Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Đi máy bay.


Mình không đi máy bay nhiều nhưng lần nào đi cũng thấy có chuyện...đáng kể. Có thể tính mình hay để ý.

Cánh boeing 321
Ở cơ quan mấy anh bạn thỉnh thoảng nhìn mình chằm chằm rồi thở dài quay đi, nói cái mặt ông trông DOWN lắm. Không chỉ một mà mấy đứa đều nói thế làm mình đâm nghi, về nhà soi gương, lắc đầu mấy cái, vuốt mặt mấy lần, nhìn đâu đến nỗi.

Mặc dù vậy mình cũng chẳng tự tin lắm với khuôn mặt mang tiếng ấy nên nhiều khi tự ti, mặc cảm.

Hôm rồi làm thủ tục lên máy bay ở Sân bay Cần Thơ, cô nhân viên đẹp như mơ ngắm nghía mình hồi lâu rồi cất giọng nhỏ nhẹ: "Anh có muốn ngồi gần cửa thoát hiểm không ạ". Nhớ lời vợ dặn, theo phản xạ với con gái Cần Thơ, mình lắc đầu lúng búng, nói không.

Chuyện này làm mình nhớ  trước đó mấy tháng, lúc check-in lên máy bay ở Nội Bài, cô nhân viên cũng hỏi  như vậy.

Mình buồn lắm! Chắc là trông bộ mặt không lấy gì làm linh lợi, sáng sủa của mình nên họ ưu tiên cho mình ngồi đó, ngộ nhỡ gặp lúc nguy hiểm có thể thoát nhanh.

Nhìn ra ô cửa sổ bồng bềnh mây mà lòng hoang vắng, thôi thì cha mẹ sinh ra vậy, biết làm thế nào... Mình rút phựt tờ rơi trước mặt đọc để tìm quên. Thì đây này:






"Hành khách ngồi cửa thoát hiểm phải tỉnh táo, khỏe mạnh, khéo léo; có khả năng phân biệt hình ảnh, âm thanh và lời nói..."

Thấy chưa! Mấy thằng mất dạy! Đừng nói tao DOWN nhé! Nhân viên sân bay chọn tao ngồi cửa thoát hiểm là vì sao? Họ có mù đâu.

Nghĩ tới đây lòng mình khoan khoái,  không biết có nên thông báo cái điều này với mọi người không nhỉ? Lần sau, khi làm thủ tục, mình sẽ nheo nheo mắt nói với cô nhân viên rằng:  "Này! Đừng có mà đề nghị tôi ngồi gần cửa thoát hiểm đấy nhé!" Nói xong, mình sẽ giật nhẹ tấm vé trên tay cô nhân viên, rút thanh kéo va-li cái roẹt, mặt vác lên trời, rảo chân bước lẹ vào khu cách li...

Đang suy tưởng chợt loa trên máy bay vang lên giọng cô tiếp viên: " Chúng tôi rất cần sự trợ giúp về mặt y tế. Ai là bác sỹ, y tá, xin khẩn trương đi về cuối máy bay"

Mặc dù tiếp viên được dạy là luôn phải giữ bình tĩnh nhưng rõ ràng giọng cô này vẫn hơi run run, chắc là có chuyện chẳng lành.

Im lặng! Không một ai đứng dậy. Chắc là không có bác sỹ rồi. 2 phút, 3phút..., 5 phút trôi qua rồi cũng có người đứng dậy. Phải thế chứ! Trong lúc khó khăn hoạn nạn phải giúp nhau chứ! Tình người mà! Hàng chục hành khách nín thở ngoái đầu nhìn theo người đàn ông vừa đứng dậy lòng đầy cảm kích.

Oh, No! Bác ấy đi tè.  Shit!

Thêm một người nữa đứng dậy. Hàng chục ánh mắt dõi theo, hồi hộp...

Oh, no!

Kể từ đó, hễ ai đứng dậy đi xuống đuôi máy bay là có lời bàn "Chắc là đi...?", "Không, ông này trông có vẻ ngành y..."

Mọi người đứng dậy ít dần rồi tịt hẳn. Ai cũng ngại bị coi là bác sỹ, trong đó có mình. Lúc xuống máy bay mình nhắm hướng toilet bưng quần chạy một mạch. Chắc lúc đó trông mặt DOWN lắm!  



Suất ăn ngày càng ít.Cũng may mà ít chứ không...


Thôi lần sau, thay vì ngồi cửa thoát hiểm, mình tình nguyện ngồi cạnh cửa toilet.






T                       

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Miền Tây mùa nước.


Ngồi cà phê với anh Lâm Hùng (VOV Cần Thơ), anh nói như khoe, Phong ơi miền Tây đang mùa nước nổi đấy. Hút một ngụm cà phê (cà phê đá ở đây uống bằng ống hút), rít thêm hơi thuốc, anh bâng quơ: " Chẳng hiểu sao người ta cứ gọi là lũ làm cho dân tình hoảng lên"

Đang để ý kiểu uống cà phê bằng ống hút, nghe anh nói thế giật mình.

Từ "lũ" với dân miền Bắc,  miền Trung gắn liền với sự tàn phá, chết chóc, mất mùa...

Thế nhưng hiện tượng mà mọi người gọi là "lũ" thì dân miền Tây gọi là "nước nổi". Nước lên dần dần chứ đâu phải ào phát như lũ miền Bắc. Vì thế "nước nổi" nghe hiền hòa, phản ánh đúng thực tế. Miền Tây mà không có lũ - nước nổi, coi như đói.

Mình chưa hiểu sâu sắc vùng này, nghe vậy biết vậy. Đăng lên vài tấm ảnh, chụp cảnh miền Tây mùa nước nổi khi bay từ Phú Quốc vào Cần Thơ.  

Chỗ này cách sân bay Cần Thơ 20 Km


Cách 30 cây

Cách 35 Km

Cách 10Km

      

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Lòng thành


Thời buổi thị trường mông muội, mọi thứ đều có giá? Giờ này mà có Mạnh Thường Quân, có kẻ làm phúc nào (bằng đồng tiền lương thiện) mà ẩn danh là mình nể phục và kính trọng lắm.

Nhiều khi "cái giá" chẳng phải vật chất, có khi mơ hồ, khó nhận ra. 

Mình đưa lên đây mấy cái ghế đá chụp ở Dinh Cậu, một cái miếu thờ được cho là rất thiêng ở Phú Quốc để mọi người xem lòng thành có nhất thiết phải lộ liễu phô bày như thế này không.    








Dinh Cậu
Lòng thành doanh nghiệp

Lòng thành của tập thể

 Lòng thành cá nhân



Dinh Cậu thiêng vì chở che cho dân biển nên dân biển có lòng thành,
viết ra ngộ nhỡ Cậu quên.



















Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Mưu sinh Bắc - Nam

Nếu như ngồi uống cà phê ở Hà Nội thì chúng ta luôn được mời đánh giày, còn ở trong Nam, đặc biệt miền Tây, thì luôn được mời mua vé số. Đơn giản vì người Nam ít đi giày, toàn đi xăng - đan cho mát chân, khỏi lo triều cường làm ướt... dzớ (vớ - tất). Trong khi đó, để "mua" sự hồi hộp và "nhâm nhi" cảm giác hên-xui thì người ta sẵn lòng bỏ ra thêm "một cốc cà phê" nữa cho vé số.



Già cũng chơi vé số
Từ trẻ tới già hầu hết đều có thói quen mua sổ xố. Nói không ngoa, có thể coi vé số như một thú chơi của người Nam, thậm chí có người còn bảo trong này có "văn hóa vé số".  Sổ xố góp một phần không nhỏ cho nguồn thu của tỉnh. Hơn đứt ba cái vụ lô đề.  Sổ xố bán dạo trên đường, dĩ nhiên ở miền sông nước sổ xố phải tràn xuống cả sông ngòi kinh rạch. 

Đang đuổi theo ghe để mời vé số
     

Ở miền Tây nhà thường có hai mặt tiền, một hướng ra lộ, mặt hậu hướng xuống sông. Thực ra cũng chẳng biết trước hay sau là mặt tiền vì người dân có khi chủ yếu sinh hoạt ở phía hướng ra sông. 

Tiệm ăn hướng ra sông
Ở miền Bắc dễ bị tẩu hỏa nhập ma vì các loại biển hiệu, ví dụ như thịt chó Anh Tú xịn, ông già xịn; lạc rang húng lìu bà Vân thật, bà Vân trong ngõ, bà Vân trên gác... và có cả tẩm quất thật. Vụ này mình chưa nhìn thấy ở miền Tây, để mấy bữa nữa chạy lòng vòng xem sao.  

  
Hình như ở thủ đô nên cái gì cũng "thật", "xịn", "sạch"..., thậm chí "siêu thật", "siêu sạch"? Thế nhưng không phải,  mình hỏi về cái biển hiệu tẩm quất này thì anh bạn làm văn hóa tặc lưỡi nói có gì đâu, chị chủ tên là Thật í mà. Kiểm tra rồi, họ bảo thế.         



Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Cái tăm


Mình rất ít khi dùng tăm. Đã có lần cô nha sỹ khen mình có "mặt tiền" đẹp. Mình tự hào về điều đó và rất biết ơn bố mình đã không khuyến khích mình dùng tăm ngay từ nhỏ.

Thế nhưng khi vào trong Cần Thơ làm việc, đi mua xôi hay bánh mì đều được "khuyến mãi" thêm cây tăm, được ghim sẵn trong túi. Cái này gần như mặc định vì có lần mình đã xua tay, nói khỏi, không cần em ạ. Thế nhưng lần sau vẫn được cho  tăm.

                                                           Lại còn được cả hai cái tăm.
 Ở Hà Nội các thầy, các thím đi mua bánh mì có tăm kèm theo không? Chắc không có đâu, kể cả bánh mì 30 ngàn nhé.


Nó thể hiện cách phục vụ của người bán hàng phía Nam nói chung, hay mọi người thường nói dịch vụ trong Nam tốt hơn ngoài Bắc. Điều này ai cũng công nhận.

Trả lời cho sự khác nhau ấy chẳng khó, đã có nhiều người bàn. Song theo mình có một lý do chính như thế này.

Người dân miền Nam không chịu cảnh bao cấp kéo dài như ngoài Bắc. Chế độ Sài Gòn cũ hình thành nền kinh tế tự do cạnh tranh nên phương châm khách hàng là thượng đế là điều mặc nhiên. Ai không tuân thủ điều ấy đồng nghĩa với sập tiệm. Người cung cấp dịch vụ không phải để đến lúc khách yêu cầu mới đáp ứng mà họ chủ động tìm hiểu những nhu cầu để thỏa mãn tối đa người sử dụng dịch vụ.

Cũng từ những yêu cầu như thế nên họ tự học hoặc trau dồi thêm các khóa học về thương mại, giao tiếp. Người buôn thúng bán mẹt học cách đối đãi, ứng xử với người mua hàng sao cho thật vừa lòng; kẻ buôn to bán lớn tìm đủ cách để quyến rũ và níu kéo khách hàng, tạo nên các mối làm ăn lâu dài, uy tín.

Ngược lại, miền Bắc bị di chứng của bao cấp, của phân phối theo kiểu bố thí kéo dài khiến cho hình ảnh cô mậu dịch viên, bán gạo theo sổ, bán thịt bằng tem..., vẫn còn ám ảnh cho tới tận hôm nay và hiển hiện ở nhiều nơi.

Một điểm khá thú vị là người Bắc, Bắc Trung Bộ quật cường trong cách mạng là thế, và ngay hôm nay họ vẫn là những ngọn lửa bùng lên bạo liệt và đầy khí phách trong đấu tranh, nhưng kỳ lạ thay, lại rất nhẫn nhục và cam chịu trước những lời mắng nhiếc, thậm chí sỉ vả của mấy con mụ bán hàng kênh kiệu mắc chứng hoảng tưởng, đinh ninh chỉ có mình mình trên quả đất này. Thế nên thủ đô ngàn năm văn vật  mới có bún chửi, cháo quát làm quà đặc sản, làm "vẻ đẹp tiềm ẩn" cho du khách bốn phương   

Chẳng biết có mối liên hệ nào giữa đức tính chịu đựng nhẫn nhục của người phía Bắc với những sự phản kháng vô cùng mãnh liệt trong lịch sử và ngay cả hôm nay?

Mình hỏi thầy giáo của mình điều này thì ông lừ mắt, nói vớ vẩn, "quật cường trong cách mạng" sản sinh ra những người cách mạng quật cường. Họ là những người có tình yêu bao la, đồng cảm và thương mến sâu sắc nhân loại.  Sỉ vả hay cau có khó chịu chính là tàn dư của phong kiến, thực dân, đế quốc; nếu có thì cũng chỉ là bột phát, nhất thời; là những chật vật, gian nan tất yếu trong thời kỳ quá độ tiến lên...phía trước.       

Bla ...bla... bla..., phỉ phui cái mồm, lại lẩn thẩn rồi.  Thôi các thím, các thầy bàn tiếp nhé!            



           

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Mắm Phú Quốc đây!


Thiên hạ viết mãi về mắm Phú Quốc rồi, giờ mình mới được ra tận nơi. Phú Quốc có nhiều hãng nước mắm nhưng nghe đồn Khải Hoàn là làm ăn quy củ nhất, dây chuyền xịn nhất, có Viện Paster kiểm nghiệm hẳn hoi. Mình vào kho dành cho khách tham quan thì thấy sạch thật. Mọi người bảo chượp nước mắm nhất định có con nọ con kia,  mình bắc thang leo hẳn lên miệng nhìn vào, chưa thấy con gì, chỉ thấy thơm ơi là thơm, không biết ông chủ Khải Hoàn có làm màu, làm phép gì không.




Kế bên xưởng là sông, tàu cá từ biển vào chỉ việc đổ cá xuống là xong. Xưởng cho khách tham quan để ví dụ 100 thùng, cô nhân viên bán hàng khoe Khải Hoàn có tất cả 600 thùng. Mỗi thùng 50 triệu, tính sơ sơ tiền thùng cũng cả mớ rồi.

Thùng chượp cá  được đóng bằng nhiều loại gỗ khác nhau nhưng phổ biến là cây bời lời. Trông trong hình vậy thôi chứ riêng mấy cái dây để chằng xung quanh cũng to cỡ bắp tay người lớn. Quên không hỏi sơn bằng cái sơn gì mà màu lạ thế.


Mỗi thùng như thế này chứa được 15 tấn cá, tỷ lệ 7 cá 3 muối. Giá trị của 1 thùng khi đó lên tới gần 200 triệu. Mỗi thùng ra được từ 3500 - 4000 lít nước mắm.


Mình mua vài chai loại hảo hạng, 43 độ đạm. Cô bán hàng bảo loại này không hề pha phách gì hết, chỉ cá và muối, chấm hết. Hơn nữa loại này chỉ bán tại xưởng, hỏi sao, cô bảo đơn giản vì không đủ hàng.



Không phải thùng nào cũng ra được 43 độ đạm. Để có độ đạm cao phụ thuộc vào loại cá và chất lượng cá. Có thùng chỉ ra được mắm có hơn 20 chục độ đạm thôi. Cô bán hàng này cũng cho biết hiện nay người ta có đủ các chất tạo thơm, tạo ngọt cho vào mắm để đánh lừa cái mũi và cái lưỡi của người mua. Vì thế mới có mắm vài chục ngàn chai. Tuy nhiên độ béo của mắm thì chưa hãng nào làm được. Mắm ngon phải đủ vị thơm, ngọt, béo.


Nhưng để nếm ra vị béo của mắm không dễ. Mình mua chai mắm tí tẹo mà 100 ngàn, phí vận chuyển ra Bắc nữa thêm 200 ngàn (từ 1 đến 20 chai). Vị chi (nếu mua) 1 chai giá thành đội lên 300.000. Không là cái đinh gì, mua vài chai, quyết luyện lưỡi hòng nhận ra vị béo của mắm Phú Quốc thượng hạng xem sao, không biết có thành công không. He he.

Có mấy nhời nói lại điều người ta kể, tuyệt đối không PR hay quảng cáo. Ai thích phản biện xin mời tham gia cho vui.          


    

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Đem lại niềm vui cho mọi người, nên không?


Nên quá đi chứ, nhưng chắc nó không nên cho tất cả. Suy xét kỹ thì mệnh đề trên thuộc triết học, mà món này mình dốt nên minh họa bằng câu chuyện cụ thể. 

Mình chưa bao giờ được đi xem đua bò ở An Giang. Kỳ này vào làm việc ở Đồng bằng sông Cửu Long, định đi nhưng lại phải họp sơ kết online với Hà Nội. Mấy anh em phóng viên lắc đầu tiếc hùi hụi, nói anh không đi, uổng!

Biết thế! Đành để dịp khác vậy. Đua bò ở An Giang nhằm đúng ngày lễ Sen Đon ta – cúng ông bà, nên càng vui, đối với mình còn lạ nữa.



Đang ngẩn ngơ tiếc thì Thạch Sang Cosol, người Khơ Me bước vào đưa gói chè, nói anh Nhật Minh gửi anh. Chuyện trò một hồi sang chuyện đua bò. Cosol kể nó là môn thể thao của dân tộc em, nhưng em thấy thương con bò quá.



Hóa ra để con bò chạy nhanh, người điều khiển (tài xế) phải thúc cây gậy đầu cắm một vật nhọn bằng kim loại vào thân con bò. Khi đó đôi bò đau đớn phải lồng lên. Sự đau đớn ấy thường được tài xế chia đều cho cả đôi. Tuy nhiên, để đôi bò luôn chạy song song, đúng đường và nhanh nhất thì con nào chạy chậm sẽ bị đâm dùi nhiều hơn. Và cứ thế, sự nỗ lực của đôi bò luôn tỷ lệ thuận với những cú chích dùi không nương tay của tài xế.  



Trước nay mình cứ nghĩ đấy là cái roi thông thường, ai ngờ lại là cái dùi nhọn. Đôi bò lao lên phía trước vì đau đớn chứ đâu phải vì tiếng cổ vũ váng trời của đám người xem.

Hàng ngàn người sung sướng, hạnh phúc, thậm chí bị kích động trong sự đau đớn đến tột cùng của con vật. Nghĩ tới đây tự dưng mình lại chẳng muốn xem đua bò nữa.

Trên cả quả đất này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thiếu gì những trò tương tự. Đấu trường La Mã từng rung chuyển cùng niềm vui man rợ khi chứng kiến cảnh nô lệ tử chiến với thú dữ; Tây Ban Nha còn đó vẻ kiêu hùng của các matador (dũng sỹ đấu bò) với tấm vải đỏ chết chóc; ở ta thì có chém lợn, đâm trâu...

Thế mà ai đó nói “hạnh phúc là đem lại niềm vui cho mọi người.” Đem lại niềm vui, tìm kiếm cái lợi cho số đông chưa chắc đã là một việc làm đúng. Vì thế mình phải cảnh giác với những cái được khái quát tào lao (hoặc có thể mình chưa hiểu thấu đáo), và cũng nên thận trọng với những thứ chỉ căn cứ vào những định đề cổ lỗ kiểu “chuồn chuồn bay thấp thì mưa...”

Khó ghê! Xưa lười học nên giờ đụng đâu cũng thấy tối om om. Hối cũng đã muộn. Thôi, đi làm cốc cafe!



     




                

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Thày cô đèn giời soi xét!


Đang ngồi nghịch blog thì vợ điện vào, nói anh ơi, trên facebook anh hỏi thực hư cái vụ không cho các con xem xiếc vì không đóng tiền làm gì. Mình hỏi sao, vợ nói chuyện xảy ra với chính con mình. Làm gì phải hỏi ai. Chuyện về bản chất chẳng khác gì vụ việc trong bài “Cần quái gì cái công bằng gớm ghiếc ấy”.    


Đi học về cháu kể hôm nay phải đeo cặp nặng ơi là nặng, đứng trong nhà xe chờ mãi bác mới đến đón. Hỏi sao? Cháu bảo tan học phải ra khỏi lớp ngay (thay vì ngồi trong lớp đợi bác như mọi khi) để cô còn dạy cho các bạn khác.

Đang chẳng hiểu ra sao thì buổi tối mẹ cháu nhận được tin nhắn với lời nhắc gia đình phải đến đón con đúng giờ. Nếu không bố trí được thời gian thì nhà trường có thể trông hộ cho tới 5h30, phí là 240.000/tháng.

Hơn hai trăm bạc không phải quá lớn nhưng gia đình không có nhu cầu. Thế nhưng đường xá ở Hà Nội mà nói đến đúng giờ vào lúc tan tầm là hơi khó. Ngày nắng ráo đã vậy, không biết những hôm mưa bão các cô có mời các con ra ngoài sân, ngoài hiên đứng không?


Nói những điều trên không phải để trách móc. Thực ra các cô cần có thêm thu nhập, vả lại nhiều phụ huynh cũng không thể về sớm nên muốn gửi con. Thế nhưng mong các cô ứng xử khéo léo, đừng để các cháu mặc cảm, thấy tủi thân như bị “đuổi” ra khỏi lớp (mặc dù tôi biết hầu hết các cháu đều thích về). Thứ nữa, liệu đây có phải là một phiên bản hay một cách hợp pháp hóa việc dạy thêm?

Tôi có cảm giác là khi đồng tiền đi vào trường học một cách trơ trẽn và thô thiển (chưa nói tới việc nó lộng hành và chi phối) thì hại nhiều hơn lợi, mất nhiều hơn là được. Hôm nay, sự “hiện diện” của đồng tiền đã ở khắp nơi. Nhưng xin hãy chừa lại một nơi trong trẻo dành cho con cháu chúng ta. Mong các đấng thầy cô đèn giời soi xét.