Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Cảm xúc đang nghèo đi?





Có lần về quê tôi khoe được đi đu quay ở Bà Nà. Các bá nói già rồi còn cưa sừng làm nghé, ai lại đi chơi cái trò trẻ con. Chẳng biết giải thích thế nào, đành cười trừ.

Để ý mà xem, người lớn mua vé chơi các trò mạo hiểm còn đông hơn con trẻ. Họ muốn tìm kiếm cái cảm giác rơi tự do, lộn tùng phèo, hoặc phải đối mặt với hồn ma, ác thú và quỷ dữ. Kết thúc trò chơi, dẫu mặt cắt không còn giọt máu, thậm chí són cả ra quần, vậy mà vẫn có người nói cứng: Sướng lắm, sướng lắm!

Cái gì khiến họ tim đập chân run mà vẫn “sướng” nếu chẳng phải cái cảm xúc lạ lẫm mà hàng ngày họ không có điều kiện trải nghiệm. Vì thế mới cần trò chơi mô phỏng, tạo tình huống gây cảm xúc.

Hiện nay có người thích làm đám cưới dưới nước, có kẻ thích du lịch trên cung trăng, suy cho cùng cũng là đi tìm cảm xúc mới mẻ.

Ở góc độ tinh thần, cuộc sống là sự trải nghiệm của những cảm xúc. Đi tìm những cảm xúc mới mẻ là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, đổ xô đi săn lùng những cảm xúc mới lạ ấy bằng mọi cách, kể cả thiếu trong sáng, thiếu lành mạnh thì đương nhiên sẽ dẫn tới một xã hội hỗn độn, xô bồ, nhiều mảng tối?   

Ở mấy nước nghèo có đại gia trưng xe bạc tỷ để được hưởng cái cảm xúc hãnh diện trước những ánh nhìn thèm thuồng, ngưỡng mộ; mấy cậu choai choai đầu trần đua xe trên phố, thừa biết rú ga có thể lao vào chỗ chết nhưng vẫn liều để kiếm tìm một thứ cảm xúc của những yêng hùng xa lộ.

Một bộ phận cán bộ tha hóa hôm nay có nguyên nhân từ tâm lý công thần, tự cho mình cái quyền đòi lại tuổi xuân, truy lĩnh cái chưa được hưởng trong quá khứ. Có lẽ đấy cũng là một cách đi tìm những cảm xúc dục tính thời tuổi trẻ mà ai đó nghĩ rằng nó đã bị vung vãi một cách bất công nơi rừng xanh núi đỏ.

Lại có vị lưu luyến ánh hào quang ảo do chức tước đem lại nên nấn ná, quyết giữ “ghế” để duy trì cái cảm xúc được trọng vọng, được thần phục.

Đi tìm những cảm xúc khác nhau luôn tồn tại hai thái cực như thế. Thực ra thì cảm xúc khác lạ đâu chỉ xuất hiện thông qua trải nghiệm thực tế. Đâu nhất thiết cứ phải là ăn mày hoặc đế vương thì mới biết họ nghĩ gì. Có nhiều cách để người ta kiếm tìm cảm xúc. Ví như thế hệ hậu sinh chưa nhìn thấy B52 và sống trong 12 ngày đêm máu lửa. Thế nhưng nếu được đọc truyện, thăm bảo tàng, xem các thước phim tư liệu… thì cảm xúc đau thương, hào hùng một thời vẫn trào dâng trong lòng mỗi người đấy thôi.

Song, buồn thay! Những giá trị nhân văn bền vững, những món ăn tinh thần giúp bồi bổ và làm giàu thêm xúc cảm của con người như thế đang bị xem nhẹ, thậm chí lãng quên. Người ta tuyệt đối hóa các môn tự nhiên và ngành kỹ thuật, coi các môn xã hội là vớ vẩn; người ta phẩy tay cười khẩy với những hành vi cao thượng và nhân ái trong cuộc sống, cho là dở hơi. 

Tâm hồn và tình cảm nếu nuôi dưỡng bằng một thứ thực phẩm thực dụng nặng về đổi chác, sòng phẳng một cách trắng trợn thì cảm xúc nghèo đi là điều hiển nhiên. Nghèo nàn về xúc cảm thì tìm đâu ra lòng trắc ẩn, vô cảm là cái chắc! Rồi sau đó lại có kẻ dùng đủ mọi cách lố bịch, thô bỉ và trơ trẽn để đánh đổi lấy những cảm xúc được sống trong ánh hào quang ./.   

Ngô Thiệu Phong


       
    






Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Gặp tiếng Hà Nội “xịn” ở Nam Ninh






Sõi tiếng Việt thì có nhiều nhưng nói tiếng Việt đúng kiểu người Hà Nội, thì lâu lắm rồi, kể từ ngày bà nội mất, đến chuyến công tác ở Đài phát thanh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa rồi tôi mới lại được nghe. Trớ trêu thay: được nghe tiếng Hà Nội qua một phiên dịch tiếng Trung.

Đấy là cách nói nhẹ nhàng, chậm rãi, không dùng tiếng lóng, không bộc lộ cảm xúc thái quá. Một câu phát ra, cho dù là giao tiếp bằng lời, nhưng đúng ngữ pháp, đủ các thành phần. Và chỉ nói sau khi người đối thoại đã chấm dứt hoàn toàn câu hỏi hoặc câu đối thoại của mình. Thoạt nghe có vẻ rườm rà, nhưng càng nghe càng để lại ấn tượng.    

Khuôn mặt trầm tư, kín đáo và ánh mắt bí hiểm của người phiên dịch khiến tôi nhiều lần phải từ bỏ cơ hội hỏi về gốc gác, chỉ biết ông tên là Cường. Tôi vờ khoe về phở gà Hà Nội, những quán ngon có tiếng mà bà nội tôi từng kể, mắt ông Cường rực lên vài tia sáng lấp lánh. Nghe đâu ông sinh ra và lớn lên ở giữa những con phố cổ Hà Nội.

Với ông Cường, món phở gà có thể chỉ còn là hoài niệm, nhưng cái thứ tiếng, cái chất giọng ông nói thì hiện hữu, không chuội đi đâu được cho dù trải qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.

Cuối năm 1978, tôi vào Sài Gòn, được gặp một số người Bắc lớn tuổi di cư năm 1954, họ cũng có chất giọng và cách nói rất Hà Nội cho dù họ sinh hoạt với cộng đồng người phía Nam một thời gian khá dài.  

Thực ra cũng chưa có văn bản nào xác nhận tiếng Hà Nội là chuẩn mực. Có lẽ người ta mặc định tiếng thủ đô? Nhưng điều tôi muốn bàn ở đây là lời ăn tiếng nói của người Hà Nội nói riêng, tiếng Việt nói chung đã thay đổi nhiều. Việc này hiển nhiên vì ngôn ngữ có đời sống của nó. Nhưng thay đổi theo hướng biến dạng và méo mó thì không thể chấp nhận.

Cách đây vài hôm tôi được tham dự buổi làm việc với đoàn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bàn về Luật Báo chí. Các vị bên Ủy Ban nói đã đi vài báo, thu được nhiều ý kiến.

Nghe qua thấy các ý kiến đều cấp bách và hệ trọng. Thế nhưng Luật báo chí  cũng yêu cầu nhà báo: “Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam” (Điều 6) thì chưa thấy báo nào nhắc tới.

Thực ra cách đây vài năm một số báo đã có loạt bài lên tiếng báo động “tiếng Việt bị xâm lăng”, song chưa đủ mạnh. Và cũng chẳng thể mạnh được vì bản thân báo chí còn lúng túng khi xử lý một số việc liên quan đến ngôn ngữ. Tình trạng viết, nói xuê xoa, dễ dãi, đến mức cẩu thả trên một số báo diễn ra ngày càng nặng nề mà chẳng ai lên tiếng. Người dân thì cứ tưởng báo viết, đài nói là chuẩn nên hồn nhiên hùa theo thành một trào lưu khó cưỡng.  

Tình hình diễn biến ngày càng tệ nên 21/12 vừa qua, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. Được biết các nhà ngôn ngữ học đã họp vài lần, có kiến nghị trình Quốc Hội ra Luật Ngôn ngữ từ nhiều năm trước nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Đất nước đang có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhưng mọi việc đều phải tiến hành đồng bộ, chẳng thể xem nhẹ hoặc để dành phần việc nào. Mất ngôn ngữ là mất văn hóa. Chúng ta đã khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế” thì hãy chăm lo cho nó đi!

Ngôn ngữ là công cụ để tư duy. Vì thế chẳng ngạc nhiên khi GS toán học Ngô Bảo Châu lại có thể diễn đạt một cách thanh thoát, súc tích, dễ hiểu trên blog của mình đến vậy.

Một vài người làm công tác nghiên cứu nói với tôi là tra cứu, tìm các tài liệu quý hiếm về Việt Nam ở nước ngoài còn dễ hơn, thuận tiện hơn và đầy đủ hơn trong nước. Chẳng biết vì tiếp cận khó khăn hay do thiếu thốn, nhưng để người dân đi tìm giá trị của chính quốc gia mình ở một nơi khác thì…buồn lắm!

Ông Cường, người phiên dịch ở Đài Quảng Tây đã gần 60, cái tuổi có thể gọi là gần đất xa trời. Tôi giật mình. Với những giá trị trên hiện vật còn có thể lưu trữ và tìm lại được chứ mất ngôn ngữ là mất luôn, mất hết./. 

Ngô Thiệu Phong
  

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Miền giá trị





Một hôm tôi sửng sốt khi đứa con gái 5 tuổi bất ngờ bật lên vài câu hát ngô nghê: Ộp - pờ gang - nam xài (Oppan Gangnam Style). Câu hát khiến tôi nghĩ đến ca sỹ người Hàn Quốc Park Jea Sung (PSY) béo tốt, chải chuốt với điệu nhảy ngựa làm điên đảo thế giới. Đến Britney Spear, ngôi sao nhạc pop của Mỹ cũng phải ngạc nhiên, rồi Tổng thư ký LHQ Ban - Ki - Moon trước ống kính truyền hình cũng bắt chước vài động tác nhảy ngựa của PSY.

Tôi thuộc thế hệ trên 40, không quan tâm lắm và thú thực  chẳng hiểu gì  pốp, ráp của giới trẻ. Nhưng rõ ràng xem PSY thì thấy điệu nhảy ngựa ấy đúng là của PSY, không lẫn vào đâu được.

Anh chàng PSY sáng tạo ra nhảy ngựa, mang dấu ấn cá nhân, xứng đáng được ngượng mỗ. Đấy là giá trị chúng ta phải tôn trọng.  Cái dấu ấn sáng tạo rất rõ, phải chăng vì thế mà đến ngay cả đứa  bé 5 tuổi nói chưa sõi cũng “Ộp-pờ gang-nam xài”? Nếu PSY có nhại lại vài động tác của Michael Jackson thì chắc không bao giờ qua mặt nổi ông vua  nhạc pop này và chẳng để lại tiếng tăm đến thế. Chính vì thế nên pop vào một nước á Đông như Hàn Quốc đã bị đồng hóa thành K-pop (Korean pop)?

Còn pop vào nước ta thì không Việt hóa thành V-pop mà lại thành…fan cuồng. Xin lỗi, tôi không định kiến mà chỉ chưa tìm được từ nào chính xác hơn  để chỉ một số người hâm mộ quá lố. Đến trầm tĩnh và sâu sắc như nhà thơ Đỗ Trung Quân (thấy fan cuồng kêu khóc thảm thiết khi gặp các nữ ca sỹ xứ Hàn) đã phải thốt lên đừng bao giờ “rơi lệ cho những thứ tào lao” trong bài thơ nhan đề “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất”.

Tôi thuộc thế hệ đàn em của anh Quân, những người đã đánh đổi xương máu để bảo vệ mảnh đất này. Những tôi cũng là “thế hệ của sổ gạo”, thế hệ nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt mẹ cha khi không còn bom rơi đạn nổ. Và quan trọng hơn, tôi có thể sẻ chia và đồng cảm với tóc xanh tóc đỏ, với quần chùng áo dài của hip-hop; cố gắng lắng nghe những đoạn rap như cãi vã mà chẳng phiền lòng hỏi rằng sao chúng mày không hát chầu văn. Tôi chỉ buồn là một số đã hướng tới những miền giá trị có rất ít giá trị.

Trong cuộc sống, mỗi người tự đề ra và xây dựng cho bản thân một miền giá trị. Thiếu niên phương Tây muốn khẳng định là công dân toàn cầu, coi việc đi khắp thế giới ngõ hầu trải nghiệm để hình thành nhân cách;  thương gia, những người giàu mới nổi thì lấy thú sưu tập xế  “khủng” để tạo dựng vị thế, tiếng vang; GS Ngô Bảo Châu coi việc giải Bồ đề làm đích sống, là cách thức đóng góp cho nhân loại…

Những người yêu sách thì coi sách là nhất, kẻ chơi chim, chơi đồ cổ thì coi món đồ và thú cưng của mình là giời, chẳng gì sánh bằng. Dẫu sao tất cả những cái đó đều có ý nghĩa nhất định. Còn tôn thờ đến cực đoan, điên loạn một hình mẫu nào đó thì cần xem lại.

 Song, suy cho cùng cũng chẳng thể trách các em. Lỗi không hoàn toàn ở các em khi mà chúng ta không biết làm gì để có một V-pop đáng tự hào như K-pop. Đến một chỗ chơi tử tế, lành mạnh cho con trẻ thu xếp còn chật vật thì chẳng phải là quá xa xỉ khi nói tới hai từ: lý tưởng và lẽ sống? Bậc làm cha làm mẹ nào chẳng muốn hướng con mình tới những giá trị đích thực nhưng hình hài của chúng ra sao trong cuộc sống hôm nay?

Ngay trong nhà trường, chúng ta cũng chưa dạy được tính tự giác, tự trọng, tự tin, tự tôn để các em nhận thức được tự do ngay từ tấm bé. Có lẽ  phải biết tôn trọng những giá trị của mình, hòa giá trị ấy vào những giá trị chung của cộng đồng thì mới dám quên đi cái tâm lý thần phục, hoang tưởng hão huyền.