Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Chấp nhận sự khác biệt ( tiếp ).

Thưa chị em và các bạn, trong chuyên mục “ Nói với người khác giới” tuần trước, chúng tôi đã có bài viết về một người chồng không chấp nhận nổi những thói quen ăn uống của vợ, trong khi vợ lại luôn muốn chứng tỏ rằng những món mình nấu là ngon, mọi người phải chấp nhận. Người chồng nói vui với bạn bè, rằng mình không những “ bị thôn tính về thể xác mà còn đang bị xâm lăng về văn hóa”. Câu nói này đặt vào miệng chị vợ cũng đâu có sai. Bởi thế, vấn đề không phải ở chỗ ai đang xâm lăng, ai thôn tính mà phải biết chấp nhận sự khác biệt .

Bạn đang cầm trên tay một chiếc thẻ rút tiền của ngân hàng A và bạn luôn mong muốn nhét nó vào bất kỳ máy ATM nào cũng rút được tiền. Mong muốn của bạn chính đáng nhưng điều đó không thể .

Bạn đang ở VN, sử dụng hệ đo lường chuẩn quốc tế là mét và kilômet. Tuy nhiên độ lớn chiếc ti vi nhà bạn vẫn tính bằng inch; đi biển người ta vẫn tính quãng đường theo hải lý; hàng không vẫn tính độ cao là bộ; vàng trên thế giới không tính bằng cây bằng chỉ; dầu người ta đo bằng thùng chứ không phải lít .v.v. Điều đó gây cho bạn nhiều phiền toái vì phải quy đổi mỗi khi cần tư duy đến chúng, nhưng thực tế là vậy và sẽ vẫn vậy.

Tôi có một chị bạn tuổi ngoài 40, chưa hẳn là người của thế hệ trước, nhưng chị ghét cay ghét đắng nhạc ráp và nhảy lộn tùng phèo kiểu hiphop; chị muốn bưng lấy mắt khi thấy ai đó nhuộm mái tóc hanh vàng.

Ghét của nào trời trao của ấy, con chị lại thuộc tuýp chị chẳng ưa. Chị nghiêm giọng, nói con phải hiểu về chèo, phải biết về quan họ. Hai đứa cười khì khì, nói vâng vâng, con nghe mẹ, con sẽ tìm hiểu. Hai đứa con chị ngoan nhưng có phong cách và lối sống khác chị.

Một hôm chị kiên nhẫn ngồi nghe một đoạn nhạc của chúng rồi bảo chúng dạy nhảy hip hop cho tan mỡ bụng. Rốt cuộc chị thấy cũng hay hay. Từ đó chị có thể trò chuyện cởi mở hơn với chúng và chúng cũng để ý tới những lời nhiều đề nghị mà chị đưa ra.

Trở lại câu chuyện của anh bạn tôi không chịu nổi thói quen ăn uống của vợ. Điều này dễ hiểu bởi người vợ và người chồng sinh ra và lớn lên trong hai gia đình có hoàn cảnh, mức sống, thói quen sinh hoạt khác nhau. Nói chung là văn hóa không giống nhau. Khi thành vợ thành chồng, cùng sống dưới một mái nhà thì những xung đột, mâu thuẫn về văn hóa bắt đầu bùng phát. Dễ thấy nhất là chuyện ăn uống vì nó diễn ra hàng ngày.
Ẩm thực là thói quen cá nhân. Nó có tính chất bảo thủ một cách cực đoan. Vì thế đừng bao giờ nghĩ món của tôi ngon còn món của cô dở. Cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng (hoặc giữa con dâu và gia đình chồng) trong ăn uống là biết chấp nhận thói quen của nhau và cùng tìm đến những điểm chung. Bản chất là tìm kiếm sự thống nhất trong đa dạng.

Trong hai tập hợp hữu hạn của món ăn hàng ngày kiểu gì cũng có sự giao thoa. Trước hết cần chọn ra những thức ăn trong phần giao thoa đó để thỏa mãn nhau. Nếu gọi phần món ăn giao thoa là “nhận thức chung” thì nên nhớ đừng vội “đi ngược lại nhận thức chung” ấy. Nếu xâm phạm điều này thì sự việc sẽ phức tạp chẳng khác gì vấn đề Biển Đông.

Những món ăn thuộc về ý thích cá nhân của chỉ vợ hoặc chồng thì nên điểm xuyết và kêu gọi sự hưởng ứng, đừng bao giờ khăng khăng buộc “người phía bên kia” phải tỏ ý tán đồng. Rồi biết đâu sẽ có lúc một món ăn nào đó của vợ (hoặc chồng) được tấm tắc khen vừa ngon vừa lạ .

Ở VN, dẫu sự bình đẳng đã bước lên vài bậc nhưng người vợ vẫn là người vào bếp. Do đó sự khéo léo, mềm mại trong ứng xử của người phụ nữ vẫn là yếu tố quyết định. Cái ngon nhiều khi xuất hiện từ chính miệng người phụ nữ chứ không chỉ ở món ăn.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Oan rơm rạ.

Dường như đã sinh ra làng là phải có cây rơm cây tre cây chuối. Cây rơm như nụ hoa nhỏ điểm xuyết cho bức tranh làng. Cây rơm cũng như cây tre cây chuối đi vào đời sống thân quen như không hiện hữu vậy. Nó cùng với người quê tạo nên hồn làng.

Xưa, chuyện những đưa trẻ oe oe cất tiếng chào đời bên cây rơm không hiếm. Rồi lũ con đàn ôm nhau ngủ trong đống rơm chờ mẹ đi làm về cũng nhiều. Rơm quấn quýt với người bền chặt như con cúi nhốt ngọn lửa hồng, giữ hơi ấm cho đám trẻ trâu trong cơn gió lạnh.

Người ta ví cái đồ bỏ đi “như rơm như rác”. Trời ơi! Rơm rác mà có lỗ tai chắc phải chạnh lòng. Còn nhớ không? Khi chưa có văn minh đệm mút thì rơm rạ và lá chuối khô lót chỗ ngủ cho ai mỗi lúc đông về? Ổ rơm cho người, ổ gà cho con cộc tác. Mới lạ, cái con vật cứ phải có tí rơm mới chịu nhảy ổ. Còn nhớ những năm chiến tranh, bồng bềnh chiếc mũ rơm ung dung đến trường được xem như biểu tượng khí phách Việt Nam. Những năm đất nước còn nghèo, nhà ở đều bằng tường đất vôi rơm và lợp rạ. Về độ bền, chẳng sánh được với nhà bê tông, nhưng bù lại, ở trong nhà lợp rạ tường đất vôi rơm, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát rượi.

Rơm là chất đốt chủ lực ở nông thôn. Hạt gạo mới căng nhựa ngọt thơm mà được bàn tay cô gái hay lam hay làm thổi bằng bếp rơm thì ngon phải biết. Cơm cạn chỉ cần nhét một nút, quây một bồi quanh nồi gang thì hạt gạo chín nhừ.

Cọng rơm nếp quý lắm! Dong rảy dưới nắng hè cho se rồi giũ con đai gác lên bếp để dành. Cận tết, bà lấy vài con đốt thành tro bỏ vào bát hương dâng tiên tổ. Số còn lại để bện chổi. Cho tới hôm nay, dù có hàng chục loại chổi khác nhau nhưng không thể sánh với chổi rơm. Chẳng nhiều đâu những vật liệu mà từ cái thiêng liêng tôn kính đến mạt hạng như chồi cùn đều làm được tuốt tuột như rơm. Ở quê, quả chuối quả hồng mà không có chút rơm để rấm là không được.

Cái rơm cái rác đến con bò con trâu vào tiết đông hiếm cỏ cũng phải cần đến nữa là. Chú lợn ỉn đêm đông gió bấc không có nắm rơm là cấm chịu nằm yên .

Lạ thế rơm rạ, đến người xa quê hàng chục năm vẫn chẳng thể quên mùi rơm được nắng, mùi ngai ngái thơm thơm của khói rơm bảng lảng lúc chiều về. Nhớ lắm chứ! Nhấp nhô bên mái rạ là cây rơm vàng. Nhìn vào đó biết gia chủ giàu hay nghèo, được mùa hay mất. Để có cây rơm đẹp, chắc, thì người đánh đống phải tài, kẻ rút rơm phải khéo. Nhìn từ xa, cây rơm thẳng thớm, xoe tròn như cây nấm, vàng giữa hàng cau xanh.

Nông thôn thời đổi mới, bếp than bếp ga thay dần bếp rạ. Mừng lắm chứ! Nhưng đừng quên rơm rạ nuôi ta sống và cho ta hơi ấm thuở nào. Thời đổi mới, rơm rạ ra rìa nhường chỗ cho vật liệu tân kỳ. Thành phố loang ra, làng quê thu lại, đất đai là cây là chỉ, chẳng còn đâu chỗ cho đống rơm vàng. Người quê gom rơm lại đốt để làm phân. Khói rơm xộc vào thành phố. Bỗng dưng rơm rạ thành hiểm họa môi trường.

Rơm rạ vắt kiệt mình phục vụ con người, tận lúc thực sự thành đồ bỏ đi vẫn đốt cháy mình làm phân bón ruộng. Ấy thế mà nó vẫn chịu tiếng oan.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Bạo lực đâu chỉ nắm đấm.

Bạo lực gia đình diễn ra dưới muôn hình vạn trạng. Chính vì thế, cái quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình cần nhận ra liệu cách giải quyết mình sắp đưa ra có phải là bạo lực hay không? Nếu đúng là bạo lực thì tỷ lệ thất bại rất cao. Xin kể một trường hợp khá điển hình .

Tôi có anh hàng xóm cạnh nhà, tên Dũng, nghiện thuốc lào nặng. Buổi sáng, vừa đặt chân xuống đất, có khi mắt còn ngoèn dử, anh đã phải tìm tới chỗ cái điếu cày. Mắt lơ đãng ngó ra khoảng sân trước mặt, anh chậm rãi vê một bi thuốc lào tống vào nõ điếu. Chiếc bật lửa ga luôn để chế độ lửa to nhất. Sau đó anh dùng ngón trỏ khều nhẹ vào bánh xe một cách điệu nghệ, ánh lửa dài thòng phụt lên rồi từ từ ngả dần về nõ điếu. Càng nhìn càng thấy giống một cái cầu vồng lửa mà đầu bên này là bật lửa còn bên kia nõ điếu. Nếu như tất cả các công đoạn trước thong thả chậm rãi bao nhiêu thì cú rít mới thực sự phô bày sức mạnh và nội công thâm hậu của một anh tuổi 40 nhưng có thâm niên hơn 20 năm nghiện thuốc. Tiếng điếu rít lên xoe xóe cuối làng cũng nghe rõ. Nhưng đáng nể hơn là đám khói nhả ra sau đó. Mọi người hẳn sẽ bất ngờ không hiểu sao cái thân hình gầy gò thế mà dung tích phổi lại lớn đến vậy. Khói mù mịt cả gian phòng khách, khói tan rồi mà mắt anh vẫn mơ màng, tay run run mân mê chiếc bật lửa.

Anh Dũng rất hiền. Cả ngày cắm cúi việc nhà, rỗi lại chạy xe ôm. Vợ anh - một cô giáo cấp 2 - xinh xắn, tên Lan, người cùng làng.

Bạn bè của chị Lan phần đông đều là GV. Phải chăng vì thế mà chị ấy ghét cay ghét đắng cái điếu cày. Nó là biểu hiện của hủ tục hay cái gì đó thậm lạc hậu và vô cùng mất vệ sinh. Chị quyết không thèm chạm vào nó mà chỉ lấy chân hẩy ra xa mỗi khi lau nhà. Chị ngượng ra mặt khi đồng nghiệp tới nhà chơi tỏ ra quan tâm một cách thái quá tới cái điếu cày của chồng mình.

Và cuối cùng, chị quyết định cần phải kết liễu số phận chiếc điếu cày nhằm diệt tận gốc mầm mống của hủ tục. Người ta cũng chẳng rõ chị vứt đi hay giấu ở đâu nhưng thấy anh Dũng cứ loanh quanh ra vào, sau nghe tiếng điếu nổ giòn ở nhà hàng xóm bên cạnh.

Với bản tính hiền lành, thương vợ thương con, nên việc bị vợ “ra tay tận diệt” chiếc điếu thân yêu của mình, anh Dũng chỉ cười hề hề coi như một “tai nạn nghề nghiệp”. Mấy hôm sau, anh sắm cái điếu mới và hàng xóm lại nghe tiếng điếu rít lên mỗi sáng.

Nhưng chị Lan cũng chẳng phải tay vừa. Chị vắt tay lên trán suy nghĩ cả đêm: Đã cách mạng là phải triệt để, quyết không thể nửa vời, nửa với là hỏng, cái này chị đã học và quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ rồi, nay chẳng nhẽ áp dụng vào việc cỏn con trong nhà cũng không xong? Nghĩ vậy, một lần nữa, chị quyết tâm tiêu hủy chiếc điếu cày, vật dụng mà chị coi là “công cụ để thực hiện tội ác”. Nói thế không ngoa chút nào khi mà một người phun khói độc cả nhà phải chịu.

Mất điếu lần thứ hai cũng là lúc anh Dũng tỏ ra mất bình tĩnh và thiếu kiềm chế. Lần đầu tiên hàng xóm thấy họ to tiếng.

Mất điếu lần thứ ba thì anh Dũng mất hẳn kiểm soát và không ai còn nhận ra một anh Dũng hiền lành trước kia. Anh chỉ vào mặt vợ thét lạc cả giọng, “cai thì phải từ từ chứ”. Chưa hết cơn bực, tiện tay, anh chụp cả khay đĩa chén quẳng ra sân. Thấy choang một cái, hai đứa con choàng tỉnh giấc, thút thít khóc vì sợ.

Sau ba lần mất điếu thì tính tình anh Dũng bắt đầu đổi khác. Bây giờ thì hàng xóm, dẫu có thiện cảm và hiểu hoàn cảnh của gia đình anh, cũng chỉ lắc đầu tiếc nuối mà nói rằng, “trước đây anh ấy cũng hiền và chăm chỉ lắm”.

Thật buồn! Chỉ vì một việc nhỏ như hút thuốc nhưng chị Lan đã dại dột giải quyết bằng hành vi bạo lực và anh Dũng cũng đáp trả bằng bạo lực dẫn tới kết cục thê thảm. Hạnh phúc gia đình bị đẩy tới bên bờ vực sâu.


Ngô thiệu Phong

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chấp nhận sự khác biệt 1

Lâu lắm mới gặp lại Tuấn, bạn cũ. Trước tôi với nó ở cùng ký túc xá Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyện vui buồn gì cũng kể cho nhau. Rồi ra trường, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa mỗi nghề nên cũng ít gặp.

Thằng Tuấn con cán bộ, lấy được cô vợ con nhà gia giáo, có thể coi là môn đăng hộ đối. Hai vợ chồng nó làm nhà nước, sinh được hai mặt con, một trai một gái, lương cũng khá, nói chung ổn định. Mỗi khi tụ tập, thấy vợ chống Tuấn hớn hở cạnh hai con đẹp như thiên thần, bạn bè nhiều đứa phát ghen.

Vừa gặp Tuấn vỗ vai rỉ tai, nói ông bận không, cà phê tý nhỉ? Tôi trợn mắt nhìn nó, nói bận thì có mà cả ngày, ngồi tý thì được. Những lần gặp trước toàn chỗ đông người, lại đi cùng gia đình nên tôi đoán lần này Tuấn có tâm sự.

Rít một hơi thuốc sâu, Tuấn nheo mắt nhìn tôi, nói tao nhiều khi phải nhịn vợ như nhịn cơm sống. Tôi có ý gợi chuyện nên nhìn bâng quơ, nói phải thôi phải thôi. Trong gia đình vợ chồng phải nhường nhịn chớ!

Nó chồm lên, phì cả khói thuốc vào mặt tôi, nói nhịn nhịn cái con khỉ. Rồi nó lại ngồi phịch xuống ghế, cái đầu gật gật, giọng chùng xuống: Vợ mình nó đã thôn tính mình về mặt thể xác nay lại toan xâm lăng cả về văn hóa.

Tôi phì cười với cách nói ngoa ngôn ấy.

Vợ chồng Tuấn sống với bố mẹ. Tuấn là con trưởng, ngoan, hiền và học giỏi nên bố mẹ thương. Những năm đất nước cựa mình bước ra khỏi bao cấp, nhường Tuấn bát cơm hẩm, còn hai ông bà trệu trạo nhai bo bo. Bây giờ Tuấn vẫn ứa nước mắt khi nhắc lại cảnh ấy.

Từ ấu thơ, Tuấn sống trong sự yêu thương, chở che của bố mẹ. Bố mẹ là tấm gương về mọi mặt cho Tuấn noi theo. Nó thấm đẫm vào từng nết ăn, nết ở trong con người Tuấn.

Dụi mạnh điếu thuốc vào gạt tàn, Tuấn nói tôi thích ăn cà muối mặn chan nước rau muống đánh chua không cho muối thì vợ mình lại thích ăn cà nhạt và cho cả muối lẫn mì chính; cả nhà không thể nào ăn được rau đay, vì nhớt, thì cô ấy lại thích! Mà cái gì thích thì cô ấy làm bằng được và khen ngon, chẳng đếm xỉa tới khẩu vị người khác. Nó ngả người ra nghế, vung hai tay ra sau, nói cái thân xác này tôi có tiếc gì đâu, nhưng còn cái ẩm thực, cái riêng tư, những thứ thấm đẫm trong tôi từ lúc lọt lòng, cô ấy cũng không coi ra gì nữa. Như thế chẳng phải là “xâm lăng văn hóa” là gì ?

Để nó xả hết cơn bực, tôi nhìn vào mắt nó, nói thế từ khi lấy ông liệu cô ấy có bị “thôn tính về thể xác và xâm lăng về văn hóa” không. Cô ấy chắc cũng không thể nuốt trôi bát nước rau muống nhạt thếch mà gia đình cậu quen từ xửa xưa. Vậy thì ai xâm lăng ai đây ?

Nó ngồi đụt ra, mặt cắm vào cốc nước đã hết từ lâu, miệng lầm bầm, nói vợ thì phải theo gia đình chồng chứ. Cái điệu bộ như thế là tôi biết tỏng nó đang suy nghĩ lắm. Nó không phải là đứa gia trưởng, không biết gì tới bình đẳng bình quyền. Còn chuyện nhường nhịn, thích nghi và chấp nhận sự khác biệt như thế nào định bụng dịp khác sẽ nói chuyện thêm.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Vĩnh biệt Hoàng Điệp.

Vừa đưa bạn về cõi vĩnh hằng. Buồn! Mỗi người một tâm trạng buồn thương khác nhau. Lớp 36 đến nhiều. Một số bạn không tới được vì đi công tác xa.

Học cùng lớp nhưng hơn Điệp 5 tuổi nên Điệp coi mình như anh trai, một ông anh trai cục mịch, quê mùa. Cứ gặp nó (Điệp) thể nào nó cũng mồm năm miệng mười. Nhiều khi về nhà rồi mới bật ngửa là chưa hỏi nó cái gì, vì vừa đến chỉ nghe nó nói chứ mình có kịp mở mồm đâu.

Bạn bè thân nói: Muốn tìm lại một không khí gia đình nền nếp, cổ xưa, có cái gì đó đúng chất Hà Nội; muốn tạm tránh cuộc sống xô bồ, bon chen này thì cứ đến nhà Điệp, lòng ta sẽ nhẹ nhõm, trong sáng hơn. Quả thật thế.

Ra trường mười mấy năm chỉ đôi lần gặp vì mỗi người một việc. Điệp làm cho nước ngoài, bận và áp lực rất lớn. Bạn bè phần lớn theo nghiệp báo, cũng đi suốt. Những tưởng lần gặp nhau tới đây, đã hẹn rồi, có thêm Điệp. Ai ngờ…

Trước hôm Điệp đi xa. Mấy lần định mở mail, tìm danh sách lớp 36 để liên lạc với Điệp coi tình hình sao. Đùng cái nhận tin buồn.

Từ hồi sinh viên, Điệp đã bát cơm bát thuốc để làn môi tươi hơn, cho chiếc áo con bớt xộc xệch... nhưng uống mãi vẫn vậy.

Nhìn vòng hoa trắng mà thương mày quá, Điệp ơi! Cái tuổi trên 30 chưa có gia đình với Điệp chả là gì, nhưng chắc bố mẹ buồn lắm. Nhà lại có mỗi hai chị em. Điệp lo mình sức khỏe yếu nên chưa lập gia đình. Cái lo ấy là lo cho đời, cho người, chứ chẳng phải lo riêng cho Điệp.

Phải chăng vì thế mà Điệp luôn chọn những tổ chức NGO làm việc thiện để đầu quân: Worldvision rồi FHI …

Tao không tin có ông Trời, vì nếu có thì không bao giờ “bắt” một người hiền và sống có ích cho đời như mày Điệp ạ.

Điệp ra đi khi mà sức cống hiến cho xã hội đang ở độ sung mãn nhất, chín nhất. Sống dẫu chỉ một đoạn ngày mà giúp được cho nhiều người nghèo như Điệp còn hơn trăm tuổi mà chẳng ích gì.

Chỉ với hơn chục năm mày đã làm được quá nhiều việc tốt rồi. Bởi thế mày cứ yên lành mà ra đi. Chỉ tiếc, mày nán lại thêm chút nữa trên đời này thì bao kẻ bần hàn bớt khổ.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Còi to cho vượt và cơ chế xin cho.

Nhiều tài xế “vui tính” viết sau xe hàng chữ “còi to cho vượt”. Chẳng biết có “cho vượt” không nhưng rõ ràng còi xe ở ta ngày càng dọa nạt và uy hiếp. Họ ngang nhiên giới hạn việc giải quyết trong phạm vi hai đối tượng: kẻ đi trước và người muốn vượt mà không thèm đếm xỉa đến luật lệ và những người tham gia giao thông.

Cứ như dòng chữ ấy thì vai trò của cảnh sát và luật lệ, ở một mức độ nào đó, bị vất bỏ. Vậy mà khi nhìn thấy, nhà chức trách vẫn thản nhiên như không thấy gì? Lạ!

Người viết bài này có dịp nhiều lần đi theo lãnh đạo, cấp to có, cấp nhỏ có, để viết bài. Đến địa phương nào, sau màn báo cáo là phần kiến nghị. Với cơ sở, phần đề đạt cuối cùng mới thực sự quan trọng. Bộ trưởng GD thì đề nghị mở trưởng ĐH. Chắc với ông bộ trưởng giao thông thì kiến nghị mở đường, xây cảng, mở sân bay…?

Quan chức cấp cao thì kiến nghị những vấn đề to tát vĩ mô. Còn mấy anh cán bộ xã phường về thôn bản cũng được nghe những đề xuất “khiêm tốn” như bơm nước sớm cho lúa khỏi nghẽn đòng, xử nghiêm bọn đái bậy ở vài con hẻm trong khu dân cư…

Các vị “công bộc” cứ về cơ sở là được (hoặc phải) nghe quần chúng kể khổ rồi đề đạt nguyện vọng như vậy không biết có từ bao giờ? Hình như lâu lâu rồi? Nó đã thành lệ. Đến nỗi, khi phản ánh các chuyến công cán của lãnh đạo, một vài cơ quan truyền thông chỉ việc lắp vào mẫu: đồng chí đến… đồng chí thăm… đồng chí nghe… và đồng chí chỉ đạo.

Kiến nghị, đề đạt tạm gọi là “xin”, còn chỉ đạo là “cho”. Dĩ nhiên xin thế nào để “đầy tớ” cho là cả một nghệ thuật. Cái nghệ thuật này được địa phương, cơ sở học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau rất nhanh.

Bởi thế không phải không có cơ sở khi nói, xin - cho là tiền đề, là môi trường thuận lợi để “đầy tớ của dân” có cơ hội dần dần biến chất thành “cha mẹ” của dân.

Nhà nước phong kiến, quan lại vi hành để nhìn nhận đúng thực tế đời sống con dân. Và hôm nay, nó diễn ra ở những hệ thống khi năng lực quản lý, phẩm chất lãnh đạo các cấp còn bất cập; khi những bản báo cáo được tô son hơn là tả thực.

Vấn đề đặt ra là, mục đích vi hành, thay vì để chấn chỉnh bộ máy quản lý các cấp, ngõ hầu có những bản báo cáo trung thực, thì lại nặng về giải quyết kiến nghị, thực chất là xin – cho. Như vậy là đã vô tình ( hay cố ý ?) vất ra ngoài cấp quản lý trung gian và hệ thống nguyên tắc chung. Nó cũng tựa như anh công an chẳng thấy gì khi nhìn dòng chữ “còi to cho vượt”.

Thế nên “còi to cho vượt” xem ra có cái lý từ câu chuyện xin – cho, trên lập trường giải quyết song phương. Có khác chăng tài xế muốn vượt chỉ cần còi to mà không cần “nghệ thuật”. Chuyện trên đường âu cũng là chuyện xã hội. Ở VN thường nói: “Con khóc mẹ mới cho bú”. Trời đất! Mẹ kiểu này xem ra đoảng !

Ngô Thiệu Phong

Nói “không” trong gia đình.

Tôi là người nam ủng hộ nhiệt tình cho bình đẳng nam nữ. Một thời điểm nào đó, vì thói quen, hành động chưa bình đẳng cho lắm, thì ngay sau đó tôi kịp thời nghĩ lại và rút kinh nghiệm sâu sắc. Cứ như vậy tôi đã sửa chữa được nhiều thiếu sót. Đây là một trong những biện pháp duy trì hạnh phúc gia đình. Đồng thời giúp ích trong công việc, trong đối nhân xử thế. Khi nhận thức đúng và đầy đủ về phái nữ giúp bản thân đánh giá đúng năng lực, biết điểm mạnh điểm yếu của họ. Và từ đó có cái nhìn khách quan về công việc họ đã làm, đang làm và sẽ làm.

Nói thế để muốn chứng minh: Người viết bài này không hề có định kiến về giới. Và những điều mong muốn sau đây xuất phát trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng giới.

Xã hội hôm nay đang có nhiều phong trào “nói không”. Tất nhiên đều nói không với tiêu cực, sai trái… Nhưng trong gia đình, khi “nói không”, cho dù với bất cứ vấn đề gì, thì người phụ nữ cũng nên cân nhắc, không nên thể hiện sự phản đối tức thời và gay gắt. Xin tạm nêu ra đây hai ví dụ để tiện phân tích.

Chồng nói với vợ:
- Tối nay anh bận nên về muộn một tý nhé!
Vợ vừa nghe xong chưa hiểu đầu đuôi thế nào đốp luôn:
- Không! Anh phải về sớm! Em không chờ cơm đâu.
Hoặc khi con xin phép :
- Mẹ cho con ra phố chơi một lúc nhé?
- Không! Ở nhà! Không đi đâu cả!

Nói không như thế thực chất là một sự cấm đoán rất độc đoán. Trước hết, chưa nói tới việc về muộn và xin phép đi chơi kia hợp lý hay không, mà chỉ riêng thái độ trả lời thẳng thừng như thế dễ gây sốc với đa số nam giới. Dẫu đứng trên quan điểm bình đẳng giới nhưng tôi vẫn phải nói với chị em rằng, ở thời điểm hiện nay, không phải tất cả đàn ông của cái đất nước phương Đông này dễ dàng chấp nhận cách nói như vậy. Càng không nên nói “thẳng băng” như thế ở chỗ đông người. Vì chồng hoặc con sẽ có cảm giác bị xúc phạm, bị coi thường.


Nếu những đề nghị “về muộn” hoặc “đi chơi” hợp lý thì việc từ chối một cách phũ phàng càng khó chấp nhận. Chồng vì nể vợ, con vì sợ mẹ nên làm theo, nhưng “làm theo” mà chưa “tâm phục khẩu phục”.

Sự việc tương tự, nếu thường xuyên diễn ra, sẽ là tiền đề cho việc nói dối hoặc lờ đi việc xin phép, trao đổi... Rồi những cuộc đối thoại giữa chị em và các thành viên trong gia đình sẽ thưa dần. Đây là điều rất đáng quan ngại, thậm chí nguy hiểm. Bởi khi đó người phụ nữ không thể làm bạn với con, không là nơi sẻ chia tâm tư tình cảm của cả gia đình. Mất đi “công cụ” ấy, chị em khó lòng chèo lái con thuyền gia đình khỏi sóng gió.

Nếu việc đi chơi (của con) hoặc xin phép về muộn (của chồng) thực sự vô lý thì cũng chẳng nên buột miệng phản ứng ngay với câu nói không như vậy. Chị em vốn dĩ có tài ăn nói và thuyết phục. Sự mềm mại, dịu dàng sẽ là vũ khí hiệu quả giúp chồng con hiểu rằng: Không nên về muộn hoặc đi chơi. Chị em hoàn toàn có thể thể hiện sự kiên quyết và nghiêm khắc của mình bằng cách nói nhẹ nhàng. Đừng nghĩ chỉ thẳng thừng nói không mới bộc lộ được thái độ. Câu “lạt mềm buộc chặt” rất đúng trong trường hợp này.

Với phản ứng tức thời kiểu nói không như thế khiến cho chúng ta dễ hình thành thói quen không chấp nhận ý kiến người khác, cho dù chỉ trên khẩu ngữ và trong phạm vi giao tiếp. Bạn có tâm trạng thế nào khi chưa nói hết câu đã bị người khác “chặn họng” bằng một từ “không” to đùng? Chắc chắn bạn muốn chấm dứt đối thoại hoặc nổi đóa.

Trên tinh thần bình đẳng giới mà đưa ra đây một quan điểm của Khổng giáo thì sẽ là thiếu logic. Nhưng riêng câu: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (cái gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác), luôn đúng trong giao tiếp, ở gia đình cũng như ngoài xã hội. Vậy nên, không chỉ có chị em mà cả chúng tôi, những đức ông chồng, cũng cần phải cân nhắc khi phủ định tức thời bằng bằng một từ “không”./.

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Xấu hổ

Sau khi phỏng vấn họa sỹ Phan Cẩm Thượng, trên đường về qua ngã tư Bà Triệu – Hai Bà Trưng thấy đông người hô vang: “Việt Nam, Việt Nam…”. Biểu tình chống Trung Quốc. Mấy hôm trước sự việc này đã được loan trên mạng. Đèn đỏ, đèn xanh, đèn đỏ, mọi người dừng cả lại nhường đường cho đoàn biểu tình.

Bỗng dưng sống mũi cay cay. Trong đoàn biểu tình trẻ có già có, nam có nữ có, đi phăm phăm, nhễ nhại trong cái nắng gắt giữa hè. Trong số họ, tôi đoán rằng, xuống đường chỉ vì lòng yêu nước. Cái phần trăm cho những kẻ lợi dụng biểu tình để phá hoại, như ai đó lo xa, có lẽ rất thấp.

Một chị trung niên, cờ vắt trên vai, bị rớt lại phía sau, đang lắc lư tấm thân quá khổ lạch bạch đuổi theo đoàn biểu tình mà chẳng thể kiên nhẫn chờ đến đèn xanh. Bất giác tôi nhớ lại đoạn phim chiếu cảnh hàng chục chiến sỹ nắm tay nhau trên đảo Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988. Tiếng nổ lục bụp rồi những cột nước bung lên trắng xóa…

Những tấm thân nhỏ bé ấy sao chịu nổi trước loạt pháo 37 ly của quân Tàu. Chỉ sau một loạt đạn, không còn thấy bóng một chiến sỹ nào, cột nước rơi xuống, mặt nước lại phẳng băng.

Các chiến sỹ đang nằm lại nơi vùng biển tổ quốc thấy những bà, những chị, những em vơ vội mồ hôi trên mặt rảo bước theo đoàn biểu tình giữ biển đảo hôm nay, hẳn cũng mát lòng.

Còn tôi, một thằng đàn ông 40 khỏe mạnh, nếu có mặt trong đoàn biểu tình hôm nay thì ngay ngày mai, an ninh văn hóa lập tức có mặt, nói anh báo chí mà cũng tham gia tụ tập à? Có thể không bị đuổi việc, nhưng sẽ “được” làm một việc chẳng liên quan gì đến báo. Tôi đớn hèn vì sau lưng còn 2 con nhỏ và một mẹ già. Tiếng gọi của trái tim không vượt thoát nổi gánh nặng mưu sinh.

Tôi chắc còn nhiều người như tôi, vì một lý do nào đó, chưa thể xuống đường, nhưng chắc chắn họ cũng không thiếu lòng yêu nước.

Không tham gia biểu tình, nhưng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn, bằng nhiều cách, quyết giữ biển đảo của cha ông./.
Viết lúc 11h 3/7/2011

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

"Định hướng dư luận": những từ ngữ nặng nề (NVT.NET )

Thứ sáu, 01 Tháng 7 2011 09:24

Đó là tôi muốn nói đến những từ như tuyên truyền, giáo dục, và mới đây nhất là định hướng dư luận. Có thể nhiều người đã quá quen với những danh / động từ này nên chẳng ai đặt vấn đề, nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn khi nghe đến một trong ba cụm từ trên đây. Lí do lấn cấn là như thế này …



Viết về những cam kết gì đó giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, một bản tin của Tân Hoa Xã viết (Ba Sàm dịch):

“Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, ông Hồng Lỗi nói.”

Hôm nay, một ông tướng Tàu lại lên tiếng khuyên Việt Nam nên hướng dẫn dư luận. Bằng một "giọng điệu truyền thống" của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, Mã Hiểu Thiên cũng nói rằng Việt Nam "không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng". Cần phải đặt câu nói này trong bối cảnh phía Trung Quốc tuần nào cũng lên tiếng đe dọa Việt Nam mới thấy giọng lưỡi của tên này nó lưu manh như thế nào.

Quay lại cái đàm phán trên, hình như hai bên đồng ý sẽ định hướng dư luận. Chẳng biết trong tiếng Anh định hướng dư luận là gì; chắc là directed publicity chăng? Dù là gì đi nữa thì nghe đến khái niệm định hướng dư luận là tôi nhớ đến chuyện xưa, và đó chính là một lấn cấn của tôi.

Câu chuyện xưa đó xảy ra ở Úc, cũng gần 10 năm rồi. Thời đó, VTV4 thương lượng với đài truyền hình SBS của Úc để phát sóng chương trình VTV4 cho người Việt ở Úc. Đài SBS (Special Broadcasting Services) là đài của chính phủ, dành cho các sắc tộc đang định cư ở Úc. Hình như hai bên đồng thuận với nhau, và trong thực tế SBS đã phát sóng một số chương trình. Thế là người Việt bên này phản đối kịch liệt. Biểu tình xảy ra nhiều nơi, có lúc lên đến cả 5 ngàn người. Đài SBS ngạc nhiên không hiểu tại sao biểu tình, trong khi họ nghĩ họ làm một việc có ích cho cộng đồng người Việt! Nhưng một số người chống cộng bên này chỉ ra rằng đó là những chương trình tuyên truyền – propaganda. Tuyên truyền có định hướng. Chính phủ Úc không tin, SBS cũng không tin là có chuyện tuyên truyền. D(ối với họ tuyên truyền là cái gì đó rất xấu xa, ghê gớm, đâu có ai lại đi nói rằng mình tuyên truyền. Thế là có người ta chỉ ra rằng ngay trên website của VTV và trong các bản tin, VTV4 vẫn dùng chữ tuyên truyền. VTV4 vô tư nói rằng họ tuyên truyền đến cộng đồng người Việt ở Úc! Đến lúc này thì chính phủ Úc và ban giám đốc SBS mới tin là có chữ này. Thế là họ đi đến quyết định chấm dứt chương trình VTV4 trên SBS. Câu chuyện dài dòng và phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi chỉ nói trên khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, để cho thấy rằng cách nói cũng ảnh hưởng đến chính sách.

Ở Úc hay các nước phương Tây, họ xem tuyên truyền hay propaganda là một cái gì xấu xa. Nói đến propaganda họ nghĩ ngay đến Nazi, đến Liên Xô. Còn ở Việt Nam ta hay Trung Quốc thì người ta vô tư dùng chữ tuyên truyền, như chẳng có vấn đề gì phải bàn. Mà, nói đúng lí ra, tuyên truyền chẳng có gì đáng nói là xấu xa, vì nói cho cùng nước nào và chính quyền nào mà không tuyên truyền? Nhưng cái khác là ở cách nói và cách làm. Một bên thì vô tư nói ra tôi tuyên truyền, tôi định hướng dư luận, còn một bên thì làm mà không nói!

Chữ propaganda có lẽ xuất phát từ truyền thống hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế. Các tổ chức cộng sản rất coi trọng công tác "Agit'Prop" (tuyên truyền vận động). Và, cũng như nhiều từ ngữ của phong trào cộng sản, chữ propaganda xuất phát từ truyền thống của giáo hội Công giáo. Propaganda khởi thuỷ là tuyên truyền, rao giảng niềm tin vào Chúa. Sau đó, propaganda/tuyên truyền mới trở thành “hoạt động nhằm dư luận tán thành, ủng hộ đường lối, chính sách của một đoàn thể, chính quyền” (định nghĩa của từ điển Robert).

Vì vậy tuyên truyền mang sắc thái tích cực hay tiêu cực còn tùy theo bản chất của các chính sách mà nó phục vụ. Đối với những thanh niên Việt Nam thời thập niên 30-50 được “tuyên truyền giác ngộ” (từ ấy trong tim bừng nắng hạ), tuyên truyền chắc chắn mang ý nghĩa tốt đẹp. Trong thế kỉ 20, sau những tai hoạ do chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa Stalin-Mao gây ra, tuyên truyền chỉ còn nghĩa xấu. Công việc tuyên truyền, quảng cáo thì vẫn còn đó, và càng trở thành quan trọng trong thế giới thông tin, nên người ta tạo ra một từ mới là "truyền thông" (communication) để làm công việc xưa cũ đó. Riêng phía Việt Nam thì vẫn trung thành với ngôn ngữ cũ, nên vẫn giữ nguyên xi hay chữ tuyên truyền, vẫn còn công tác tuyên huấn (tuyên truyền, huấn luyện).

Tuyên truyền dĩ nhiên phải có thông tin. Phổ biến thông tin, nhưng không chỉ có thông tin, và khi thông tin thì bao giờ cũng "có định hướng", đơn giản là thông tin "một chiều", theo một chiều hướng có lợi cho tổ chức / chính quyền. Người làm việc tuyên truyền khi xử lí một thông tin, cũng có thể (hay không) làm như người làm thông tin là kiểm tra độ xác thực của nó, nhưng anh ta có một quan tâm hàng đầu, khác hẳn người làm thông tin, là: đưa tin này có lợi cho ta không, làm thế nào có lợi nhất, lúc nào có lợi nhất cho ta, nếu thông tin này có hại, nhưng đằng nào đối tượng quần chúng cũng sẽ biết, ta không đưa không được, thì ta phải đưa thế nào cho ít có hại nhất. Đưa tin hay không, đưa thế nào, tùy thuộc vào quan tâm lợi ích của đoàn thể hay chính quyền. Và do tâm lí chán ngán tuyên truyền của quần chúng, công tác tuyên truyền / truyền thông phải nguỵ trang tối đa thông điệp của mình dưới dạng thông tin. Do đó, tôi nghĩ những gì chúng ta tiếp nhận qua TV hay báo chí, kể cả báo chí Tây phương, cũng là tiếp nhận tuyên truyền.

Ông Chomsky (giáo sư ngôn ngữ học), một thần tượng của tôi, là người bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về tuyên truyền của phương Tây. Ông chỉ ra rằng truyền thông đại chúng đều có mục đích định hướng. Mục đích của họ là làm cho đám đông không làm phiền đến họ. “Họ” ở đây là chính quyền, là các đại gia kĩ nghệ, quân sự, v.v. Ông chứng minh thực tế rằng họ muốn làm sao đám đông kia chạy theo những game show vớ vẩn, say mê với thể thao như football, với những bản tin cướp giết hiếp, mở to mắt với những xì căng đan sex, v.v. Còn những chuyện nghiêm trọng, chuyện lớn thì để cho họ lo -- We take care of that. Đó là truyền thông định hướng, hay nói theo Việt Nam và Trung Quốc là tuyên truyền có định hướng. Mĩ, Úc, Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều làm như thế. Nhưng như tôi nói trên, người ta dấu không nói ra, còn Việt Nam thì làm theo Trung Quốc, tức là nói huỵch tẹt ra: chúng tôi tuyên truyền!

Nhưng đối với những ai có tinh thần tự do tư tưởng như Chomsky, cái cụm từ định hướng dư luận nghe rất xa lạ. Người trí thức có ý kiến riêng từ thông tin họ có, và không để ai định hướng mình. Đã để cho người khác định hướng tức là mình thiếu độc lập, chẳng khác gì như những con cừu. Mà, nếu thiếu độc lập thì nói gì đến việc có ý kiến riêng? Do đó, người trí thức left wing như Chomsky không bao giờ chấp nhận chuyện tuyên truyền hay định hướng dư luận.

Tuyên truyền định hướng dư luận có nghĩa là xem thường dư luận. Sở dĩ xem thường là vì nó bắt đầu bằng một giả định rất ngạo mạn. Giả định của định hướng dư luận là công chúng chỉ là một đám đông ngu dốt, không có lập trường và chính kiến, không biết suy nghĩ. Từ giả định đó, người ta tự cho mình cái quyền giáo dục công chúng cho bớt ngu dốt, nhào nặn thành những người có lập trường, và dạy cho họ biết suy nghĩ. Dĩ nhiên là suy nghĩ theo họ. Chính vì thế mà chúng ta hay nghe những cụm từ như giáo dục quần chúng. Người ta phải hỏi ai cho anh quyền và anh có tư cách gì để giáo dục tôi? Đó là một suy nghĩ ngạo mạn, tự cho mình ngồi trên đám đông.

Cụm từ giáo dục quần chúng nghe rất nặng nề. Nó chẳng khác gì cha mẹ nói với con cái. Những người làm tuyên truyền đâu phải là cha mẹ của công chúng. Cách nói của Tân Hoa Xã chẳng khác gì nói: “Anh về dạy con cháu anh đừng có làm gì tổn hại đến tình hữu nghị giữa chúng ta”. Dạy cho chúng đừng đi biểu tình nữa. Dạy cho chúng tôn trọng 16 chữ vàng gì đó. Anh dạy dân anh, tôi dạy dân tôi. Đằng sau câu nói đó là giả định rằng người đại diện Việt Nam trong cuộc đàm phán là cha mẹ của người Việt Nam. Cố nhiên, giả định đó sai. Giả định sai thì tất cả theo sau nó cũng đều sai.

Định hướng dư luận cũng có nghĩa cung cấp thông tin một cách chọn lọc. Một sự kiện lúc nào cũng có nhiều khía cạnh. Truyền thông định hướng có nghĩa là người ta chỉ cung cấp khía cạnh nào phục vụ cho quyền lợi của người ta. Cung cấp thông tin như vậy là không đúng với sự thật, và dễ làm cho đám đông hiểu lầm. Câu chuyện về trích dẫn không đầy đủ câu nói của Giám mục Ngô Quang Kiệt là một ví dụ tiêu biểu của việc cung cấp thông tin có chọn lọc.

Định hướng có nghĩa là phản khoa học. Trong khoa học, bất cứ một dữ liệu hay bất cứ phát hiện nào cũng được soi rọi bằng nhiều lăng kính. Nhà khoa học lúc nào cũng đặt câu hỏi tại sao. Tại sao có dữ liệu này? Nguyên nhân xảy ra là gì? Cơ chế xảy ra như thế nào? Có thể diễn giải kết quả này theo cách hiểu khác không? Có bao nhiêu cách diễn giải kết quả? Trong khi đó đối với định hướng dư luận, người ta chỉ có một cách diễn giải, làm như chỉ có một chân lí. Đó cũng chính là cách diễn giải của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn. Họ không cho (hay không cung cấp thông tin để) người Trung Quốc diễn giải khác. Do đó, tuyên truyền định hướng là rất phản khoa học.

Vì phản khoa học, nên tuyên truyền định hướng rất nguy hiểm. Người Trung Quốc nói chung là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Cứ xem văn học của họ thì thấy họ cũng như ta, cũng chẳng muốn chiến tranh. Thật ra, chẳng có dân tộc nào trên thế giới thích chiến tranh. Nhưng để biến một dân tộc yêu chuộng hòa bình thành một dân tộc hiếu chiến như hiện nay, tuyên truyền định hướng của Trung Quốc cố tình vẽ ra một dân tộc Việt Nam hung hãn, đã và đang chiếm lãnh hải của họ. Suốt ngày này sang tháng nọ, họ nhào nặn ra một thế hệ ghét Việt Nam. Họ biến những con người bình thường thành những con dã thú giết người (như chúng ta thấy trong trận chiến 1979); họ biến những con người thành những cỗ máy chỉ biết chém giết. Những gì tờ Hoàn Cầu Thời Báo làm chính là một cách định hướng dư luận chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam, nên họ cho những ông tướng mặt mũi bặm trợn (nhưng đầu óc thì bị chứng cretinism) lải nhải phát biểu những điều mà người có bộ óc bình thường (không bị schizophrenia) cũng biết là vô lí. Họ cũng biết là vô lí, nhưng vì mục đích tuyên truyền định hướng chống Việt Nam nên họ vẫn nói, và đó là một trò chơi cực kì nguy hiểm.

Tóm lại, tuyên truyền – propaganda là một từ hàm ý tiêu cực. Giáo dục quần chúng là những từ ngạo mạn và xúc phạm. Định hướng dư luận là một kiểu tuyên truyền phi khoa học và nguy hiểm. Nếu Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, tôi nghĩ các nhà truyền thông – à quên “tuyên truyền” – cần phải xem xét lại những từ đó. Tốt hơn hết là xóa bỏ những từ ngữ đó khỏi kho tàng ngữ vựng ngoại giao.