Con thuyền phân ban trôi về đâu ?
Năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đại trà chương trình, SGK lớp 11, thí điểm phân ban lớp cuối cùng - lớp 12. Trong hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình THPT mới cũng như trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2007-2008, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời những băn khoăn, lo lắng của các địa phương về phân ban.
Việc học sinh, đặc biệt ở phía Bắc, dồn cả vào Ban Cơ bản, theo Bộ không có gì phải lo vì học sinh vẫn học tự chọn nâng cao một vài môn nào đó. Như thế là có phân hoá, đúng theo chủ trương phân ban. Lãnh đạo Vụ Trung học cũng động viên các trường vượt qua khó khăn vì đây là “thời kỳ quá độ” của phân ban. Bộ GD-ĐT, Viện Chiến lược và Chương trình GD cho rằng, việc cho ra đời Ban Cơ bản là sáng suốt, linh hoạt...
Tuy nhiên, nếu ai theo dõi tiến trình phân ban thì hẳn thấy hình như Bộ đang “té nước theo mưa”. Bởi ai cũng biết Ban Cơ bản thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn”, khi mà các phương án phân ban của Bộ nêu ra trước đó đều bị từ chối. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan khi làm việc với TP Hồ Chí Minh về lĩnh vực giáo dục - đào tạo và thanh thiếu nhi từng nói: “Thực chất của Ban Cơ bản là không phân ban”.
Vì thế, việc thành phố chủ trương cho các học sinh theo Ban Cơ bản tự chọn nâng cao các khối A, B, C, D nhưng vẫn giảng dạy theo SGK thuộc Ban Cơ bản có thể dẫn đến việc thực hiện sai lệch với chủ trương của Nhà nước là phân chia theo ba ban chính: Tự nhiên, Xã hội và Cơ bản.
Thế nhưng, chủ trương này hiện phổ biến trong các trường THPT cả nước. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT năm học vừa qua số học sinh theo học Ban cơ bản gần 74%. Trong hội nghị sơ kết một năm đổi mới giáo dục THPT, nhiều tỉnh cũng khẳng định năm học 2007-2008 này sẽ chỉ duy trì một Ban Cơ bản. Sau đó cho các em học nâng cao các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ tương ứng với 4 khối thi A, B, C, D hiện nay. Ngoài việc học sinh chọn SGK nâng cao để học thì việc dạy các môn nâng cao này cũng được thực hiện thêm trong tiết học tự chọn.
Học sinh phần đông đều chọn Ban Cơ bản với mục đích là học các môn không thi ĐH theo một chương trình không nặng và chọn SGK nâng cao các môn thi ĐH. Còn các trường cũng đều muốn dạy một Ban Cơ bản cho dễ điều hành. Như vậy, trường THPT liệu có biến thành một cơ sở luyện thi ĐH công khai? Thực ra điều này đã được một số hiệu trưởng dự báo từ khi bắt đầu thí điểm phân ban.
Theo Báo cáo sơ kết một năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT: Phân ban đại trà có tác dụng chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, dự báo sẽ làm giảm tỷ lệ học sinh chọn con đường thi vào ĐH. Với những gì đang diễn ra thì người ta khó liên tưởng kết luận trên với thực tiễn. Phân ban thực ra đang bị chi phối bởi việc thi đại học. Nếu như năm học 2008-2009 chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất với 6 môn thi thì chưa biết số phận của phân ban ra sao.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ