Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Giáo dục vì ai?

 
“Vì tương lai con em chúng ta” chứ còn vì ai nữa? Vâng, tôi đã đọc khẩu hiệu đó từ hồi còn học vỡ lòng, và nay đưa con đến trường, vẫn nhìn thấy ở trường tiểu học. Rất may con tôi chưa một lần hỏi về ý nghĩa của khẩu hiệu này. Giải thích không khó nhưng chỉ sợ cháu thất vọng.
 
Về khẩu hiệu này, có lần GS Hồ Ngọc Đại cười xì một cái nói, hãy vì hiện tại của các cháu đi đã. Ông nói có lý.
 
Có dịp đến nhiều trường nhưng hiếm khi tôi thấy chiếc đồng hồ treo ở phía bảng đen mà ở phía ngược lại. Ấy vậy mà khi mua nó, nhà trường bảo rằng đồng hồ để các em biết giờ ra chơi, giờ vào lớp. Tâm sự chuyện này với bác tôi, bảo vệ một trường tiểu học, ông cười phá lên, nói hèn chi chưa tới giờ nghỉ các thầy cô đã thò đầu ngó nghiêng, chắc có ý nhắc: “Đánh trống đi ông ơi, chỉ còn có vài phút nữa thôi mà” .
 
Tôi biết vẫn còn các thầy, cô vừa có tấm lòng, vừa có tri thức. Nhưng số đó cứ ngày một vơi đi. Mặt khác, ở đâu đó, chính giáo viên cũng là nạn nhân. Rất có thể, họ muốn GD (chỉ để) cho học sinh, vì học sinh, nhưng bất lực, hoặc bị cuốn theo guồng quay của mưu sinh.
 
Mấy năm trước, một vị giám đốc sở GD ghé tai nói: Kỳ thi tốt nghiệp lần  này tỉnh quán triệt sâu sắc lắm. Hôm họp triển khai em có dự không? Tôi nói có, ông nheo mắt cười hi hi, nói đấy đấy…!
 
Trong hội nghị ấy, ông phó chủ tịch tỉnh chém mạnh tay vào không khí, nói “các đồng chí phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi! Tỉnh ta có truyền thống hiếu học từ ngàn xưa, có cả trăm ông nghè ông cống, hàng chục tiến sỹ giáo sư…, vẻ vang lắm, vinh quang lắm các đồng chí ạ…Năm ngoái tỉnh ta đỗ 98,5%, các đồng chí nhớ không? Năm nay chúng ta quyết tâm duy trì và phát huy thành tích ấy!” Nói tới đây, ông phó chủ tịch không chém gió nữa mà ngừng một lúc, hạ giọng, “vì thế, đừng (gõ 3 tiếng lên bục và nhìn một lượt), đừng để xảy ra bất thường, xáo trộn (lại gõ 3 tiếng, nhìn một lượt)! Làm tốt! Làm tốt hơn nữa!”
 
Và rồi “ngạc nhiên chưa”! Kỳ thi ấy chẳng những “không có xáo trộn” mà tỷ lệ đậu còn “phát huy” lên 99%. GD đã trở thành công cụ để đánh bóng mạ kền cho cái ghế của các quan chứ đâu phải vì học sinh.
 
Tôi không biết hôm nay các trường có ngẫm nghĩ về mục đích, ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ hay không. Thực tế nó đã méo mó đi nhiều. Tôi bảo con tôi rằng nhà mình không uống bia, không uống nước ngọt nên nộp giấy vụn cũng được nhưng cháu quyết không nghe vì cô chỉ chấp nhận vỏ lon. Nhà trường nghĩ tết ai cũng uống bia. Và quan trọng hơn là làm gì với số tiền thu được thì chẳng học sinh nào biết. Thế thì GD vì ai?
 
Một phụ huynh đã giận sôi lên khi biết trường con mình (và nhiều trường lân cận) đồng ý cho mấy ông bà bán kính thuốc ở gần đó vào đo mắt cho học sinh. Vì mắt các cháu hay vì cái gì đây?
 
Người ta đã diễn hài về tỷ lệ học sinh khá giỏi cách đây vài năm. Và bây giờ các cháu vẫn “giỏi” nhiều lắm. Trò có giỏi thì cô mới đạt danh hiệu dạy giỏi. Cô dạy giỏi thì mới được dạy lớp chọn, lớp điểm; từ đó danh tiếng của thầy của cô mới vang xa… Phụ huynh khi ấy sẽ xôn xao, “này cô A dạy giỏi đấy, dạy lớp chọn. Để con cô kèm giúp, yên tâm!”      
 
Thật mừng nếu như mọi việc đều thực, nhưng sẽ là tai họa nếu là ảo, là hão, tròng vào cổ các em cái danh hiệu học sinh giỏi chỉ vì danh hiệu của cô, lợi ích của cô. Nếu như GD mà không vì đối tượng của mình – học sinh thì hỏng “toàn tập” chứ còn gì nữa. Không phải tất thảy thầy cô đáng kính đều chăm chăm vào lợi ích cá nhân, nhưng chắc chắn không phải là không có.
 
Ngô Thiệu Phong
 

Áo dài ơi áo dài!

Người ta xôn xao về bộ ảnh áo dài Mai Phương Thuý. Tôi cũng tò mò lùng trên mạng nhưng mãi vẫn không thấy những tấm hình khiến người ta xôn xao.

Cố lục tìm xem những bức hình đó có gì đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì không thấy. Nếu nói hở hang hay thiếu vải thì áo dài Thuý mặc gọi chiếc yếm đào của các bà các chị những năm đầu thế kỷ trước bằng cụ.

Mọi người chấp nhận nude là nghệ thuật thì tại sao lại quá khắt khe với những tấm hình Thuý chụp với tà áo dài này nhỉ?

Vài người bảo nude đi một nhẽ. Như vậy có lẽ điều khiến người ta không chấp nhận bởi tà áo dài ấy quá mỏng manh. Giả sử Thuý mặc một chiếc váy thì chắc nhiều người không đến nỗi bức xúc. Hình như tà áo dài lâu nay được gắn hai chữ “truyền thống”, nên mặc nhiên nó có một giá trị thiêng liêng, một cái gì đó bất biến và tuyệt đối; không chấp nhận bất cứ sai khác, mô phỏng và cách điệu nào, cho dù chỉ trong phạm vi nghệ thuật.
 
Mà đã ai đóng mộc hai chữ “truyền thống” vào tà áo dài đâu nhỉ? Cũng chỉ là giá trị tự phong, gán cho nó cái danh vậy thôi. Tóm lại là một số người giãy nảy khi (cái được cho là) truyền thống được nhìn nhận, khám phá ở một chiều kích khác.

Trang phục cũng là văn hoá. Nếu coi tà áo dài là trang phục truyền thống, thì trong quá trình vận động, truyền thống cũng phải luôn tích hợp những yếu tố mới bởi vì bản chất của văn hoá là giao lưu và tiếp biến. Tất nhiên, trong quá trình ấy cần chọn lọc, nhưng ở đây nên phân biệt nghệ thuật với đời thực. Đâu phải bất kỳ nào trang phục nào trên sàn diễn thời trang đều có thể hùng hổ nhào bước ra cuộc sống.
 
Không chỉ nghệ thuật, trong thực tế, truyền thống cũng phải làm mới mình ở một số điểm sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Ai đó bảo chiếc micro giết chết quan họ Hội Lim. Micro chẳng giết cái gì cả, chẳng tội tình gì cả. Vấn đề ở chỗ người sử dụng. Thử hỏi bây giờ liệu có thể hát bằng mồm trước sự huyên náo của hàng vạn người xem hội.  

Bên cạnh bộ lọc có tính chủ động của các ngành quản lý thì bản thân văn hoá cũng có sự bướng bỉnh đáng kính nể. Mọi sự tiếp thu văn hoá có tính áp đặt, khiên cưỡng tiếp tục gặp phải sự chống trả quyết liệt của yếu tố văn hoá nội sinh, của điều kiện tự nhiên mỗi vùng. Không dễ gì đưa chiếc quần Jean lên cho đồng bào Mông mặc đâu. Yên tâm đi!
 
Thêm một điều muốn nói, là không nên tuyệt đối hóa và thần thánh hóa bất cứ điều gì. Mọi sự đều có thể thay đổi, tất nhiên phải dựa trên chuẩn mực chung của xã hội. Còn nếu nhìn rộng ra thì liệu có giá trị nào được coi là vĩnh hằng trong vũ trụ bao la này?  Truyền thống của 100 năm nữa có thể là ngày hôm nay, biết đâu lại chính là chiếc áo dài của Thúy? Phải chăng bởi thế nên loài người đã không chọn trang phục của Adam và Eva làm truyền thống?

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

VÌ BỐ LÀ CCB

Chuyện này của ...thầy blog Ngô. Thấy nó hàm súc và thời sự nên kể lại .


Có hai vợ chồng nhà kia tốt nghiệp bằng đỏ. Khi lấy nhau về thì vợ cất bằng vào tủ để làm thiên chức người phụ nữ . Người chồng dùng tấm bằng đỏ đi xin việc và được nhận ngay .

Cuộc sống êm đềm trôi đi  . Người vợ ở nhà chăm sóc con cái, cơm dẻo canh ngọt cho chồng . Người chồng hạnh phúc và càng cố gắng chứng tỏ vị trí trụ cột gia đình.

Khi hai con lớn, chúng đi học nên nhu cầu tài chính cho gia  đình ngày càng tăng. Người vợ thấy cần phải tìm một công việc gì đó để cùng chung gánh vác với chồng . Đúng lúc đất nước Đổi mới , bằng đỏ ngân hàng của người vợ được một liên doanh nước ngoài chấp nhận ngay .

Do vợ lương cao  nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Họ quyết định thay nhà cấp 4 bằng ngôi nhà 4 tầng và không quên nghĩ tới công  lao sinh thành  .

Và thế là người chồng đón bố  mẹ ở quê lên . Bố anh là cựu chiến binh, mẹ anh đang sinh hoạt trong hội nông dân. Cái tổ ấm nhỏ bé ấy giờ đây đã ra dáng một hệ thống chính trị đầy đủ , một xã hội thu nhỏ . Chồng - công chức nhà nước , sớm cắp ô đi tối cắp về ; vợ - liên doanh; con - đoàn đội; bố - CCB; mẹ -hội  nông dân .

Thương người vợ đi sớm về khuya, người chồng thay vợ đi chợ, nấu cơm và đưa con đi học .

Ông bố chồng, vốn sẵn  cốt cách và tinh thần người lính, thấy  tình cảnh như vậy thương  con trai, lại không vừa con mắt ,  bèn bảo: Con ơi, con mất vai trò lãnh đạo rồi . 

Đúng thật, từ khi vợ đi làm đến nay, bất cứ việc gì trong nhà anh đều phát huy tinh thần dân chủ, cứ 4 phiếu phát ra thu về cả 4, đều hợp lệ, nhưng hầu hết 3 phiếu chống lại anh. Hai đứa con được bú bầu sữa mẹ từ bé, tiền nong cũng đều mẹ nó chu cấp nên chúng theo mẹ cũng là điều dễ hiểu .

Trước tình thế  ngàn cân treo sợ tóc như vậy con trai hỏi bố giờ làm sao ? Ông bố bóp trán một lúc rồi nói : Họp gia đình.

Rút kinh nghiệm thất bại những lần trước nên  người chồng hỏi bố mình xem ai sẽ chủ trì.

Con? Ông bố lắc đầu. 

Thế vợ con? Ông bố lại lắc đầu nói, con không được vì thiếu khách quan , sợ vị phạm quy chế dân chủ ; vợ con cũng không được vì có yếu tố nước ngoài , không thể tin được . 

Vậy hai con của con?- Hai cháu còn quá nhỏ . 

Thế mẹ con?- Mẹ mày nông dân , mà nông dân thì đấu tranh chưa bao giờ giành được thắng lợi triệt để , làm cách mạng nửa vời thì làm làm gì.

Vậy còn mỗi bố ? -Đúng . Vì sao ? - Vì ... vì bố là ...CCB , bố có... súng.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

LẮNG NGHE

Bỗng dưng tạo hoá lại nặn cho loài người hai cái tai để nghe và một cái miệng để nói. Liệu có thiếu công bằng? Phải chăng ngay từ buổi hồng hoang, tạo hoá đã dự báo được cái sự nghe  khó khăn, chật vật và khổ đau?

Tôi không biết một tí gì về tiếng Tàu. Nhưng thấy ông thầy phân tích chữ NGHE trong Hán ngữ bao gồm 5 chữ: NHĨ, VƯƠNG, NHÃN, TÂM và NHẤT. NHĨ - có nghĩa căng tai lên mà nghe;  VƯƠNG - coi người nói như vua; NHÃN - vừa nghe vừa nhìn để thấu cảm; NHẤT – xem lời nói và thái độ của người nói có đồng nhất; TÂM - khi nghe phải để tâm tới người nói.
 
Thế mới biết cái sự nghe sao mà khó! Vậy sao chẳng thấy ai xin chữ NGHE trong khi người nào cũng thích PHÚC, HỈ, LỘC, TÀI?
 
Chẳng cứ phương Đông, ở các nước Âu, Mỹ văn minh, người ta cũng rất coi trọng cái sự nghe.

Frank Wagner là một chuyên gia của Trung tâm đào tạo Carnegie chuyên về phát triển nhân lực (Mỹ). Nghe đâu các buổi nói chuyện của ông được lập kế hoạch từ mấy tháng và rất đắt, cỡ 100.000$/buổi.
 
Frank Wagner đã liệt kê 20 thói quen giết chết sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cao hơn là sự phát triển của một dân tộc, mà khó ai nhận ra.

Trong số 20 điều ấy  thì có tới 2 điều nói về cái sự nghe.

1- Starting with No, But, or However. Luôn bắt đầu câu chuyện và cuộc đối thoại với các từ như Không, Nhưng và Dù sao. Đây là kiểu phản đối để người nghe hiểu “Anh sai rồi. Tôi mới là đúng”, cũng tức là một dạng không biết lắng nghe.

2- Not listening. Không biết nghe, hay nghe mà không (thèm) thấy, có nghĩa là "Mũ ni che tai."

Điểm lại cái sự nghe trong lịch sử của dân tộc ta thì cũng thấy nhiều bài học. Mới đây tôi giật mình khi một nhà nghiên cứu nói rằng Việt Nam không có văn hoá kế thừa. Nhiều triều đại phong kiến dựng cơ đồ bằng sông máu núi xương để rồi triều đại sau phá sạch. Luận điểm này có thể phải trao đổi thêm, song văn hoá ít chịu lắng nghe, theo tôi, là có cơ sở.


Tôi đồ rằng cái sự không chịu nghe, chỉ biết tuân thủ và làm theo, ít nhiều có nguồn gốc từ hàng ngàn năm chinh chiến để bảo vệ mảnh đất đau thương này. Văn hoá chiến tranh là thứ văn hoá vâng lời, không có chỗ cho phản biện hay trao đổi. Cộng thêm văn hoá thứ bậc của Nho giáo nên sau chiến tranh, thói quen cố hữu: ra lệnh và tuân thủ, vẫn ngự trị trong sinh hoạt chính trị - xã hội cũng như các quan hệ kinh tế.
 
Quen nghe sự vâng lời và tuân thủ một cách ngoan ngoãn đã tạo ra một vầng hào quang ảo xung quanh một bộ phận lãnh đạo khiến họ mất dần "khả năng nghe",  nếu có thì phần lớn cũng chỉ là những lời nịnh nọt tâng bốc của đám xu thời.

Đất nước thực sự bước sang một trang mới từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Cả thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đối tượng - kẻ thù thành đối tác làm ăn, mà muốn đối thoại thì phải kẻ nói người nghe, tức là biết lắng nghe. Chỉ nhắc lại chuyện mới đây thôi, nếu các quan ở Tiên Lãng, Hải Phòng chịu khó lắng nghe dân thì đâu nên cơ sự này./.
 
Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Chỉ là xả xì trét thôi mừ

Tiên Lãng ngày ......tháng ....năm 2012.

Kính thưa các báo , các blog .

Chúng em không ngờ vụ mà các báo các blog gọi là cưỡng chế và đập phá nhà ông Vươn ở Tiên Lãng, chủ trò là chúng em,  lại gây được tiếng vang như thế . Đúng là chấn động năm châu bốn biển , vượt ra ngoài sự mong đợi của chúng em.

Tuy nhiên, trò chơi đã kết thúc và đã đến lúc chúng em thấy cần lật bài. Các báo các blog hiểu sai bét về chúng em rồi, không ngờ các bác lại dễ bị lừa như thế . 

Các bác có biết cách đây gần nửa thế kỷ ở nước Nhật xa xôi có một trò tiêu khiển rất lạ : Đập phá.

Thực ra đây là trò xả xì trét của bọn tư bản . Chỉ có bọn bóc lột mới bị xì trét . Nói thế chứ mấy năm gần đây, kinh tế thị trường ùa vào,cấp xã cấp huyện chúng em cũng cũng đau đầu ra phết.

Ngay Trung Quốc cạnh ta, anh chàng Hannan,một doanh nhân ở thành phố Thanh Đảo vừa đập tan chiếc Lamborghini cho bõ ...tức.

Trên tinh thần học hỏi , hoà nhập , chúng em tích cóp được tí phúc lợi của quê hương, làm chuyến đi Nhật xả xì trét,  nhưng thưa các báo các blog , không ăn thua , sự bức bối, tức giận , phiền não vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Chúng em đã điện về yêu cầu họp trực tuyến với sự tham gia của gần 300 đảng viên trong huyện thì phát hiện ra nguyên nhân chính là do bọn Nhật này ky bo quá. Nó toàn đưa đồ bãi rác ra cho chúng em phá . Sau này mới biết chúng em không phá thì máy cũng nghiền thành cám để tái chế.

Nghe tin ở Tây Ban Nha có dịch vụ đập phá để xả xì trét hay hơn , bốc hơn nên từ Nhật chúng em mua vé bay thẳng Madrid . Sang tới nơi chúng em được phá hẳn một khách sạn 5 sao . Sướng . Lúc nghỉ tay , lôi cái điếu ra bắn điếu thuốc lào quê hương thì vài thằng tây tay chỉ miệng nói : Đỡ được trên chục ngàn đô công phá dỡ . Điên không?

Đúng là bọn lừa đảo , quân bóc lột . Chúng em quyết định lên đường sang Hoa Kỳ , ở đó có hẳn một dịch vụ chuyên nghiệp với cái tên The destruction company. 

Đúng là một công ty chuyên nghiệp , họ đảm bảo sau khi đập phá , khách hàng sẽ giải toả được bế tắc trong cuộc sống , tan biến mọi phiền não u sầu . Thế nhưng để thoả mãn cơn thịnh nỗ và giải quyết những bí bách tích tụ trong cơ thể thì "thượng đế " phải trả một cái giá lên tới hàng chục ngàn  đô la. 

Đồ đập phá ở đây toàn hàng hiệu chứ không phải đồ bãi rác như bên Nhật . Ví dụ như hai cái lọ sứ Tầu ,đập một thì 1000 USD , hai cái 1800USD. Mà các báo các blog tính , đoàn chúng em cả chục người , đập vài ba cái thì chưa giải toả hết sinh lực thừa. Chẳng bõ bèm gì. Họ đâu có biết chúng em đã tiêu mất kha khá ở Nhật và ở Tây ban nha rồi .  Bọn "sát thủ đầu mưng mủ "này có biết một người dân Tiên Lãng quê em phơi lưng ở đầm cá đầm tôm cả ngày mới được vài đô la không , đúng là "ác như con tê giác". Mà hứng lên đập vài cái sô pha trên 2000 đô , vài chục chai rượu nữa cho thơm phòng thì chắc không đủ tiền vé về Tiên Lãng quê em.

Thưa báo thưa blog , thế là chúng em họp,  vâng lại họp và ra nghị quyết : Đầm tôm nhà anh Vươn là vị trí lý tưởng để xả xì trét, vừa không mất tiền mà lại thật 100% . Thật ngoài sức tưởng tượng , anh Vươn và gia đình đã "hưởng ứng " tuyệt vời , hơn cả Mỹ , hơn  cả Nhật vì có mùi thuốc súng, có tiếng kêu gào của phụ nữ trẻ em .. . Đến dày dạn trận mạc như giám đốc công an chúng em cũng phải vỗ đùi mà khen rằng , hợp đồng tác chiến , tuyệt , có thể in thành sách.

Mọi việc diễn ra như thế nào thì blog và báo biết rồi . Chúng em chỉ  hối hận  là diễn hoàn hảo quá , xả xì trét thật quá nên các bác nhầm thành cưỡng chế , thu hồi, phá hoại tài sản công dân... Các bác làm to chuyện khiến thủ tướng cũng bận lòng.

Rồi thể nào chúng em cũng thưa lại chuyện để thủ tướng rõ . Chỉ là xả xì trét thôi mừ .

Chúng em, nhóm xả xìtret , kính thư.