Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Một thoáng Sài Gòn.



* Cuối 1978 mình vào Sài Gòn. Ấn tượng không quên từ ga xe lửa Bình Triệu về trung tâm  là đường xá rộng thênh, đèn xe sáng loè, khác nhiều so với con phố hẹp, tĩnh lặng, chỉ có xe đạp, đèn điện lờ mờ ở Hà Nội. Vợ chồng người lái taxi nhiệt tình giới thiệu Sài Gòn cho hai bố con. Sự chân thành, cởi mở, không hề tỏ ra cao đạo của họ trước một "kẻ nhà quê" khiến mình đỡ mặc cảm. Cho tới hôm nay mình vẫn mang ấn tượng ban đầu tốt đẹp ấy với người Sài Gòn.

Từ ga Bình Triệu vào trung tâm được ngồi trên chiếc Renault như thế này.

Khi mình vào Sài Gòn thì không còn mùi thuốc súng nhưng một vài dấu hiệu của cuộc chiến vẫn lẩn khuất đâu đó.



Hồi mới vào mình ở ngay tại nơi làm việc của cha: Công ty rau hoa quả ở đường Nguyễn Văn Trỗi (nay là Lê Văn Sỹ), gần nhà thờ Đa Minh. Trước giải phóng toà nhà này nghe đâu thuộc về người Mỹ, trên nóc có sân bay trực thăng, ký hiệu H (helicopter) vẫn nguyên. 

Một thời gian sau mình chuyển sang một toà nhà khác  ở đường Phan Đình Phùng, gần cầu Kiệu, cạnh hẻm Cô Giang. Chủ toà nhà 4 lầu này trước 75 chắc rất giàu có vì nhà có nhiều phòng, nội thất, tiện nghi hiện đại. Họ đã bỏ lại tất cả để di tản những ngày 30/4.

Mình không phải là người đầu tiên ở căn nhà này khi chủ của nó vừa rời khỏi Sài Gòn. Trước đó, một đơn vị bộ đội từng ở đây. Những người lính trên rừng quen với tiếng bom tiếng súng có lẽ chưa hoà nhập được với cuộc sống thị thành. Chuyện rửa rau vào bồn rửa mặt hay co chân ngồi chổm hổm lên xí bệt vẫn còn dấu tích. Tệ hơn nữa là nhiều công tắc, ổ cắm bị tháo gỡ, tất cả bình nóng lạnh đều thiếu phần dây may so cấp nhiệt, còn máy giặt, máy điều hoà thì mất mô tơ.

Nếu ai từng ra ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chứng kiến cảnh những anh bộ đội từ miền Nam trở về, chen lấn, xô đẩy, nhễ nhại mồ hôi vác trên đầu cái khung xe đạp, ba lô phía sau lòi ra cái đầu con búp bê mắt nhắm mắt mở…, thì có thể lý giải hành động tháo vài bộ phận của những tiện nghi sinh hoạt kể trên.

Mình, thằng Bá (em chị Lan quê Bến Tre), thằng Triệu (quê xã Hoa Nam, Đông Hưng, Thái Bình) có những ngày đáng nhớ ở căn nhà này. Có bận chúng tôi khám phá một căn phòng lớn ở lầu một, trèo lên nóc chiếc tủ kê sát bức tường dài, ngó xuống lục soát và lôi ra được vài thứ quân trang của lính VNCH. Những người có mặt trong căn nhà này đã dấu nó vào đó trong những ngày đầy âu lo của  4/1975.

Một hôm mình nhận được một lá thư gửi về từ Mỹ. Mình trùng tên với người nhận trên bì thư. Chắc chủ nhân hoặc thành viên nào đó trong ngôi nhà này cũng tên Phong. Tác giả lá thư kể về cuộc sống những ngày đầu qua Mỹ. Cha xem rồi sau đó huỷ đi luôn để tránh phiền phức. Thời đó cha nghe Lệ Thu, Hoàng Oanh… phải vặn nhỏ tí, đọc “Tiết nhơn quý chinh Đông, chinh Tây” cũng phải đợi lúc nửa đêm.

Sài Gòn cuối 1978 và đầu 1979 chưa sôi động và ồn ào như bây giờ. Sáng sớm, nghe rõ tiếng móng ngựa nện lóc cóc xuống đường, tiếng lục lạc leng keng của xe thổ mộ chở rau từ hướng Lăng Cha Cả dọc theo đường Lê Văn Sỹ vào trung tâm; tiếng xích lô máy đặc trưng phá tan bầu không khí tịch mịch để chào đón một ngày mới. Mình vẫn nhớ như in những căn biệt thự vô chủ cỏ mọc vào tận cửa, dây leo chẳng chịt lên tận ban công, chiếc xe Citroen cổ lốp xẹp lép, nằm phủ bụi trong ga-ra. Thời đó có xe ô tô cũng chẳng đào đâu ra xăng mà chạy. Xăng dầu bán theo tem phiếu. Xe đò tư nhân phải chạy bằng than củi, lửa rơi lả tả trên đường.



* Những năm đó có một thằng Bắc Kỳ lạc vào trong lớp khá hiếm. Hai chữ “Bắc Kỳ” luôn ẩn chứa trong nó sự hằn học, hiềm khích, miệt thị. Mình cũng chẳng hiểu sao ngay từ ngày đó, mấy thằng nhóc 12-13 tuổi mà trong đầu chúng đã hằn sâu sự hận thù với một thằng bé miền Bắc như mình đến vậy. Mình thì được gọi là Bắc Kỳ, mấy đứa con lai thì bị gọi Mỹ lai, mấy bạn người Hoa thì gọi là Ba Tàu. May sao, sau 40 năm, những từ miệt thị ấy cũng dần lui vào quá khứ.

Học 1 năm ở trường này sau đó sang Trường Chí Linh phía đằng sau

* Người lính VNCH đầu tiên mình được biết là anh bảo vệ ở cơ quan của cha. Anh hiền khô, chẳng thấy cáu giận bao giờ. Mỗi khi cô thủ quỹ đi ra kho bạc thì anh giắt khẩu K54 vào lưng đi theo bảo vệ. Hồi đó mình cứ tự hỏi sao là lính “nguỵ” mà cha vẫn giao súng, lại còn áp tải tiền.

Người thứ hai là bố của Đinh Hữu Chí, bạn cùng lớp. Bố Chí dân Bắc, theo công giáo, di cư 1954. Ông kể hồi đó phải bỏ vàng vào hũ mắm tôm để đem theo. Vào Nam,  đi quân dịch, chắc cũng chỉ là lính quèn nên sau 75 đi học tập cải tạo thời gian ngắn rồi về. Mình hay về nhà Chí nghịch chiếc đàn măng-đô-lin, xem ông tập Ai-ki-do bằng cây kiếm gỗ và nghe ông đố tiếng Anh. Nhớ mãi một lần đùa nghịch rách toạc đũng quần,  Chí lôi về nhà, bảo cởi ra rồi đem cho bà chị ở tiệm may gần đó may lại.

Năm 1982 cha xin về hưu trước tuổi vì không chịu nổi cảnh đấu đá, kèn cựa, tranh giành quyền lực giữa các phe (tập kết, trên rừng về, cánh hoạt động trong thành và dân Bắc biệt phái).  Mình theo cha ra Bắc và mất liên lạc với các bạn đã kể ở trên. Mấy năm trước có dịp vào Sài Gòn mò đến nhà Chí nhưng chủ nhà lắc đầu không biết, nghe hàng xóm nói cả gia đình đã định cư ở nước ngoài. Trường (thực ra là nhà dòng) mình học giờ mang tên Chí Linh, mà nhà thờ kế bên sao xây dựng kỳ quá! Chen chúc, ngột ngạt! Buồn so! Hồi ở Sài Gòn, bạn bè có thằng Chí thương mình nhất, hay đứng ra bảo vệ mình. Nó đai đen Thái Cực Đạo cơ mà. Chị Lan (có em là thằng Bá-Bến Tre) cũng theo chồng là anh Tuấn sang Mỹ. Còn thằng Triệu-Thái Bình (cái thằng mua cho cốc sương sáo nhất quyết không ăn, bảo tiết trâu) 35 năm rồi chưa gặp lại.     






Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Luật…để giỡn chơi?


Quy định quảng cáo dược phẩm trên đài phát thanh truyền hình phải thông tin đầy đủ, ở đó không thể thiếu cảnh báo: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, hoặc với thực phẩm chức năng: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; với sữa thì “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.

Tuy nhiên quảng cáo vài giây trên đài rất nhiều tiền nên những cảnh báo nói trên được người ta dùng kỹ thuật xử lý sao cho ngắn nhất. Chính vì thế người nghe, người xem phải chịu đựng mớ âm thanh hối hả, hấp tấp, lộn xộn, léo nhéo như bị rối băng thời xưa.

Cái kiểu làm chiếu lệ, làm cốt cho có, cốt để lách luật như thế chứng tỏ người ta chẳng coi quy định, luật lệ là cái đinh gì. Nó như một sự nhạo báng, một thái độ cợt nhả không thèm đếm xỉa đến luật pháp. Thái độ ấy lại được chính cơ quan nhà nước thoả hiệp, tiếp tay, tức là chấp nhận phát trên đài để “thượng đế” thưởng thức thứ âm thanh dị dạng, ma quái. Hàng ngày, hàng giờ người dân phải chịu đựng nó, và chịu đừng nhiều năm nay rồi nhưng cơ quan hữu trách vẫn coi như không có chuyện gì. Đừng nói người dân “không thích thì tắt đi” bởi chính người dân chứ không ai khác đang phải oằn lưng làm việc để trả lương cho “đầy tớ”. Họ có quyền được biết thông tin chính xác - đầy đủ - rõ ràng.

Trong khi đó cái không cần thiết phải rõ ràng như hình ảnh mấy cô “chân dài” bán dâm vừa bị bắt thì lại được một số báo vồ lấy và tới tấp đăng ảnh (không xoá mờ), danh tính cũng bị phơi ra mà chẳng cần phải viết tắt hoặc đổi tên. 


Sự việc này tức khắc bị dư luận phản ứng. Trên báo người ta bàn bạc rất xôm. Nào là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư đã được quy định trong Hiến pháp 2013; nào là bán dâm không phải là tội nên không được đăng tên tuổi, hình ảnh của người mua bán dâm; nào là bán dâm là vi phạm hành chính, theo quy định phải công bố tên tuổi về nơi cư trú và nơi làm việc, vì thế công khai trên báo là chuyện bình thường...

Ông bà ta dạy hành xử phải có tình có lý. Lý ở đây có hiểu là lẽ phải, là luật, còn tình là đạo đức. Đạo đức và dư luận xã hội sẽ điều chỉnh những hành vi luật lệ không chạm tới được. Đạo đức khiến người ta hành động tự giác còn quy định buộc người ta tuân thủ trên cơ sở cưỡng bách. Nếu như tự giác thuộc về các hoạt động tự thân thì cưỡng bách làm nảy sinh hành vi đối phó.

Phải làm mờ ảnh khi đăng báo thì người ta cũng xoá mờ nhưng lại vừa đủ để nhận dạng; quy định không được ghi rõ Đặng Thị Tèo thì người ta ghi là Đặng T.T, công tác tại… (Bố khỉ! Thế thì ai chẳng biết).

Trong khi chất lượng văn bản quy phạm pháp luật còn thấp, nếu không có những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp lên tiếng thì những thủ thuật lách luật đại loại như thế còn nhan nhản. Chính vì thế mà ngành nghề nào cũng cần có đạo đức. Có đạo đức nghề nghiệp người ta mới hành xử nhân văn, có trách nhiệm, trên tinh thần tự giác. Còn thiếu những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì con người thừa sức lách được mọi quy định. Khi đó luật chỉ là thứ giỡn chơi, một trò game thử sức ma lanh.



Một cán bộ cấp cao ngành kiểm sát đã về hưu chia sẻ trên facebook rằng Ngân hàng thế giới nhận xét Việt Nam là nước xây dựng pháp luật giỏi nhất thế giới nhưng cũng là nước thực thi pháp luật kém nhất thế giới. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vị cán bộ cao cấp này đưa ra chủ đề này và đề nghị mọi người bình luận.






Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Đừng thần thánh hoá, tuyệt đối hoá và phát cuồng lên trong u mê với bất cứ cái gì !

Cái này mình viết cho Báo Vietnamnet lâu rồi, nay tóm gọn lại, lưu ở đây.

1.HỌC MỘT BIẾT MƯỜI.
“Học một biết mười” chỉ nên xem như một cách nói mang tính tượng trưng, ngoa dụ. Học đâu đơn gian thế ! Học một biết một đã là quý lắm rồi! Biết cái gì chắc cái đó, biết thật cơ bản và sâu sắc. Cái lối “biết mười” mà chỉ là hiểu biết vặt vãnh, vụn vặt, chắp vá thì chỉ tổ phá hoại. Cứ tung hô cái lối “học một biết mười”, vô hình chung, chỉ đẻ ra đủ thứ láu cá, mẹo mực trong học tập, tạo ra thói chủ quan, hiếu thắng, ảo tưởng trong học sinh.

2.KHÔNG THẦY ĐỐ MẦY LÀM NÊN.
Câu này nếu như chỉ với dụng ý đánh giá cao vai trò của người thầy thì có lẽ chẳng nói làm gì. Thế nhưng nhiều người lại tuyệt đối hoá nó.

Có thầy mà “làm nên” là việc đã đáng khen rồi. Nhưng không thầy mà “làm nên” càng phải đáng khen hơn. Trên đời này thiếu gì người tự học hỏi mà thành công. Ông Nguyễn Cẩm Luỹ có được học hành đến nơi đến chốn đâu mà sao vẫn di chuyển được toà nhà hàng ngàn tấn? Thợ cơ khí Hai Lúa ở miền Tây có học chế tạo máy đâu mà vẫn cho ra lò hết loại máy này đến máy khác?

Không nên tuyệt đối hoá vai trò của người thầy. Điều này tạo cho học sinh tính thụ động, ỷ lại và tự ti. Có lẽ, đã đến lúc phải bảo cho các em biết được rằng, có thầy hướng dẫn thì thuận lợi hơn, nhưng không có thầy các em vẫn có thể học được.

3.NHẤT TỰ VI SƯ – BÁN TỰ VI SƯ.
Nếu chỉ với ý nghĩa đề cao vai trò, công lao của người thầy thì chẳng hề gì. Nhưng coi nó như một tiêu chí để xác nhận bậc làm thầy thì không ổn. “Hơn một chữ” chưa thể “làm thầy” và chỉ có “chữ” cũng không thể làm thầy được.

4.TRÍ-ĐỨC-THỂ -MỸ.
Mục tiêu giáo dục của nhà trường là nhà trường phải đào tạo những con người có đầy đủ trí - đức - thể - mỹ. Đây là ước mơ, nhưng liệu có thể “cho ra lò” một mẫu người hoàn hảo như thế? Điều đó có khả thi không khi mà năng khiếu mỗi người một khác?




Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Tiệm người Hoa.



Mình có thói quen (ai bảo xấu cũng được) rất thích ăn quà vặt. Vì thế hay lùng sục tới các quán ăn, lê la đầu đường xó chợ cùng mấy chị buôn thúng bán mẹt. Trong số các tiệm ăn thì tiệm người Hoa để lại ấn tượng nhiều nhất.

Phố Hàng Buồm - Hà Nội giờ vẫn còn cửa hiệu bán thịt lợn quay mà mua lúc nào cũng phải xếp hàng. Cái quán sủi cảo-vằn thắn ở phố Huế, chỗ chợ Hôm, nghe đâu cũng là người Hoa. Anh Xuân Bách (sếp cũ) dẫn mình tới đó lần đầu tiên. Ở đó mình nhớ mãi một ông già lòng khòng chống gậy đi ra đi vào quan sát xem bát mì của khách có thiếu cái gì không, đũa trong ống đã cắm đúng chiều chưa, lọ tương ớt, lát chanh để chỗ nào…

Ở Cần Thơ vẫn còn một số quán người Hoa, khá đông là người Tiều (Triều Châu-Trung Quốc). Quán mì vịt tiềm, hủ tiếu bò kho ở hẻm 72 đường Phan Đình Phùng là một quán ngon. Mình thi thoảng ăn sáng ở đây. Cái hẻm nhỏ xíu nhà cửa lúp xúp dài độ 100m này hình như toàn người Hoa thì phải.


Tiệm mì vịt tiềm ở hẻm 72


Ấy là đoán vậy vì mình thấy nhà người hoa (không phải tầng lớp đại đại gia) thường thấp thấp, tối tối, nằm lẩn khuất, khép mình, ẩn dật… cho dù họ chỉ chọn những nơi trung tâm, sầm uất, thuận lợi việc buôn bán để sinh sống. Có một chi tiết thú vị là ở Cần Thơ thấy hầu như nhà người Hoa nào cũng treo ảnh Bác Hồ.

Hồi còn nhỏ mình sống ở Sài Gòn, chung lớp với một cậu bạn người Hoa nhà bán phở hay hủ tiếu gì đó mắt híp như hai sợi chỉ, nhưng cao lớn trắng hồng mũm mĩm. Cuối những năm 70 đói khổ đang lên cao trào mà có được “bé khoẻ bé đẹp” như thế hiếm lắm. Ngồi cạnh nó lúc nào cũng thấy bốc ra toàn mùi phở, thèm rỏ dãi.

Mình ở trong toà nhà 5 tầng ở gần cầu Kiệu, kế bên là một cái ngách hẹp, trên lợp tôn, ngày ngày thấy một bà già và 1 thằng con nít chui ra chui vào thì đoán đấy là cái nhà. Thấy bà quát cháu bằng Hoa ngữ thì biết là người Trung Quốc. Thi thoảng mình tò mò ngó vào thấy tối om, chẳng có đồ đạc gì ra hồn.  Đùng cái có tin gia đình bên ấy vượt biên. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước.

Người Hoa buôn bán giỏi và tích luỹ cực tốt nhưng hiếm khi để lộ cho người khác biết mình giàu. Nhiều lúc cứ nghĩ phải chăng sự tạm bợ của nhiều gia đình người Hoa xuất phát từ tập quán du cư, không chịu (và có thể là chưa tin tưởng) để gắn bó dài lâu với một mảnh đất nào đó chăng?

Thế giới có 7 tỷ dân thì trong đó Trung Quốc có 1 tỷ 3, đất nước lại rộng mênh mông, đủ các vùng khí hậu và thổ nhưỡng; nhiều sắc dân, nhiều nét văn hoá đặc thù nên món ăn phong phú đa dạng không có gì lạ.

Họ di cư sang Việt Nam đem theo những món ăn truyền thống ấy. Quán ăn ngon giờ chẳng hiếm, tây tàu đủ cả nhưng quán người Hoa có chất lượng khá ổn định. Nếu như một số hàng quán khác bữa ngon bữa dở, thì dù ở thời điểm nào, quán người Hoa cũng cố gắng phục vụ tốt nhất.


Tiệm mì ở đường Đề Thám- Cần Thơ

Mình có mua một chiếc xe đạp leo núi ở tiệm chú T, người Tiều, đường Phan Đình Phùng, Cần Thơ. Mua xong mấy anh trong CLB xe đạp bảo đắt. Môt hôm mình ra tiệm chú T, vờ bảo, chú ơi có cái chân chống xịn không, cái chân chống kia tồi quá. Chú ngồi thừ, bóp chán cố nhớ, nói cái xe nào nhỉ, không thể thế được. Cái xe giá cỡ đó thì tôi không bao giờ lắp đồ rởm. Trông vẻ mặt bận tâm, ái ngại pha chút cả quyết, mình tin chú không làm bậy. Mình biết họ chẳng bao giờ bán rẻ, nhưng cũng không nói đồ giả thành thật, xấu bảo tốt. Mình vẫn tin là như vậy.

Nhân nói tới cách hành xử của mấy ông chủ tiệm người Hoa lại nhớ tới Khưu Đức Hải. Hải hơn 30, chắc thuộc thế hệ người Hoa thứ 4 thứ 5 sinh ra ở Việt Nam, đang làm chủ 1 tiệm đồ ăn Nhật, chủ 1 quán cà phê nhạc accoustic mà đích thân Hải là nhạc công. Một hôm nghe tin trình diễn tứ tấu (guitare-violin-piano-acordion) mình đặt bàn trước, nhưng đến muộn nên không còn chỗ để xe, phải quay về. Biết chuyện này qua một người quen của mình, hôm sau Hải gọi điện, nói rất lấy làm tiếc và mong thông cảm. Mình và ông chủ quán cà phê tên Hải ấy chưa từng biết nhau.

Bây giờ cứ nói tới “hàng Tàu”, “người Trung Quốc” là vụt hiện ra trong đầu cái gì đó chất lượng rất tồi, cần phải cảnh giác. Mình cũng có tâm lý như vậy. Song ở đâu không biết chứ những hàng quán người Hoa đã sống lâu năm ở Việt Nam mà ta gọi là người Việt gốc Hoa thì vẫn đáng tin cậy.

Thời ông cha ông họ vượt biển tị nạn trên mảnh đất Việt Nam này, dù có thời điểm lên tới hàng ngàn người, nhưng vẫn là thiểu số so với người bản địa. Cuộc sống ở mảnh đất xa lạ không hề dễ dàng. Ông cha họ đã nỗ lực lấy cái ngon và làm ăn uy tín để mưu sinh nơi xứ người. Đến nay xem ra họ vẫn giữ được điều căn bản ấy phải không các bạn?