Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Chéo ướt nhà Đức Anh

Nói tới các món ăn của người Thái Tây Bắc không thể không nhắc tới chẩm chéo, cho dù nó chỉ là một thứ gia vị, một thứ để chấm. Nó hiện diện trong bữa ăn bình dân cũng như trên mâm cỗ thịch soạn. Nó có vị trí khiêm tốn trên mâm cơm nhưng lại đầy kiêu hãnh bởi thiếu nó rất có thể nhiều món ăn vai vế khác trở nên nhạt nhẽo, lạc lõng, vô hồn. 

Tôi đi vài nơi ở Tây Bắc, ăn nhiều loại chẩm chéo, khô có ướt có, nhưng đến giờ vẫn kết nhất chéo ướt nhà Tòng Đức Anh (Anh Duc), đồng nghiệp của tôi ở Sơn La. 

Hôm nay Anh Duc chuyển về cho tôi 1 lọ chẩm chéo ướt. Chẩm chéo có nhiều loại (khô, ướt), cách pha chế mỗi nơi một khác, từng người lại có bí quyết riêng. Điều thú vị luôn kích thích sự tò mò buộc người ta phải khám phá ở chỗ đó!
Chéo ướt, khêu ra một chút xíu bằng hạt ngô, bỏ vô bát mì tôm, phở, miến… thì dậy mùi phải biết! Sự hiện diện của chéo ướt sớm "tiễn" chai tương ớt màu mè về vị trí...thất sủng. Chấm ổi chấm dứa ngon đã đành, đến quệt vô miếng lê cũng thấy phê…ê…ê thì quả là kỳ lạ! Tôi cũng đang nhờ anh chị phóng viên ở VOV Tây Bắc viết 1 bài thật sâu về chẩm chéo, sẽ sớm có trên Báo Điện tử VOV (vov.vn), nhưng nếu ai sốt ruột thì gọi cho chị Lừ Mai, vợ Đức Anh nhé! Cứ ăn đi! Thấy đúng thì cho tôi xin một like!

Thầy Thuyên

Vợ kể hôm qua thầy Thuyên (thầy giáo cũ của vợ) đột ngột gọi điện hỏi Phong dạo này thế nào, đến thầy chơi đi. Thầy hỏi rất lâu, đại ý muốn nói trong cuộc sống có gì chưa hài lòng thì quên đi, không nên bận tâm quá.
Vợ thấy lạ gặng hỏi, thầy chậm rãi kể cách đây gần chục năm, có lần Phong đến nhà, thầy không pha nước mới mà vẫn rót nước cũ mời, từ đó để ý không thấy Phong đến nữa. 

Vợ mình cười phá, nói thầy ơi, anh ấy chả để ý những chuyện như thế đâu. Chẳng qua anh đi thường trú ĐBSCL, rồi lại lên Tây Bắc, khi về đúng lúc dịch dã nên chưa thăm thầy. Đám học trò như mình được thầy tiếp đã là may rồi, ai dám xét nét chuyện lễ nghi của người lớn như thế. Được ngồi với thầy, sống chậm lại, được nghe, được thấy những điều tử tế, điều lương thiện, sự yêu thương là quý lắm rồi. Ngay cuộc điện thoại của thầy ở trên cũng là một bài học cho mình. 

 Trong cuộc sống đôi khi chỉ một câu nói, một hành động nhỏ mà khiến những người cả nghĩ, nghĩ ngợi, trăn trở cả chục năm trời. Hết dịch sẽ đến thăm thầy, nói với thầy chúng em - lớp trẻ giờ học mãi, học mãi mà chả kỹ được như thầy nghĩ đâu.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Tút cho "Lời cầu nguyện cuối cùng"

Có lẽ chỉ thời chiến tranh bom rơi đạn nổ thì lúc tiễn biệt người quá cố mới không có bạn bè, gia quyến ở bên. Và hôm nay, đại dịch covid khiến chúng ta thêm một lần đau khi âm dương cách biệt mà tịch không có bóng người thân. Trong hoàn cảnh như thế, nếu có một thế giới khác thì ở "bên kia", người rời cõi tạm cũng tủi mà ở "bên này", thân quyến lại càng khổ đau, khổ đau vì không được nhìn mặt người thân lần cuối.
Ngay lúc này đây, trong nhiều bệnh viện, các sơ không chỉ đút cơm bón cháo cho bệnh nhân mà còn thay mặt gia đình làm các thủ tục cuối cùng tiễn biệt những người rời dương thế. 

Chăm sóc người bệnh lúc còn sống và chăm sóc cả phần hồn khi họ rời cõi tạm, các sơ đã giúp người ra đi thanh thản và giúp thân quyến, dù không có mặt, cũng được nhẹ lòng! Xin được cúi đầu cảm tạ các sơ!

THƯƠNG TIẾC ANH HOÀNG VĨNH GIANG ( tút cho bài thầy Nguyễn Ngọc Chu)

Chắc còn lâu lắm mới có một vị lãnh đạo làm thể thao nhưng tinh tế, nhẹ nhàng, lịch lãm như ông Hoàng Vĩnh Giang.
Đấy cũng là ấn tượng đầu tiên khi một cậu phóng viên thể thao mới tò te như tôi được tiếp xúc phỏng vấn ông. Về kể lại điều này với anh Bách - Bách Xuân - sếp tôi, anh cười tít, nói mày... ày..ày..y! Bố anh Giang là ông Hoàng Minh Giám đấy! 

 Dù phóng viên mới hay đã có tên tuổi, dù phóng viên đài phát thanh hay đầy quyền năng như phóng viên truyền hình, ông Giang vẫn tạo cơ hội và đối xử bình đẳng như nhau, ít ra là ở những gì tôi nhìn thấy. Thời truyền hình màu mới có ở VN, hầu hết đều thích loại hình truyền thông sinh động này, phóng viên radio như tôi rất "lép", vì thế tôi lại càng trân trọng cách ứng xử của ông. 

Ông đã ngồi cùng tôi đến tận tối mịt ở căn gác hai bên cạnh Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức để say sưa kể về giai đoạn ông đem các môn võ về VN. Hoá ra wushu về VN từ Liên Xô, trong chiếc va-li của ông, chứ không phải sang từ ngả bên Tàu. ... 

Tôi thấy mình may mắn và vinh dự khi (một thời) được tiếp xúc, làm việc với nhiều anh, chị, chú, bác ngành thể thao mà ngoài tài năng còn có dư sự đàng hoàng và tử tế.

Tút cho bài ngón trỏ không lời của Thy Uyên

Những người rất trẻ, hoàn toàn không có bệnh nền cũng đã không qua khỏi trước lưỡi hái thần chết Sar-Cov-2. Vừa hí hóp thở đấy nhưng vài phút sau quay lại đã thấy nằm yên bất động. Em sinh năm 1990!
Một quãng đời còn rất dài phía trước của những người trẻ măng ấy bỗng đóng sập lại thực sự đã khiến các y bác sỹ rơi vào một trạng thái cảm xúc rất khó tả, như thua cuộc, như đầu hàng; hụt hẫng, xót xa kèm chút hoảng hốt và bất lực. Gắng vượt lên tất cả cảm xúc như hai quả tạ trĩu nặng trong lồng ngực ấy, các y bác sỹ lại tiếp tục lao đi, tiếp tục đối mặt với nCoV, đánh vật với nó để đem về sự sống. Mỗi lần như thế, ngón cái lại được giơ lên. Nơi đây cần chắt chiu từng hơi thở, hạn chế từng lời nói, có nói cũng chẳng nghe rõ, chỉ có ngón cái giơ lên, nó là lời động viên, là chỉ dấu của sinh tồn, của chiến thắng... Thi Uyen VOV.VN đã ghi lại khoảng khắc ấy. Xin đọc bài dưới còm ạ!

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

ANH NGUYỄN HUẤN ĐÃ MẤT

Tôi là thế hệ đàn em anh Nguyễn Huấn. Anh Huấn cùng lứa với sếp Chunhac Nguyen của tôi nên đôi khi được ngồi hóng chuyện các anh. Dù cuối đời bệnh tật ốm đau này khác nhưng không thể phủ nhận anh Huấn là người yêu nghề diễn, đặc biệt là sân khấu truyền thanh.
Nếu như hầu hết các nhóm kịch phát thanh khi thu vở đều đứng thì ở VN thường ngồi. Diễn ngồi nhưng phải diễn để nghe trên radio như là đứng, là đang hoạt động, tức là độ hóa thân vào nhân vật, sống trong bối cảnh của kịch phải rất cao thì mới thành công. Cỡ khoảng đầu những năm 2000 anh cùng ekip diễn một vở có nội dung trào lộng bọn nịnh thối lãnh đạo. Tôi không nhớ tên vở, nhưng đấy là một chương trình sân khấu truyền thanh xuất sắc mà tôi được nghe, hay cả diễn xuất lẫn kịch bản. Anh Huấn đóng nhân vật chính phản diện trong e-kíp diễn xuất ấy. Anh Huấn vào vai xu nịnh rất hợp, rất hay nhưng chỉ trong studio thôi, còn ngoài đời hình như anh không làm được? Hay nói đúng hơn anh nịnh trong kịch như đời còn nịnh ngoài đời lại như...kịch. Ngồi ở quán lòng lợn ngõ Vọng Đức mặt anh đỏ gay, nheo mắt, ngửa mặt, chả biết nhìn Nhật Minh hay nhìn tôi, cười, nói Phong ơi đéo được, anh phải “xà lách”, phải “xà lách”; vừa nói tay anh vừa uốn lượn như con rắn trườn trước mặt. Đấy là thời điểm mà cơ hội của chút chức mọn đang hé mở phía trước. Tôi trọng anh say nghề và quý anh nói thật. Thích làm trưởng ban anh bảo tao thích, không vờ vĩnh ra vẻ mệt mỏi với hư danh như bao kẻ khác. Nhưng đấy là hô quyết tâm “xà lách” ở quán lòng gầm cầu thang chứ phủi đít đứng dậy về tới cơ quan chắc là… xịt? Hôm nay, nếu không giãn cách, chắc em, Nhật Minh, anh Chu Nhạc, anh Xuân Bách sẽ lôi nhau ra quán lòng Vọng Đức, ở đó thể nào em cũng … gặp được anh!