Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Hạn chế hút thuốc: Cần một cách tiếp cận mới.

Một công trình nghiên cứu nghiêm túc của một GS nước ngoài đã chứng minh rằng, càng hút thuốc lá thì “thằng nhỏ” của các quý ông càng bé đi. Tôi đem tờ báo đến cho một ông thâm niên 30 chục năm nghiện thuốc xem. Ông này đọc hết rồi cười khẩy, chìa tờ báo trả lại tôi ra vẻ dửng dưng, nói chưa gì chú đã lo. Nói cứng vậy, nhưng quan sát nét mặt, thấy ông cũng thoáng chút ưu tư như đang lục tìm một cái gì từ quá khứ.

Hàng ngày ông ấy mân mê bao thuốc lá có dòng chữ “Hút thuốc gây ung thư phổi” mà chẳng bộc lộ chút cảm xúc gì. Đến bận trên bao thuốc in hình bộ răng lởm chởm, ám khói, lá phổi đen xì và cái đầu lâu gớm ghiếc thì ông ấy phì cười. Nhưng khi khẳng định “của quý” sẽ hao đi theo từng điếu thuốc thì ông ấy lo thật. Có lẽ ông ấy lo cho “đối tác” nhiều hơn cho bản thân?
Nhiều khi truyền thông “đánh” trực diện vào đối tượng chẳng nhằm nhò gì trong khi chỉ cần khẳng định việc làm của anh sẽ ảnh hưởng đến người thân yêu lại được việc.

Trước đây, chưa có hố xí tự hoại, quê dùng loại hai ngăn, thành phố dùng hố xí thùng, lại còn dùng chung nữa. Khỏi nói mọi người cũng biết mùi của nó thế nào. Mùi thế nên bọn trẻ có “sáng kiến” dùng ngón trỏ và ngón cái bịt chặt mũi lại, há mồm ra thở. Một hôm thầy giáo giảng, khi hô hấp, mũi giúp lọc khí độc, bụi bẩn…, mồm chỉ để ăn. Từ bữa ấy, vào nhà xí, bọn trẻ bịt mồm thay vì bịt mũi.

Bây giờ mùi khó chịu giảm đi nhiều vì có tự hoại. Thế nhưng vẫn có ông cầm theo điếu thuốc vào rít lấy rít để, phun khói mù mịt với hy vọng xua tan uế khí. Cũng là một dạng bịt mũi há mồm ra thở. Ông này chắc chưa kịp chết vì thối thì đã ngoẻo vì khói.

Hút thuốc là một thói quen. Thói quen nhiều khi vô thức. Khi ý thức được đầy đủ, một số người sẽ thay đổi hành vi.

Một hôm tôi đang làm việc với hiệu trưởng một trường ĐH ở miền Trung thì có tiếng gõ cửa. Một thầy giáo bước vào, trên tay cầm tờ 50 chục ngàn, nói thưa hiệu trưởng, em nộp phạt vì vừa hút thuốc và chuẩn bị hút thuốc nơi công cộng. Ông hiệu trưởng tròn mắt rồi bất chợt cười khà khà, nói mi nộp tau, tau biết nộp mô!

Việc ấy diễn ra năm ngoái, khi chỉ thị cấm hút thuốc nơi công cộng của Thủ tướng có hiệu lực. Khái niệm công cộng là khu vực nào, ai phạt, nộp phạt cho ai… hình như chưa rõ nên cái quyết tâm chính trị của chính phủ về cấm hút thuốc cũng đành… để đó.

Hạn chế hút thuốc nơi công cộng nên tiếp cận và tác động ở khu vực cung hay cầu cũng là một vấn đề mà Dự thảo Luật phòng chống tác hại thuốc lá đang xem xét.

Còn nhớ thời bao cấp, miền Bắc có thuốc lá Điện Biên, Thủ Đô…; trong Nam có Mai, Đà Lạt…Hồi đó nhiều người tiện chuyến vào Nam cũng cố vác theo vài cân thuốc lá sợi Lạng Sơn vàng óng bán kiếm lời. Trên đường, nhân viên thuế và quản lý thị trường lục soát thấy là bị tịch thu sạch. Nhiều người bị phát hiện, mất hết, xót lắm! Thế nhưng chẳng hiểu sao, từ mọi nẻo đường, thuốc lá sợi Lạng Sơn vẫn cứ hiện diện ở mọi ngõ ngách. Nhờ đó mà phong trào quấn thuốc lá sợi để thêm thu nhập trong cán bộ, công nhân, viên chức ở thập kỷ 80 sôi nổi chưa từng thấy.

Thời đó nền kinh tế vận hành sai quy luật, đã đành. Ngày nay, một quy luật cơ bản của kinh tế thị trường là có cầu ắt có cung. Do đó chặn cung chỉ là biện pháp hỗ trợ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có những chế tài mạnh mẽ, nhằm hạn chế nhu cầu, hiệu quả hơn là đưa ra các biện pháp ngăn chặn sản xuất và cung ứng thuốc lá. Dĩ nhiên không quốc gia nào khuyến khích mở rộng sản xuất trong lĩnh vực này./.


Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Trong nhà vệ sinh.

Nhà tôi ở gần sân bay Gia Lâm. Hồi bé, hễ thấy máy bay bay qua là vẫy, hy vọng chú phi công nhìn thấy. Mấy đứa nghịch ngợm còn tụt quần, chổng đít lên trời, vỗ mông bẹt bẹt gây sự chú ý. Đêm về một mực nghĩ họ đã thấy mình. Đúng là trẻ con ấu trĩ!

Xưa, chưa có hố xí tự hoại. Quê dùng loại hai ngăn. Thủ đô ngàn năm văn hiến dùng hố xí thùng, lại còn dùng chung nữa. Khỏi nói mọi người cũng nhớ mùi của nó. Mùi thế nên bọn trẻ có sáng kiến dùng ngón trỏ và ngón cái bịt chặt mũi lại, há mồm ra thở. Một hôm thầy giáo giảng, khi hô hấp, mũi giúp lọc khí độc, bụi bẩn…, còn mồm chỉ để… ăn. Thế mà đứa nào vào nhà xí cũng há mồm ra… thở. Quá bằng ăn…còn gì? Đúng là ngu hơn cả việc tụt quần chổng mông cho mấy chú phi công nhìn!

Bây giờ mùi khó chịu giảm đi nhiều vì có tự hoại. Thế nhưng vẫn có ông cầm theo điếu thuốc vào rít lấy rít để, phun khói mù mịt với hy vọng xua tan uế khí. Cũng là một dạng bịt mũi há mồm ra thở thôi. Ông này chắc chưa kịp chết vì thối thì đã ngoẻo vì khói. Đúng là cái dại không tự dưng sinh ra, mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (Định luật bảo toàn… sự ngu dại), hê hê.

Cái toa lét ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình sao lắm phòng, lại độc lập với nhau. Mình rửa tay sau đó mới vào “đi”. Cùng lúc có thằng Tây vừa “giải quyết” xong cũng tò tò theo mình vào… phòng đái. Khổ! Nó mất phương hướng. Thấy nó ớ ớ tẽn tò, mình bật cười. Đấy, cứ theo cái logic thông thường nhiều khi hỏng. Ngẫm cũng lạ! Sao đấng nam nhi xử tệ với “thẳng nhỏ” thế nhỉ? Sự tồn vong của nhân loại trông chờ vào nó, sung sướng và đau khổ cùng nó... thế mà lại thiếu tôn trọng nó. Lẽ ra, phải rửa tay trước khi “đi” mới phải?

Nói chuyện rửa tay chợt nhớ chuyện này. Hồi 58 Quán Sứ đang xây nên anh em có cơ hội diện kiến các xếp trong…toa let. Văn phòng ý tứ ngăn ra khu VIP nhưng vẫn chung cái chậu rửa. Một ngày mùa đông giá lạnh vừa bước vào thấy xếp Hứa đang rửa tay. Không thận trọng, kỹ lưỡng và tỷ mẩn như xếp Đạo, xếp Hứa mở vòi nước vừa phải, xoe xoe ngón trỏ và ngón cái dưới cái vòi nước chảy rất chừng mực ấy. Ba ngón còn lại không kịp ướt trong khi tay trái vẫn đút túi quần. Phục chưa? Chuyện xếp Đạo và xếp Hiền kể sau nhé !

Có lần ai đó hỏi đàn bà và đàn ông khác nhau chỗ nào? Trời đất! Cái chỗ khác nhau rờ rờ ra đó, trẻ con cũng biết. Nói vậy thôi chứ y học tiên tiến “thiến” cái “đó” cho thành đàn bà dễ không hà. Còn đàn bà phẫu thuật nối thêm một mẩu lại “hoành tráng” như mày râu. Nhưng có cái này không “phẫu thuật” được. Đó là chuyện các bà tào lao trong nhà vệ sinh. Các bà các chị, bất luận tuổi tác, chức vị, hễ gặp nhau trong khu phụ là râm ran tâm sự dù cho tay chân đang bận rộn vào việc xử lý mớ áo váy, cho dù đang gồng đỏ cả mặt để “chút bầu tâm sự” cũng vẫn có vài câu làm quà. Họ sôi nổi bàn và kể đủ chuyện, từ Obama xử Binladen thế nào cho tới ai là TGĐ Đài TNVN; lan man từ chuyện táo bón mấy hôm không “đi” được đến thở than không biết ăn gì tối nay… Chị em tài thế! Tong tỏng te te lại được phụ họa bằng chuyện phiếm, ngon ơ cứ như hai việc ấy buộc phải song hành.

Riêng chuyện đó mày râu phục lăn. Không hiểu sao mấy ông to mồm thế nhưng khi vào toa lét thì im thít. Đánh rắm to một tiếng cũng phải nghe xem có ai ở ngoài không. Nhiều khi gặp bậc cao niên đành vô phép không chào. Đàn ông tập trung cao độ vào việc ấy và tuyệt nhiên không ngó sang “bên cạnh” cho dù cách nhau một khuỷa tay. Gặp bồn tiểu nào không vách ngăn thì nhiều ông cứ moi moi rồi cầm để đấy. Cho dù “buồn” lắm nhưng “cảm xúc đầy vơi” đột ngột bị chặn lại vì nghĩ: Mả mẹ cái thằng bên cạnh hình như đang nhìn mình. Các ông thiếu tự tin! Ông nào cũng sợ thằng kia nó… hơn mình hoặc nó thấy cái của mình. “Lộ thiên” nó khổ thế! Cứ “khuất lấp” như chị em hóa hay.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Nhìn và cười .

*Nhìn.
Giờ ra phố người ta nhìn nhau sao thiếu thân thiện! Hầu hết mọi cái nhìn đều gớm ghiếc, sắc nhọn, như chực ăn tươi nuốt sống người đối diện.

Hành vi này quá quen khiến người ta không còn cảm thấy lạ. Trên đường, mọi người dường như đang thổi hai luồng lửa giận dữ chứ không phải nhìn nhau thân ái. Chế Lan Viên hẳn buồn khi hôm nay “gặp mỗi mặt người đều (không) muốn ghé môi hôn”.

Thời lọc cọc xe đạp leng keng tàu điện, người ta thường nhìn nhau ấm áp. Hay tại “mặt trái của cơ chế thị trường”? Hay bọn xấu đang “diễn biến hòa bình”?

Mỗi người có câu trả lời của mình. Tôi thì nghĩ ánh nhìn cũng phán ánh mặt nào đó của đời sống xã hội. Một xã hội chưa vào nề nếp, cái ác, cái xấu còn ngang nhiên xuất hiện ở mọi nơi thì việc người ta có cái nhìn áp chế, dằn mặt… cũng dễ hiểu. Ánh nhìn dữ dội ném ra để đề phòng có việc chẳng lành thì mình luôn giành thế thượng phong, ít ra về tâm lý. Ngẫm kỹ thấy nực cười vì hành vi ấy thể hiện sự yếu ớt về nhiều mặt và rất trẻ con.

Không kiềm chế được cảm xúc, không tự tin vào bản thân nên mới phải tung ra ánh nhìn kiểu “trên phân” như vậy. Tôi đồ rằng từ “nhìn đểu” mới xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt cách nay chừng 20 năm.

Không chỉ nhìn nhau bằng đôi mắt “hình viên đạn”, bây giờ người ta còn nhìn một cách vô hồn, tạm đặt tên là “ánh nhìn của người mù”. Xin lỗi! Ngàn lần không dám đem khuyết tật của người khiếm thị ra làm trò, nhưng quả thực chưa tìm được cách đặt tên hình tượng hơn.

Ánh nhìn ấy thả vào không trung, trước mặt người đối diện, một cách vô hồn, vô cảm. Họ nhìn mà như chả thèm nhì; nhìn với thái độ kẻ cả, trịch thượng và bất cần… bất luận tuổi tác của người đối diện. Thật ghê rợn khi ánh nhìn dạn dĩ và kênh kiệu ấy lại xuất hiện trên một khuôn mặt còn non choẹt.

Kiểu nhìn “khiếm thị” ấy, suy cho cùng cũng nhằm át vía người đối diện, ra cái điều ta đây không thèm chấp.

Trong một xã hội mà xô xát luôn rình rập, hứa hẹn được giải quyết ổn thỏa bằng bạo lực và đồng tiền đã đẻ ra những ánh nhìn quái thai như vậy.



*Cười.
NSND Đàm Liên đã trình diễn ấn tượng về các điệu cười trên sân khấu tuồng. Như vậy là các điệu cười thể hiện tâm trạng, sắc thái tâm lý, thậm chí cốt cách con người… có từ lâu và nó đã thành biểu trưng cá tính nhân vật trên sân khấu.

NSND Đàm Liên cười vài chục “điệu” thể hiện các loại nhân vật, cá tính khác nhau đã tài, nhưng dẫu sao cũng chỉ là việc tái hiện âm thanh bằng âm thanh. Ông Vương Trí Nhàn, bằng con chữ, mà “cười” được cho người khác hiểu thì cũng phải phục sát đất. Ông Vương Trí Nhàn “cười” như thế này:

“Những cuộc tranh luận nho nhỏ là một bộ phận trong sinh hoạt tinh thần nói chung của con người hiện đại. Theo lẽ thông thường, sau một hồi bàn cãi thể nào cũng có kẻ thua người được, người kém thế hơn nếu có đầu óc phục thiện hẳn phải nghiêm chỉnh nhìn nhận chỗ kém cỏi của mình. Đằng này ở ta những người thua cuộc có một lối thoát khỏi thế bí rất lạ. Là lật ngược câu chuyện, coi mọi việc chẳng qua là trò đùa và cười, cười lấy được. Tiếng cười ở đây là một thứ màn ngụy trang, một cách lấp liếm cốt quên mọi chuyện cho nhanh, thực chất là hành động của con đà điểu rúc đầu vào cánh, lảng tránh tất cả. Đôi khi lại thấy lối cười khẩy, ra cái điều đây chỉ là chuyện vặt ta không thèm chấp, cười để làm nhòe câu chuyện trong một màn sương hư vô. Nó tạm thời gỡ cho người thua cuộc đỡ mất thể diện, thậm chí còn làm cho anh ta có cái vẻ sang trọng hơn người…”

Tuy nhiên trong xã hội hiện nay còn xuất hiện nhiều kiểu cười khác nữa chứ không chỉ dừng lại ở hai điệu “cười ra vẻ” và “cười ra dáng” như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã viết.

Đấy là điệu cười vô cảm, vô hồn không một chút sắc thái. Cười không xuất phát từ nhu cầu tự thân. Đấy là điệu cười của kẻ xu nịnh và dốt nát nhưng biết bị bắt bài nên biến thái một cách tinh vi. Nó vừa “ra vẻ” vừa “ra dáng” nhưng thấp thoáng sự lọc lõi, gian manh và đậm chất giang hồ. Cái cười ấy không còn là cười khẩy của kẻ tự coi là bề trên một cách trịch thượng. Nó phát ra tiếng hẳn hoi, nảy, đều, một tràng dài, không trọng âm, không ngữ điệu. Nó có cái gì đó vừa thỏa mãn, vừa bất cần, vừa ra vẻ như ta đây biết tỏng tòng tong, nhưng kỳ thực chỉ là một dạng xập xí xập ngầu, che đậy những khiếm khuyết, thiếu hụt cơ bản về trí tuệ và văn hóa.

Buồn thay, điệu cười như thế nhan nhản khắp nơi, cả ở những cơ quan công quyền.

Người nước ngoài sang VN, chẳng biết có xã giao hay không, nhưng thường khen người VN hay cười. Cũng may là họ thấp thoáng đâu đó thôi. Ơn trời! Nhiều người không bao giờ quay trở lại nên chắc chẳng tìm hiểu kỹ tiếng cười của người VN ta.


Ngô Thiệu Phong

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.”

Những bức thư Bác gửi nhân ngày khai trường, mỗi câu nói trong những buổi gặp gỡ với thầy giáo, cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh... thật giản dị nhưng chứa đựng nhiều bài học quý về GD.

Ngay từ những năm đầu tiên của nước VNDCCH, Bác Hồ đã quan tâm tới GD. Những sắc lệnh đầu tiên của nước VN non trẻ là hai việc: cứu đói cho dân và học hành. Bác xếp hai công việc này vào hàng bức thiết lúc bấy giờ. Đói - chết, nhưng không có học cũng chết. Bởi theo bác “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người viết: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Bất cứ thời đại nào, một dân tộc yếu luôn là một nước nhược tiểu, lăm le bị đe doạ từ nhiều phía.

Hôm nay ai cũng vui vì Nhà nước coi “GD là quốc sách hàng đầu” tầm quan trọng của tri thức, của nguồn nhân lực chất lượng cao, thêm một lần nữa, được nhấn mạnh và đề cao. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, Nhà nước cũng đã cố gắng chi hơn 20% tổng chi ngân sách hàng năm cho GD. Cách đây 66 năm, trong những Ngày Mùa Thu Tháng Tám lịch sử ấy, với những sắc lệnh đầu tiên cho bình dân học vụ, với mục tiêu diệt giặc đói và giặc dốt, Bác cũng đã thực sự coi GD là quốc sách. GD có vai trò quan trọng đặc biệt ngay trong điều kiện của một đất nước non trẻ, đang đối mặt với nạn đói, đang chống chọi với đủ loại kẻ thù nội và ngoại xâm.

Ngày hôm nay, các nhà sư phạm đưa ra khẩu hiệu: “Lấy học sinh làm trung tâm” Rồi nhiều hội thảo, tốn kém nhiều tiền của, tranh luận nảy lửa xem GV đóng vai trò then chốt hay quyết định… Nhưng hãy xem lá thư của bác gửi cho GV và học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước VNDCCH, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là nhờ một phần lớn vào công lao học tập của các ”. Không phải một phần mà là phần lớn công học tập. Viết câu này, Bác đã trao trách nhiệm cho học sinh. Bác thực sự đã coi học sinh là chủ thể học tập. Đồng thời, trong nhà trường phải thi đua dạy tốt và học tốt.

Hôm nay, chúng ta có nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào, nhiều giải pháp… liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học… Nhưng cũng chính vào cái thời điểm đất nước vừa tuyên bố độc lập thì Bác đã xác định ngay: Học phải đi đôi với hành.

“Đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội” là yêu cầu cấp thiết của ngành GD hiện nay. Thực ra yêu cầu này không mới. Ngay trong những ngày đầu lập nước và trong thời gian đấu tranh thống nhất đất nước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nhiều lần căn dặn: “Học phải có mục đích. Học trong nhà trường phải gắn liền với lao động, sản xuất.” Theo lời kể của GS Nguyễn Cảnh Toàn, hưởng ứng lời kêu gọi này của Bác, những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều trường học ở miền Bắc đã tổ chức các hoạt động liên kết với đồng ruộng, nhà máy, xí nghiệp... Vẫn biết các em “thiếu nhi như búp trên cành, biết ăn ngủ học hành là ngoan”. Nhưng “nhà trường phải gắn với xã hội, gắn với thời cuộc.” Chính vì thế, Bác đề nghị “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình” .

Hôm nay nơi này nơi kia còn trăn trở với phương pháp GD nhồi sọ, thì ngay từ những năm chống thực dân Pháp, Trong Thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc 8-1950, Bác đã chỉ ra cách dạy trẻ: “Cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả.”

Hầu như tất cả những công việc mà GD hôm nay đang tất bật triển khai, thì dường như, Bác đã đề cập cách đây hơn 60 năm với lối nói nhẹ nhàng, kín đáo, giản dị; bằng tất cả sự trải nghiệm của một người bôn ba nhiều châu lục, nhận thức sâu sắc sự kém cỏi, yếu đuối của một dân tộc thiếu cái chữ, thiếu hiền tài.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

“Chạy” trường : Ai “chạy”? Vì sao “chạy”?

Báo chí loan tin có phụ huynh phải bỏ cả ngàn đô để “chạy” cho con vào lớp 1. Câu chuyện không mới. Đầu mỗi năm học, thậm chí trước đó từ rất lâu, nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn đã rục rịch chuẩn bị cho công việc này. “Chạy” trường – nguyên nhân do đâu? Bài viết sau đây thử đưa ra một vài gợi ý.

Để thuận tiện trong quản lý, điều hành, ngành GD cho phép mỗi trường công lập chỉ được tuyển sinh trên từng địa bàn nhất định. Nói cách khác, học sinh phải học đúng tuyến. Học sinh muốn vào học ở một trường không đúng tuyến thì phụ huynh phải “chạy”. Vấn đề phức tạp ở chỗ, vẫn phải có một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp dành cho học sinh diện không đúng tuyến. Lợi dụng điều này, “chạy” trường có cơ sống dai dẳng cho dù dư luận không ngớt lời kêu ca.

Học sinh trái tuyến là học sinh không có hộ khẩu trên địa bàn trường đứng chân. Để từ “trái tuyến” thành “đúng tuyến”, nhiều phụ huynh tìm mọi cách chuyển hộ khẩu cho con em mình về địa bàn của trường. Cách phổ biến hiện nay là để học sinh đăng ký hộ khẩu chung với một người khác. Một vài trường quy định phải có hộ khẩu trước thời điểm tuyển sinh 2 năm nhằm hạn chế nạn “chạy” trường, song vẫn chưa hiệu quả. Vì có trường hợp hợp thức hóa thủ tục hộ khẩu trước khi xin cho con vào lớp đầu cấp từ trước đó 3 năm.

Câu hỏi đặt ra, là tại sao lại có một tỷ lệ nhất định tuyển trái tuyến. Câu trả lời từ phía ngành GD cũng rất giản dị. Sở dĩ có tỷ lệ ấy là để tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng học sinh.

Không thể để học sinh không được đến trường vì không có chỗ học. Vì thế, lấy hộ khẩu làm căn cứ tuyển sinh, trên thực tế, chưa phù hợp. Trẻ ở quê theo cha mẹ lên Hà Nội sinh sống là ví dụ điển hình. Mặt khác, còn có một số trường không tuyển đủ học sinh nên phải tuyển thêm diện trái tuyến (tức là những em không có hộ khẩu trên địa bàn).

Nếu như tỷ lệ tuyển trái tuyến không bị lạm dụng, không bị biến tướng… thì không có “chạy” trường. Song cái khó là ranh giới đúng - sai trong việc này lại không rạch ròi và có phần giao thoa.

Chính phụ huynh, GV, cán bộ trong và ngoài ngành GD đã làm cho mục đích tốt đẹp nói trên biến tướng, méo mó đi. Trên thực tế người “chạy” trường phải có thế lực và có tiền. Một vài cá nhân, một vài trường sử dụng tỷ lệ tuyển sinh trái tuyến để “đối ngoại” và là một hình thức thu nhập thêm.

Có người đề xuất, với kiểu “chạy” trường như trên thì có thể hạn chế bằng cách ưu tiên hàng đầu dành cho học sinh có hộ khẩu, có nhà, sống cùng cha mẹ trong thời gian dài… trên địa bàn trường tuyển sinh.

“Chạy” trường, bản chất là phụ huynh chọn trường cho con em mình theo những tiêu chí chủ quan. Vậy có thể đặt vấn đề, phải chăng chất lượng dạy học, cơ sở vật chất, môi trường GD… của các trường khác nhau nên phụ huynh đổ dồn vào những trường tốt nhất?

Chất lượng dạy học là điểm khó đánh giá. Bởi cho tới nay trường tốt xấu phần nhiều do đồn đoán. Nhiều GV cho rằng không có sự khác nhau nhiều về chất lượng GV, chất lượng dạy học trên một địa bàn hẹp như nội thành Hà Nội hoặc Tp HCM.

Môi trường GD thì có sự khác biệt. Trường tập trung học sinh con em trí thức, cán bộ, công nhân… hẳn sẽ thuần hơn học sinh ở nhiều khu vực khác, nhất là những nơi tập trung lao động tự do, ngoại tỉnh.

Đầu tư cơ sở vật chất giữa các trường hiện chưa hợp lý, chưa công bằng. Trường nào có “quan hệ tốt” với phòng GD, sở GD, chính quyền địa phương thì được chăm chút nhiều hơn. Số đông phụ huynh có điều kiện tài chính, một số có quyền và cũng là một lợi thế cho trường.

Quy hoạch mạng lưới trường học chưa khoa học và chưa được ưu tiên. Có địa bàn dân số đông, chưa đủ trường, trong khi đó có nơi lại tập trung vài trường trong một phạm vi hẹp. Trường Tiểu học Bà Triệu - Hà Nội là một ví dụ. Ngôi trường này không có sân, lễ khai giảng phải tổ chức dưới lòng đường. Trước đây, người ta đã dự định xây trường ở vị trí mới, nhưng vị trí đó nay lại là tòa nhà Vincom.

Gần đây GD Phần Lan nổi lên như một hiện tượng khiến các nền GD tiên tiến như Anh, Mỹ… phải thán phục. Một trong những quan điểm GD của Phần Lan là Giáo dục bao quát (comprehensiveness of education). Mọi học sinh đều được nhận, không chọn lọc, không chia nhóm hay phân loại theo bất kỳ tiêu chí nào. Ở mọi trình độ, giáo viên đều phải giỏi và tận tâm (competent teachers). Giáo viên có quyền tự chủ hoàn toàn trong lớp.

So sánh GD Việt Nam với Phần Lan là khập khiễng, nhưng rõ ràng quan điểm không phân loại, chia nhóm học sinh và GV có năng lực là quan điểm GD tiến bộ nên tham khảo. Nó khác hẳn với kiểu phân biệt (cho dù không chính thống) như trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, chương trình tài năng, thí điểm, tăng cường, chất lượng cao… ở ta. Phải chăng chính quan điểm GD này đã góp thêm gió cho mồi lửa “chạy” trường?

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Phương pháp GD . Mortimer J. Adler cực hay

Lời giới thiệu: Mortimer Adler là một triết gia, và là một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ. Adler sinh năm 1902 và mất năm 2001, thọ 99 tuổi. Adler được coi là một trong những triết gia về giáo dục thuộc trường phái Perennialism, một lý thuyết giáo dục chủ trương rằng con người, dù ở bất cứ nơi nào, cùng sở hữu và chia sẻ một bản năng chung-lý tính¬-một bản năng xác định con người. Từ nhận định này, Adler chủ trương rằng nền giáo dục phổ thông phải đồng nhất cho mọi học sinh. Mọi học sinh đều phải được dạy để có 3 loại kiến thức: kiến thức phổ thông; kỹ năng tư duy; và hiểu biết về tư tưởng và giá trị. Mỗi loại kiến thức khác nhau đòi hỏi một phương pháp dạy khác nhau. Adler cùng Max Weismann thành lập Trung tâm Nghiên cứu các Tư Tưởng Vĩ Đại và ông cũng đề nghị một chương trình giảng dạy các tác phẩm kinh điển (Great Books) của văn hóa Tây phương cả hai trình độ trung học và đại học tại Mỹ và Canada.
¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬_____
Ai cũng biết, hay chắc phải biết, rằng nhồi sọ không phải là sự giảng dạy theo đúng nghĩa của nó, và kết quả của nhồi sọ là cái gì đó trái ngược hẳn với cái học chân chính. Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng, hầu hết những gì đang diễn ra trong trường lớp của chúng ta không là gì khác hơn lối dạy học nhồi sọ.
Vì sao chuyện này lại xảy ra? Vì sao chúng ta lại quá sức lầm lẫn bản chất của dạy và học đến nỗi để cho những trò giáo dục giả hiệu xảy ra tràn lan trong học đường đến như thế?
Chỉ vì ta đã đánh mất ba nhận thức căn bản về bản chất của dạy và học, và do đó, đưa đến ba giả thuyết sai lầm sau đây:
1. Cho rằng các hoạt động của thầy cô trong lớp học luôn luôn là các hoạt động chính yếu và đôi khi là nguyên nhân chính yếu tạo nên sự học nơi các học sinh.
2. Khi nói rằng sự học là do sự truyền dạy của người thầy hay do học sinh tự khám phá ra, ta đã lầm lẫn mà cho rằng những gì học sinh học qua sự truyền dạy của thầy là những gì mà các em thu nhận một cách thụ động từ thầy cô giáo.
3. Vì không phân biệt được đâu là kiến thức chân chính với ý kiến cá nhân, cũng như không phân biệt được những ấn tượng được tạo ra và giữ lại trong ký ức với sự hiểu biết do tâm trí phát triển nên, điều đó đưa đến giả định sai lầm thứ ba: đó là cho rằng kiến thức chân chính có thể được tiếp thu mà không cần phải hiểu.
Ba giả thuyết sai lầm này kết hợp vào với nhau thành một thể thống nhất đến nỗi hễ giả thuyết này được tạo nên, thì hai giả thuyết kia cũng theo sau. Cho nên, ta cũng chẳng nên ngạc nhiên khi thấy cả ba giả thuyết này đã thống trị nền giáo dục của ta và đưa đến kết quả không tránh được là "nhồi sọ" đã được chấp nhận như một phương pháp giảng dạy chân chính, thay vì phải được xem như một món đồ giả đáng ghê tởm và cần phải vất bỏ.
Ba nhận thức căn bản về bản chất của dạy và học, mà qua đó các giả thuyết sai lầm nêu trên có thể được sửa đổi, cũng được kết hợp vào nhau đến nỗi mà khi ta dùng bất cứ một nhận thức nào để tìm hiểu thế nào là sự dạy học chân chính, thì ta cũng hiểu được như rút ra từ hai nhận thức kia. Thêm vào đó, cùng với sự hiểu biết thế nào là sự dạy chân chính, rút ra từ ba nhận thức nêu trên, ta sẽ hiểu rằng sự học chân chính phát xuất từ sự phát triển của tâm trí, chứ không phải là sự hình thành ký ức, và sự học chân chính gồm có sự thu thập kiến thức và thấu hiểu, chứ không phải chỉ là chấp nhận những ý kiến được quy phạm sẵn.
Nhận thức căn bản đầu tiên cho ta thấy rằng sự giảng dạy, cũng giống như nghề nông và nghề thuốc, là một nghệ thuật hợp tác, chứ không phải một nghệ thuật sản xuất.
Nhận thức thứ hai là mọi sự học đều do khám phá mà ra, hoặc là tự mình khám phá, hoặc là sự khám phá nhờ có sự chỉ dẫn, nhưng không bao giờ sự học xảy ra chỉ vì học sinh được truyền dạy.
Nhận thức thứ ba là những mẩu thông tin hay dữ kiện do ký ức giữ lại mà không có sự thấu hiểu, những thông tin, dữ kiện đó không phải là kiến thức, mà chỉ là những ý kiến cá nhân, không hơn gì những thành kiến do tuyên truyền hay các sự nhồi sọ khác tạo nên.
Tôi sẽ giải thích thêm về những nhận thức căn bản nêu trên.
I. Sự giảng dạy là một nghệ thuật hợp tác chứ không phải một nghệ thuật sản xuất
Trong số những nghệ thuật có ích, chỉ có ba được coi là nghệ thuật hợp tác. Tất cả các loại nghệ thuật khác đều là sản xuất. Ba loại nghệ thuật hợp tác là nghề nông, nghề thuốc và nghề dạy học.
Hãy lấy một thí dụ về một nghệ thuật hữu ích như sản xuất giày dép, đóng tàu bè, hay làm bàn tủ. Kết quả của nghệ thuật loại này không thể nào hiện hữu được nếu không do các hoạt động của người nghệ sĩ hay người thợ đưa vào-người thợ đóng giày, người thợ đóng thuyền bè, hay người thợ mộc sản xuất ra những sản phẩm này. Những vật liệu dùng để tạo ra những sản phẩm này, nếu cứ để yên ở đó, không thể nào tự biến thành sản phẩm được. Những sản phẩm hữu dụng này chỉ hiện hữu khi có người thợ can thiệp vào để tạo hình cho chúng, hay chuyển đổi những nguyên liệu thành sản phẩm mong muốn. Hoạt động sản xuất của con người ở đây không những là nguyên nhân chính, mà còn là nguyên nhân duy nhất mang lại kết quả là sản phẩm ta định làm ra.
Bây giờ hãy xem những trái cây hay ngũ cốc ta dùng, sức khỏe ta có và những kiến thức hay sự thông hiểu ta thu thập được. Ta có thể gọi những điều này, theo thứ tự, là những sản phẩm của nông nghiệp, của y học, và của giáo dục.
Trong trường hợp trái cây và ngũ cốc cùng những những loại động vật ăn được, người tiền sử đã từng săn thú và thu thập cây trái để làm lương thực.
Điều này có nghĩa là những thức ăn của con người là sản phẩm của thiên nhiên mà con người chỉ việc hái trái về hay giết con thú để dùng làm thực phẩm. Nông nghiệp bắt đầu khi con người thu thập được những kỹ năng để cộng tác với thiên nhiên hầu tạo ra các loại trái cây hay ngũ cốc hay các loại gia súc để làm thực phẩm. Nông nghiệp, do vậy, trở thành một trong những nghệ thuật hợp tác đầu tiên của con người.
Từ rất lâu trước khi có nghệ thuật y khoa, sức khỏe của con người là kết quả của các nguyên nhân thiên nhiên. Y học trở thành nghệ thuật chữa bệnh khi con người thu thập được những kỹ năng giúp con người hợp tác với tiến trình tự nhiên để bảo vệ sức khỏe hay giúp con người mau bình phục sau cơn bệnh.
Sau cùng, ta có sự giảng dạy, và ở đây, chính Socrates là người đầu tiên cho rằng giảng dạy là một nghệ thuật hợp tác. Socrates so sánh cách dạy của ông với công việc của một bà mụ đỡ đẻ. Chính bà mẹ, chứ không phải bà mụ, mới là người phải chịu đau đẻ để sinh ra đứa bé. Bà mụ chỉ hợp tác trong
tiến trình sinh nở ấy, giúp cho bà mẹ sinh con dễ dàng và vệ sinh hơn mà thôi.
Nói một cách khác, thầy giáo, cũng giống như bà mụ, luôn luôn có thể không cần thiết. Trẻ con có thể được sinh ra mà không cần có bà mụ. Kiến thức và sự hiểu biết có thể có được mà không cần có thầy dạy, qua những hoạt động hoàn toàn tự nhiên của tâm trí.
Những thầy cô nào mà tự coi mình là nguyên nhân chính hay duy nhất tạo ra sự học nơi học sinh là những người không hiểu được rằng dạy học là một nghệ thuật hợp tác. Họ cứ nghĩ rằng họ là người sản xuất ra kiến thức hay sự hiểu biết trong tâm trí của học sinh, giống như người thợ đóng giầy làm ra đôi giầy từ miếng gỗ hay miếng nhựa.
Chỉ đến khi nào mà thầy cô ý thức được rằng nguyên nhân chính yếu của sự học là các hoạt động xảy ra trong tâm trí của học trò, thì lúc đó họ mới làm đúng vai trò của người nghệ sĩ hợp tác. Mặc dù hoạt động trong tâm trí của học sinh là nguyên do chính tạo nên sự học, hoạt động này không phải là nguyên do duy nhất. Ở đây người thầy có vai trò là nguyên nhân hợp tác thứ hai đóng góp vào sự học của học sinh.
Nếu, nói theo Hippocrates (ông tổ ngành Y khoa), giải phẫu là một bước đi xa rời khỏi nghệ thuật hợp tác của trị bệnh, thì theo quan điểm của Socrates, việc giảng dạy bằng giáo huấn, truyền thụ thay vì bằng thảo luận và vấn đáp, cũng là một bước đi xa rời khỏi nghệ thuật hợp tác của giáo dục.
II. Sự học qua giảng dạy và qua sự khám phá
Nếu trong sự học chân chính, hoạt động trong tâm trí của học viên là nguyên do chính tạo nên sự học, thì tất cả mọi sự học đều có được qua khám phá.
Sự học chân chính có thể xảy ra do a) học sinh tự mình khám phá ra, hay b) sự khám phá có sự trợ giúp của người thầy, các hoạt động trong tâm trí của học sinh vẫn là nguyên do chính của sự học, nhưng không phải nguyên do duy nhất.
Khi những lời giảng dạy không có những sự khám phá đi kèm theo nơi học sinh, khi những lời giảng dạy chỉ tạo nên những ấn tượng trên ký ức mà không có sự thấu hiểu trong tâm trí, thì sự giảng dạy như vậy không phải là dạy chân chính mà chỉ là sự nhồi sọ. Sự giảng dạy chân chính khác biệt hẳn với sự nhồi sọ ở chỗ nó luôn luôn có những hoạt động của người thầy hợp tác với các hoạt động khám phá do tâm trí của học sinh tạo ra.
III. Tương quan giữa Tâm trí với Ký ức, giữa Kiến thức với Ý kiến
Trong tiếng Hy lạp, tâm trí, nous, đi kèm với sự hiểu biết. Điều gì mà ta không hiểu, ta chỉ giữ lại trong tâm trí như là một điều được ghi nhớ. Ký ức là một phó sản của nhận thức bằng giác quan; hiểu biết là một hành động của trí tuệ. Ta không nên nhầm lẫn những câu nói ta nhớ nằm lòng với những sự kiện được hiểu thấu đáo.
Tương quan với sự khác biệt giữa tâm trí và ký ức là sự khác biệt giữa kiến thức và ý kiến. Khi nói ta biết một điều gì (kiến thức) nghĩa là ta hiểu về điều đó với đầy đủ suy luận và các bằng chứng hỗ trợ cho suy luận, và điều này hoàn toàn khác với việc có ý kiến về một điều gì đó.
Thế thì vì sao mà học sinh lại chỉ có ý kiến thay vì có kiến thức, nhất là trong suốt quá trình đi học?
Lý do là vì các em đã nhận những ý kiến này từ "quyền uy trắng trợn" của thầy cô, những người đã giảng dạy như những nghệ nhân sản xuất thay vì hợp tác-những thầy cô đã nhồi sọ học sinh bằng phương pháp đọc, chép, chứ không có bất kỳ một hoạt động nào khiến học sinh suy nghĩ hay khám phá.
Tôi dùng từ "quyền uy trắng trợn" để chỉ thứ quyền lực mà thầy cô tự chiếm lấy cho mình và bắt học sinh phải chấp nhận những gì mình bảo chúng chỉ vì mình ở trong cương vị làm thầy. Chỉ có một loại quyền uy hợp pháp và hợp lý [trong giáo dục], đó là quyền uy của suy luận xác đáng hoặc của những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho những điều cần hiểu.
Những ý kiến được cố gắng ghi nhớ trong ký ức, nhất là khi "học gạo" để thi, là những ý kiến dễ dàng quên nhất.
Ý tưởng một khi đã thông hiểu sẽ ở lại với ta lâu nhất. Những gì ta đã hiểu không thể dễ dàng quên lãng vì đó là một thói quen của trí tuệ, chứ không phải chỉ là một điều để nhớ.
IV. Kết luận
Quan niệm cho rằng thầy cô là những người có kiến thức và truyền lại những kiến thức cho học sinh tiếp thu một cách thụ động là một quan niệm vi phạm bản chất tự nhiên của giáo dục, tức là một nghệ thuật hợp tác. Sự giảng dạy chân chính không thể chỉ được truyền đạt bằng những lời giảng mà không có sự suy nghĩ và hiểu biết cùng với sự khám phá trong tâm trí của học sinh.