Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

LÝ TRÍ HAY BẢN NĂNG?





Anh chị em ở VOV vừa có kết quả kiểm tra sức khỏe. Có người vừa khám đâu đó bèn lấy kết quả của 2 xét nghiệm ra so. Phần lớn họ thừa nhận và có cảm tình với kết quả thông báo họ còn khỏe, colestorol thấp, uric thấp... Còn cơ sở nào mà chỉ số xét nghiệm chênh lệnh theo hướng chỉ ra bệnh thì họ “căm thù” rồi không ngớt dè bỉu, nói kết quả này sai, kia mới là đúng!?


Ảnh : Phù điêu trên một ngôi đền cổ ở Ấn Độ( mạng)

Cái suy nghĩ rất bản năng như thế đáng yêu hơn đáng trách vì ai chẳng mong sự tốt đẹp. Thế nhưng trong cuộc sống, nhiều hành vi bản năng cần kiềm chế. Hồi tôi còn nhỏ, trong lớp nhỡ hắt hơi to một tiếng, thày quay xuống nhẹ nhàng: “Những cái gì thuộc về bản năng thì cần phải kiểm soát và tránh thể hiện lỗ liễu ở chỗ đông người.” Lời thầy tôi nhớ cho tới tận hôm nay.

Sau khi viết “Những cô giáo cô đơn giữa vùng cao” trên VOV.VN, bạn bè tới tấp lục vấn, “thật à”, “phét”. Lại có đứa hỏi rồi mủm mỉm cười quay đi, ra cái điều “đây biết tỏng rồi nhé, đừng tinh vi”. Khổ! Chẳng biết thanh minh thế nào, chỉ ngầm tự hào rằng mình luôn kiểm soát được bản năng và lý trí trong những hoàn cảnh tưởng như mù quáng và rồ dại nhất.

Chính vì đề cao lý trí và tính logic của vấn đề nên đôi lúc tôi cũng tự hỏi: Bản năng và lý trí, logic và cảm tính, nếu phải chọn một thì chọn cái nào? Lý trí và logic hẳn nhiên là cần. Vậy còn bản năng và cảm tính? Liệu chúng có hoàn toàn vô dụng, chỉ đáng vứt vào sọt rác cùng với nụ cười hỉ hả của những kẻ tôn thờ chủ nghĩa lý trí và logic như tôi? 

Câu trả lời manh nha trong một bộ phim giả tưởng nói về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo vừa chiếu trên vô tuyến.

Trong phim có cảnh một chiếc xe hơi rơi xuống sông. Trong xe có một em bé 6 tuổi và một thanh niên 30 tuổi. Robot lao xuống sông để giải thoát. Tuy nhiên nó chỉ có thể cứu được một người. Robot chọn thanh niên 30 để cứu cho dù anh này ra dấu cứu em nhỏ đang ngạt trong xe. Song robot không đếm xỉa đến điều ấy. Nó thản nhiên cứu thanh niên khỏe mạnh 30 tuổi chỉ vì cơ hội sống sót của anh ta là 45% còn của cháu bé là 11%. Bộ não có trí tuệ nhân tạo với tốc độ tính toán siêu mạnh khiến nó đưa ra quyết định thuần túy lý trí, lạnh lùng, vô cảm nhưng rất logic.

Bỗng dưng tôi rùng mình thấy sợ những suy nghĩ thiên về lý trí? Tự nhiên tôi liên tưởng tới những quan hệ sòng phẳng một cách trắng trợn; tới sự nhẫn tâm, thói vô cảm của con người trước cái xấu, cái ác trong cuộc sống hôm nay. Liệu nó có bắt nguồn từ cách nghĩ thuần túy lý trí và tuyệt đối hóa tính logic? Ngay cả lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực tôi rất quan tâm, thì hiện nay người ta chỉ hướng con mình vào các môn tự nhiên, tôn thờ tính logic của nó mà quên đi sự hư cấu, sự lãng mạn bay bổng, tính nhân văn cao cả có trong các môn xã hội, đặc biệt là văn học.

Cơ sở hoạt động của lý trí và logic dựa trên những cân nhắc thiệt hơn, còn cảm tính và bản năng dựa vào cảm xúc mà hành động. Cả hai cái ấy đều quay cuồng trong não bộ mà ra, thế mà sao khác nhau đến vậy.

Mới đây, trên trang mạng của GS Nguyễn Văn Tuấn, ở Úc, tôi được đọc bài của GS giới thiệu cuốn Thinking, fast and slow (nghĩ nhanh nghĩ chậm) của Daniel Kahneman, một nhà tâm lí học nổi tiếng, từng đoạt Nobel kinh tế.

Daniel Kahneman đã chứng minh trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường quyết định một cách thiếu nhất quán, cảm tính và chủ quan. Trước thông tin rằng tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở nông thôn cao hơn thành thị, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng vì dịch vụ y tế ở nông thôn còn kém. Nhưng nếu có thông tin cho rằng ung thư nông thôn thấp hơn thành thị, có lẽ chúng ta lại nghĩ cư dân nông thôn không sống trong môi trường ô nhiễm như cư dân thành thị!?

Trong cuốn nghĩ nhanh nghĩ chậm có một thí nghiệm độc đáo cho thấy chúng ta dễ bị con số lớn chi phối, tức là tư duy rất cảm tính. Đối tượng nghiên cứu được đưa cho 2 lựa chọn: Với phẫu thuật A, 90% sống sót; với phẫu thuật B, 10% tử vong. Phần lớn đối tượng chọn phẫu thuật A.

Tác giả muốn nhắn nhủ là khi ra chính sách cần phải vận dụng chứng cứ một cách cẩn thận chứ không nên cảm tính và bồng bột (theo hệ thống nghĩ nhanh) vì dễ dẫn đến sai lầm.

Tuy nhiên tác giả cũng nhấn mạnh chính cơ chế nghĩ nhanh này giúp cho con người tồn tại qua hàng triệu năm. Còn tôi thì cho rằng, sẽ là thảm họa nếu có thái độ độc tôn hoặc tách bạch rạch ròi lý tính hay cảm tính, bản năng hay lý trí trong hành động. Trong tư duy nên kết hợp hài hòa cả hai yêu tố này thì mới thấu tình đạt lý. Nghĩ nhanh vậy, chẳng biết đúng không?


Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Những cô giáo cô đơn giữa vùng cao






Hồi còn làm việc ở cơ quan Thường trú Đài TNVN khu vực Tây Bắc, có điều kiện dọc ngang các bản làng heo hút, tôi mới thấy cuộc sống  giáo viên, nhất là giáo viên cắm bản khổ cực thế nào. Cái khổ, cái khó về vật chất có thể chịu được, nhưng sự thiếu thốn về tình cảm thì chỉ có đến mới thấu hiểu.

 Trường Nacosa - Mường Nhé . Tôi vừa ở đây về thì xảy ra sự kiện Mường Nhé.


Cuối năm 1997, bám theo mấy chị ở Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ, Điện Biên, tôi leo lên mấy bản người Dao ở xã Dào San. Xì Lờ Lầu là bản xa nhất, khó đi nhất, còn Tông Qua Lìn, Pa Vầy Sử, Vàng Ma Chải cũng chỉ đến được bằng đôi chân. Trên đường đi thi thoảng lại thấy dân bản khoác súng kíp đứng ở bìa rừng, hỏi chăn trâu à, bà con lắc đầu, nói không, canh trâu bò phía bên kia tràn sang.  

Ở Vàng Ma Chải, tôi đến một lớp học cắm bản nằm lẻ loi giữa một quả đồi cạnh bản. Lớp học lợp lá rừng, ghế là những cọc tre cắm xuống đất, bàn là hai thân tre ghép lại. Bảng đen là mấy tấm ván cong queo ghép vội. Tôi ngắm cái bảng mà không biết bằng cách nào cô giáo có thể viết được một dòng chữ thẳng hàng trên cái bảng ấy. Phía đầu hồi là “buồng” cô giáo, sang hơn phòng học ở chỗ được thưng bằng lá rừng.

Trong cái phòng đầu hồi của cô giáo có 3 vật dụng: chiếc giường được ghép lại từ tre luồng, cái va li gò bằng tôn đựng đồ dùng cá nhân, và dưới đất lỏng chỏng hai cái nồi móp méo nhọ nhem đang bị gà bới đổ tung cạnh ba hòn đá bắc làm kiềng. Nếu không có một cô giáo trẻ đang ngồi thu lu trên giường, chắc chắn mọi người nghĩ đấy là cái lán hoang.

Cô giáo trẻ lắm, tầm 20, vừa được điều từ dưới thị trấn Phong Thổ lên nửa năm nay. Em trân trân nhìn tôi mắt ậng nước miệng mấp máy nói ba tháng nay mới được nghe tiếng phổ thông. Chưa hết câu, em đã gục xuống, nấc lên dỗi hờn. Tôi ngồi xuống bên cạnh nhìn em khóc, nghe em khóc. Ngoài kia, hoàng hôn xuống từ bao giờ, từng cơn gió cuốn theo những đám mây mù xộc vào lán lạnh buốt.

Nước mắt tưởng chừng không bao giờ cạn. Chợt em vùng đứng dậy, nói đến giờ rồi. Tiếng kẻng ở đầu lán vang lên.

Tám giờ tối. Những đốm sáng ma quái khi tỏ khi mờ xuất hiện dưới chân núi, rồng rắn đi lên từ nhiều phía, hướng về lán. Những đốm lửa sáng dần,  đến gần lán thì thấp thoáng những gương mặt nhem nhuốc, tay sách, tay đèn.

Đêm đó, tôi cố tình rượu say trong bản, chẳng ngủ được, nhưng cũng không đủ can đảm để tới chiếc lán gọi là phòng học ấy cho dù chỉ 15 phút đi bộ, cho dù vẫn chưa kịp biết tên cô giáo và em cũng chẳng biết tên tôi.

Trước chuyến lên Dào San, tôi có gần nửa tháng lang thang với lộ trình Sơn La - Phiêng Cằm - Phiêng Mụ - Chiềng Nơi - Đông Vai - Chiềng Chung (huyện Mai Sơn).

Bây giờ có đường cho xe máy đến mấy bản này rồi, nhưng cách đây trên chục năm thì hơi khác. Hồi đó ông Tiến ở Mặt trận tổ quốc huyện đã phải “đào ngũ” vì quá ớn đoạn đường phía trước. Không có ông Tiến dẫn đường tôi vẫn đi. Cứ ở đâu có dân, có bản là sống được, lo gì.

Sau hai ngày lội bộ từ Phiêng Cằm, tôi tới Chiềng Nơi. Chẳng biết có quá lời, nhưng bà con dân bản bảo tôi là “cán bộ trung ương” đầu tiên tới đây. Họ lom lom ngó mình như người ngoài hành tinh, chỉ thiếu nước đến rờ rờ vào chân xem chân người hay chân ngựa mà thôi.

Ở Chiềng Nơi có trường nội trú dân nuôi do thầy Lò Văn Chiến nhà ở cạnh trường làm hiệu trưởng. Gọi trường cho oách, thực ra chỉ là những chiếc lán  100% tre, nứa và cây rừng. Trường khá đông, nếu đi đủ phải được gần 100. Trường có năm thầy nhưng duy nhất một cô. Dễ nhận ra nhất là thầy Chiến (vì già) và cô (vì trẻ và xinh), còn các thầy khác trông cũng giống học sinh: xộc xệch, rối bù, gầy guộc và nhem nhuốc.   

Cô giáo tên Hiền, người Thái, nhà cách đó chừng nửa ngày đường nên trú tạm nhà thầy Chiến. Thầy Chiến đã lập gia đình nên việc này không có gì ngại. Tôi, “cán bộ trung ương”, cũng được nghỉ lại nhà thầy hiệu trưởng.

Buổi sáng hôm ấy, dưới gầm sàn nhà thầy Chiến, tôi giúp cô giáo Hiền giã nốt cối gạo. Em đứng trước, tôi đứng sau. Em không nói gì. Tôi chẳng tìm ra chuyện gì để nói. Ngốc thế! Cũng may tiếng cười khúc khích của em xua tan sự đơn điệu và căng thẳng vô lý. Trước mặt tôi là bờ vai trần và cái gáy trắng hồng của em, mồ hôi lấm tấm rịn ra từ đấy. Bất giác tôi đặt một tay lên bờ vai ấy. Toàn thân em run nhẹ, cái gáy trắng hồng chuyển sang đỏ rực, một vài giọt mồ hôi trên lọn tóc mai lúng túng rụng xuống mu bàn tay. Tôi cảm nhận rõ độ nóng và vị mặn chát. Rồi cũng vô thức như lúc đặt bàn tay lên bờ vai em, tôi lặng lẽ rút tay về, nắm chặt vào thanh vịn.

Hôm tạm biệt thầy cô trường Chiềng Nơi, em nói với thầy Chiến rằng bản Mông trên đỉnh Đông Vai vừa bắn được con gấu, em lên đó mua túi mật về làm thuốc cho bố, tiện thể dẫn tôi vượt Đông Vai tìm đường ra Chiềng Chung.

Với sự từng trải của người đàn ông có vợ, thầy Chiến nghĩ một lúc rồi bảo mật gấu khó phân biệt, để mai thầy lên mua cho. Nói xong thầy vội bước ra cửa gọi hai học sinh dẫn tôi vượt đỉnh Đông Vai. Tôi nén tiếng thở ra nhè nhẹ, vừa thấy tiêng tiếc nhưng rõ ràng là thanh thản và nhẹ nhõm.

Cô Hiền đã lập gia đình. Thầy Chiến sau khi được điều ra Phòng GD Mai Sơn công tác, nay lại làm hiệu trưởng một trường nào đó. Còn tôi thì vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở Chiềng Nơi, trong đó có bức ảnh em gái người Mông có khuôn mặt đẹp như Phật Bà mang cái bụng lùm lùm. Tôi vẫn giật mình mỗi khi nhớ lại ánh mắt sắc lẹm, vẻ mặt nghiêm trọng của cậu học sinh người Mông lúc vụt bước vào nhà ông trưởng thôn khi vòng xòe đang độ say,  ghé tai thầy Chiến, sau đó cả hai mất hút trong rừng đêm…

Còn nhiều điều không thể kể hết, chỉ muốn gặp lại thầy Chiến cô Hiền để nói một câu rằng, tôi mãi mãi kính trọng các thầy các cô, và Chiềng Nơi là ngôi trường để lại cho tôi nhiều day dứt, băn khoăn nhất trong cuộc đời làm báo của mình./.            
   
Ngô thiệu Phong


   







                          

       

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

ĐẠO ĐỨC 71





Mình đang bò ra làm báo cáo về đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu của lãnh đạo, hay chính xác hơn là thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết trung ương bốn.

Thật ra viết kiểu “chót lưỡi đầu môi”, cắt dán này nọ thì độ nửa tiếng là xong. Nhưng mình không làm thế! Vả lại nhiều nội dung nếu lật đi lật lại thì mình không trả lời được, hoặc thấy nó trớ trêu quá nên viết được vài trang lại bỏ.  Đang bí nên mình di chuột vào mạng thư giãn lấy ý tưởng.

Trời ạ! Hầu hết các trang mạng hôm nay đều đưa tin về Nghị định 71 sửa đổi với nội dung đi xe không chính chủ bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng.

Tin không mới nhưng quá hot. Cái xe dream mình đang đi là của vợ mình. Vậy phải đem theo cái gì của vợ để chứng minh đây? Chẳng lẽ hộ khẩu? To quá! Để đâu bây giờ? Hay giấy đăng ký kết hôn? Cái giấy đỏ chóe này còn to hơn cả sổ hộ khẩu.

Thế mới biết mấy bác đang thí điểm chứng minh thư mới nghĩ xa thật! Có cả tên bố mẹ trong đó. Nhân đà này em đề nghị có luôn danh tính của cả gia đình vào cho nó đồng bộ với Nghị định 71.

Hi hi, phen này bọn trộm cắp gặp “hạn” rồi! Chúng mày làm sao chứng minh được quan hệ với chủ xe. Cho chúng mày chết!

Nhà nước thu được ối thuế đây. Bạn bè bây giờ không cho nhau mượn xe được nữa rồi.  Phố xá chắc sẽ thông thoáng hơn vì hạn chế được mấy ông    hứng lên là mượn xe lao ra đường. 

Rõ ràng là cái vụ xe chính chủ này có cái tích cực nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn. Mình có cái xe máy của vợ đứng tên còn như thế huống hồ xe mua đi bán lại trên thị trường hiện nay vô cùng đa dạng, phức tạp.  Mua xe của người ta cách nay vài năm chẳng đả động gì đến sang tên, nay gõ cửa nhờ người ta làm thủ tục cũng chẳng phải chuyện dễ dàng.

Đúng là lỗi thuộc về người mua bán phương tiện không tuân thủ quy định. Thế nhưng bẵng đi nhiều năm có thấy ai ỏ ê gì đến sang tên đổi chủ đâu, nhất là xe máy. Có vi phạm giao thông thì cảnh sát cũng chỉ hỏi giấy đăng ký và bằng lái xe, có thấy bác nào hỏi chính chủ đâu nhỉ? Nay, đùng cái bảo phạt cái tội này thì phải …chịu thôi vì cái “lý nó gian” nhưng vẫn thấy ẫm ức.

Bất cứ yêu cầu nào mà cơ quan chức năng đã đưa ra nhưng lại không giám sát việc thực thi, thậm chí không thực hiện, buông, giờ đùng cái siết lại thì e không ổn? Chẳng khác nào con cái trong gia đình, mình đã dạy là không nói bậy, thế nhưng hàng ngày chúng vẫn cứ văng tứ tung, mình không nhắc nhở, một hôm không chịu nổi bèn nói “câm mồm” và giáng cho nó một cái tát. Chắc chắn nó “câm mồm”, nhưng khẳng định nó nhận thức được lỗi và chừa hẳn thì chưa chắc.

Đến to đùng như một vùng đất mà nếu anh không liên tục thực hiện các hành động chủ quyền thì những tuyên bố về sở hữu trước đó cũng còn vô hiệu nữa là chuyện sang tên đổi chủ.

Thế nhưng luật đã ban hành thì dân phải chấp hành. Trong cuộc sống và trong nghề nghiệp, các hành vi không chỉ bị luật pháp điều chỉnh mà còn được dư luận và đạo đức can thiệp nữa.

Quay lại với cái báo cáo đạo đức đang dang dở của mình. Nhà báo lão thành Đỗ Phượng nói, luật là để nói chuyện được không được làm, còn đạo đức nghề nghiệp là nói tới câu chuyện nên hay không nên.

Bởi vậy mình nghĩ, cả luật, cả đạo đức (trong đó có đạo đức nghề nghiệp) phải luôn song hành thì mới có tình có lý. Cái vụ xe chính chủ trong Nghị định 71 cũng ối vấn đề nếu soi rọi nó từ khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Chẳng phải nghề mình, nếu không mình đã lấy làm thí dụ.       


  

 
  

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

“Đ…t mẹ, đậu má ” thế mà hay!





Xưa nay đã có cái công trình nào nghiên cứu về nói tục chửi bậy chưa nhỉ? Lấy từ này làm từ khóa, Gúc - gồ phát thì kết quả thật nghèo nàn. Chắc là có mà tôi chưa tìm được thôi chứ vấn đề nóng thế sao các nhà khoa học lại vô tình bỏ qua được ?  

 Buồi!
Nói tục chửi thề phải chăng nguyên nhân chỉ xuất phát từ phía người nói? Từ thực tiễn, tôi thấy nghi ngờ điều này, bởi trước năm 1975, trẻ em miền Bắc hầu như không nói tục.

Vậy bối cảnh xã hội đã tác động vào việc nói bậy? Chắc có! Hình như hồi học đại học, thầy bảo ngôn ngữ phản ánh thực tại xã hội; ngôn ngữ có đời sống của nó; tách khỏi đời sống xã hội, ngôn ngữ sẽ biến mất…

Vì thế, mình nghĩ nói tục chửi bậy còn có nguyên nhân khách quan chứ không thuần túy tuân theo ý muốn chủ quan của người phát ngôn. Có nghĩa là tình huống và bối cảnh buộc họ phải (hoặc cần) nói như thế .

Ngôn ngữ có đời sống riêng, sinh - lão - bệnh - tử như ai, nên bản thân những từ ngữ bậy bạ ấy nó phải có môi trường dung dưỡng, tức là đời sống chấp nhận, thậm chí còn hưởng ứng với nó.

Thực tiễn đời sống hôm nay có thỏa hiệp với nói tục chửi bậy hay không? Tôi nghĩ có. Bức xúc, oan trái nhiều lắm! Đấy là chưa kể cuộc sống công nghiệp luôn đầy ắp áp lực.

Nước Nhật có dịch vụ đập phá. Ở đó người ta xếp các vật dụng để ai đó muốn xả xì-trét thì vào mà thỏa sức thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chắc trong lúc điên tiết như thế thì phải vừa đập vừa la hét hoặc chửi bới thì hiệu quả xả trét mới cao được.        

Thói đời, đã chửi thì càng tục, càng chua ngoa mới sướng mồm, mới hả hê.  Ví như đang tức vợ, đến cái phòng đập phá kia vung búa lên táng vào chiếc gương mà lại nhũn nhặn thỏ thẻ rằng “anh thực sự không hài lòng với đề nghị của em…” thì liệu có đủ lực đập nát bó hoa? Có lẽ phải thế này: Tay vung búa bổ mạnh vào gương, gầm lên: “Đ…con mẹ mày! Cái đéo gì mày cũng đòi, bố mày in được tiền à, này thì tiền này… ày… ày …”.

He he, có thế lúc về nhà, nhìn vợ lòng mới nhẹ nhõm và nhoẻn miệng cười  “em vừa đi làm về đấy à” như chưa hề có chuyện gì xảy ra trước đó.

Vậy nói tục chửi bậy cũng có tác dụng đấy chứ? Lên án, tẩy chay nó liệu có phải là hành động của người có lý trí, và quan trọng hơn là có khả thi?

Lang thang trên mạng mình thấy một vài blog sử dụng đậm đặc từ ngữ dung tục, thậm chí tục tĩu. Nhưng thận trọng, bình tâm mà đọc thì thấy người viết  không phải hạng người không có chữ nghĩa, trí tuệ, thậm chí nhiều vấn đề họ có sức nghĩ, sức cảm và tính nhân văn hơn ối kẻ ra dáng đạo mạo, hễ mở miệng là ngôn từ bóng bẩy tuôn trào.

Cuối cùng thì mình nghĩ, nói tục chửi bậy chẳng bao giờ mất đi được đâu. Cuộc sống biết ngày nào mới hết căng thẳng, oan trái, khổ đau? Có điều nên chọn không gian và đối tượng mà vung vít cho thỏa mà thôi.

Mịa…, đéo biết “luận” về chửi thế có đúng không? Hê hê he…