là 2,5% và học TCCN chiếm 1,8%. Học sinh tốt nghiệp THCS không đi học gì chiếm một tỷ lệ lớn 19,1% năm 2006-2007 và 17,5% năm 2007-2008.

Phân luồng học sinh sớm sẽ tránh được lãng phí cho xã hội (Ảnh: T.Nghị)

Phân luồng tại các tỉnh khó khăn do học nghề khó xin việc, nhưng ở các đô thị lớn cũng không đơn giản gì. Theo bà Tạ Song Hà, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, phân luồng sau THCS ở đây gần như bị “tắc”, các gia đình luôn muốn con em học theo một đường: tốt nghiệp THCS - THPT – ĐH, không học nghề.

“Với học sinh THPT, năm 2008 học sinh trượt tốt nghiệp của Hà Nội lên đến hàng nghìn nhưng tại tất cả các trường TCCN của thành phố chỉ “đón” được 448 học sinh” – bà Hà than thở.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận thì lo lắng bởi không hề đơn giản và phút chốc thay đổi được thái độ chuộng bằng cấp của xã hội. “Chính các vị cán bộ như chúng ta liệu có để con đi học TCCN hay không? Hay là cứ phải cho con vào ĐH?” – ông Hiến nói và cho rằng, để thay đổi được tư duy cần sự chuyển biến dần dần.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận nguyên nhân yếu kém là công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn kém, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng… Chưa kể các yếu tố như tư tưởng của xã hội vẫn còn chuộng bằng ĐH, việc làm cho học nghề chưa ấn tượng…

Lãng phí

Để đáp ứng được mục tiêu thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề giai đoạn 2010-2020, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cần phải làm rõ mục tiêu phân luồng là gì.

Hiện nay với bậc THPT, sau khi tốt nghiệp có tới 44% vào ĐH, CĐ, trong khi các nước khác chủ yếu là khoảng 30%. Cách phân luồng này gây lãng phí lớn cho xã hội.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho hay, hàng năm cục này xử lý dữ liệu kỳ thi THPT và ĐH, CĐ, ở mức độ khái quát, các địa phương có thể nhìn vào các dữ liệu này để phân tích xu hướng của học sinh địa phương đó.

“Tôi thấy ngay cả Hà Nội nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH cao thì vẫn còn nửa số thí sinh đạt dưới điểm trung bình, nhiều em chưa đạt mỗi môn một điểm tức vẫn có vấn đề khi các em chọn vào THPT học, tỷ lệ này chiếm khoảng 15% của Hà Nội” – ông Ngọc cho biết và thực tế, các địa phương khác, rất nhiều phổ điểm lệch hẳn về mức 3-4 điểm thi, như vậy phân luồng có vấn đề, để các em học 3 năm học phổ thông là quá lãng phí.

Ông Ngọc cũng gợi mở hướng suy nghĩ khác khi cho rằng, thực tế có một loại phân luồng tự nhiên. “Chúng ta không thể cứ bắt các cháu phải học trường nghề này, trường nghề nọ nhưng nhà em đó có nghề truyền thống thì việc gì phải đi học ở đâu con số 17-18% ở trên không có gì quá bức xúc. Cả nước đi học thì ai làm nghề truyền thống?” - ông Ngọc hỏi và cho rằng, cần có định hướng về phân luồng tự nhiên.

Ông cũng đề xuất, Bộ có kho dữ liệu video học nghề, học sinh lên mạng tự tải về để học, tiết kiệm cho xã hội.

Trong khi đó, vấn đề liên thông trường nghề lên CĐ, ĐH, có ý kiến cho rằng không nên đặt ra quá nặng nề. Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục dạy nghề, liên thông phụ thuộc vào nhu cầu, anh thợ điện nếu chỉ muốn làm nghề, thì chỉ cần học trung cấp, tới khi anh có khả năng tích lũy thành ông chủ lúc đó mới học về quản lý, lúc đó mới tạo điều kiện cho liên thông. Nhưng về đa số, quan trọng nhất là học nghề xong phải có việc làm chứ không thì chả ai đi học nghề, tạo nhiều cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Gia Bảo