Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

TÒ HE THỜI @



Chủ nhật vừa rồi tôi tạt qua Cung Thiếu nhi mua cho “cún” con tò he. Hứa mấy bận rồi nhưng đều lấy quyền làm bố tự cho phép mình quên. Cháu chọn một con mà mình khẳng định là gà trống nhưng nó kiên quyết xác nhận đấy là “con” Angry Bird, có ở trong Ipad của bố. Mình kiểm tra lại, đúng là “chim dữ” thật, biểu tượng một trò chơi trên máy.

Làm sao ông lão nặn tò he bộ dạng nghèo khổ quê mùa kia lại biết được một cái “con” mới toanh, vừa xuất hiện trong một sản phẩm thời thượng, đang mê hoặc lũ trẻ?

Trong suy nghĩ của tôi, tò he phải là Tôn Ngộ Không, là Bạch Cốt Tinh, là chú Tễu, ông Phỗng rồi hoa hồng, hoa sen…Hóa ra trẻ con của “thời Apple” không chỉ say mê chú Tễu, ông Phỗng mà còn có những đòi hỏi cao hơn: Angry Bird. Đến giờ thì đã hiểu vì sao “cún” nằng nặc đòi tò he, một trò chơi dân gian tưởng như không có trong đầu lũ trẻ hôm nay.

Ông lão nặn tò he đã biết làm mới mình, biết tự “tái cơ cấu” cái mẹt tò he của mình để hấp dẫn những đứa trẻ của thế kỷ 21, và cũng là để tự tồn tại song hành cùng với những sản phẩm tân kỳ như Ipad, Iphone. Một hiện tượng thú vị của WIN – WIN; một ví dụ sinh động về quan hệ cộng sinh giữa những tín đồ của “quả táo cắn dở” và một trò chơi truyền thống cổ xưa.

Ông lão đã theo được nhu cầu của lũ trẻ, biết được thời sự niềm mê đắm của chúng hướng vào cái gì nên đã thành công.

Nghề báo của tôi cũng có điểm giống như nặn tò he. Nếu không luôn tự hỏi trước những dòng chữ rằng, món ăn này thực khách có thích thú không, có tiêu hóa được không… thì cũng chẳng khác gì miệt mài nặn chú Tễu, ông Phỗng rồi đem rao bán trước sự thờ ơ của lũ trẻ.

Dù là một cơ quan mang đậm sắc thái “tuyên truyền, định hướng” nhưng nhu cầu của thính giả vẫn là cơ sở vững chắc và ổn định cho người làm báo dựa vào đó để tìm đề tài, chúng ẩn khuất đâu đó trong hơi thở của cuộc sống.

Ông lão liệu có bán được hàng nếu bê cái mẹt tò he đứng dưới cổng 45 Bà Triệu? Rõ ràng ông lão đã biết xác định “đối tác chiến lược” của mình là trẻ con và “vị trí chiến lược” không đâu khác ngoài cổng Cung, cổng trường. Xác định được đối tác, đối tượng trong bối cảnh đối thoại cũng như đối đầu sẽ quyết định sự thành bại của cuộc chơi.

Có bạn nói cha Phong này điên, cứ bắt anh em phải xác định rõ đối tượng người nghe là ai trong chương trình của mình. Hâm! Phát lên giời ai nghe mà chẳng được. Các bạn nói không sai, nhưng nếu thế ta không bán được con tò he nào đâu.

Ở cổng trường bán bim bim, kẹo mút và tò he…, khách sạn một hai sao thì quầy lễ tân có khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải…bán kèm vài sản vật địa phương, có ai khuân điều hòa, máy giặt ra những chỗ ấy bán đâu? Nếu biết khách hàng là ai thì ta mới xác định được mặt hàng cần bán là thứ gì và bán như thế nào.

Hơn nữa, thính giả là thiếu nhi thì chương trình phải vui nhộn, nhí nhảnh, tiết tấu có thể nhanh nhưng không thể quá dài vì khả năng tập trung của các em có hạn; người nghe là các cụ thì cách nói năng phải rõ ràng, chững chạc và điềm tĩnh...; với bác nông dân thì câu cú phải giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ...

Nói tóm lại, thính giả quyết định cách ta chế biến món ăn gì và như thế nào. Và càng khu biệt trong một nhóm càng nhỏ đối tượng thì càng có điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Ông lão bán tò he quê kệch, biểu trưng cho cái gì đó rất xưa cũ, nhưng lại có những sản phẩm hợp thời. Cảm ơn ông đã cho tôi cái tứ để trình bày với các đồng nghiệp một câu chuyện nghiệp vụ nhàm chán !

PS:
Các bạn tô một nét son, thay một tấm áo, về bản chất cũng là tái cơ cấu-reform một cách thô sơ để đẹp hơn trong mắt chồng và đồng nghiệp. Vậy hãy thử tái cơ cấu chương trình để “đẹp” hơn trong tai thính giả xem sao.





0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ