VÌ ĐÂU PHẢI HỌC BẰNG…ROI ?
Thế hệ trên 40 như chúng tôi có lẽ hầu hết đều bị roi hồi học cấp I, cấp II. Đối với cá nhân tôi, chuyện ấy chẳng có gì đáng bàn vì mỗi thời một khác, mỗi thế hệ một cách suy nghĩ. Hơn nữa, việc phạt roi của thầy cô thời ấy cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, răn đe, mục đích cuối cùng là để trò học tốt hơn. Phụ huynh và học sinh thường nhìn vào mục đích tốt đẹp ấy nên cũng chẳng phàn nàn gì.
Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã cách xa 30 năm, một nửa đời người. Học sinh hôm nay khác học sinh của mấy mươi năm về trước. Giáo viên hôm nay càng khác xưa nhiều. Vì thế, không phải cứ cái gì trước đây làm và đạt kết quả thì nay áp dụng sẽ thành công. Tôi đồ rằng phụ huynh (có con bị đánh ở Thái Nguyên) lên tiếng đồng tình với việc gia sư dùng đòn roi chắc suy từ bản thân mình. Cách nghĩ và hành động như vậy là áp đặt và không biện chứng.
Thử tưởng tượng bây giờ bắt các em ăn trầu, đi guốc xem chúng phản ứng thế nào? Mỗi giai đoạn có những chuẩn mực và giá trị riêng. Những chuẩn mực và giá trị ấy được quy định trên cơ sở luật pháp và sự chấp nhận của cả cộng đồng. Cho nên không thể lấy cái hôm qua áp cho hôm nay.
Có thể sau khi bị đòn, vì sợ mà các cháu sẽ để tâm học, nghe lời bố mẹ thầy cô, nhưng thử xem chúng ta đang làm gì? Có phải đang huấn luyện một động vật bậc cao bằng vũ lực để đòi hỏi sự vâng lời? Với cách làm này, đồ rằng, chúng ta sẽ sản xuất ra những cỗ máy tiếp tục dùng bạo lực để tìm kiếm sự tuân thủ mà không thèm biết, sự thành công ở một xã hội công nghiệp, phải dựa trên cơ sở của sự hợp tác và thuyết phục để đi đến đồng thuận. Sự thần phục không phải là một thái độ sống chân chính trong một xã hội văn minh.
Tôi tin rằng học sinh của thể giới phẳng hôm nay không chấp nhận lối GD kiểu bạo chúa. Các em không (hoặc chưa) bộc lộ sự phản ứng, nhưng lối GD như thế sẽ là vết thương khó lành hằn lên tâm lý các em. Việc làm như vậy biết đâu lại chính là mầm mống của lối hành xử cục cằn, thô lỗ, thậm chí là tàn ác sau này?
Với lối GD như thế, chúng ta sẽ nhân bản ra một đám người nhu nhược, thụ động, không biết hợp tác, tranh luận, đối thoại…, mà chỉ biết vâng lời khi nhận được sức mạnh từ quả đấm. Tôi không biết có mối liên hệ nào không khi mà đọc báo thấy lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế luôn bị kêu ca là vô kỷ luật và thường bị chủ đối xử thô bạo.
Về phần giáo viên, công bằng mà nói, khi họ lớn tiếng la mắng, thậm chí dùng roi vọt với học sinh, thì nhiều người cũng hạ hỏa, cũng giảm xì-trét. Mọi người hẳn còn nhớ các vụ đánh học trò cách đây mấy năm khiến nguyên Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong một cuộc giao ban, đã phải thốt lên: “Nếu không kiềm chế được thì đừng làm giáo viên nữa”. Khổ lắm! Không làm giáo viên thì biết làm gì?
Trong việc đánh trò này, suy cho cùng, giáo viên cũng chỉ là nạn nhân trong một môi trường GD cũ kỹ lạc hậu. Từ thực tiễn, chúng ta thử liên kết một vài hiện tượng:
* Dạy thêm học thêm: Cấm, rồi gần đây lại có nhiều chỉ dấu mở cửa, cho phép.
* Phụ huynh đạp đổ cổng trường thực nghiệm để kiếm một chỗ học mà bản thân họ cũng chỉ biết lờ mờ về thực nghiệm.
* Trường quốc tế thi nhau mọc lên với học phí trên trời. Liên kết đào tạo với nước ngoài bung ra cho dù học phí và chất lượng thường không song hành. Cho dù sự trí trá trong các loại hình đạo tạo kiểu này đang báo động nhưng phụ huynh vẫn cứ nhắm mắt đưa chân.
* Số HSSV du học mỗi năm một tăng, vẫn biết số đi chơi gần bằng số đi học.
Với những hiện tượng trên, phải chăng GD ở ta, từ đối tượng thực hiện đến người hưởng thụ GD đều đang bịt mắt đi đêm? Người làm GD tìm đủ cách để đạt cái gọi là “chất lượng cao nhất” theo tiêu chí, tiêu chuẩn rất Việt Nam; phụ huynh và học sinh thì vùng vẫy, mò mẫm để tìm cho ra một chỗ, một mô hình GD (mà họ nghĩ rằng) tốt nhất cho con mình. Con bị người khác đánh ai chẳng xót, nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác? Buồn nhất là họ cứ đinh ninh: Như thế (thì con, trò) mới giỏi?!
Bảo là khủng hoảng đường lối GD thì ghê gớm quá nhưng có thể nói từ nào hơn đây?
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ