Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

'Chém' trên mạng: Chữ nghĩa là gươm đao, đau đớn lắm

Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng trong sự tương tác thiếu trách nhiệm, không chính danh đang khiến những thành viên trở nên hồ đồ.



Phùng Quán có bài thơ định mệnh "Lời mẹ dặn" với những câu:

"Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu".

Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ số 21, ngày 27/9/1957 đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh khốn khổ vì bị cho là “mang biểu tượng hai mặt”, với ý đồ xấu... Ông bị chửi bới nhiếc móc thậm tệ. Trên văn đàn, trong hừng hực khí thế đấu Nhân văn - Giai phẩm, Phùng Quán bị "đập" cho tơi bời.

Trong bối cảnh đó thì bài thơ "Lời mẹ dặn- Thật hay không?" ký tên Trúc Chi xuất hiện để đả phá, chụp mũ Phùng Quán:

"Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,

Nó yêu quân gái điếm cao bồi,

Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,

Yêu những người đáng ghét của muôn người.

Quen học thói gà đồng mèo mả,

Hóa ra thân chó mái chim mồi".

Đọc "Bạn văn" của Nguyễn Quang Lập về sự việc này mới thấy cái buồn, cái đau và tức giận của thi sỹ Phùng Quán! Suốt từ đó (1957) Phùng Quán đi khắp nơi khắp chốn tìm cái bút danh Trúc Chi kia, anh Lập hỏi để làm gì, Phùng Quán buồn buồn nói để xem mặt mũi thế nào thôi.

Sau ba chục năm đằng đẵng tìm kiếm cái tên Trúc Chi, có lúc tưởng như không còn hy vọng, tình cờ năm 1989 Phùng Quán có được tập thơ "Một đôi vần", trong đó có bài "Lời mẹ dặn-Thật hay không?" của Hoàng Văn Hoan, bút danh Trúc Chi (lúc này ông Hoan đang cư trú ở Trung Quốc). Gặp Nguyễn Quang Lập, Phùng Quán vuốt chòm râu bạc như cước, thở ra nhẹ nhõm, khẽ ngâm nga: "Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi... "

Mình không rành văn thơ, cũng không bàn quan điểm nọ kia, thi thoảng đọc bài nào tâm đắc thì nhớ đại ý, hiếm khi nhớ trọn vẹn, nhưng vừa rồi xảy ra mấy vụ cãi cọ nảy lửa trên mạng xã hội, bỗng dưng nhớ chủ đề này, càng thấy CHỮ NGHĨA ĐÚNG LÀ GƯƠM ĐAO, đau đớn lắm, chỉ người trong cuộc mới thấm, mạng ảo giờ thực hơn đời thực, còm một chữ cũng phải nghĩ, chẳng phải chuyện đùa!

Bố của cậu bé – nhân vật chính của vụ ồn ào trên mạng mới đây - có chát với tôi rằng anh chỉ lo cho cháu bé vì nó đã biết vào mạng. Tôi khuyên anh đưa gia đình đi nghỉ đâu đó xa xa, khuyên xong mới thấy ngớ ngẩn. Tránh sao được, cả thế giới này ngập tràn Internet!

Ném đá là một từ cực đắt và không thể thay thế để diễn tả hành vi đánh hôi trên mạng. Ở các quốc gia Hồi giáo, ném đá là một hình phạt. Hãy thử tưởng tượng kẻ phạm tội bị chôn dưới đất, chỉ thò cái đầu lên khỏi mặt đất, xung quanh dân tình bu vào ném đá cho tới chết thì thôi.

Dù tử tội được trùm bao bố lên đầu thì người ném đã cũng không khỏi run tay vì hình ảnh và âm thanh ghê rợn phát ra. Nhưng ném đá trên mạng thì không ai nghe thấy và nhìn thấy, cũng chẳng biết người ném là ai. Chính sự vô danh và vô hình này khiến người ta cư xử độc địa và vô cảm.

Đọc Thiện ác và smartphone của Đặng Hoàng Giang ta bắt gặp nhưng câu như thế này: “Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống như người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không ai nhìn thấy. Khi ẩn danh người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài”.

Những người sử dụng mạng xã hội, hỏi rằng đã hiểu biết tường tận về nó chưa thì tin rằng không ái dám chắc. Ngay cả những nghiên cứu nghiêm túc, bài bản về mạng xã hội hiện vẫn còn hụt hơi so với tốc độ phát triển kinh hoàng của nó.

Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng sự tương tác thiếu (hoặc không chịu) trách nhiệm, không chính danh (không có tên thật) vô hình trung làm cho thành viên của nó trở nên hồ đồ, thậm chí nhiều thành viên ngộ nhận là Robinhood hay Lục Vân Tiên của thời đại.

Like, comment làm cho ai cũng có cảm giác được trao quyền lực khiến nhiều người hả hê, mãn nguyện, tưởng mình đã làm được một việc có ích. Nhưng đáng tiếc là thông tin trên mạng xã hội thường thiếu tính xác thực và ít thể hiện bản chất nên nếu như cứ hồn nhiên lao vào cơn cuồng nộ tập thể để phán xét và thóa mạ một cách vội vàng sẽ gây hậu quả nặng nề.

Trở lại câu chuyện của thi sỹ Phùng Quán. Dù sau này Phùng Quán thoát khỏi cảnh rượu chịu, cá trộm, văn chui, nhưng những tổn thương tinh thần thì dai dẳng hơn nhiều. Nó khiến ông hơn 30 năm chỉ làm mỗi việc là tìm cho bằng ra người ấy, người viết ra những câu chữ cay độc, chỉ để nói với người ấy một câu, một câu thôi…

Thời thi sỹ Phùng Quán chỉ có vài ba tờ báo, sự việc cũng chỉ lẩn khuất trong giới văn nghệ mà còn làm cho thi sỹ đau như thế, thời mạng mẽo này những lời lẽ thóa mạ, chụp mũ, đánh hội đồng, lăng nhục tập thể kiểu như thế, nếu xảy ra, không biết sẽ kinh khủng như thế nào!/.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ