Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

TÒ HE THỜI @



Chủ nhật vừa rồi tôi tạt qua Cung Thiếu nhi mua cho “cún” con tò he. Hứa mấy bận rồi nhưng đều lấy quyền làm bố tự cho phép mình quên. Cháu chọn một con mà mình khẳng định là gà trống nhưng nó kiên quyết xác nhận đấy là “con” Angry Bird, có ở trong Ipad của bố. Mình kiểm tra lại, đúng là “chim dữ” thật, biểu tượng một trò chơi trên máy.

Làm sao ông lão nặn tò he bộ dạng nghèo khổ quê mùa kia lại biết được một cái “con” mới toanh, vừa xuất hiện trong một sản phẩm thời thượng, đang mê hoặc lũ trẻ?

Trong suy nghĩ của tôi, tò he phải là Tôn Ngộ Không, là Bạch Cốt Tinh, là chú Tễu, ông Phỗng rồi hoa hồng, hoa sen…Hóa ra trẻ con của “thời Apple” không chỉ say mê chú Tễu, ông Phỗng mà còn có những đòi hỏi cao hơn: Angry Bird. Đến giờ thì đã hiểu vì sao “cún” nằng nặc đòi tò he, một trò chơi dân gian tưởng như không có trong đầu lũ trẻ hôm nay.

Ông lão nặn tò he đã biết làm mới mình, biết tự “tái cơ cấu” cái mẹt tò he của mình để hấp dẫn những đứa trẻ của thế kỷ 21, và cũng là để tự tồn tại song hành cùng với những sản phẩm tân kỳ như Ipad, Iphone. Một hiện tượng thú vị của WIN – WIN; một ví dụ sinh động về quan hệ cộng sinh giữa những tín đồ của “quả táo cắn dở” và một trò chơi truyền thống cổ xưa.

Ông lão đã theo được nhu cầu của lũ trẻ, biết được thời sự niềm mê đắm của chúng hướng vào cái gì nên đã thành công.

Nghề báo của tôi cũng có điểm giống như nặn tò he. Nếu không luôn tự hỏi trước những dòng chữ rằng, món ăn này thực khách có thích thú không, có tiêu hóa được không… thì cũng chẳng khác gì miệt mài nặn chú Tễu, ông Phỗng rồi đem rao bán trước sự thờ ơ của lũ trẻ.

Dù là một cơ quan mang đậm sắc thái “tuyên truyền, định hướng” nhưng nhu cầu của thính giả vẫn là cơ sở vững chắc và ổn định cho người làm báo dựa vào đó để tìm đề tài, chúng ẩn khuất đâu đó trong hơi thở của cuộc sống.

Ông lão liệu có bán được hàng nếu bê cái mẹt tò he đứng dưới cổng 45 Bà Triệu? Rõ ràng ông lão đã biết xác định “đối tác chiến lược” của mình là trẻ con và “vị trí chiến lược” không đâu khác ngoài cổng Cung, cổng trường. Xác định được đối tác, đối tượng trong bối cảnh đối thoại cũng như đối đầu sẽ quyết định sự thành bại của cuộc chơi.

Có bạn nói cha Phong này điên, cứ bắt anh em phải xác định rõ đối tượng người nghe là ai trong chương trình của mình. Hâm! Phát lên giời ai nghe mà chẳng được. Các bạn nói không sai, nhưng nếu thế ta không bán được con tò he nào đâu.

Ở cổng trường bán bim bim, kẹo mút và tò he…, khách sạn một hai sao thì quầy lễ tân có khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải…bán kèm vài sản vật địa phương, có ai khuân điều hòa, máy giặt ra những chỗ ấy bán đâu? Nếu biết khách hàng là ai thì ta mới xác định được mặt hàng cần bán là thứ gì và bán như thế nào.

Hơn nữa, thính giả là thiếu nhi thì chương trình phải vui nhộn, nhí nhảnh, tiết tấu có thể nhanh nhưng không thể quá dài vì khả năng tập trung của các em có hạn; người nghe là các cụ thì cách nói năng phải rõ ràng, chững chạc và điềm tĩnh...; với bác nông dân thì câu cú phải giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ...

Nói tóm lại, thính giả quyết định cách ta chế biến món ăn gì và như thế nào. Và càng khu biệt trong một nhóm càng nhỏ đối tượng thì càng có điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Ông lão bán tò he quê kệch, biểu trưng cho cái gì đó rất xưa cũ, nhưng lại có những sản phẩm hợp thời. Cảm ơn ông đã cho tôi cái tứ để trình bày với các đồng nghiệp một câu chuyện nghiệp vụ nhàm chán !

PS:
Các bạn tô một nét son, thay một tấm áo, về bản chất cũng là tái cơ cấu-reform một cách thô sơ để đẹp hơn trong mắt chồng và đồng nghiệp. Vậy hãy thử tái cơ cấu chương trình để “đẹp” hơn trong tai thính giả xem sao.





Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

CHUYỆN PHIẾM VỀ VỖ TAY .



Cùng với tiếng hú phát ra từ miệng, tiếng vỗ tay là âm thanh nguyên thủy nhất mà loài người chủ động tạo ra còn tồn tại tới hôm nay. Tiếng vỗ tay của loài người, từ buổi hồng hoang tới nay, là một tín hiệu mang tính quy ước, nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là để tán thưởng và cổ vũ? Chỉ đơn giản vậy? Không đâu! Không hề!

Mấy hôm nay báo chí nói nhiều tới tiếng vỗ tay lạc nhịp tại buổi hòa nhạc thính phòng giao hưởng vừa diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tai nạn vỗ tay từng xảy ra ở ta, và nói thực, vỗ tay trong hòa nhạc không dễ. Tôi đã được xem một bộ phim hài của nước ngoài với nội dung dạy cách ứng xử có văn hóa và vỗ tay đúng cách trong các buổi hòa nhạc. Phương tây, cái nôi của âm nhạc thính phòng giao hưởng còn vậy, huống hồ xứ ta.

Kể về tiếng vỗ tay lạc nhịp, ông bạn tôi nói, ôi dào, chuyện vặt, đừng bảo “tai nạn” mà là “thói quen nghề nghiệp”. Thử xem, toàn khách VIP, nghĩa là thường xuyên hội nghị, hội thảo, giao lưu…Cùng với hội chứng văn mẫu, diễn văn ở ta 10 cái giống nhau cả 10. Để minh họa, ông bạn đứng phắt dậy, cầm củ khoai đăng ăn dở làm micro, giả giọng MC nói:

Tới dự hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đồng chí GS-TS Ngô Thiệu Phong, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch, nhà văn…(dừng) VỖ TAY. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt BTC , xin nhiệt liệt chào mừng hội nghị, chúc hội nghị thành công tốt đẹp… (dừng) VỖ TAY. Xin trân trọng cảm ơn. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến đống chí Ngô Thiệu Phong và các vị quan khách… (dừng) VỖ TAY.

Cho nên đã thành lệ, hệ thấy một khoảng trống không có âm thanh là… vỗ tay.

Ông bạn phân tích tới đây tôi lại nhớ cái vụ “lạm phát” kính thưa. Chính phủ ra hẳn một nghị định chế tài rằng chỉ “kính thưa” một bác “to” nhất. Thế nhưng 8 năm qua, kể từ khi cái nghị định ấy ra đời, phần kính thưa tại hội nghị, hội thảo, tổng kết vẫn hơi bị dài. Và để xứng với phần kính thưa, phần giới thiệu từng đại biểu cũng phải thật long trọng. Sau mỗi lần giới thiệu, khổ chủ đứng lên, ngoái xuống, người giơ tay vẫy, kẻ gật đầu chào. Và dĩ nhiên sau màn đứng lên thụp xuống đáp lễ gượng gạo ấy là…vỗ tay. Khổ nhất mấy vị chức be bé cũng được giới thiệu, thường là sau cùng, vì thế, lộp độp vài tiếng vỗ tay rời rạc nghe rất thảm.

Về cái kiểu vỗ tay khuyến mại ấy thì phải kể tới mấy ông Sơn Đông mãi võ bán thuốc dạo. Cứ sau mỗi màn biểu diễn lại xin quý vị một tràng vỗ tay. Gần đây nhiều ca sỹ, có hạng hẳn hoi, cũng chỉ trỏ bốn phương tám hướng xuống khán giả để tìm fan rốt cuộc cũng chỉ xin một tràng pháo tay cho xôm trò. Vậy thì đừng nói các VIP không biết giao hưởng thính phòng là gì. Họ biết thừa. Nhưng thử xem, ở ta vỗ tay còn phải đi xin như thế, nay hào phóng ban tặng, không những một mà hàng tràng vỗ tay thì đúng là văn hóa quá đi chứ lị.

Không chỉ giải trí mới xin vỗ tay, trong một số cuộc họp, hội nghị, khi lãnh đạo hoặc người dẫn chương trình muốn “xin ý kiến hội nghị” thì vỗ tay ở ta còn biểu thị thái độ đồng ý. Nó đại diện cho tính dân chủ, thống nhất và đoàn kết cao độ.

Nói chuyện nhạc nhẽo lại nhớ thời trẻ tôi học ghi ta cổ điển tại nhà một ông giáo già ở Cầu Gỗ. Ông nghiêm khắc đến độ ngồi sai tư thế là bị khảo thước vào gối. Không thể cảm thụ âm nhạc bằng…thước nên sau một tháng tôi chuồn, mù nhạc từ bấy tới nay. Ngẫm cũng thấy đời mình may, không được là VIP, nếu không thể nào cũng hào phóng vỗ tay cho mà xem.

Nghề chơi công phu thật! Xưa các cụ ôm trống chầu tom chát đã thấy phức tạp, nay vỗ hai bàn tay vào nhau mà cũng phải lắng nghe niêm luật chương hồi, giải trí chi mà cực?

Nghĩ cũng lạ, ở ta, cái nơi cần vỗ tay đúng chỗ đúng lúc thì tự do; trong khi ở một không gian khác, rất cần sự hồn nhiên, thoải mái, khoáng đạt thì lại chỉnh tề đến khắt khe. Tôi đang nói tới tiếng vỗ tay ở chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” trên VTV, nghiêm cẩn như duyệt binh. Đúng nhịp và đều tăm tắp như thế chắc phải có nhắc vở. Nên chuyển giao kinh nghiệm này cho các VIP khi đi nghe hòa nhạc.

Hồi tôi công tác ở Sơn La, có lần cùng cán bộ tỉnh xuống một xã hẻo lánh họp. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử ở một xã miền núi nên từ trước đó mấy hôm, xã đã họp để phân công nhiệm vụ. Có một việc quan trọng nhất, đó là thịt dê, trong đó không thể thiếu món tiết canh. Đích thân chủ tịch xã quán triệt cho nhóm thịt dê là hễ cứ nghe tiếng vỗ tay thì đánh tiết canh là vừa. Ở cái nơi mà khái niệm thời gian chỉ tương đối với ngày và đêm, giờ được xác định bằng tiếng muông thú, côn trùng và bóng nắng, thì chỉ đạo và điều hành công việc như thế là quá “chuẫn”! Hay! Đây là tiếng vỗ tay thú vị nhất, thiết thực và ý nghĩa nhất mà tôi từng nghe và cũng chính là… tác giả.

He he. Vỗ tay đi rồi đi ăn tiết canh./.

Ngô Thiệu Phong









BỖNG DƯNG MUỐN…KIỂM ĐIỂM.



Những gì mình sắp viết dưới đây vợ mình còn chưa biết. Tóm lại mình chưa hé răng nói với ai nửa lời. Song, hưởng ứng NQ TW4, mình thấy có trách nhiệm phải kiểm điểm trước bạn bè của mình trên FB. Coi như một cữ tập dượt để tới đây kiểm thảo trước những người cùng chí hướng. Hì hì.

Mình học hành lận đận lắm! Chưa bao giờ học sinh giỏi, thậm chí có lần còn bị thầy toán chê tiếp thu chậm. Giờ cứ thấy ai nói đến giải toán là mình lờ đi rồi…trốn. Thế mà chẳng hiểu sao lại thi khối D, và không bài thi toán nào dưới 5, thậm chí có lần 8 rưỡi.

Phổ thông mình hết học ở Bắc lại vô Sài Gòn, từ trường làng cho tới thành phố, từ hệ 10 năm sang 12 năm rồi lại quay về 12 năm khuyết lớp 9. Thầy giáo thì loại 7+3 có, từ R (rừng) về có, lại thêm cả thầy được đào tạo từ chế độ Sài Gòn, thậm chí có giáo viên là cảnh sát ngụy. Ai mình cũng kính trọng. Trường sở cũng vậy, học trong đình, chùa và nhà mái rơm ở Bắc Việt đến trường dòng khang trang ở Sài Gòn, chỗ nào cũng có cái thú của nó.

Mình học chẳng giỏi gì thế mà năm đầu (1986) thi phát 21điểm rưỡi vào Khoa tiếng Anh, Đại học Tổng hợp HN, thiếu đúng nửa điểm được đi Liên Xô. Chịu khó “chạy” giờ biết đâu lại thành nhà khoa học, Việt kiều yêu nước và cũng có thể là… mafia Nga.

Với số điểm cao ngất ấy, mình được học bổng toàn phần, tinh tướng lắm. Sau hai năm, hết đại cương, bằng sự nỗ lực cá nhân và điều kiện thuận lợi, các em ở Hà Nội vượt lên, chiếm lấy khoản học bổng vài chục ngàn đồng và đẩy mình vào số những thằng phải đóng học phí.

Có 9000đ học phí thôi, nhà dẫu nghèo, bố mẹ cũng có thể cày thuê cuốc mướn lo được, nhưng sĩ hão (lại có phần thấy nhục) nên bỏ học luôn. Sau này, có ai hỏi sao bỏ học, mình nhìn xa xăm, lơ đãng thở dài vẻ khổ đau, nói do hoàn cảnh. Hi hi, ối người thương hại!

Hai năm tiếp theo, mình trải qua đủ nghề mạt hạng như phu hồ, làm thảm đay, seo giấy, ghi lô đề, đổ bê tông móng cọc…Những lần vục mặt đẩy chiếc xe cải tiến ự bột giấy (làm mũ cối) dọc phố Thụy Khê mới thấy nhục. Lúc ấy, bên tai văng vẳng câu nói của ông cụ khi báo tin nghỉ học, “con lớn rồi, tùy con quyết định cuộc sống của mình”. Chẳng lẽ đời mình như thế này mãi sao? Mình phải quyết định lấy cuộc đời của mình thôi.

Thế là tối về lôi sách ra xem. Khổ! Văn và ngoại ngữ còn nhớ chút chút chứ toán thì quên nhiều. Thế mà liều, vẫn thi. Năm đầu, hoang tưởng, nộp đơn vào Đại học ngoại ngữ (trường hot lúc bấy giờ). Trượt. Năm sau, ngắm thấy Khoa báo chí mới thành lập, hay hay, thì thi. Cũng đỗ, chính quy hẳn hoi, nhưng điểm bé lắm, không khoe đâu.

Từ K33 Anh ngữ nay học K 36 Báo chí nên mình thành lão làng. Có hôm đang ngồi học, bạn cũ ở K33 đi ngang nhìn thấy, chúng mắt trợn tay chỉ, nói ô thằng Phong, thằng Phong kìa! Mình ngượng không biết chui đi đâu.

Rồi cũng tốt nghiệp, chắc chắn thế, cũng lên tận Đại học Dược, vận áo mão cân đai làm lễ nhận bằng, chụp ảnh hoành tráng. Nhưng về nhà lôi cái bằng ra ngắm rồi nghĩ đoạn đường tiếp theo mà kinh. Làm gì để sống đây?

Lần đầu tiên nộp đơn vào một khách sạn của Singapo (giờ là Somaset gì đó ở Thụy Khê). Qua hai vòng người Việt phỏng vấn đều OK. Chính bọn này còn chắc mẩm mình là ứng viên số 1. Thế nhưng vòng cuối, người ta dẫn mình vào phòng một thằng Tây. Nó cao gần 2m, comple cà vạt chỉnh tề, nước hoa ngào ngạt, phòng điều hòa mát rượi, mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ và sang trọng. Trời ơi! Xa hoa quá! Một thế giới khác quá, lạ quá! Tai mình ù đi…, không nghe được gì hết, khiến nó phải vẫy một thằng người Việt ra dịch lại, nhục không! Nó bảo cứ về đi, sẽ liên hệ lại mà mình vẫn hy vọng, ngu thế không biết! Đúng là từ chuồng trâu bước ngay vào Resort, ăn ngay quả đắng, nhớ đời.

Lần thứ hai nộp đơn vào Bộ Ngoại giao. Ở đây không phỏng vấn mà thi. Đề bài đại loại thế này: Hiện các thế lực thù địch đang rêu rao ở VN không có tự do báo chí, anh/chị hãy viết một bài phản bác lại luận điệu trên.

Mình được 2 điểm. Bây giờ, thâm niên làm báo đã hơn 15 năm, có đủ vàng- bạc-đồng của Giải báo chí quốc gia, lại thêm tí quốc tế nữa, nhưng nếu làm lại cái đề trên, he he, không biết được nhiêu điểm đây ?

Ngô thiệu Phong

PS: Hôm nào viết tiếp vụ thi vào Đài, hay lắm, các bạn đón đọc nhé!












NHÀ VỆ SINH NHÀN ĐÀM.



Xem xét sự tiến bộ xã hội không chỉ căn cứ ở đầu vào (ăn) mà quan trọng hơn, bản chất hơn, chính là ở đầu ra (…).

Vì thế, càng văn minh, người ta càng chú ý tới công trình phụ. Bếp và nhà tiêu luôn là sự quan tâm hàng đầu của kiến trúc sư. Họ không ngừng cải tiến, thay đổi, nhằm thỏa mãn đòi hỏi khắt khe của thượng đế.

Lịch sử của công việc “dọn dẹp” trước khi kéo quần đứng dậy cũng thể hiện rõ điều này. Từ “dọn dẹp” đầu ra bằng đất thó, nâng cấp lên giẻ rách, rồi báo, đến giờ là giấy chuyên dụng. Trong giai đoạn quá độ từ đất thó lên báo, ở một số nơi, người ta sử dụng que để gạt. Thế mới biết, chưa ai nói hết được ý nghĩa, tác dụng của 700 tờ báo và tạp chí trong thời đổi mới này?

Khâu “dọn dẹp” tưởng chừng chỉ dừng lại ở đó, nhưng không, nhu cầu đã nâng sức sáng tạo trở thành vô tận. “Dọn dẹp” bằng vòi xịt đã trở nên quê mùa và nhanh chóng lùi vào dĩ vãng. Toa lét thời @ đã giải phóng đôi tay. Bây giờ họ chỉ việc ngồi, relax, relax, khoan khoái, thư thái…, mủm mỉm cười và kéo quần đứng dậy. Mọi việc đã có toa lét lo. Sướng!

Nhưng văn minh cũng có hai mặt. Toa let sạch như phòng khách, thơm như phòng ngủ đã thôi thúc bản năng buôn chuyện của chị em (mình đã kể ở bài trước). Kể từ khi entry ấy xuất hiện, chị em hệ mình trật tự hẳn. Đúng là chức năng giáo dục, thẩm mỹ của “văn học” thật thần kỳ! Ai chịu khó đọc mình nhất định sẽ sống nhân ái hẳn lên. He he.

Chẳng không à? Mọi người đều biết phòng mình cuối hành lang, cạnh toa lét. Có hôm hai em xinh như mộng xô cửa bước vào mắt trợn miệng há lúng búng hỏi: Anh ơi toa lét ở đây hả anh? Mình bảo ừ, em vào đi. Hai em đóng xầm cửa chạy mất, vừa chạy vừa thụi nhau cười rinh rích. Mình cố thể hiện sự bao dung và nhân văn sâu sắc như thế thồi nhưng bụng cũng ngầm nguyền rủa tên nào xỏ lá mình? Vì thế, các bạn lần sau có chỉ thì chỉ dẫn cho cụ thể. Đừng có làm ăn thiếu trách nhiệm như thế, phải dẫn người ta vào tận nơi mới gọi là chỉ dẫn chứ.

Có bí mật này hôm nay mới dám nói, các bạn nhớ kín tiếng nhe. Các bạn có nhớ khu vệ sinh VIP quây tạm bằng nhôm kính cho các sếp mình viết trong entry trước không? Đấy bí mật trong đó đó.

Bình thường phòng VIP tối om. Nhưng nếu bật đèn thì, ôi trời, sáng như ban ngày luôn, rõ mồn một. Cực chẳng đã, chỉ khi nào các xếp “đi”, tức là vào trong, mới bật đèn nên các sếp không phát hiện ra lỗi thiết kế chết người này. Các bác cứ ung dung relax, relax và chắc mẩm ở ngoài nhìn vào cũng chẳng thấy gì như ở trong nhìn ra. Nhưng hổng phải thế! Trời ạ! Thấy hết luôn…! Mình muốn có dịp nào thuận lợi khéo léo thông báo cho các cụ biết nhưng chẳng có cơ hội. Vài tháng sau các cụ về Quán Sứ cả. Tiếc!








CẢM XÚC ĐỒI NGÔ.




Cách biểu hiện các trạng thái cảm xúc xem ra cũng thật nghèo nàn. Cùng một cách biểu hiện nhưng đôi khi lại diễn tả hai trạng thái tình cảm, cảm xúc trái ngược. Buồn – khóc, nhưng vui cũng khóc, thậm chí say cũng khóc; đau đớn – rên, nhưng sung sướng cũng… rên.

Sự kiện Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một cảm xúc. Và Bộ GD-ĐT đã cố gắng biểu hiện cái cảm xúc mạnh mẽ ấy bằng việc sửa đổi, bổ sung một vài điểm trong quy chế thi ĐH-CĐ. Theo đó, thí sinh có thể đem theo phương tiện ghi âm, ghi hình nhưng không với mục đích gian lận. Một vị lãnh đạo ngành cũng tuyên bố với báo chí rằng “khuyến khích phát hiện và tố giác gian lận thi cử”.

Những tuyên bố và sửa đổi ngay trước giờ thi như vậy ít nhiều hâm nóng dư luận. Đã là quy chế thì cơ sở phải y lệnh, song không phải không có điều ra tiếng vào. Chính vì thế mà ông Phó Cục Trưởng Cục Khảo Thí và Kiểm định chất lượng GD lại một lần nữa phải lên tiếng đính chính và làm cho rõ rằng các thiết bị ấy “không thể nghe và xem được tại chỗ ”.

Kể ra một văn bản pháp quy mà cứ phải giật mình “nói lại cho rõ” thì cũng hơi nguy. Nhưng thôi, trở lại với hành vi quay phim tố cáo tiêu cực ở Đồi Ngô - Bắc Giang, cảm xúc chủ đạo để Bộ đưa ra một vài thay đổi trong quy chế. Hầu hết ý kiến trên các diễn đàn ủng hộ việc này, riêng tôi có góc nhìn khác. Tôi không phê phán nhưng không khuyến khích, thậm chí phản đối nếu ai đó cố tình sắp đặt, chuẩn bị trước để các cháu thực hiện.

Có lẽ nhiều người, vì bức xúc với GD, nhất là thi cử, nên hô hào cổ vũ thí sinh quay phim và tố giác gian lận. Tôi nghĩ như thế chưa công bằng và thiếu tỉnh táo.

Một việc, dù mục đích có tốt đẹp, nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm, không phù hợp với năng lực hành vi, tâm lý lứa tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ… thì không nên lôi kéo các em vào. Thấy hòn đá to nằm giữa đường, nơi xe cộ qua lại ầm ầm, ta không thể đòi hỏi một cháu bé 5- 6 tuổi chạy ra vứt hòn đá ấy đi để tránh tai nạn. Bởi việc ấy nguy hiểm cho tính mạng.


Gần đây trên mạng từng tranh luận gay gắt về công việc của hiệp sỹ đường phố. Phần đông ý kiến cho rằng nếu đó là hành vi tự phát, tự giác của cá nhân thì đáng cỗ vũ, nhưng nếu đưa vào tổ chức, phát động thành phong trào thì cần xem lại trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một xã hội pháp quyền.
Chúng ta từng xót xa trước những bức ảnh thiếu niên ở một số quốc gia nội chiến vai khoác súng như những chiến binh thực thụ. Do đó, không lý gì, ở một đất nước hòa bình, hạnh phúc thứ nhì thế giới, có Luật bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em như ta lại đi khuyến khích sử dụng con trẻ làm công việc của người lớn.

Con người, nếu chỉ qua các biểu hiện cơ thể, thì cảm xúc thể hiện rất nghèo nàn, cố lắm là vài cử chỉ như khóc, cười cho tới rên rỉ. Có lẽ vì thế mà thơ ca nhạc họa mới ra đời? Tức là phải vận dụng tới lý trí. Cảm xúc Đồi Ngô cũng nên vận dụng lý trí một chút chứ chẳng nên gãi ngứa dư luận bằng mấy điều bổ sung vào quy chế./.

Ngô Thiệu Phong

VÌ ĐÂU PHẢI HỌC BẰNG…ROI ?



Thế hệ trên 40 như chúng tôi có lẽ hầu hết đều bị roi hồi học cấp I, cấp II. Đối với cá nhân tôi, chuyện ấy chẳng có gì đáng bàn vì mỗi thời một khác, mỗi thế hệ một cách suy nghĩ. Hơn nữa, việc phạt roi của thầy cô thời ấy cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, răn đe, mục đích cuối cùng là để trò học tốt hơn. Phụ huynh và học sinh thường nhìn vào mục đích tốt đẹp ấy nên cũng chẳng phàn nàn gì.

Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã cách xa 30 năm, một nửa đời người. Học sinh hôm nay khác học sinh của mấy mươi năm về trước. Giáo viên hôm nay càng khác xưa nhiều. Vì thế, không phải cứ cái gì trước đây làm và đạt kết quả thì nay áp dụng sẽ thành công. Tôi đồ rằng phụ huynh (có con bị đánh ở Thái Nguyên) lên tiếng đồng tình với việc gia sư dùng đòn roi chắc suy từ bản thân mình. Cách nghĩ và hành động như vậy là áp đặt và không biện chứng.

Thử tưởng tượng bây giờ bắt các em ăn trầu, đi guốc xem chúng phản ứng thế nào? Mỗi giai đoạn có những chuẩn mực và giá trị riêng. Những chuẩn mực và giá trị ấy được quy định trên cơ sở luật pháp và sự chấp nhận của cả cộng đồng. Cho nên không thể lấy cái hôm qua áp cho hôm nay.

Có thể sau khi bị đòn, vì sợ mà các cháu sẽ để tâm học, nghe lời bố mẹ thầy cô, nhưng thử xem chúng ta đang làm gì? Có phải đang huấn luyện một động vật bậc cao bằng vũ lực để đòi hỏi sự vâng lời? Với cách làm này, đồ rằng, chúng ta sẽ sản xuất ra những cỗ máy tiếp tục dùng bạo lực để tìm kiếm sự tuân thủ mà không thèm biết, sự thành công ở một xã hội công nghiệp, phải dựa trên cơ sở của sự hợp tác và thuyết phục để đi đến đồng thuận. Sự thần phục không phải là một thái độ sống chân chính trong một xã hội văn minh.

Tôi tin rằng học sinh của thể giới phẳng hôm nay không chấp nhận lối GD kiểu bạo chúa. Các em không (hoặc chưa) bộc lộ sự phản ứng, nhưng lối GD như thế sẽ là vết thương khó lành hằn lên tâm lý các em. Việc làm như vậy biết đâu lại chính là mầm mống của lối hành xử cục cằn, thô lỗ, thậm chí là tàn ác sau này?

Với lối GD như thế, chúng ta sẽ nhân bản ra một đám người nhu nhược, thụ động, không biết hợp tác, tranh luận, đối thoại…, mà chỉ biết vâng lời khi nhận được sức mạnh từ quả đấm. Tôi không biết có mối liên hệ nào không khi mà đọc báo thấy lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế luôn bị kêu ca là vô kỷ luật và thường bị chủ đối xử thô bạo.

Về phần giáo viên, công bằng mà nói, khi họ lớn tiếng la mắng, thậm chí dùng roi vọt với học sinh, thì nhiều người cũng hạ hỏa, cũng giảm xì-trét. Mọi người hẳn còn nhớ các vụ đánh học trò cách đây mấy năm khiến nguyên Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong một cuộc giao ban, đã phải thốt lên: “Nếu không kiềm chế được thì đừng làm giáo viên nữa”. Khổ lắm! Không làm giáo viên thì biết làm gì?

Trong việc đánh trò này, suy cho cùng, giáo viên cũng chỉ là nạn nhân trong một môi trường GD cũ kỹ lạc hậu. Từ thực tiễn, chúng ta thử liên kết một vài hiện tượng:

* Dạy thêm học thêm: Cấm, rồi gần đây lại có nhiều chỉ dấu mở cửa, cho phép.

* Phụ huynh đạp đổ cổng trường thực nghiệm để kiếm một chỗ học mà bản thân họ cũng chỉ biết lờ mờ về thực nghiệm.

* Trường quốc tế thi nhau mọc lên với học phí trên trời. Liên kết đào tạo với nước ngoài bung ra cho dù học phí và chất lượng thường không song hành. Cho dù sự trí trá trong các loại hình đạo tạo kiểu này đang báo động nhưng phụ huynh vẫn cứ nhắm mắt đưa chân.

* Số HSSV du học mỗi năm một tăng, vẫn biết số đi chơi gần bằng số đi học.

Với những hiện tượng trên, phải chăng GD ở ta, từ đối tượng thực hiện đến người hưởng thụ GD đều đang bịt mắt đi đêm? Người làm GD tìm đủ cách để đạt cái gọi là “chất lượng cao nhất” theo tiêu chí, tiêu chuẩn rất Việt Nam; phụ huynh và học sinh thì vùng vẫy, mò mẫm để tìm cho ra một chỗ, một mô hình GD (mà họ nghĩ rằng) tốt nhất cho con mình. Con bị người khác đánh ai chẳng xót, nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác? Buồn nhất là họ cứ đinh ninh: Như thế (thì con, trò) mới giỏi?!

Bảo là khủng hoảng đường lối GD thì ghê gớm quá nhưng có thể nói từ nào hơn đây?

Ngô Thiệu Phong












Đừng mượn tay con trẻ.



Sáng nay nhận được cái tin: Xin gửi cho bài đầy đủ “Thi nghiêm, ngành GD làm được không?”. Nhân tiện, cho biết quan điểm về hành vi tố giác của thí sinh ở Đồi Ngô. Lưu ý: Đã đọc bài “Đừng lừa dối trẻ con” của anh trên blog vov.vn.

Tin của người lạ, định quẳng đó ngủ tiếp, nhưng thấy nội dung có vẻ ra lệnh, lại thách thức nên tò mò, tỉnh cả ngủ, có lẽ lại phải viết.

Bài “Đừng lừa dối trẻ con” ai chưa đọc xin mời theo đường dẫn ở trên. Trong bài này, tôi phản đối việc lợi dụng con trẻ để làm những việc không phải trách nhiệm, vượt quá năng lực hành vi và suy nghĩ của các cháu.

Với hành vi quay phim tố cáo tiêu cực ở Đồi Ngô - Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, hầu hết ý kiến trên các diễn đàn đều ủng hộ, riêng tôi có góc nhìn khác. Tôi không phê phán hành vi ấy nhưng cũng không khuyến khích, thậm chí phản đối nếu ai đó cố tình sắp đặt, chuẩn bị trước để các cháu thực hiện.

Một việc, dù mục đích có tốt đẹp tới đâu đi nữa nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm, không phù hợp với năng lực hành vi, tâm lý lứa tuổi… thì cũng không nên lôi kéo các em vào.

Thời chiến tranh, cho dù đã xuất hiện tấm gương Kim Đồng, có Đội thiếu niên Đình Bảng…, song Bác Hồ cũng chưa bao giờ đặt trách nhiệm chiến đấu hoặc làm gì đó quá sức với thiếu niên nhi đồng. Bác nhấn mạnh “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Trở lại với sự kiện Đồi Ngô, nhiều người vì quá bức xúc với GD, nhất là thi cử, nên hô hào cổ vũ cho hành vi quay lén và tố giác gian lận của thí sinh. Tôi nghĩ như thế chưa công bằng và thiếu tỉnh táo.

Nhiều vị GS đáng kính còn nói, nếu các cháu không tố giác thì ai sẽ phát hiện tiêu cực phòng thi đây. Không biết là ai nhưng nhất quyết không phải các cháu, nhất là khi thực hiện việc đó dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của người lớn.

Thấy hòn đá to nằm giữa đường, nơi xe cộ qua lại ầm ầm, ta không thể đòi hỏi một cháu bé 5- 6 tuổi chạy ra vứt hòn đá ấy đi để tránh tai nạn. Bởi việc ấy nguy hiểm cho tính mạng của bé.

Gần đây trên mạng từng nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về công việc của hiệp sỹ đường phố. Phần đông ý kiến cho rằng nếu đó là hành vi tự phát của cá nhân thì đáng cỗ vũ, nhưng nếu đưa vào tổ chức, phát động thành phong trào thì cần xem lại trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một xã hội pháp quyền.

Chúng ta từng xót xa trước bức ảnh thiếu niên ở một số quốc gia châu Phi đang có nội chiến vai khoác súng như những chiến binh thực thụ. Do đó, không lý gì, ở một đất nước hòa bình, hạnh phúc thứ nhì thế giới, có Luật bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em như ta lại đi sử dụng con trẻ để làm công việc của người lớn.

Ngô Thiệu Phong


ĐỌC THÌ VUI - VUI THÌ ĐỌC



Tính mình thấy bất kỳ điều gì cũng rất hay nghĩ vẩn vơ, lung tung, thậm chí lật đi lật lại xem sao. Mình cho rằng đó là bệnh của dân làm báo.

Trên Dân trí viết về cặp song sinh 2 đầu 1 thân, Abby và Brittany Hensel (Mỹ) kèm theo 5 phút video về cuộc sống của họ. Họ cũng sinh hoạt với cộng đồng như bao người khác: tụ tập sinh nhật, tìm việc làm, du lịch châu Âu... Hơn thế, cả hai (hay một nhỉ) vừa tốt nghiệp đại học. Thật xúc động! Nhưng khâm phục hơn cả là tình yêu cộng đồng dành cho họ. Ở cái xã hội “người bóc lột người” ấy mà sao nhân văn! Thèm!

Cả hai năm nay đã 16 tuổi. Mười sáu năm qua họ được hưởng hạnh phúc gấp nhiều lần để bù lại những bất hạnh mà số phận và tạo hóa đem lại. Nhưng tới đây mới thực sự là những năm tháng khó khăn. Họ sẽ đi làm, có tình yêu và thực hiện thiên chức làm mẹ. Chính điều này khiến cho gia đình Abby và Brittany cùng chính phủ Hoa Kỳ đang thực sự bối rối, chưa biết toan tính sao đây.

Khi làm thủ tục khai sinh cách nay 16 năm, chính phủ Mỹ tôn trọng hai cái đầu trên một cơ thể nên coi cá thể đó là hai người, vì thế mới có hai tên. Điều đó đồng nghĩa với việc luật pháp sẽ không cấm họ có tình yêu và thành hôn với hai người đàn ông. Mà các bạn biết rồi đấy, ở quốc gia coi trọng cá nhân như Mỹ thì người ta có thể làm mọi việc pháp luật không cấm. Chẳng biết đấy là lối sống Mỹ hay là sự tất yếu của một nền văn hóa đa chủng tộc?

Quay trở lại việc của Abby và Brittany. Vấn đề trở nên phức tạp khi từ rốn trở xuống, họ chung một bộ phận. Đáng quan ngại hơn cả là hai bộ phận đặc trưng nhất của đàn bà thì họ lại dùng chung. He he, khó thế!

Những bộ óc thông thái nhất của Lầu Năm Góc suy nghĩ nhiều tháng ròng mà vẫn chưa tìm ra giải pháp. Các nhà khoa học đã đưa các dữ liệu (là kết quả của những bài test về tính cách, lối sống, sở thích… của Abby và Brittany) vào máy tính để giả lập một bối cảnh họ “sống” với một người đàn ông, hai người đàn ông…, nhưng tất cả đều cho ra kết quả vô cùng bi thảm.

Nước Mỹ không bao giờ chấp nhận một cuộc sống như thế cho công dân của mình. Họ đang “đau đầu” tìm lời giải và treo thưởng 1 triệu Mỹ kim cho sáng kiến, thậm chí chỉ là ý tưởng, cho bài toán hóc búa trên. Xin mời các anh chị và các bạn!

Hãy để giáo dục là giáo dục !



Trong buổi họp báo sau đợt thi thứ 2 vào ĐH-CĐ, lãnh đạo Bộ khẳng định mấy điểm bổ sung vào quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ là cần thiết. Cá nhân tôi vẫn thấy có điều gì gờn gợn. Việc Bộ tái khẳng định đây là chủ trương đúng khiến tôi phải tự cật vấn xem mình có định kiến, cổ hủ và khắt khe. Vẫn biết cái cũ lạc hậu bỏ đi đã khó, cái mới xuất hiện đâu dễ được chấp nhận ngay, thói đời là vậy. Chính vì thế, tôi cố gắng khách quan khi nhìn nhận sự việc này.

Giới chức ngành GD nói trước nay xã hội không biết cái gì diễn ra sau cánh cổng trường thi nên việc bổ sung quy chế (cho phép thí sinh đem thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi) nhằm minh bạch hóa. Thực ra xã hội không biết là do ngành GD chứ đâu phải do cái thiết bị kia. Nói thế khác nào coi việc làm của hàng ngàn thanh tra, giám thị là công dã tràng?

Trên chục năm nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố một vụ việc gian lận nghiêm trọng nào xuất phát từ phía giám thị trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Và trên thực tế, dư luận xã hội cũng hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào kỷ luật phòng thi trong kỳ tuyển sinh này. Bộ chắc chắn biết điều đó! Vậy thì bổ sung quy chế vào “cái chỗ” mà Bộ biết thừa là “chẳng phát hiện ra cái gì đâu” để làm gì? Cú đòn gió ấy thực ra là để “gãi ngứa” dư luận vốn đang không hài lòng sau vụ Đồi Ngô. Tôi rất tiếc là trong cuộc họp báo không thấy phóng viên nào hỏi sắp tới Bộ có bổ sung điều khoản ấy vào Quy chế thi tốt nghiệp THPT hay không.

Tạm gác chuyện “mẹo mực” ấy lại, cái đáng lo hơn, theo tôi, là quan điểm GD. Tôi không phải là nhà sư phạm nhưng xin kể câu chuyện của một nhà sư phạm người Việt sang định cư ở Đức (mà tôi đọc được trên mạng) để minh chứng cho sự lo ngại về lối dạy của chúng ta.

Ở VN, chức danh sao đỏ và lớp trưởng có nhiệm vụ gì? Ai cũng biết đó là các việc như theo dõi, ghi tên học sinh đến muộn, không trực nhật, không mặc đồng phục; hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự, khi các bạn nghịch ngợm, chế diễu nhau ngoài lớp thì báo cô chủ nhiệm… Nói tóm lại là quyền năng của sao đỏ, lớp trưởng rất lớn. Lớp trưởng có sai thì hầu như chẳng học sinh nào dám mách cô cả và lớp trưởng đương nhiên được ưu ái.

Ở Đức, cũng như các nước có nền GD tiên tiến lại khác, không có chức danh sao đỏ và lớp trưởng với nhiệm vụ luôn đi soi mói và tố cáo, thậm chí còn được quyền thay cô phạt đòn bạn như ở ta.

Nhà sư phạm người Việt mà tôi nói ở trên có lần hỏi bà giáo người Đức rằng năm nay ai được chọn làm lớp trưởng. Bà giáo trả lời nguyên văn như sau: “Vì ông là đồng nghiệp nên tôi nghĩ tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm lớp trưởng cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn quá bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại, đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau. Khi phụ huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào cấp 1 mà đã có đứa được là "sỹ quan”, đứa là “lính" ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm...”

Công bằng mà nói thì cuối cấp 1 và cấp 2, do học sinh ở Đức đã lớn, nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh “phát ngôn viên” (Klassensprecher).

“Phát ngôn viên” là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. Nếu vi phạm bị coi là xâm phạm đời tư! Và chức danh này do lớp bầu trên cơ sở các ứng viên phải viết một bản cam kết sẽ làm gì, phải đạt được gì trong cương vị đó. Bản cam kết để “tranh cử” được cả lớp bỏ phiếu mà không có sự tham gia của giáo viên.

Kể lại câu chuyện trên, tôi lại càng thấm thía câu nói của GS sử học Phan Huy Lê: “Hãy để GD là GD, đừng để cái gì nó chi phối vào GD” khi ông bức xúc nói về chương trình môn sử và cách dạy sử tại một hội thảo với sự có mặt của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

“Cái gì” (theo cách nói của GS Phan Huy Lê) thì nhiều thứ lắm, nhưng cái mà mọi người thấy rõ nhất hôm nay là qua sự kiện Đồi Ngô và việc Bộ chủ trương khuyến khích thí sinh tố cáo gian lận phòng thi./.

Ngô Thiệu Phong


Lại không tuyển tại chức.



Sau Đà Nẵng có lẽ Quảng Nam là địa phương thứ 2 không tuyển ứng viên có bằng tại chức vào vị trí công chức hành chính.

Năm ngoái, sự kiện Đà Nẵng không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước đã dấy lên một cuộc tranh luận không hồi kết. Hình như có quan chức ngành giáo dục hay tư pháp gì đó nói như thế là phạm luật? Ý kiến dư luận cũng chia thành hai phe, bên nào cũng có lý, rốt cuộc sự việc cũng qua đi.

Để đến hôm nay, tỉnh láng giềng - Quảng Nam, tiếp tục nổ thêm một phát súng nữa vào tại chức. Mặc dù không còn chấn động như sự kiện Đà Nẵng nhưng chắc chắn nó củng cố thêm cho việc làm của Đà Nẵng và gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Học suốt đời là chủ trương của cả thế giới trong thế kỷ 21. Do đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo là quan điểm đúng. Sống trong một thế giới thay đổi từng ngày như hôm nay, thử hỏi con người có thể làm gì hơn ngoài việc học để đáp ứng sự thay đổi ấy? Ngay từ thế kỷ trước, người ta đã dạy sinh viên phải biết chấp nhận sự đa dạng thay vì khư khư tôn thờ cái đơn nhất.

Nói như học giả Nguyễn Trần Bạt thì không ai thành đạt được nếu người đó vươn lên để trở thành một người khác mình. Giá trị cống hiến của một cá nhân cho xã hội là cái riêng của cá nhân đó chứ không phải ở cái phần bắt chước. Bây giờ, họa có điên mới đi chế tạo ổ đĩa mềm to bằng bao Dunhill, chỉ 1.44MB, trong khi thế giới đã ra lò USB bằng mẩu socolate nhưng dung lượng 128GB.

Nói vậy để thấy tại chức không có tội, mà suy cho cùng, lỗi ở chính những công cụ điều chỉnh chất lượng của loại hình này nói riêng và đào tạo, bồi dưỡng nói chung.

Chúng ta mong muốn, hy vọng vào sự kiểm soát chất lượng đào tạo của nhà cung cấp dịch vụ. Điều đó là mơ ước chính đáng nhưng e rằng khó trong nền kinh tế thị trường sơ khai như ở Việt Nam. Đến ngay như Mỹ mà cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo cũng lên tới con số hàng chục với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Trong khi đó ở ta, kiểm định vẫn còn cảnh “mẹ hát con khen”, “tự sướng”, dốc sức tổ chức hai cuộc thi quốc gia xong là hụt hơi.

Tìm kiếm chuẩn mực chung và có tính ổn định là điều không tưởng. Chuẩn chỉ là sự tương đối và có thời gian sống càng ngày càng hữu hạn. Bạn chụp X quang ở Bệnh viện Bạch Mai buổi sáng và buổi chiều bạn đem kết quả ấy đến Viện 108 người ta không bao giờ chấp nhận; bạn mua vàng 9999 ở Bảo Tín rồi tạt sang bên đường bán cho PNJ thì họ vẫn cứ thử và cân lại như thường.

Theo tôi, cách tiếp cận chung nên như vậy, và điều tôi thực sự mong muốn là phải có công cụ điều chỉnh chất lượng đào tạo.

Chúng ta thường nói “giáo dục là công việc của toàn xã hội” hoặc coi giám sát đầu ra như một giải pháp hữu hiệu cho an toàn vệ sinh thực phẩm với khẩu hiệu bất hủ là “người tiêu dùng thông thái”. Vậy hà cớ gì một đơn vị sử dụng lao động không có quyền đòi hỏi chất lượng theo đúng nhu cầu?

Nếu như bất kỳ một đơn vị nào cũng có quyền thải loại nguồn nhân lực yếu kém thì đó mới là công cụ điều chỉnh chất lượng một cách bền vững cho cung cách đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận biện pháp kiểm soát tự thân của ngành giáo dục.

Về lý thuyết, chúng ta có đầy đủ chế tài để thanh lọc cán bộ, nhân viên yếu kém, nhưng trên thực tế, công việc này chưa tiến triển bao nhiêu, thậm chí có “tác dụng phụ”.

Bạn tôi, một cán bộ có chuyên môn, năng nổ với tràn trề hy vọng được sủng ái và tín nhiệm. Thế nhưng sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì anh vỡ mộng, hy vọng thành tuyệt vọng. Vì sao? Vì anh là cai gai trong mắt những người đồng nhiệm năng lực yếu, anh nghiêm khắc, khắt khe với đám nhân viên vốn dĩ lười nhác, kém cỏi, được dung túng nhiều năm dưới “triều đại” của người tiền nhiệm. Do đó, anh mất phiếu và bỗng dưng trở thành phần tử bị thải loại một cách oan ức và phi lý.

Hiện tượng trên cá biệt nhưng rất đáng quan ngại. Nó vô hiệu hóa công cụ điều chỉnh chất lượng nguồn nhân lực của xã hội. Trong bối cảnh ấy, tôi tin tưởng những nỗ lực riêng của Đà Nẵng, Quảng Nam; kính trọng sự “dấn thân”, quyết đoán của lãnh đạo hai tỉnh, những người biết trước là sẽ đối mặt với phản biện gay gắt từ nhiều phía khi chủ trương được ban hành./.
Ngô thiệu Phong.





LẠI NÓI VỀ TRẦN ĐĂNG KHOA.



Cứ tưởng thần đồng Trần Đăng Khoa đã "chết", nhưng không phải, chăm chú đọc anh mới thấy thi thoảng anh có những phát hiện và nhận xét rất độc đáo, rất Khoa.

Mình đọc Đảo Chìm cách nay trên chục năm. Không biết có phải thời đó biển đảo chưa nóng bỏng sục sôi, chưa máu thịt như hôm nay hay sao mà chẳng thấy ấn tượng mấy. Nhưng hôm vừa rồi đọc đâu đó thấy anh Khoa nói cái ý Trường Sa hôm nay có màu xanh của biển, trời lẫn với bóng màu xanh cây lá tốt tươi. Còn hồi anh ra Trường Sa chỉ có bóng người lính hằn in trên mặt cát. Chỉ một chi tiết ấy thôi bằng cả chục trang tả khổ, tả khó, tả gian lao, nguy hiểm.

Hôm nay, 27/7, ngó cái blog trên VOV.VN, xộc vào mắt mình hàng chữ : "Nếu trên mộ mỗi người lính chỉ thắp một ngọn nến, thì đêm đêm, trên dải đất hình chữ S của chúng ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà…" Một sự liên tưởng xúc động và vô cùng đắt. Một thực tế trần trụi đau đớn, xót thương nhưng không hề tiếc nuối, bi lụy.

Mình vẫn nghĩ ông nhà thơ, mang tiếng là lính này, nếu có bắn súng chắc phải bịt tai, không khéo ướt hết quần, nhưng điều đó (có đúng thì) cũng chẳng quan trọng gì. Cái chính là anh có chất lính trong người, có được sự đồng điệu với tâm hồn người lính, thấu cảm sâu sắc sự mất mát của chiến tranh...

Anh cũng máu lửa sục sôi lắm, cũng đớn đau với nhân tình thế thái lắm, nhà thơ mà. Nhưng cũng chính vì thơ nên anh biết cách điều hòa, điều chỉnh những uất nghẹn trong lòng bằng cách ví von hình ảnh vô cũng đắt giá như vừa nói ở trên. Còn mình, mình "chửi" luôn, "chửi" vỗ mặt, không "chửi" được thì cũng nói toạc móng heo, nói thẳng vào mặt cho bõ tức.

Vẫn biết làm thế chỉ tổ thiệt thân, nhiều người không thích, lắm kẻ chẳng ưa, nhưng biết làm sao được. Cái này thế hệ hậu sinh như mình phải cố học anh thôi, mà chẳng biết có học được không?

NTP 8h30, 27/7

MÂM NGƯỜI .



Nhật Bản có “món” bodyshusi, tức là lấy thân hình nuy 100% của các cô gái (gọi là Nyotaimori, tôi cứ gọi là geisha) ra làm mâm. Trộm nghĩ, các cô geisha phải học hành kỹ lắm, khổ luyện ghê gớm lắm mới thành tài. Tai phải biết "điếc" trước những lời lẽ nhảm nhí hay thói cợt nhả của thực khách.

Nhưng luyện công phu nhất vẫn là kiểm soát bản năng như cười, hắt hơi, ho. Đang loã thể làm mâm, vì nhột mà cười thì đồ ăn rơi hết. Thực khách đang thưởng thức mà geisha lại rắm một tiếng thì sao? Nổ cũng chết mà xịt càng toi. Nghe đâu luyện món này vẫn thuộc hàng bí truyền.

Tại sao không có geisha nam làm bodyshushi? Nếu có bodyshushi nam biết đâu lại xôm trò. Tôi đồ rằng ở cái xứ tư bản giãy chết ấy người ta nghĩ tới điều này cách nay cả thế kỷ, nhưng chắc là do mấy anh nam giới "tu luyện" không thành chính quả nên phải bỏ dở.

Geisha nữ thì phần đông thực khách là nam. Nếu có geisha nam thì khách ẩm thực chắc sẽ là nữ. Khách đang ăn ngộ nhỡ “thằng bé” từ từ ngóc dậy thì sao? Mấy ai có khả năng điều khiển được "thằng bé" hư này? Mình đoán rằng nếu có geisha nam thì, hoặc là người đó bị liệt dương, hoặc là phản xạ có điều kiện, một phát hiện của Pavlov giúp ông đoạt Nobel, không còn đúng nữa.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Thông báo.


Blog ở chỗ tôi bị chặn ghê quá nên mời các bạn qua nhà ở bên faceboook. Địa chỉ là Phong Ngô Thiệu. Khi nào blog chạy ngon tôi lại trở về .

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Hạnh phúc và âu lo.

Mẹ tôi gần 80 tuổi, sống sát thủ đô. 80 năm qua bà chưa một lần đi đâu vượt quá bán kính 80 cây số. Trước cuộc sống khó khăn, đã đành, nay tôi đi làm dành dụm được ít tiền nên hỏi bà có muốn đi thăm họ hàng trong Sài Gòn không. Bà lắc đầu. Tới bây giờ bà cũng chỉ biết biển qua màn hình vô tuyến. Hỏi bà có thích đi xem biển không. Bà lắc đầu.

Nói chính xác là muốn bà đi du lịch, nhưng hai từ đó quá xa lạ và xa xỉ với một người nông dân như mẹ tôi nên tôi nói tránh là đi thăm…, đi xem biển, vậy mà vẫn không thành công.

Cả đời bà chỉ biết tới ruộng đồng chồng con và bây giờ là cháu. Với nhiều người thì đó là sự cam chịu khổ hạnh. Nhưng bà lại sung sướng, hạnh phúc và thỏa mãn với những gì mình có.

Luận về sự sướng - khổ, nhiều người đã phân tích điều này, nhưng ở đây tôi muốn nói rằng quan niệm về hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của mỗi cá nhân và rộng ra là cả một quốc gia.

Với cách hiểu như thế, tôi không ngạc nhiên khi người ta chấm điểm Việt Nam hạnh phúc thứ nhì thế giới, chỉ sau Costa Rica.

Cách hiểu ấy càng được khẳng định khi tôi biết rằng tổ chức nọ đo hạnh phúc với các tiêu chí về tuổi thọ, mức độ thỏa mãn với cuộc sống của người dân và khai thác tài nguyên bền vững, thay vì chú trọng tới khía cạnh giàu có về kinh tế.

Nhân dân ở một quốc gia phải kinh qua ba bốn cuộc chiến tàn khốc trong suốt gần một thế kỷ, thì đến thời Đổi mới này, ai dám nói rằng không thỏa mãn. Những gì mà hòa bình và Đổi mới đem lại, với nhận thức của thế hệ mẹ tôi, là vô cùng lớn lao.

Song, cũng chẳng nên ôm ấp cái chỉ số thứ hai thế giới này mà mơ màng, kiêu hãnh. Chúng ta đang đối mặt với những trở ngại, khó khăn to lớn. Người dân, dẫu được sống trong hòa bình, nhưng vẫn phấp phỏng âu lo.

Tôi chưa bàn đến những chuyện to tát như biển Đông hay tái cơ cấu kinh tế, chỉ xin nói những câu chuyện hàng ngày của các bà nội trợ, trong đó có mẹ tôi.

Người ta nói dân Việt Nam luôn chuẩn bị sống. Tôi nghĩ đúng. Hầu hết chúng ta, và cả thế hệ như mẹ tôi nữa, chưa lúc nào sống cho mình với ý nghĩa đích thực và lành mạnh của từ này.

Chúng ta luôn trong tư thế phải đối phó với những gì bất ổn, không may sắp diễn ra. Vì thế hầu hết mọi người đều lo vun vén cho cá nhân, gia đình.

“Vun vén” với mẹ tôi là dành dụm vài chục năm để có quyển sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, là đầu tư cho con cái học hành, là bóp mồm bóp miệng cả đời để xây ba gian nhà ngói...

Cũng có người tận núi cao “vun vén” mà mua được nhà ở Hà Nội dưỡng già; người Hà Nội “vun vén” dựng dinh cơ bề thế ở quê để vui thú điền viên trong khi lương công chức, ai cũng biết, chẳng nhằm nhò gì.

Thôi thì mỗi người một kiểu, cũng chẳng sung sướng gì đâu, mọi người đang phải “chuẩn bị sống” theo những cách riêng của mình mà thôi. Chỉ buồn là, luôn phải “chuẩn bị sống”, nên ở một hoàn cảnh thuận lợi, con người ta dễ bị tha hóa lúc nào không hay.

Một hôm mẹ tôi đi chợ về, chưa kịp đặt làn rau xuống đất, bà đã phàn nàn: Bây giờ người ta bán cả lương tâm để kiếm sống. Ngạc nhiên chưa? Hiếm khi bà diễn đạt được một câu “hàn lâm” như thế. Số là hàng xóm có chị trồng rau, hôm trước vừa thấy phun thuốc, hôm sau đã thấy đon đả ngoài chợ, nói rau sạch, rau sạch bà con ơi. Riêng cái hiểm họa từ miệng này thì ông to bà lớn cho đến dân đen ai cũng sợ, vì ai cũng phải ăn. Sợ thực phẩm nhiễm hóa chất đến mức mà một tỉnh nào đó cấm cả trái cây ngoại!? Một lệnh cấm bất chấp những nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường nhưng lại được nhiều người ủng hộ này đã phần nào thể hiện được sự âu lo đến mức quẫn bách của cả người dân và nhà chức trách.

Đến đây lại nhớ câu vè của ông Bảo Sinh, chủ khách sạn chó độc nhất ở Việt Nam: Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì. Xin phép tác giả phóng tác ra dị bản để cho nó có tính thời sự và cũng là để kết bài này: Ra đường sợ nhất tai nạn giao thông/ Về nhà sợ nhất chổng mông bên bồn cầu./.

Ngô thiệu Phong