Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Cô-vít nhớ lại đậu mùa ở VN

Dịch Cô-vít bỗng nhớ một truyện ngắn liên quan đến dịch đậu mùa. Bạn phây nhớ hộ đó là Ma Đậu, trong tập Nằm Vạ của Bùi Hiển, xuất bản năm 1941.
Chắc không có vi-rút nào sau khi tàn phá cơ thể còn để lại dấu vết trên khuôn mặt nạn nhân rõ như dịch đậu mùa. Thế hệ 6x như tôi lúc bé từng hỏi sao người ta lại bị rỗ mặt?
Đấy là những người may mắn dính dịch nhưng thần chết bỏ lại. Diêm Vương “thích” lên mặt dấu vết kinh khủng ấy để nhắc loài người lòng vị tha và trắc ẩn của ngài?!
Ma đậu không bàn về dịch. Nó chỉ là một lát cắt nhỏ của cuộc sống vợ chồng “đôi đũa lệch” trong bối cảnh dịch dã. Trong bóng tối đen kịt của chết chóc thì cuối truyện sáng lên niềm tin, hạnh phúc và tương lai với biểu tượng một sinh linh chào đời. Tôi hy vọng dịch Cô-vít rồi cũng vậy.
Ma đậu viết năm 1941 nhưng thực ra bệnh đậu mùa có từ lâu. Theo tác giả Vũ Đức Liêm, ở Trung Quốc bệnh dịch này có từ khoảng năm 243 TCN.
Ở VN, hoàng tử Nguyễn Cảnh, người kế vị Nguyễn Ánh qua đời vì đậu mùa (1801), con trai Thiệu Trị và sau này vua Tự Đức cũng bị đậu mùa.
Một điều đáng chú ý ở giai đoạn này là vua Gia Long có mối quan tâm đặc biệt đến y học phương Tây. Bác sĩ riêng của ông là Jean Marie Despiau.
Khi Gia Long qua đời ngày 25/1/1820, Minh Mạng yêu cầu Despiau chuẩn bị kế hoạch đi Macao để lấy vac-xin (13/7/1820) ngừa bệnh đậu mùa.
Hai thế kỷ trước chưa có thiết bị lạnh bảo quản vac-xin. Vì thế người ta dùng phương pháp truyền vac-xin từ “tay đến tay”: mang theo những đứa trẻ đã có kháng thể đậu mùa như một nguồn lưu trữ vac-xin.
Theo lệnh Minh Mạng, hai đứa trẻ cùng các bác sỹ phương Tây khởi hành từ cửa Sông Hương đi Ma Cau với nhiệm vụ đặc biệt này.
Cuộc hành trình vì vac-xin trên cho thấy những chuyển biến lớn lao trong cách thức người Việt ở thế kỷ XIX tiếp cận khoa học và tri thức phương Tây. Tuy nhiên sau đó, không hiểu vì lý do gì, vương triều này đã đoạn tuyệt với ý tưởng tiếp nhận thành tựu y học mới từ phương Tây
Việc phát triển kỹ thuật vaccine đậu mùa ở Việt Nam chỉ được giải quyết khi viện Pasteur Sài Gòn nuôi cấy thành công virus trên trâu nước vào năm 1891.
Dù đã bào chế được vac-xin nhưng trong Ma Đậu chúng ta thấy đến tận 1941 bệnh dịch đậu mùa vẫn còn hoành hành gây tang tóc như thế nào ở miền Bắc. Quất roi dâu và xông lá mì ky chỉ giúp anh chị Đỏ (trong Ma Đậu)… lên giường chứ không bao giờ đẩy lui được dịch
Chỉ có y học hiện đại mới khiến vi-rút khuất phục. Và chúng ta tin tưởng thực hiện đúng chỉ dẫn, không hoảng loạn, mỗi người, ai có tiền giúp tiền, ai có khẩu trang góp khẩu trang, chúng ta cùng chung tay ở cuộc chiến này, sớm muộn gì cô – vy cũng thoái lui!
(Tút có trích một số đoạn trong “Đậu mùa - một chú giải nhỏ của lịch sử Việt Nam” tác giả Vũ Đức Liêm, Tia sáng).

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ