CHUYỆN PHIẾM VỀ VỖ TAY .
Cùng với tiếng hú phát ra từ miệng, tiếng vỗ tay là âm thanh nguyên thủy nhất mà loài người chủ động tạo ra còn tồn tại tới hôm nay. Tiếng vỗ tay của loài người, từ buổi hồng hoang tới nay, là một tín hiệu mang tính quy ước, nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là để tán thưởng và cổ vũ? Chỉ đơn giản vậy? Không đâu! Không hề!
Mấy hôm nay báo chí nói nhiều tới tiếng vỗ tay lạc nhịp tại buổi hòa nhạc thính phòng giao hưởng vừa diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tai nạn vỗ tay từng xảy ra ở ta, và nói thực, vỗ tay trong hòa nhạc không dễ. Tôi đã được xem một bộ phim hài của nước ngoài với nội dung dạy cách ứng xử có văn hóa và vỗ tay đúng cách trong các buổi hòa nhạc. Phương tây, cái nôi của âm nhạc thính phòng giao hưởng còn vậy, huống hồ xứ ta.
Kể về tiếng vỗ tay lạc nhịp, ông bạn tôi nói, ôi dào, chuyện vặt, đừng bảo “tai nạn” mà là “thói quen nghề nghiệp”. Thử xem, toàn khách VIP, nghĩa là thường xuyên hội nghị, hội thảo, giao lưu…Cùng với hội chứng văn mẫu, diễn văn ở ta 10 cái giống nhau cả 10. Để minh họa, ông bạn đứng phắt dậy, cầm củ khoai đăng ăn dở làm micro, giả giọng MC nói:
Tới dự hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đồng chí GS-TS Ngô Thiệu Phong, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch, nhà văn…(dừng) VỖ TAY. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt BTC , xin nhiệt liệt chào mừng hội nghị, chúc hội nghị thành công tốt đẹp… (dừng) VỖ TAY. Xin trân trọng cảm ơn. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến đống chí Ngô Thiệu Phong và các vị quan khách… (dừng) VỖ TAY.
Cho nên đã thành lệ, hệ thấy một khoảng trống không có âm thanh là… vỗ tay.
Ông bạn phân tích tới đây tôi lại nhớ cái vụ “lạm phát” kính thưa. Chính phủ ra hẳn một nghị định chế tài rằng chỉ “kính thưa” một bác “to” nhất. Thế nhưng 8 năm qua, kể từ khi cái nghị định ấy ra đời, phần kính thưa tại hội nghị, hội thảo, tổng kết vẫn hơi bị dài. Và để xứng với phần kính thưa, phần giới thiệu từng đại biểu cũng phải thật long trọng. Sau mỗi lần giới thiệu, khổ chủ đứng lên, ngoái xuống, người giơ tay vẫy, kẻ gật đầu chào. Và dĩ nhiên sau màn đứng lên thụp xuống đáp lễ gượng gạo ấy là…vỗ tay. Khổ nhất mấy vị chức be bé cũng được giới thiệu, thường là sau cùng, vì thế, lộp độp vài tiếng vỗ tay rời rạc nghe rất thảm.
Về cái kiểu vỗ tay khuyến mại ấy thì phải kể tới mấy ông Sơn Đông mãi võ bán thuốc dạo. Cứ sau mỗi màn biểu diễn lại xin quý vị một tràng vỗ tay. Gần đây nhiều ca sỹ, có hạng hẳn hoi, cũng chỉ trỏ bốn phương tám hướng xuống khán giả để tìm fan rốt cuộc cũng chỉ xin một tràng pháo tay cho xôm trò. Vậy thì đừng nói các VIP không biết giao hưởng thính phòng là gì. Họ biết thừa. Nhưng thử xem, ở ta vỗ tay còn phải đi xin như thế, nay hào phóng ban tặng, không những một mà hàng tràng vỗ tay thì đúng là văn hóa quá đi chứ lị.
Không chỉ giải trí mới xin vỗ tay, trong một số cuộc họp, hội nghị, khi lãnh đạo hoặc người dẫn chương trình muốn “xin ý kiến hội nghị” thì vỗ tay ở ta còn biểu thị thái độ đồng ý. Nó đại diện cho tính dân chủ, thống nhất và đoàn kết cao độ.
Nói chuyện nhạc nhẽo lại nhớ thời trẻ tôi học ghi ta cổ điển tại nhà một ông giáo già ở Cầu Gỗ. Ông nghiêm khắc đến độ ngồi sai tư thế là bị khảo thước vào gối. Không thể cảm thụ âm nhạc bằng…thước nên sau một tháng tôi chuồn, mù nhạc từ bấy tới nay. Ngẫm cũng thấy đời mình may, không được là VIP, nếu không thể nào cũng hào phóng vỗ tay cho mà xem.
Nghề chơi công phu thật! Xưa các cụ ôm trống chầu tom chát đã thấy phức tạp, nay vỗ hai bàn tay vào nhau mà cũng phải lắng nghe niêm luật chương hồi, giải trí chi mà cực?
Nghĩ cũng lạ, ở ta, cái nơi cần vỗ tay đúng chỗ đúng lúc thì tự do; trong khi ở một không gian khác, rất cần sự hồn nhiên, thoải mái, khoáng đạt thì lại chỉnh tề đến khắt khe. Tôi đang nói tới tiếng vỗ tay ở chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” trên VTV, nghiêm cẩn như duyệt binh. Đúng nhịp và đều tăm tắp như thế chắc phải có nhắc vở. Nên chuyển giao kinh nghiệm này cho các VIP khi đi nghe hòa nhạc.
Hồi tôi công tác ở Sơn La, có lần cùng cán bộ tỉnh xuống một xã hẻo lánh họp. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử ở một xã miền núi nên từ trước đó mấy hôm, xã đã họp để phân công nhiệm vụ. Có một việc quan trọng nhất, đó là thịt dê, trong đó không thể thiếu món tiết canh. Đích thân chủ tịch xã quán triệt cho nhóm thịt dê là hễ cứ nghe tiếng vỗ tay thì đánh tiết canh là vừa. Ở cái nơi mà khái niệm thời gian chỉ tương đối với ngày và đêm, giờ được xác định bằng tiếng muông thú, côn trùng và bóng nắng, thì chỉ đạo và điều hành công việc như thế là quá “chuẫn”! Hay! Đây là tiếng vỗ tay thú vị nhất, thiết thực và ý nghĩa nhất mà tôi từng nghe và cũng chính là… tác giả.
He he. Vỗ tay đi rồi đi ăn tiết canh./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ