Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Sếp

1- Hôm nọ đi ăn cưới bà chị họ. Ngồi cùng mâm với mình toàn bậc cha chú, mỗi mình trẻ ranh, kinh chết, chẳng dám ho he. Đang ăn thì có chai rượu xuất hiện. Mọi người đã uống bia dở nên không quan tâm lắm. Một lúc sau ông ngồi cạnh đứng dậy cầm chai rượu mở nắp rót. Đột nhiên mình nghe văng vẳng: Thằng này chắc nó làm sếp?!
2- Trong Cần Thơ mình xài Vietcombank ra ngoài Hà Nội dùng VIB. Đi hai năm một tháng, không có tiền trong tài khoản VIB nên cũng chẳng dùng tới, quên cả mật khẩu. Thế là phải ra ngân hàng xin lại. Cô nhân viên xinh xắn nhanh mồm nhanh miệng nói anh ký vào đây vào đây. Rồi cô ấy so với chữ ký mẫu trên máy tính, mày chau lại, nói anh ơi sao không giống? Mình thục hai tay vào túi quần, mắt nhìn ra xa xăm thở dài vẻ mệt mỏi với hư danh, nói ngày anh ký cả tập nên nó rút gọn chỉ còn có thế. Em nhân viên mắt sáng lên, nói như reo: Anh trông xe ở cổng Viện X phải không?

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Lại được

Công việc tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ. Lắm lúc ngồi đọc bài cứ tủm tỉm cười, mấy em đi toa-lét ngang cửa lỡ mắt ngó vào tưởng dở hơi.
Những câu chuyện trong "Bạn hãy nói với chúng tôi" tuyền là éo le trắc trở, đau khổ sầu bi, những tình huống dở khóc dở cười mà đôi lúc ngồi bóp trán tự hỏi không may mình gặp hoàn cảnh như vầy thì giải quyết ra răng?
Thế mà cái L.(gọi là cái Lờ cho nó... tế nhị) ở Phòng Thư ký đi giới thiệu: "Trong chương trình hôm nay chúng ta LẠI ĐƯỢC nghe tâm sự của 1 cô gái trẻ..." Gớm chết chết! Làm như sung sướng hoan hỉ lắm đấy mà LẠI ĐƯỢC.
Cũng chả biết thế nào. Đối với thính giả yêu mến của VOV2, nhất là với "Bạn hãy nói với chúng tôi" thì LẠI ĐƯỢC là đúng chứ nhỉ? Thế mà mình lỡ mắng nó, lại còn nhận hối lộ của nó một cốc chè bà cốt mới bỏ mẹ chứ lị!

*Cô Việt Anh Nguyễn không làm gì phải "đắng lòng" cả. Hôm qua duyệt đệm muộn, bệnh hạ đường huyết nó hành hạ tôi. Vì thế tôi lôi trong tủ ra gói "bánh" hôm sinh nhật tôi (10/2015) các cô tặng để dằn bụng. Tôi nhớ lắm chứ! Vì mấy hôm sau cô còn đong đưa: "Qùa của anh em gói đới nhá". Hoá ra các cô lấy vỏ hộp bánh để gói. Hoá ra trong đó là 1 đôi tất, 1 hộp dầu gội đầu. Hoá ra các cô...các cô...các cô.... lừa tôi! Hoá ra các cô ngầm ý: Này thì hay ăn này! Này thì "ăn giầy (dầy) ăn cả tất" này?"
Đúng lúc ấy con L. nó thò hộp chè bà cốt ra bảo sao anh không rung rinh xúc động cho được. Đấy! Thấy chưa!

RỤNG CẢ...TÓC, KINH KHÔNG!


Hôm trước nhìn thấy hai cái cặp tóc nằm lăn lóc trên bàn họp phòng làm việc, giật thót cả mình, không dám hé răng kể với ai.
Hôm nay lúc chị Hoa dọn phòng, mình nói tuần này các phòng tổng kết nên hơi lộn xộn. Chị cười nhẹ, nói không sao cậu ạ, chỉ hơi nhiều... tóc thôi. Lại giật thót hết cả mình!
He he, hoá ra Hệ VOV2 đang yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ trong 2016 nên lúc họp các mẹ vò đầu bứt tai (tung cả cặp, rụng cả tóc) để nghĩ cách cùng Ban giám đốc, chứ cái ngữ như mình sức mấy mà làm chị em bung được cặp, rụng được...tóc.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Bán hàng thế này thì chết!

Hôm qua vào Media Mart Cầu Chui – Long Biên mua cái máy vắt cam. Em bán hàng đưa ra mấy loại. Khi mình săm soi chiếc Braun thì cô ta chê cái này đủ điều và tâng cái Bluestone bên cạnh lên tận mây xanh. Mình thấy hơi lạ! Bán hàng kiểu gì mà lại đi dìm hàng trong chính cửa hàng của mình thế nhỉ?



Mình đoán là hãng máy vắt cam Bluestone có bồi dưỡng hay thoả thuận ăn chia gì đó nên nhân viên bán hàng mới “tích cực” thế.

Nhân viên bán hàng của siêu thị điện máy Nguyễn Kim-Tràng Thi thì khá hơn. Tức là chỉ cho khách mấy sản phẩm rồi đứng im để khách chọn. Hỏi cái này khác cái kia điểm gì cũng chẳng nói được. Chán! Nhưng cũng còn dễ chấp nhận hơn dìm hàng ở Media Mart Long Biên. Bởi dìm hàng làm cho người mua mất niềm tin vì sự thiếu khách quan của chính người bán hàng.

Một thời gian dài trước đây, cách bán hàng phổ biến tại nhiều cửa hàng, quán hàng ở Hà Nội là kênh kiệu, chảnh, làm cao (bây giờ vẫn còn đấy). Người bán luôn chủ động dồn người mua vào thế bị động, thế yếu, thậm chí làm cho họ quê để dễ bề bắt nạt với hy vọng nói gì người mua phải nghe nấy.

Biểu hiện của cách bán hàng này rất phong phú! Ví dụ như chủ cửa hàng cố tình lơ đãng khi khách hỏi (cái này mình gọi là điếc có tính toán, điếc tích cực).  Một lúc sau, khi khách gần mất hết kiên nhẫn họ mới chiếu cố quay lại buông một câu trống không vẻ bất cần: Mua gì?

Họ uy hiếp người mua bằng vẻ mặt khinh khỉnh. Trước khi hỏi thêm một câu gì đó thì người bán thường lạnh lùng nhìn từ đầu tới chân người mua một lượt như để đong đếm năng lực tài chính hay mức độ sang trọng trước khi hạ cố bố thí vài lời. Họ hả hê trước sự rụt rè, ngượng ngập của "thượng đế". 

Có đứa bán hàng mất dậy còn tung ra một câu miệt thị: Có tiền không mà hỏi? Nói đoạn, họ lia sản phẩm lên bàn, không thèm nói nửa lời trong khi bình thản một cách độc ác ngắm nghía sự lúng túng đến thảm thương của người mua, nhất là những người từ xa tới.

Người thành phố, dù có ăn vận điệu đà ra dáng kẻ chợ cũng thi thoảng bị người mua bắt nạt. Nếu ai đó kỹ tính chọn lựa đến sản phẩm thứ 3 thể nào cũng bắt gặp bộ mặt cau có khó chịu của người bán; đòi lựa đến cái thứ 4 thì rất dễ lâm vào hoàn cảnh “hỏi mãi không thấy người bán trả lời”. Lúc này bệnh điếc cục bộ tái phát!

“Bún chửi cháo quát” ở Hà Nội là một "dị bản" của kiểu bán hàng nói trên. Tức là người bán cũng ra vẻ trịch thượng để ở thế trên cơ, đẩy người mua trở thành kẻ yếm thế, thiếu tự tin để dễ bề áp đặt, biến người mua từ vị thế của người có quyền chọn lựa trở thành kẻ phải ngoan ngoãn chấp nhận sự ban phát.

Cũng có người bảo “bún chửi cháo quát” là một cách tạo sự khác biệt, tạo dấu ấn trong kinh doanh?! Nói thế thì ai muốn được nhiều người chú ý, muốn thành hot boy hot girl hay hot lady… cứ cởi truồng mà đi ra giữa đường đi! Tạo sự khác biệt bằng những trò lố thì trên thế giới chắc chỉ còn ở xứ này?

Sau giải phóng 1975 mình có ở Sài Gòn một thời gian. Khi đó còn con nít nhưng quan sát người Sài Gòn bán hàng khác lắm! Họ luôn nói cảm ơn sau khi khách mua hàng. Đây đó cũng bắt gặp sự lạnh nhạt của người bán (cho người miền Bắc sau 75) nhưng đó là sự lạnh nhạt của tâm trạng thù địch cực đoan, ở một vài người, do cuộc chiến đau thương gây ra, chứ không phải sự lạnh nhạt trong quan hệ bán – mua. Điều này đến giờ thì mình hiểu và cảm thông với họ.



Thời buổi cạnh tranh nên cái cách bán hàng kiểu mậu dịch viên cửa hàng quốc doanh cũng mất dần. Tuy nhiên nó lại sinh ra thêm nhiều kiểu kinh doanh lạ khác mà dìm hàng kể ở trên là một ví dụ.

Hôm nay, nhiều siêu thị khoác bên ngoài bộ cánh văn minh bóng bẩy của cơ sở vật chất cùng sự phong phú của hàng hoá nhưng hồn cốt còn lạc hậu lắm! Mình (và tất cả những khách hàng khác) chắc chắn sẽ rất khó chịu khi bước vào siêu thị mà luôn có bóng nhân viên kè kè đằng sau, đi một bước họ theo một bước, với vẻ lạnh lùng đầy cảnh giác.

Bán hàng là nghệ thuật. Vẫn biết không hề dễ, nhưng sức nóng của các hiệp định thương mại đang phả ra ở sau gáy rồi! Cứ cái cách bán hàng trên thì chỉ vài bữa nữa thôi, đến nhân viên bán hàng cũng phải “nhập khẩu” từ các nước lân cận, khi đó hối không kịp.