Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thi lại nhớ bố!


Hôm nay các cháu thi THPT QG, coi như thi ĐH. Nhớ ngày này cách nay 23 năm (1988) bố lọc cọc  đèo mình bằng cái xe đạp cà tàng xuống tận Đại học Tổng hợp Hà Nội để thi vào Khoa Tiếng nước ngoài.

Mình thi ở tầng 4 nhà C (nay là Đại học KHXH&NV). Hồi đó thi cử không ồn ào như bây giờ nên phụ huynh được vào cả khu vực thi. Bố nằm khèo dưới tán cây phi lao chỗ nhà A-B đợi mình. Trưa, hai bố con lấy cơm nắm ra ăn rồi nghỉ luôn tại đó.

Bố không hỏi mình có làm được bài không. Tính bố vậy. Cũng như sau này khi mình quyết định bỏ ngang đại học đi làm, ông cũng chỉ nói: “Con lớn rồi! Tự quyết định lấy. Còn nếu tiếp tục, bố vẫn có thể cày cuốc, đủ tiền học cho con.”



Hồi đó thi theo bộ đề. Toán có đâu hơn 200 đề mẫu gì đó, mình “cày” nát. Vì thế riêng môn này mình đạt 8 rưỡi. Tổng ba môn không nhớ lắm nhưng chỉ thiếu nửa điểm là được đi Liên Xô học. Đây là khoá cuối cùng ông anh cả Liên Xô nhận sinh viên Việt Nam trước khi tan vỡ.

Nếu đi chắc giờ này biết đâu thành ông chủ Vingroup không biết chừng, he he. Vui thôi, mình đạt điểm cao chẳng qua học tủ học gạo. Năm 1991, sau mấy năm làm thằng phu hồ, chữ nghĩa bay sạch, lúc quay trở lại Đại học Tổng hợp thi tiếp vào Khoa Báo chí, điểm bé lắm, may mà đỗ vớt.

Mùa thi lại đến. Chẳng nhớ gì chỉ nhớ bố! Từ cái thằng ham chơi nghịch ngợm kinh người ở Sài Gòn; cấp II không biết giải phương trình bậc nhất 1 ẩn (ax+b=0), bố hỏi tổng 3 góc trong một tam giác nhiêu độ, lặng thinh; cách tìm chủ ngữ trong câu đơn, không biết…, thế mà từng bước, từng ngày, bằng đủ mọi cách, bố giúp mình thành đứa không hư.

Mùa thi lại đến. Chẳng nhớ gì chỉ nhớ bố

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Học kỳ quân đội là cái quái gì thế !


Nhà trường ở Việt Nam cái cần thì không dạy và cái chưa cấp bách thì lại đổ đống lên đầu thày và trò, từ an toàn giao thông, HIV/AIDS tới chống tham nhũng.v.v. Chưa xác định rõ nội dung nào chính khoá, nội dung nào ngoại khoá; việc nào của nhà trường, việc nào của gia đình; kiến thức nào chỉ cần thiết kế như một trò chơi, một chủ đề thảo luận… nên mấy chục năm rồi xã hội kêu ca, giáo dục loay hoay mà quá tải vẫn hoàn quá tải. Học trò học ngày học đêm mụ mị cả người, học tới lớp 7 mà quả bưởi không biết bổ, nhìn ruộng mạ nói đồng cỏ, nhìn cây sắn bảo cây ngô.
Chính vì ngáo ngơ như thế nên cha mẹ sợ! Hè đến là tìm đủ các lớp dạy khôn cho con học như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thuyết trình và học kỳ quân đội.
Mấy năm gần đây học kỳ quân đội được mùa. Cứ gõ mấy chữ này lên Google là biết ngay. Quân đội – với chức năng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là chính - giờ đi dạy mấy đứa thò lò mũi xanh kỷ luật sắt.

Xưa, do bối cảnh thời chiến, nhu cầu mở các trường thiếu sinh quân là cần thiết chứ thời nay tập trung các cháu lại học vài ba bữa làm cái gì? Học phí thu được chắc rơi vào tay các đơn vị đứng ra tổ chức chứ quân đội được bao nhiêu? Vả lại đây không phải nhiệm vụ chính trị của quân đội.
Ngay cả việc được dạy dỗ bài bản như trong trường thiếu sinh quân, dưới góc nhìn giáo dục, cũng chỉ nên coi là nhiệm vụ ở một giai đoạn nhất định. Một đứa bé liệu có phát triển hoàn thiện về tâm hồn, tâm lý và tính cách khi tách chúng ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là gia đình?
Trong tâm thần học, đến người điên người ta còn khuyến cáo nên cho về cộng đồng và gia đình; trong giáo dục, phương Tây có giáo dục tại nhà (homeschooling) tức là trẻ em không đến trường mà tự học, cha mẹ giúp đỡ. Tỷ lệ home schooling ở Mỹ đang tăng lên hàng năm.
Nói vậy để thấy quan điểm tống trẻ vào trường lớp, mê muội trường lớp, nhồi nhét đủ thứ vào đầu chúng.., đã tới lúc báo động. Nó đang tạo ra một làn sóng, một phong trào khiến cho học sinh và phụ huynh nhắm mắt nhắm mũi chạy theo trong khi mục tiêu và kết quả rất không rõ ràng.
Quân đội-kỷ luật sắt-chiến tranh là những điều loài người có lương tri không hề muốn. Cực chẳng đã mới phải cầm súng bắn vào đồng loại. Tôi không rõ các em được học cụ thể những gì ở học kỳ quân đội nhưng nếu bắt buộc yêu cầu phải biết dùng súng như trong hình ảnh (tràn lan trên mạng) thì rất không cần thiết.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong một lần vào Thư viện quốc gia đọc sách, tình cờ tôi thấy bìa tạp chí Time của Mỹ hình ảnh một tốp học sinh Việt Nam tay lăm lăm cái gậy (giả làm súng) đang thực hiện động tác đi khom của người lính. Tôi không biết có nước nào trên thế giới dạy trẻ con kỹ năng đó trong thời bình không nhưng tác giả bài báo này rất ngạc nhiên…
Hướng dẫn trẻ nhỏ làm bất cứ điều gì có thể gây tổn thương tình cảm, nguy hiểm tính mạng người khác chưa bao giờ là sứ mệnh của một nền giáo dục nhân văn. Tôi thực sự lo sợ, và dù không muốn nhưng vẫn liên tưởng tới thói vô cảm, hiếu chiến, hung hãn, côn đồ, máu lạnh…
Hồi còn làm phóng viên thường trú ở Tây Bắc, trong chuyến công tác tới Mai Châu – Hoà Bình, tôi gặp một đoàn học sinh của Úc đi dã ngoại (đi từ bản này qua bản khác). Các em tự kiếm (một phần) tiền cho chuyến đi. Khi đến Mai Châu, các em phải tự lên kế hoạch từng chặng đường, tự mang vác, tự giao tiếp với người bản địa, tự cắm trại nấu nướng, tự xử lý khi gặp khó khăn…, sau đó viết báo cáo từng chặng. Giáo viên (đi theo) chỉ quan sát và can thiệp khi thấy cần thiết. Đấy là cách người ta dạy cho học sinh tính kỷ luật, tính tự lập.
Giáo dục tính tự giác, tự lập và kỷ luật (nếu chưa có điều kiện như các nước) thì gia đình cũng có thể dạy được hà cớ gì cứ phải trao vào tay quân đội, dùng tới kỷ luật sắt? Vả lại, tuổi của các em không nhất thiết đúng 5 giờ sáng trời rét căm căm, còi thổi toe toe là phải vùng dậy chạy ra sân hô một - hai - một - hai, cũng không cần cầu kỳ phải gập chăn chiếu vuông như cục gạch.

Hiện nay, sẽ bổ ích nếu giúp học sinh hiểu biết thêm công việc, đời sống của người lính để làm phong phú thêm kiến thức xã hội cho các em. Nhưng dạy tập làm người lính từ lúc quá nhỏ thì thành chuyện khác mất rồi. Quân đội là công việc nghiêm túc và hệ trọng của người trưởng thành, không thể tuỳ tiện dạy cho trẻ nhỏ.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Cà phê miết.


Bây giờ quán cà phê phải có wifi, cũng giống những năm 70-80 thế kỷ trước, tiệm “giải khát” ở Hà Nội phải kèm chữ “có đá”. Cà phê có wifi để phục vụ thượng đế vào mạng bằng điện thoại thông minh nên mình gọi là “cà phê miết.”

Với ứng dụng công nghệ cảm ứng đa điểm trên smartphone thì ngón trỏ của gần 7 tỉ người trên hành tinh này đã trở nên khéo léo hơn rất nhiều. Cuộc cách mạng hoàn thiện ngón cái xứng đáng sánh với cú nhấc mình đứng thẳng bằng hai chi sau của tổ tiên cách nay 6 triệu năm. Chức năng cơ bản của ngón cái là cầm, nắm, bấm (là chính) nay hoàn thiện thêm khả năng xoa và miết.

Mình sáng nào cũng ngồi cà phê miết, tranh thủ vừa uống vừa xem tin tức, đỡ phí thời gian. Ấy thế mà đâm nghiện. Nghiện cà phê đã đành, đằng này nghiện miết miết xoa xoa, vừa đặt đít xuống là rút điện thoại ra xoa, bất kể đi một mình hay cùng chúng bạn.

Sau câu chào hỏi ngắn ngủi đứa nào đứa nấy cắm mặt vào điện thoại. Có hôm cả 4 đứa cùng ngước lên, tu một hơi cà phê. Thằng thứ nhất nói hình như ca sỹ A đồng tính? Thằng thứ hai “trả lời” Mỹ mà vào Biển Đông thì Tàu chết chắc. Thằng thứ ba “khẳng định” U23 Việt Nam không có cửa ở SEA games lần này…

Câu chuyện dừng lại vì không có “tiếng nói chung”, vì xuất phát từ những thứ vừa đọc trên mạng. Sự nhạt nhẽo trong giao tiếp dường như không làm ai khó chịu bởi 4 đứa có mối quan tâm riêng. Phép xã giao (đứa nào cũng biết) bị tặc lưỡi dẹp qua một bên.



Nhiều lúc thấy hơi kỳ kỳ. Mình nguỵ biện bảo thời gian là vàng, chưa nghĩ ra cái gì hay ho để nói thì chi bằng đọc báo cho xong. Thế nhưng có bận ra quán quên đem điện thoại trong khi 3 đứa ngồi xung quanh thi nhau xoa xoa miết miết rồi tủm tỉm cười. Mình ngồi tơ hơ. Chúng nó đang tập trung vào mạng mẽo như thế, giờ mình mở miệng nói cái gì cũng trở thành lố bịch, mất lịch sự. Ngộ nhỡ chúng nó ầm ừ cho qua chuyện thì còn bẽ bàng nữa. Đột nhiên có cảm giác cái mặt mình nơi đây chẳng có giá trị gì. Hay câu chuyện mình tham gia tẻ quá, quê mùa quá nên chúng nó chán (nhưng vì nể không nói ra đành làm việc khác cho đỡ phí thời gian). Nghĩ thế nên mình tủi thân! Khóc!

Bốn đứa ngồi cùng bàn, cùng uống cà phê và im lặng. Nhưng cái im lặng gục mặt xuống miết miết xoa xoa khác rất xa với cái im lặng không smartphone. Cũng là im lặng, nhưng có sự im lặng thuần tuý không âm thanh và có thứ im lặng sang trọng, chứa đựng nhiều ý nghĩa và thông điệp.

Tạo hoá dù có hào phóng đến mấy nhưng dường như chẳng cho không ai thứ gì? Khi mỗi người đều có thể sở hữu một chiếc smartphone và kỹ năng xoa miết lên đến đỉnh cao thì khả năng tương tác trực tiếp giữa mỗi người bằng giác quan và ngôn ngữ lại tụt dốc thê thảm! Mối quan hệ (quan tâm) phát triển rộng lớn về quy mô và phạm vi thì lại hẹp đi về tính chất. Ở đó, sự sâu sắc và chặt chẽ đã nhường chỗ cho sự hời hợt và lỏng lẻo.

Cuộc cách mạng công nghệ nào mà chả để lại hệ quả, thậm chí sự bất công. Internet với công nghệ thông tin cũng thế thôi nhưng với mình vẫn là số I. Con người điều chỉnh được hết!

Thôi! Mai ra cà phê miết nhưng mình quyết không miết, thay vào đó, thi thoảng nở một nụ cười bao dung nhìn 3 thằng bạn đang xoã xượi xoa xoa miết miết; rồi mình thò tay chậm rãi khuấy cho tan hết dường trong tách cà phê, khe khẽ lắc đầu cười thầm...  Mấy thằng bạn thể nào cũng bu lại, đứa giật áo, đứa lắc tay, đứa bá vai bá cổ, nói Phong ơi, mày có chuyện gì hay ho phải không? Kể đi! Kể đi!

Và mình sẽ kể câu chuyện “cà phê miết” này.


  



Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

TÔI 'NUDE' ĐÂY!


Chuyện ông Sự “về” người nói thế này kẻ bảo thế kia, đủ kiểu. Ai chứ ông Sự mình tin ông chẳng cần làm màu, chẳng muốn ồn ào, chỉ muốn yên thân, nhẹ nhàng lui bước.
Thế nhưng hôm nay dường như mỗi người cũng không thể đứng ngoài sự quan tâm chung của cộng đồng, nhất là người nổi tiếng, và ông Sự là một thí dụ.

Cũng dễ hiểu thôi bởi trong cuộc sống mỗi người là một cá thể và mối liên hệ giữa những cá thể đó (với đầy đủ cung bậc cảm xúc, với đa dạng phong cách văn hoá) mới tạo nên được một xã hội đa sắc. Công nghệ thông tin-Internet càng giúp những mối liên hệ ấy trở nên gần gũi, gắn kết và dễ dàng hơn.
Không thể chối bỏ được sự nhòm ngó của cộng đồng nhưng có thể hạn chế. Vậy sẵn sàng làm mồi nhắm, làm đối tượng để cộng đồng ném đá (hoặc tung hô) hay cố tình ẩn danh, không bộc lộ quan điểm, lẩn tránh… như những chú dã tràng cuống quýt rúc vào cát mỗi khi có bóng người?
Trên mạng ảo và trong đời thực có những người chọn cách trung dung, tức là chỉ xem, nghe, quan sát, tuyệt nhiên không bàn luận, không tỏ thái độ. Đấy cũng là một phong cách, một bản tính chúng ta nên tôn trọng, không can thiệp, bắt người ta phải thế này thế kia. Trung dung và im lặng trước thế sự thường là người khôn ngoan  từng trải (chỗ này cũng cần nói thêm là một số người vì vị trí của họ chưa thích hợp cho việc lên tiếng nên họ đành chọn giải pháp lặng im). Còn sẵn sàng phơi mặt ra trước bàn dân thiên hạ thì cần có huyết áp ổn định, vì nếu không kiểm soát được dễ mất bình tĩnh, tăng – xông, nguy hiểm.
Có dạo mình thường xuyên viết cho một số tờ báo, dùng tên thật vì mình không có bút danh. Có những bài gai góc hay quan điểm trái ngược bị dân tình ném đá, chửi rủa tơi bời, đọc còm mà ngượng chín người, chỉ muốn chui xuống đất. Có những còm phải đọc làm mấy bận vì không chịu nổi. Nói thật, bình thản được trước những nhận xét chối tai, kiểu chế giễu, xỉ vả, xách mé, xóc óc…, cũng phải mất một thời gian dài. Nhưng sau đó thấy khoái, nhất là một vài “cái đúng” mọi người góp ý đã giúp mình thay đổi cách nghĩ; làm đối trọng để mình lấy lại cân bằng, tránh kiêu ngạo, bảo thủ và cực đoan.
Tạo hoá từng tự hào khi sinh ra loài người, các nhà khoa học thì tụng ca cơ thể là cỗ máy hoàn hảo diệu kỳ. Thế nhưng mỗi người có hai mắt nhưng có nhìn được gáy đâu, hai tay có sờ được lưng đâu? Chấp nhận quăng mình lên mạng ảo làm mồi nhắm cho thiên hạ giúp mình nhìn được mình từ nhiều phía. Hơn nữa, cuộc sống là sự sẻ chia.
Với cá nhân mình, để thiên hạ ngắm nghía cũng tức là để giúp mình hoàn thiện. Tất nhiên, chẳng vì phán xét của vài người mà mình không còn là mình nữa. Sống thực với gì mình có, nghĩ thực theo cách mình hiểu luôn giúp ta thoải mái, tự tin; mọi người xung quanh, kể cả trên mạng ảo, càng ngày càng yêu mến hơn, cho dù lúc đầu họ có thể khó chịu. Mình nghiệm ra là như thế, các bạn thử xem!

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Ý thức là cái giề?



Trước mình đã có status kể về con vợ Tiệp (giờ là Séc) của thằng em họ. Cô này ở bển chắc gia đình cũng thuộc diện “bần cố nông”,  giai cấp vô sản tinh hoa”. Bằng chứng là mỗi đầu tuần hai vợ chồng nó đều đánh xe từ Séc sang Đức làm thuê.

Thằng em họ dẫn cô vợ Séc về Tràng An thanh lịch quê chồng mấy lần, lần nào mình cũng rủ đi ăn nhà hàng. Mình để ý hễ con bé Tây này ăn xong là vỏ tôm vỏ ốc nó gom hết vào một cái đĩa, rồi lau lau chùi chùi cái bàn chỗ nó ngồi cho kỳ sạch mới đứng lên ra về. Có bận nó còn cúi xuống nhặt cái giấy ăn của ai đó vứt từ trước. Mình nói mày có vứt đâu mà nhặt, mà nhặt sao hết, người ta vứt đầy kia kìa. Nó bảo người khách kế tiếp và người phục vụ bàn chỉ biết tao vừa ngồi đây, vừa phủi đít đứng dậy. Họ sẽ nghĩ gì về tao khi phải dọn đống bừa bãi vung vít ấy?



Ở nước ngoài nghe nói quán ăn nào tự phục vụ thì khách “tự phục vụ” từ A tới Z. Có nghĩa là ăn xong tự đi cất khay vào chỗ quy định, lau dọn chỗ ngồi cho sạch rồi mới ra về. Hồi mới sang Đức mình cũng vào một quán ăn nhanh tự phục vụ, na ná kiểu KFC. Mình xếp hàng mua, trả tiền, bê về bàn ngồi chén.  Chén xong vừa nhấc đít đứng dậy thì cô bạn kéo giật lại, chỉ tay vào cái khay, rồi chỉ vào cái giá (đựng khay bẩn) trong góc quán.

Đó! Ít tiền, muốn ăn rẻ thì phải biết tự phục vụ từ A-Z nhé! Bạn mà để lại sau lưng khay dĩa bừa bộn thì… hàng chục ánh mắt sẽ nhìn theo bạn như nhìn một thằng vô lại.